ý kiến của các tác gỉa: nguyên sa. văn cao. đỗ qúy toàn. tô thùy yên. quỳnh thi. huệ thu. trần mộng tú. nguyễn thị thanh bình. hoàng lộc. triều hoa đại. hoàng xuân sơn. khánh hà. luân hoán. như chi. khánh trường. du tử lê. phan ni tấn. trang châu. thái tú hạp. lưu nguyễn. chu vương miện. đỗ kh. lâm chương. hà nguyên du. song hồ. nhất linh. yên thao. cao thoại châu. hoàng hương trang. xuân tùng. thương hoài thương. hà nguyên dũng. đỗ bạch mai. trịnh bích ba. phạm việt bằng. phùng thanh chủng. vũ huy long. băng sơn. huỳnh minh tâm. khắc thạch. dương thuấn. trương sĩ hùng. đặng nguyệt anh. trầm hương. lê khánh mai. nguyễn hoài nhơn. nguyễn lương ngọc. vĩnh nguyên. lê quốc hán. lê kim giao. hoàng việt thắng. nguyễn trung hiếu. văn trọng hùng. trương nam hương. nguyễn tấn sĩ. lê lâm. trần xuân an. lê hoài nguyên. trinh đường. ngô tịnh yên. chân phương. tường linh. phan xuân sinh, hoa thi, trân sa, đỗ trung quân, phan thị thanh nhàn, nguyễn quang thiều, thanh thảo, tuyết nga, phan huyền thư, ly hoàng ly, song vinh, vũ duy thông, trần huiền ân, thanh thảo, song hào, bằng việt, ...

 

Nhà thơ Huệ Thu

Góp ý về thơ vần 
(tạp chí Thơ số mùa đông 1996)

Một bài Thơ "Có-Vần" hay Thơ "Vần" hẳn là một bài thơ được làm theo "Luật Về Thơ" quy định. Nhìn bài thơ này thú vị hơn là ngắm bài Thơ buông thả, buông lỏng, bất cần luật Thơ hay còn gọi là "Thơ Xuôi", "Thơ Tự Do". 

Khi không nhốt được ý Tưởng mình vào bài Thơ Vần, ta cứ làm Thơ Tự Do. 

Thơ Vần có hai điểm : hình thức và nội dung, thì thơ Tự Do chỉ có một điểm, nội dung. Có nhiều bài thơ vần được một điểm về hình thức, mất điểm nội dung, vẫn hơn những bài thơ tự do không được điểm nào vì không có nội dung, hay nội dung không chuyên chở ý tưởng nào cả..dù lành mạnh hay dung tục (không nói chi đến những bài "Thơ Văng Tục", trường hợp thơ của đỗ Kh , hoặc thơ Du Tử Lê (tạp chí Thơ số 6) ) 

Thơ "Tự Do" bản thân "Phi Hình Thức", bám víu vào một chút nội dung không được thì biến thành "Thơ Cụ Thể" (tạp chí Văn Học 126). Sự hóa thân này được khen ngợi bởi "Bạn Bè"  Bạn và Bè hoặc Bè không phải Bạn - trường hợp Nguyễn Hưng Quốc ưu ái đối với thơ của Ngu Yên - nghe rất vui tai dù nhìn không vui mắt. Rốt cuộc thì con đường của Thơ Tự Do tiến tới Thơ Cụ Thể là con đường cụt, và số phận người làm thơ vốn hẩm hiu càng đón nhận nhiều sự thiệt thòi tự mình gây ra và hứng nhận được từ bạn bè hay bè bạn ! 

Từ xưa đến nay và về sau, có nhiều người làm thơ tự vạch cho mình con đường thơ, nhưng chưa hề và chắc không ai đạt được sở nguyện...bởi Thơ chỉ đến rất tình cờ và trong phút Linh Thiêng nào đó, trường hợp bài "Thơ Tuyên Ngôn" (Huệ Thu đặt tên) của Lý Thường Kiệt hay bài "Ave Maria" của Hàn Mặc Tử. 

Hầu như ai làm thơ được phong hay tự phong Thi Sĩ, Thi Nhân, Thi Gia...đều có một cái xua tay rất điệu, rất giống nhau : "Làm thơ để chơi" ! 

Khi thơ là một trò chơi thì Thơ Có Vần, hay Thơ Không Vần hay Thơ Cụ Thể...có nên đề cập không ? Sống ở đời, chúng ta thường làm nhiều chuyện thừa thải còn hơn là không làm gì hoặc làm cho lấy có, làm thiếu sót...đây là câu trả lời cho lấy có vậy ! 

Huệ Thu

 

Nhà thơ Trần Mộng Tú 

1. 
Thơ Vần Và Không Vần 
(trả lời nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam và tạp chí Thơ số Mùa Xuân 1997) 

Người làm thơ nào đặt bút viết bài thơ đầu tiên chắc cũng phải là một bài thơ có vần (không nói đến chuyện hay dở vội). Thơ vần tạo ra âm nhạc, dễ nhớ, dễ làm người đọc, người nghe rung động. Thơ vần nó đưa được tư tưởng liên tiếp nhau như tiếng sóng dội kéo theo cái âm. Thơ vần còn nói lên được cái trang trọng của chữ nghĩa, nó ép người làm thơ phải hiểu thấu luật bằng luật trắc. đọc một câu thơ có bằng, có trắc nghe đã êm tai mà cái âm của nó còn dội vào trong hồn mình. Người ta phải thật là thuần nhuyễn về làm thơ vần rồi thì mới có thể làm một bài thơ không vần hayđược . Vì theo tôi những bài thơ tự do mà mình cảm nhận được nó hay, mình nhớ được nó thì bài thơ đó khi đọc lên nó vẫn có bằng, có trắc và có nhạc trong thơ. 

bài thơ lục bát Dặn Dò của Nguyên Sa là một bài thơ vần, chỉ đọc một lần là nhớ : 

Em đi mỗi nhánh một lần 
nhánh xa đi trước, nhánh gần đi sau 
gió làm nhánh tóc bay mau 
nhánh thơm em nhớ, nhánh sầu em thương 
ngàn đêm ngàn nhánh keo sơn 
mai về nhớ hỏi anh còn giữ đây 

âm nhạc tràn đầy trong bài thơ. Trong khi đó , tôi trích ra đây một đoạn thơ trong bài thơ tự do Hoa Tuyết của đỗ Qúy Toàn : 

Khi em rơi đọng trên cành tùng nặng trĩu 
em hiền hậu em nép mình nũng nịu 
anh sẽ gọi em lá mi mắt trẻ thơ 
mi mắt êm đềm 
mi mắt khép trên mặt đất muôn đời 
phủ những cơn mơ 

đoạn thơ này có thể đọc đến 2 hoặc 3 lần mới nhớ vì nó không theo cái vần ép buộc của lục bát nhưng nó cũng tràn đầy nhạc tính và ta thấy rất rõ bằng, trắc ở mỗi câu xuống giòng. 

Có những người chưa hiểu gì về thơ vần cả mà hạ bút xuống làm một bài thơ tự do (bài thơ không có vần) đọc lên ta biết ngay. đó chỉ là văn xuôi viết xuống hàng, cho chấm, phẩy tùy thích mà thôi., khác nào đứa bé chưa biết bò, chưa biết đi mà trèo lên xe đạp phóng xuống dốc. 

Nhưng nếu chỉ vì chữ vần mà người làm thơ phải "ghép" chữ,  "sắp" chữ để đọc lên cho xuôi tai thì cái đó sẽ biến thành vè, mất hế ý nghĩa của "Thơ Vần" đi. 

Ở bất cứ thời đại nào chúng ta cũng có thể làm mới được thơ - nếu chúng ta có cái khả năng đó - nếu không có khả năng mà cứ nhắm mắt khen nhau thì chẳng bao giờ đi đến đâu cả. Mẫu tự Việt Nam từ A đến Y ai cũng biết cả (nếu được đi học hết tiểu học) nhưng sắp nhặt để thăng hoa nó thành thơ không phải là ai cũng làm được. Niêm luật thì học từ Trung học đệ nhất cấp, nhưng không phải ai cũng thuộc bằng bằng, trắc trắc để đem áp dụng khi làm thơ. 

Một bài thơ hay không bắt buộc phải là một bài thơ vần, cũng không nhất thiết phải là một bài thơ phá luật, phá cách. Bài thơ hay là một bài thơ khi đọc lên người nghe thấy bàng hoàng, xúc động, có khi nhìn rõ thấy cái hay của nó, có khi chỉ nghe thấy cái âm hay của nó, có khi chỉ cảm được cái tứ hay của nó. Tựu trung nó phải mang cái chất thơ ở trong câu, trong bài. đổi mới thơ - đừng nói đến kỹ thuật vội, hãy nói đến cách xử dụng ngôn ngữ. Có những ngôn ngữ rất hay, rất chải chuốt, rất bóng bẩy, rất thơ mà chúng ta không dùng nữa vì thấy nó không còn thích hợp ở thời buổi này : 

Niềm khát vọng ta ghi vào huyết sử 
Dưới chân em, thơ lạc mất linh hồn 
Ta đau xót trong mỗi giờ tình tự 
Ta khóc nhiều cả những lúc trao hôn 
Ðinh Hùng 

Cũng nụ hôn, cũng là thơ vần, nhưng chữ nghĩa mới mẻ hơn, giản dị hơn vẫn mang đầy chất thơ : 

Em ngồi thơ thẩn nhìn đàn kiến 
Cụng đầu nhau giữa vách tường xanh 
Chúng hôn nhau mãi mà không chán 
Như những hôm nào em với anh 
Luân Hoán 

Du Tử Lê có tài làm mới thơ trong chữ không phải trong kỹ thuật, ông ta đang tìm tòi trong lãnh vực này : 

Nhớ em kim chỉ khíu tình 
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
 
Chữ "khíu" vừa quê mùa, vừa tầm thường chỉ có những người nhà quê mới dùng khi nói về việc vá quần, vá áo. Khi thi sĩ đem nó vào thơ để vá tình, chữ khíu bỗng trở thành một viên ngọc. 

Thơ vần hay không vần, mỗi thể thơ có một cái hay riêng của nó. Tuy nhiên nếu chưa làm được một bài thơ vần gọi là hay thì khó mà thành công trong thơ không vần. Khi nói đến thơ ta nói đến - chữ , đến ý , đến từ - Thú thực với vốn liếng hạn hẹp tôi vẫn chưa hiểu được những bài thơ Bàn Cờ Tướng , Budweiser nó thơ chỗ nào. Tôi vẫn còn đang suy nghĩ vì cái đầu óc thường thường bậc trung của tôi thì thơ không có chữ, không có tứ không có ý thì tôi không gọi được cái tam khôngđó là thơ. Chắc tôi còn phải học hỏi nhiều nữa trong lãnh vực này. 

2. 
Trả lời tạp chí Văn Học
ba câu hỏi chung về Sáng Tác 
(Văn Học số 114 tháng 10-1995)

 ....Chẳng có gì là quá vĩ đại cũng chẳng có gì là nhỏ bé trong văn chương cả. Cái lá phong cũng có một đời sống riêng của nó, cánh cửa của một ngôi chùa đổ cũng có linh hồn Tôi ao ước viết được thật trung trực, thật hay những sự vật, những cảnh trí, những mảnh đời, những rung động ở chung quanh đời sống bình thường của tôi. 

Viết truyện ngắn thì phải nghĩ đi nghĩ lại cái cốt truyện trong đầu, rồi mới ngồi xuống viết. Có khi viết xong lại đổi đoạn giữa, hoặc thêm vào hoặc bớt ra. Có khi thay cả cái đoạn kết . Tôi thường mất từ hai đến ba tuần cho một cái truyện ngắn. 

Làm thơ thì dễ hơn và nhanh hơn. đứng nấu ăn, rửa bát, làm vườn hay đi bộ, và ngay cả trong khi lái xe (một mình) , tôi làm thơ ở trong đầu, đọc lên thành tiếng, rồi tối đi ngủ vào giường mới lấy giấy bút ra hí hoáy viết lại. Kẹt trên xa lộ là lúc thích nhất để làm thơ.

Thơ làm ra theo hứng. Không có hứng không ra thơ. Thơ mà phải suy nghĩ để tìm đề tài thì tôi không bao giờ làm. Có thể là khi làm xong mới suy nghĩ tìm cách thay một hai chữ cho đắc ý mà thôi. 

Có lẽ tác gỉa nào cũng viết cho mình trước tiên. Thế cho nên khi độc gỉa đọc mới có thể nhận ra ngay là : Văn phong dóng một, không có chủ từ này là của ông Mai Thảo, cách chẻ sợi tóc ra làm tám là của ông Võ Phiến...Tác gỉa nào cũng dùng thơ văn để nói lên cách suy nghĩ, diễn tả các xúc động riêng tư, biểu lộ cá tính của chính mình . Khi đã được một số độc giả qúi mến và hợp với cách diễn tả của mình rồi thì lúc đó, độc giả với tác giả là một. Viết cho mình và viết cho người. Tôi không ra ngoài cái thông lệ đó. 

Trần Mộng Tú 

 

Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình 

Quan Niệm Về Thơ Vần 
(tạp chí Thơ số Mùa Xuân 1997) 


..... Cái khó nhất của một nhà thơ là khát vọng kiếm tìm để khai sinh những bài thơ hay. Cái hay ở thời đại này dù vậy chưa chắc đã được chấp nhận ở thời đại kia. Những biểu thức mỹ cảm của mỗi thời mỗi khác. Những chất liệu...thơ cũng được rút tỉa hoàn toàn mới mẻ Nhà thơ trong vai trò dự báo càng muốn khơi dựng lên những mô thức tạo chữ tạo hình hay tạo âm điệu...khác biệt, khả dĩ phù hợp với con người trong cuộc sống ấy...

 ....Với tôi, có lẽ tôi thấy mình gần gũi với thơ không vần hay còn gọi là thơ tự do hơn. Dường như khi mang hơi thở thật của cuộc đời tục lụy này vào thơ, chúng ta thấy cách diễn tả du dương âm điệu của thơ vần không còn thực tế nữa. Thơ vần coi bộ cũng khó chuyển nổi những bức phá nội tâm như loại thơ hiện thực. ở những tính tìnhnày, thơ tự do dễ biểu tỏ vì gần gụi với những lời nói tầm thường, giữa con người với con người và do đó theo tôi thơ tự do dễ làm cho có hồn hơn. Nhà thơ có thể đẩy cảm xúc đến tận cùng mà không sợ khựng vì những gò ép vần điệu. 

Dù vậy, thơ tự do thường dễ bị thiên kiến là...không có vẽ thơ bởi nó hao hao giống văn xuôi. Cái khó vẫn là sự gạn lọc những giá trị thẩm mỹ trong cách xử dụng chữ . điều này không thể triệt tiêu trong bất cứ một bài thơ, một kiểu thơ nào nếu chúng ta trang trọng gọi nó là thơ 

Nguyễn Thị Thanh Bình 

 

Nhà thơ Hoàng Lộc 

1. Góp ý Về Thơ Vần 
(tạp chí Thơ số mùa đông 1996) 


Tôi đọc và ngâm (rất dở) nhiều thơ vần những năm đầu trung học. Tôi đã thuộc toàn thơ có vần. Sau đọc Sáng Tạo, tôi thấy thơ anh Thanh Tâm Tuyền trúc trắc khó nhớ. Phải chăng câu thơ để thuộc nhờ ở tiết điệu ? Tiết điệu tạo nên nhờ vần luật. Dĩ nhiên thơ không vần cũng có tiết điệu vậy, nhưng hiếm người làm được. Làm một bài thơ không vần, đọc nghe khác biệt với một bài thơ-dịch-sát-nghĩa, không phải ai cũng... 

Tôi tập làm thơ có vần năm học đệ ngũ. đọc ai làm, có hơi thơ người ấy (người ta gọi là âm hưởng). Dần dần, tôi làm được thơ của tôi (người ta gọi là có-chút-bản-sắc) 

Các thể thơ, tôi đều làm qua. Có tứ thơ hợp với thể này, có tứ thơ phải thể khác. Tôi cũng viết in ít thơ không vần vì cái tứ chỉ diễn đạt không nên có vần 

Có những nhà thơ chỉ chuyên viết về một vài thể loại. Như năm 1968, tôi nói với bằng hữu rằng, ước gì đọc thử một bài thơ lục bát của anh Nguyên Sa. Sau đó, thấy bài Bắn Bia in ở tạp san Bộ Binh Thủ đức, quả không hay. Như năm 1986, tôi thách anh Phùng Quán viết lục bát và bị ảnh chửi ! 

Thơ có vần có khi cần nhiều câu không ra chi, chỉ để làm nổi vài câu hay trong bài Vì thế, mà một nhà phê bình bảo trong vô vàn đá sỏi thơ Bùi Giáng, có ngọc qúi. Thơ không vần, xáng câu nào cũng phải đích đáng, chữ nghĩa để đắc vị hơn. 

Tôi lơ mơ về kỹ thuật thơ vần, nhưng tôi tin các nhà thơ chưa khai thác hết, cho dẫu là lục bát . Với tôi, khi đọc thơ lục bát, đã thử xếp hạng (chẳng chỉ theo thời gian) Nguyễn Du, Huy Cận,Cung Trầm Tưởng và Viên Linh. đọc những đoạn hay nhất trong Kiều, đọc đêm Mưa, Thu Rừng, Ngậm Ngùi..rồi đọc bài Cúc Hoa của anh Viên Linh, sẽ thấy phải còn nữa...còn nữa... 

Thực ra, phải quên mọi thứ kỹ thuật thơ, mới làm được. Chấp vào chuyện phá không phá luật, chẳng có thơ đâu. 

Thời công nghiệp, có phi thuyền và thơ mới, nhưng hẳn còn cần cái xe đạp, xe bò và thơ có vần. Có lẽ không còn nhiều thì giờ , nhà thơ viết ngắn ngủn lại, có bài chỉ một, hai, ba câu . Và lắm khi, chỉ cần giới thiệu một tứ thơ, gợi ý rồi nhường tất cả cho người đọc. Khi viết những dòng này, trong đầu tôi còn Bốn Sợi Lông của đỗ Kh, chữ Bud-wei-ser của Khế Iêm, và Bàn Cờ bốn mươi con chốt, một con mã...của Nguyễn Hoàng Nam. Tôi nghĩ, đây cũng là một thứ phi thuyền, chinh phục sao Kim, sao Hỏa, sẽ có những đóng góp cho đời sống nhân loại, nhưng còn chờ ! 

2. 
Trả lời tạp chí Văn Học 
ba câu hỏi chung về sáng tác 
(Văn Học số 124 tháng8-1996) 


Làm thơ không phải lúc nào cũng..., nên thì giờ đối với tôi không quan trọng. 

Thơ là xa xí phẩm phải khác. 

Rẻ mạt và đắc tiền 

Tôi làm thơ chính vì chữ tình. 

Thường tôi viết về tình yêu, tình bạn. Tôi có một-người-vợ-của thơ. Chính nàng là nơi nương tựa của thơ tôi vì tình yêu đã ra một thứ hạnh phúc buồn. 

Tôi viết bằng đủ thể loại thơ và nghĩ thể loại chỉ là những chiếc bình đựng. Trước tiên, tôi viết tặng người-vợ-của-thơ-tôi - sau đó gởi bè bạn (có khi bằng thư có khi đăng báo)

Hoàng Lộc 

 

Nhà thơ Triều Hoa Ðại 

1. 
Trả lời nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam 
(tạp chí Thơ số mùa đông- 1996)
 

Theo tôi, khi đã nói đến thơ vần có nghĩa là chúng ta phải hiểu rằng còn có thơ không vần (gọi là tự do) . Vấn đề rắc rối ở chỗ tại sao chỉ nghĩ, đưa ra ý kiến , phát biểu về thơ vần mà không đả động gì đến thơ không vần. Như vậy thì có gì lấn cấn, có gì không ổn thỏa chăng ? Có gì không được công bằng, bên trọng, bên khinh phải không ? Nếu quả có như vậy thì hóa ra bạn Nam xử đã xử hơi ép anh em. Tôi biết chắc bạn Nam còn nhớ trước đây không lâu, nhà lãnh đạo Trung quốc, ông đặng Tiểu Bình, có nói một câu, đại để như thế này : 

Mèo đen hay mèo trắng thỉ cũng đều là mèo cả, miễn sao bắt chuột hay là được rồi.

Vâng, câu nói ấy nếu đem áp dụng vào câu hỏi của bạn Nam, thì cũng đúng thôi. Thơ có vần hay không thì cũng vậy, miễn sao thi sĩ làm hay là được rồi, đời sống nó ngắn ngủi quá, chúng ta trọng gì về hình thức cho nó mệt, phải thế không bạn ? Lại nữa, tôi chắc bạn hiểu thơ rất ư là tường tận, vậy bạn cũng nên vui vẻ đồng ý với anh em : Qúy vị thi sĩ muốn làm thơ gì cũng được (có vần, không vần), cái đó là quyền của qúi vị, nhưng nhớ một điều là đừng làm mất đi chất thơ là được. Thơ nào cũng là thơ cả miễn sao hay. 

2. 
Bà Phạm Thị Tiến, 
hiền thê nhà thơ Triều Hoa Ðại 
cho biết về thói quen khi sáng tác của ông 
(tạp chí Sóng Văn số 7 tháng 3 và 4-1997) 


Hoàn toàn im lặng, do đó nhà tôi thường trù triở các thư viện, tôi có cảm tưởng ông ấy đã spent more time ở đấy hơn ở nhà, hoặc sau giờ làm việc thường ở lại sở, chuyện trò với cái computer và hành hạ một ngón tay cho mãi tối mịt mới về. 
...

Chuyện viết lách của nhà tôi có khác nào như con chuồn chuồn , khi vui nó đậu, khi buồn nó bay hoặc giống như con chim lúc ngứa cổ thì hót vậy thôi, chứ có chi là to lớn (chủ quan của tôi thôi). 

3. 
Trả lời tạp chí Văn Học 
Ba câu hỏi chung về sáng tác 
(Văn Học số 119 tháng 3-1996) 


...Tôi ngồi vào bàn viết mỗi ngày sau tám giờ làm việc ở sở, không có nghĩa là tôi sẽ viết được một cái gì đó. Nếu như làm được một câu thơ hay thì đã là điều hạnh phúc, huống chi làm được cả một bài thơ hay thì ôi thôi cả buổi chiều hôm đó và những ngày kế tiếp tôi là người hạnh phúc nhất trần gian. Nó sung sướng lắm, sướng hẳn một bên mé đìu hiu. Vậy thì làm thơ trước tiên là vì mình, cho mình. Rồi sau đó mang chia sẻ với các bạn đọc. 

...Tôi làm thơ khi có hứng, vì lẽ đó tôi chưa hề (và sẽ không bao giờ hề) ở một trường phái, khuynh hướng nào cả. Tôi viết ở mọi nơi, mọi chốn, bất kỳ chỗ nào có thể viết được. Khi có hứng thì viết, không thì nghỉ, chẳng lụy phiền tới ai. Tôi có giống như con chuồn chuồn không thưa qúi vị. "khi vui nó đậu khi buồn nó bay, vậy mà" ! 

Triều Hoa ÐThơ-CóThơ-CóThơ-Có‘Thơ-Có-Vần’hay & Phạm Thị Tiến 

 

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn 

1. 
Góp ý về Thơ Vần 
(tạp chí Thơ số mùa Xuân 1997) 

...Ði tìm một định nghĩa xác đáng cho Thơ, quả là một điều vạn nan. 

Bùi Giáng nói : 

Anh chàng thi sĩ thì làm thơ, còn thơ là gì thì ông không biết. 

Tôi không muốn lẩn thẩn truy lùng ý nghĩa của thơ , nhân nói chuyện vần, điệu, chỉ muốn nêu lên vài suy nghĩ. Trước hết, cái nghĩ ra, làm ra , viết ra có phải là Thơ không đã. Một bài thơ hay tự nó nói lên đầy đủ ý nghĩ dù có vần, không vần hay ẩn dưới bất cứ dạng thức nào. 

Quy trình sáng tạo cũng chịu sự chi phối của định luật thời gian, từ thơ có vần điệu chuyển sang thơ mới, thơ tự do , rồi phá thể, cụ thể...vv...rồi có khi trở lại vần điệu, cổ điển. Cái vòng luẩn quẩn cũng giống như thời trang ăn mặc, hết mode này đến mode nọ, chạy một vòng lại quay trở về mode cũ, thêm thắc, sửa đổi đôi chút lại thành mode mới. Mỗi một mode thích hợp với một lứa tuổi., một loại tâm hồn nào đó, hơi có tuổi thì thích cổ điển, lịch sự, trẻ trung thì thích kiểu cọ này nọ vv...Tôi nghĩ quá trình sáng tác thơ ca cũng không thoát ngoài định luật đó. Thanh Tâm Tuyền phơi phới, lẫy lừng với thơ tự do hồi "Sáng Tạo" , lúc quay về với Trần Kha bảy chữ đã lắng đọng và đậm đà không kém.

Tôi là người làm thơ có vần điệu (đa số các bài thơ đã làm) , nhưng không phải không có những bài viết hoàn toàn tự do không theo một mô qui luật nào. Sự hình thành một bài thơ có vần hay không tùy thuộc vào cảm thức lúc sáng tác và nhiều yếu tố khác như hoàn cảnh, vị trí, thi hứng lúc sáng tác. Tôi có thể viết được một câu thơ có vần nhưng không phải tôi chủ tâm từ trước là phải làm một bài thơ có vần điệu. Những ý thơ bắt gặp, những ý tưởng tuôn trào đã cuốn hút người viết theo một chiều hướng sáng tác đặc thù vào một thời điểm nào đó. Như vậy, dù có vần, không vần điệu, dù lục bát, đường luật, bảy chữ, tám chữ hay tự do, cách tân..vv..thời nào cũng có những bài thơ hay. Nói cho cùng, cái còn lại, rốt ráo vẫn chỉ là Thơ (viết hoa) với ngôn ngữ kỳ cùng của nó. 

2. 
trả lời Châu Hải Châu ( n.t L.H) 
tạp chí Sóng số 80 xuân Kỷ Tỵ 1989) 


Tôi không nghĩ trong văn chương nói chung có sự phân biệt bộ môn nào chủ yếu, thứ yếu. Như bàn tay có năm, dòng sông lớn có những phụ lưu đổ về, hay một khu vườn trăm hoa đua nở; thơ, văn, họa hay nhạc hay bất cứ một bộ môn nào khác, cũng đều mang một sứ mệnh riêng, một nét đẹp riêng làm cho khu vườn văn chương khởi sắc, cho dòng sông văn học nghệ thuật tuôn chảy đời đời và cho bàn tay xây dựng tình người, tình đời hướng về chân, thiện, mỹ. 

Tôi là một ngưòi làm thơ, bởi thế, một cách chủ quan, tôi cho rằng thơ chiếm một vị trí hết sức đặc biệt trong sinh hoạt văn học nghệ thuật. Anh thử nhìn lại xem; giở bất cứ một tờ báo, một tập san nào (từ trước tới nay), thơ vẫn dồi dào, phong phú không kém văn về phẩm cũng như về lượng. để không khí buổi nói chuyện bớt nặng và vui đùa một tí tôi xin trích lại phát biểu của một vài văn hữu cho rằng làm thơ "ngon lành" hơn viết văn: 

Con đường vương giả là phải làm thơ (Võ Phiến- Lời tựa tiểu thuyết Ngựa Nản Chân Bon của Nguyễn Mộng Giác) hoặc : 

Chính nhiều người kể lại đã gặp và nhìn tận mắt nhiều thi sĩ mặc vét, đeo cà vạt... (Nguyễn Bá Trạc, Ngọn Cỏ Bồng trang 32 dòng 10, 11) 

và : 

Thơ cao qúy, ngắn gọn, chừng hai ba câu, nhà thơ có thể biểu dương sở trường, sở đoản của mình. Còn nhà văn phải viết ít nhất một vài trang mới làm cho độc giả biết tài nghệ mình (Hồ Trường An, trích thư riêng) 

Tôi đồng ý với anh về cái nỗi khó khăn của người làm thơ muốn in và xuất bản thơ mình. đa số là tự ấn hành hoặc bạn bè quyên góp, in cho. Hiếm có nhà xuất bản hoặc phát hành nào mở rộng vòng tay chờ đón thơ. điều này dễ hiểu vì số lượng tiêu thụ các thi phẩm kém hơn so với tiểu thuyết. Tôi nghĩ có lẽ văn, tiểu thuyết thoả mãn nhu cầu tâm sinh lý của độc giả trực tiếp và mau lẹ hơn thơ. 

3. 
trả lời tạp chí Văn Học 
Ba câu hỏi chung về sáng tác 
(Văn Học số 111 tháng 7-1995) 


Xin góp một vài ý về hai câu hỏi của qúy anh: 

Thật đúng như Văn Học thấy : thì giờ hiếm qúy, văn chương chữ nghĩa gẫm ra xa xỉ (mà lại rẻ như bèo !), bởi mần răng mà cứ đeo đẳng ? Trước hết là viết cho đỡ trống trải anh ạ ! Qua đây rồi ngày tháng tất bật, việc vàng túi bụi tưởng là không có thì giờ nhìn ngắm lại mình, rứa mà có nhiều lúc nghe trống vắng dễ sợ. Cầm bút viết chơi chơi cho đỡ buồn, lâu ngày thành thói quen lúc nào không biết : bỏ thì thương vương thì tội. Nói nôm na văn vẻ rằng thì là viết như một cách thể giải toả nỗi niềm chất ngất của tháng ngày mưu sinh ứ đọng. Phải vậy không ?Viết để mưu cầu hạnh phúc (!) cho riêng mình những lúc tâm thần bấn loạn. Tới một lúc nào, cáì viết bỗng trở thành một thú nhu cầu tự nhiên, ngấm ngầm mà thôi thúc mãnh liệt. Huống hồ với ai đã có lần tập tành viết lách, thói quen đó dễ trở lại như một gọi mời hấp dẫn, một thứ thủ đắc tâm linh cố làm thăng bằng cuộc sống vật chất cuốn hút ở xứ người. Không viết được nữa thì bức rức khổ sở, mà viết ra được một cái gì tạm gọi là ưng ý cũng sung sướng lắm chứ. Nói dông dài chẳng qua trước hết là để thỏa mãn chính mình - thoả mãn một cái-tôi-rất chủ quan. đành rằng văn mình thì hay, nhưng giá có nhiều người xúm lại đọc, có khen, có chê thì càng khoái chứ. Bởi rứa vai trò của bạn đọc cũng rất chi là quan trọng. Không có người đọc lấy ai chia xẻ nỗi niềm. Mấy ai cầm bút (cho dù những người đã có danh phận) mà không mong muốn có có được một cái nhìn, một sự hưởng ứng từ phía người khác kể cả nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Giữa bạn văn, cho nhau một lời khích lệ (không phải là tâng bốc) đã là qúy, phương chi có được sự đáp ứng nồng nhiệt (khó lắm thay) của độc giả thiệt sự là cả một điều trân trọng cho mình có đủ can đảm tiếp tục cầm bút múa may. Như rứa đó, trong tầm viết hạn hẹp (của tôi) sẽ không có vấn đề chức năng, sứ mệnh gì ghê gớm lắm đâu. Vui thôi mà ! nói theo kiểu Bùi Giáng. Còn viết về cái gì ? Viết như thế nào ? Viết cho ai..Tôi không có rắp tâm theo đuổi một đề tài, khuynh hướng sáng tác nào cá biệt nhằm cho một loại đọc giả nào , mà chỉ biết viết tùy hứng, viết bất cứ cái gì gặp được, nghĩ được, cảm được và viết ở bất cứ lúc nào. 

Hoàng Xuân Sơn

 

Nhà thơ Khánh Hà 

trả lời nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp 
(tạp chí Phố Văn , số 7 tháng 8-2001) 


Tôi làm thơ tài tử về cả phẩm lẫn lượng. Vất vả lắm mới được một bài. Tôi ở xứ lạnh ra đường phải đi nhanh, không thong thả nhìn trăng ngắm sao hay thảnh thơi..Cùng Gió Mùa như anh. Nhiều hôm mặt đường đóng băng trơn trượt, tôi chỉ mong bắt gặp một câu thơ để vịn mà đi như ông Phùng Quán mà cũng không có,. Phải gạn lọc chữ nghĩa, đem pha trộn cảm xúc để thành bài thơ thật vất vả 

đối với một kẻ tập tễnh làm thơ như tôi, phải có cảm hứng mới làm được. đúng như nhà thơ nào đó đã nói, đôi khi nằng thơ chỉ cho tôi một hai câu đầu rồi biến mất. Tôi phải trầm mình vào trong đó, ngẩn ngơ kiếm tìm. Nhưng tôi còn nhiều việc phải làm trong đời sống hàng ngày, nên chỉ đi tìm nàng thơ lúc đầu óc rảnh ranh thôi. đối với tôi tam nhật đắc nhị cú tôi cũng mừng rồi.

Tôi vừa coi thơ là tinh túy của ngôn ngữ, vừa phục sinh ngôn ngữ. ý niệm và sự vật, từ lúc biến thành tữ ngữ là nằm chết trong đó, chính thơ làm cho từ sống lại. Ví dụ chỉ cần mấy chữ : 

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung 

Nguyễn Du đã vẽ nên được cảnh bát ngát mênh mông trước lầu Ngưng Bích. 
..... 

Tôi cũng không bận tâm về hình thức bài thơ - cũ, mới , có vần, không vần, ngắt ngang, xếp dọc...sao cũng được. Tôi chỉ để ý bài thơ có làm rung động lòng người bằng ngôn từ hàm xúc, bằng hình ảnh, nhạc điệu, ý tưởng độc đáo không thôi. Tôi thích đọc một câu Kiều của mấy trăm năm trước hơn là một bài thơ chữ nghĩa và hình thức tân kỳ mà không biết tác giả muốn nói gì 

Khánh Hà 

 

Nhà thơ Luân Hoán 

1. 
Trả lời nhà văn đào Huy đán (Hồ Trường An) 
tạp chí Làng Văn số 35 tháng 7 năm 1987 


Từ lâu nay, tôi chỉ làm thơ chứ không hay nhận định. Nhưng tôi tin rằng ngôn ngữ thi ca dĩ nhiên có sự thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội, tâm tình của mỗi tác giả. Từ uyển chuyển, trau chuốt, mềm mại đến u uất , rã rời, hằn học...Nền thi ca của nước ta rất phong phú. 

đã có một thời, một nhóm thi sĩ đã cố công làm mới hình thức thơ.Nhưng với cái tăm tối, cầu kỳ...không khuôn khổ cũ dẫn đến cái khuôn khổ mới, trở nên nặng nề, vượt quá xa tầm thưởng thức của đa số. Sau đó đã phải trở về với hình thức cũ. Ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ của cuộc sống. Càng gần gụi thân mật, càng trong sáng bình thường, càng dễ gây sự cảm thông. 

2. 
Trả lời nhà văn Nguyễn Trung Hối 
và tạp chí Chủ đề 
Họ Làm Thơ Viết Văn Cho Ai ? (số mùa Xuân 2001) 


Viết là một việc làm, đa số khởi đi từ lòng yêu thích văn chương, rồi từ quen tay, đi dần đến cần thiết, của một người có sẵn ít nhiều năng khiếu, và đã có cơ hội thực hiện việc làm này với một ít thành công nào đó, cụ thể nhất : bài viết được những tạp chí tiếp tay phổ biến. 

Sự thành công càng có bề dày, càng tạo cho người viết thêm một nhu cầu trong cuộc sống riêng, và có thể họ có thêm một chứng bệnh : Ghiền Viết. 

đi liền với yếu tố được phổ biến, những sáng tác nếu được đánh giá và đón nhận của bạn đọc, người viết sẽ có thêm cơ sở và động cơ sáng tác tích cực hơn. độc giả sẽ trở thành một yếu tố chủ yếu, góp phần tạo nên một tác giả thành công. Như vậy, người viết khởi đi từ điểm viết cho chính mình đến nhu cầu viết cho đông đảo những người khác. đối tượng của mỗi tác gỉa tùy thuộc theo phẩm chất của những sáng tác riêng. 

Tại hải ngoại, thời điểm này, số lượng bạn đọc, chắc chắn giảm sút nếu so với những năm của thập niên tám mươi. Khó tin tưởng vào số lượng tác phẩm ấn hành để kết luận lạc quan về đội ngũ người đọc, bởi : Chi phí ấn loát một quyển sách có hình thức tươm tất không nhỏ. Nhưng khả năng tài chánh của nhiều người Việt tại hải ngoại, dồi dào, không khó trong việc tiêu pha này. Nhất là đối với những hào kiệt, một sớm, một chiều, chợt tự thấy tài năng của mình.. 

Vào những năm sắp đến, đội ngũ cầm bút chắc chắn còn tăng, nếu kể cả những phần đất chữ nghĩa có tính cách thiếu vắng chất văn học hơn. Nhưng cánh bạn đọc, tiếp tục tuột thang hoặc may mắn thì cầm chừng như số lượng hiện nay. Lý do : đội ngũ người đọc đáng kể nhất là thành phần có tuổi. Nếu những người cầm bút có tuổi đang chen nhau rụng, thì bên người đọc cũng lặp lại mức xuống thang này. Bạn trẻ đọc sách Việt ngữ. có. Nhưng chẳng là bao. Một ví dụ, (ví dụ này có thể không minh xác với tình trạng chung của người Việt, nhưng có thật). Gia đình tôi, không ở chung, gồm 8 người : 2 vợ chồng, 4 con, 2 rể; có được một người rưởi đọc sách Việt, chia như sau : tôi 3/4 vợ tôi 2/4 và con gái đầu lòng 1/4. Hy vọng tình trạng kém văn hoá của gia đình tôi không là mẫu số chung. 

Cơ hội có thể cầm chừng như lượng người đọc hiện tại : nếu sau này chính phủ Việt Nam cho xuất cảng ra hải ngoại, nhất là Hoa Kỳ, nhiều loại công nhân. 

Qua đoạn quan sát hời hợt và có lẽ lạc đề trên, để có một câu trả lời giản dị : Người Viết vốn có cái đích cuối cùng và lớn nhất : Họ viết cho mọi người, cho Bạn đọc, dĩ nhiên cho cả chính họ. 

Viết cho mọi người không có nghĩa viết vì tiêu thụ được một số lượng cao của tác phẩm mà viết vì ít ra, những suy tư, tình cảm của tác giả có được một số bạn đọc chia xẻ, đón nhận. Người viết còn hy vọng và tin tưởng những sáng tạo của họ sẽ gây được một ảnh hưởng tốt nào đó với một số độc giả. 

3. 
Trả lời nhà thơ Song Vinh 
Nguyệt san Hồn Quê
http://www.honque.com
 

Với tôi, có hai trường hợp để tôi có cơ hội làm thơ. 

a/ Viết ngay khi bắt gặp một đề tài bắt nguồn từ một cảm xúc, một hình ảnh nào đó 

b/ Viết ra những xúc cảm, suy nghĩ , đã giữ một thời gian trong trí nhớ. đối với trường hợp a, thường viết dễ dàng và nhanh chóng,nhưng hoàn tất bài viết một cách ưng ý, đa số không bằng trường hợp b. 

Thói quen tôi vẫn giữ : trang viết của tôi, thường phải sạch, ít gạch xóa.điều này hẳn nhiên dành cho thơ nhiều hơn, bởi mỗi bài thơ, số lượng chữ không nhiều. Nếu trang viết bị xóa, thay nhiều chữ, tôi thường chép sạch lại những gì ưng ý, sau đó viết tiếp, điểm này thích hợp khi làm thơ thẳng ở mặt màn ảnh computer. Trong thời gian viết sạch lại như vậy, tôi vẫn nghĩ tiếp những câu thơ sẽ viết ở trong đầu, vì thế mạch thơ không đứt đoạn, hơn nữa thơ thường có xảy ra những bất ngờ, những tình cờ trong lúc viết, do đó rất thường viết được những bài thơ mình ưng ý, hơn cả dự định. 

Tứ thơ thường đến với tôi trong những lúc đầu óc thật thảnh thơi, những thời điểm này thường là, những thức giấc bất ngờ không ngủ tiếp lại được, hoặc những lúc thong dong chờ đợi một cái gì đó, ví dụ như chờ một chuyến xe, chờ sẽ về tới nhà khi xe đang chạy, và nhất là khi lái xe chạy chơi khơi khơi. 

Tôi luôn luôn có sẵn một xấp giấy có kẻ dòng cùng một cây bút dưới gối nằm, một ngọn đèn 15 Watts, có khóa tắt, mở bắt sát dưới chân đầu giường ngủ, khi cần viết, tôi mở đèn, bỏ giấy xuống sàn nhà, nằm nghiêng trên giường thòng tay xuống viết, điều này giúp tôi đỡ phải ngồi dậy, đến bàn.Và ánh sáng cũng không đủ phá giấc ngủ của bà xã bên cạnh, có thể thói quen này, đẻ ra thói quen tôi ngủ thường nằm nghiêng hoặc nằm úp vì vậy, thuần khiết, dù khi ngủ rất ưa gác chân. 

Làm thơ khi lái xe một mình, thường viết ngầm trong đầu, để khỏi quên, sau vài đoạn, thường lợi dụng đèn đỏ, chép tắt rất vội, những bản viết này sau đó tôi phải chép lại liền, để lâu chính mình đọc cũng không ra, có lẽ có vài thói quen lẩm cẩm khác nhưng xin nói qua thói quen khi viết văn xuôi. ở những bài viết này, tôi ngồi tại bàn viết một cách nghiêm chỉnh. Tôi hoàn toàn chú tâm khi viết văn xuôi. Trang chữ vẫn phải sạch, ngày nay viết trên màn ảnh computer thật là thú. Xóa , thay chữ thật tiện lợi, đã vậy, có thể giữ lại những đoạn còn lưỡng lự, cân nhắc nên thay đổi hay không, chỉ cần thay một một cái tên, save lại để đó, rồi quyết định sau. Sự sạch sẽ của trang chữ, hiện tươm tất trên mặt ảnh luôn luôn là những hấp dẫn đối với tôi. Vì ngồi nhiều trước màn ảnh, ngày nay tôi cảm thấy thú vị ngay khi đọc truyện, thơ, tin tức trên màn ảnh hơn là đọc những ấn bản.

Với tôi, bài thơ, tập thơ nào của tôi cũng đều được tôi trân qúi như nhau. Hình thức đàng hoàng hoặc lem luốt cũng vậy thôi. Chính điều này, tôi không muốn chọn in một tuyển tập như anh bạn Họa sĩ Hồ Thành đức đã từng nhắc nhở. Hay , dở của đều là của mình, cũng đều đã có những phút giây tuyệt vời với nó, bỏ sao đành. Thơ cũng như người yêu vậy, đi qua rồi, nhưng vẫn còn thở trong lòng đó mà... 


4. 
Trả lời các nhà văn, thơ : 
- Nhà văn Tưởng Năng Tiến, tạp chí Nhân Văn số 50 tháng 7-1987 
- Viên Linh tuần báo Khởi Hành số 1 bộ mới tháng 11-1996. 
- Nguyễn Hoàng Nam (Về chuyện Thơ Vần) tạp chí Thơ số mùa đông 1996 
- Thái Tú Hạp, Saigon Times, 26-9-1997 
- Tạp chí Hợp Lưu (chân dung tự họa) HL số 32 thái ngồi & 1-1997 
- Nguyễn Mạnh Trinh, Hợp Lưu số 38 xuân Mậu Dần, 1998 
- Nguyễn Mạnh Trinh, T.T Quảng Nam 1999 
- Triều Hoa đại, tạp chí Văn số 38 & 39 tháng 1 7 2-2000 
- Hồ đình Nghiêm ( bởi những tiết lộ của T.T.L) 

từ : 
http://www.digital-info.com/luanhoan, phần trả Lời Phỏng vấn

Luân Hoán 

Xin bấm vào đây để xem tiếp