ý kiến của các tác giả: lê uyên phương, văn cao, trầm tử thiêng, văn phụng, hoàng thi thơ, lê trọng nguyễn, phạm duy, lam phương, phan văn hưng, đức huy, từ công phụng, ngô thụy miên, lê dinh, tuấn khanh, phạm mạnh cương, trúc hồ, ngọc trọng, doãn mẫn, hoàng giác, phạm trọng cầu, phan huỳnh điểu, phan ni tấn nd, việt dzũng, dương thụ, phan ngọc, mai đức vinh, hoàng dương, bảo chấn, ngọc châu, huy tuấn, phú quang, bảo phúc, trần tiến, nguyễn cường, ...

 

Nhạc sĩ Dương Thụ (Việt Nam)

"Những ca khúc tình yêu tôi viết thường mang màu sắc đơn sơ chứ không có sự màu mè, văn hoa. Tôi nghĩ giai điệu bài hát không nhất thiết phải du dương, nó có thể dung dị hay gãy góc, miễn là thể hiện được cảm xúc và sự chân thành",
............
Tôi nghe nhiều lời chê bai ca khúc bây giờ chất lượng kém, giới trẻ dễ dàng chấp nhận các bài hát xoàng. Theo tôi, nếu đổ lỗi như vậy thì thật oan cho nhạc sĩ, ca sĩ trình bày lẫn công chúng. Vấn đề phải được xét từ gốc. Ở đây có hai vấn đề căn bản, một là nền sản xuất âm nhạc của Việt Nam đang lẫn lộn giữa tính xổi và chuyên nghiệp. Trên thế giới, nhạc sĩ cũng là nhà sản xuất, họ không chỉ sáng tác mà còn làm luôn một quy trình chuyên nghiệp để đưa bài hát đến với công chúng một cách hiệu quả nhất: hoà âm, chọn ca sĩ, chọn hãng phát hành, quảng bá tiếp thị. Một khi âm nhạc được sản xuất chuyên nghiệp, công chúng sẽ đón nhận những sản phẩm chuyên nghiệp. Vấn đề thứ hai là chúng ta chưa đưa âm nhạc vào giảng dạy trong nhà trường, chưa dạy trẻ về thẩm mỹ có tính nền tảng của âm nhạc. Nếu được giáo dục, khi trưởng thành, trẻ sẽ tiếp nhận nhạc có chọn lọc. Theo tôi, năm 2003 sẽ đón nhận ca khúc có nội dung đa dạng hơn. Ngoài đề tài tình yêu muôn thuở, năm nay sẽ có thêm nhiều bài ca ngợi quê hương, cuộc sống trong thời đại mới. Các đề tài thanh niên tình nguyện, thanh niên lập nghiệp và làm giàu, gắn với nhịp sống hôm nay sẽ được các nhạc sĩ trẻ chú ý.

 

Nhạc sĩ Phan Ngọc
trả lời Trần Thị Cúc Phương, Thanh Niên

....Mỗi thế hệ đều có những thế mạnh riêng, với tôi âm nhạc là phải bắt đầu từ hai phía, tức là phải vừa phản ánh được hơi thở cuộc sống nhưng cũng vừa mang tính bác học. Các sáng tác nhạc trẻ bây giờ nhiều bài thiếu khúc thức, đa phần hát lên nghe vui tai nhưng rồi chóng quên vì thiếu ấn tượng. Người nghệ sỹ thì phải luôn tìm tòi, sáng tạo , đổi mới nhưng có lẽ nên thận trọng, cảnh giác, đừng đánh mất tâm hồn của người Việt Nam

...Tôi vốn rất thích những hành khúc trữ tình, không quá dữ dội mà trong sáng và thể hiện được thân phận con người. Ở ca khúc Chuyện tình Tiên Sa, tôi viết “Xôn xao con thuyền, qua muôn trùng trở lại bến bờ xưa”, hay ở ca khúc Tháng Giêng chị tôi sắp thu thanh cũng được xây dựng trên chất liệu của những làn điệu dân ca. Càng về già tôi càng thích nghe những giai điệu truyền thống, ở đấy nó chứa đựng râát nhiều điều tinh tế mà hình như chỉ với năm tháng ta mới cảm nhận hết được.

 

Nhạc Sĩ Mai Ðức Vinh (Canada)
trả lời Quỳnh My

Âm nhạc đối với tôi là một món ăn tinh thần qúi báu. Những khi tinh thần bị xáo trộn, sau khi nghe một bài nhạc (nhất là nhạc Việt Nam) sẽ làm cho tâm hồn mình thơ thới hơn.  Hoặc đôi lúc thả hồn về quê nhà về nơi chốn chôn nhao cắt rốn, thì nghe một bản nhạc quê hương sẽ làm cho mình càng thêm đi sâu vào kỷ niệm.

Tôi thường viết nhạc vào ban đêm, trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau, dậy sớm nghe lại bài viết của mình.

 

Nhạc sĩ Hoàng Dương (Việt Nam)
trả lời báo Thanh Niên

...Trong âm nhạc không có từ "nhạc cũ" "nhạc mới" mà chỉ có nhạc hay hoặc dở. Nói vậy có nghĩa là âm nhạc từ thời baroque, cổ điển, lãng mạn, ấn tượng... với những vĩ nhân tiêu biểu như Palestrina, Bach, Mozart, Beethoven, Schubert, Schuman, Tchaikovski... còn tiếp tục gây xúc động cho cả triệu trái tim con người trên khắp thế giới hơn cả âm nhạc của những người đang sống cùng chúng ta! Nhạc hay hoặc dở là do tự trái tim, từ cảm xúc có chân thành hay không, dù chỉ là việc viết một ca khúc nhỏ nhắn, khiêm tốn chứ chưa nói gì đến những công trình nghệ thuật âm nhạc quy mô cả về thanh nhạc và khí nhạc. Có một nhà nghệ thuật đã nói: "Tôi chỉ viết khi cảm thấy nếu không viết mình sẽ chết mất".

....Có một thời gian dài, tôi ít viết bài hát, nhưng trong những thập niên gần đây, tôi trở lại với tình ca, và nói chung cái chất của tôi vẫn là nhất quán: đa sầu đa cảm, mơ mộng ưu tư. Những tác phẩm của tôi, như có bạn đồng nghiệp nhận xét: trong khí nhạc có chất thanh nhạc và trong thanh nhạc có chất khí nhạc, riêng tôi cũng cảm thấy như vậy, chẳng biết đó là ưu hay là khuyết. Tôi là người chơi đàn violoncelle nên dĩ nhiên thường được sống với thế giới âm thanh cụ thể của các bậc thày, bởi vậy cũng ít nhiều có điều kiện biết được điều hay lẽ dở để có thể sửa mình và quan sát xung quanh...

 

Nhạc sĩ Bảo Chấn (Việt Nam)
trả lời Hải Anh.
VNExpress, 07-02-2004

...Ai chẳng có tình yêu, kể cả kẻ sát nhân hay một người không bình thường. Bởi vậy, tôi luôn có cảm xúc để bật lên những lời ca chan chứa yêu thương. Tôi luôn dành trọn trái tim cho người vợ yêu dấu,

...Chẳng có người phụ nữ nào xứng đáng hơn vợ tôi được nhắc đến trong các sáng tác. Có thể một bóng hồng nào đó như cô hàng xóm hay một cô gái đi ngang qua mang cảm hứng để tôi sáng tác một bài hát, nhưng khi miêu tả vẻ đẹp của cô gái trong tác phẩm, tôi luôn hình dung ra nét đẹp của vợ mình. Mỗi bài hát là sự chiêm ngưỡng cô ấy từ nhiều góc độ khác nhau

...Nghề của tôi là hoạt động âm nhạc và để mưu sinh, tôi phải làm, mà đã làm thì phải nghiêm túc và không ngừng học hỏi. Cũng có đôi lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vì tuổi tác không cho phép mình hăng hái phấn đấu như trước. Có những lúc tôi thử không làm nhạc nhưng không chịu nổi vì đã bị nốt nhạc mê hoặc mất rồi.

 

Nhạc sĩ Ngọc Châu (Việt Nam)
(Thể Thao, Văn Hóa)

Có lẽ, tôi là người khó tính trong việc đưa tác phẩm ra công chúng. Ca khúc sau khi viết xong, tôi thường hoàn chỉnh luôn cả khâu phối khí. Nếu viết giọng nữ thì nhờ cô em gái hát. Tôi nghe đi, nghe lại xem cảm xúc đã chín hay chưa, ca từ đã hoàn chỉnh hay chưa... Sau một thời gian, đi đâu hoặc để tâm vào việc gì đó, quên nó đi, rồi nghe lại mà vẫn thấy khiếm khuyết thì... xếp xó luôn. Rất nhiều bài của tôi như thế. Mặt khác, cũng vì chỉ viết theo cảm xúc nên có những bài tôi sáng tác chỉ dành riêng cho mình

 

Nhạc sĩ Huy Tuấn (Việt Nam)
trả lời Hải Anh

Ca khúc của anh thường tuân theo chuẩn mực nào? - Giai điệu phải đẹp và lời hát chân thành. Một giai điệu đẹp sẽ trở nên dài dòng và quá lố khi nó bị cuốn theo một vài ý thơ để rồi trở thành một thể loại nhạc thơ. Khi chúng ta có giai điệu đẹp thì sẽ có những lời hát đầy cảm xúc.

...Tôi cho rằng đó (tình yêu)là đề tài thu hút hầu hết những người viết nhạc cho đến người thưởng thức nó trên toàn thế giới. Điều quan trọng là sáng tác về nó như thế nào để không tầm thường, không uỷ mị. Đề tài tình yêu luôn tiềm tàng trong mỗi người làm nhạc và có khi đến hết đời cũng không nói hết. Bởi vậy không riêng gì tôi mà hầu hết các nhạc sĩ sẽ không bao giờ nhàm chán với tình ca.

 

Nhạc sĩ Phú Quang
trả lời khán thính gỉa của VNExpress, 21-01-03

...Về sáng tác, không bao giờ tôi có dự định gì cả bởi vì những tác phẩm âm nhạc chỉ có thể đến trong cảm hứng đích thực của người sáng tạo. Tuy vậy, tôi cũng là một người lao động rất cần cù và nếu như có một điều gì đấy thành công được thì bao giờ tôi cũng cảm ơn trời đất.

.....Tình yêu trong ca khúc của tôi là sự cảm nhận nói chung. Để có một "em" trong bài hát đó thì cần rất nhiều cảm xúc cộng lại.

Có rất nhiều nhạc sĩ viết các tác phẩm để thể hiện khát vọng, chứ không phải cuộc sống của họ, những cuộc sống có thể chỉ rất bình thường.  

.....Tôi viết cho chính mình mà chẳng nghĩ bài hát này sẽ dành cho người nào hát và ai nghe. Nhưng may mắn là có nhiều khán giả đồng cảm được với tôi. Từ đó tôi hiểu ra rằng khi đi đến tận cùng lòng mình sẽ tìm được bạn bè

.....Việc phổ nhạc cho thơ rất khó. Trước hết, nhạc sĩ phải đồng cảm với tư duy của nhà thơ. Sau đó, cảm nhận của nhạc sĩ cũng phải ngang ngửa với nhà thơ. Ngoài ra, điều quan trọng nữa là việc biến lời thơ thành ca từ trong ca khúc đòi hỏi người nhạc sĩ phải trị được thơ. Theo những lời tôi đã được nghe thì chưa có nhà thơ nào chê những tác phẩm được tôi phổ nhạc. Còn nếu có ai đó nói dở thì tôi chưa được nghe

.....Trong cuộc sống cũng như sáng tác, tôi sống hết mình và chấp nhận tất cả.

.....Bi kịch nhất của người vợ một nghệ sĩ là phải chứng kiến cảnh anh ta lao động để làm nên vinh quang. Tôi đã nghiệm ra một điều là rất ít phụ nữ có thể thông cảm được điều đó nhưng đó là điều không hề đáng trách ở họ. Bạn hãy tưởng tượng lúc bạn rất muốn người chồng ngồi ăn với mình thì anh ta lại cứ lẩm nhẩm như một thằng điên và chẳng để ý gì đến thức ăn đang nguội dần hoặc lúc 11 giờ đêm bạn đang thèm một vòng tay âu yếm thì ông chồng lại cứ cắm cúi viết lách. Tôi có lời khuyên thế này: "Tốt nhất là bạn đừng lấy nghệ sĩ. Còn nếu có lấy thì buộc phải tha thứ thôi".

 

Nhạc sĩ Bảo Phúc (Việt Nam)
trả lời báo Saì Gòn Giải Phóng

Anh có suy nghĩ gì về tình hình âm nhạc hiện nay? - Điều thấy rõ nhất là sự mất cân đối, đời sống âm nhạc hiện nay thiếu vắng những sáng tác có chất lượng của các nhạc sĩ uy tín, trong khi lại có quá nhiều ca khúc mang giai điệu vay mượn thể hiện tình cảm giả tạo qua những chuỗi ca từ sáo rỗng nghèo nàn. Sự lấn át này vô tình hướng thị hiếu lớp trẻ vào thói quen cảm thụ dễ dãi, có thể đến lúc sẽ dần quên những dòng âm nhạc giá trị đích thực. Tôi nghĩ cần đặt lại vấn đề định hướng trong sáng tác, không để cái dở cứ phố biến một cách tràn lan

.......một nhạc sĩ sáng tác nhất thiết phải được đào tạo căn bản, có vốn hiểu biết nhất định và tất nhiên không thể thiếu cảm xúc thiên phú. Đáng buồn là hiện nay, có những người mang danh nhạc sĩ nhưng thiếu hẳn lòng tự trọng, muốn nhanh nổi tiếng bằng mọi cách, kể cả đạo nhạc nước ngoài. Có người một tháng sáng tác đến 4-5 bài hát. 

 

Nhạc sĩ Trần Tiến
theo ảnh qua VNExpress,21-8-02

"Tôi không thể nói gì về bài hát được, điều đó kỳ lắm. Đã sáng tác ra thì người nghe phải hiểu, không hiểu thì có nghĩa là mình viết kém. Tôi sáng tác cho hàng triệu khán giả, chả nhẽ lại đi gặp cả triệu người ấy để giải thích?”,

....Cảm xúc đến rất tự nhiên. Vấn đề thực, giả của đời sống chỉ là cái cớ để sáng tác thôi. Không thể nào tả thực cuộc đời để hát. Mà bài hát chỉ tưởng tượng, không dính gì đến cuộc đời cũng không ra gì cả.

....Cảm xúc hay thì viết hay. Có thể viết hay ngay từ khi 19-20 tuổi, lại có trường hợp chỉ sáng tác tốt khi 60 tuổi. Điều quan trọng là nhạc sĩ phải chuẩn bị cảm xúc và có cảm xúc thật. Có khi viết đùa mà hay, có khi viết theo yêu cầu vẫn hay. Trời cho lúc đó cảm xúc đẹp thì có tác phẩm tuyệt vời, có thể cả đời không bao giờ viết được bài hay như thế nữa.

....Cái gì cũng phải học, phải nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo. Đó là “than” để khi Thượng đế cho anh một chút may mắn - một que diêm - thì có thể cháy lớn, thành sự nghiệp âm nhạc. Nhưng nếu được cho lửa mà anh chỉ có một ít than thì cháy hết chỗ đó là hết và anh chỉ có một hai ca khúc đáng giá. Có nhạc sĩ, nhà thơ chỉ nổi tiếng với một, hai tác phẩm là vậy. Có người như Trịnh Công Sơn, trời cho một que diêm mà cháy suốt cả cuộc đời.

Anh thường mất bao lâu để sáng tác một ca khúc?- Bài nào tôi cũng chỉ làm 15 phút, nhưng chuẩn bị cho nó mất đến 5 năm, 20 năm hoặc có khi cả đời.

....Tôi chỉ viết cái tôi thích, không bao giờ muốn tạo ra một khuynh hướng, một mode hay cái gì cả. Viết xong cái này là viết cái khác, không bao giờ lặp lại. Đời sống bao giờ cũng có nỗi vui buồn, đắng cay, ngọt ngào nên tôi viết về đầy đủ mọi cảm xúc

 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường (Việt Nam)
(theo tạp chí Gia đình Xã Hội)

Anh quan niệm thế nào về tình yêu và âm nhạc?- Giống nhau ghê gớm, đó là nơi mình phải khám phá mãi, là tuôn trào, là dốc trọn vẹn sự sống của mình. Cả hai cùng lôi cuốn ta ở những khoảng mờ ảo - khoảng huyền diệu của những bí ẩn. Càng đắm sâu vào, càng mới mẻ, càng vô tận, vì thế ta không thể cưỡng lại ý muốn được khám phá tiếp. Nếu những người tình giữ được khoảng bí ẩn khi cùng soi thấu, cùng hoà nhập vào đời sống của nhau thì tình yêu của họ sẽ giữ được mãi

 

(còn tiếp)