Sau Khi Ðọc Thơ Tình Của Luân Hoán
bluebar.gif (870 bytes)
Ðỗ Quý Toàn

1.

N
ếu kiếp sau trời cho tôi làm thi sĩ, tôi muốn được làm thơ tình như Luân Hoán. Sáng làm thơ. Trưa làm thơ. Tối trước khi đi ngủ cũng hãy làm thơ đã. Làm thơ khi thức dậy, để lót dạ. Làm thơ khi đứng đợi xe, để qua thì giờ. Nhìn người yêu lên máy bay, muốn làm thơ. Nhìn người yêu lên đò qua sông, phải làm thơ. Thấy người yêu cũ ngồi xích lô bên cầu chữ Y (dầu có vợ đi bên cạnh) cũng liếc mắt ngó theo, rồi làm thơ Ðến Chùa gặp em làm thơ. Ðụng em khi đi lễ nhà thờ cũng làm thơ nữa...

" ngày đó tôi yêu em biết mấy
cứ mỗi ngày làm năm bảy bài thơ "
 

Như vậy chẳng phải là sung sướng lắm sao ?

Tôi chẳng nói xạo, chính Luân Hoán thú nhận tình yêu giống như...ghiền :

" tiếc rằng chỉ một trái tim
viết hoài không hết cái ghiền yêu em "

Nhưng phải nói Luân Hoán ghiền làm thơ mới đúng. Nhất là ghiền làm thơ yêu em. Trong ba mươi sáu thứ ghiền có lẽ đây là món ghiền thích thú nhất, vô hại nhất, và dễ thương biết chừng nào.

 

2.
Mấy ông thi sĩ là cái giống đa tình, điều này đã được Chu Mạnh Trinh đem ra trước bạ " ta cũng giống nòi tình thương người đồng điệu "

Ða tình vì thi sĩ có thể sống hộ mối tình của mọi người. Sống như chính nhân vật của mình đang sống. Nếu không thì làm sao Nguyễn Du có thể sống cái phút " khách đà lên ngựa người còn ghé theo " hay " bóng trăng đã xế hoa lê lại gần ". Chu Mạnh Trinh đọc Nguyễn Du còn rào rực " ngàn liễu rung cương sóng gợn tình ".

Những nhân vật mà Luân Hoán sống hộ, sống cùng, sống bằng mối tình của họ có những nhân vật của thời đại chúng ta. Nhìn một thi sĩ thấy mình đang sống tình tự của con người đó, đang khoác vô mình bộ xương thịt của con người đó. Bởi vậy thi sĩ mới tự nhủ :

" đổi đời ta đạp xích lô
chở em đôi bận đâm vơ vẩn buồn "

(Cũng May Còn Tình Yêu)

Người làm thơ đã làm ta sống giàu hơn, vì chính ta, khi đọc tới đó, cũng mang tâm sự vẩn vơ của kẻ thất thế đạp xích lô. Cũng chia xẻ mối tình ngẩn ngơ khi người đẹp bước lên chiếc xích lô cho mình chở đi. Người thi sĩ đã sống giúp cho người thất thế đạp xích lô, do đó giúp ta sống nhiều hơn, để vơ vẩn buồn và bâng khuâng nhớ nhiều hơn. 

Một nhân vật khác cũng nhập vào thi sĩ :

" đổi đời ta ngồi sửa xe
ngã ba mượn bóng gốc me hành nghề
......
một hôm em rất vô tình
dắt xe vào vá...

vì sao kín đáo thở ra
ta về thao thức nhớ ba bốn ngày

(Cũng may Còn Tình Yêu)

Và một nhân vật thất thế nữa :

" đổi đời ta bán cà rem
......
nghĩa là còn muốn làm duyên
còn nghe tim đập loạn thiên trong lòng

(Cũng May Còn Tình Yêu )

Cũng may hoàn cảnh đó, người "vô tình " chỉ thấy một anh bán cà rem, một ông ngồi sửa xe, một chàng đạp xích lô, không dính dáng chi đến mình. Kẻ đa tình thấy mình ở trong mỗi nhân vật đó, chia sẻ tình yêu của họ, và đem chia sẻ với người đọc. Ða tình lắm, nên thấy ai mất tình yêu cũng sót xa muốn giúp:

" tốt hơn nên đổi người thương
ta xin thế chỗ tầm thường đó cho "

( Tán Người Ðang Thất Tình )

Rồi sau đó lại thủ thỉ (thanh minh thanh nga) với bà xã :

" yêu em ta làm thơ
yêu ta em rộng lượng
thơ thì thường vu vơ
nhiều khi toàn tưởng tượng "

(Em Vẫn Là Người Tình )

Nếu không giàu tưởng tượng thì làm sao chúng ta có thể sống hộ trăm cuộc tình, ngàn lần yêu của nhân gian ? Làm sao ở tuổi 40 mình vẫn sống hộ và nói giúp một chàng trai 15, 17:

" mỗi lần sắp sửa yêu ai
tự nhiên mặt mũi tóc tai lạ lùng
........
tưởng như có triệu vi trùng
ngoe ngheo đòi được nhớ nhung với mình "

( Triệu Chứng )

Cho nên không có thứ thơ nào là không tưởng tượng. Và cũng không có thứ thơ nào mà không phải là sự thật. Nếu không sống thật tình yêu của con người thì làm sao có thể cảm thấy cả triệu con vi trùng đòi nhớ :

" đêm nay lại thức nữa, hình như
có ai đổ rượu vào ngôn ngữ
tôi nói ra toàn thơ rất thơ "

(Thắc Mắc )

Ai có thể tưởng tượng được người say bằng ngôn ngữ như thế ? Vậy cơn say ngôn ngữ phải là sự thực.

Nếu thi sĩ không tưởng tượng thì làm sao có thể đa tình như ...cái bàn gỗ. để dặn dò người yêu :

" nhớ đừng gục xuống mặt bàn
gỗ hôn trộm má môi hoàng hậu ra "

( Nhật Ký )

Bởi có thi sĩ nên cái mặt bàn bằng gỗ nó cũng đa tình. Như thi sĩ đã thấy gió đa tình "vô tình để gió hôn lên má "(Hàn Mặc Tử). Gió có hôn lên má người thiếu phụ thật chăng? Chúng ta không thể nghe gió trả lời, chúng ta cũng không biết người thiếu phụ đó là ai. Chỉ có giữa chúng ta với thi sĩ có một thông điệp, đó là nụ hôn của gió. Nếu chúng ta đọc xong câu thơ mà cảm thấy rùng mình, thì chắc là có thật. Người thiếu phụ của Hàn MặcTử, cô gái nhỏ tuổi học trò của Luân Hoán, vì nụ hôn của gió của gỗ lên má, lên môi. Chúng ta sống khoảnh khắc rạo rực của những nhân vật, mà nhờ ngôn ngữ thi sĩ, cuộc sống tình cảm của chúng ta bỗng giàu có hơn lên. Ðọc thơ là để sống đa tình.

 

3.
Trong tất cả những cuộc tình nam nữ, Luân Hoán say sưa nhất với những mối tình học trò. Có gì lạ đâu ? Nguyên Sa kể " tuổi nàng tôi nhớ chỉ mười ba " Ðinh Hùng tưởng lại: " Khi mới lớn tuổi mười lăm mươi bảy ", " Khi biếng gặp nhớ nhung phai màu áo ". Và Vũ Hoàng Chương " nhớ xưa chừng tuổi hai mươi, cả một vườn hoa của bướm ".

Thơ Luân Hoán mang lại cho tình yêu học trò nhiều điều mới lắm. Vì những bài thơ tình của Luân Hoán thật hơn, cụ thể hơn, lẩm cẩm ngu ngơ hơn tất cả những thi sĩ nổi tiếng trên. Nghĩa là học trò hơn. Thật sự học trò không khoác vô tình học trò một bộ áo của ngôn ngữ diễm lệ hay thêu dệt những tình tứ kiêu kỳ. Ngôn ngữ của Luân Hoán thật giản dị. Hình ảnh là hình ảnh bình thường của đời sống hàng ngày. Nguyễn Bính ngày xưa viết thơ tình cho xã hội nông nghiệp miền Bắc. Có thôn đông, thôn đoài, có vườn dâu có đồng lúa, con bướm tiếng gà :

" chiều nay bướm trắng ra nhiều quá
chẳng biết là mưa hay nắng đây ? "

cũng bằng một lối kể chuyện nhẹ nhàng và đơn sơ đó, Luân Hoán kể chuyện tình học trò đời nay :

" đã có nhiều lần gỉa vờ ngã bệnh
năn nỉ em chép hộ giảng văn
chữ em tròn trịa như hạt gạo
đều đặn như là những vết răng "

(T.Ð.Ð.M.T.M.X)

có thi sĩ nào đã nhìn nét chữ người yêu tròn trịa như hạt gạo, đều như những vết răng chưa? Những tình tự rất muôn thuở , với các hình ảnh không thời gian :

" em yêu dấu giận hờn chi kỹ rứa
chim trong vườn chiều nay hót nhiều hơn
em có nhớ con chào mào mọi bữa
vẫn đứng một mình đổ giọng véo von "

( Làm Lành )

Và những tình tứ khác rất học trò, khi cô gái nhận thơ của bạn trai viết tặng, muốn dặn dò:

" anh phải viết chuyện con mèo con chó
chuyện con chim con cá gì thôi
hay cùng lắm chuyện trời mưa trời nắng
chuyện chúng mình kỳ lắm...thôi thôi "

Tôi rất yêu bài thơ " Trong Sân Trường Bữa Ấy " của Luân Hoán. Bốn đoạn thơ kể một câu chuyện ngắn. Câu chuyện tình của bất cứ một chàng trẻ và một cô bạn học trò nào. Mỗi đoạn thơ mở đầu với câu :

" Em có nhớ trong sân trường bữa ấy.."

Mở đầu là mối tình tưởng tượng của cậu học trò. Tuy tưởng tượng vì rất thẹn thò nhưng không thiếu say sưa :

" Chưa hôn nhau lòng đã vội say mềm
ta nghiêng ngã giữa bốn bề mộng mị "

trong giai đoạn thứ 2, chàng trai lấy can đảm trao cho nàng một tập vở chép ca dao. Và chờ đợi nàng phản ửng. Và thất vọng và giận hờn. Tới đoạn 3 tình cờ gặp nàng được nàng trao vội vàng cho tập vở

.......
sợ bạn thấy ta kẹp vào dưới nách
đi một hơi không kịp cảm ơn em
trốn vào cầu hối hả giở ra xem
mảnh giấy nhỏ nét mực nghiêng nghiêng tím
........

Trang giấy nhỏ đọc trong cầu đó, mở đầu một cuộc tình lớn của chàng 15 nàng 14 tuổi "

" mối tình đẹp như Ngu Cơ Hạng Võ
như Roméo và Juliette vân vân..."

Cuối cùng tất nhiên mối tình đó chỉ còn là kỷ niệm, khi chàng trở về, trong sân trường bữa ấy, hai mươi năm sau.

Một câu chuyện êm đềm, như thể do Thạch Lam hay Thanh Tịnh kể, một câu chuyện không có chuyện và viết bằng thơ, cho nên để lại rất nhiều dư vị.

Bao nhiêu bài thơ tình học trò khác trong tập thơ này. Trên thế gian, trên mảnh đất Việt Nam đã có bao nhiêu ngàn vạn bài thơ tình học trò. Những thi sĩ mầm non thì còn vụng về muốn bắt chước người lớn quá. Những thi sĩ tài danh thì dùng ngôn ngữ kiêu kỳ hình ảnh ước lệ quá. Luân Hoán viết tặng chúng ta những mảnh tình học trò khác, cùng chúng ta sống thêm trăm mối tình khác, cũng chỉ vì :

" từ cổ chí kim đông lẫn tây
thơ tình yêu ngập cả trời mây
chẳng câu nào trúng tim tôi cả"
( Một Chút Tình Tôi)

Quả tình làm thơ tình là một nhu cầu như khi chúng ta muốn sống trăm lần, một trăm cảnh huống và tình tứ khác nhau, dù chỉ trăm cùng một lương duyên, thì chúng ta phải nói lên bằng trăm cách khác nhau. Ðể khi ta đóng vai Hạng Võ, Ngu Cơ, Khi trở thành Roméo Julielle. Ước ao các thi sĩ trẻ tuổi đời nay tiếp tục cho chúng ta chia sẻ những xúc cảm rộn ràng của các mối tình học trò, chân thật vì nồng nàn, say mê nhưng giản dị.

 

4.
Có rất nhiều điều muốn nói sau khi đọc thơ Luân Hoán. Khi đọc xong tôi chắc chắn qúi vị cũng muốn gọi điện thoại cho một người bạn để kể chuyện một bài thơ vừa đọc. Có rất nhiều bài để kể lại trong tập thơ này và sẽ còn nhiều bài trong những tập thơ tới.

" thơ đâu hà tiện đôi bài
yêu em ta thở dài dài ra thơ
cau mi, bởi vẫn nghi ngờ
không tin thử lấy môi sờ thử môi "

(Ba Hoa )

Ðiều sau cùng chắc tôi muốn chia xẻ với bạn đọc, là nói về tình yêu của thi sĩ với mối tình duy nhất trong đờ :

" ơi cô bé Phước Ninh Trần Thị....
cớ vì sao líu qúiu bước chân hoa "

( Một Chỗ Cho Em)

Mối tình duy nhất đó cũng khởi đầu như một mối tình học trò :

" chậm chút nữa nắm chi tà váy ngắn
nắng choàng vai áo mỏng đó về đâu
trốn sao khỏi tâm hồn ta rộng lắm
phút giây này rực rỡ đến ngàn sau "
(MCCE)

Nguyên ủy câu chuyện tình cũng giản đơn như trong tiểu thuyết thời tự lực văn đoàn:

" ta đến trọ nhà em từ thuở
em chưa qua hết tuổi 13
.......
một buổi sáng trời mưa buồn chi lạ
bâng khuâng nhìn em vọc nước ngoài hiên
gió mùa thu đùa trong tóc nghiêng nghiêng
bay lên má...nhận ra em đã lớn
........

từ bữa đó lòng ta đầy âm nhạc
........
ở chung nhà nhưng tương tư từng bữa
càng giận hờn càng tha thiết yêu thương
.......
những lá thư tha thiết nỗi vui buồn
em kín đáo giấu trong lòng máng xối
(Chiều Mưa )

Mối tình đó bằng đánh dấu bằng lễ ra mắt , lễ hỏi, đám cưới 

" mắt em ta nhìn mãi
nhưng chẳng biết ra răng
chắc có giòng suối biếc
lóng lánh những ánh trăng "
(Coi Mắt)
 

Rồi 16 năm sau :

" chiều hôm nay ngồi vơ vẩn trông mưa
em ngoài hiên lại vọc nước như xưa
ta bỗng thấy em vẫn là con gái
em có biết em vẫn còn trẻ mãi
bởi vì ta còn mãi mãi yêu em "
(Chiều Mưa )

Rồi 18 năm và bốn mặt con :

" trời nắng tiếp trời mưa
mùa xuân qua mùa hạ
quẩn bên nhau bốn mùa
vẫn hoài hoài mới lạ "
......
em vẫn là người tình
dù đã thành chồng vợ

(Em Vẫn Là Người Tình)

Tình yêu thuở học trò, nay đã trở thành tình nghĩa tao khang. Tình nghĩa vợ chồng có lúc cũng đậm đà, cũng trân trọng, mà vẫn mặn nồng tình vợ chồng của Trần Kế Xương. Một ngày nhà thơ nghỉ bịnh nằm nhà lắng nghe người vợ đang làm việc :

......
bỗng thấy nhớ em như lâu ngày không gặp
bỗng thấy thèm em như thuở chưa từng
em đang chạy đua dành từng nhịp thở
tối mặt tối mày chân đạp không ngưng
máy dội lòng ta dập dồn thương xót
áy náy nằm nghe nước mắt rưng rưng
......
đóng cây đinh treo ảnh em lên vách
nhìn mắt em cười trong ảnh muốn hôn
xinh đẹp như ri sao mà lận đận
theo ta làm gì hỡi ả mèo con ?
(Một Ngày Nghỉ Bệnh)

Tình cảm thuần hậu, thủy chung như vậy là trọn vẹn. Chúng ta còn dám nói gì hơn.


Ðỗ Qúy Toàn
1989