NGHĨ SAO VIẾT VẬY:

"Tán gẫu về Luân Hoán"

 

 Việt Hải

 

 

 Tôi biết nhà thơ Luân Hoán nhiều qua thi ca mượt mà của anh. Anh làm chủ website Vuông Chiếu. Tôi lẩm bẩm thầm nghĩ chiếu thì phải vuông, chiếu làm sao mà tròn trịa được nhỉ ? Nhà văn Hồ Ðình Nghiêm trong bài viết văn xuôi "Sang Sông" trên trang mạng Luân Hoán cũng đã nói chắt nịch về chiếc chiếu vuông:

 

"Chiếc chiếu vuông ấp ủ mùi hương nồng và nó ấm khi ghé đít ngồi xuống. Một người con gái lom khom xuất hiện án ngữ tầm nhìn. Cánh cửa khép lại như cũ,...", hay

 

"Người con gái bày gối mền ra trên vuông chiếu. Nhẹ nhàng, chậm rãi. Không háo hức, chẳng bối rối. Không than thở, chẳng vui mừng..."

 

Tham khảo:

http:// www.luanhoan.net/vanxuoi/0vanxuoi.htm

 

 

 Tôi hỏi nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tác giả của truyện ngắn "Chiếc chiếu hoa cạp điều", về hình thể của chiếu hoa cạp điều, nhà văn bảo rằng chiếu thường được dệt hình vuông. Thế là ông nhà thơ Luân Hoán chọn tên trang nhà mỗi khi email sang tôi cái tên rất "chiến", rất kêu "VC", tức VeeCee, hay chữ viết tắt của Vuông Chiếu

 

 Nhà văn Hoàng Ngọc Lễ trong bài viết "Bà Bắc" có đề cập đến cái danh từ mà ông Luân Hoán vốn thích thú như sau:

"Thế mà từ ngày làm ăn khấm khá, con cái đỗ đạt, bà coi thế giới này chỉ còn là một cái vuông chiếu nhỏ hẹp dưới con mắt bà. Thậm chí ngay như chồng bà cũng ..."

 

 Ông nhà văn Cẩm An Sơn đã ở Huế, ông giải thích "vuông chiếu” theo nghĩa bóng là một chỗ riêng biệt hay một không gian riêng biệt cho ai đó. Còn về nghĩa đen thì có nghĩa là chiếc vuông chiếu nhỏ mà ngày xưa các vị nghệ sĩ mang theo vào những cuộc lễ hội nghe ngâm thi ca, hoặc ca trù, nhạc dân gian.

 

 Cẩm An Sơn có quê quán ở Quảng Nam, mà nơi đây vốn có nghề dệt chiếu truyền thống từ bao năm rồi. Hãy xem bài viết "Làng chiếu Cẩm Nê, Cẩm Lệ" của Tuệ Lệ, bàn luận về lịch sử chuyện dệt chiếu. Tôi xin trích dẫn lại như sau:

 

 "Nếu giở lại trang sử xưa, nghề dệt chiếu ở vùng Quảng Nam có khá lâu đời, cùng thời với nghề chiếu ở Quảng Bình và Thừa Thiên. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi: ...''Xã Hòa Sơn, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn nộp chiếu hoa thay cho sưu lính, hằng năm trước ngày mồng một Tết, dinh Quảng Nam thu chiếu miếng lớn 25 đôi, chiếu miếng nhỏ năm đôi, chiếu thảm tám đôi, chiếu phản dài tám đôi, chiếu phản ngắn một đôi, chiếu nhỏ dày bốn đôi, chiếu cầu trơn trải ở Văn Miếu một đôi, chiếu thảm cạp lụa huyền một đôi, cộng năm mươi ba đôi, lại các hạng chiếu trơn phát ở công đường phủ và các chùa miếu xứ ấy là 75 đôi''...

 

Ở Quảng Nam có hai làng làm nghề dệt chiếu nổi tiếng. Ngoài làng Cẩm Nê còn có làng Bàn Thạch. Nhưng làng nào có nghề dệt chiếu trước thì cho đến nay cũng chưa ai rõ. Nhưng về nguồn gốc nghề chiếu ở vùng này, khi đến Cẩm Nê gặp các cụ cao tuổi hỏi chuyện, thì các cụ có kể lại rằng: Câu chuyện truyền miệng từ xa xưa cho tới đời các cụ thì nghề chiếu của vùng này gốc tích từ vùng Nga Sơn, Thanh Hóa đưa vào."

 

Khi nói vùng Nga Sơn, Thanh Hóa thú thật tôi nghĩ là không thể không liên tưởng đến ngài Mai An Tiêm với sự tích quả dưa hấu cũng như ông nhạc sĩ lão thành với bài hát bất hủ "Tôi xa Hà Nội", hay "Nỗi Lòng Người Đi". Bởi vì Nga Sơn là quê quán của 2 vị này. Ngoài ra, Nga Sơn rất nổi danh về ngành đan chiếu, loại chiếu cói, tức danh từ "lác" của người miền Nam.

 

Chiếu cói Nga Sơn đã đi vào ca dao văn học của người Việt Nam:

 

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông

 

Nga Sơn là vùng đất nằm sát biển, cách thành phố Thanh Hoá 40 km về hướng Ðông Bắc. Với 8 xã nằm dọc bờ biển là một vùng triều mầu mỡ, ngoài trồng sú vẹt, mảnh đất này chỉ trồng được một loại cây duy nhất là cói, dùng để dệt nên chiếu Nga Sơn.

 

Theo lời tương truyền của người xưa kể lại thì chiếu cói Nga Sơn cùng chiếu cói của Kim Sơn, thuộc tỉnh lân cận Ninh Bình, là một trong những vật lễ cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc rất ưa thích. Cói Nga Sơn vốn nổi tiếng là sợi nhỏ, dai, óng mượt. Ðiểm đặc biệt ít có nơi nào có thể trồng được loại cói dài như ở vùng này, loại cói chuyên dùng để dệt nên những tấm chiếu vừa đẹp lại vừa bền.

 

Đó là chuyện chiếu Nga Sơn của Anh Bằng, còn kể tiếp chuyện chiếu Quảng Nam của Cẩm An Sơn thì vùng Cẩm Nê không có chỗ nào trồng cây đay và cói mà lại có nghề dệt chiếu nổi tiếng và phát đạt về đời sống kinh tế cho người dân địa phương. Muốn có nguyên vật liệu để dệt chiếu như đay, cói phải đi đến các vùng xa trong tỉnh mua về sử dụng. Cẩm Nê dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp, dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Chiếu trơn là loại chiếu để nguyên sợi màu trắng không nhuộm màu. Chiếu hoa như loậi hoa cạp điều mà nhà văn Doãn Quốc Sỹ đề cập trong văn của ông.

Loại chiếu hoa ở Cẩm Nê không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác làm mà phải chọn sợi cói về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo màu yêu cầu người chủ. Dệt chiếu hoa nhiều công phu. Ngoài công phu chọn và nhuộm sợi lác còn phải công phu khi dùng sợi đay mắc canh cửi. Vào nghề mới biết những khó khăn về nghề nghiệp và nghệ thuật.

 

Thưa quý bạn, đó là điểm tán gẫu về tên Vuông Chiếu, bấm chuột Micky vào tận sào huyệt, Luân Hoán mở ra một chân trời Amazon chằng chịt. Các mục như: thư ngỏ, nối

trang, tin văn, tác giả Việt Nam, chuyện sáng tác, "sách, CD, dvd của bạn", thơ Việt Nam, văn xuôi, nghĩa trang, đất tình, "đọc&viết về LH", thơ LH, phác họa LH, tìm hiểu tác phẩm tác giả, âm thanh, hồi ký rời, lưu niệm, "sinh hoạt từ thiện", góc chung.

 

Tôi ghé qua mục "tác giả Việt Nam", anh tạo quyển danh mục các tác giả hải ngoại xem thích thú lắm. mục tôi ghé mắt vào kế là "chuyện sáng tác", khá nhiều nhật xét về văn chương như:

 

- Nhà văn Trần Thị Kim Lan

 

"Trả lời ba câu hỏi chung, về sáng tác

(tạp chí Văn Học số 123 tháng7 năm 1996)

 

Vì sao viết ?

 

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều sống, ghi nhận sự việc cảnh đời và diễn đạt ý tưởng, tâm tư bằng cách này hay cách khác. Như một thôi thúc người ta viết, viết mãi.

 

Viết để làm gì ?

 

Tôi nói lên tâm tình của người sống xa xứ cùng quá trình thích nghi trong hoàn cảnh xã hội mới. Tôi ca ngợi tình người,. Tôi tin tôi viết thoải mái tự nhiên và phần lớn do ngẫu hứng. Vì chưa có ước vọng trở thành nhà văn chuyên nghiệp nên tôi ít có công trình đóng góp trong lãnh vực này.

 

Viết cho ai đọc ?

 

Thật ra tôi chưa bao giờ đặt điều này thành vấn đề. Mỗi độc giả đối với tôi là một ân nhân của người viết. Xin cảm ơn tất cả những ai muốn đọc những sáng tác của tôi."

 

- Nhà văn Võ Kỳ Điền

 

trả lời nhà văn Hồ Đình Nghiêm

về thi ca / văn chương miệt vườn

(tạp chí Nắng Mới - Montréal Canada - số 38 tháng 8 năm 1991)

 

...đối với những điều tôi đã học thì thơ lúc nào cũng khó hơn văn và trong các thứ nghệ thuật thì thi ca cao qúi nhứt. Trong giới văn nhân người ta phân biệt hai loại cầm bút : văn nhân và ký giả. Ngòi bút ký giả chỉ chuyên viết những bài có tính cách thời sự đăng báo, không được kể đến tính nghệ thuật. Trong giới văn nhân lại chia ra làm bốn cấp. đứng đầu là thi sĩ (poète) rồi văn sĩ (écrivain) tiểu thuyết gia (romancier), kịch tác gia (dramaturge). Phải phân biệt rõ như vậy mới hiểu rõ được câu nói của Hồ Trường An:

 

‘Có những người được gọi là nhà văn mà suốt đời không viết nổi một câu văn’.

 

Tây phương đã quan niệm và sắp hạng như vậy đó. Còn Tàu thì khỏi nói, thơ là nhứt Người đi học phải làm thơ từ khi còn nhỏ và cho tới già, tới chết cũng còn làm thơ. Văn của họ cũng viết theo thể tứ lục, biền ngẫu...cũng y như thơ. Còn loại văn giống như mình bây giờ thì bị coi là tiểu thuyết, Chữ tiểu thuyết có nghĩa là những chuyện vụn vặt không đáng kể. Trong văn chương thi cử ngày xưa, kẻ sĩ phải học tứ thư, ngũ kinh, bát sử Tàu và tập làm thơ phú, kinh sách. Tiểu thuyết không kể đến, nó là ngoại thư.

 

- Nhà văn Lê Minh

 

trả lời nhà báo Minh Nguyệt

(đài phát thanh Australia)

đăng trên Văn Học 147, tháng 7-1998

 

Văn chương có tính giải trí và chúng ta không nên phủ nhận điều này như nhiều nhà lý luận văn học mác-xít trong nước từ trước đến nay. Thế nhưng, đối với riêng tôi, nếu viết chỉ để giải trí - cho mình hay cho người đọc - thì đó là một thảm họa. Văn học không bao giờ có thể trở thành một kỹ nghệ giải trí được. Tôi chưa bao giờ hình dung một nhà xuất bản lớn như nhà xuất bản Văn Nghệ ở Mỹ hiện nay, hay nhà xuất bản Văn Học trong nước lại có thể thay thế vai trò của một Thúy Nga Paris chẳng hạn. Ngoài ra, theo tôi, sáng tác cần được bảo đảm như một hành vi tự thân và tự do, vì khi đó người viết mới thật sự là mình. Nếu không thật sự là mình, không cá biệt hóa được phong cách sáng tạo của mình thì người viết khó mang lại cho văn chương một cái gì đáng nhớ. Và như thế nên tìm một nghề khác, để chí ít khỏi làm mất thì giờ của những người thiết tha với văn chương.

 

- Nhà văn Phạm Quốc Bảo

 

trả lời tạp chí Văn Học

ba câu hỏi chung về Sáng Tác

(Văn Học số 120 tháng 4 năm 1996)

 

Tôi viết được nhờ sức thúc đẩy phát xuất tự trong tôi.

 

Tôi viết về những gì khiến tôi chú ý thắc mắc, những gì quấn quít trong đầu tôi, những gì làm rung động trái tim của tôi.

 

Tùy theo thể tài tôi muốn viết, tôi chọn thể loại văn chương để diễn đạt cho thích hợp trong ý định của mình.

 

Đọc gỉa là một phần không thể thiếu được trong chu trình sáng tác của tôi. Và tôi là người đọc đầu tiên, tôi có chịu những gì tôi viết ra không đã.

 

- Nhà văn Đinh Phụng Tiến

 

Chân Dung Tự Họa

(tạp chí Hợp Lưu số 37 tháng 11 năm 1997)

 

Kinh nghiệm sống là chất liệu vô cùng qúi báu của người viết. Và người viết không thể tách rời nơi anh ta đang sinh sống để nói chuyện, bày tỏ những suy nghĩ của mình với người cùng thời. Làm được điều ấy, ít ra là, anh ta không thể không có những kinh nghiệm sâu đậm về nơi chốn mà anh ta đã sinh ra và lớn lên.

 

Người viết và người đọc bao giờ cũng là đôi bạn song hành, nhưng người viết phải đi trước, ít nữa là nửa bước chân. Cho nên, mỗi nhà văn đều có một số độc giả riêng của mình. Họ thường cùng đi chung với nhau trên từng chặng đường. Cho đến lúc, một trong hai người đồng hành ấy, có một người bước nhanh hơn., hẳn có người bị bỏ rơi lại phía sau. điều ấy giải thích rất rõ là một khi anh nhà văn không còn đủ khả năng đáp ứng được những yêu cầu của người đọc, anh ta bị quần chúng mình bỏ rơi. Ngược lại, người đọc không theo kịp người bạn đồng hành của mình cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chừng đó , sự ly dị ắt xảy ra và mỗi người đi tìm kiếm cho mình...người bạn đồng hành mới. đây là một cố gắng của cả hai phía: người viết và người đọc.

 

Những người viết và người đọc Việt Nam ở hải ngoại đang ở trong một hoàn cảnh hết sức lạ lùng. ở thế hệ thứ nhất, họ có cùng với nhau một quá khứ. Họ dễ dàng chia xẻ với nhau những kinh nghiệm ấy. Qua thế hệ thứ hai hay thứ ba, điều gì sẽ xảy ra ? Chừng ấy, thực tế sẽ đòi hỏi phải có những người viết mới. Những người viết mới vào thời điểm bấy giờ sẽ lại khác chúng ta ngày hôm nay. Ngôn ngữ sẽ thay đổi. Sự phát triển của dòng văn chương mà chúng ta vẫn gọi là dòng văn chuơng hải ngoại sẽ phát triển với nhiều nét hết sức bất ngờ.

 

Những nhà văn trong nước bao giờ cũng giữ một vai trò chính yếu. Vì họ ở với quê hương.

 

- Nhà văn Hoàng Khởi Phong

 

trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh

(tạp chí Văn Học số 123 tháng 7-1996)

 

...Văn chương, cái này đúng là một cái nghiệp đã đe doạ nhiều người, nhiều gia đình. Nó không thua gì hiểm họa chiến tranh. Chả thế mà các tạp chí văn chương cứ hiện ra rồi lại biến đi, còn các nhà văn thì ẩn hiện vô lường. Nghĩ cho cùng thì tôi thấy tội nghiệp cho...tôi và tội nghiệp cho cả...văn chương...

 

Trước tiên tôi là nhà văn, vậy bài viết bắt buộc phải có văn chương. Theo tôi một nhà văn, không nhất thiết phải có hành vi chính trị, nhưng trong thời điểm chúng ta, nhà văn nên có ý thức về chính trị. đây cũng chính là điểm mà anh Nguyễn Mộng Giác đôi lần tỏ ý băn khoăn về tôi, bởi vì đối với phần lớn các nhà văn, chữ "chính trị" bao hàm những ý nghĩ không mấy tốt đẹp. Nói tới chính trị là người ta nghĩ tới "thủ đoạn" . Nhưng nếu chúng ta có "thủ đoạn" để cho người xấu không thể hành hạ người tốt, để cho xã hội tốt đẹp hơn, trên ra trên, dưới ra dưới, nhà văn viết những tác phẩm hay hơn, nhà giáo dạy học tốt hơn, nhà binh không lo đến việc phe cánh, bọn tham nhũng không ló mòi ra được, bọn gian thương hết cục cựa, quan toà ra dáng ông toà, bác sĩ không ham mở phòng mạch...thì nên có những "thủ đoạn"như vậy. Sao lại cản ? Sao lại sợ ?

 

Tôi không nghĩ những bài viết mà anh đề cập đến là những bài nghị luận chính trị. Nghị luận, tham luận, khảo sát chính trị nên để cho những người làm chính trị viết, không phải nghề của nhà văn. Nhưng cũng không thể cấm một nhà văn, dùng văn chương là ngôn ngữ chính để diễn tả một vài sự kiện liên quan đến chính trị. Tôi không thấy cần xếp loại những bài viết này, mà điều quan trọng là tôi đã chạm được đúng đến vấn đề trong các bài viết của tôi chưa ?

 

Thói quen cầm bút của tôi, trước tiên là suy nghĩ thật kỹ về đề tài tôi định viết. Chọn những hình ảnh bắt mắt liên hệ tới đề tài, rồi dùng những hình ảnh này để dẫn những suy nghĩ, những ý tưởng trong đầu. Có khi suy nghĩ cả tuần mà khi ngồi xuống viết chỉ viết trong một buổi tối mà thôi. Suy nghĩ thì đâu có cần đòi hỏi tới nơi chốn, khung cảnh. Suy nghĩ ở trong đầu, nếu còn cần ngoại cảnh thì có khi ngoại cảnh chi phối cả những suy nghĩ của mình chăng ? Tôi làm việc thợ tiện, ca đêm, để không buồn ngủ, mỗi khi bấm cái nút cho máy chạy, tôi ngồi xuống và nghĩ ngợi xa gần, riết rồi tiếng máy không còn ứng được vào trí tôi. Cuốn "Ngày N +..."được tôi viết trong xưởng tiện, cuốn "Thư Không Người Nhận" được viết trong lúc bán hàng chợ trời, không có khách. Phần đầu của "Người Trăm Năm Cũ" được suy nghĩ và viết trong những lúc lang thang trên đường, suốt hai năm trời không có địa chỉ nhất định. Trước kia tôi viết bằng bút, tôi có thể viết tại bất cứ chỗ nào, bàn ăn, ghế đá công viên, trên tay lái xe, nằm dài trong sa lông phòng khách, thậm chí còn ghi chú trong phòng vệ sinh. Bây giờ viết bằng máy vi tính, nên phải ngồi vào bàn cẩn thận hơn, thế thôi. Tôi không kiểu cách phải có phòng yên tĩnh, vì nói nào ngay trong khoảng 15 năm nay, tôi không bao giờ có một căn phòng cho riêng mình.

 

Tôi đọc nhiều quan điểm của ngòi bút trong mục "tác giả Việt Nam", Luân Hoán thu gom mục này cũng vui vui, dù mục chưa được thêm vào cho những đóng góp mới.

 

Kế tiếp, khi nói về Luân Hoán mà không đề cập đế thi ca của anh sẽ là một thiếu sót lớn.. Khi bàn về thơ Luân Hoán, thi sĩ Thái Tú Hạp trong bai viết "Những Tác Phẩm Của Luân Hoán Trước 1975" cho nhận định như sau:

 

"Luân Hoán học làm thơ từ năm mười một tuổi. Anh đã cho đọc giả biết điều này, qua câu hỏi của nhà văn Hồ Trường An (dưới bút hiệu Ðào Huy Ðán). Người dạy anh làm thơ đầu tiên là thân phụ anh: Ông Lê Hoán, một điền chủ, một viên chức ngành ngân khố, với 4 bà vợ và một đời đào hoa. Người vợ thứ 3 của ông, bà Nguyễn thị Luân, chánh quán La Qua, Ðiện Bàn Quảng Nam, là thân mẫu của Luân Hoán. Nhà thơ đã ghép tên cha mẹ để làm bút hiệu. Và cái bút hiệu này đã đánh ngã những bút hiệu khác anh đã dùng, để sống còn cùng ngòi bút của anh đến hôm nay. Luân Hoán có thơ đăng trên hầu hết các báo có tầm vóc của miền Nam trước 1975. Chính các tạp chí này đã có công giới thiệu, thúc đẩy anh sớm thành danh....".

 

Thái Tú Hạp viết tiếp:

 

"Thơ Luân Hoán ở tập này nhẹ nhàng và cái buồn u uất, bất mãn của thời cuộc đã vơi đi rất nhiều. Không khí tin yêu cuộc đời sống bàng bạc trong thơ. Phải chăng sau khi đã trả xong phần nào cái nợ làm trai, tâm hồn nhà thơ lắng dịu hơn. Hãy nghe anh:

 

" đố ai biết tôi bây giờ mấy tuổi

đang nghĩ gì và đang ao ước ra sao

đời thân mật rũ rê tôi trở lại

sống bình thường như điệu ca dao "

(Khai Bút Ðầu Xuân )

 

Ðạt được như thế , bởi Luân Hoán đã biết quan niệm " hạnh phúc nào cần tìm ở đâu xa" khi chung quanh "chim hót quanh vườn cây nẩy lộc", "vịt đầy ao gà đầy vườn chuối chín" và "chó băng rào nhảy cởn gọi nhau vang"...Nhà thơ tưởng tượng :

 

"sẽ đứng cười trong sân đất sét khô

hút với người láng giềng điếu thuốc rê Cẩm Lệ

bàn chuyện làm ăn

hân hoan như trái tim đều nhịp "..."

 

Nhà văn Võ Kỳ Ðiền bên xứ lạnh buốt Canada viết trong bài "Người Thơ Ngơ Ngác Cõi Người" về Luân Hoán:

 

"Năm 1989 ở hải ngoại có thể được coi là năm phát triển sung mãn của thi ca. Bạn đọc đã thấy những tập thơ muôn màu muôn vẽ xuất hiện ở Úc, ở Âu Châu và nhứt là ở Canada.

Chọn lọc những thi phẩm có tầm vóc đặc biệt của nền văn chương Việt Nam, tôi xin được giới thiệu một tập thơ đặc sắc. Ðó là tập Ngơ Ngác Cõi Người của thi sĩ Luân Hoán đã được nhà xuất bản Nhân Văn ở Hoa Kỳ phát hành.

 

Ðây là một tập thơ bộc lộ được hết cái nét tài hoa của tác gỉa. Một tác gỉa khá đặc biệt trong làng thơ. Ðặc biệt vì Luân Hoán coi thơ như lẽ sống đời mình. Thơ đến với thi sĩ như những thói quen hằng ngày. Với một người thường, một ngày được chia ra làm bốn: đi làm, đi ăn, đi chơi, và đi ngủ. Ðối với Luân Hoán thì như vậy chưa đủ, phải kể thêm một điểm nữa là làm thơ. Nhưng cái điểm làm thơ bao trùm hết bốn cái kia. Ði làm cũng làm thơ, ăn cũng làm thơ, chơi cũng làm thơ, dĩ nhiên đi ngủ nằm chiêm bao cũng làm thơ. Nói hơi quá đáng một chút, con người Luân Hoán từ đầu tới chưn , tất cả đều bàng bạt chất thơ.

 

ta xin làm nụ hoa

để cho đời trang điểm

ta xin làm tiếng ca

để cho người lưu luyến

(Mùa Xuân Montréal)

 

Con người thơ đó lại cam chịu một nỗi bất hạnh (mà cũng là cái may mắn cho chúng ta những người mê thơ) là gặp nhiều cảnh bất ưng của đời sống vây quanh. Quê hương tan nát ngục tù, dân tộc đồng bào sống lầm than khốn khổ, bạn thân đứa còn đứa mất, tác gỉa

lận đận nơi góc biển chân trời, sống kéo lê cuộc đời nơi xứ lạ quê người. Chính cái tâm trạng thê lương khốn khổ đã bật lên thành những dòng thơ mới nghe qua thấy giọng điệu cười cợt, dững dưng, nhưng bên trong chứa đầy nghẹn ngào uất ức.

 

Ðó là những cảnh huống ở Cõi Người. Ðó là những Nỗi Niềm Ngơ Ngác quạnh hiu. Lần dỡ từng trang, chúng ta thấy nhà thơ có cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ ở xứ người, nhưng trái tim vẫn còn đập nhịp yêu thương hờn giận cũ. Dòng máu đỏ vẫn âm thầm len qua những địa danh quen thuộc, qua những khuôn mặt bạn bè thân yêu. Nỗi nhớ nhà, nhớ nước, nhớ người quay quắt khôn nguôi:

 

" người ơi người ơi người ơi

ta còn hay mất bên trời lưu vong "

(Cúi Mặt Chào Ðà Nẵng)

 

hay:

 

" nhớ gì đâu, nhớ nhớ

thương gì, mà thương thương

trái tim ta đã rớt

ở bên trời quê hương "

(Gọi Tên Bạn Bè)"

 

Thơ Luân Hoán chất chứa hồn âm nhạc, nhạc sĩ Phan Ni Tấn trong bài "Nhạc Ðiệu Trong Thơ Luân Hoán" như sau:

"Một buổi sáng trên đường tới sở, khi ngang qua một hồ nước, tôi thích thú bắt gặp đôi thiên nga đang lượn lờ trên mặt hồ. Nhìn vẽ nhởn nhơ, thong thả, nhẹ nhàng của loài thú tôi lại thương thân mình, biết là vội vàng hấp tấp song khó mà cưởng lại được dòng cuồn lũ của đời sống cuốn đi.

 

Từ đó, mỗi lần lái xe ngang hồ nước, tôi đều dõi mắt tìm kiếm đôi uyên ương xinh xắn nhàn nhã kia. Có hôm trở trời, mặt hồ khói sương dật dờ ảm đạm, dưới đáy sủi lên một lớp bùn non vàng ệch.Những hôm đó chim trời vắng bóng, lòng buồn vu vơ tôi thường ê a bài thơ Mắt Chiều của anh Luân Hoán gời cho tôi cách đây 5 năm, cùng với một loạt thơ khác của anh:

 

anh theo chim vịt kêu chiều

lên vùng thương nhớ đổ xiêu tiếng buồn

vàng trời tình thiết tha buông

màn sương lệ kết thành nguồn chở em

luyến lưu mùa động tay mềm

mây qua cửa sổ lênh đênh vào lòng

thôi rồi anh trót chờ mong

mắt chiều em đỏ lên hong nụ cười

 

Tôi rất thích cái nhạc điệu trong thơ Luân Hoán . Không riêng gì vần lục bát mà các thể loại khác anh cũng chứng tỏ cái khả năng tượng hình phong phú không những về vật thể mà còn về âm thanh. Sự giàu âm trong ngôn ngữ thơ và dấu giọng đã là yếu tố chứa đựng âm nhạc rồi."

 

Nhà thơ Song Thao cho bài viết bàn bạc về thơ Luân Hoán về 2 khía cạnh tình yêu và quê hương cho ta một vị ngọt ngào nào đó:

 

"Thơ Luân Hoán không thể là thơ không hay được. Nó như một hòn đá: nhìn bên ngoài tưởng như thô sơ, mộc mạc nhưng thật ra bên trong có chứa ngọc. Chất ngọc tinh tuyền vì nó được chắt lọc từ cuộc sống muôn vẽ muôn sắc. Hình như bất cứ trong hoàn cảnh nào cuộc sống Luân Hoán cũng có thơ được.Lúc vui lúc buồn, khi đắng cay, khi phẩn nộ, lúc tủi nhục, lúc hiên ngang, khi dịu dàng, khi hờn dỗi...mà thơ nào cũng mang cái giọng chất phác, duyên dáng nhưng tiềm ẩn bên trong là cái tinh quái, sắc sảo. Ðọc xong một bài thơ là mường tượng ngay ra được nụ cười của nhà thơ nằm đâu đó . Nụ cười có lúc ngọt, lúc bùi, lúc chua, lúc nồng nhưng cũng có lúc đắng lúc cay.

 

Vị ngọt ngào của tình yêu có lẽ là cái vị thấm sâu vào nhà thơ nhất. Cái "tên dật dờ" đã sớm bước vào đường tình tự những ngày xa lắc xa lơ khi chưa qua khỏi tuổi thơ dại:

 

" nhớ năm hết tuổi mười ba

cái lòng đã muốn lân la cái tình"

(Ta phỏng vấn ta - NNCN)

 

Anh hoa phát tiết sớm sủa như vậy nên thơ tình của Luân Hoán có những câu dễ thương lạ:

 

" mỗi lần sắp sửa yêu ai

tự nhiên mặt mũi tóc tai lạ lùng

tưởng như có triệu vi trùng

ngo ngoe đòi được nhớ nhung với mình "

(Triệu Chứng - ÐNVÐÐ)"

(Quê Hương, Tình Yêu Trong Thơ Luân Hoán)

 

Nhà văn Bích Phượng bên Paris nhật xét về Luân Hoán trong bài viết "Tản mạn về tình thơ Luân Hoán":

 

"Thơ của nhà thơ Luân Hoán đến với tôi thật tình cờ… và muộn màng… vì khi tôi vô tình lạc buớc vào «Trên vuông chiếu của Luân Hoán»… Thiệt là một khám phá bất ngờ đầy thú vị ! Đọc xong những dòng thơ ông viết, tôi có một cảm giác thân quen cho dù tôi chưa từng được một lần biết đến nhà thơ này. Có thể vì tôi thuộc thế hệ sau ông nhiều lắm.

 

“mười sáu tuổi em tập làm thiếu nữ

vai tóc thề áo lụa trắng bay bay

quai nón đỏ ngậm hờ vành môi ướt

vuông khăn thêu kín đáo xếp trong tay

em đến lớp nắng theo đùa trên áo

cặp che ngang ngực thơm ngát ngọc lan

tay giở vở tưởng chừng như đệm nhạc

hồn thanh xuân em lót xuống từng trang”

 

Thi phong của thơ Luân Hoán nhẹ nhàng, trau chuốt như những dòng trên trong bài "Điều Bí Ẩn Bình Thường". Luân Hoán đã từng dạy học, nhưng ông có tâm hồn thi phú, có ai buộc tâm tư nhà thơ thôi đừng lãng mạn trong lời thơ đâu nhỉ:

 

”tôi đứng lặng vài giây trên bục giảng

giáo án thuộc lòng bỗng chốc lãng quên

nét phấn lạc giòng, chữ run mặt bảng

trở lại bàn hồn nghe đã lênh đênh

thôi tôi hiểu ra rồi, em bé bỏng

chẳng có gì mới lạ phải không em

trái tim đựng bao nhiêu điều bí mật

cũng chỉ là tôi đã chớm yêu em.”

(Điều Bí Ẩn Bình Thường- Luân Hoán)

 

Thơ ông thuộc hệ phái thi ca lãng mạn diễm tình. Thơ ông có chiều sâu nhưng không kiêu kỳ. Nét độc đáo trong thơ ông là sự bình dị để diễn đạt trọn dòng tư tưởng của mình..."

 

Bích Phượng, tức thi sĩ Vũ Tiểu Vi, so sánh mức độ tình thơ của Luân Hoán như bài viết ghi nhận:

 

"Với tôi Luân Hoán ở mức trung dung giữa chất thiền hiền hòa của Thái Tú Hạp và nét táo bạo của thơ Việt Hải. Nên thơ viết về tình yêu của Luân Hoán cho tôi có cảm giác như ông là một người khao khát tình yêu trong ý thơ bóng bẩy và có nhiều mộng tưởng. Dòng thơ ông nhất là những dòng lục bát ngọt ngào, đậm đà và trữ tình như những câu ca dao. Thơ ông khiến người đọc say ngây ngất mùi hương giấy trắng trinh nguyên học trò.

 

Đọc thơ ông tôi hoài niệm về một thiên đường ký ức, về cái thuở mộng mơ thơ ngây với những chuyện tình vu vơ, với những dòng lưu bút thơm màu mực tím mồng tơi, với những bài thơ chép tay vội vàng, những tà áo trắng duyên dáng, những hàng phượng đỏ, những cái bâng khuâng trìu mến, những hờn dỗi, những nôn nao hẹn hò đợi chờ, những hân hoan nồng thắm. Nhà thơ Mạc Phương Đình đã nhận xét về thơ Luân Hoán như sau:

 

”Trong thơ anh, ngòi bút tài hoa bay bổng, uốn lượn theo cảm xúc, chắp cánh cho từ ngữ đi vào từng ước muốn của bày tỏ, gởi nó đi theo dòng tình, nhịp nhàng như những nốt nhạc chính xác trên cung bậc. Cũng với nhũng con chữ tầm thường trong hàng ngày giao tiếp, Luân Hoán đã chọn lựa, đã sắp xếp chúng đúng vào những vị trí, để biến chúng thành những dòng thơ tuyệt diệu…”

 

"em từ bụi chuối bước ra

ánh trăng làm nũng chao qua ống quần

niềm vui giấu dưới bàn chân

vỡ theo sợi gió lâng lâng ngậm ngùi"

(Trăng đêm nở hoa- Luân Hoán)"

 

Như đã trình bày trong bài viết qua các chủ đề lạm bàn về ý niệm của Vuông Chiếu, xét qua những nhận định của các nhà văn về văn chương đối với họ như thế nào, và cuối cùng là những nhận định về thi ca của Luân Hoán mà giới văn học bình phẩm ra sao.

 

Điều cần nói ở đây là Luân Hoán đã được vườn thơ Việt Nam dang ta mở rộng đón chào anh, bao bạn bè quý mến thơ của anh. Văn học sử cận đại nhìn nhận những áng thơ mượt mà, bóng bẩy của anh mà sách báo, các trang liên mạng, giới văn chương vẫn trân trọng như hiện tượng tích cực của làng thi ca Việt trong cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

 

                                                                         Việt Hải, Los Angeles