ý kiến của các tác gỉa: võ kỳ điền, bình nguyên lc, trùng dương, phan thị trọng tuyến, trần thị ngh, nguyễn thị thanh bình, nguyễn xuân quang, hoàng nga, thảo trường, song thao, lê minh hà, kim lefrèvre, khánh trường, tâm thanh, lệ hằng, trần diệu hằng, lê thị thấm vân, trần hoài thư, nguyễn ý thuần, phạm quốc bảo, bùi bích hà, hoàng chính, dương kiền, đinh phụng tiến, hoàng liên, hồ đình nghiêm, nguyễn mng giác, thanh nam, dương thu hương, trần long hồ, trần thị kim lan, trần doãn nho, nguyễn thụy long, hà thúc sinh, lê thị huệ, trần vũ, ngự thuyết, miêng, lâm chương, mai ninh, nguyễn đông ngạc, bà tùng long, võ hồng, nguyễn thị vinh, sơn nam, phan du, nguyễn huy thiệp,hồ anh thái, vũ tú nam, nguyễn khắc trường, nguyễn ngọc thuần, nguyễn việt hà, nguyễn nhật ánh, lê lựu, nguyễn thị thu huệ, ...

 

Nhà văn Võ Kỳ điền

1.
trả lời nhà văn Hồ đình Nghiêm
về thi ca / văn chương miệt vườn
(tạp chí Nắng Mới - Montréal Canada - số 38 tháng 8 năm 1991)

...đối với những điều tôi đã học thì thơ lúc nào cũng khó hơn văn và trong các thứ nghệ thuật thì thi ca cao qúi nhứt. Trong giới văn nhân người ta phân biệt hai loại cầm bút : văn nhân và ký giả. Ngòi bút ký giả chỉ chuyên viết những bài có tính cách thời sự đăng báo, không được kể đến tính nghệ thuật. Trong giới văn nhân lại chia ra làm bốn cấp. đứng đầu là thi sĩ (poète) rồi văn sĩ (écrivain) tiểu thuyết gia (romancier), kịch tác gia (dramaturge). Phải phân biệt rõ như vậy mới hiểu rõ được câu nói của Hồ Trường An:

‘Có những người được gọi là nhà văn mà suốt đời không viết nổi một câu văn’.

Tây phương đã quan niệm và sắp hạng như vậy đó. Còn Tàu thì khỏi nói, thơ là nhứt Người đi học phải làm thơ từ khi còn nhỏ và cho tới già, tới chết cũng còn làm thơ. Văn của họ cũng viết theo thể tứ lục, biền ngẫu...cũng y như thơ. Còn loại văn giống như mình bây giờ thì bị coi là tiểu thuyết, Chữ tiểu thuyết có nghĩa là những chuyện vụn vặt không đáng kể. Trong văn chương thi cử ngày xưa, kẻ sĩ phải học tứ thư, ngũ kinh, bát sử Tàu và tập làm thơ phú, kinh sách. Tiểu thuyết không kể đến, nó là ngoại thư.

Tại sao trong các thứ nghệ thuật, thi ca lại cao qúi nhứt ? Vì các đặc tính của nó.

Trước hết nó khó làm nhứt. Các bộ môn nghệ thuật khác đều phải nhờ tới dụng cụ để bổ túc cho các tài hoa của người nghệ sĩ. Người hoạ sĩ phải có cọ, màu. Người nhạc sĩ phải có đờn, trống. điêu khắc gia phải có đục, búa. Vũ công phải có áo quần...điện ảnh gia phải có máy móc...Nếu không có dụng cụ, người nghệ sĩ có khác chi người thường, đến như nhà văn phải có ít nhứt một cây viết và một xấp giấy. Duy chỉ có thi sĩ, bằng vào tài năng trời cho mà ngâm nga những bài thơ tuyệt vời, không lệ thuộc vào một dụng cụ nào hết. Nhờ đó mà thi ca xuất hiện rất sớm với loài người và sẽ còn tồn tại mãi mãi.

Nói tới nghệ thuật thì phải nói tới khả năng khêu gợi cảm xúc của người thưởng ngoạn. Bộ môn nghệ thuật nào cũng giống nhau ở mục đích tạo cho con người thấy cái hay cái đẹp của cuộc sống thơ nó đã làm trọn vẹn hoặc hay hơn chức năng đó so với các nghệ thuật khác mà không nhờ vào dụng cụ nào hết. So với văn nó hơn một bậc vì nó sử dụng ngôn ngữ, âm thanh thật tối thiểu mà hiệu năng lại đạt được đa số. Ngôn ngữ dùng trong thơ phải là thứ ngôn ngữ tinh vi, chọn lọc tạo được phản ứng cảm xúc dây chuyền như phản ứng nổ hạch tâm trong lò nguyên tử. Một nhà văn muốn cho độc giả cười hoặc khóc phải viết một truyện ngắn hoặc dài từ cả chục trang. Người thi sĩ chỉ làm vài ba câu thơ mà

cũng tạo được tác dụng y như vậy. Hay hơn nữa, người ta đọc một tiểu thuyết xong nhớ ý mà quên lời, đọc một bài thơ hay thì thuộc lòng ngâm nga có khi suốt đời. Thơ ngắn nhứt của Trung Hoa, một bài có 20 chữ (ngũ ngôn tứ tuyệt) đến như thơ Nhựt Bổn, loại hài cú chỉ còn có hai câu. Nghiêm thử nghĩ coi, làm 2 hay 4 câu thơ mà khiến người ta cảm xúc được, rung động được thì dễ hay khó ? Tôi phải viết hàng chũc hàng trăm trang giấy dày đặc chữ mà chắc cũng chưa làm thổn thức được ai. Vì những lẽ đó, tôi chỉ dám tập viết văn mà không dám làm thơ. Nói thêm một chút chỗ này, không phải chỉ có mình tôi không biết làm thơ đâu. Trong văn học Trung Hoa cũng có tới hai người không biết làm thơ. đó là Tăng Cũng và Lỗ Tấn. Cổ nhân Trung Hoa thường nói : Có ba điều ân hận, một là hoa Hải đường không hương, hai là cá cháy nhiều xương, ba là Tăng Tử Cố không biết làm thơ ’ . Tử Cố là tên tự của Tăng Cũng đứng trong hàng bát đại gia của nhà Tống, đậu Tiến Sĩ, nổi danh văn chưong kỳ tài mà không biết làm thơ. Còn Lỗ Tấn là đại văn hào Trung Hoa thời Mạt Thanh. Văn của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, nổi danh khắp thế giới . Vậy mà ông thường hay than thở - thơ khó quá, tôi không biết làm.

Có lẽ tôi học cổ văn Trung Hoa nên bị ảnh hưởng tư tưởng của hai ông này chăng nên thấy thơ là sợ hãi. Không dám làm.

Dĩ nhiên, tôi thật tình tôn trọng ý kiến của các bạn cho thơ dễ làm hơn văn. Tôi cũng cảm ơn ý kiến đó, nhờ nó mà tôi thấy tôi giỏi hơn...Nghiêm cũng hỏi về hiện tượng dạo này có nhiều người làm thơ. điều này có gì lạ đâu. ở các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa sâu đậm, nhứt là Việt Nam mình lúc nào cũng có rất nhiều người làm thơ. Thơ đã vào tận xương tủy dân tộc. Gần một triệu người sống cuộc đời xa xứ, lưu lạc tận góc biển chân trời, mỗi người là một trời tâm sự ngổn ngang, nói sao cho xiết. Không gởi gắm tâm sự vào thơ thì gởi vào đâu ? Tôi chắc chắn rằng trong số người làm thơ đông đảo đó thế nào cũng có được những thi sĩ tài hoa. Chúng ta chờ xem...

 

Từ mấy năm nay, tự nhiên lại có danh từ văn phong miền Nam hoặc Văn Chương Miệt Vườn gì đó trong văn giới. Thiệt tình tôi không biết. Tôi bắt đầu viết từ năm 1980 cho đến nay, khi nào thấy cần thì viết, vậy thôi. Thiệt tình khi viết không bao giờ nghĩ tới tôi là nhà văn. Vì không nghĩ mình là nhà văn nên cũng không bao giờ để ý tới mấy chuyện bên lề đó. ông Bình Nguyên Lộc, ông Sơn Nam, khi viết văn, tôi nghĩ các vị đó cũng đâu bao giờ nghĩ mình viết cho Rạch Giá, Cà Mâu nào đó mà viết cho cả nước Việt Nam chớ...Còn nếu bàn về vấn đề văn phong miền Nam thì chắc phải có một bài khảo luận riêng kể từ đời Trịnh Nguyễn với văn học Nam Hà cho đến ngày nay với các đặc tánh của nó. Tôi thấy có nhiều người hiểu lầm văn phong với phong tục. Vì vậy họ thường

viết về phong tục tập quán miền Nam.

Vậy ông Vũ Bằng viết cuốn ‘Món Lạ Miền Nam’ ông ấy đã viết theo văn phong nào ? Tôi viết cuốn Pulau Bidong, vậy là viết theo văn phong Mã Lai chắc ? Khi nào có dịp tôi sẽ trở lại đề tài này để xác định rõ - thế nào là văn phong miền Nam, tại sao trước 75 ở Sài gòn không có mấy chữ này, bây giờ lại có ?

Còn danh từ Văn Chương Miệt Vườn tôi thật tình không hiểu rõ. Theo tôi, chữ ‘Miệt Vườn’có ý nghĩa khinh khi. ‘Miệt Vườn’đồng nghĩa với ‘Nhà Quê’. Có lẽ viết văn phải dùng chữ trau chuốt bóng bẩy, diễn tả những tình ý sâu xa, cao qúi. Nhà văn nào viết đơn giản, gọn gàng, giản dị...thì bị gán cho Văn Chương Miệt Vườn. Bạn nghĩ coi, gọi vậy cũng còn khá. đáng lẽ nên gọi là Văn Chương Miệt Ruộng cho đáng đời !

Hiểu nghĩa một danh từ cần phải xác định vị trí của nó trong câu nói. Khi ông Sơn Nam viết cuốn ‘Văn Minh Miệt Vườn’ là ông đang đứng ở cương vị người học giả khảo cứu các đặc tính của miệt đồng bằng sông Cửu Long...Nhưng trong danh từ ‘Văn Chương Miệt Vườn’ không thể hiểu là văn chương ở vùng đồng bằng Cửu Long được, mà phải được hiểu là ‘ văn chưong nhà quê’ để đối lại với ‘văn chương thành thị’ Nhưng thôi, chuyện đó là chuyện của các nhà văn với nhau. Tôi chưa dám lạm bàn, sợ bị trách cứ như một nhà văn đã viết :

- ‘Các ông nhà văn, các ông đồ nhiễu sự !’

2.
trả lời nhà thơ Phan Việt Thủy
(tạp chí Việt - úc châu- số 5 đầu năm 2000)

Quan niệm thông thường cuả các nhà văn hiện đại, khi thích thì viết, văn chương cũng không nhứt thiết phục vụ cho ai hoặc vì một mục đích gì. Tôi không phản đối quan niệm nầy nhưng không thích như vậy. Văn chương phải phản ảnh trung thực cuộc sống và phải thăng hoa Con Người. Có lẽ bản chất tôi là thầy giáo ham thích truyền đạt cái hay, cái đẹp nên lúc nào cũng muốn phô bày những thực trạng của xã hội, nỗi đau khổ lẫn sung sướng của kiếp ngưới, hầu mong được độc giả chia xẻ, cảm thông. 

Cho nên đối với tôi, viết không quan trọng. Cái quan trọng là suy nghĩ, thai nghén, nung nấu, phải cần một thời gian lâu dài. Viết chỉ là giai đoạn nối tiếp sau cùng của một quá trình thao thức, suy tư... Tôi không hiểu được tại sao có nhiều người quan niệm văn thi sĩ phải ăn chơi, hút xách, rượu chè, trai gái, mới sáng tác được.Tinh thần mệt mõi, thân thể suy nhược... thì làm sao mà viết nên tác phẩm! Ðó là vì họ lẫn lộn cách viết giủa nhà văn và nhà báo. 

Tôi cho là trong văn chương, kỹ thuật không quan trọng bằng nghệ thuật. Khi viết xong bài, tôi tự chấm điểm bài mình theo thứ tự :

Dở, Trung bình, Hay và đã.

Tôi xin được giải nghiã một chút xíu cách đánh giá kỳ cục nầy. Có những bài tôi viết tình tiết hấp dẫn ly kỳ, kiến thức phong phú, nhận xét tinh tế, cách viết tân tiến, chữ dùng mới mẻ... vậy mà lúc đọc lại thì đầu óc trơ ra như đất, không vui, không buồn, nghiã là không một xúc động nào. Vậy thì bài văn nầy có thể 'hay' mà không 'đã ' cũng như một người đẹp ăn mặc rất sang trọng mà lại vô duyên. Nhưng có bài câu chuyện tầm thường, bố cục khá luộm thuộm, tình tiết cổ điển, chữ dùng quê mùa... vậy mà khi đọc đi đọc lại tâm trạng xao xuyến, bồi hồi, xúc động theo từng chữ, từng câu... Bài nào được như vậy tôi cho là 'đã '.

Ðối với tôi, văn chương phải tạo cảm xúc cho người đọc. Văn chương không nhứt thiết phải chuyên chở kiến thức, việc đó đã có các học giả hay nhà khảo cứu lo dùm rồi. Vì vậy từ nhỏ tới lớn tôi đọc văn chỉ tìm tác phẩm đọc cho 'đã ' thôi mà không tìm tác phẩm hay để học hỏi (đó là lý do tại sao tôi không khá được). 'Ðã ' là cái duyên trong văn chương, nó tạo được cảm xúc cao độ cho người đọc. Trong cách viết tôi không chú ý nhiều lắm tới nội dung câu chuyện mà để ý nhiều tới tình tiết của nó (vì câu chuyện nào cũng giống câu chuyện nào!) Tôi chú ý hết sức đến việc tạo cảm xúc bằng hình tượng, bằng ngôn ngữ, bằng đối thoại... Tôi thường coi trọng hình thức diễn đạt hơn là nội dung.

Tóm lại nếu phải chọn giữa người đẹp giỏi mà vô duyên và người dở mà có duyên, thì tôi không đắn đo gì hết, nhắm mắt nhắm mũi mà đưa hai tay ôm lấy người dở liền...

 

Thông thường vào ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chúa nhựt) khoảng 4,5 giờ sáng khi giựt mình thức giấc, tôi nằm im trên giừờng, đầu óc lan man nghĩ ngợi chuyện dĩ vãng chuyện tương lai... rồi bất chợt thấy hiện ra trong đầu một đề tài thú vị nào đó, có thể một truyện ngắn sẽ được thành hình. Ðề tài được chọn lựa phải là một thông điệp nhắn gởi với độc giả, như tình yêu, sự chết, lòng nhân ái, sự bất công, nổi khổ đau....những đề tài muôn thuở của con người...

Khi muốn viết một bài, điều cần thiết nhứt cho tôi là sự yên tĩnh, phải tập trung tư tưởng thật mãnh liệt, nghĩ thật nhiều về đề tài sẽ viết -như thiền sư tham luận công án - cho đến bao giờ thông suốt lớp lang mới thôi. Rồi sau đó tôi mới tìm tòi nhân vật, tình tiết, hình ảnh, đối thoại, chữ dùng... không dư thừa mà cũng không được thiếu sót, bố cục phải chặt chẽ, nhập, thân, kết cân xứng ... y như những bài giảng ở lớp. Những kiến thức phổ thông học hỏi trong trường ốc hoặc thế giới xung quanh giúp tôi rất nhiều khi đá động tới những đề tài văn chương, vì sơ sót một chi tiết nhỏ hoặc có sai lầm, toàn bài văn sụp đổ...

Những năm trước tôi viết tay trên giấy, bôi bôi xoá xoá tùm lum, bản thảo mới ngó như đống giấy vụn, sửa tới sửa lui, cắt dán rất nhiều lần. Tôi viết chậm chạp và khó khăn nhứt là những tựa bài và câu kết luận. Câu kết của bài Ðá Hoa Cương (trong Kẻ Ðưa Ðường) tôi đã suy nghĩ gần trên một tuần mới có ý. Tôi thường viết trên bàn ăn cơm, dao rọc giấy, kéo, băng keo, viết xanh viết đỏ để bừa bãi, nhiều khi vừa ăn vừa sửa bản thảo.

Có khi bài gởi đi rồi, phải điện thoại nhắn gởi nhà báo sửa dùm thêm nữa. Bây giờ tôi tập dùng computer khá quen, rất tiện, tha hồ thêm thắt vẽ vời. Bài viết rồi để đó vài ngày sau, đọc lại thấy khuyết điểm, bôi bỏ nữa tới khi nào vừa ý mới thôi. Dùng máy gởi bài đi nhanh chóng, không mất thì giờ chờ đợi mà cũng đỡ tốn tiền tem.

 Võ Kỳ điền

 

Nhà văn Bình Nguyên Lộc

trả lời nhà thơ Viên Linh
(Khởi Hành 24 tháng 10-1969
đi lại số 5 bộ mới tháng 3-1997)

...Truyện dài không khác truyện ngắn (conte) vì conte cũng có đầu có đuôi có ‘chiều hôm trước, có sáng hôm sau’ y như truyện dài. Nhưng tôi không bao giờ viết truyện ngắn.

Những truyện mà tôi viết, thuộc loại khác, mà tôi mượn một danh xưng mà một người bạn trước bạ năm 1945, anh Nguyễn đình Thản đó là danh xưng tân truyện, danh xưng đó dịch được tiếng nouvelle của Pháp. Tại các báo sửa lại là truyện ngắn chớ tôi ghi là Tân truyện. Tân truyện thì rất khác, không có đầu có đuôi gì hết, đôi khi không có cả khúc giữa. Câu chuyện chỉ xảy ra trong 15 phút. Khác xa truyện dài.

đành rằng truyện dài cũng có lắm truyện không đầu không đuôi và chỉ xảy ra trong 5 phút. Nhưng dù sao cũng có bóng mờ của một câu chuyện, và nhứt là có quá nhiều chi tiết còn tân truyện hoàn toàn không có cốt truyện nào hết (nếu có chỉ là tình cờ thôi, chớ các tác giả không muốn có), chi tiết trong tân truyện cũng không được dồi dào lắm như trong truyện dài vì phạm vi hạn hẹp của nó.

...Viết văn như thế nào là làm sao ? Câu hỏi không rõ, chắc tôi chỉ trả lời được theo ước đoán chủ quan mà thôi. Tôi đoán rằng qúi báo muốn thỏa mãn tánh tò mò của bạn đọc vì những cái tật lạ của mỗi nhà văn chăng ?

Tôi không có tật lạ nào hết, chỉ thắc mắc một chứng bịnh thôi, là không thể viết ra chữ trên loại giấy nào khác hơn là giấy học trò.

Tôi mắc bịnh này sau năm 1953 mà tôi bắt đầu làm nghề thư ký toà soạn.Tới phút chót các ông thợ báo tin rằng thiếu nửa cột chữ 8, không tít. Anh thư ký toà soạn phải đẻ ra ngay để trám lỗ, chớ còn đợi ai được, mà không được phép viết dư chữ nào hết. Anh ấy phải viết sẵn trong bụng rằng nửa cột chữ 8, không tít. là lối 500 tiếng, lại phải biết mình nên cung cấp cho thợ bao nhiêu trang bản thảo của mình. Các thứ giấy khác, như giấy Vergé Ronéo chẳng hạn, không thể dùng được, bởi vì mình chỉ viết 25 dòng có khi 29 dòng, sẽ dư, hoặc thiếu thì khổ cho thợ lẫn mình, chỉ có giấy học trò là có số dòng nhất định. Giấy học trò giúp tôi biết rằng tôi phải đưa hai trang bản thảo. Như vậy trong một phút đồng hồ, tôi đủ thì giờ phân bố ý tứ cho 2 trang đó và viết được ngay, kẻo thợ họ không nghe cho mình.

Tôi thấy loại giấy đó có lợi quá, nên dùng nó để cung cấp tiểu thuyết cho các báo đăng hàng ngày. Họ đăng không giống nhau. Có báo đăng 3 trang, có báo đăng 3 trang rưỡi, có báo đăng 4 trang chữ viết của tôi. Chỉ dùng giấy tập tôi mới cung cấp được, không thiếu cũng không dư.

Làm như vậy suốt 16 năm trời thì nó thành thói. Ngày nay lắm khi viết thư cho ai, tôi cũng chụp ngay giấy học trò, may mắn nhớ ra, đổi giấy sạch hơn, rủi quên thì đành phải bị họ xem là vô lễ.

Tôi cần không khí trước khi viết, chớ không phải lúc viết. Nếu được đi dạo một vòng hoặc ngồi uống nước ngoài trời mát mẻ, hoặc nghe ai đấu láo một hồi thì có hứng nhiều lắm.

Số trang không nhứt định, tùy nhiều việc, thí dụ có com măng nhiều hay ít, cần tiền lắm hay không, nhưng nếu bị bắt buộc, tôi có thể làm mười tiếng liên tiếp và bôi đầy 50 trang giấy học trò.Nhưng tội gì làm nhiều đến thế, cũng chẳng sắm nổi ô tô với cái đà đó thì cứ viết mỏi tay thì nghỉ.

Xin thú thật rằng không có thì giờ đọc lại.Nhưng nếu có thì giờ đọc thì chắc mỗi ngày không viết tới năm trang được, bởi hễ đọc lại thì muốn sửa chữa, sửa chữa rồi, đọc lại nữa, và cứ như vậy hoài thì viết bao giờ mới có bài . đôi khi sửa chữa mãi hoá ra dở hơn lần phóng bút đầu.

Nghề văn Việt Nam hơi buồn. Mình viết văn ngoài các mục đích thiển cận, có một mục đích là muốn thiên hạ biết ý và lòng mình ra sao. Nhưng trung bình chỉ có lối ba ngàn người tìm biết thì thất vọng lắm. Dân ta đông tới 30 triệu, còn 29 triệu 9 trăm 97 ngàn người khác không thèm biết mình, thì tủi thân quá.

Nhưng bạn hữu tôi an ủi tôi rằng tuy vậy mà số người đọc báo cọp và sách cọp đông lắm, nên tôi cũng hả dạ phần nào. Những ông cọp chỉ giết chủ báo và chủ nhà xuất bản, chớ tôi thì có lợi về tinh thần. Tôi cũng bị thiệt hại lây vì các ông chủ báo, chủ nhà xuất bản khiếm tiền không được, không nuôi tôi no ấm lắm, nhưng dù sao cũng có một tí lợi tinh thần đã nói.

Bình Nguyên Lộc

 

Nhà văn Trùng Dương
trả lời nhà báo Nguyễn đăng
(tạp chí Văn số 10 tháng 4 năm 1983)

Nđ : Thế nào là một tác phẩm hay ?

TD : đó là một tác phẩm có chủ đề nhân bản và có một bố cục vững vàng.

Nđ : Khuyên các bạn ấy đọc và sống thật nhiều. Viết rồi nên viết lại tới thật hay, biết lãnh hội những ý kiến phê bình và xây dựng.

đặc biệt là phải bền chí và có tinh thần kỷ luật.

Trùng Dương

 

Nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến

1.
trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh
(tạp chí Hợp Lưu số 23 tháng 6&7-1995):

Thông thường tôi thích nhất khi xung quanh không có ai, có tiếng nhạc càng hay, nhạc Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Nhưng vốn tính lười biếng, và thiếu nhiều kỷ luật, tôi không vẽ ra một đường lối hay thể thức nhất định trong chuyện viết cũng như nhiều chuyện khác. Khi say mê viết, nhất là thuở vừa bắt đầu, thì chẳng cần gì, ngay cả cái máy computeur, chỉ cắm đầu cắm cổ viết, khi chán (hay bí,hay chùn tay, hay bế tắcvv...) lại muốn vứt viết, vứt máy...Say mê đó bây giờ lắng đọng, chán nản và đồng bọn thừa thắng xông lên hơi nhiều. Chắc vì cái ‘tuổi đời chồng chất’ ? Hình như càng già người ta càng ý thức về phần thời gian trôi đi vĩnh viễn (...él1mentaire, mon cher Watson!). Nên tôi cũng vậy, cố sống tận cùng hơn, kể cả ‘sống(còn chết ?-chưa biết)với văn chương’ như lời khuyên của một người tôi rất yêu. Sống là được hoài hoài đọc (viết?) sách, thơ, xem tranh, viếng cảnh, đi thăm bạn, đi chơi, nhớ tới bạn bè, kỷ niệm. đời sống thực là đời như vậy, ngoài những tam tứ khoái gì đó. Và lục dục thất tình. Lục trần, lục căn...Làm toán cộng thôi (chưa lũy thừa âm/dương bởi đam mê hay kẻ khác) cũng bộn bàng để nhét vào hai mươi bốn giờ của một ngày. Khó lắm, nhất là khi phải chọn lựa những ưu tiên, và không quên những thứ còn lại. Bị bệnh Alzheimer thật là kinh khủng...Ưu tiên của một thi sĩ là gì, khi không kể tới chuyện làm thơ ? Phải cho tôi hỏi lại anh một chút......

 

2.
Trả lời tạp chí Văn Học
ba câu hỏi chung, về Sáng tác
(Văn Học số 121 tháng 5-1996)

...Còn tại sao viết , viết cái gì, như thế nào, cho ai đọc, làm sao trả lời được ? Bởi khi bắt đầu viết, cũng như khi đang viết, những câu hỏi này không hề được đặt ra. Bây giờ bị hỏi, T. sẽ tìm ra vô số câu trả lời, và không trả lời nào đúng cả hay chỉ đúng chút chút.

Nghĩa là toàn những câu trả lời ba phải. Trót đã ba hoa thiên địa hôm nọ với anh Nguyễn Mạnh Trinh, xin các anh tha (lần thứ hai) không thôi sẽ thành người nói dai, nói dài nhất năm 95... 

Phan Thị Trọng Tuyến

 

Nhà văn Trần Thị Ngh.

trả lời Thượng Văn
(tạp chí Văn số 51 tháng 3-2001)

Không gian không ăn thua gì đến tôi. ở ngoài hay trong hay ở đâu cũng vậy. Nhiều khi mình thấy điều gì nằm đâu đó trong đầu, lúc viết nó trồi ra, không biết tại sao, chớ đâu phải cần đi để lấy chất liệu. Tôi không quan niệm đi nhiều thì có nhiều chất liệu, có nhiều kinh nghiệm, có bối cảnh mới , tại vì mình có thể ngồi một chỗ mà viết về những không gian khác cũng được vậy. Dĩ nhiên đi chơi thì vui, không gian rộng hơn nhưng tôi không có ranh giới, không có passport về chuyện đó.

Tôi không đi trước thời đại. Tôi đi cùng nhịp với bản thân. Tôi không gượng, tôi nghĩ sao viết vậy, tôi không làm gì phải cố gắng.

Tôi không cố ý làm mới. Một lúc nào đó tôi tự nhiên cảm thấy như vậy....

Ngôn ngữ nhập vô đầu mình hàng ngày. Qúy vị ở ngoài hình như co lại. Còn trong nước mỗi ngày đều có chữ mới. Khi viết thì nó bậc ra vì nó nằm sẵn trong đầu chứ không có ý đổi mới văn phong gì hết. Còn về cách viết, như đã nói, bây giờ tôi nhanh hơn, có cường độ, có tốc độ hơn. Về đề tài, riêng Tuyệt Tác và Chín Biến Khúc Chung Quanh Tuyệt Tác, sau khi bỏ quên đi một thời gian, tự nhiên tôi nổi hứng muốn vẽ lại. Có hai thứ nổ ra cùng một lúc, song song với tranh là nhạc nền. Cùng với tranh, tôi có viết một số ca khúc. (âm nhạc là nghề tôi kiếm sống). Tôi lu bu không biết phải bắt đầu thứ nào trước. Vừa vẽ tôi vừa nhớ điệu nhạc. Sau đó tôi có nhu cầu viết lại những kinh nghiệm này. Do đó, trong Tuyệt Tác và Chín Biến Khúc Quanh Tuyệt Tác vừa có tranh vừa có những trích đoạn nhạc.

Văn chương, âm nhạc, hội họa, ba thứ đó giúp đỡ nhau nhiều lắm

Trần Thị Ngh.

 

Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình

trả lời tạp chí Văn Học Hoa Kỳ
(số 131, tháng 3-1997)

...Viết đối với tôi dường như cũng bất ngờ như sự có mặt này. Nó bộc phát tự nhiên và đối với tôi đã không thể nào chống trả hay kháng cự nổi. Một đóm sáng, một đóm lửa nào đó đã thiêu đốt, làm rát bỏng một phía bên trong thì phải. Và như thế, viết đối với tôi có thể chỉ là thể hiện một phương cách ‘chữa bệnh’ hoặc băng bó lại vết bỏng tâm linh nào đó (cho dù vẫn có những lúc vụng về, tôi lại làm loang lở thêm những thương tích....dịu dàng).

Nghĩ cho cùng, tôi là con người chúa tham lam và ích kỷ. Tôi thích nhập vào nhân vật mình để có nhiều cuộc đời...để sống (trong khi mỗi người ta chỉ có một đời để sống). Tôi tự thỏa mãn những ‘vẻ đẹp’nào đó mà mình vốn khát khao kiếm tìm và cơ hồ chỉ gặp ở trong mơ tưởng, mộng mị.

Vâng, tôi tự cảm thấy nhà văn là người thích chơi trội, tranh giành quyền năng của Thượng đế. Sức mạnh ấy quyến rũ tôi !

...Riêng tôi khi viết một truyện ngắn thường thì phải có sẵn một chủ đề manh nha trong đầu trước đã. Tôi cũng cố gắng ‘đặt chút vấn đề’ trước khi viết để câu chuyện cứ thế dàn dựng theo đó cho dễ dàng. Viết tức là một cách thế bộc lộ , chia sẻ một điều gì đó với mọi người; thành ra không lẽ mình cứ viết khơi khơi ? Khi viết dĩ nhiên tôi phải ‘mê’ nhân vật sinh ra nó. điều này hệt như Erhenbourg đã nói, đại ý khi viết xong một cuốn sách thì có cái vui vì đã hoàn thành nhưng cũng có cái buồn là chia tay với những nhân vật của mình.

Viết truyện ngắn khó nhất là cái nhập đề cho mời gọi để dẫn dụ người đọc đi tiếp... đoạn đường trần với mình. Phần kết của truyện ngắn cũng rất quan trọng để kéo người đọc vào những cuộc hẹn hò kế tiếp ở những hồi sau, ở những truyện tới. Viết truyện dài cũng thế.

Làm thơ có lẽ không đến nỗi ‘khó tánh’như vậy. Chàng thơ của tôi vốn xuất hiện hết sức...ngẫu hứng. ’Hắn’ xẹt ngang như ...sấm chớp và trong khoảnh khắc ấy, tôi phải nhanh tay chụp bắt được. Khi đã chụp được thì hắn làm tôi ‘triệt tiêu’để khai mở ra những giòng thơ, rồi nếu chưa dàn trải ra được, con người tôi sẽ đờ đẫn suốt ngày và tối đến dám cùng chàng Thơ mộng du lắm. Cũng vui thôi!

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

Nhà văn Nguyễn Xuân Quang

trả lời Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh
(tạp chí Hợp Lưu số 27 tháng 2&3-1996)

Khi suy nghĩ đúc kết trước khi viết thường là lúc làm vườn. Khi viết thường viết vào lúc sáng sớm để khỏi bị phá rầy. Khi đang viết thích nhâm nhi, ăn vặt một thứ gì như các hạt, bánh kẹo với trà...Viết xong thường bỏ đi nhiều hơn là thêm vào. Và rất lười gởi đi đăng báo. Có truyện bỏ quên luôn.

Khi viết truyện ngắn thường khởi đầu bằng một gợi ý, nói một cách thông thường là hứng khởi từ cuộc sống. đề tài, nhân vật, bố cục tôi coi là thứ yếu. Diễn tiến câu chuyện khá quan trọng, nhất là phần kết thúc. Quan trọng hơn nữa là cái ý mình muốn truyền đạt tới độc giả. Tôi hay dùng những kỹ thuật lôi cuốn độc giả khiến họ phải đọc đến đoạn kết đọc một mạch. Họ phải đọc từng chữ, không thể đọc nhảy bỏ nhiều hàng mà vẫn hiểu mình nói gì. Vì thế mỗi dòng viết phải chuyên chở một ý, phải là một cái gì thu hút...Quan trọng nhất là truyện viết phải sống và động và phải là một sáng tạo, một khám phá

Nguyễn Xuân Quang

 

Xin bấm vào đây để xem tiếp