Những Tác Phẩm Của Luân Hoán Trước 1975
redbar.gif (78 bytes)
Thái tú Hạp

Sau khi đọc những bài thơ của LH đăng trên tạp chí Mai, Bách Khoa,Văn, Văn Học... tôi sung sướng được tin nhà thơ này đang sinh sống tại Ðà nẵng, Lại càng thú vị hơn khi được biết, anh cũng ra đời tại phố cổ Hội An, như tôi. Và,  cùng lứa tuổi với tôi.

Về sau, khi đã thành bạn bè, tôi mới hiểu thêm, anh chỉ có duyên cư ngụ bên giòng sông Thu khoảng 4 năm (1941-1945). Cuộc chiến đã mang anh lên rừng núi Tiên Hội, Tiên Phước 6 năm (1945-1951) , trả anh về quê cha, Liêm Lạc, Hòa Ða, Hòa Vang Quảng Nam hơn một năm, để rồi giao cho thành phố Ðà Nẵng nuôi anh khôn lớn, từ năm 1953.

Luân Hoán học làm thơ từ năm mười một tuổi.  Anh đã cho đọc gỉa biết điều này, qua câu hỏi của nhà văn Hồ Trường An (dưới bút hiệu Ðào Huy Ðán).  Người dạy anh làm thơ đầu tiên là thân phụ anh: Ông Lê Hoán, một điền chủ, một viên chức ngành ngân khố, với 4 bà vợ và một đời đào hoa. Người vợ thứ 3 của ông, bà Nguyễn thị Luân, chánh quán La Qua, Ðiện Bàn Quảng Nam, là thân mẫu của Luân Hoán. Nhà thơ đã ghép tên cha mẹ để làm bút hiệu. Và cái bút hiệu này đã đánh ngã những bút hiệu khác anh đã dùng, để sống còn cùng ngòi bút của anh đến hôm nay.

Luân Hoán có thơ đăng trên hầu hết các báo có tầm vóc của miền Nam trước 1975. 
Chính các tạp chí này đã có công giới thiệu, thúc đẩy anh sớm thành danh. Tạp chí Phổ Thông của cố thi sĩ Nguyễn Vỹ, năm 1975, nhằm kỷ niệm 20 năm Phổ Thông (1955-1975) đã thực hiện cuộc thăm dò dư luận rộng rãi mọi thành phần quần chúng và đã công báo 16 nhân vật nổi bật nhất trong năm,dưới tiêu đề: "Người của năm 1974 ", trong đó có Luân Hoán, bên cạnh những bạn thơ khác như Vương Hữu Bột (Ðỗ Quý Toàn), Dương Kiền, họa sĩ Choé, vv... Trong bài giới thiệu về Luân Hoán tờ báo viết:

..."Chúng tôi không nghĩ rằng Luân Hoán chỉ là nhà thơ cùa năm 1974, anh là thi sĩ, viết hoa thi sĩ cho cả đời anh, và hơn thế nữa của Việt Nam còn mãi ..." 
( Phổ Thông trang 114 số 30 năm 1975)


Luân Hoán bắt đầu chọn thơ mình để in thành sách từ năm 1964. Tính đến tháng 3/75 anh đã ấn hành được 11 thi phẩm, gồm 5 tập in riêng và 6 tập in chung với các bạn thơ khác ...

Sau đại nạn của đất nước, sách báo của miền Nam Việt Nam đa số bị cộng sản hủy hoại. Gần như không còn ai giữ được tủ sách gia đình. Trong cuộc vượt thoát tìm đất sống vĩ đại nhất của nhân loại, mang đi được chính thân xác mình đã là vấn đề, kể gì đến sách báo. Vì thế, chính những tác gỉa cũng không giữ nổi những gì họ đã viết, đã in.  Riêng Luân Hoán, anh không mang được gì trong chuyến đi chính thức theo chương trình O.D.P vào năm 1985.  Một vài thi phẩm cũ của anh còn tìm thấy ở nước ngoài, nhờ trước đó anh đã gởi cho người em trai, Lê Hân, du học tại Hoa Kỳ và một vài tập có mặt ở thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Chúng tôi là kẻ yêu thơ, nhân đây xin giới thiệu đến những bạn có lòng với thơ những thi phẩm hiếm hoi đó.

1. Về Trời

Với gần 60 bài thơ đủ loại, viết về quê hương và thân phận nhược tiểu của một dân tộc giàu chiến tranh, tập thơ Về Trời do nhà xuất bản Văn Học (Sài gòn) của nhà báo Pham Kim Thịnh chủ trương, ấn hành năm 1964. Mẫu bìa nền xanh da trời, hiện nhạt nhòa một thân hình khẳng khiu, hai tay vươn cao, như cố thoát khỏi những trói buộc của những vòng giây kẽm gai. Tranh bìa không ghi tên họa sĩ.

Ðể có cái nhìn khái quát về thời điểm tác phẩm ra đời, lẫn nội dung, chúng tôi xin trích trọn lời bạt của nhà văn kiêm luật sư Dương Kiền, đã viết cho Luân Hoán vào tháng 11 năm 1964 tại Sài gòn:

" Anh Luân Hoán,

Có nhiều lần tôi tự hỏi, trong một cuộc thế mịt mù và hỗn độn, nhiều máu và nước mắt, thi ca va tiểu thuyết có làm được gì ? có thay đổi được gì ? với âm thanh nào, khi mỗi ngày hàng trăm người, dù có nhãn hiệu nào gục chết trên khắp phần đất quê hương ? Nhiều lần tôi cầm viết lên những danh từ to lớn mà lòng cảm thấy hổ thẹn. Chúng ta có tự lừa dối bằng những ngôn ngữ xảo trá hay không ? có những lời lẽ bi thương nào sánh được với tiếng khóc của mẹ già, trẻ dại...trong tối tăm, chết chóc.

Nhưng đến nay, tôi thấy vấn đề cần phải đặt ngược lại. Chúng ta đã thảm bại trước những sức mạnh vật chất, chúng ta đã bị tù đày trong nghịch cảnh chính trị và kinh tế chúng ta làm được gì, nếu không là giữ gìn và phát huy ngôn ngữ và tư tưởng của một dân tộc mơ mộng và dũng cảm, kiêu hãnh mà khổ đau này?

Vì thế, tôi đã đón nhận tập thơ của anh, với nhiều thông cảm mà sông núi không thể ngăn cách được. Chúng ta chưa từng nắm tay nhau, nhưng xin anh tin rằng, bàn tay chúng ta đã ở trong nhau khắng khít và tin yêu.

Tự thơ anh đã nói lên tất cả những lời chân thành mà anh muốn gởi tới người đọc, tôi viết những lời vô vị này thật thừa thãi. Nhưng tôi vẫn viết, có lẽ chỉ để chứng tỏ chúng ta sẵn sàng bên nhau, không phải để chia sẻ vinh quang, mà là chia sẻ những nhọc nhằn của một thế hệ mở mắt và có lẽ sẽ nhắm mắt trong cay đắng tủi nhục.

Gia tài quê hương của chúng ta đã bị xâu xé gần hết, chúng ta chỉ còn lại một di sản qúi báu : tình tự con người. Tình tự con người bất chấp mọi tương tranh, chia cắt, vùi dập, thủ đoạn...nó sáng ngời trong đêm tối kéo dài từ hai chục năm nay, nó là ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn còn biết hướng về nhau, những con tim còn biết xôn xao mơ ước. Nó làm thành một thế giới trên những thế giới của tham vọng và hận thù.

Anh Luân Hoán,

Chính thơ anh đã đưa tôi vào thế giới ấy. Nhận vinh dự viết lời bạt, tôi nghĩ rằng không bắt buộc phải ca ngợi anh. Phê phán anh đã có độc giả của anh, dù tôi có gian dối viết lên đây đôi lời tán tụng phù phiếm, cũng không làm thay đổi cái nhìn của người đọc.

Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi bắt buộc phải ghi lên giấy, một ý nghĩ có thực của tôi: thơ anh là những âm thanh tình tự thiết tha và tất cả giá trị của anh là ở điều đó. Vì thế đôi khi anh bất chấp những xảo thuật của ngôn ngữ để làm tăng vẻ đẹp hình thức; anh chỉ quan tâm tới một điều : nói tiếng nói của con người, tìm thấy nhau trong nhịp điệu của sự sống đầy yêu mến thiết tha "

Dương Kiền


Qua lời bạt của Dương Kiền, chúng ta có thể tạm hình dung: Thời điểm mà Luân Hoán làm thơ, in thơ, Tổ Quốc chúng ta đang mịt mù khói lửa súng đạn, bởi cuộc chiến tàn khốc chủ nghĩa. Trước những chết chóc, thù hận, trước những đau xót, bất lực của dân tộc, nhà thơ đã xúc động. Ý thơ từ đó đã bùng vỡ trên những giòng chữ đơn giản. Thơ Luân Hoán do đó đã mang đến cho người đọc sự chú ý, sự cảm thông. Về kỷ thuật ở tập này có lẽ chưa được ổn định. Chúng tôi xin phép được trích đăng một số bài để bạn đọc cùng thẩm định: 

mời click vào:
trichtho.htm


2. Trôi Sông

Hai năm sau, khi Về Trời đã trước bạ với làng văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam, Luân Hoán gởi đến độc giả thì phẩm thứ hai. Nhưng lần này đứa con tinh thần không được phương phi, tốt tướng như đứa con đầu lòng. Ở thời điểm mà việc ấn loát hãy còn rất đơn giản, khó khăn, một người làm văn nghệ ở tỉnh lẻ như Luân Hoán, càng khó thực hiện những hoài bão của mình. Tuy nhiên với lòng yêu văn nghệ thiết tha, anh đã không ngại noi gương nhà văn Thế Phong của Ðại Nam Văn Hiến, mà thực hiện thi phẩm của mình bằng cách bìa in typo, ruột quay ronéo. Số lượng vì thế cũng rất khiêm nhường, hầu như chỉ phổ biến trong giới yêu thích thơ. Chính vì thế, hiện nay chúng tôi cũng không tìm được một vài bài cụ thể trong Trôi Sông, để giới thiệu đến bạn đọc. Chúng ta hãy nghe Luân Hoán, tự đánh giá về thi phẩm thứ 2 của mình:

"...nội dung cũng na ná như tập thơ đầu tay, nhưng hình thức tồi hơn, bìa Văn Học in, ruột quay ronéo" (Ðào Huy Ðán Làng Văn số 35). Như thế , chúng ta có thể hiểu, tập Trôi Sông, ngoài hình thức sút kém, nội dung thơ Luân Hoán cũng chưa có gì thay đổi. 

Ghi chú:  Năm 1996 trưởng nữ của Luân Hoán, Lê Ngọc Hoà Bình có về thăm lại nhà cũ tại Ðà Nẵng, trong chuyến đi này, Hoà Bình đã tìm đem qua Gia Nã Ðại tập Trôi Sông. Tập thơ này đã được em trai Luân Hoán cùng nhà thơ Song Vinh cho tái trình diện với đọc gỉa năm 2001. Và đang giới thiệu đầy đủ, mời bạn có thể vào đọc, theo địa chỉ:

trichtho.htm

3. Chết Trong Lòng Người

Thi phẩm thứ 3 của Luân Hoán xuất hiện trên thị trường chữ nghĩa miền Nam vẫn còn mang cái tựa đề bi quan như hai tập trước. Bốn chữ "Chết Trong Lòng Người" có phải là hoài bão của nhà thơ? Ước muốn thơ mình sẽ được nằm trong đáy mộ: Lòng Người . Tập thơ ra đời năm 1967, năm Luân Hoán đang theo học quân sự ở trường Bộ Binh Thủ Ðức. Hiện tình đất nước, bổn phận của tuổi trẻ, có lẽ là những bối cảnh, chất liệu, mà thơ Luân Hoán đã thở?

Về hình thức, mẫu bìa do Hoàng Trọng Bân, một người bạn chí thân của Luân Hoán vẽ và trình bày. Nhà xuất bản Văn Học in, nhưng tên nhà xuất bản được ghi là Ngưỡng Cửa. Xin bỏ trong ngoặc đơn : Ngưỡng Cửa là cơ sở xuất bản cò con, tỉnh lẻ, như nhiều nhà xuất bản tài tử khác ở miền Nam trước năm 1975. Ngưỡng Cửa do Luân Hoán và hai người bạn thơ của anh, Hà Nguyên Thạch và Ðynh Hoàng Sa, chủ trương, đã ấn hành được:

Ở trong tập CTLN, có một bài ngũ ngôn " Lời Nguyện Pháp Trường " đã được Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, in như một phụ bản. Bài này từng do Miên Ðức Thắng hát trong đĩa nhựa Việt Nam 2.

audio.htm

4. Viên Ðạn Cho Người Yêu Dấu

Luân Hoán bắt đầu gia nhập đại gia đình Quân Ðội Việt Nam Cộng Hoà từ năm 1966. Ta hãy nhìn nhà thơ trong "Một Ngày Trước Khi Trình Diện":

" bỏ lệnh gọi trong túi quần
tôi đi qua từng đường phố
không biết phải làm gì
tôi trở về rửa mặt
quyết định
ngủ một ngày
thản nhiên không mơ mộng..."

Cùng trong ngày đó, nhà thơ còn làm những việc lặt vặt như "đốt chồng thư cũ", bán xôn bớt áo quần"...như thắp một nén hương cho mẹ...để rồi ngày mai nằm trong trại nhập ngủ số 1 với "nửa tờ nhật báo ôm lưng, đầu kê dép nhật trông chừng dáng em " và trong đầu thì lúc nào cũng " ý ta vai gói về liền" nhưng "trông ra súng gác cổng phiền muộn thôi", vì thế nhà thơ đã phải đổ mồ hôi 9 tháng ở quân trường Bộ Binh Thủ Ðức, cùng thời với Nguyên Sa, Trần Hoài Thư, Phạm Hoàng. Lê Thanh, Cao Thoại Châu, Châu Văn Tùng, vv...

Cuối cùng anh cũng đã từ giả những "buổi sáng đánh giày, buổi chiều nhổ cỏ " để ra đi với ám ảnh trong đầu : " ra khỏi nơi này sẽ gặp nghĩa trang, ra khỏi nơi này ngọn hương sẽ sáng..".  Bị cái chết thường trực ám ảnh , nhưng Luân Hoán đã tự chọn về sư đoàn 2 Bộ Binh (Quảng Ngải), mặc dù anh có nhiều điều kiện để phục vụ ở một đơn vị an toàn hơn.

Ðời sống của những người lính trận, đã mang đến cho Luân Hoán những lượng máu hồng hào, những hơi thở nồng nàn hơn bao giờ. Từ nhữngmảnh thịt vụn của đồng đội, từ những giọt máu của chính mình vướn trên ngọn cỏ biếc, từ những ngờ nghệch khờ khạo của những tân binh, từ những đớn đau rên xiết của đồng bào, từ những ngọn lửa thiêu rụi làng mạc, thơ Luân Hoán bắt nhịp vươn cao. Anh đã có một vốn liếng cần thiết: Sống. 

Với một người sớm nhìn cuộc đời bằng cặp mắt bi quan, Luân Hoán khó ngăn được mình trước những tàn phá đổ vỡ, trước những đớn đau, tủi nhục của một dân tộc vốn dĩ rất anh hùng. Những dòng thơ u uất buồn đau, xót xa đến độ mỉa mai bất mãn, được gọi là "phản chiến", bàng bạt trong thi phẩm này. Những suy tư, dằn vặt của anh, của thế hệ anh, ngày nay nhìn lại có lẽ thật đáng trách. Nhưng những người cầm bút thời đó, sẽ làm gì hơn nếu không trưng bày ra những hình ảnh sống thực, những xúc cảm tự nhiên của một con người còn tình người ? nhà văn Hà Thúc Sinh trong tác phẩm Ðại Học Máu, ở trang 614 đã cho nhân vật Vĩnh của mình nhận xét về Luân Hoán:

..."anh đã làm những câu thơ than thở mà theo Vĩnh, có lẽ là những câu thơ yếm thế và và thê lương nhất trong thời chiến tranh...

Hoán viết :

"tôi là một sĩ quan mù
chỉ huy một đoàn quân điếc..."


câu thơ ấy ngày xưa Vĩnh đọc chả thấy gì tai hại. Nhưng ngày nay nhớ lại, Vĩnh không khỏi bàng hoàng, thế hệ của anh, của Luân Hoán, của Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Ðức Sơn Trần Tuấn Kiệt, Lâm Hão Dũng...những người không vướng vào cái tai hại làm thơ huê tình, ve gái ngay giữa thời chiến nhưng lại dính vào cái lỗi lầm có lẽ trầm trọng hơn: đã tìm cách bi thảm hoá cái thân phận mình một cách hơi lố bịch..."

nhà văn Hà Thúc Sinh hẳn đã có lý, nhưng lúc anh khám phá ra điều này, có lẽ nhà thơ Luân Hoán cũng đã ngậm ngùi nhìn nhận như thế ? Quan niệm chủ quan của chúng tôi, văn học nghệ thuật nói chung, thơ văn nói riêng nếu mang được cảm xúc chân thật, hình ảnh sống động của một thời, của một giai đoạn lịch sử, tự nó đã có một chút gì để tồn tại, dù sự tồn tại chỉ có giá trị như những chứng nhân.

Viên Ðạn Cho Người Yêu Dấu do nhà xuất bản Thơ (chính tác giả, và Lê Thành Tôn Lê Vĩnh Thọ chủ trương) ấn hành năm 1969) tập thơ này không được phổ biến rộng, chúng tôi xin được trích một số bài gởi đến bạn đọc. 

ghi chú: tập Viên Ðạn Cho Người Yêu Dấu được thực hiện lại năm 1995 có thể đọc:

trichtho.htm


5. Rượu Hồng Ðã Rót

Khoảng bốn, năm tháng trước khi mất nước, thi tập Rượu Hồng Ðã Rót được ra mắt tại thành phố Ðà Nẵng do hội Khuyến Học và Hội Phát Huy Văn Hoá Miền Trung tổ chức. 

Phần ra mắt sách nằm trong sinh hoạt như thuyết trình, liễn lãm văn hóa... Rượu Hồng Ðã Rót với 49 bài thơ được chia làm hai phần. Phần đầu với chủ đề tình yêu trai gái gồm 26 bài. Ðây là một tập thơ được in đẹp nhất của Luân Hoán. Bìa do anh Nguyễn Sông Ba kẻ chữ và trình bày (bìa hai lớp) in tại thành phố Ðà Lạt. Chân dung và tiểu sử của tác gỉa được in trong tập này. Trước khi vào tập có in 4 câu thơ, có lẽ để thay lời tựa:

" thơ chỉ là sông cho tôi trôi nổi
tôi chỉ là thuyền cho người lênh đênh
vậy người cứ ngồi đây qua sông rộng
vậy em cứ ngồi đây qua hồn tôi "

Thơ Luân Hoán ở tập này nhẹ nhàng và cái buồn u uất, bất mãn của thời cuộc đã vơi đi
rất nhiều. Không khí tin yêu cuộc đời sống bàng bạc trong thơ. Phải chăng sau khi đã trả xong phần nào cái nợ làm trai, tâm hồn nhà thơ lắng dịu hơn. Hãy nghe anh:

" đố ai biết tôi bây giờ mấy tuổi
đang nghĩ gì và đang ao ước ra sao
đời thân mật rũ rê tôi trở lại
sống bình thường như điệu ca dao "
(Khai Bút Ðầu Xuân )

Ðạt được như thế , bởi Luân Hoán đã biết quan niệm " hạnh phúc nào cần tìm ở đâu xa" khi chung quanh "chim hót quanh vườn cây nẩy lộc", "vịt đầy ao gà đầy vườn chuối chín" và "chó băng rào nhảy cởn gọi nhau vang"...Nhà thơ tưởng tượng :

"sẽ đứng cười trong sân đất sét khô 
hút với người láng giềng điếu thuốc rê Cẩm Lệ
bàn chuyện làm ăn
hân hoan như trái tim đều nhịp "

Cùng lúc với những "con cá diếc cá rô...những con nòng nọc...mừng thấy đời hồi sinh"

Luân Hoán hứa :

" sẽ làm biết bao nhiêu chuyện khác
như cưới vợ
như sinh con
như làm thơ
như vỡ đất..."

(Trên Nóc Tình Tôi)

Một cuộc sống mới được trang trọng đón nhận, bởi vì " ta ví như triệu nụ hoa, trong bình trời đầy nước, hương chở hồn thi ca, nở đầy lòng thảo mộc (Ví Như). Thi sĩ đã ví cuộc sống mỗi một con người như hoa lá, thản nhiên tiếp rước cuộc đời một cách âm thầm nhưng tha thiết. Sông núi không quên kẻ có lòng, kẻ có lòng không quên nhen ngọn lửa tin yêu đời trong trái tim:

..." sông núi nào quên kẻ thiết tha
bạn hỡi hãy nghe hoa lá nở
âm thầm như một một chúng ta
vẫn nhen trong trái tim chút lửa
soi ấm muôn đường ta sẽ qua ..."
(Dừng Dưới Chân Ðèo Bình Ðê)

Bao nhiêu tăm tối, hờn giận trong cõi phù sinh được xóa bỏ, để đón nhau về, để đãi nhau từng hạt cơm, đã được chắt chiu thổi yêu dấu vào. Cảm động biết bao nhiêu khi đọc bài Khói Cơm Chiều:

" bếp đã nhúm gạo đã vo sạch sẽ
tôi dặn lòng thổi yêu dấu vào cơm
tay từng ngón chắt chiu từng ngọn củi
lửa chiều vui tôi đốt cả căm hờn"
.....
"cha có mỏi gót trời con xin cõng
anh rã rời tay xách em xin mang
hãy vội vã trên lối về trải lụa
trên lòng người chờ đợi những hân hoan "


thật tội nghiệp cho một niềm tin dễ thương :

" chắc phải có người về đây so đũa
trên mâm đồng san sẻ nỗi tình xưa..."

tin bởi vì "triệu hạt sầu tôi đã chín như cơm " và cái hình ảnh "giậu trưa hồng phà khói
thuốc lên hoa
" sao mà thân thương gần gũi quá.

Trái tim nhà thơ quả thật huyền diệu : " không yêu thương nhưng bỗng nhớ nhung" huống chi "tôi không có lịch sử, tôi chỉ có tình sử, cả đời tôi đã sống, và sẽ sống, bằng chừng đó..." để mà " vẽ em lên thơ, lên cuộc đời" mặc dù "đời đã trách tôi dật dờ, lẩn thẩn, đời đã khinh tôi lãng mạn điên khùng, tôi muốn nói với em về chuyện người mê gái, mê tình yêu, thơ thẩn viết thơ tình (Thiệp Hồng). Trong trái tim thi sĩ, trong "Cái vạt đất đầy phân tình và nước mắt" đó em cũng trở thành, một "chất liệu" cho thi ca. Biết thế, nhưng rồi thế nào em cũng đến:

" và như thế chắc là em sẽ đến
sẽ vào thăm cho biết trái tim tôi
không có lửa làm sao có khói
không yêu thương làm sao được thất tình
rượu đã rót em hãy say một bận
trong cõi sầu tôi sẽ ẵm em đi "

Thất tình có phải là một cái gì cao qúi, xinh xắn nhất của một đời làm người ? Một thành công rực rỡ của người biết yêu ? Thất tình như luôn luôn tạo thêm cái bề thế, cái cốt cách của một tâm hồn lãng mạn ? không thế, tại sao thi sĩ của chúng ta phải tập làm gã thất tình?

Và các thi nhân ngày xưa cũng đều khoe cái khổ đau vì tình của mình. Coi đó như một vinh dự lớn lao của một thời đẹp nhất đời người. Luân Hoán không phải chỉ có "một thời để yêu, một thời để thất tình" mà:

" xin em hãy nhớ cho rằng
tôi già đời vẫn gió trăng tuyệt vời "

dẫu phải:

" trắng đêm ta ngồi uống rượu
một mình một chén đăm đăm
trời cao mấy vì sao rụng
buồn chưa đủ lót chỗ nằm "

Không buồn không ngủ, ngồi vớ vẩn "chờ Một Người Yêu Xứ Bắc", ngồi năn nỉ:
"Xin Huế Một Người Tình " hoặc vẽ cho người em Hội An một nụ hoa. Lãng mạn và thơ như thế thật là đẹp. Trước khi đặt ly Rượu Hồng xuống bàn, chúng ta hãy uống đến giọt cuối cùng:

..."thôi nhé cũng đành yên phận vậy
nằm buồn vơ vẩn viết thơ chơi
tình dài giấy đắt in chi thấu
viết để mà chơi viết đốt chơi
mai sau ta trở thành thi bá
dẫu chết hậu sinh cũng bắt ngồi
nhớ để cho ta vuông chiếu rộng
ta mời bè bạn của ta luôn"

thật hào sảng đầy thi vị.

Ngoài 5 thi phẩm kể trên. Trong khoảng 11 năm, Luân Hoán đã cho ấn hành chung với các bạn thơ của anh những thi phẩm sau (tóm lược):

  1. Thơ Tình (in chung cùng Khắc Minh, thơ xuất bản 1969)

  2. Ca Dao Tình Têu, Chân Mây Ðiệp Khúc ((in chung cùng Khắc Minh)

  3. Nhịp Buồn 6/8 (in cùng Lê Vĩnh Thọ)

  4. Lục Bát Ca ( lục bát của Luân Hoán và Lê Vĩnh Tho, Vĩnh Ðiện phổ nhạc)

  5. Nén Hương Cho Bàn Chân Trái (tập họp nhiều bài viết của luân hoán và các bạn văn).

Từ lâu Luân Hoán đã được nhìn nhận là một nhà thơ. Bút pháp của anh vững vàng, nhuần nhuyễn.  Thong dong , xuôi suốt ở thế 7, 8 chữ. Mềm mại , nhẹ nhàng ở thể lục bát. Cô đọng, tự nhiên ở 5 chữ. Thơ của anh dồi dào hình ảnh, màu sắc với giọng giản dị đôn hậu, hay đưa tục ngữ vào thơ, đánh thức được xúc cảm của người đọc. Kêu gọi sự tham dự của người thưởng thức đến từng dòng, từng chữ...Tóm lại Luân Hoán là nhà thơ của cảm xúc. Và anh đã thành công trên đường đi của anh.


Thái Tú Hạp