ý kiến của các tác gỉa: nguyên sa. văn cao. đỗ qúy toàn. tô thùy yên. quỳnh thi. huệ thu. trần mộng tú. nguyễn thị thanh bình. hoàng lộc. triều hoa đại. hoàng xuân sơn. khánh hà. luân hoán. như chi. khánh trường. du tử lê. phan ni tấn. trang châu. thái tú hạp. lưu nguyễn. chu vương miện. đỗ kh. lâm chương. hà nguyên du. song hồ. nhất linh. yên thao. cao thoại châu. hoàng hương trang. xuân tùng. thương hoài thương. hà nguyên dũng. đỗ bạch mai. trịnh bích ba. phạm việt bằng. phùng thanh chủng. vũ huy long. băng sơn. huỳnh minh tâm. khắc thạch. dương thuấn. trương sĩ hùng. đặng nguyệt anh. trầm hương. lê khánh mai. nguyễn hoài nhơn. nguyễn lương ngọc. vĩnh nguyên. lê quốc hán. lê kim giao. hoàng việt thắng. nguyễn trung hiếu. văn trọng hùng. trương nam hương. nguyễn tấn sĩ. lê lâm. trần xuân an. lê hoài nguyên. trinh đường. ngô tịnh yên. chân phương. tường linh. phan xuân sinh, hoa thi, trân sa, đỗ trung quân, phan thị thanh nhàn, nguyễn quang thiều, thanh thảo, tuyết nga, phan huyền thư, ly hoàng ly, song vinh, vũ duy thông, trần huiền ân, thanh thảo, song hào, bằng việt, ...

 

Nhà thơ Ðặng Nguyệt Anh (1948, Nam Ðịnh)

 Thơ như Hoa.

Nếu chỉ có hoa qúy phái như hoa hồng, hoa huệ...thì loài hoa sẽ đơn điệu dường nào. Bởi vậy, hoa cũng cần nhiều loại kể cả hoa hoang dại, để tạo nên rừng hoa ngạt ngào hương sắc.

Thơ cũng như Người.

Mỗi người góp mặt vào làng thơ với tư cách riêng, để tạo nên một nền thơ phong phú, đa dạng, muôn hình muôn vẻ.

Nhưng người có từ nhân cách cao thượng nhất tới thấp hèn nhất.

Thơ cao hơn Người. Không cho phép sự thấp hèn.

Thơ của chúng ta hiện nay nở rộ, đâu đâu cũng có thơ. Ngày xưa, Tản Ðà bảo : "Văn chương hạ giới rẻ hơn bèo". Bây giờ vẫn còn đúng. Nhiều người đã phất lên được bằng văn- kể cả người viết văn lẫn người "buôn"văn. Nhưng thơ thì vẫn rẻ quá, theo đúng nghĩa đen của nó. Tôi biết có người có thơ hay, nhưng không có tiền xuât bản, thật đáng tiếc.

Rất đơn giản dễ dàng, nhưng vô cùng khó khăn phức tạp.

Ðó là sự tích lũy suốt đời bằng trường học, sách vở, đời sống...Nó thấm vào mình như máu thịt và hơi thở, tạo nên nhận thức, suy nghĩ, qua điểm, xúc cảm.

Khi bắt được rung cảm bởi một thực tế khách quan, phải nắm bắt ngay, không nó sẽ vuột đi mất.

Làm thơ khó khăn như vậy, nhưng nếu đời thơ để lại được một đôi câu thơ trong lòng người đọc, thì đó cũng là một hạnh phúc lớn.

Ðặng Nguyệt Anh

 

Nhà thơ Trầm Hương (1963, Bến Tre)

...Có nhiều độc giả than phiền rằng thơ ngày xưa đúng là thơ còn thơ bây giờ trúc trắc khó hiểu, lảng xẹt ! Lời than phiền này có hai mặt nhưng dù sao cũng đặt cho người cầm bút một câu hỏi lớn để nhìn lại. Còn một điều đáng buồn, tình hình hiện nay có rất nhiều tờ báo nhưng hầu như ít có tờ báo nào giới thiệu thơ một cách trang trọng, hoặc những bài thơ có quá nhiều kỹ xảo nhưng mòn mỏi, không lay động được lòng độc giả. Chính vì vậy, đọc được một bài thơ hay cảm thấy được an ủi nhiều.

Tôi làm thơ để chống lại nỗi cô đơn cố hữu của chính mình. Khi tôi viết ra giấy, tôi có cảm giác mình đang đối thoại với một con người khác - người ấy lại là tôi. Mất mát, chia ly, yêu thương và tan vỡ, thành công và thất bại, công bằng và bất công...Thơ là người bạn đường để lòng tôi tìm thấy được san sẻ, thổ lộ. Vào những năm tháng sống trong giằng xé, đau khổ nhất, tôi làm được rất nhiều thơ. Sau này không viết được như cũ nữa. Những khoảng khắc lóe sáng của nội tâm chỉ xuất hiện một lần. Với tôi, thơ là một điều rất giản dị. Ðó là tiếng lòng. Những tiếng lòng đó có lan tỏa, khái quát được hay không tùy thuộc vào tài hoa của người viết.

Trầm Hương

 

Nhà thơ Lê Khánh Mai (1954, Vạn Ninh Khánh Hòa)

...Tôi là một trong số những người chưa mấy tin ở tài năng thơ của mình nên không tránh khỏi hoang mang, khi mang lấy nghiệp làm thơ giữa thời buổi này. Quan niệm của tôi về thơ ư ? Một quan niệm cũ như trái đất, rằng : Thơ ở đâu, thời nào cũng phải đi từ trái tim người. Trái tim - nơi xuất phát và cũng là điểm tựa để thơ vươn tới mọi mục đích mà thơ mong muốn.

Và, tôi tin, cái quan niệm cũ kỹ này vẫn là muôn thuở.

Lê Khánh Mai

 

Nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn (1956, Quảng Bình)

Thơ bây giờ đang có xu hướng hay lên. Các tác giả thơ đã biết vứt bỏ đi cái phần minh hoạt, lên gân lên cốt mà mấy chục năm trước vẫn thường làm theo ước chế xã hội định sẵn. Thơ bây giờ nói nhiều về thân phận con người, cả những khổ đau, bất hạnh, mất mát. Thơ đang có tiếng nói riêng, trước kia có lúc vì chúng ta mà quên đi cái tôi riêng lẻ nên thơ ít được đồng cảm thắm thiết giữa mình và công chúng bạn đọc.

Tôi làm thơ với mục đích giải bày những suy nghĩ buồn vui, đau khổ và hy vọng của mình. Thơ như một nghiệp chướng thì không tài nào tránh được những bất hạnh, khổ đau , và cả sự trớ trêu nữa. Biết vậy nhưng tôi vẫn dại dột nân niu cái "nghề thơ" mà thiên hạ vốn rất thờ ơ, lạnh nhạt này. Nhưng có lẽ cũng nhờ thơ (may mà biết làm thơ) nên tôi đã có những giây phút hiếm hoi sống với một thế giới khac đầy mộng mị, ước mơ, tách bạch hẳn với sự trần tục vốn rất hiện hữu. Thơ như một thiên mệnh để thức tỉnh lương tâm, làm giàu có tâm hồn và thúc giục đồng loại vươn đến những điều cao đẹp.

Nguyễn Hoài Nhơn

 

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (1958, Hà Tây)

Người có khả năng nói đang nhiều. Người biết lắng nghe quá ít. Tranh nhau nói, không nghĩ rằng ngôn ngữ sinh ra để hiểu nhau và luôn góp phần làm hiểu lầm nhau. Số người biết đối xử tử tế với ngôn ngữ chưa có mấy. Chẳng ngẩng đầu, chẳng cúi đầu, tôi nghĩ phải học sự dân chủ từ và với ngôn ngữ, đó là cái vốn lớn của dân tộc. Hồi thơ mới (32-45), đã có một cuộc cách mạng ngôn ngữ, khởi từ hai hướng : trong ra và ngoài vào. Bây giờ, một cách mạng đang rậm rịch, và hai hướng mới, từ chính ngôn ngữ, và từ đời sống. Quan hệ trong ngoài không còn quan trọng như trước, và câu ta hỏi : Ta hay tôi ? đang được đặt lại ở một cấp độ khác.

Con rắn toàn thân sát đất, đáng trọng. Ai nhìn nó là thịt thì băm viên mà rán. Ai nhìn nó là thuốc, thì đem ngâm rượu, muốn có cái để khao khát, thì thêm chân thêm râu, cho nó thành con rồng. Hồn tôi hướng về chân con hạc chân dầm nước, ăn cá, lấy cái tình của đất, của nước, mà phiêu du nơi mây trắng. Lòng tôi hướng về con rắn, rời đất là chết.

Con rắn và con hạc tìm sự hài hợp trong tôi. Và một con mèo, ở đâu đó, uy nghiêm, khuôn mặt chẳng vui, chẳng buồn. Nhìn mèo rơi, rồi đứng lên như bông sen nở, thấy cái thức của thơ mình.

Nguyễn Lương Ngọc

 

Nhà thơ Vĩnh Nguyên (1942, Quảng Bình)

Các báo hiện nay đều đăng nhiều thơ cho nhiều tác giả, đủ mọi ngành nghề. Ðiều này có cái lợi cho phong trào là không khí thơ đa dạng. Nghĩa là thơ có bình diện rộng, đề tài rộng. Nhưng , thơ là "ý tại ngôn ngoại" , chủ yếu ở "tứ thơ" mới thành bài thơ. Nhờ tứ , bài thơ dễ nhớ. Thơ không có tứ, dù cố ý quảng cáo mong người ta nhớ cũng bằng không !

Vì phong trào, vừa qua thơ làm ra và in ra rất nhiều nhưng "tứ thơ" thường mờ nhạt. Có người, may lắm còn lại một hai bài. Nếu chọn in tập cho từng người thì phải rớt đi nhiều lắm.

Làm thơ rất khó. "Văn là người" Người sống thật sống đúng thì viết ra đúng và thật. Người không trung thực, lừa bịp thì dù lừa trời cũng lòi ra lừa bịp. "Làm sao để có thơ hay" lại càng khó hơn. Bài thơ hay trước hết phải có bạn bè nhớ. Lọc qua thời gian, còn nhiều người khác nhớ nữa vậy.

Và, theo tôi, thơ là Nảy ra chứ không phải nghĩ ra. Trong cuộc đời, việc nghĩ ra thì có nhiều điều. Còn cái để Nảy cảm xúc thường ít hơn. Nhưng tôi thích viết cái ít hơn ấy.

Vĩnh Nguyên

 

Nhà thơ Lê Quốc Hán (1949, Hà Tĩnh)

...Mấy năm gần đây, rất it bài thơ sống được lâu trong lòng bạn đọc. Phần lớn các bài thơ, kể cả các bài thơ thành công nhất, hình như chỉ ở mức phát hiện cái mới, mà chưa đủ độ chín để dâng hương thơm, vị ngọt cho đời.

Tôi làm thơ để giải bày tâm sự. Quan niệm của tôi là ; Thơ hay phải phản ánh chân thực những khía cạnh sâu kín nhất của tâm linh con người. Lòng nhân ái là nền tảng của thi ca. Tôi thích những bài thơ giàu suy tưởng và những câu thơ mang tính khái quát cao, gần như đưa ra một định luật của tâm hồn người. Tuyệt vời nhất là có một cái tứ chung cho toàn bài. "đường bay đẹp hơn từng chiếc lông đẹp" . Muôn đời thơ vẫn là thơ. Thơ không phải chỉ mở mang trí tuệ mà còn phải lay động được tâm hồn con người, chắp cánh cho họ bay lên những bầu trời cao cả, chỉ ít an ủi được nỗi đau muôn đời của họ. Tự thấy còn xa tôi mới vươn tới được những tầm cao ấy.

Tôi không đề cao một thể thơ nào. Tôi nghiệm thấy rằng chính nội dung bài thơ quyết định thể thơ cần sự dụng, chứ không do tác giả lựa chọn trước.

Mong muốn của tôi là : Mỗi bài thơ phải góp phần (dù rất nhỏ) làm cho bản thân mình và độc giả sống tốt hơn, đẹp hơn.

Lê Quốc Hán

 

Nhà thơ Lê Kim Giao (1943, Hà Nội) 

Lần thứ hai trong một thế kỷ, nỗi khao khát bay vọt qua sự kìm hãm, ức chế của hiện thực, thơ Việt Nam tưng bừng khởi sắc.

Nó vượt qua các nghi lễ, uy quyền, then khóa, nó thật sự trình tỏ cảm xúc chân thành của Con Người khát khao, đau khổ, ngọt ngào và chua xót, nó đến gần với hình tượng dân tộc Việt giản dị và đau thương của thế kỷ. Cùng với cảm xúc là hồn Ngôn Ngữ của thơ cũng mạnh mẽ vươn lên kết hợp giữa hiện đại với dân tộc, cùng hướng tới vẻ đẹp tuyệt đối của Ngôn Ngữ Việt.

Ðó là điều đáng vui mừng đến cảm động.

Phần hạn chế :

- Rất đáng suy nghĩ, đó là sự thiếu một Tiêu Chỉ tối thiểu cho một bài thơ hay.

- Nhiều người quá ham chuộng cảm xúc mạnh mẽ và chỉ dừng lại ở đó thôi, khiến cho giọng thơ sống sượng, trần truồng, thiếu hẳn sự tinh luyện diệu kỳ của ngôn ngữ, giống như cái xác không hồn.

- Có người lại quá ham mê cái vẻ đẹp ngôn ngữ mà quên kkhuấy cảm xúc thật sự- Lúc ấy thơ véo von, hoa mĩ nhưng giả trá, hời hợt, lầm lạc hoặc xu thời. Rõ ràng loại thơ này chơi vơi như hồn không xác, chẳng tâm sự được với ai. Mong gì diễn tả được khát vọng chân thành của một dân tộc ?

Việc đầu tiên : Tránh đừng dự địnhtrước về một bài thơ.

Hãy sống cho đầy đủ cảm xúc.

Hãy " lắng - trong" các cảm xúc và vẻ đẹp ấy bằng ngôn ngữ sáng tạo. đó là thơ.

Lê Kim Giao

 

Nhà thơ Hoàng Việt Thắng (1953, Hà Nội)

Với chị em phụ nữ làm thơ, tôi nghĩ, thơ là một thứ nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của mình, cũng như yêu chồng và yêu con vậy.

Có một thực tế rất đáng mừng, là càng ngày thơ nói chung và thơ của chị em phụ nữ nói riêng, đang đến gần với tâm trạng thật, những tiếng nói thật. Do đó thơ càng ngày càng hay.

Riêng tôi, tôi rất ngại phát biểu ý kiến của mình về thơ trước công luận. Bởi thơ là một lãnh vực vô cùng sâu xa và bí ẩn, chưa một ai đủ can đảm tự nhận mình đã nắm được bí quyết về nó. Dù không có nguyện vọng được trở thành "nhà" này, "nhà"nọ , nhưng tôi vẫn phải viết, để trút bớt tâm sự mình.

Hoàng Việt Hằng

 

Nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu (1934, Quảng Ngãi)

...Thơ Việt Nam như rừng cây thuốc qúy được lưu giữ, bảo vệ và truyền lại đang ở dạng cao hơn, cả hàm lượng và tinh chất. Tôi yêu rừng cây thuốc qúy và trân trọng những người đã tinh chế được những phương thuốc hay, chữa được nhiều bệnh, cả những bệnh nan y, đã chiết ra từ những thân cây thuốc ấy.

Tôi làm thơ, nhưng không ít khi không tin nổi sức mình ngoài khoảng cách biển bờ xa thẳm, còn là sự choáng ngợp trước những khám phá lạ lùng từ những điều bình dị mà thế hệ trẻ như những giải sóng vỗ tung, ồ ạt. Tuy vậy, với tôi, sức quyến rũ của thơ vẫn là niềm khát vọng như khát vọng một tình yêu, khí trời và hoa hậu...

Nguyễn Trung Hiếu

Nhà thơ Văn Trọng Hùng (1951 Bình Ðịnh)

...Thơ chung hiện nay có nền khá vững : lực lượng làm thơ đông đảo, phong phú hơn cả đề tài và cách biểu hiện, lượngthơ được xuất bản khá nhiều so với trước đây...Song, thơ hay, thơ "thứ thiệt" thì hãy còn ít, chưa có những đỉnh cao.

Tôi chỉ cầm bút khi tôi muốn viết nhất ( thường là khi hưng phấn hoặc ức chế) không nhất thiết phải chọn lựa đề tài nào. Tôi rất tâm đắc lời của nhà thơ Trần Tử Ngang :... "Làm thơ là cốt gửi tấc lòng vào thiên cổ chứ không phải là chuyện phấn sức tài ba trong nhất thời.."

Tôi làm thơ trước hết là cho tôi.

 Văn Trọng Hùng

 

Nhà thơ Trương Nam Hương (1963, Hải Phòng)

...Tôi phản đối sự cách tân lập dị.

Với tôi, thơ là nỗi ám ảnh của vô thức, sự sám hối của tâm thức. Tôi giải thoát những nỗi buồn của tôi bằng thơ và chỉ có thể bằng thơ. Lúc ấy lòng tôi mới có thể trở nên thanh thản như con chiên sau khi đã xưng tội trước Chúa vậy.

Mỗi đêm, nói là ngồi vào bàn viết, thực ra tôi chỉ làm công việc chép lại thơ đã thuộc trong đầu. Dường như hai sự việc ấy cùng lúc diễn ra. Có đôi bài thơ tôi viết gãy, là khi đôi tay đòi chép mà tâm hồn tôi không thể đọc. Dĩ nhiên sau đó tôi không thể úm ba la những con chữ vô hồn được. Tôi chủ trương một lối viết truyền thống, vượt lên truyền thống. Quả là hồ đồ nếu coi phong cách người kia cũ, người này mới. Theo tôi, vấn đề ở chỗ với hình thức nào đạt được hiệu quả chuyển tải tư tưởng và tình cảm cao nhất. Mỗi người có quyền chọn một thi pháp riêng phù hợp với tạng của chính mình.

Trương Nam Hương

 

Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ (1956 Tam Kỳ Quảng Nam)

Bây giờ nhiều người làm thơ đã thoát khỏi cái dàn đồng ca cũ kỹ, mỗi người đều trỗi lên giọng điệu của riêng mình. Sự khởi sắc của nó có thể từ đấy chăng ?

Một điều tác động mạnh mẽ đến thơ là những biến động xã hội không ngưng nghỉ, sự bùng nổ thông tin đã đưa thơ hoà nhập với thế giới chung quanh. Sự giao hội nào cũng mang lại niềm vui và nỗi buồn tạo thành sức mạnh nội tại đẩy thơ tiến lên.

Thơ với riêng tôi chưa bao giờ là cái nghề mà dường như là cái nghiệp. Có một sự thôi thúc nào đấy rất âm ỉ rất mạnh đòi hỏi được giải bày với người đồng thời buộc tôi phải viết. Viết không định trưóc và định trước khó lòng có thơ hay

Nguyễn Tấn Sĩ

 

Nhà thơ Lê Lâm (1952, Hà Tĩnh)

....Thực và hay là cái đích mà thơ phải đạt đến không những cho hôm nay mà cho mọi thời đại. Thơ phải có chiều sâu, nhưng cũng cần có chiều rộng và không được thiếu chiều cao. Hiện nay ở một số người có khuynh hướng săn tìm cái "lạ" mà quên mất cái gốc của thơ là sự chân thật ; tìm cách vuồt ve cái Tôi của mình, thậm chí sa vào sự vụn vặt quên mất những vấn đề mà dân tộc và thời đại đang lo lắng, quan tâm.

Tôi nghĩ mỗi bài thơ được hoàn thành là một sự giải tỏa năng lượng của người viết. Năng lượng càng lớn, càng dồn nén thì càng có tác động đối với người đọc, đập vào trí não người ta và đánh thức nơi sâu xa tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi con người. Những bài thơ hay là những bài thơ hồn nhiên, hầu như đó không phải là chuyện văn chương mà là sự nếm trải của mỗi cuộc đời hiện hình trên trang giấy, nó khiến người ta rạo rực, nghĩ suy và gây ra cái cảm giác không yên, luôn ám ảnh tâm trí và buộc người ta phải làm một cái gì đấy...Tôi đang phấn đấu theo những suy nghĩ trên đây.

Lê Lâm

 

Nhà thơ Trần Xuân An (1956, Huế)

...TRưuớc hết, làm thơ là một cách tự khám phá mình và lắng nghe âm hưởng của cuộc sống. Trong ống kính vạn hoa của tâm thức, những mảnh hồn, mảnh đời rơi vào, quên bẵng, bỗng do một chấn động, lại biến hóa, kết tinh với những tầng nghĩa bất ngờ.

Bởi như mọi người, người thơ vẫn là một khối bí ẩn ngay chính với bản thân.

Thơ là tinh huyết của người thơ. Thơ còn là cách sống, lẽ sống.

Tôi chỉ là gã làm thơ, dẫu tự biết sức mình có hạn nhưng không ngừng vươn tới.

Trần Xuân An

 

Nhà thơ Lê Hoài Nguyên (1950 Thái Bình)

...Từ trong bản chất của thơ ca, làm thơ là một công việc khó khăn, kiên nhẫn, cần có tài năng bẩm sinh. Cảm hứng thi ca - chính là kết quả người làm thơ vắt cuộc đời mình ra từng giọt , từng giọt. Có người viết rằng thơ là một thứ tài năng tầm thường. Ý tưởng này chỉ đúng với thứ thơ lạm phát, làng ngàng trên thị trường sách báo hiện nay. Nó không đúng với giá trị của thơ ca đã được nhân loại và dân tộc lựa chọn.

Ngọn gió đổi mới đã mang lại cho thơ ca của ta một thời cơ để đổi mới cơ chế của nó. Chính trong giai đoạn tôi đã gần nhưng đoạn tuyệt với cách viết cũ và tìm được một cách viết thích hợp với tạng của mình. Tôi ưu tiên cho những cảm hứng về những vấ đề chung của cuộc sống, sự cần thiết phải làm cho cuộc sống chúng ta tốt hơn lên , làm sao cho con người chúng ta nhận thức được thực tại chung quanh để có ứng xử thích hợp. Tôi cảm thấy khó khăn và giả tạo khi đặt những khổ thơ trau chuốt vần điệu. Còn làm những bài thơ với phong cách mới cũng khó khăn không kém, nung nấu ý tưởng, cấu tứ và sửa chữa nhiều ngày.

Tôi ít làm được thơ tình vì cuộc sống của mình quá bay bướm. Tuy vậy tôi tôn trọng những bạn làm thơo viết được những cau thơ tình hay.

Tôi vẫn kiên trì với tuyên ngôn của mình : Mỗi bài thơ được viết ra với một cách viết khác với các bài thơ trước.

Lê Hoài Nguyên

 

Xin bấm vào đây để xem tiếp