Ðọc Hơi Thở Việt Nam

Bùi Bảo Trúc

Luân Hoán tên thật Lê Ngọc Châu, một nhà thơ có nhiều tác phẩm đóng góp cho nền văn học miền Nam trước 1975. Tập thơ đầu tiên của ông, tập Về Trời, đã được gởi tới độc giả từ năm 1964. Sau đó, cứ mỗi năm chúng ta lại được đọc một tập thơ khác của ông.  Năm 1966 là tập Trôi Sông, năm 1967 là tập Chết Trong Lòng Người, rồi Viên Ðạn Cho Người Yêu Dấu năm 1969. Kế đó là các tác phẩm Lục Bát Ca, Hoà Bình Ơi, Hãy Ðến, Nén Hương Cho Bàn Chân Trái và năm 1974 là cuốn Rượu Hồng Ðã Rót.

Tập Hơi Thở Việt Nam là những bài thơ đã viết trong khoảng thời gian từ 1975 cho tới những năm 1983, 1984, trước khi ông rời Việt Nam, sang Montréal Gia Nã Ðại, nơi ông nói là đến để tạm trú, từ đầu năm 1985. Những bài thơ của tập Hơi Thở Việt Nam đã được đem ra khỏi Việt Nam bằng những cách khá đặc biệt. Một số đã được các con ông học thuộc, và chép lại từ trí nhớ. Một số khác được bạn bè ông gởi dần từ Việt Nam sang Gia Nã Ðại.

Ngay từ những năm ở Việt Nam, Luân Hoán chưa bao giờ là một nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ tình. Thơ của ông, ngay cả những bài thơ tình rất ít ỏi, luôn luôn là một tiếng thơ buồn, uất nghẹn, và như lời nhận định của Thái Tú Hạp, là những ấm ức, những phẩn nộ, những đắng cay và những kinh hoàng của một nhân chứng lịch sử đen tối nhất của thời đại. Những nhận định của Thái Tú Hạp là ghi nhận về tập Hơi Thở Việt Nam , nhưng cũng lại đúng cho toàn thể những tác phẩm thi ca khác của Luân Hoán.

Hơi Thở Việt Nam với 39 bài thơ, 5 chữ, lục bát, 7 chữ, 8 chữ là những bài thơ còn vang vọng âm hưởng của những bài thơ mà người ta đã được đọc của ông trong những năm trước 1975. Những hình ảnh xám ngắt của quê hương tan nát, những binh đao trận mạc, những ước mơ của một đời về một hòa bình không bao giờ đến, những quà tặng chiến tranh, những chân tay chia lìa trên một thân thể trở về sau một cuộc chiến.

Tập Hơi Thở Việt Nam ngoài những hình ảnh như vừa kể, còn là tiếng thở của một quê hương rũ liệt, của một đất nước không còn của những người lớn lên ở miền đất đó nữa, của một hòa bình đầy kinh hoàng :

" ngủ ngồi trên gác tối
trong ngày vui hòa bình
tiếng tim đập trong ngực
vừa mơ vừa rùng mình

ngủ ngồi trên gác tối
bụng rỗng như bình hoa
cắm cành cây hy vọng
xanh biếc nỗi xót xa

ngủ ngồi trên gác tối
tôi mơ tôi là người
thịt xương này của đất
hơi thở này của tôi

ngủ ngồi trên gác tối
quyển vở chờ trên bàn
bài thơ là tiếng thở
vỡ òa trong dấu than

ngủ ngồi trên gác tối
tự do như đêm dài
chết cần gì hấp hối
sống cần gì tương lai"

Việt nam mà ông lắng nghe từng hơi thở đó không còn là quê hương của những ngày cũ.Việt Nam mà Luân Hoán viết trong thơ ông là những còm cõi, đau thương, là ác mộng, là trái cà chua cũng làm ông hoảng sợ vì cái màu đỏ của nó, như trong một bức thư viết cho người ở xa :

xin báo cùng anh tin vui thứ nhất
cây cúc đầu hè nở được một bông
đất còm cõi nhưng thương đời vẫn gắng
phơi hết lòng mình ra giữa gió đông

xin báo cùng anh cây cà chua nhỏ
cũng đậu được vài trái đỏ xinh xinh
(màu đỏ đẹp ơi, vì sao ta sợ
có lúc nhìn em ta chợt giật mình)
.....
xin báo cùng anh sáng nay đầu ngõ
có con cu cườm đậu tuốt ngọn tre
nó đứng rỉa lông mà không buồn gáy
có phải vì còn sợ ná ai đe ?
.....
nhớ ngủ nghe anh đêm nay em đợi
như những đêm nào đợi pháo nửa đêm
xin mừng tuổi anh câu thơ què quặt
bạc tóc đừng già, mất nước đừng quên...

Và trên đất nước buồn thảm đó Luân Hoán đã sống những ngày làm người lạ mặt ngay trên quê hương mình, là kẻ tội đồ không phạm tội, là người bị buộc phải móc trái tim quăng ra ngoài :

chúng tôi ngồi chồm hỗm
trong sân chùa Hải Châu
mắt lập lòe đom đóm
nắng đổ lửa trên đầu

đã bảy ngày như vậy
chúng tôi lo lắng chờ
miệng khô mồ hôi chảy
vạn người cùng bơ vơ

gục đầu che lồng ngực
tiếng loa xoáy vào hồn :
" các anh là súc vật
nhân dân hằng căm hờn
nhưng cách mạng sáng suốt
bao dung và khoan hồng
hãy thật thà khai báo
tố cáo thật rõ ràng
lập công đầu chuộc tội
giữa trật tự, xếp hàng "

chúng tôi là súc vật
hôm nay học làm người
xin chân thành "đăng ký :"
chúng tôi thừa trái tim

đã bảy ngày như vậy
chúng tôi lo lắng chờ
viết thật nhiều lý lịch
để làm người tự do !

Luân Hoán sinh tại Quảng Nam, năm 1941, ông viết những bài thơ đầu trong những năm của thập niên 60. Ông nhập ngũ năm 1967 và giải ngũ năm 1970, sau khi để lại chiếc chân trái ở chiến trường. Ông trở về đời sống dân sự sau đó và phục vụ tại một ngân hàng cho tới năm 1975. Luân Hoán đã có thơ đăng trên nhiều tạp chí văn học ở miền Nam trong khoảng thời gian này. Với một lý lịch như thế, ông đã phải sống nhiều tháng trong trại học tập cải tạo :

.....
rồi thì cách mạng bắt
một hai bải tôi khai
tôi khai hoài khai mãi
tôi khai mãi khai hoài
lý lịch tôi từ đó
đâm ra thành truyện dài
mai sau in thành sách
may ra thành thiên tài
xin cảm ơn cách mạng
tôi nguyện cầm bút hoài...


Hơi Thở Việt Nam là một chứng từ của một người đã sống những ngày khủng khiếp nhất tại Việt Nam , những năm 1975. Hãy nghe cảnh cải tạo nhà đất :

có cái gì xôn xao ngoài phố
thử đạp một vòng quanh quẩn coi chơi
mỗi ngã tư đường vài đám đông lố nhố
tiếng síp lê tiếng đạn bắng ngang trời
trước dãy lầu một bà già đứng chửi
vài chục áo vàng rối rít lăng xăng
bọn tự vệ cánh tay choàng gỉe đỏ
ùa vào nhà mang đồ đạc ra quăng
trên hè phố đống nồi niêu soong chảo
ngổn ngang nằm trơ mặt mũi tối đen
vài chiếc chiếu đang cuộn tròn nằm vạ
thằng bé con trất cu đái lăn quăn....

Quê hương mà ông nói tới là thù hận, là "đập đá núi lấp cho đầy trí não, xây thành cao bằng ánh mắt căm hờn" là cơ cực, là " một hạt cơm cõng mấy hạt bo bo, nước rau muống có làm em đỡ ngẹn, đời đang vui sao nét mặt buồn xo ?" là nỗi đau đớn của một kẻ lạ mặt ngay trên chính xứ sở mình "giữa quê nhà sao nghe sao nghe quá bơ vơ?" Cái quê hương đó không còn tương lai cho những người lớn "mi nằm mi đứng mi đi, mi mang cái tội Bắc Kỳ di cư, mi mang cái tội làm người, nửa đời tham trận, thua rồi nghe con.." Cũng không còn bình an cho những người đã chết : ..." mẹ có biết con về đào mã mẹ theo chủ trương, đúng chính sách đề ra, ruộng đất hẹp, đời đang cần hoa quả, hỡi qủi thần trả lại bãi tha ma ..." Và tuổi trẻ cũng bị tước đoạt những hồn nhiên măng sữa :

...tuổi em chừng mười bốn
hay sắp tròn mười ba
cớ sao ai cũng sợ
thấy em lo tránh xa ?

ai dạy em phấn đấu
để trở thành đoàn viên
cổ em quàng khăn đỏ
đời đã được bình yên ?

ai dạy em nhận mặt
thế nào là Ngụy Quân
chế độ nào bóc lột
những ai cần thanh trừng ?

hỡi người em tuổi nhỏ
tôi chính là Ngụy Quân
dưới mắt người cộng sản
vẫn thương em vô cùng ..."

Trong cái không khí thê lương đó, đôi lúc người ta thấy lóe lên một chút ánh sáng, một chút hy vọng, một chút hạnh phúc trong đêm mịt mùng của chế độ. Hãy nghe Luân Hoán kể về một đêm mưa nghe lén nhạc Phạm Duy :

đêm mưa nằm ngủ không đành
tôi trôi theo giọng Thái Thanh dập dìu
" tôi còn yêu, tôi cứ yêu..."
nhạc bao la trải bóng kiềi liêu trai
" tôi đang mơ giấc mộng dài
đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh "
hoan hô anh sống hết mình
cảm ơn anh thắp nỗi tình núi sông
hát lên anh, máu vẫn hồng
xiềng không xích nổi đêm đông nằm sầu..."

Ðó là một thứ hơi thở Việt Nam để Luân Hoán sống tiếp. Tập thơ của ông có lúc như những tiếng thét thảm thiết, có lúc như những chịu đựng buông xuôi, có lúc như một cơn mơ hạnh phúc. Ðọc toàn thể, tậo thơ là một nhịp thở bồi hồi của quê hương xa cách ngàn trùng; là những đớn đau của cả một dân tộc bất hạnh được ghi lại. Hơi thở ấy vẫn là những làn hơi ấm nhắc nhở cho những người đọc thơ Luân Hoán về một miền đất cũ.


Bùi Bảo Trúc
tháng 7-1987