ý kiến của các tác gỉa: nguyên sa. văn cao. đỗ qúy toàn. tô thùy yên. quỳnh thi. huệ thu. trần mộng tú. nguyễn thị thanh bình. hoàng lộc. triều hoa đại. hoàng xuân sơn. khánh hà. luân hoán. như chi. khánh trường. du tử lê. phan ni tấn. trang châu. thái tú hạp. lưu nguyễn. chu vương miện. đỗ kh. lâm chương. hà nguyên du. song hồ. nhất linh. yên thao. cao thoại châu. hoàng hương trang. xuân tùng. thương hoài thương. hà nguyên dũng. đỗ bạch mai. trịnh bích ba. phạm việt bằng. phùng thanh chủng. vũ huy long. băng sơn. huỳnh minh tâm. khắc thạch. dương thuấn. trương sĩ hùng. đặng nguyệt anh. trầm hương. lê khánh mai. nguyễn hoài nhơn. nguyễn lương ngọc. vĩnh nguyên. lê quốc hán. lê kim giao. hoàng việt thắng. nguyễn trung hiếu. văn trọng hùng. trương nam hương. nguyễn tấn sĩ. lê lâm. trần xuân an. lê hoài nguyên. trinh đường. ngô tịnh yên. chân phương. tường linh. phan xuân sinh, hoa thi, trân sa, đỗ trung quân, phan thị thanh nhàn, nguyễn quang thiều, thanh thảo, tuyết nga, phan huyền thư, ly hoàng ly, song vinh, vũ duy thông, trần huiền ân, thanh thảo, song hào, bằng việt, ...

 

Một Số Ý kiến Của Các Nhà Thơ Hiện Ở Quốc Nội
Qua hai điểm : A/ Nhìn chung phong trào thơ trong nước
B/ Hướng sáng tác của mỗi tác gỉa
(Trích đoạn từ Tuyển Tập "Những Gương Mặt Thơ Mới - tập 1 và tập 2)
do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 1994 tại Hà Nội) 

Nhà thơ Yên Thao (Nguyễn Bảo Thịnh, 1927, Hà Nội)

Hiện nay rất nhiều người làm thơ nhưng thơ hay thì hiếm. Thơ tình yêu lạm phát. Không nên nghĩ tình yêu là tất cả của thơ và thơ chỉ viết về tình yêu lứa đôi.

Thơ là tinh hoa của tiếng nói, tiếc có những bài thơ từ ngữ quá trần truồng, thô kệch song lại được các báo chí đăng tải như một cái gì mới mẻ, dám nghĩ dám viết (?!).

Gom từng hạt bụi phấn
góp từng phân tử đường
con ong làm nên mật
cho cuộc đời lên hương

người làm thơ chúng ta
hơn con ong cần mẫn
càng phải biết chọn hoa
đừng làm ra mật đắng !

Yên Thao

 

Nhà thơ Cao Thoại Châu (1939 Nam Ðịnh,trưởng thành , làm thơ từ Sàigòn)

Tôi thấy người làm thơ bây giờ đông, náo nhiệt, nhưng sao họ giống nhau như nhiều giọt nước ! Ðiều đáng mừng là sự ra đi của nhiều nhà thơ từng được khẳng định đã
không để lại khoảng trống lớn đáng kể.

Từ thuở nhỏ tôi đã sống trong nhiều bi kịch bản thân, trong đó, cái xấu, cái ác có lúc lộng hành. Người thiền sư lấy gốc Bồ Ðề làm nơi tìm giải thoát, tôi tìm giải thoát trong thơ, làm thơ để chống lại cái xấu trong bi kịch bản thân. Vì thế giữa bao thăng trầm, bao trôi nổi, tôi vẫn cầm lấy cây viết dù rằng lời thơ tôi khi nào cũng buồn như nhận xét của nhiều người có cảm tình với thơ tôi. Ðiều đáng buồn là cho tới nay chưa có bài thơ nào do tôi làm ra lại làm hài lòng tác giả của nó.

Cao Thoại Châu

 

Nhà thơ Hoàng Hương Trang (1938, Huế)

Thơ hiện nay nhiều người làm, số lượng thi sĩ đông đảo hơn bao giờ hết, số lượng thơ cũng rất nhiều. Nhưng những bài thơ đi sâu vào lòng người, gây ấn tượng mạnh, làm người đọc yêu và nhớ thì quả thật rất ít, không bằng được những bài thơ gọi là "thơ tiền chiến". Vì sao ? Theo tôi, thơ bây giờ dùng ngôn ngữ quá xa lạ với người đọc, làm cho người đọc không thể hiểu nổi tác giả nói gì, có nhiều bài đọc lên tôi cứ tưởng không phải thơ Việt ! Bí hiểm, khỗ độc, ẩn dụ, làm dáng thời thượng, khoe chữ, đánh đố...đó là những yếu tố làm thơ xa người đọc, có đọc cũng chẳng nhớ lâu nổi. Tôi thích loại thơ

"để nhớ suốt đời"như "Chiều" của Hồ Dzếnh, "Hai Sắc Hoa Ti gôn" của T.T.Kh, như "Lỡ Bước Sang Ngang"của Nguyễn Bính, như "Nhớ Rừng"của Thế Lữ, như "Ðây Thôn Vỹ Dạ"của Hàn Mặc Tử vv...Hay xa hơn nữa, như thơ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Ðoàn Thị Ðiểm..Ước mong thế hệ chúng ta sẽ để lại nhiều bài thơ "nhớ suốt đời"cho thế hệ sau như chính chúng ta đã được thừa hưởng những áng thơ tuyệt tác của các thế hệ trước.

Riêng tôi về việc làm thơ, trước hết - tôi nghĩ là do mình có một món nợ tiền kiếp nào đó với văn chương, mà suốt đời mình bị nó đòi nợ, rồi lãi mẹ lãi con, và bỗng mình thành thi sĩ lúc nào mình đâu có hay ! Nhưng cái mà mình hướng đến, nghĩ đến khi làm thơ là chân thiện mỹ, là thời gian vô hạn, là không gian vô cùng, là tình người vô biên !

Hoàng Hương Trang

Nhà thơ Xuân Tùng ( Quảng Nam)

...Gần đây thơ được in nhiều. đó là điều mừng và cũng là điều lo. Như trong ngành xây dựng có nền và móng. Nền là mặt bằng. Móng là cái ăn sâu xuống đất. Thơ hiện nay mạnh về nền. Người làm thơ hiện nay nhiều, mà thi sĩ thì quá hiếm. Thơ chưa có giọng điệu mới lạ để "tuyên chiến"với loại thơ làng nhàng. Tìm tòi cách thể hiện cho thơ thì ít, mà lạm dụng ngôn từ đời thường làm xiếc các con chữ thì nhiều.

Thơ gồm có ý và tứ. Nhiều bài thơ hiện nay lắm ý mà kém tứ, nên khó nhớ, ít đọng lại trong tâm người yêu thơ.

Nàng thơ ! Thơ thuộc phái đẹp. Ðã yêu thì phải hết mình và qúy trọng. đừng biến Nàng Thơ thành Ðồng cô, thành phương tiện cho những mưu đồ khác.

Làm thơ theo com-măng thì khó hay. Với thơ, thích thì làm, rung động thì làm... nhằm ghi lại một khoảnh khắc tâm tư. Thơ thiêng liêng, do đó Thi Sĩ không thể là thợ của Thơ. Làm thơ cũng như chơi cây cảnh, không nhằm mục đích trước tiên là bán hay in.

Xuân Tùng

Nhà thơ Thương Hoài Thương (1942 Châu Thành, Tiền Giang)

Nói về thơ chung hiện nay thật khó lòng mà nắm bắt cho hết được. Muốn nắm được thơ chung phải nắm được khuynh hướng chung của những tác giả tiêu biểu hiện nay. Hai khuynh hướng mà chúng ta có thể ghi nhận được là khuynh hướng viết về quê hương và tình yêu. Nhưng thơ chung hiện giờ viết nhiều về tình yêu lứa đôi, về tuổi học trò, những kỷ niệm vui buồn của thời đã qua. Một số không ít viết về quê hương, nhưng chưa phản ảnh được đặc trưng của quê hương mình. Còn tình yêu thì không mấy cuộc tình đi vào và gắn liền tác giả với tác phẩm của mình nên ít được biết tiếng như thời "tiền chiến"đã qua.

Vì có yêu thơ mới làm thơ. Làm thơ là để bày tỏ nỗi lòng mình trước bối cảnh lịch sử, xã hội, tức cảnh sinh tình làm thơ . Không thích làm thơ dạy đời mà chỉ bày tỏ lòng mình. Nhưng dù sao, thơ không thể tách rời cuộc sống, đời thường, trong đó có chính mình. Ước muốn có một bài thơ, một đoạn thơ nào đó có thể tồn tại với thời gian.

Thương Hoài Thương

 

Nhà thơ Hà Nguyên Dũng (1946 Ðiện Bàn Quảng Nam)

Rất tản mạn. Về trước đã có nhiều, về sau chưa định hình tác giả.

Những người thân thường trách tôi không lo làm ăn mà chỉ lo lơ-mơ-làm-thơ. Vậy làm thơ không phải là làm ăn. Ðó là một cách chơi ! Dù chơi, phần mình cũng cố gắng chơi cho đàng hoàng một chút.

Hà Nguyên Dũng

 

Nhà thơ Ðỗ Bạch Mai (1951, Nam Ðịnh, lớn lên ở Hải Phòng)

Thơ Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ hai mươi này đang chuẩn bị cho sự tồn tại của thơ ở thế kỷ sắp tới. Cần phải tự giải phóng khỏi những ràng trói của quá khứ, để hòa nhập vào thời đại. Nhưng lại còn cần phải biết chọn lọc, gìn giữ, và nối tiếp những giá trị truyền thống, để không trở thành kẻ lạc loài. Mọi tìm tòi, thể nghiệm thơ ca trong những năm gần đây đều nằm trên hai hướng đó. Ðã có không ít những thất bại, trên cả hai hướng tìm tòi. Nhưng nhìn chung tình hình là đáng mừng, đáng hy vọng. Dường như chúng ta đã bắt đầu cảm thấy hình dáng thơ ca Việt Nam trong tương lai. Người làm thơ hiện nay càng ngày càng trở nên tự do hơn trước trang giấy trắng. Không có tự do nội tâm thì nhà thơ giống như con chim bị giam trong lồng hẹp. Hình ảnh này tuy cũ, nhưng vẫn luôn luôn chính xác. Mặt khác, người ta cần phải vươn lên để xứng đáng được gọi là một người tự do theo đúng nghĩa của từ ấy. Một nền thơ ca tự do chân chính phải hướng tới Cái Ðẹp của Con Người.

Tôi không bao giờ viết một cách cố ý, bắt buộc, mà chỉ viết khi cái việc đó tự đến với mình, mang lại cho mình một niềm vui, một sự giải thoát. Có thể tôi viết cho chính mình trước hết, và từ những bài thơ viết cho chính mình ấy, tôi mong được các người khác đồng cảm.

Là một phụ nữ, tôi cho rằng thế giới bên trong của phụ nữ phức tạp hơn, sâu sắc hơn, và tiềm ẩn những sức mạnh kỳ diệu hơn đàn ông. Phụ nữ cảm nhận nỗi đau nhạy bén hơn, nhưng lại có khả năng biến nỗi đau thành niềm vui. Phụ nữ dễ tin người, dễ bị lừa dối, nhưng lại biết cách tạo ra niềm tin mới. Phụ nữ thường vô lý, không theo những lô-gich hiển nhiên, nhưng nhận biết chân lý từ trực giác, từ bản năng. Thế giới hiện đại dường như đặt ra nhiều khó khăn hơn đối với phụ nữ, buộc họ phải vượt lên một cách quyết liệt. Vậy mà, sẽ không còn thế giới nữa, nếu không còn ngưòi phụ nữ - người mẹ - người yêu - người dịu dàng - người hy sinh, chịu đựng - người giàu lòng vị tha...

Tôi cố gắng diễn đạt một cách giản dị những điều phức tạp ấy.

Ðỗ Bạch Mai

Nhà thơ Trịnh Bích Ba (1952, Hà Nội)

Nếu nghĩ thơ là một nghề với tất cả những "công phu" của nó thì tôi luôn thấy mình là một người " nghiệp dư ". " ngoại đạo ". Nếu nghĩ về thơ như một niềm riêng để mình sống với mình thì nhiều lúc lại thấy nó quá chừng nhỏ bé trước bao nhiêu điều cáp bách hơn của cuộc sống hàng ngày. Lúc tôi không chủ tâm làm thơ nhất lại chính là lúc tôi có được những bài được người khác gọi là thơ.

Tôi tin rằng thời gian và cuộc sống rất công bằng, sẽ giữ được lại những gì cần thiết và một mai, sẽ có người nói đầy đủ và chính xác hơn tôi nhiều về thơ hôm nay.

Trịnh Bích Ba

 

Nhà thơ Phạm Việt Bằng (1943, An Cựu, Huế)

Từ xưa đến nay và cả mai sau, dòng chảy của thi ca là liên tục, luôn luôn hào hứng và mới mẻ. Thơ tự giác đi tìm cái thật và cái đẹp trong cuộc sống và thiên nhiên đáng yêu và gần gũi của chúng ta.

Tự mình lo toan xuất bản thơ là một thử thách không mấy ngọt ngào. Ai ưa dùng rau quả và gia vị cay, đắng, tanh (ớt, mướp đắng, dấp cá...) để sau đó có chút vị ngọt ngọt bùi bùi và có sự biến cải trong tâm hồn thì tùy.

Công việc làm thơ là lao động trí óc và chân tay biết kết hợp một cách thật nhuần nhuyễn.

Phạm Việt Bằng

 

Nhà thơ Phùng Thành Chủng (1950, Hà Tây)

Thơ chung hiện nay có xu hướng thiên về "tư duy trí tuệ" nhưng, thường chưa đủ "chín" để đạt tới xúc cảm nghệ thuật. Nhiều khi cái lý lấn cái tình. "Thơ" nhưng không phải là ngôn ngữ thơ, mà là ngôn ngữ..."Triết học !"Cho nên "lượng thông tin"thì nhiều nhưng để "đến" và "đọng" lại lòng người đọc, thì...rất hạn chế ! Tóm lại, tất cả vẫn đang dừng lại ở mức độ tìm tòi. Thơ truyền thống với phong cách thể hiện của nó (lấy tình để " cảm" , lấy say để đưa cái "tình"-(lý) đến với người đọc bằng ngôn ngữ thơ) đã và đang giữ vị trí chủ đạo.

Thơ là sự "mất thăng bằng"đòi được "điều chỉnh". Một nghệ sĩ chân chính (nói chung), nhà thơ (nói riêng) là người "mắc bệnh"mất thăng bằng mạn tính. Tóm lại, thơ-chính và phải là sự ẩn ức (thường trực) luôn luôn đòi được giải tỏa.

Phùng Thành Chủng

 

Nhà thơ Vũ Huy Long (1930, Hải Phòng)

....Tôi băn khoăn tự hỏi tại sao độc giả ít nhiều thờ ơ với thi ca ngày nay trong khi vẫn nhớ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Cận...Phải chăng khi làm thơ, chúng ta nghĩ nhiều hơn xúc cảm ? Phải chăng vần điệu kiểu thơ dịch trúc trắc khiến cho người đọc vất vả như leo núi ? Cũng may mà chưa có khuynh hướng làm thơ lục bát không vần

Ðổi mới về hình thức thơ không dễ. Có khi cũ người mới ta. Không nói đến cách bắt chước thơ nước ngoài. Thơ "Lục Bát Bút Tre"có chuyện ép vần (ép một từ trắc ra bằng) thì trong Việt Sử Diễn Nghĩa ngày trước đã có những trường hợp như thế. Khác chăng là một bên cố ý, một bên...bí vần.

Ðổi mới về cảm xúc thì có những câu thơ của các cụ túc nho làm tôi giật mình như :

Phút khoảnh khắc muôn vàn thê thảm
Trong một mình bảy tám biệt ly

(Tự Tình Khúc )

Thơ tôi là nhật ký những cảm xúc của đời tôi - Tôi thích làm thơ có vần điệu. Vần điệu chắp cánh cho thơ bay xa, dễ đi vào lòng người.

Tôi hy vọng thơ tôi là hình bóng của tôi

Vũ Huy Long

 

Nhà thơ Băng Sơn (1932, Hà Nội)

Thơ như người đàn bà.Thơ hay như người đàn bà đẹp. Không thể cứ đàn bà thì đều phải đẹp.

Gần đây con lũ thơ ồ ạt. Nhưng nó sẽ được sàng lọc. Thời gian là nhà biên tập tinh tế và vô tư nhất. Một vạn bài thơ lọt qua cái sàng, còn lại một vài bài đã là qúy.

Thơ như bóng ma. Là bóng ma nên nó thuộc về thế giới tâm linh. Nó là một bóng hồ nữ trong Liêu Trai, nó ám ảnh suốt đời, và chính nó cũng làm cho cuộc đời thêm lung linh vậy.

Làm thơ là sống với tâm linh mình, là giải tỏa nội tâm. Thế thôi. Ðây là cuộc chơi, nhưng phải đặt cược cả cuộc đời.

Băng Sơn

 

Nhà thơ Huỳnh Minh Tâm (1964, Ðại Lộc, Quảng Nam)

...Cũng như đời sống vậy thôi, tôi không đặt một chân lý , định nghĩa nào cho thơ cả. Khi đời sống chúng ta khó khăn, mệt mỏi thì thơ- một bộ phận của nó- cũng teo nhỏ đi. Ngược lại, khi tâm hồn chúng ta rộng mở, trí tuệ chúng ta sáng suốt, trong trẻo như viên ngọc thì thơ sẽ nở phình ra, bay cao hít thở những khoảng trời xa lạ. Chứ nó không chịu chui lủi vào một chiếc rọ u tối nào. Tôi tin rằng, mỗi con người đều có những bài thơ hay nhất, đẹp nhất chưa viết ra, đang viết ra, đã viết ra, hoặc không bao giờ viết ra. Chính vì vậy mới tồn tại thi sĩ. Làm thơ, có nghĩa là, nếu không phải để hoàn thiện bản thân, khơi dậy tính người trong mỗi con người.

Huỳnh Minh Tâm

 

Nhà thơ Khắc Thạch (1948, Nghệ An)

Nhìn chung, thơ hiện nay gầy tâm trạng , béo phẫn uất, nhẹ đạo, nặng đời, khôn ngoan đến vô cảm, tráo đặc trưng văn chương bằng đặc trưng báo chí.

Trên cái nền đó, ở thế hệ trước, giống như thiếu phụ tiếc nuối má hồng bằng trang điểm ; ở thế hệ sau, giống như thiếu nữ đỏng đảnh tuổi xanh thì hớ hênh. Lẽ vậy, thơ hình thành hai dòng chảy, dòng phấn son và dòng lem luốc.

Tin rằng, trên đà hành trình làm mới, thơ cũng có những bước phản hồi và sẽ gặp lại sự trinh nguyên của nó.

Có lẽ có điểm này giống nhau, dù đã ý thức hoặc còn chìm trong vô thức, người thơ nào cũng sẽ ám ảnh về không gian phẩm cấp và thời gian danh giá của nó. Mặc nhiên, đã có ai đó làm thơ vì những gì lớn lao cho nhân loại. Còn tôi, tôi làm thơ vì sự nhỏ nhoi của riêng mình. Tôi nghĩ thơ như sự buồn vui, khóc cười. Ai cũng có thể cười theo kiểu cười của người khác nhưng khóc thì phải khóc bằng nước mắt của chính mình. Với tôi, thơ là âm bản của nước mắt.

Khắc Thạch.

 

Nhà thơ Dương Thuấn (Tày-1959 Cao Bằng)

Chúng ta phải công nhận với nhau rằng, một tác phẩm nghệ thuật hay là một tác phẩm có hồn. Bài thơ viết ra nếu không có hồn sẽ không rung cảm được người đọc. Người nghệ sĩ sẽ có tội lớn với dân tộc mình nếu không nắm bắt được hồn của dân tộc mình, đem bó đuốc của hồn dân tộc mình góp phần thắp sáng thêm hồn nhân loại. Thơ Việt Nam hiện nay chưa thổi lên được ngọn lửa của hồn dân tộc, một số nhà thơ đang còn chạy theo đom đóm í ới gọi nhau ngoài bãi, trên gò...

Tôi làm thơ bằng cả hai thứ tiếng : Tày và Kinh. Khi viết tiếng Tày, tôi không nghĩ chỉ viết cho người Tày đọc, hoặc khi viết bằng tiếng Kinh, tôi cũng không nghĩ chỉ viết cho người Kinh đọc. Tôi chỉ nghĩ đến đối tượng đọc của tôi là con người. Theo tôi nhà thơ phải đứng trên sự vật, trên cả thời đại mình để đem tiếng nói yêu thương tâm huyết nhất của mình đến với mọi người. Tôi luôn luôn muốn khẳng định với mọi người rằng : Tôi là như thế ! Dân tộc tôi là như thế !

trích thơ :

Ông Câu Biển

sáng theo mặt trời đi
chiều theo mặt trời về
đứng trên sóng
ngồi trên sóng
câu một bể áo cơm
biển mai rồi lại biển hôm
sóng cong thành rắn dữ
trời mưa tuôn cũng đành
ai đi câu lợi
ai đến câu ông
mắt ông chỉ nhìn thấy biển
tai ông chỉ nghe thấy biển
ông câu bóng mình

Dương Thuấn

 

Nhà thơ Trương Sĩ Hùng (Thái Bình)

....Thơ khác với văn bởi bản chất là vần điệu. Vần điệu chính là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ dân tộc để phản ánh hiện thực (dù là hiện thực lãng mạn hay siêu phàm) nhưng rất tế nhị và tinh xảo. Thông qua cảm thụ "thiên bẩm" của nhà thơ, những cách thể hiện khác nhau của tâm hồn thời đại tự truyền dẫn cho nhau; tạo nên sức sống lâu bền.

...Tôi làm thơ khi cảm xúc được lắng lại sau mỗi chuyến đi. Có nhiều chuyến đi, không có được bài thơ nào. Thi hứng lại mờ nhạt dần, khi về nhà tìm đọc lại những tài liệu thơ ca, ký lục..của người xưa đã viết về đề tài mà tôi bắt gặp. Song nếu không làm thơ thì nỗi lo lắng đời thường trở nên nặng nề hơn, cô đơn hơn. Ít khi tôi gửi thơ đang báo, vì tôi cảm thấy chưa có thơ hay. Chuyên nghiên cứu về thể loại văn học dân gian, cổ điển, tôi được thừa hưởng di sản một cách tự nhiên, nhưng khoảng cách thời đại không thể không có những thi pháp khác nhau. Ðó là nguyên nhân chính khiến tôi tự xé bỏ nhiều bài thơ đã viết, không một chút vương vấn nuối tiếc.

Trương Sĩ Hùng

 

Xin bấm vào đây để xem tiếp