ý kiến của các tác giả: thái tuấn, nguyễn trọng khôi, hồ thành đức, lê thành nhơn, khánh trường, trịnh cung, ngọc dũng, nghiêu đề, đinh cường, rừng, ...

 

 Họa Sĩ Trịnh Cung

1.
trả lời nhà báo đặng Tường Vy
(tạp chí Văn số 9 (bộ mới) tháng 9 năm 1997)

Lúc còn đi học tôi vẽ rất kém. Có một lần nộp bài vẽ chiếc nón, ông thầy thuộc địa không những đã cho tôi không điểm mà còn đá vào mông tôi một phát. Lúc ra Huế cũng không dự định thi vào trường Mỹ Thuật, chỉ đi với mục đích như đi hành hương vì biết Huế là thánh địa của Thi Ca, là long mạch của thi sĩ. Theo bạn bè rủ thi vào trường Mỹ Thuật, tôi đậu thứ 14 trong số 15 người được tuyển.

...Tôi không chủ trương hội họa là tả chân, mà chỉ áp dụng sự hiểu biết về cơ thể học (khi vẽ tranh khỏa thân, ghi chú của LHB) và dùng trí tưởng tượng của mình để tạo ra sự thuần nhất từ phong cách đến đề tài... 

Tất cả những họa sĩ từ thời phục hưng đến nay cũng thường chọn đề tài vĩnh cửu là phụ nữ. Tuy nhiên, vóc dáng đẫy đà, mũm mĩm của Renoir đã được thay thế bằng hình ảnh thon thả, khuôn mặt thanh thoát hơn của Modigliani. Mẫu phụ nữ này đã trở thành một biểu tượng của thời đại. Những nhân dáng phụ nữ xuất hiện trong tranh của tôi vào thập niên 60, qua đến thập niên 70, một người bạn thân của tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói rằng : ‘Các cô gái Việt Nam bây giờ trông giống như mẫu phụ nữ trong tranh của cậu rồi’  

Trước năm 1975, tôi cũng đã tìm đến với tranh trừu tượng, nhưng cho đến năm 1990 tôi mới thực sự có cơ duyên đi vào khuynh hướng này. Trường phái trừu tượng cho tôi cảm thấy sự tự do trong việc sáng tác, khi mà loại tranh hiện thực gây cho tôi nhiều trở ngại và căng thẳng trong việc biểu lộ tâm tư của mình qua những giai đọan lịch sử. Ra đời đã lâu tại âu châu, nhưng trường phái trừu tượng cho đến nay vẫn có những ảnh hưởng hết sức lớn lao với nền nghệ thuật tạo hình hiện đại, và đối với tôi, vẫn là một cánh cửa mở tung ra một vùng trời cao rộng, không bị gò bó trong những khuôn phép, điều lệ trói buộc cảm hứng của con người.

 Thật là một điều thiếu sót nếu một họa phẩm không cưu mang tâm tư của tác giả. Chức năng của văn học nghệ thuật là lưu trữ lại nỗi đời này để chia sẻ với đời sau. Một tác phẩm không những chỉ là một dự báo mà còn là một chứng tích ghi lại những biến chuyển trong từng giai đoạn của cuộc đời này để lại cho thế hệ mai sau. Người nghệ sĩ cần phải đau cùng nỗi đau của quê hương, nổi trôi cùng số phận của dân tộc. 

 

2.
trả lời nhà biên khảo hội họa Huỳnh Hữu Ủy
(trích đoạn từ tác phẩm :‘Mấy Nẻo đường Của Nghệ Thuật Và Chữ Nghĩa’
Văn Nghệ (Hoa Kỳ) xuất bản năm 1999)

Từ hữu hình đến trừu tượng là một chuyển động sáng tạo. Tôi làm theo nhu cầu của chính tôi. đó là một phát triển tự nhiên trên con đường của thời đại. Hội họa Trừu Tượng đến hậu bán thế kỷ này đã giữ vai trò một ‘nền tảng mới’ cho cuộc xuất phát của nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên vẫn có rất ít người hiểu được rằng Hội Họa Trừu Tượng không phải là chỗ để ném lên đó bất cứ thứ gì của sự thô lỗ và dối gạt, mặc dù chúng ta đang sống giữa thời đại media. Vật chất chỉ trở nên nghệ thuật khi nó được chọn lựa để hóa thân cho sự gửi gấm của tinh thần. Từ người tiên phong Kandingsky cho đến Tapies là một tiến trình rực rỡ, lâu dài và ảnh hưởng rộng nhất của hội họa trừu tượng so với các trường phái hiện đại khác xuất hiện trong gần một thế kỷ nay. Tôi tin rằng Hội Họa Trừu Tượng là nơi thống nhất tinh thần đông Tây, trong đó sự đóng góp của nền triết học phương đông rất lớn. Vì thế chúng ta không khỏi hứng thú khi thấy rằng các họa sĩ châu á đến với hội họa Trừu Tượng không có gì khó khăn. Sự có mặt của Zao Wou Ki trong hàng ngũ những danh họa trừu tượng của thế giới là một sự thừa nhận điều đó. Thư pháp của Trung Hoa và Thiền đạo của Phật Giáo đã được Hartung, Soulage lãnh hội và giác ngộ để trở thành những bậc thầy lớn nhất của một thế kỷ Hội Họa Trừu Tượng. 

đã có một số ít họa sĩ Việt Nam vẽ tranh trừu tượng từ giữa thế kỷ này như Nguyễn Gia Trí và Bùi Xuân Phái chẳng hạn, nhưng phải đợi đến sau 1990 cao trào mới thực sự xuất hiện ở cả trong nước và hải ngoại. Kết quả này vẫn là một lô-gích của một quá trình chuyển động sáng tạo và quá trình chuyển động lịch sử. Nhưng nhân tố chính của cao trào này là những khuôn mặt của nhóm ‘Hội Họa Sĩ Trẻ Sài Gòn’trước 75, một phần còn lại trong nước và một phần kia đã ra khỏi Việt Nam. Trong cùng một hình thái trừu tượng,  Hội Họa Trừu Tượng Việt Nam có một đặc thù của nó là tinh thần thi ca bao trùm lên toàn bộ các tác phẩm . Nó không mang sức mạnh của những phản ứng tích cực và tham vọng chinh phục những mục tiêu không dễ dàng như Hội Họa Trừu Tượng phương Tây và khối Xã hội công nghiệp. Hội Họa Trừu Tượng Việt Nam tiến vào con đường của sự giác ngộ, của tình yêu và lòng nhân ái. đó là những cố gắng nhỏ nhoi của các họa sĩ Việt Nam muốn nói với thế giới họ đang có mặt, đang khám phá và đang xây dựng cho đất nước họ một nền Hội Họa hiện đại để sánh vai với bạn bè khắp nơi. Học hỏi và vay mượn để làm ăn lớn, để đi lên từ kinh nghiệm của các nền Hội Họa phương Tây, chúng ta còn rất trtẻ, chúng ta sẽ có tương lai.

Còn về một ngôn ngữ tạo hình của nền Nghệ Thuật Hiện đại Việt Nam ư ? Lẽ dĩ nhiên đây là điều ai cũng quan tâm, bởi đó là danh dự của chúng ta. Tuy nhiên không thể chỉ dựa vào các nghệ sĩ. để tạo ra được một sức mạnh và một cá tính cho ngôn ngữ tạo hình Việt Nam, còn phải có ít nhất hai điều kiện nữa : sức mạnh kinh tế của quốc gia và một công chúng yêu thích và có trình độ thưởng ngoạn các tác phẩm mỹ thuật.  

Hiện nay mỹ thuật Việt Nam đang thiếu vắng một chiến lược cho nền mỹ thuật đất nước sau năm 2000. Một tình trạng nghèo nàn về cơ sở vật chất, một sự lạc hậu về phương pháp đào tạo và phổ cập Mỹ Thuật, một thị trường Mỹ Thuật xô bồ, đó là những gì cản trở giấc mơ Mỹ Thuật Việt Nam trở thành hiện thực, dù tiềm năng sáng tạo của họa sĩ Việt Nam rất phong phú. đừng vội nhìn ra quá xa, chỉ cần nhìn vào các nền Mỹ Thuật láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Nam Dương, Trung Quốc, đài Loan, Mã Lai, Singapore, Phi Luật Tân, sẽ thấy chúng ta đang đứng ở đâu và cần phải làm gì để bù lại những thời gian đã mất.

Trịnh Cung

 

Họa Sĩ Ngọc Dũng (1931-2000)

Quan Niệm Hội Họa
( Thảo Luận, Ngôn Ngữ Mới Trong Hội Họa Sáng Tạo xuất bản 1965)

Người làm hội họa như một cốc nước đầy, tự nó tràn ra, muốn thành hình thể gì không biết. Cái quyết định cuối cùng của tác giả là xác nhận những hình thể đó. Hội họa có sự tình cờ (sự tình cờ được xác định) và cũng có những cái ngố của đường nét, màu sắc.

Nếu ở một bức tranh tất cả màu sắc, đường nét đều vừa vặn, hợp lý, bức tranh sẽ biến thành công trình của một người thợ khéo tay. Tôi thù ghét sự khéo tay. Danh rừ này tự nó đã loại bỏ tính chất nghệ thuật .

Ngọc Dũng

 

 Họa sĩ Nghiêu đề (1939-1998)

trả lời nhà báo Nguiễn Ngu í
(tạp chí Bách Khoa số 137 ngày 15-9-1962)

Kính anh Nguyễn Ngu í,

Mỗi người làm hội họa vẫn có tham vọng tìm cho mình một đường lối riêng biệt.  Tôi chia sẻ ước vọng đó, vậy thôi. Nhưng tôi không thích tranh tôi được quá một giờ khi vẽ xong. Chúng thường bị úp một xó cho buị...Tôi mang ơn những thằng bạn thường đến và lấy đi biệt tăm, như thế tôi yên tâm hơn. Mỗi lần bán được một bức tranh, tôi thấy như số tiền đó từ trời rơi xuống. Cho nên tôi vội vung tay quá trán mà không tiếc. Nhiều khi thấy tiền nó quá nhiều, mình không đáng được ! Như một vụ lường gạt. Tôi cảm ơn hết những người iêu tranh tôi về sự rộng lượng của họ - rộng lượng quá sức ! Cho nên anh có thể nghĩ tôi chưa dừng lại - để kiểm điểm - được, hay là đã dừng lại như anh - để nhìn thấy chiếc mô-bi-lết biết bay ! Vì vậy tôi không tự cho tôi ở một xu hướng hoặc ở một trường phái nào hết. 

ở quê tôi, có một giống chim lạ, sắc trắng, và dáng mong manh lắm, thường bay một mình trong đêm trăng. Người ta bảo rằng nó bay mãi lên cao, và tan vào mặt trăng, không bao giờ trở lại. Tên nó là ‘Nguyệt’ Tiếng hót hay vô cùng. Không biết vì sao tôi iêu nó.

Chỉ biết mỗi lần nó bay ngang cùng tiếng hát đã làm tôi xúc động. Bây giờ tôi nghĩ Nghệ Thuật tôi muốn là một cái gì hết sức tự nhiên như tiếng hót của chim ‘Nguyệt’ vậy. (Không phải tôi có xu hướng naturalisme). Như thế chắc anh biết tôi không muốn nói đến vấn đề dân tộc tính hay quốc tế tính. Một tác phẩm hẳn nhiên là mang những dấu vết của cuộc sống mà trong đó nó hình thành. Có điều, cũng như sự thật, nhiều khi người ta không nhìn thấy. Khi không phải là cẻ gỉa hình thì dân tộc tính trong tác phẩm là một điều tất nhiên. Nói mãi một chuyện tất nhiên, ngoài hậu í nào khác, thì tôi chịu, không hiểu nổi người ta thường lầm lẫn nó với đề tài. Hoặc gỉa vì vậy người ta bàn tới nó chăng? Nói về mình đã khó, giải thích cả tác phẩm mình nữa thì thật quá sức. Tôi chỉ có thể trả lời anh, tôi thích nhất bức ‘Chân Dung Của Lê’ vì nó như một kỉ niệm. Khó phân biệt được những xúc động của kỉ niệm, nhất là khi người ta chỉ còn lại kỉ niệm.

Tôi trả lời anh là mang cái chủ quan phơi bày ra. Cho nên tôi nói cho tôi, không phải nhân danh giới Hội Họa. Không khỏi nhiều khi - mà nó thường lắm nữa - tôi thấy Nghệ Thuật như một cái gì không thật. Nó phù phiếm, nó lừa dối như khi tôi nói ‘Anh iêu Em’ Vậy mà tôi biết tôi sẽ nói ‘Anh iêu Em’ suốt đời.

Trả lời anh chỉ có vậy ; lan man và vô bổ.

Nghiêu đề, 1962

 

Họa sĩ đinh Cường

Bày tỏ về Hội Họa

Nghệ thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi. Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn Không biết để làm gì ? Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy mình được cứu rỗi. Và tôi lại tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm...

Xin đừng bắt tôi giải nghĩa tranh. Nó hiện ra đó và tôi đã hụt hơi, mệt mỏi. Thế giới xa lạ được dựng lên từ một hồi ức hay một bắt gặp vụt đến, rồi loang dần trên mỗi khoảng không đen. Khoảng không mà tôi đã đối diện trong những ngày tháng sống chìm lĩm câm nín, mõi mòn, xô dạt tôi về gần với hư vô, tiếng vọng bi thảm của một hồi chuông lạ . Xin ghi nhớ một góc hành lang, nơi tôi đã đặt giá vẽ, đêm nào mưa bão thổi qua hay cơn nóng của một mùa hạ sắp tàn. Nơi đó tôi đã mài nhẵn ý thức, ném từng vô vọng, đổ từng hơi thở xuống những khung vải vốn hiền từ. Mỗi bức tranh là một hơi thở. Và nó thành hình tức là tôi đã chết.Tôi trở lại cùng người làm kẻ thưởng ngoạn .Nhìn sự mới lạ như lần đầu tiên mới đến. Xin hãy cảm, nhớ đừng bao giờ tìm hiểu.

đinh Cường

 

Họa sĩ Rừng

trả lời nhà biên khảo Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy
(từ tác phẩm : Mấy Nẻo đường Của Nghệ Thuật Và Chữ Nghĩa 
Văn Nghệ (HK) xuất bản năm 1999)

Tôi đến với mỹ thuật và trở thành họa sĩ do Trời đất xếp đặt. đó là định mệnh của tôi. Tôi sinh ra đời để trở thành một họa sĩ. 

...Năm lên lớp hai, tôi học một trường trong ‘vùng tự do’ ở đồng Tháp Mười. Lớp học có chừng hai mươi học sinh, vừa học vừa chăn trâu, bắt dế, thả diều nên quần áo lúc nào cũng tả tơi nhem nhuốc, nồng nực mùi cỏ, mùi khét nắng. Một lần thầy giáo ra đề tài vẽ ‘Kẽ một chữ in hoa’ Trong khi cả lớp ngớ ra chẳng biết ‘kẽ một chữ in hoa’là gì thì tôi đã như học được từ khi nào, kẽ ngay một chữ ‘K’ là phụ âm đầu tên tôi - Khanh - Khiến cả lớp ‘phục lăn’. Dĩ nhiên, từ đó về sau, môn vẽ trong bất cứ lớp nào tôi dều đứng đầu. Vẽ đối với tôi thật dễ dàng và thích thú, trong khi là một khổ nạn cho đa số các bạn cùng lớp.

...Từ nhỏ đến lúc đi học Mỹ thuật tôi hoàn toàn được hấp thụ văn hóa Tây Phương (kể cả Hoa Kỳ), những bậc thầy mà tôi thích như Van Gogh, Gauguin, Cézanne, Picasso, Dali... cũng đều là các họa sĩ Tây Phương cả. Chỉ Tây phương không thôi thì cũng chưa phải là thế giới. Tranh cổ Trung Hoa, tranh mộc bản Nhật Bản, mỹ thuật Châu Phi... tôi cũng chỉ xem qua và biết qua loa. Trong số các họa sĩ, Dali gây nhiều ấn tượng cho tôi hơn cả.

...Cái đẹp là sự cảm nhận của riêng mỗi cá nhân tác động trực tiếp vào tình cảm trước một đối tượng là một phong cảnh thiên nhiên, một sự vật, một con người...Nói như vậy có nghĩa là cái đẹp không có đẳng cấp, biên giới, nó hoàn toàn thuộc về nhận thức riêng lẻ của mỗi người. Do đó quan niệm thế nào là đẹp sẽ thay đổi, từ cá nhân này đến cá nhân khác, dân tộc này đến dân tộc khác. Cái đẹp thuộc về cảm tính, mang tính chủ quan, không có tiêu chuẩn quy luật nào định đặt, không lý luận, tranh cãi. Cái mà người này cho là đẹp có thể xấu với người kia và ngược lại. đẹp, Xấu ư ? Xin để hồn ai nấy giữ.

Có lẽ ông nhận thấy khuynh hướng nóng bức có khuynh hướng siêu thực trong thế giới tranh của tôi. Nó thường nhuốm màu bi thảm và mang mang một nỗi trầm luân khổ ải. Tôi sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử trầm luân của đất nước, điều đó tác động vào sự sáng tạo của tôi. Rồi từ lúc bắt đầu có ý thức, đất nước càng ngày càng lún sâu vào chiến tranh. Một cuộc chiến điên khùng, triền miên, nuốt mất của tôi và bao thanh niên khác một thời tuổi trẻ. Trong suốt giai đoạn này, nghệ thuật của tôi là sự giải tỏa ẩn ức nội tâm của con người, ý thức về sự bất lực của mình trong cuộc chiến tranh ý thức hệ đẫm máu, dai dẳng của dân tộc. Một mặt khác, do ảnh hưởng sai lệch của triết hiện sinh trong thời gian ấy...

Trong những thập niên 60-70, tranh của tôi là sự thể hiện, bày giải, phản đối những hình tượng xã hội, chiến tranh, những ám ảnh siêu hình, thân phận phi lý của kiếp người, cõi sâu thẳm của bản năng, tình yêu và dục tính. Một số bạn đã nói với tôi : ‘ Tranh của anh nhiều lời quá, làm cho người xem cảm thấy mệt. Mỹ thuật là nghệ thuật làm cho đẹp thôi. đẹp như một bông hoa vậy, không cần phải ‘nói’. Lúc ấy tôi phản đối quan niệm Mỹ thuật chỉ là đẹp thuần túy. Tôi cho như vậy là cái đẹp vô nghĩa. đối với tôi lúc ấy, hội họa phải có trách nhiệm với cuộc đời. Chỉ đẹp thôi, chưa đủ. Một bức tranh ngoài vẻ đẹp nghệ thuật phải chuyên chở một ý nghĩa gì, phải nói lên điều gì, phải là ‘ngàn trang sách’. Giai đoạn này kéo dài từ lúc tôi mới bắt đầu biết vẽ, từ 1950 đến gần cuối năm 1992. Bức vẽ bằng màu đầu tiên trong tuổi thơ là quang cảnh làng mạc, cháy ra tro sau cuộc ruồng bố của lính Pháp, trên ngọn dừa có từng chùm đầu người, đầu người bị xóc vào tầm vông vạc nhọn cắm bên bờ sông. Sau đó nghệ thuật tôi rẽ một bước ngoặt lớn.

Quan niệm ‘vẽ để nói’ thay đổi do ‘cái tôi’ của tôi thay đổi, và ngoài ra do một phát hiện tình cờ về chất liệu thể hiện...

Nếu được gọi con đường sáng tạo của tôi như là một con đường tu tập thì trường hợp của tôi đến với giai đoạn ‘Phiêu Du Mộng Tưởng - ánh sáng và Bóng Tối’ có thể gọi là quá trình tu tập trong nghệ thuật : từ cõi trầm luân khổ ải tôi đã thoát ra thế giới bình an thảnh thơi, như bướm chui ra khỏi kén bay lượn nhởn nhơ. Từ thời kỳ tụng kinh gõ mõ tôi đi đến chỗ quên chuông quên mõ. Tôi không cố ý, tôi không dụng tâm, cái đó hoàn toàn do cơ duyên đưa đẩy, tôi chợt nhận ra, dừng lại.

Rừng

 

(còn tiếp)