ý kiến của các tác gỉa: võ kỳ điền, bình nguyên lc, trùng dương, phan thị trọng tuyến, trần thị ngh, nguyễn thị thanh bình, nguyễn xuân quang, hoàng nga, thảo trường, song thao, lê minh hà, kim lefrèvre, khánh trường, tâm thanh, lệ hằng, trần diệu hằng, lê thị thấm vân, trần hoài thư, nguyễn ý thuần, phạm quốc bảo, bùi bích hà, hoàng chính, dương kiền, đinh phụng tiến, hoàng liên, hồ đình nghiêm, nguyễn mng giác, thanh nam, dương thu hương, trần long hồ, trần thị kim lan, trần doãn nho, nguyễn thụy long, hà thúc sinh, lê thị huệ, trần vũ, ngự thuyết, miêng, lâm chương, mai ninh, nguyễn đông ngạc, bà tùng long, võ hồng, nguyễn thị vinh, sơn nam, phan du, nguyễn huy thiệp,hồ anh thái, vũ tú nam, nguyễn khắc trường, nguyễn ngọc thuần, nguyễn việt hà, nguyễn nhật ánh, lê lựu, nguyễn thị thu huệ, ...

 

Nhà văn Hoàng Liên
trả lời ba câu hỏi chung, về sáng tác
(Văn Học số 112 tháng 8 năm 1995)

Bắt đầu viết từ hồi còn nhỏ tuổi và tiếp tục viết trong những điều kiện không thuận lợi ở hải ngoại vì yêu mến văn chương và thiết tha với cuộc sống.

Viết về cuộc sống, về con người, đặc biệt là người Việt Nam lưu vong tại hải ngoại, với những tâm trạng và những vấn đề của họ. Cố gắng diễn đạt trung thành những nhận xét và suy tư của mình để chia sẻ chúng với độc giả. Khi viết luôn luôn nghĩ đến bạn đọc. Tôi thường chọn đề tài, vì không quên nhận định của Jérôme va Jean Tharaud : "Viết ra không phải là việc khó, cái khó là phải có những câu chuyện gì đáng kể để kể, những tư tưởng gì đáng ghi để ghi". Hiện nay, đa số độc giả thuộc lớp người trung niên và cao niên ở hải ngoại. Số người này ngày một ít đi. Tình trạng ấy đáng làm cho những người cầm bút suy nghĩ.

Hoàng Liên

 

Nhà văn Hồ Ðình Nghiêm
trả lời tạp chí Văn Học
ba câu hỏi chung, về sáng tác
(Văn Học số 110 tháng 6- 1995)

"Lâu lắm không được đọc truyện của anh trên mấy tờ báo. đã có chuyện gì xẩy ra vậy? "...Trong những câu hỏi của bạn bè, người thân quen, đó là câu hỏi mà tôi thường đón nghe nhất. Nghe xong, liền trả lời :"có gì đâu. Tháng tới sẽ thấy lại "mặt mũi"tôi trên báo"

Trả lời điện thoại xong, liền cố gắng dẹp bỏ mọi thứ để ngồi vào bàn viết. Loay hoay, thờ thẫn, chong đèn thức khuya, lộn hồn mất vía. Và cuối cùng, ráng giữa tròn lời hứa.

Tôi không đùa, Ban đầu, có thứ động lực nào thôi thúc thì giờ này chẳng thể nhớ nổi. Nhưng hiện tại, có lẽ tôi còn viết được là do ở tính cả nể, muốn chìu chuộng, làm vui lòng những người đã lỡ bỏ lòng mến yêu (không đúng chỗ) cái tên HÐN.

Tôi thuộc "tuýp"người không khó tính như một số bạn văn mà tôi quen. Sự dễ dãi có

thể làm hại tới mình. Ðồng ý. Nhưng viết để buộc văn chương phải chuyên chở một gánh nặng nào đó thì tôi thực tâm chưa hề có cái ý nghĩ cưỡng bức kia. Ðừng nhọc lòng tự hỏi Viết thế nào nhỉ ? Viết cho ai đọc đây ? Mệt mỏi lắm ! Ðó không hẳn là điều quan trọng và cần thiết khi tôi mon men lại gần với chữ nghĩa. Tôi thích nhìn mọi chuyện một cách giản dị. Ðược hồn nhiên thì càng tốt hơn. Hãy cố mà mở rộng cánh cửa nơi " căn nhà" của mình để ai đó có buồn chân vào dăm phút nghỉ mệt, vậy thôi. Vấn đề là liệu anh có đủ sức lôi cuốn để giữ khách ngồi lâu ? Tôi vẫn nghĩ, viết một truyện ngắn và nó đánh động vào lòng thiểu số người đọc đã là chuyện khó thì hà cố chi phải ra sức để phục vụ cho cả một tầng lớp giai cấp đồng quan điểm, chung lập trường. Người viết phải có tự do đã dành. Người đọc, đôi khi họ còn tự do hơn trong việc lựa chọn một tác phẩm. Mai hậu, nếu tôi làm một nhà văn đúng nghĩa thì ắt sẽ phải bàn tới chuyện này một cách "rổn rảng" hơn. Hoặc sẽ làm thinh trước mọi câu hỏi ? (Cũng nên lắm )

2.
trả lời cô Quỳnh My
nguyệt san Hồn Quê
(tháng 11 năm 2001)

Thế nào là làm mới truyện ngắn? Mỗi người có một cái nhìn riêng. Theo cái cách mà những người gần đây viết văn tối tăm, không câu cú, không chấm phết, không xuống

hàng... được hiểu là làm mới thì hàng ngũ ấy không có tôi. Còn truyện thật ngắn thì thú thật là tôi chẳng thích. Ngay cả thơ Haiku cũng thế. Hà tiện tới độ nghèo khó như vậy để được cái gì nhỉ? Hình ảnh một anh chàng công tử Bạc Liêu hào phóng ném tiền qua cửa sổ bao giờ ngó cũng đã mắt hơn anh nông dân ăn tằn ở tiện chắc mót từng đồng. Nói thế chứ trường thiên tiểu thuyết hoặc trường thi trường ca tôi cũng ngán. Tôi đồng tình với cô bán bia ôm: "Dài thì em sợ mà ngắn quá ngó cũng nản!"

(QM : Viết văn đối với ông là một hoài bảo hay là một thú tiêu khiển ?)

Với tôi, hai trường hợp trên đều không đúng. Cái đầu, tôi chưa từng gợn lòng toan tính. Cái sau thì cho tôi phủ nhận chữ thú tiêu khiển kia để thế vào chữ hành xác. Hành xác

và rất mực tốn kém. Tiền bạc, sức khoẻ, thời gian thảy đều hao hụt. Tâm sự điều này, tôi

từng ngụy tạo chuyện nhức đầu sổ mũi, xin chủ hãng nghỉ việc nửa ngày để buổi trưa đứng bóng chui vô công viên ngồi viết cho xong cái truyện đã lỡ hứa với ông chủ báo Văn, ông chủ tiệm Hợp Lưu. Trời sanh tôi, đứa nhẹ dạ. Cả nể, dễ xiêu lòng nghe lời dụ khị, nên không "ke" chuyện việc vàng cắc củm từng đồng mà vui vẻ nai lưng đi vác ngà voi. May mà vợ tôi nhắm mắt, không cản: ăn được cái giải gì mà cặm cụi ngồi nặn óc? Dẹp đi nha...

Ðiều kiện tất yếu và đủ là: Săn đuổi, tán tỉnh, ăn nằm và sống chết với nó. (Một người tình chung?) Ðao to búa lớn quá, nhưng không thể nói khác, bởi bản thân chữ "da thịt phương phi" vốn không phải là chuyện nhỏ. Thôi thì thế này nhé, tôi thích truyện ngắn này và truyện ngắn kia vì giản dị là nó chứa đựng cho riêng nó một khí hậu, nó để lộ cá tính của người viết nên nó. Dẫu cho nó lỡ nói tới chuyện tầm thường, nhưng là cái tầm thường không giống ai, riêng biệt. Tôi thích câu nói của Paul Gévaldy: "Cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác nhau đôi chút để yêu nhau". Hãy thử đọc thơ của Bùi Giáng, của Tô Thùy Yên, của Luân Hoán, của Du Tử Lê... ngôn ngữ của họ "cầu chứng tại tòa" bằng chính chữ nghĩa khác lạ của họ. Bây giờ tôi nói:" Thưa cô phỏng vấn lòng vòng. Nhức tim bên nề , đau lòng bên kia" thì Quỳnh My biết ngay là tôi đã ăn cắp cái hơi thở của Bùi Giáng. 

Ngẫm lại hình như là không có thói quen. Ông Nguyễn Hiến Lê khuyên những kẻ viết văn nên tập thói quen mỗi ngày phải ngồi vào bàn viết một hai tiếng. Ðó là một lời khuyên vàng ngọc. Tôi biết thế mà tôi "chây lười lao động". Hình ảnh đứa nằm dưới gốc cây chờ sung rụng là tôi. Tùy tiện lắm, hổ thẹn lắm, và dị ứng với computer mới chết chứ! Tôi thường ngồi sau bếp một mình. Chỗ ấy yên lành nhất, ấm áp nhất, và nơi đó là vùng oanh kích tự do: tha hồ cà-phê thuốc lá thâu đêm mà không sợ hiền thê lẫn qúy tử càm ràm, đay nghiến, lên án, răn đe. Dạo này, tôi đã bỏ được thuốc lá. Tôi loan báo tin buồn ấy ra bởi vì miệng không thở khói thì người đẹp văn chương cũng trốn biệt tăm, moi tim óc hoài không ra một chữ. Khốn khó quá!

Tôi không mang chủ đích, chẳng có chủ ý. Tôi không rắp tâm khai triển một đề tài nào ráo trọi. Chân lỡ bước lên ghe thì cứ phó mặc cho sóng nhồi mang tới bến bờ nào cũng đặng. Tôi có khuyết điểm: Khó viết đúng theo một cái giàn bài đã định trước. Tôi ghét gò bó, ghét công thức, ghét khuôn thước. Tôi nuông chìu tình cảm hơn là trí.

Hồ đình Nghiêm

 

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác

1.
Với chủ đề : Họ Làm Thơ Viết Văn Cho Ai
(của tạp chí Chủ đề số 5 - Mùa Xuân 2001)

....Theo ý tôi, khi bắt đầu viết văn, không có ai đặt những câu hỏi rắc rối như thế. Người viết nào cũng bắt đầu bằng chuyện ham đọc.Trong khi những đứa trẻ khác ham đá banh, đánh lộn, hồi nhỏ tôi rất mê đọc sách. Thấy sách là chộp lấy, đọc say sưa, từ những truyện phiêu lưu mạo hiểm như "Con Tàu Máu Giết Người" của Phi Long, "Lệ Hằng Phục Thù"của Trường Xuân cho đến những truyện diễm tình của Dương Hà, Thanh Thủy. Bảo là vì mê văn chương mà mê đọc, nghe có vẽ hợp lý, nhưng tôi nghĩ không đúng trong trường hợp của tôi. Những truyện tôi bỏ ăn bỏ ngủ để đọc ngấu nghiến hồi nhỏ thật ra không có bao nhiêu giá trị văn chương. Nhưng cốt truyện luôn luôn hấp dẫn, gay cấn, khung cảnh và đời sống trong truyện hoàn toàn khác xa với cuộc sống bình thường tôi đang sống. Cái khao khát, tò mò muốn biết những cảnh đời khác thúc đẩy tôi tìm đọc sách. Nhất là vào thời ấy, các phương tiện thông tin và giải trí khác hấp dẫn hơn như radio, truyền hình, điện ảnh chưa có, sách là lối duy nhất cho tôi tìm ra một chân trời mới lạ.

Rồi sẽ đến một lúc nào đó, trong một phút bốc đồng, ta tự hỏi : "Người ta viết sách được, còn mình thì sao ?"

Thế là bắt đầu những cuộc mon men ban đầu của nghiệp viết. Viết cho mình, thỏa mãn ước vọng sáng tạo của mình, mong có ngày trong tủ kính trưng bày sách mới ở hiệu sách có một cuốn thật đẹp đề tên mình là tác giả. Bảo là "ham danh"mà viết, không sai, nếu hiểu chữ "danh" một cách hồn nhiên trẻ con, như ham muốn được trở thành học sinh nổi bật nhất lớp của một em bé học tiểu học.

Chỉ đến khi người viết đã có một địa vị nào đó trên văn đàn hay trong xã hội, chúng ta mới nghe họ trịnh trọng đặt ra những câu hỏi to tác như : Viết cho ai ? Viết cái gì ? Viết thế nào ? và tiếp theo sau là những bài đại luận về sứ mệnh của nhà văn, đối tượng phục vụ của văn chương, hay những tuyên ngôn này nọ về sức mạnh của ngòi bút, người kỹ sư tâm hồn, lương tâm của dân tộc, tiếng nói của người bị bóc lột...Tự nhiên, người cầm bút ban đầu "viết chơi" cho vui rồi dần dần bị huyễn hoặc vì chính những điều mình lỡ trớn huyên hoang, cuối cùng ưỡn ngực thành thật nghĩ mình vĩ đại, mình sáng suốt, mình là người dẫn đường, mình là người dìu dắt...

Cái xe "văn" trọng tải không nhiều nhưng chuyên chở "sứ mệnh"nhiều quá, cuối cùng lăn bánh không nổi. Tôi nghĩ càng bớt nghĩ đến chuyện "viết cho ai ?" thì người viết càng thoải mái khi viết, dĩ nhiên trừ trường hợp những người viết văn tự nguyện đóng vai trò chiến sĩ cho một lý tưởng nào đó. Chiến sĩ có quyền tạm bỏ bút để hô khẩu hiệu, hay dùng ngòi bút để đặt khẩu hiệu.

Tuy nhiên, bảo "viết cho mình", "viết cho vui", "viết chơi thôi mà" cũng là một cách nói làm dáng, một kiểu gồng mình y như những người tự gắn lên người hằng hà sa số sứ mệnh. Bảo chỉ viết cho mình không thôi thì cần gì phải mất công viết. Hễ đã mất công viết, tức là đã có mong muốn được chia sẻ tâm huyết và xúc cảm của mình cho người khác.

Nhưng "người khác"là ai ?

Những người duy lợi có một câu trả lời rất gọn : khách hàng là vua ! Sách là một sản phẩm tiêu thụ, nên phải nhắm tới thị hiếu của đa số những người sẽ bỏ tiền mua sách. Nắm bắt thị hiếu của đám đông không khó, và với một tài khéo trung bình và óc thông minh dí dỏm tầm tầm, nhiều người có thể viết những cuốn sách hấp dẫn, éo le, ly kỳ, bán chạy. Thời nào cũng có những cuốn sách và những tác giả được đám đông ái mộ nồng nhiệt , và thời gian ăn khách của sản phẩm càng ngày càng ngắn, qua thời ồn ào là hết chuyện.

Những nhà văn tự nhận là "nhà văn chân chính" thường ra mặt khinh miệt loại văn chương đại chúng này (tuy trong lòng cũng mong ước được đám đông ái mộ và sống cuộc sống huy hoàng như những nhà văn ăn khách nọ). Họ tuyên bố không cần độc giả, chỉ cần vài ba người đồng điệu trên thế giới này hiểu mình viết gì là đủ rồi. Nếu hiện tại không có ai hiểu mình, thì "ba trăm năm sau"thế nào cũng có người "khấp Tố Như" "Người khác"đối với họ là "bản ngã"tác giả nhận ra trăm, ngàn "người khác", thành "hải nội chư quân tử", thành bạn đọc lý tưởng của hậu thế vài trăm năm sau. Hiểu người khác tiện lợi như thế nên người viết thỏa thích viết gì thì viết, người đời nay không hiểu mình viết gì cũng không sao !

Tôi cho lý luận như thế chỉ là một cách tránh né không dám nhìn thẳng vào thực tại, ví von như Kim Dung là "bịt tai lại để ăn cắp lục lạc trên cổ ngựa".

Viết trước hết là để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình, nhưng đã viết, thì cần phải chia sẻ những gì viết được cho người khác. đã nghĩ tới người khác, thì phải viết thế nào để người khác có thể hiểu được, có thể thông cảm với mình được, có thể vui buồn hờn giận theo cùng nhịp tim của mình. đã nghĩ tới người khác (vì người khác vô danh và ở cùng khắp, nên rất đáng ngại), thì người viết không thể chơi trò tiểu xảo được. Người đọc ở khắp nơi, trình độ học vấn và khiếu thẩm mỹ của họ khôn lường, nên không có trò giả trá nào qua được mắt họ. Ta chưa nghe họ nói gì, chỉ vì họ không thèm nói, hoặc họ nói mà ngại ta đau lòng nên nói quá khéo ta chưa hiểu đấy thôi.

Càng nghĩ đến nụ cười bí hiểm của những người đọc vô danh, tôi càng thấy viết là một hành động liều lĩnh.

Viết cho ai ? Cho những mênh mông bất trắc của một cuộc phiêu lưu ban đầu tôi tưởng rất kỳ thú. Tôi chỉ có thể trả lời hàng hai như thế thôi

19-02-2001

*

2.
trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh trinh
(Văn Học số 121 tháng 5 năm 1996)

So với các bạn văn cùng thế hệ, tôi bắt đầu viết lúc đã ngoài ba mươi. Thật ra nói như thế không đúng hẳn. Người cầm bút nào mà không tí toáy thử viết cái này cái nọ lúc còn ở tuổi niên thiếu. Tôi cũng vậy. Nhưng sau khi đọc phải những tác phẩm bậc thầy, nhất là gặp Dostoievsky, tôi xé bỏ hết những gì mình đã viết. Tôi tôn Dostoievsky làm thần tượng. Cho đến nay, tôi vẫn còn giữ tấm ảnh cũ của Dostoievsky tôi từng dán trước bàn viết thuả ban đầu.

Nếu "viết"có nghĩa là "viết và phổ biến bằng chữ in", thì tôi khởi viết từ năm 1971, nhiều nhất, đều đặn nhất trên tạp chí Bách Khoa. Trước 1975, tôi in được 5 tác phẩm: Nỗi Băn Khoăn của Kim Dung,(tiểu luận), Bão Rớt (truyện ngắn), Tiếng Chim Vườn Cũ (truyện dài), Qua Cầu Gió Bay (truyện dài),Ðường Một Chiều (truyện dài),Bảy năm sống dưới chế độ cộng sản, tôi viết xong bộ trường thiên Sông Côn Mùa Lũ nhưng dĩ nhiên không in được. Vượt biên, tôi để bản thảo lại cho nhà tôi giữ. Năm 1990, nhà tôi sang Hoa Kỳ trong chương trình đoàn tụ gia đình, đem được bản thảo theo. Nhờ thế, ngoài những tác phẩm Ngựa Nản Chân Bon, (truyện ngắn) Xuôi Dòng (truyện ngắn), bộ trường thiên Mùa Biển Ðộng, tôi xuất bản ở hải ngoại, tôi có thêm được bộ trường thiên Sông Côn Mùa Lũ nhà An Tiêm xuất bản năm 1991 và 1992.

...Tôi thích viết ở ngôi thứ nhất hơn, vì tiện hơn. Ðã xưng tôi rồi, thì khỏi phải phân thân lung tung, khi phải giả làm em bé thơ ngây, khi phải đóng bộ một ông già sắp xuống lỗ. Nhưng ngôi thứ nhất có những cái ràng buộc, không thích hợp với truyện dài, càng không thể thích hợp với trường thiên tiểu thuyết.

Tôi đã nói tôi là người thích ứng vụng về với thực tế nên tạo ra một thế giới tưởng tượng để sống thoải mái trong đó, nếu anh muốn bảo sự sáng tạo ấy là công việc của Thượng đế, thì vâng, tôi thích làm một chú thượng đế nhỏ. Nhưng thích là một chuyện, còn làm được không lại là chuyện khác. Theo kinh nghiệm, tác giả chỉ làm Thượng đế được trong giai đoạn đầu, tức là giai đoạn ông ta mon men tìm cách nặn ra nhân vật. đến khi nhân vật đã có một vóc dáng, một nhân cách định hình rồi, thì nhân vật liền "giành quyền tự quyết" Có những nhân vật lôi tác giả đi. Tác giả cho nhân vật A gặp nhân vật B và chưa nghĩ họ nên nói với nhau những gì. Hai nhân vật gặp nhau trên bản thảo, và họ ăn nói huyên thiên vượt ngoài dự định của tác giả. Cho nên bảo tác giả là bà mẹ cũa nhân vật thì đúng, còn bảo là Thượng đế, chắc sai rồi.

Tôi không muốn cho ai khổ sở bất hạnh hết, mặc dù hầu hết nhân vật tiểu thuyết của tôi đều khổ sở bất hạnh. Tôi có bi quan lắm không ?

Tôi cam đoan với anh là không có tình yêu nào khô khan đứng đắn cả. Nếu có, chỉ do lỗi của người viết về tình yêu. Từ bản tính, tôi đã vụng về trong cách trang trải tấm lòng của mình cho người khác thấy. Tôi làm quen rất dở, và thường không tạo được cảm tình đối với người khác ngay buổi sơ giao. Có thể bản tính ấy ảnh hưởng đến cách viết truyện của tôi.

Tôi không cho tình dục là điều cấm kỵ trong văn chương. Nhiều lúc tình dục là cao điểm của tình yêu, là bằng chứng của một lòng tin cậy trọn vẹn, một sự hiến dâng trọn vẹn. Khi Nguyễn Du viết :

Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về

Rồi chính nhà thơ lại cho Thúy Kiều hối hận trước đây đã không trao thân cho Kim Trọng :

Biết thân đến bước lạc loài
nhị đào thà bẻ cho người tình chung

Ông đã phân biệt rất rõ một vụ hiếp dâm và tình-yêu-dục-tính. Viết về tình dục rất khó, viết giỏi thành văn chương erotic, viết vụng một chút lại thành porno. Tôi rất phục những nhà văn viết về tình dục rất văn chương như D.H.Lawrence, Alberto Moravia, Lê Xuyên, Kiệt Tấn, Họ vinh danh tình dục. Tôi tự biết không có tài trên phương diện này, nên khôn ngoan tránh đi đấy thôi.

Tay nghề cầm bút ngày càng cao là chuyện bình thường. Còn xúc cảm, nhiệt tâm tác giả gửi gấm trong tác phẩm ngày càng giảm đi, thì theo tôi nghĩ, không phải ai cũng như ai. Cái mất đi theo tuổi tác là sự hồn nhiên, chứ không phải xúc cảm, nhiệt tâm. Thông thường, một người cầm bút lúc khởi nghiệp viết về mình, cho mình, nên dễ đạt được ước muốn. Hàn Mặc Tử từng ước muốn : Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút. Mỗi lời thơ đều dính não cân ta. Nhưng viết về mình một thời gian rồi cũng cạn, tác phẩm sau là bản sao của tác phẩm trước. Nhà văn đối diện với một thử thách lớn, từ viết về mình chuyển qua viết về người. Những ai không qua được thử thách này, giá trị tác phẩm của họ chứng minh được điều anh đưa ra (tác phẩm đầu tay thường có nhiều chất cảm và có hồn tuy kỹ thuật chưa cao.Còn những tác phẩm sau thường có nhiều tiến bộ về kỷ thuật nhưng chất cảm và hồn giảm đi- NMT)

Khi mê gái không ai có thì giờ ngồi tẩn mẩn phân tích người mình mê đẹp chỗ nào. Chỉ có hai hạng người đủ bình tĩnh suy nghĩ về người con gái đó : người ngoài, và chính anh chàng mê gái khi anh bắt đầu hết mê. Mê văn chương, mê viết lách cũng như mê gái mà thôi. Khi nghe một nhà văn ba hoa về sứ mệnh này sứ mệnh nọ, tôi bắt đầu nghi ngờ lòng mê văn chương của anh ta. Một là anh ta mê những thứ khác hơn văn chương, nên dùng văn chương như một công cụ để làm chuyện khác. Anh ta hết là nhà văn, hay phân biệt chi li như Sartre, anh ta là "écrivant" không phải là "écrivain". Hai là anh biết rõ ngòi bút của mình đã sa sút, nên vội tìm một cái mộc che thân, giống y chang anh chàng mê gái muốn quất ngựa truy phong bèn tìm hiểu xem người đẹp ấy có thực đẹp hay không, giữa sắc đẹp và đức hạnh nên chọn bên nào.

 

Nguyễn Mộng Giác 

 

Nhà văn Thanh Nam (1931-1985)
trả lời nhà thơ Viên Linh
(Tạp chí Khởi Hành số 25 ngày 26-10-1969)

(Quan niệm nghề văn) Mãi đến những năm gần đây ở Việt Nam, mới có cái "nghề viết văn". Trước đây chỉ là những nhà văn "tài tử". Ngay bây giờ một số lớn nhà văn cũng làm nghề khác, viết lách chỉ là nghề phụ. Chỉ có một số ít sống bằng nghề này. Tôi hãnh diện song quả thật muốn nghỉ rồi vì thất mệt. Tôi đã nghỉ viết hơn một năm, song rồi không bỏ viết được, ngứa ngáy chân tay và thấy cuộc đời ù lì quá, chịu không nổi.

(Quan niện về truyện ngắn) Truyện ngắn đối với tôi bây giờ là một cực hình, gần như không viết nổi nữa. Khi mới viết, người ta thường khởi đầu bằng truyện ngắn- như tập Thùy Dương Trang tôi đã xuất bản năm 1958. Nhưng đến nay truyện ngắn lại khó viết quá. Tôi thường nghĩ "thà rằng viết truyện dài".

(Viết thế nào) Tôi viết khi rảnh, bất cứ ở đâu. Ngày viết nhiều nhất của tôi là 18 trang khổ 21x27. Tôi không có thì giờ đọc lại.......Tôi đang viết cuốn truyện dài thứ 47, hầu hết là viết từng ngày để đăng nhật báo. Chính lối viết truyện dài này là lối thai nghén lâu ngày. Có điều tùy hứng, ngày hôm nay quá dở so với ngày hôm qua còn ngày mai thì chưa tiếp tục được. Ngay cả kết cuộc ra sao cũng không thể nói trước. Tuy nhiên, nếu có nhiều thì giờ hơn tôi tin là 47 truyện tôi đã viết sẽ không như thế.

Thanh Nam

 

Nhà văn Dương Thu Hương
trả lời nhà báo Nguyễn Trọng Chức
(tạp chí Ðất Mới -Montréal Canada- số 4 tháng 4-1990 )

Hồi còn đi học, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành nhà văn. Tôi thường mơ ước được trở thành cầu thủ bóng bàn, bóng rỗ hay bơi lội mặc dù tôi cố gắng tập mãi mà chẳng bao giờ biết bơi. Rồi tôi lại chăm chỉ tập xà và ước mơ trở thành vận động viên thể dục dụng cụ.

Năm 1967, tốt nghiệp trường lý luận nghiệp vụ của Bộ văn hoá, tôi tròn hai mươi tuổi.

...tôi xung phong vào Bình Trị Thiên, mong đóng góp phần sức lực nhỏ bé của mình cho đồng bào và chiến sĩ đang chiến đấu gian khổ...

Tôi nhận thấy người ta nêu lên một lý tưởng cao đẹp nhưng trong quá trình thực thi lý tưởng có gì trục trặc, đẩy sự vận hành xa ra khỏi mục tiêu, thậm chí có khi ngược chiều.

Những điều bức bối day dứt ấy thôi thúc tôi phải tìm hiểu, suy ngẫm, nói và viết lên. Tôi không phải là nhà triết học hay chính trị. Tôi đành trút tâm tư lên trang sách.

Khi bước vào viết văn, tôi ít nghĩ cách làm văn chương. Tôi viết văn do thôi thúc nghĩa vụ của một công dân đối với tổ quốc mình. Về tình yêu, tôi tôn trọng những quan niệm truyền thống, bạn bè có người phê phán quan niệm của tôi có tính cách phong kiến. Vì vậy tôi muốn lùi lại để xem xét mình kỹ hơn . Thời đại này, nhiều niềm tin bị đổ vỡ, nhiều nếp sống cũng đổ vỡ không sức kiềm chế. Có nhiều người coi quan hệ nam nữ không khác nhu cầu ăn uống. Nhưng riêng với tôi, tôi vẫn tôn trọng tình yêu theo chuẩn mục truyền thống. Quá khứ đau thương trong chiến tranh đè nặng tôi làm tôi dị ứng với một lối sống phá phách. Vả lại, tôi đã từng biết những đàn ông đàn bà sống buông thả nhất cũng không giảm bớt đau khổ trong tình yêu. Tôi cho rằng, có lẽ dần dần, người ta quay về với quan niệm cổ truyền về tình yêu, coi tình yêu thiêng liêng như tôi giáo.

Trong khi viết văn tôi không nghĩ mình là phụ nữ và phải có một cái gì khác nam giới. Có thể phụ nữ nhạy cảm hơn với tình yêu nên viết về đề tài đó có nhiều cái hay. Tôi cũng có lúc thích viết truyện tình vì tình yêu cũng chứa đựng tất cả và đề tài tình yêu rất hấp dẫn với công chúng, nhất là thanh niên. Một nhà văn lớn đã nói : Bi kịch lớn nhất của loài người là tình yêu. Nhưng đối với tôi, tôi đang sống trong một đất nước hàng ngày vẫn diễn ra cảnh đau khổ, những điều oan khuất, còn có gia đình nông dân tự tử cả nhà bằng thuốc trừ sâu thì bi kịch tình yêu phải lui xuống hàng thứ yếu. Tôi không thể không viết những vấn đề cấp bách hơn.

"Bên Kia Bờ Ảo Vọng"là một cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, nó chứa đầy những khuyết nhược điểm, thậm chí còn ẩu tả. Khi viết nó, tôi muốn nói rằng con người không nên bán mình cho những ảo lý tưởng để rồi mình sẽ trở thành vật hy sinh cho chính nó.

Thời gian viết "Những Thiên Ðường Mù", một mình tôi đối diện với trang sách và những hình ảnh, vẫn day dứt trong ký ức tôi sống dậy. Hồi cải cách ruộng đất, tôi lên 9 tuổi, nhà tôi ở thị xã Bắc Ninh, ven đường quốc lộ, mảnh vườn sau nhà tôi trồng su hào ở sát đường tàu. Một buổi sáng ngủ dậy, tôi và mọi người thấy một xác người đàn ông tự sát nằm kẹp đầu giữa hai thanh ray, thân ông song song với vườn nhà tôi. Ðó là một đảng viện cộng sản ở làng Ðại Tráng, bị quy là địa chủ trong cuộc đấu tố. Bốn năm sau, lại có một xác người tự treo cổ lủng lẳng. Người này cũng là đảng viên cộng sản được tổ chức cách mạng gài vào làm lý trưởng làng tề để hoạt động cho dễ, không ngờ trong cuộc đấu tố bị quy kết là địa chủ và phản động. Trí óc non nớt của tôi lưu lại mãi những hình ảnh khinh hoàng đó,

Rồi một thời gian sau, ký ức tôi lại ghi thêm những hình ảnh khác : Sau khi đấu tố xong, một tội nhân bị xử tử, thây phơi giữa đồng, hàng ngàn người nối thành dòng dẫm đạp lên xác chết để chứng tỏ lòng căm thù giai cấp. Khi dòng người trở về, đứa con địa chủ tội nhân vác mai lủi thủi đi ngược chiều để chôn cất bố...Rồi câu chuyện về sáng sáng có những kẻ bị mổ bụnh, trên bụng có cái tờ giấy ghi là Việt gian. Sau này tôi hình dung dần ra các biến cố, tôi nghĩ rằng không thể xóa bỏ một xã hội tàn ác bất công để xây dựng một xã hội bình đẳng bác ái khi con người vẫn bị đẩy cuốn theo những hành động tàn ác như vậy. Vả chăng, đâu phải lịch sử dân tộc chúng ta chỉ có những hào quang thắng lợi, nó còn chất chứa bao nỗi đau, bao vụ án oan khuất, bao sai lầm. Tôi không thể không bộc lộ trên trang sách những điều tôi trăn trở, suy cảm. Tôi còn kém cỏi hơn các anh chị ngồi đây rất nhiều về trí thức cũng như sức tôi chỉ đến thế. Tôi vẫn nghĩ những điều tôi viết ra còn quá nông cạn so với những nỗi đau dân tộc đã phải gánh chịu.

Tôi xin phép các anh chị được trích đọc một đoạn của một nhà văn cao tuổi Mai văn Tạo, gửi từ Nam ra cho tôi, bàn về cuốn "Những Thiên Ðường Mù"

"....Tôi tìm Thu Hương để cảm ơn Thu Hương đã viết những điều từ lâu chúng tôi không được viết và bây giờ thì không viết được nữa rồi. Sức hết rồi, lực còn đâu ? Cái tâm không, không đủ. Dù rằng như Nguyễn Du nói : chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"..Thu Hương đã lôi lên trang sách mình một lũ người ngợm bất lương, ngu dốt có, học vấn cao cũng có. Bọn này tạo thành nhũng thế lực hắc ám, bạc ác, lạnh lẽo, u ám và bi thương.

CCRÐ(tôi viết tắt) người ta nói nghe dễ sợ : "Sai lầm.."và rồi "rút kinh nghiệm...sửa chữa". Cả sự ngạo mạn, coi sinh mạng con người và đất nước nhẹ như cái bông cỏ. đối với tôi...Cải Cách Ruộng Ðất là tội ác rùng rợn đến khủng khiếp. "Tôi không thể dễ quên những lầm lỗi trong CCTÐ"...Tôi đã viết như thế trong bài "Văn Học phải làm gì.."Tiếc thay khi in lên báo đã bị xén mất câu ấy rồi.

Từ lâu tôi thèm khát những trang sách viết một cách đành hoàng về CCRÐ(không cần thái độ bôi đen, bôi đen là không lương thiện, là cung cách của kẻ yếu hèn). Vẫn chưa thấy.

"Những Thiên Ðường Mù" Thu Hương đã vẽ lại đôi nét về cái bi kịch của cả dân tộc này. Nhưng-xin lỗi nhé- chỉ mới phát họa sơ sơ, chưa được 1/1000 cái thực, như tôi đã thấy tận mắt , nghe tận tai. Hồi bi kịch CCRD xảy ra có lẽ Thu Hương vào tuổi 15, 16 chớ chi"

Thưa các anh chị, hồi ấy tôi mới lên 9 tuổi.

Dương Thu Hương
(Nguyễn Trọng Chức lược ghi)
 

Xin bấm vào đây để xem tiếp