ý kiến của các tác gỉa: nguyên sa. văn cao. đỗ qúy toàn. tô thùy yên. quỳnh thi. huệ thu. trần mộng tú. nguyễn thị thanh bình. hoàng lộc. triều hoa đại. hoàng xuân sơn. khánh hà. luân hoán. như chi. khánh trường. du tử lê. phan ni tấn. trang châu. thái tú hạp. lưu nguyễn. chu vương miện. đỗ kh. lâm chương. hà nguyên du. song hồ. nhất linh. yên thao. cao thoại châu. hoàng hương trang. xuân tùng. thương hoài thương. hà nguyên dũng. đỗ bạch mai. trịnh bích ba. phạm việt bằng. phùng thanh chủng. vũ huy long. băng sơn. huỳnh minh tâm. khắc thạch. dương thuấn. trương sĩ hùng. đặng nguyệt anh. trầm hương. lê khánh mai. nguyễn hoài nhơn. nguyễn lương ngọc. vĩnh nguyên. lê quốc hán. lê kim giao. hoàng việt thắng. nguyễn trung hiếu. văn trọng hùng. trương nam hương. nguyễn tấn sĩ. lê lâm. trần xuân an. lê hoài nguyên. trinh đường. ngô tịnh yên. chân phương. tường linh. phan xuân sinh, hoa thi, trân sa, đỗ trung quân, phan thị thanh nhàn, nguyễn quang thiều, thanh thảo, tuyết nga, phan huyền thư, ly hoàng ly, song vinh, vũ duy thông, trần huiền ân, thanh thảo, song hào, bằng việt, ...

 

Nhà thơ Nguyên Sa

1 .
trả lời nhà văn Nguyễn Nam Anh (Nguyễn Xuân Hoàng)
tạp chí Văn, số 13&14, xuân Mậu Dần 1998


...Làm thơ, với tôi, bao giờ cũng cần có cảm hứng, có cảm hứng mới làm được thơ, không có cảm hứng thì chịu thua. Cảm hứng đưa tôi vào thơ, thời gian này, cũng như hơn bốn thập niên, luôn luôn đến đến từ sự xúc động chân thực. Có rung động thực và rung động gỉa, cho nên có cảm hứng thực và cảm hứng giả. Lúc hai mươi tuổi, đam mê tình ái mang thơ lại cho tôi. Tôi nghĩ thơ tình thời học trò mà tôi nói chuyện suy tư về hữu thể và hư vô là xúc động giả, sâu xa giả, thơ làm dáng không phải thơ. Khi tuổi già đã tới, không còn đam mê tình ái, cánh cửa của mỗi đời người sắp khép lại, những xúc động của những ngày tháng đối diện với sự thật của kiếp người, một cuộc tình hồi tưởng lại, một cuộc tình mơ ước, giọt sương mai mong manh, cơn mưa đến muộn, buổi hoàng hôn nơi quê người, người bạn thâm niên bỏ xứ vĩnh viễn...là nguồn cảm hứng hôm nay của tôi. Cảm hứng xây trên xúc động chân thực luôn luôn đổi mới cùng với kỹ thuật thi ca có suy nghĩ giúp cho sáng tạo tránh khỏi nhắc lại chính mình.

2.
trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh
(Nguyên Sa, tác gỉa, tác phẩm 2 trang276-277)

Thơ không có cách nào làm rực rỡ hơn ngoài ngôn ngữ. Ngôn ngữ biểu lộ cảm xúc của mình và quan trọng nhất. Kỹ thuật cũng như triết lý chỉ là phương cách phụ thuộc và là yếu tố hổ trợ. Nó không làm rực rỡ thi ca. Triết lý không có vị trí chính yếu trong thi ca ngoài vị trí chính yếu của nó trong triết học.

Nếu chủ trương mang triết học vào thơ, nó sẽ không thành thơ mà cũngchẳng thành triết lý. Triết lý phải có sân chơi riêng của nó. Vì sao ? Thơ cũng như âm nhạc, cái nghĩa lý của nó không quan trọng mà cái chính yếu là chính nó. âm nhạc hay chưa hẳn cần lời ca hay, những tác phẩm âm nhạc lớn dều không lời. Nhạc là xúc động chứ không là nghĩa lý. Xúc động vượt ra khỏi nghĩa lý của tư tưởng và ngôn ngữ. Trong thơ, cái hay của nó là chính nó, vì ngôn ngữ thơ là ‘sự vật’, không là ‘dấu chỉ’ 

Tôi xin cắt nghĩa điều đó. Chúng ta có ngôn ngữ chỉ đồ vật, cái bàn, cái ghế; có động từ cười, giỡn, phản ảnh niềm vui. Trong văn xuôi, tiếng nói, ngôn ngữ là dấu hiệu phản ảnh nội dung. Như đèn đỏ đầu đường biểu hiện của dấu hiệu cấm băng qua, chào bạn là dấu hiệu của sự thân ái. Văn xuôi là tiếng nói biểu hiện nội dung, là dấu chỉ.

Nhưng thơ phải khác. Phân tích một câu, hoa cười ngọc thốt đoan trang, không có ý nghĩa cười như hoa, lời như ngọc, như trong văn xuôi. Hoa cười, chỉ là một hình ảnh có chất gợi nhớ trong thơ. Nếu ra đường mà nói hoa cười với một cô gái thì chắc rằng cô ta sẽ cho rằng đang nói chuyện với một thằng điên. Nhưng hoa cười ngọc thốt đoan trang thì lại tuyệt vời trong thơ.

Thơ không phải là dấu hiệu phản ảnh một thực thể mà chính nó là một thực thể. Thơ biểu lộ một thực tại khác (hiểu theo nghĩa rộng). Thơ là một hữu thể riêng biệt.

Nhiều người đi tìm xem thơ phản ảnh điều gì. Phản ảnh là một việc, thơ còn có một đời riêng, là chính nó, cái đó mới là chính yếu. Khi tìm ra được cái gốc cốt lõi ấy rồi, thơ không phải là cái khác như triết lý, chính trị nó phản ảnh. Như tượng Phật, tượng Chúa, những biểu tượng tôn giáo...nó không đơn thuần là một đồ vật mà nó là những điều thiêng liêng không thể cắt nghĩa được. Ta không thể đơn giản hóa với thắc mắc như định giá trị bằng bao nhiêu tiền hoặc chế tạo bằng gì, mà phải chú ý đến phần biểu hiện của nó, thiêng liêng hơn.

3.
trả lời Nhà báo Lê đình Ðiểu
(tạp chí Thế Kỷ 21 số 105 & 106 tháng 1 &2-1998)

đầu tiên phải xác định rõ ràng rằng cái việc làm thơ mà cách tân về hình thức thì có nhiều người làm không ? Tôi thấy hình như chỉ có cụ Phan Khôi là cách tân về hình thức để làm ra loại thơ mới, được hổ trợ bởi ông Thế Lữ. Còn Xuân Diệu, Huy Cận vẫn làm thơ tám chữ. Gọi là cách tân thì chỉ mình ông Phan Khôi cách tân chứ không thể nhiều người cách tân được. Còn như cụ Nguyễn Du thì không cách tân gì cả, làm thơ lục bát. Các cụ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương thì làm thơ đường . Các loại này cũng không cách tân Mà nếu như mỗi nhà thơ đều cách tân một loại thơ thì có mấy ngàn loại thơ thì..nhiều quá.

Ngoài những thể thơ lục bát, ngũ ngôn, tám chữ, tôi có làm thơ thể tự do, số thơ thể tự do chiếm phân nửa số thơ tôi làm. Thơ tự do có cách tân không ? Tôi nghĩ nó không có cách tân bao nhiêu, vì nó cũng là một loại thơ nằm trong dòng tiến bộ của thi ca, từ khung khổ có vần điệu phá thể ra không vần điệu và nó được ảnh hưởng khá nhiều bởi thơ tự do của thế giới. Thơ phản ảnh rung cảm của chính người làm thơ, cái gì mà người ấy rung cảm mà làm đạt tới, thì giọt nước đó có chút ánh sáng lung linh của đại dương to lớn kia. Nhưng mà thể thơ thì tôi không nghĩ nó có vai trò to lớn ấy.

Trong thơ, tôi không thấy vượt hay không vượt, tôi chỉ thấy nó có khác không. Tôi thấy thơ sau này có khác thơ lúc trước. Mỗi thời kỳ thơ đều có nét riêng của nó. Còn nói hơn, vượt thì khó lắm, bởi vì mỗi tác giả tồn tại thì họ đã đạt được tuyệt đỉnh của loại thơ đó . Thơ tả cảnh của bà Huyện Thanh Quan, Thăng Long Hoài Cổ chẳng hạn thì đạt tuyệt đỉnh của thơ đường tả cảnh. Làm thơ đường tả cảnh thì sẽ hay trong cách của thơ đường. 

Còn làm thơ tự do tả cảnh thì sẽ đạt cái tuyệt đỉnh trong thơ tự do. Chỉ có khác biệt chứ không hơn kém. Không thể bảo bài thơ tự do đó vượt bài Thăng Long Hoài Cổ của bà Huyện Thanh Quan . Bài thơ đã thành công tức nó đạt được tột đỉnh của nó (của tác giả đó chứ không phải nguyên loại đó). Thành ra khó lòng nói một bài sau vượt được bài trước, cũng không thể nói bài trước trùm lấp để bài sau không có chỗ đứng riêng. Mỗi bài thơ, mỗi thời kỳ đều có nét riêng của nó.

4.
trả lời tạp chí Văn Học ở Hoa Kỳ
ba câu hỏi chung cho một số tác gỉa Việt tại hải ngoại
(Văn Học số 111 tháng 7-1995)

Vấn đề không có đủ thì giờ cho công việc sáng tác là vấn đề muôn đời. Ngòi bút không đủ nuôi sống nhà văn xứ nghèo như chúng ta cơm áo thúc phọc, nghề tay phải nghề tay trái, không có đủ thì giờ để viết, tay trái làm mệt tay phải. Ngay như những người không cần đến nghề tay trái, tay mặt lúc nào cũng thảnh thơi cũng không đương nhiên có đủ thì giờ, vì đôi khi có thì giờ thì không có cảm hứng, khi có cảm hứng lại thiếu thì giờ.

Thời gian này tôi hoàn toàn sống bằng nghề cầm bút, viết báo. Công việc này chiếm nhiều thì giờ, quả thật có gây khó khăn cho công việc ‘sáng tạo’, với tôi là viết truyện và làm thơ. Nhưng mặt khác, công việc sinh nhai này cũng mang lại cho tôi những trợ giúp trong việc sáng tạo. Thì giờ dành hoàn toàn cho viết lách, dù báo chí, tạo thành một thói quen sinh hoạt tinh thần, lắm khi có cơ hội bước qua sáng tạo cũng thoải mái.

....

Ba câu hỏi :
- Viết để làm gì ?
- Viết như thế nào ?
- Viết Cho Ai ?

Là những câu hỏi có một gắn bó triết học được Sartre làm nổi bật. Khi đã xác định viết cho ai, thì phải chọn lựa viết để làm gì và viết như thế nào . cũng có thề nói chính viết để làm gì làm cho chọn lựa viết như thế nào và cho ai.

Tôi xin phép trả lời một phần ở trong, một phần ra ngoài khuôn khổ triết học của những câu hỏi để có thể nói lên được nhiều tâm sự hơn.

Tôi viết văn và làm thơ bằng tiếng Việt, tôi viết cho người đọc tiếng Việt. Hiện nay tôi mong mỏi có người Việt Nam ở hải ngoại đọc tôi, và tôi hy vọng đồng bào tôi ở trong nước khi có tự do ngôn luận, tư tưởng và xuất bản, cũng sẽ đọc. Hành động viết và tiếp tục viết có biểu lộ một khuynh hướng lạc quan về ngôn ngữ Việt Nam, sự tồn tại của nó nơi hải ngoại, một khuynh hướng lạc quan về tương lai Việt Nam.

Tại sao viết ? Trong những yếu tố triết lý, viết là hành động, là cách thể hiện hữu, yếu tố chính trị xã hội, viết là hành động dấn thân, là cách thế biến đổi thế giới, yếu tố tâm lý như sự thôi thúc của nhu cầu sáng tạo, trở thành chính mình, thể hiện bản thân, tôi cảm thấy gần gụi yếu tố tâm lý nhiều hơn.

Biết một phần nào viết cho ai, biết đại khái tại sao viết, tôi còn biết ít hơn vấn nạn viết như thế nào ? Tôi vẫn nghĩ câu trả lời luôn luôn hậu nghiệm , ‘a posteriori’ Không thể tiên nghiệm, ‘a priori’được. Cũng không thể là hệ luận của ‘tại sao’ và ‘cho ai’. áp dụng một công thức để giải bài toán thì tốt. Sáng tạo theo một công thức, một định luật, sợ rằng có làm tổn thương cho sáng tạo. Mỗi lần sáng tạo là mỗi lần viết băng băng. Thảng có lúc suy gẫm về kỹ thuật sáng tạo của người đi trước, kinh nghiệm luật ba đơn vị của kịch trường Pháp thế kỷ 17, kinh nghiệm thơ tám chữ của tiền chiến, kinh nghiệm thơ tự do của Eluard, của Prevert, cũng có lúc rút tiả khinh nghiệm của mình, nhưng kinh nghiệm giải thích được từ tha nhân hay chính mình có thể trở thành khuôn thước trong công nghiệp tới sau, nhất định không quan niệm được như những định luật và những chỉ dẫn ý thức trong việc sáng tạo.

Hơn thế nữa, người sáng tạo nhiều khi còn loại bỏ những dấu vết của tha nhân và bản thân khi bắt gặp chúng vô thức lồng nhập vào trong tác phẩm. Tôi cũng mong có lúc có thì giờ nhìn lại xem mọi việc đã diễn ra ‘như thế nào’ . Lúc này còn kẹt quá. Tôi có thì giờ in ra cuốn thơ Nguyên Sa 3 như dự tính. Sau đó mong có thì giờ để hoàn thành cuốn Giấc Mơ. Sau đó, may ra mới có thể tính đến chuyện ‘như thế nào ?’

Nguyên Sa

 

Nhà thơ Văn Cao

Mấy ý Về Thơ
(Văn Cao, Cuộc đời và Tác phẩm)

Một trong những hướng xây dựng nhân văn là đào tạo cho xã hội những người biết khai thác, khám phá, phân tích thực tế và mở đường cho tương lai. Nhà thơ trước hết, muốn làm nhiệm vụ ấy, phải có những đặc tính trên. Chính những đặc tính đó đặt ra vấn đề thành lập cá tính cho mỗi nhà thơ.

Trong lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật, nếu có một số nguyên tắc để giải quyết những vấn đề căn bản của xã hội loài người thì cũng chỉ là một phương pháp sơ lược dùng để gợi ý cho mọi người phát triển hay sáng tạo. Người ta không thể nào biết rõ và hạn chế được tất cả những sáng kiến, phát minh vì người ta không thể biết rõ và hạn chế hết những nhu cầu của loài người ngày một phức tạp hơn lên. Trái lại,trong cách suy nghĩ khác, nếu có người cho là yêu cầu của loài người sẽ dần dần đơn giản và có thể điều khiển được như máy móc, thì người ta sẽ nhờ đến việc đơn giản và bớt đi những phát minh mới mở đường cho Văn học và Nghệ thuật.

đến với cuộc đời, nhà thơ không chịu đựng một sự may rủi mà phải chủ động thành lập nên sự thẩm mỹ mới cho người đọc, chủ động xây dựng con người biết tư tưởng cảm xúc và cảm giác tinh tế như mình trong xã hội đương thời và cả xã hội sau này. 
Không ai ngăn những nhà thơ lần mò cặm cụi đi theo những lối mòn. Khốn nỗi những người đọc của chúng ta lại cứ muốn tìm trong cái đám đông người bộ mặt có thể ưa thích được. Họ không muốn nghe lại những ý những lời đã cũ cũng như không muốn mua lại những đồ cũ mà họ đã phải thải đi từ lâu rồi. Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà mở đường. Bởi vì,những người đó đã nghĩ đến sự tiến bộ của Nghệ thuật.

Cái mới đâu phải là những cái không sẵn có. Sự làm mới những cái sẵn có cũng là một phương pháp sáng tạo. đã hàng thế kỷ, mỗi nhà thơ vẫn hàng ngày vẫy gọi mặt trời đến chiếu vào tâm trang mình. Thế mà những câu thơ hôm nay về mặt trăng mặt trời vẫn mới mẻ như đêm như ngày qua lại, cái mới trước hết là cái mới trong tư tưởng, trong cảm xúc và trong càm giác của nhà thơ. Tấm bia trên mồ một người đã khuất cò lẽ còn ở lâu trên mặt đất hơn một cuộc đời. Biết bao nhiêu bài thơ mang cái mới nhất thời đã rụng trong khi tác gỉa của nó còn sống. Nguyễn Du khi sáng tạo cái mới trong thơ còn lo ba trăm năm sau không có người hiểu. Người thành công nhất ngày nay phải lo tới thất bại ngày sau và người lo thất bại ngày nay cũng phải lo tới cái thất bại ngày sau. Nếu không có sự lo lắng đó, một nhà thơ không nghĩ tới trách nhiệm của mình khi viết, hoặc chỉ viết cho người bây giờ mà không có trách nhiệm với người sau.

Chúng ta đọc một nhà thơ như đi theo một dòng sông. Dù bắt đầu từ khúc nào, dù ghé vào bến nào, chúng ta đều phải nghĩ là ngược lên nguồn thì đường dài lắm, mà xuôi ra biển thì biển còn xa. Hai điểm đầu và cuối đó đều thấy vô cùng. Ai muốn khám phá xem con đường ngược và đường xuôi như thế nào còn có thể tiếp tục nhau khai thác được nhiều. Cuộc đời và Nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng . Mỗi chữ mỗi câu, mỗi bài thơ mở ra cái quãng ngược, quãng xuôi, những cái không nói tới mà người đọc càng tìm thấy mãi. Sự thất bại thường gặp trong bài thơ là sự khép lại : khép tất cả sự muốn nghĩ và muốn nói. Người ta đã đánh giá sai lầm về trí tuệ của đại chúng. Tôi nghĩ rằng trí tuệ ấy, sẽ phong phú bởi vì nó dần dần được tập trung hết kho tàng của dĩ vãng (trong đó có phần trí tuệ của nhà thơ).

Có người nói thẳng tới cái vô cùng tận của trời xanh, có người nói cái vô cùng tận của trời xanh qua cái rộng của biển, cũng có người thấy trời xanh vô cùng tận trong bát nước và cũng có người chỉ nói tới một giọt ánh sáng để tìm thấy cái vô cùng tận của trời xanh . Có người phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe mà có người tìm thấy dấu xe trong một hạt bụi. đấy là những khác nhau giữa những nhà thơ. Sao nghệ thuật không biết tìm ở đấy sự phong phú ? Sao người làm thơ không biết tìm riêng lấy một cách thể hiện ?

Qua một bài thơ, người ta thấy ngay con người của nhà thơ đang sống thực, Tư tưởng cảm xúc và cảm giác của nhà thơ phải thể hiện tinh vi. Câu thơ như vào trong óc để gợi sự suy nghĩ, vào trong tình cảm để xúc động và như vào trong da thịt để khêu gợi ! Chỉ riêng cái phần giác quan của nhà thơ cũng nói được cái hướng biểu hiện hoặc thiên về tư tưởng, hoặc thiên về cảm xúc, hoặc thiên về cảm giác. Cái khuynh hướng đó nhiều khi là của cả một thời đại, một môn phái hay một triết học. Chúng ta đã qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và một thời kỳ cảm giác. Cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu ? Người làm thơ biết thành lập cho mình một cá tính trong suy nghĩ, trong tình cảm, trong cảm giác những điều mới lạ bao nhiêu là làm phong phú thêm cho người đọc về mặt tư tưởng, cảm xúc hay cảm giác. Người đọc bị cuốn sau cùng vào cái khuynh hướng của nhà thơ. Trong đời sống của chúng ta hiện nay có biết bao nhiêu người đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của các tác phẩm Văn học và Nghệ thuật và cũng có biết bao nhiêu sự biến đổi xã hội gây ra do cách đặt vấn đề của những tác phẩm này.

Người làm thơ phải đi tìm những tư tưởng, cảm xúc và cảm giác trên kia trong thực tế ở những con người đang hàng ngày túi bụi xây. Càng tới gần cái cuộc sống đầy mâu thuẫn đấu tranh là càng như đi gần lại một kho thuốc nổ. Có người dao động và sợ hải quay lưng. Có người vụng về mà làm nổ. Nhưng cũng có người can đảm biết làm nổ để mở đường.

Hôm nay, con đường lớn nhất của chúng ta là mở cho tất cả những giấc mơ, những khát vọng thuộc về sự sáng tạo của con người tự do phát triển bay đi xe mật về ổ. Mở cho những giấc mơ, những khát vọng tự do phát triển bao nhiêu là tật trung tất cả giấc mơ và khát vọng của con người làm thành mũi nhọn kéo lê đi phía sau cái thực tế chập chạp.

Văn Cao
12-7-1957

 

Nhà thơ Ðỗ Qúy Toàn

1.
Nói Chuyện Thơ
(tác phẩm Tìm Thơ Trong Tiếng Nói
Thănh Văn Hoa Kỳ xuất bản 1992)

Năm 1851, Cao Bá Quát đang thu xếp hành trang rời bỏ xứ Thần Kinh để trở về Sơn Tây nhận chức giáo thụ, Tùng Thiện Vương gởi ông tập thơ, nhờ viết tựa. Cao Chu Thần viết : ‘Phù, thi chi, nan ngôn dã’- ôi, cái chuyện thơ, nói thật là khó vậy.

Thi sĩ họ Cao không phải là người nổi tiếng về đức khiêm tốn, nhất là trong lãnh vực
thơ phú. Nếu ông thú nhận chuyện thơ khó nói, chắc là khó thật, chứ không phải ông chỉ nhún nhường giữ lễ với một người bạn bút mực - và một hoàng thân. Chuyện thơ quả khó nói thật. Tự nói cho mình nghe đã khó chứ đừng kể nói cho người khác nghe. Kẻ hậu sinh không phải không biết vâng lời dậy của người xưa, mà vẫn cứ viết về thơ như thế này.

Chẳng qua là Thơ, cũng như sự sống, như hạnh phúc, mãi mãi cứ là một nỗi ám ảnh không thể nào quên nguôi, đeo đẳng mãi không rời ...

Thơ cũng giống như hạnh phúc, nói khó lắm, nhưng không nói thì trong lòng nó vẫn
tấm tức làm sao ấy. Người đã làm thơ và đọc thơ mà lại bị cái trí tò mò tư lự nó ám, thế nào cũng ôm mối thắc mắc đó hoài. Thơ là cái gì nhỉ ? đặt câu hỏi đó rồi, đã thấy sai ngay. Nếu chưa biết nó là cái gì thì tại sao biết cái này hay cái kia là thơ để hỏi thơ là cái gì ? Hay là hỏi cách khác : Cái gì là thơ nhỉ ? cái gì gây ra thứ rung động mà mỗi chúng ta, mỗi người cảm thấy khi nghe một thứ để gọi nó là thơ ?

....

Thánh Thán, suốt một đời bình luận thơ văn, đã giảng 600 bài thơ đường, bị xử tử trước họ Cao gần hai trăm năm, trước khi chết cũng không nói chuyện văn chương hay chính trị, chỉ dặn vợ con một điều tâm đắc trong đời, là ‘dưa muối ăn với đậu vàng thì có vị như hồ đào, nếu phép này được truyền lại thì ta chết cũng không ân hận’. (Theo Trần Trọng San). Thành ra, chúng ta cũng không biết nếu nói về thơ, thơ nói chung, thì Kim Thánh Thán sẽ dạy thế nào. Một vị sư tổ khác, Paul Valery thì bảo ‘nói là đi, làm thơ là khiêu vũ’. Có người vịn vào đó để giải nghĩa rằng thơ là nói có nhịp điệu. Có thi sĩ bảo cái gì không thể dịch sang tiếng nước khác được thì đó là thơ (Frost). Có người bảo khi viết thể này rồi đổi sang thể không được, thì đó mới là thơ hay (Lê Qúy đôn). Lại có người triệt để hơn, nói thơ hay là khi nào ‘dịch’sang cùng một thứ tiếng mà không được (Coleridge). Bùi Giáng nói thẳng :’Thơ là gì ? Không biết’. Nguyễn Tuân nhận xét ‘định nghĩa về chất thơ...cũng khó như định nghĩa cho chất uy-mua - humour’Mà humour (u mặc) thì Lâm Ngữ đường thấy nó cũng giống như là gãi lưng. Mình không biết đích xác ngứa ở chỗ nào, gãi nhè nhẹ chỗ nào cũng thú thú, gãi tới đâu sướng tới đó. Hoàng đức Lương lại ví thơ như nem gỏi, ăn vào sướng miệng. đã bảo nói chuyện thơ là khó. đã nói rồi là sẽ lan man nói đến chuyện nhảy, chuyện cười, chuyện ăn, chuyện gãi ngứa, bao nhiêu lạc thú khác của đời sống. Rất ít khi có người sành làm thơ và sành đọc thơ dám quả quyết: ’Thơ là..’. Chỉ các học giả và các nhà viết giáo khoa, vì lý do nghề nghiệp mới phải làm thuyết giảng một định nghĩa của thơ , hay của ‘chất thơ’. Ediot viết về các thi sĩ, về các bài thơ, về nhạc trong thơ, về vai trò xã hội của thơ, nhưng cũng rụt rè khi phải nói về thơ như một thực thể riêng. Ezra Pound rất là ‘thánh phán’, thay vì viết về thơ thì ông viết về chữ Hán, về Thiên đường, về Vortex, tất cả các thứ đó sẽ giúp chúng ta biết thêm về thơ, từng chút một. Thơ, hóa ra như một con voi, mỗi lần sờ thấy một chỗ, thật khó tường thuật lại cho đầy đủ.

Chuyện thơ cũng như chuyện hạnh phúc. Biết là nên sống hơn là bàn về mấy chuyện đó, nhưng rồi vẫn thắc mắc, cứ bàn.Mỗi lời bàn không giúp cho người nghe hiểu rõ về thơ hay về hạnh phúc, nhưng sẽ biết thêm về người bàn. Như chuyện họ đã sống thế nào, làm thơ, đọc thơ thế nào. Người bàn chuyện phải thú nhận nói chuyện thơ là nói chuyện mình Vì vậy hãy nói kinh nghiệm mình tiếp cận với thơ tự đầu đến giờ ra sao. Các cố gắng tổng quát hóa, trừu tượng hóa thành qui cách thật đáng ngợi khen, nhưng cũng không đáng tin cậy bao nhiêu. Nếu chia xẻ được vài ý tưởng với ai chẳng qua chỉ là vì người ta đã sống qua kinh nghiệm đó rồi.

.....

Suy nghĩ về thơ chúng ta không thể không nghĩ về tiếng nói. Vì thơ lấy tiếng nói làm chất liệu ; cũng như hội họa dùng đường nét, màu sắc, nhạc dùng âm thanh.

.....


Mỗi nhà thơ mang đến cho chúng ta một người khách lạ, khách nhập vào hồn ta, bằng ngôn ngữ, vì chúng ta chia xẻ với nhau một hệ ngôn ngữ chung. Khách đã thành chủ, mà chủ cũng là khách, khi câu thần chú đọc lên. Như Rimbaud bảo ‘On me pense..Je est un autre’Tôi, nó là một thằng khác (thư, 13 mai 1871).

.....

Tiếp nhận một bài thơ là tiếp nhận cả hệ thống tiếng nói, trong đó có kinh nghiệm thẩm mỹ của người đọc về hệ thống tiếng nói đó. Nhà ngữ học Saussure đã thí dụ người nói như một người chơi cờ, trong mỗi nước cờ bao hàm cả một hệ thống các quy luật chơi cờ, cũng như cả chiến lược của kỳ thủ.

Mỗi câu thơ, bài thơ là một toàn thể và chúng ta tiếp nhận chúng như một toàn thể.

...

Giữa người làm thơ và người đọc thơ có một sự trao đổi, một diễn trình truyền thông.

Cho nên đi tìm thơ chúng ta cũng phải suy ngẫm về vai trò của thơ trong công tác truyền thông, từ thi sĩ đến người đọc .

.....


Người làm thơ hẳn phải thấy lúc bắt đầu và lúc đang viết là lúc sung sướng, ngây ngất nhất. Sáng tạo như ngồi đồng thiếp. Phần có ý thức rất nhỏ. đàng sau phần có ý thức, bao nhiêu hạch tuyến đang làm việc. Một thi sĩ thiền sư đã có lần nói rằng: Người thiền giả tập để sống tỉnh thức trong mọi cử chỉ, việc làm của mình. Nhưng khi đang làm thơ thì rất khó tỉnh thức.

Vậy cái phần ‘không ngờ’về tác dụng của một bài thơ là phần mà chính thi sĩ không ý thức được. Bởi vậy nên mới có công ăn việc làm cho các nhà bình luận, các nhà phân tích văn chương, và các thầy cô giáo. Họ thông dịch tiếng nói của thi sĩ ra tiếng nói chung của nhiều người. Dịch là méo mó.

Bởi vì chúng ta cùng chia xẻ một gia tài chung là ngôn ngữ, và trải qua những kinh nghiệm sống có phần nào tương tự, nên những bài thơ mới chuyên chở được các xúc động từ người làm thơ tới người đọc thơ, dù bao nhiêu nhiễu xạ đã can thiệp. Một bài thơ vượt qua những hàng rào nhiễu xạ, sẽ mở cửa trái tim nhiều người đọc.

Chúng ta có thể không đồng ý một bài thơ là hay, hoặc mức độ hay của một bài thơ

Nhưng về thơ không hay thì rất dễ nhận ra, dù chính người làm thơ khó nhận ra là thơ mình dở. Một bài thơ dở khi nào không gõ nổi cửa trái tim một người đọc. Có người làm thơ rồi đem cho người khác đọc, thấy họ bất động, bèn giải thích cặn kẽ cái hay kín đáo của thơ mình khiến cho, sau cùng, người đọc phải gật gù ‘à ra thế, nếu không có ông giải thích thì tôi không hiểu nổi’. đó là một trường hợp thất bại của người làm thơ. 

Một bài thơ tự nó phải nói được. Những lời giải thích đi bên cạnh một bài thơ chỉ để giúp cho độc giả hiểu thêm tại sao lời thơ lại khiến mình rung động. Nếu độc giả không xúc động vì bài thơ, chỉ xúc cảm vì có lời giải thích, khi đó người giải thích là thi sĩ. Người đó đã dịch một hệ thống tín hiệu (tiếng nói của thi sĩ) sang một hệ thống khác.

......


Làm mới ngôn ngữ là một tham vọng quá lớn. Người làm thơ chắc cũng yêu thơ, và do đó sẽ đọc rất nhiều thơ của các thế hệ trước, của các đàn anh, đàn chị. Thế hệ nào cũng vùng vẫy cố thoát khỏicác nhà thơ đi trước. Cứ mở miệng ra đã lẩy Kiều rồi thì khó vượt qua cửa Nguyễn Du. Thời Phan Khôi làm thơ (1932) , ông đã than: ’Cái ý nào mình muốn nói...thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi..Té ra mình cứ loanh quanh luẩn quẩn trong vòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức’Thời Phan Khôi, nói ‘họ’là nói đến Thanh Quan, Tiên điền,đỗ Phủ, Lý Bạch, Thời sau này bao nhiêu thi sĩ khác cố thoát mà không khỏi vòng tay của Huy Cận, Vũ Hoàng Chương vv...rồi sau này khi Bùi Giáng thoát khỏi Nguyễn Du, Huy Cận, rồi thì lại có người khác không thoát ra khỏi tay Bùi Giáng...

Thơ thường biến đổi nhiều nhất khi cả cuộc sống xã hội thay đổi. Thơ mới, thơ tự do ra đời khi xã hội Việt Nam trải qua các xáo trộn. Tình cảm, tư tưởng đều đòi thêm tự do, thêm cởi mở...

.......


Một bài thơ là một cách nói duy nhất, khôn nói cách khác được, vì thi sĩ đã xử dụng ngôn ngữ theo một kiểu riêng. Làm thơ là thay đổi qui thức quen thuộc của ngôn ngữ. Mỗi
bài thơ lại là một cách thay đổi qui thức nói năng, bày trò chơi ngôn ngữ theo qui luật mới.

...


Khi bàn tới ‘ cuộc chơi ngôn ngữ ’ qúy vị đọc xong có thể có cảm tưởng thi sĩ chỉ ngồi chơi một mình với các tiếng, các hình ảnh. Một tiếng dùng theo cách mới tạo ra qui thức của một cuộc chơi ngôn ngữ mới. Một hình ảnh dùng theo cách mới cũng vậy.

Nhưng các tiếng và các hình ảnh mới chỉ là phần tiếp giáp giữa thi sĩ với ngôn ngữ. 

Ngôn ngữ còn một phần chìm sâu hơn, trải rộng hơn, đó là phần tiếp giáp giữa ngôn ngữ người nói với các người nghe, giữa thi sĩ và xã hội xung quanh, những người cùng chung một hệ tiếng nói. Trên mặt tiếp cận đó, ngoài các yếu tố thuần túy ngữ học (nghĩa, âm, cú pháp...) còn phải chú ý đến các yếu tố ngoài phạm vi của ngữ học. Trong cuộc tiếp cận giữa người nói và người nghe có những ý hiểu ngầm, những giả thiết được coi là tiền đề mà ai cũng lẳng lặng chấp nhận. Các ý ngầm các tiền đề đó nằm trong hệ thống giá trị, trong ý thức hệ tiềm tàng của một nền văn hoá, một thời đại. Các giả thiết tiền đề được hiểu ngầm là một phần rất quan trọng trong tất cả các câu nói mà chúng ta trao đổi với nhau.

......

Nếu phải xếp hạng thứ thơ nào tôi thích hơn, thì tôi sẽ xếp theo thứ tự như sau:

1/ Thơ hay tự nhiên là thứ nhất
2/ Thơ hay và khéo cũng tốt
3/ Thơ hay mà không khéo thì dễ thương
4/ Thơ khéo không thôi thì hơi thường
5/ Thơ khéo mà không hay xin miễn
(và những thứ khác có vần mà không phải thơ)

Nói xếp hạng cho vui, chứ mỗi người sẽ nhận diện cái khéo và cái hay một cách khác
nhau. Có những câu thơ nghe rất tự nhiên nhưng chỉ người làm thơ mới biết đã mất bao lần gọt giũa mới thành. độc giả không cùng một kinh nghiệm thẩm mỹ, không được đào luyện trong các lò ngôn ngữ như nhau, thì cách thưởng thức sẽ khác nhau. Có những lời tự nhiên thanh thoát ở đời này, sang đời khác lại có vẽ cầu kỳ, điêu trác.

Các thi sĩ ‘giỏi nghề’ thường làm thơ rất khéo, càng lớn tuổi càng khéo. Nhiều khi cái khéo làm mất cái chất hồn nhiên, đột hứng, đột khởi của thơ đi. Nhiều khi cái khéo được dùng để che lấp sự thiếu thốn hứng khởi. Nhất là ở các thi sĩ với một kho từ vựng và cú điệu độc đáo, họ có thể xào xáo trộn các lối nói và từ ngữ độc đáo đó, khiến ai đọc cũng nhận mặt được. Khi đó, các chữ nghĩa khéo léo trạm trổ làm cho người đọc ‘hoa mắt’, quên cả sự trống rỗng và cảm hứng yếu ớt trong bài thơ. 

Những người thơ già tuổi nghề có thể dùng kinh nghiệm để, ít nhất tránh những chỗ vụng về, tầm thường. Có những bài thơ hay, nhưng vẫn còn sót những câu vụng, tầm thường . Kinh nghiệm giúp người ta thay đổi vài tiếng, vài hình ảnh, khiến cho nó bớt vụng bớt tầm thường. Nhưng không chắc nhờ thế mà thơ hay hơn. Thơ hay tự nhiên phải như ‘tự trên trời rớt xuống’, không ở tài khéo léo mà làm ra. Cái khéo không thể thay thế cái hứng khởi tự nhiên và độc đáo. Cho nên thi sĩ chuộng cái hay tự nhiên hơn là tài khéo.

....

Tôi đề nghị chúng ta nên đọc thơ như thể mình đang sáng tạo. Vừa đọc vừa mở ra một thế giới, trong đó lời và cảm thọ do lời gây ra được tự do phát triển. Chúng ta có học thêm , sống thêm được chút nào, rồi ta đọc lại như đọc lần đầu, khám phá bài thơ một lần nữa. Lời và những cảm thọ, tình ý do lời tạo ra không thể cắt chia. Trong công việc xử dụng ngôn ngữ của loài người, lời và ý gắn chặt vào nhau nhất là khi chúng ta la hét, chửi thề, rên rỉ, và khi ta làm thơ, hay đọc thần chú.

....


Nên người đọc thơ phải đóng vai thi sĩ, nghĩa là đóng vai nhân vật mà thi sĩ đang thủ vai. Trong một bài thơ, có khi ta đóng vai này; có khi đóng vai khác. Ta bỗng già, bỗng trẻ, bỗng là nam, là nữ, bỗng yêu, bỗng giận, sống với bài thơ.


 Ðỗ Qúy Toàn
(Nhà xuất bản Thanh Văn giới thiệu :Tìm Thơ Trong Tiếng Nói (của đỗ Qúy Toàn) : Mười tám bài tiệp ký về thơ chung quanh một chủ điểm : thơ là một nghệ thuật dùng ngôn ngữ. Lấy thơ Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu nhưng tác gỉa cũng có khi trích dẫn cả thơ Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Octavio Paz, E.Pound hay Pasternak vv và cả tiểu thuyết Hồ Trưòng An, Nhất Linhvv...Khi bàn về việc làm thơ, đọc thơ, thưởng ngoạn thơ, giải thích, sửa chữa thơ, tác giả có dịp giới thiệu với chúng ta các ý kiến của các thi sĩ và nhà phê bình khác : Bùi Giáng, Beardsley, Cao Bá Quát, Chế Lan Viên, Coleridge, De man, Elliot, R.Frost, Hàn Mặc Tữ, Huy Cận, Jarrell Jakobson , Kim Thánh Thán, Lê Qúy đôn,Lưu Trọng Lư,H.Miller, Nguyễn Tuân, Nguyễn Tử Trấn, Pasternak. E.Pound, IA Richards, G.Seferis Shklovsky, Tào Thuết Cần, Tùng Thiện Vương, Thanh Thảo, P.Valery. Võ Phiến, Wimsatt, Xuân Diệu..vv. độc giả cũng có dịp làm quen với tư tưởng và ý kiến của J.Austin, Chomsky, Russell, Sapir, Saussure, Whorf, Wittgenstein vv..Nhưng các ý kiến của các nhà nghiên cứu ngữ học hay triết gia trên được dẫn ra chỉ cốt để chúng ta cùng thưởng thức thơ Bùi Giáng, Cao Tần, đinh Hùng, Nguyên Sa, Luân Hoán, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Bá Trạc, Quang Dũng, Lê đạt, Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Hoàng Xuân Sơn,Trần Mộng Tú, Trần Dạ Từ, Thanh Thảo, Nguyễn Chí Thiện,Hồ Xuân Hương,Ngu Yên và rất nhiều nhà thơ khác ở trong nước và ở hải ngoại.)

 

2.
trả lời Châu Hải Châu ( n.t LH)
(tạp chí Sóng số 71 tháng 4-1988)

Nàng, là một tập thơ in năm 1965. Tôi thực sự chưa bao giờ có ý định in thơ. Tập thơ thứ nhất này do một số bạn bè góp tiền in tặng, nhân đám cưới của vợ chồng tôi. Tôi nhớ có Trần Dạ Từ, Tú Kuế, Lê Tất điều, Lê đình điểu, Vũ Dũng, Nguyễn Trung, Dương Nghiễm Mậu vv và cả anh Phạm Duy nữa. Nguyễn Trung vẽ bià và vẽ cái mặt tôi in bên trong. Hình như mỗi người góp hai trăm đồng thời đó, coi như đi mừng đám cưới. 

Tập thơ viết về Nàng, nhưng không phải chỉ là thơ tình. Có những rung động siêu hình Có những thao thức tâm linh. Khi yêu mình hầu như thấy cả vũ trụ và mình trong vũ trụ. 

Tập thơ đêm Việt Nam do nhóm sinh viên văn khoa in năm 1966. Những bài thơ này viết từ 1963. Khi tôi xúc động trước thời cuộc như biến cố : hoà thượng Thích Quảng đức tự thiêu, đám tang Nhất Linh. Nhưng phần lớn các bài thơ đó viết sau khi tôi đã đi nhiều về

miền quê từ vụ cứu trợ nạn lụt miền Trung 1964 và tiếp xúc với những đau khổ trên quê hương. Anh ruột tôi tử trận năm 1963. Những người bạn khác cũng lần lượt vào nghĩa trang quân đội. Khoảng hè 1966, mấy bạn sinh viên tổ chức các buổi đọc thơ ở khu đất Khám Lớn , tức đại học Văn Khoa, ở đường Gia Long, hình như đó là đêm đọc thơ đầu tiên trước công chúng. Tôi nhớ có Trần Dạ Từ, Tú Kuế và tôi cùng đọc thơ. Hình như có cà Trần Tuấn Kiệt. Những bài thơ nói về nỗi đau không không thể ngâm nga được, cho nên chúng tôi đọc, có lúc thét lên. Có một nhà văn đàn anh, sau đó đã viết rằng:’nghe đọc thơ, anh thấy rùng mình’. Các bạn sinh viên đề nghị in. Tất nhiên, Sở Kiểm Duyệt không cho in nên họ chỉ quay Ronéo. Nguyễn Trung vẽ bìa và phụ bản rất đẹp.

Cả hai tập thơ trên, tôi đều không có ý định in. Cả hai đều do anh em họ làm giúp. 

Sau này tôi cũng tiếc là mình hờ hững với thơ quá. Bây giờ muốn in lại làm tài liệu cũng khó tìm hết các bài thơ mình có thể vẫn còn thích. Tôi vốn coi chuyện làm thơ là chuyện rất riêng tư. Mình không nhịn được thì phải làm thơ, chứ không phải để làm gì, để cho ai cả. đăng báo thì dễ dàng. Người đọc báo xong thì quên ngay. Góp một bài thơ cũng như tới họp mặt với bạn bè, cho vui vậy thôi. Bây giờ ở nước ngoài thì khác. Lắm lúc muốn đọc lại thơ Tô Thùy Yên chẳng hạn, tôi lại trách thầm, tại sao cái ông ‘điên Thành Tinh’ đó không in một tập thơ để mình dễ tìm. Anh chị em tản mác khắp nơi, tìm một tờ báo lắm lúc cũng khó. Như vậy tôi mong các bạn thi sĩ nên in thơ thành tập thì hơn.(CHC ghi chú: hiện nay Tô Thùy Yên đã cho xuất bản Thơ Tuyển)

....Tôi đã viết đủ các loại thơ. Nhưng thể thơ lục bát viết ít nhất. Có lẽ mỗi lần viết tôi lại tự thấy trong thơ mình có ảnh hưởng của các thi sĩ khác. Những người cùng thời với tôi như Trần Dạ Từ, Viên Linh, Bùi Giáng vv...đã vượt thoát khỏi những ảnh hưởng của người xưa nên lục bát của họ mới lạ, kiều diễm hơn nhiều...

Ðỗ Qúy Toàn

 

Nhà thơ Tô Thùy Yên

góp ý về Thơ Vần
qua cuộc phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam và tạp chí Thơ
(Thơ số mùa đông 1996)

Theo tôi thiển nghĩ, thơ, về mặt âm thanh mà xét, khởi đi từ ý muốn thuận tai. Riêng  với thơ vần, những âm thanh của những từ vần được quan niệm như những âm thanh dội trả, đáp ứng. Do đó, nhạc điệu của thơ vần mang tính chất cuộn tròn trong từng đoạn, như hình ảnh con rắn cắn lấy cái đuôi mình tượng trưng cho một ‘vicious circle’ đặc biệt, với những ngôn ngữ độc âm, quan niệm này được đẩy xa hơn trong những đối chát chẳng những của âm từmà cả nghĩa chữ. Ta không quên là lý thuyết văn học cổ điển xây dựng trên những tiêu chuẩn cân xứng, hài hòa và nhất quán. Tinh thần nhất quán được phát biểu rõ nhất ở kịch cổ điển và chẳng phải chỉ áp dụng riêng cho kịch, phần nào cũng được hiểu như là một tinh thần tập trung và tự chế, nhằm tạo hữu hiệu một cường độ cần yếu cho tác phẩm.Một đoạn thơ vần, cả trong phần nhạc lẫn phần tứ, không muốn mở ra xa. Những quặt rẽ, những ‘digressions’ (vốn là mặt mạnh, đồng thời cũng là mặt yếu của chủ nghĩa lãng mạn) thường không tìm thấy trong thơ vần cổ điển, nói chung trong văn học cổ điển.

Tôi cũng nhận thấy thêm là một bài thơ dài thành công, tức không bị sa lầy vào sự phân giải lắm lời, phải là một bài thơ mà mỗi đoạn ngắn của nó, nếu như được tách riêng ra, đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh. Nghĩ xa hơn một chút, tôi có cảm tưởng là giọng của thơ vần vốn là giọng ‘kể’, hiểu tho nghĩa ‘kể lể’cũng được, và giọng của thơ không vần là giọng ‘nói’, giọng ‘nói thường’. Sự phân biệt về mặt nội dung của hai loại thơ vần và thơ không vần, xét chung, dường như cũng quanh quất trong tinh thần đó. Một cách khái quát, ở thơ vần, thông thường, những tình ý được diễn đạt nối tiếp theo một liên lạc ‘logic’hiển lộ, trong khi ở thơ không vần, những chuyển mạch giữa những tình ý phần nhiều bị nhận lớp hoặc bao che, người đọc phải tự lần phăng lấy. Nhận định như vậy, có lẽ từ trong căn bản, tôi cổ điển chăng ?

Thi ca và âm nhạc là hai loại hình nghệ thuật của ký ức. Cũng như âm nhạc, thơ là để trình diễn, được đọc lên thành tiếng, dù đọc thầm cho mỗi mình nghe thôi cũng vẫn là đọc thành tiếng trong đầu mình. Thơ mang tính chất truyền khẩu, nhiều hơn văn. Hiểu như vậy để thấy là thơ vẫn bắt nguồn từ ý muốn dễ nhớ. Vần điệu là những tiêu chuẩn là những tiêu điểm cắm sẵn giúp cho sự lần mò được thuận tiện hơn. Do đó, nhạc tính trong thơ vần (kể cả trong thơ mới tiền chiến tức loại thơ tám chữ phỏng theo thể ‘alexandrine’, cũng như loại thơkhông đều chân nhưng vẫn có vần) phải cam phận đơn điệu, nhàm thuộc, tù túng, và khả năng khai triển nhạc tính của thơ vần bằng những cách phá nhịp, phá luật phần lớn bị giới hạn. Ngoài ra, nhìn xa hơn, ta cũng nhận thấy thêm là sự giới hạn của nhạc tính đương nhiên bao gồm cả sự giới hạn của tứ thơ. Thơ vần, nói chung, kiêng kỵ những bức phá. Trước đây vài thập niên, một số không nhỏ những người đọc thơ đã rất ngần ngại tiếp nhận thơ tự do, phần lớn chẳng phải nhạc tính xa lạ, trúc trắc, khổ độc của thơ tự do, như họ thường bày tỏ, mà có lẽ, theo thiển nghĩ của tôi, là do tinh thần của thơ tự do còn quá xa lạ đối với họ, điều mà gần như họ chẳng muốn thú nhận. Thơ tự do,cũng như thơ mới trước kia, ra đời vì sự thay đổi của hồn thơ, chớ không phải đơn thuần là sự thay đổi của luật thơ

Luật thơ như mọi thứ luật khác bao giờ cũng phải trải qua bao nhiêu là dò dẫm dãi dầu trong thực tế, rồi mới trở thành luật được. Nhưng thực tế của luật thơ là những thực tế có tính thói quen của một ngôn ngữ. Boileau của Atr Poétique xuất hiện sau khi đã có những tác phẩm cổ điển tiêu biểu, chớ Boileau tuyệt chẳng phải là người đã áp định những nguyên tắc của chủ nghĩa cổ điển. Những bài thơ trước đời đường, thậm chí cả trong thời Sơ đường, đơn cử bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu chẳng hạn, hay những bài thơ có dáng dấp đường thi của Nguyễn trải rõ ràng không theo đúng niêm luật chặt chẽ về sau của đường thi, nhưng chẳng phải vì vậy mà không phải là những bài thơ mà giá trị gần như mẫu mực. Nói cách khác, luật mô phỏng thực tế, chớ thực tế không mô phỏng luật bao giờ. Do đó, nếu đã chẳng thể coi niêm luật thơ như một thuận tiện có sẵn giúp cho người làm thơ (và hẳn nhiên cả người đọc thơ) được dễ dàng trong việc tìm gặp những thói quen nào đó của một ngôn ngữ thì lại không nhất thiết phải coi niêm luật thơ là khuôn vàng thước ngọc, để khỏi tự trói buộc chết cứng vào niêm luật thơ. Luật nào cũng vậy đã cấu thành được thì cũng hủy bỏ được. Một cách tự nhiên, thi hứng đưa đẩy tới những phá cách cần thiết. Thông thường, một bài thơ vần phá cách thể hiện cùng lúc hai khung hướng đối nghịch nhau là muốn thoát ly khỏi tính đơn điệu, nhưng lại vẫn muốn còn nương tựa vào tính thói quen.Hẳn nhiên, dụng ý chính trong bài thơ vần phá cách vẫn là dụng ý mở rộng, mở rộng từ nhịp điệu đến thi tứ. Thí dụ những bài ‘đồng Cốc Thất ca’, ‘Hiểu Phát Công An’của đỗ Phủ hay ‘Tống Biệt Hành’ của Thâm Tâm. điều đơn giản hiển nhiên là nhịp điệu của một bài thơ không hẳn chỉ là nhịp điệu của ngôn từ, mà phải còn là nhịp điệu phát sinh từ những tứ được diễn đạt, nhịp điệu diễn đạt những thi tứ.Chọn thơ vần, thơ vần phá cách, thơ không vần, thực tế chỉ là chọn một thể thức nào thích nghi nhất để diễn đạt ưng ý nhất những gì mình mưu định diễn đạt. Tôi không nghĩ rằng người tacó thể chuyển bài ‘Prufrock’ hay ‘The Waste Land’của T.S. Eliot chẳng hạn , ra lục bát hay song thất lục bát, nói chung ra thơ vần, mà nghe được. Việc phân biệt hình thức với nội dung của một tác phẩm chỉ là một phương cách cho dễ nói thôi, chớ thực tế làm sao có thể có một sự tách rời như thế được. Với nghệ thuật, không hề có hình thức ý niệm, mà chỉ có hình thức của nội dung. Riêng tôi, tôi đến với thể thơ vần khi nào tôi cảm thấy không nhất thiết phải đẩy những tình ý muốn thể hiện trong bài thơ ra quá xa. Tùy hứng, thi sĩ chọn thể thơ cho từng bài thơ. Trong thế giới riêng của một thi sĩ, mỗi bài thơ còn là một thế giới riêng nữa.

Tôi quan niệm là nếu làm thơ vần mà cảm thấy mình bị khó khăn trở ngại vì vần thì chưa thể làm thơ vần được, nếu không nói hơn là chưa thể làm thơ được. Thơ vần có một điều thoạt nghe nghịch lý là người làm thơ phải công tìm vần, nhưng vì việc tìm vần bao giờ cũng diễn tiến song song với việc tìm tứ, nên thơ vần gần như đã rải sẵn những chỉ dấu u hiển để cho người làm thơ nương lần theo và dễ có cơ may tìm ra những chữ, những tứ tuyệt vời, nhiều khi không thể ngờ trước được. Thực tế mà nói, thông thường, vần điệu đưa tay dẫn dắt, và than ôi ! cũng kềm chế thi hứng. Một cách tiên thiên, bản thân nghệ thuật bao giờ cũng phải chấp nhận những bó buộc nào đó. Tôi vẫn không quên một lời nói của André Gide : ‘Nghệ thuật sống nhờ luật tắc, và chết vì buông thả’ Tôi tin chắc rằng ngay cả thơ tự do, tiến gọi là tự do đi nữa, cũng phải tuân thủ những luật tắc nào đó, những luật tắc nội tại của nghệ thuật.

Có những thể thơ, như song thất lục bát chẳng hạn, không còn hợp thời nữa, nhưng chẳng phải vì vậy mà có thể quả quyết một loại thơ nào đó đã được khai thác đến cùng kiệt, không còn gì để vét múc nữa. Vấn đề chính yếu ở đây, có lẽ không phải là làm mới thơ vần, mà làm mới hồn thơ. Một thời đại không nhất thiết chỉ có độc mỗi thể thơ. Và tôi cũng không tin rằng có thể có một thiên tài thơ không vần nào mà trước đó chẳng làm nổi ít ra hai câu lục bát hay bốn câu thất ngôn ra hồn. Rõ ràng là trước khi vẽ theo lối lập thể, Picasso đã là một tay nghề tuyệt diệu của hội hoạ truyền thống. Trong nghệ thuật, việc đi tới phải là một nhu cầu thời thế, chớ không chỉ là ý muốn suông trơn. Hơn nữa, trong nghệ thuật, không hề có lối đi tắt.

Tô Thùy Yên



Nhà thơ Quỳnh Thi

quan niệm về thơ vần
(tạp chí Thơ số mùa đông 1996
)

...Quan niệm của tôi là người làm thơ, phải được tự do một cách đích thực, không bị
gò bó vào một khuôn khổ nào khi diễn đạt.

Thể hiện tư tưởng của mình hòa nhịp vào tư tưởng tiến bộ của những nhà thơ tiến bộ trên thế giới, phải nói lên được một cái gì có văn hóa, có chiều sâu về tư tưởng.

Tham vọng Thi ca và Triết lý đánh dấu mốc thời gian ở thời đại mình đang sống. Ước muốn thi ca và Triết học, phải bắt kịp tiến bộ của khoa học hiện đại.

Muốn như thế phải đổi mới tư duy, phải đổi mới thể thức làm và thưởng ngoạn thơ ở mỗi người.

Tuy nhiên tôi không đồng tình về ngôn ngữ thể hiện trong một số bài thơ mới đây của một số tác giả mà đa số những người đọc cho là không thanh cao, có thể nói là tục tỉu, ngược lại bản chất và ý nghĩa thơ.

Thơ không giống như hội họa hoặc nhiếp ảnh, phô bày một cách thực sự và trung thực đúng với hiện trạng của sự vật. Nó dễ gây ngộ nhân, vì không còn cô đọng chất tinh túy của văn hóa, đôi khi người ta có cảm tưởng nó đồng nghĩa với thứ dâm thư nào khác.

đành rằng thi sĩ thường là những người ưa nổi loạn, ngông cuồng và trung thực, sống ít khi muốn tuân thủ những luật lệ hay khuôn mẫu do xã hội đặt ra,, kể cả luật lệ của tôn giáo. Tính chất đó dẫn đến những hành động nhiều khi ngược ngạo và những sở thích thường không giống ai.

Nói tóm lại quan niệm của tôi là thơ có vần phải được thu hẹp lại, cho đến ngày nó phải nhường chỗ cho thơ tự do thay thế hầu phù hợp với sự tiến bộ chung trong mọi lãnh vực về văn hóa, khoa học và kinh tế của thế giới.

Quỳnh Thi

 

Xin bấm vào đây để xem tiếp