CHÂN TÂM CỦA THI NHÂN TRONG
RƯỢU HỒNG ÐÃ RÓT
redbar.gif (78 bytes)
Ðàm Trung Pháp

Beauty is truth, truth beauty,’ - that is all
Ye know on earth, and all ye need to know.
(John Keats)

Tập thơ RƯỢU HỒNG ÐÃ RÓT của Luân Hoán đã xuất hiện từ năm 1974 tại quê nhà, nhưng đúng ba chục năm sau tôi mới được đọc tại hải ngoại, tất cả do hảo ý của Lê Hân, em trai của nhà thơ cũng là người đã cho in lại tập thơ này tại Montréal vào năm 2002.

Tứ hải giai huynh đệ, tôi đã được quen biết Lê Hân qua sự giới thiệu nồng nhiệt của em trai tôi ở Toronto, và nay qua Lê Hân tôi lại được biết thêm anh Luân Hoán. Thế gian này nhỏ quá, tôi tự nhủ lòng, sau khi tìm hiểu về cuộc đời anh Luân Hoán qua bài viết của những người quen biết anh từ lâu. Có hai điều thú vị đã làm tôi thấy gần anh hơn: anh và tôi cùng sinh cuối năm Canh Thìn tức là đầu năm 1941, và cùng tốt nghiệp Khóa 24 Trường Bộ Binh Thủ Ðức năm 1967. Chín tháng trời ‘quân trường đổ mồ hôi’ với nhau một thời, anh một nhà thơ đang lên, tôi một nhà giáo vừa du học từ Mỹ về. Và lòng tôi chùng xuống khi biết anh đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước tại chiến trường trong khi tôi bình an dạy học tại Saigon. Mong sao anh và tôi sẽ có ngày gặp gỡ để nói chuyện đời cho nhau nghe.

Hơn sáu chục năm về trước, khi nhận định về nhà thơ đa tình và mơ mộng Lưu Trọng Lư (tác giả của thi tập TIẾNG THU), nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan viết: “Cái hay trong thơ của Lưu Trọng Lư ở sự thành thực, tấm lòng sầu não của ông thế nào, sự ước mong của ông thế nào và có thể thổ lộ ra được chừng nào, ông thổ lộ ra chừng ấy” �  Nhận định của Vũ quân về thơ Lưu Trọng Lư cũng là nhận định của tôi về thơ Luân Hoán. Tôi muốn nói thêm, chân tâm của Luân Hoán chính là nét đẹp nhất trong thơ của anh, nhất là khi ý thơ lại đến từ một sự �vỡ nước tràn bờ bất chợt cũa những xúc cảm mãnh liệt (the spontaneous overflow of powerful feelings)� như William Wordsworth đã từng định nghĩa thế nào là thơ, qua nhãn quan của trào lưu lãng mạn tây phương. Sau đây là một vài trường hợp chân tâm hiện nguyên hình trong những cảm xúc mãnh liệt nhất để Luân Hoán thổ lộ ra những câu thơ tuyệt đẹp trong tập RƯỢU HỒNG ÐÃ RÓT.

Khó có xúc cảm nào mãnh liệt hơn cho một thương phế binh đã hy sinh một bàn chân trong cuộc chiến, khi chàng lạng quạng với đôi nạng gỗ trong tay trở về ngôi nhà trọ để kiếm người yêu cũ. Hãy nghe cái cảm xúc mãnh liệt ấy đang vỡ nước tràn bờ, thổ lộ chân tâm nhà thơ, ngay cả ý định từ bỏ cuộc đời, trong đoạn chót của bài “Lần Về Nhà Trọ Cuối Cùng Ở Quảng Ngãi.” Tôi đoán chắc mọi người đều ướt mắt như tôi khi đọc những câu thơ lục bát đẹp bao nhiêu thì đứt ruột bấy nhiêu ấy dưới đây của Luân Hoán:

ta về khua nạng loay hoay
thu trăm hình ảnh em đầy không gian
tiếng chim chợt động nắng vàng
lòng ta chợt lạnh hai hàng lệ sa
ta chừ đã khác hôm qua
ta chừ quả thật khác ta mất rồi
có nên hủy diệt cuộc đời?


“Thơ Cho Buổi Chiều 03.3.1970” là lời thú tội của một Luân Hoán tự nhận mình là ‘thằng khốn nạn’ chỉ vì ích kỷ đã gây ra tai họa tầy trời cho một phụ nữ mà chàng từng yêu mến. Chân tâm nhà thơ dùng để tạ tội với nàng thực thấm thía, mặc dù cuộc ‘mưu sát’ ấy rất có thể đã là một yếu tố bất nhân chẳng đặng đừng trong một cuộc chiến ý thức hệ đẫm máu. Tấm lòng thành khẩn nhận tội này quả là can đảm, ít khi thấy trong văn chương nhân loại:

ôi khi tiễn em về cùng bổn phận
làm mẹ hiền, làm góa phụ muôn năm
tôi thấy rõ được tôi, thằng khốn nạn
đã yêu thương để toan tính kiếm lời
em hãy nhớ đừng bao giờ kể lại
với con em những đau đớn của mình
vì cha nó không bị ai mưu sát
ngoài một người đã thành thật yêu em
đã cầu nguyện cho đời em cô độc
đã điên cuồng ao ước thế cho nên ...

Người Việt mình hiếu thảo có thừa trong hành động nhưng lại rất thiếu trong lời nói. Ước chi chúng ta có thể diễn tả lòng thương yêu kính mến đối với cha mẹ qua lời nói dễ dàng và tự nhiên như người tây phương! Tôi cũng đã ân hận không nói được nhiều điều yêu thương với cha tôi trong những năm cuối cùng cuộc đời cụ, và đôi lúc cũng cảm thấy mình như một ‘kẻ vô ơn.’  Trong bài “Trên Vầng Trán Hoàng Hôn” Luân Hoán đã nói dùm cho rất nhiều người trong chúng ta khi anh viết lời chúc thọ phụ thân vừa tròn bảy mươi tám tuổi đời. Lại một lần nữa cảm xúc ngút ngàn được biểu lộ qua chân tâm tuyệt đối của Luân Hoán để làm xốn xang tấm lòng người đọc:

con xấu hổ vẫn vụng về khờ dại
chưa dám hôn tay, chưa dám cảm ơn
lòng hiếu thảo vẫn ngại ngùng khách sáo
nên âm thầm như một kẻ vô ơn

Tuy rất bay bướm trong thơ và ngoài đời, Luân Hoán, khả ái thay, cũng là một người chồng chung thủy và biết ơn. Bài “Thiệp Hồng” mà nhà thơ trang trọng đặt vào trang đầu tiên của tập RƯỢU HỒNG ÐÃ RÓT là một lời cầu hôn kiêm giấy báo hỷ, thành tâm và nên thơ đến thế là cùng! Tôi thích nhất đoạn sau đây trong bài thơ tràn ngập ân tình ấy, và chép lại dưới đây để kết thúc bài viết này về một nhà thơ tôi chưa gặp bao giờ nhưng đã thấy thân thương rồi:

tôi yêu em, tôi chỉ nói với riêng em
tôi chỉ muốn một mình em đập chén
trong hồn tôi chếnh choáng cơn say
chuyện chi phải ngợi ca từng ngọn lá
bởi nhờ em đời đã đẹp lâu rồi
và hơn nữa, tôi thiếu tài giả dối
không ngụy trang, che giấu những riêng tư

Tiến Sĩ Ðàm Trung Pháp
Giáo Sư Thực Thụ (Ngữ Học)
Texas Woman's University
31-5-2004