ý kiến của các tác gỉa: nguyên sa. văn cao. đỗ qúy toàn. tô thùy yên. quỳnh thi. huệ thu. trần mộng tú. nguyễn thị thanh bình. hoàng lộc. triều hoa đại. hoàng xuân sơn. khánh hà. luân hoán. như chi. khánh trường. du tử lê. phan ni tấn. trang châu. thái tú hạp. lưu nguyễn. chu vương miện. đỗ kh. lâm chương. hà nguyên du. song hồ. nhất linh. yên thao. cao thoại châu. hoàng hương trang. xuân tùng. thương hoài thương. hà nguyên dũng. đỗ bạch mai. trịnh bích ba. phạm việt bằng. phùng thanh chủng. vũ huy long. băng sơn. huỳnh minh tâm. khắc thạch. dương thuấn. trương sĩ hùng. đặng nguyệt anh. trầm hương. lê khánh mai. nguyễn hoài nhơn. nguyễn lương ngọc. vĩnh nguyên. lê quốc hán. lê kim giao. hoàng việt thắng. nguyễn trung hiếu. văn trọng hùng. trương nam hương. nguyễn tấn sĩ. lê lâm. trần xuân an. lê hoài nguyên. trinh đường. ngô tịnh yên. chân phương. tường linh. phan xuân sinh, hoa thi, trân sa, đỗ trung quân, phan thị thanh nhàn, nguyễn quang thiều, thanh thảo, tuyết nga, phan huyền thư, ly hoàng ly, song vinh, vũ duy thông, trần huiền ân, thanh thảo, song hào, bằng việt, ...

 

Nhà thơ Hà Nguyên Du

trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh
(tạp chí Văn số 29 tháng 5 năm 1999)

Sinh kế đã làm hầu hết chúng ta rất bận bịu, nhất là tôi, thường lúc như không thấy mặt trời. Lại còn phải chăm lo hai đứa con còn quá nhỏ, nên hạn chế rất nhiều trong việc sáng tác. Nhưng chính vì thế, tôi lại càng "hăng hái"hơn, Vì thơ đối với tôi như một hiện hữu như bóng với hình, như nhịp đập của trái tim.

...Nếu gọi là thơ "mới", dĩ nhiên còn có thơ "cũ" . Mà dù mới hay cũ, miễn sao cho ra "Thơ". Nhưng chúng ta thấy rằng thơ mới, có triển vọng sẽ thích ứng với những thế hệ chuyển tiếp và với con người trên đà tiến bộ chung trong mọi lãnh vực của nhân loại. Từ đó "khẩu vị" văn chương nếu có món "mới"thì tốt, nhưng mới mà "ngon"thì đáng ca ngợi hơn.

Về sự "mới lạ" có phải là một yếu tố cho một bài thơ "hay"? Những câu hỏi này nếu trả lời không khéo sẽ gây ngộ nhận, nhưng theo tôi, "mới lạ" và "hay" đúng là các yếu tố cần thiết cho một bài thơ "hay". Nhưng khi nói đến một bài thơ "hay"không chỉ có "mới lạ" mà bao gồm cả một bài thơ hay của thơ "cũ" với những yếu tố "hay"khác, Thơ cũ vẫn tiếp tục tồn tại...

Nghệ thuật nào cũng đòi hỏi phải xuất phát từ nguồn gốc căn bản của chủ thể, đó là cái "tâm" hay từ trái tim cảm xúc của người sáng tạo ra tác phẩm, dù với nổ lực khám phá hay tìm kiếm nào, cũng không thể rời xa tính tất yếu đó. Nó giống như những chiếc chìa khóa để mở kho tàng mỹ thuật của các nghệ nhân ; đi ngược lại với những đặc tính then chốt như nêu trên, sự phân biệt "mới lạ"giả, tự nhiên trở thành một vấn đề cần có...

Làm thơ hay viết văn, là những việc làm văn hóa, cũng là người bạn đồng hành với những công tác truyền thông. Thế nên, với tôi mỗi bài thơ hầu như là những thông điệp mang chuỗi tín hiệu thông tin đến cho những mối liên hệ cần thiết.

Tôi chỉ có thể làm thơ trong lúc buồn, chán nản hay trầm cảm. Có khi với một tia hy vọng nào đó thơ cũng có thể đến, nhưng trường hợp này rất hiếm...

Thơ xuất, nhập bất thần. Nguồn cảm hứng có thể tuôn trào ra bất cứ lúc nào. Nhưng, lúc làm thơ thích nhất, ở Mỹ chỉ có lúc tịnh lắng vào ban đêm. Việc chán nản làm thơ, nơi tôi, trải qua muôn vàn thử thách vẫn không bao giờ có cảm giác đó.

Tôi luôn luôn thả tự do theo cảm hứng. Nhưng đôi khi cũng lạc qua thể tác mình ưa thích...

Quan trọng nhất vẫn chỉ là ngôn ngữ. Bởi ngôn ngữ như một chuyến xe chở đầy những hành khách, trong đó hành khách hình ảnh hay hành khach ý tưởng luôn tác hợp trên cùng một chuyến xe ấy, Về cấu trúc, chẳng khác chi những bánh xe lăn trên các lộ trình do "tay lái ngôn ngữ"điều khiển.

Hà Nguyên Du

 

Nhà thơ Song Hồ

Nghĩ Về Thơ
(bài mở trong tập thơ đá & Hoa, xuất bản năm 1992)

1.

Thơ có thể là một giòng chỉ có một chữ. Nếu thực như thế, nó đòi hỏi hình dung ra một giòng khác ở trên 
một chữ khác theo sau.

Trong trường hợp ấy, Thơ chỉ mới nói được một lời, một vật, một ý nghĩ cho chính nó.

Thơ chưa có một khoảng trống để hiểu.

 

2.

Thơ có thể là một giòng chỉ có hai chữ. Nếu thực như thế, Thơ đã diễn tả được thêm, rõ ràng hơn.

Hai chữ đã tạo thành một câu Thơ chưa ?

Hai chữ đã có một khoảng trống ở giữa.

Khoảng trống ấy giúp cho người ta hiểu về điều mà Thơ muốn nói.

Khoảng trống đó mang ý nghĩa của sự hiểu thấu.

Như thế Thơ gồm có hai chữ đã có một chút Thơ hơn.

 

3. 

Thơ thực sự bắt nguồn từ ba chữ .

(Anh yêu em - I love you - Je t"aime)

Ba chữ cần thiết để trở thành Thơ.

Rồi từ ba chữ người ta có thể kéo dài câu Thơ đến mười chữ, một trăn chữ, một ngàn chữ và bất tận...

Sự bất tận ấy là cái không gian mênh mông của Thơ tỏa ra.

 

4.

Thơ, ai làm cũng được, như thế là Thơ dễ làm. Một cô gái ngây thơ, một chàng trai đang yêu, một người

bị phụ bạc, một thư sinh, một người phẩn chí, một bác sĩ y khoa, một bệnh nhân, một ông Vua, một Hoàng Hậu, một Công Chúa, một Tướng Lãnh, một người lính, một tử tù, một tên giết heo, một người thợ, một người hành khất, một nhà sư, một linh mục, một gái điếm, một người điếc, một người câm, một người khùng...đều có thể làm Thơ. Thơ ra đời và họ trở thành Thi Sĩ, nghề nghiệp của họ không còn quan trọng nữa.

 

5.

Thơ làm khó hay, như thế là Thơ khó làm.

Bởi thế làm Thơ phải có năng khiếu.

Năng khiếu chưa đủ, mà còn phải có đam mê.

đam mê chưa đủ, mà còn phải có Can đảm.

 

6.

Thơ là sự Can đảm. Can đảm trước cái chết.

Can đảm đứng giữa bờ tử sinh.

Từ bỏ cái Thực đi vào cái Mộng.

Từ bỏ sự Giàu Sang đi vào sự Nghèo Nàn.

Từ bỏ Cái Vui để vào cái Buồn Phiền.

Từ bỏ Hạnh Phúc để vào đớn đau.

Từ bỏ Nguyên Vẹn để vào cái Tan Vỡ.

Từ bỏ cái Có để vào cái Không.

Từ bỏ cái Nhất Thời để vào cái Vĩnh Viễn.

Hay đôi khi trái ngược lại.

Can đảm của Thơ là yêu người mà người không yêu mình.

Yêu đời mà đời phụ mình.

Và Thi Sĩ là một người sống trong thế giới Treo Ngược.

 

7.

Thơ không có Biên Giới. Thơ bước ra ngoài không gian và thời gian ; bước qua những trở ngại và Chia Cách. Thơ là sự Hòa đồng bình đẳng không có giai cấp và quốc gia.

Thơ là Cho mà không Lấy, là sự tự nguyện không điều kiện và không cưỡng bức.

Thơ là sự Hy Sinh, là sự Lãng Quên, là sự Nhớ Mãi.

Là Tuyệt Vời, là Siêu Nhất.

 

8.

Thơ bị một số người ghét, vì quá nhiều người yêu Thơ.

Kẻ ghét Thơ là những ông Vua, không có văn hóa, những ông tướng bất tài, những kẻ có quyền hành mà áp bức người khác, bọn trọc phú và những người ngu dốt.

Họ ghét Thơ vì Thơ đã động đến những thói xấu.

Họ sợ Thơ vì Thơ không íck kỷ.

 

9.

Thơ là sự Chung Thủy. Là đầu mà cũng là Cuối.

Là Khởi Sự mà cũng là Kết Thúc.

Một vài người khởi sự cầm bút làm Thơ ngay và sau khi thất bại bỏ Thơ.

Có người khởi sự viết văn, viết kịch, vẽ tranh đến khi tuổi già cũng làm Thơ .

Có người làm Thơ từ thuở nhỏ, về già vẫn làm Thơ.

Và họ chỉ ngừng làm Thơ khi giã từ đời sống.

 

10.

Thơ là sự tuyển lựa trong cuộc chạy đua dài.

Một trăm người khởi sự đi vào con đường Văn Chương Nghệ Thuật, có khoảng 50 người chọn ngành Thơ, 30 người chọn ngành Văn, hơn mười người chọn các ngành khác như họa, nhạc, và vài ba người

làm nhà phê bình. Nhưng 20 năm sau con số ấy sút xuống một cách thảm hại.

dăm ba người còn làm Thơ.

Mươi người còn viết văn.

Bảy tám người còn vẽ tranh, viết nhạc.

Nhưng con số những nhà phê bình thì tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Số còn lại bỏ cuộc.

 

 

11.

Thơ là Tuyệt đối. Một Thi Sĩ thất bại thành nhà văn.

Nhưng một nhà văn thất bại khó thành một Thi Sĩ.

Một nhà văn thành công cũng muốn viết dăm ba bài Thơ,

nhưng một Thi Sĩ thành công chẳng bao giờ muốn viết truyện, dù là một cuốn.

Trong Thơ cũng có tranh, có nhạc, có cả kiến trúc nữa

nên Thi Sĩ cũng chẳng bao giờ mơ ước là một họa sĩ, nhạc sĩ hay một kiến trúc gia.

Trong cuộc sống đã cho thấy những ông Vua muốn trở thành Thi Sĩ, nhưng chẳng có một Thi Sĩ nào trở thành một ông Vua.

Có lẽ con đường mà người Thi Sĩ lựa chọn là con đường bạc bẽo nhất, nhưng cũng có hoa thơm cỏ lạ và tuyệt vời nhất.

 

 

12.

Thơ là sự Rộng Lớn. Thi sĩ sống mọi nơi trên trái đất và cả ngoài không gian

Thi sĩ có những người bạn ở khắp nơi trên địa cầu và cả ngoài không gian nữa. đó là những hành tinh như Vì Sao, Mặt Trăng, Mặt Trời..

Họ cũng là người liên hệ với mọi điều xảy ra từng giờ từng phút

trong mọi hoàn cảnh trên mặt đất và trong Thái dương hệ

Thơ là sự mơ- ước - có - thực, là sự thật và nói ra, điều thật.

Thơ không Dối Trá và nói- ra -điều -Dối -Trá.

 

 

13.

Thơ là sự Yên Tĩnh trong Chuyển động. Nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ ,kiến trúc gia,điêu khắc gia...có thể ngồi để tạo thành tác phẩm,

nhưng Thi Sĩ phải đi khắp mọi nơi - dù đi trong căn phòng - để tìm hứng Thơ, để làm Thơ trong sự chuyển động. Họ đi bằng sự suy tưởng, đi bằng chắp cánh cho tâm hồn bay xa...

 

14.

Thơ là ẩn thân - Tuổi trẻ dấu kín tình cảm, tư tưởng của mình trong Thơ- Tuổi già dấu thân xác nơi vắng vẻ, làm Thơ. Tìm nơi có cỏ hoa, chim muông, suối nước, trăng gió...để làm bạn. Vậy Thơ là sự Tĩnh

Lặng, Thơ là Thiên Nhiên.

 

 

15.

Thơ là Bùa Hộ Mệnh - Người lính ôm khí giới đọc Thơ ,dấu Thơ trong túi áo rồi lao mình vào kẻ thù trên chiến trường-

Thần chết bỏ chạy.

họ trở về gặp lại người yêu, gia đình với những thương tích trên

mình-Thơ là sự cứu tử-Thơ là hồi sinh.

 

 

16.

Thơ là Tai Họa-Thơ chống lại sự suy thoái về Chính Trị, sự u mê về Tín Ngưỡng, sự sa đọa về Văn Hoá-

Người làm Thơ bị kết án, bị bỏ tù, bị giết chết. Tính mệnh được treo gía.

Tác phẩm bị cấm đoán,bị tịch thu bị thiêu đốt-

Thơ khai chiến với điều xấu. điều xấu thắng- Thơ là sự Tự Sát.

 

 

17.

Thơ là sự Thông Dịch. Từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Từ chim muông, thú vật sang con người.

Từ cỏ cây hoa lá sang con người.

Từ đất, cát, sỏi, đá, lửa, nước sang con người.

Từ các hành tinh Mặt Trời, Mặt Trăng, Ngôi Sao...sang con người

Thi Sĩ nghĩ hộ chúng và nói hộ chúng.

Vậy Thơ là sự cảm thông, là đại diện, và cũng là phát ngôn.

 

 

18.

Thơ là Mật của đời sống. Là sự cô đọng của cảm nghĩ.

Thơ là Bùa mê, là Trái Cấm, là Kiến thức, là Tiên tri.

Thơ hoàn toàn vô giá trị trước con mắt người bình thường, nhưng lại được qúy hơn châu báu vàng bạc trong sự hiểu biết của một người, rồi biến thành Tri âm.

 

 

19.

Thơ là Vũ Khí. Nó hóa giải kẻ thù, sự hận thù, sự cô đơn, sự ngăn cách, sự sầu não. Ngay cả định mệnh tàn ác nữa.

 

19 bis

Thơ- Hóa giải định mệnh tàn ác. Với quốc gia là sự bị trị của một quốc gia khác hay của một người hoặc một nhóm người; với cá nhân là bị bệnh nan y hay sự lưu vong. Cả hai hoàn cảnh đều bắt nguồn từ sự buồn phiền. Buồn phiền sinh ra thơ. Và làm thơ để tiêu tan nỗi buồn phiền. Bởi thế Annam biến thành Việtnam; Nguyễn Trọng Trí trở thành Hàn Mặc Tử. Câu hỏi “Tại sao đa số người Việt Nam hay làm thơ ?” đã tìm ra câu trả lời.

 

20.

Thơ là Tuổi Thơ. Mọi người sinh ra đời đều được gọi Bé Thơ. Lớn lên mất dần Tuổi Thơ.

Vậy Thơ là Vô Tội. Thơ là Ngây Thơ.

 

 

21.

Thơ là Vô Ngôn Không có lời nào.

Là điều nói ra không có ngôn từ.

Là sự hiểu thấu mọi ý nghĩa.

Khoảng cách giữa các giòng, các chữ Vô Ngôn.

khoảng cách của giòng ở trên là Không gian

khoảng cách của chữ theo sau là Thời gian

Thơ không có lời, xuất hiện trước Kinh.

 

 

21bis

Thơ- Lời và Nghĩa của nó -cũng như trong truyện,và tiểu thuyết-giống như cái chuông và dùi chuông.

Khi chúng được đập vào nhau tạo ra tiếng kêu -âm vang của nó- làm cho không thấy chuông và dùi chuông nữa.

Chúng đã biến mất-chỉ còn tiếng vang đang ngân.

Vô Ngôn là tiếng vang, sau khi đọc.

Giờ đây, Thơ Vô Ngôn là lời không nói ra -vang vọng- từ Tình Yêu, Tâm Linh và Vĩnh Cửu.

Houston 1989

Song Hồ

 

 

Nhà văn Nhất Linh (1906-1963)

đời Thi Sĩ
(tạp chí Văn Học Nghệ Thuật số 3 bộ mới tháng 7 năm 1985)

Trước hết, tôi là một thi sĩ. Năm mười tuổi phải rời bỏ Hà Nội về huyện Cẩm Giàng, tôi đâm ra nhớ Hà Nội và làm thơ. Bài thơ khá dài, nhưng tiếc thay không nhớ hết. Có một câu tả cảnh hồ Gươm tôi còn nhớ nhưng đến nay (nghĩa là 43 năm sau) tôi cũng chưa thấy được cái hay của nó :

Chung quanh cây cối rườm rà
Giữa hồ có một chùa ta đây này

Thầy tôi biết ngay là thơ không xuôi nên đổi ra :

Giữa hồ có một chùa là Ngọc Sơn

Tôi còn bé nhưng cũng biết ngay câu thơ của thầy tôi hay hơn.

Tôi lại là người làm thơ mới thứ nhất của nước Việt Nam. Bài thơ bốn câu tôi còn nhớ cả :

Hai bên trắng nước chảy te te
Cầu ngang bắc lại tỉ tẻ te
Bầu giời ngõ trắng tròn xoe xoe
Chim kêu ríu rít, cánh buồm te

Gần hai mươi năm sau lúc bắt đầu có thơ mới tôi mới biết mình là nhà thơ mới đầu tiên, còn thơ thì đến nay tôi cũng chưa thấy nó hay ở chỗ nào. Nhưng mới thì nhất định mới vì những chữ hai bên trắng , cầu ngang, bầu giời ngõ trắng cũng bí hiểm như những bài thơ mới nhất của những nhà làm thơ mới bí hiểm nhất.

được cái viết thơ mới, thầy tôi chịu không biết chữa thế nào. Thầy tôi chỉ lắc đầu thở dài, cho tôi là một thằng bé lẩn thẩn. Rất tiếc là năm tôi 13 tuổi thì thầy tôi mất và vì thế không được cái vui thấy con mình bốn năm sau có hai bài thơ đăng ở Trung Bắc Tân Văn. Thơ ấy vịnh cảnh đi thuyền chơi trăng trên Hồ Tây. Tôi còn nhớ hai câu :

Con thuyền đè sóng tênh tênh vượt
Chiếc bóng sau người lướt thướt theo !

Thầy tôi vốn hay làm thơ và thích thơ đúng niêm luật (1), chắc phải cho hai câu trên này là đúng niêm luật và đối chọi chua chát. Hai bài thơ của tôi cũng không hơn không kém gì mấy nghìn bài thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn hồi đó (1922), nhưng riêng đối với tôi thật là một kỷ niệm êm đẹp : tên tôi và văn tôi lần đầu tiên được lên báo.

Trong báo Phong Hóa lúc bắt đầu cổ động cho thơ mới tôi cũng có viết ít bài nhưng đến khi có thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận ra đời thì tôi tự thấy mình là người thừa trong làng thơ.

Bài thơ cuối cùng của tôi trong đời làm báo là bài "Dân Quê" Bài ấy đã làm cho báo Phong Hóa (đăng bài thơ ấy) suýt bị đóng cửa, tôi bị mời ra ty kiểm duyệt và báo bán tăng thêm được hai nghìn số.

Từ ấy tôi không làm thơ nữa.

Mười năm sau (1945) ở hải ngoại về Hà Giang, tôi lại làm thơ, nhưng làm thơ...chính trị. Hồi ấy Hà Giang bị Việt Minh bao vây phải mở chợ phiên lấy tiền giúp quân đội. Nhà thi sĩ mặc binh phục, đi giày cao ống cầm kéo cắt giây chăng cửa trong khi một tràng súng liên thanh nổ vang cả tỉnh lỵ Hà Giang và mấy cô thiếu nữ dâng hoa. Nhà thi sĩ thì thích hoa, nhưng sợ tiếng súng. Nhà chiến sĩ thì thích súng và sợ hoa. Người tôi lúc đó vừa thích vừa sợ lại vừa sợ vừa thích thật là phân vân khó tả. Nhưng biết làm thơ cũng là một cái lợi. Chợ phiên có bán một bức tranh vẽ bó hoa và người mua tranh cứ nhất định đòi phải có bài thơ vịnh của nhà thi sĩ chiến sĩ họ mới trả 2.000 đồng(gần hai vạn bạc bây giờ). Thế là tôi phải làm thơ. Thơ rằng :

Trăm đóa hoa tươi hợp sắc màu
Muôn nghìn người Việt dạ như nhau
Bó hoa biểu hiện tình đoàn kết
Của khắp nhân dân vạn kiếp sau

Nhà thi sĩ mơ mộng hão huyền : Muôn nghìn người Việt dạ như nhau và đoàn kết ! Trước sự thực, nhà thi sĩ thở dài

Bài thơ tuy mơ mộng nhưng thực là "hàng hàng châu ngọc" vì mỗi chữ bán được bảy trăm đồng bây giờ. Chưa bao giờ tiền nhuận bút của tôi lại nhiều như vậy, nhưng than ôi, tiền lại không vào túi mình.

đến lúc tôi làm bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ liên hiệp và trưởng phái đoàn phái bộ ở đà Lạt để đàm phán với Pháp thì tôi lại có dịp làm thơ ...khôi hài, và làm cả thơ Tây.

Những thơ ấy tôi cùng làm với ông bạn quen đã lâu, rất vui tính, ông Nguyễn Duy Thanh lúc đó là cố vấn chuyên môn của phái đoàn. đoàn trưởng của phái bộ Pháp là ông Max André (Mạc ăng đê) . Sau gần một tháng hai bên thăm dò ý kiến nhau đủ thứ, thì ông Max André phải về Pháp. Chúng tôi (ông Thanh và tôi chứ không phải cả phái đoàn) họp kín trong phòng tôi và hai người cùng nhỏ lụy làm thơ sầu ly biệt :

ới Mạc quân, hỡi Mạc quân !
Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Anh đường anh , tôi đường tôi
Biết bao giờ lại nối lời nước non,

Mấy câu thơ này không hay gì lắm, mà lại phải cái sáo nữa ! Quả nhiên tôi và ông Mạc, ông đường ông, tôi đường tôi, không bai giờ gặp nhau cả. Mới gần đây, ông bạn tôi có dịp gặp ông Mạc. ông có nhắc đến tôi. Xin cảm ơn ông nhưng trời đã định vậy, ông và tôi không bao giờ lại nối lời nước non nữa.

Bài thơ ấy chúng tôi có dịch ra tiếng Pháp và thơ dịch hay hơn nguyên văn nhiều :

Oh! Max André ! Ah! Max André !
Cheveux noir si court que ça !
Toi, chemin toi, moi, chemin moi

A quand se relieront les paroles d"Eau et

de Montagne, moi pas connaitre !

Thơ Tây đến thế, thật là tuyệt và thật là cảm động, đọc nghe thật trúc trắc và thật êm ru. Nhất là câu "si court que ça" điện ngắn củn và bỏ thõng đã tả được ý nghĩa của câu thơ như cái tàu đương chạy mau thả hơi hãm phanh gấp. Thanh âm "que ça" tả thật đúng tiếng hơi phì hãm phanh. Câu sau cùng kéo dài lòng lòng (trái hẳn với câu thứ hai ngắn củn) cốt để tả rõ thời gian dài vô hạn cho đến lúc hai bên lại nối lại lời nước non. Trong đời thi sĩ của tôi có mấy câu thơ tây trên đây là hay nhất !

Rồi chúng tôi làm thơ ta (lục bát lối ca dao)* bằng chữ tây :

Depuis que je te connaisse
Jusqu"ici c"est presque un moi

 

A quand on se revoir ?

Bien ! On se quitte, aur"voir monsieur !

Trong đời chính trị khô khan của tôi, mấy câu thơ này đã làm tôi trở lại cái đời sống vui vẻ của nhà viết báo khôi hài. Nếu cái cười chữa được bệnh thì trận cười vì mấy câu thơ này đã chữa được cái bệnh nghiêm trang giả vờ của tôi lúc giữ việc ngoại giao.

Khi qua đất Trung Hoa lần thứ hai, ở Nam Kinh, tôi lại có làm hai bài thơ "đốt Lò Than" và "Vịnh cụ N..."Nay chưa tiện đăng.

đó là hai bài thơ sau cùng của tôi và cũng là hai bài thơ cuối cùng của tôi, tôi mong thế !

*

Thơ mừng cụ Nguyễn Hải Thần , 70 tuổi, tóc chưa bạc sợi nào, cụ bà mới đẻ con trai :

Thần mộng đêm qua báo một câu
Báo rằng cụ Nguyễn sống còn lâu
Dân đen chưa thoát phường xanh mắt
Trời biếc đâu cho cụ bạc đầu
Càng nỏ, càng dai, càng giúp nước
để danh, để tiếng, để về sau
đưa thơ mừng cụ bẩy mươi tuổi
*
Cụ đọc , cụ cười, cụ vuốt râu

Nam Kinh tháng chạp năm 1946

 

 

Nhóm Than đun Nước

 

 

Nước lạnh cho nên phải đốt lò

Hai bàn tay trắng những than tro

Chiếc nồi vừa nhóm còn leo lét

Ngọn lửa bùng lên đã sáng lòa

Than cựa thân hồng kêu lách tách

Nước giam ấm chật réo vo vo

Bật vung sức ép phì hơi tỏa

Chắc chẳng bao lâu nước sủi mà !

Nam Kinh 12-1946

 

 

(1) Trích ra đây bài thơ này thầy tôi làm khi rời huyện Chí Linh :

Lên ngựa chia tay luống ngại ngùng

Tình xưa bát ngát với non sông

Ai về nhắn nhủ giang sơn ấy

Sự tới nghìn thu vẫn đỉnh chung

 

 

Nhất Linh

 

 

Chú thích của tòa soạn Văn Học Nghệ Thuật :

* Trong di cảo , Nhất Linh ghi ở góc trên tờ bản thảo là để lại sau , có lẽ vì ông thấy phần này không thích hợp với tập hồi ký định viết về đời làm báo.

* Có lẽ Nhất Linh lầm, đây là thể thơ Song Thất Lục Bát, chứ không phải Lục Bát Lối Ca Dao.

* Nhất Linh có chữa hai câu kết thành :

Nước nhà lắm việc thân già mỏi

Miệng nửa cười vui, nửa ngậm sầu.

 

Xin bấm vào đây để xem tiếp