Tìm Hiểu Kỹ Thuật Trong Thơ Luân Hoán
bluebar.gif (870 bytes)
Lưu Nguyễn

Có cảm xúc, có ý tưởng nhưng không nắm bắt được những qui luật bằng trắc , cách gieo vần, cách đặt câu thì bài viết không thể nào thành thơ, cho dù thơ tự do.

Am hiểu tường tận luật bằng trắc, cách gieo vần, tôn trọng đúng số lượng chữ qui định cho mỗi câu, ở mỗi thể loại, nhưng thiếu cảm xúc, không có ý, không tượng hình thì bài viết chỉ là một bài văn vần. Nó là một thứ gì đó, nhưng nhất định không phải là thơ. Lâu nay đã có một số sách được xuất bản và bài vở trên báo chí nằm trong những trường hợp này và vẫn được dễ dãi gọi là thơ; thành ra gia tài thi ca Việt Nam coi ra rất phồn thịnh. Lấy cái mốc từ thời tiền chiến cho đến nay, trong các bộ môn sinh hoạt nghệ thuật, số người làm thơ đông đảo hơn các bộ môn khác, nhưng thực sự thành danh cũng không nhiều. Ðó là những người đã đạt được các tiêu chuẩn cần thiết cho cái gía trị nghệ thuật trong tác phẩm của họ. Nói rõ hơn, là ngoài cảm xúc, ý tưởng người viết còn phải điêu luyện trong vấn đề kỹ thuật. Luân Hoán là một trong những người có mặt trong đội ngũ này.

Tìm hiểu về Kỹ thuật trong thơ Luân Hoán để thấy rõ hơn những yếu tố đã giúp ông
thành công.

Nhìn chung, đa số thơ Luân Hoán đều tôn trọng niêm luật, và ở mỗi thể loại, ông tỏ ra có một kỹ thuật điêu luyện, từ lục bát, ngũ ngôn, đến 7, 8 chữ...thể loại nào ông cũng có những bài thơ hay. Ở đây, chúng tôi không bàn về cảm xúc và ý tưởng trong thơ  Luân hoán, chúng tôi chỉ chú trọng một vài đặc điểm trong kỹ thuật và bút pháp của ông mà thôi.

 

1. Cách Dùng Chữ :

Trong thơ Luân Hoán rất hiếm những sáo ngữ, điều mà rất nhiều người làm thơ mắc phải. Luân Hoán đã vượt lên trên điều đó, và sau đây là những đặc điểm trong cách dùng chữ của ông :

a/ thông dụng, giản dị, không cầu kỳ, vì đó là ngôn ngữ chúng ta thường dùng hàng ngày trong đời sống. Một đôi khi mộc mạc, hồn nhiên đến độ có người cho là quê mùa nữa, ai viết, ai làm cũng được :

" ta cầm tinh tuổi con rồng
bốn mươi năm lẻ,
chổng mông lộn hoài
"càng gìa càng dẻo càng dai"
trời đánh trật búa thành tài hoa thôi

(thơ xuân con rồng)

" chừ gặp em,
khi không mà quở ốm
ta giật mình rờ lại tứ chi coi"

(nhan sắc)

" gặp nhau
nói chuyện tầm phào
trắng đêm rỉ rả rượu vào lời ra"
......
cụng ly cái nữa
từ từ tính sau

(lâu ngày gặp bạn cũ)

b/ Chữ được dùng rất chính xác theo từng giọng quen thuộc của mỗi địa phương. với Quảng Nam :

"râu
lởm chởm tóc rễ tre lộn xộn
má hóp môi chì da xếp nhô xương "

" em như đã chết
đà lâu lắm
bỗng lòng
trở chứng gì đây ?"

(bên cầu chữ Y sàigòn)

với Huế :

"
bớ cô em gái bún bò
bên ni bên nớ bên mô Hương Trà ?"

(cho ta giữ một chút gì thưa Huế)

"tui đâu dám làm O buồn đó nợ
bởi gặp O Huế chợt sống trong hồn "

( Gặp một người nghi rất Huế)

với miền Nam :

"
bậu qua phà Rạch Miễu
ngoay ngoảy về Bến Tre
qua quyết lòng ở rể
năn nỉ hoài
hổng nghe
....
gái vườn dừa
hết sẩy
qua cũng nòi tài hoa.."

(ta may mắn được làm thi sĩ...)

c / Mô tả được những động tác và gợi hình một cách linh hoạt :

" em chỉ cho ta xem bụi chuối
bốn mùa
thủ thỉ tiếng chim sâu"
(quê em lộng lẫy quá)

" xe lam uể oải
trườn theo nắng
lóc cóc ngựa
gót qua ngày "
(hờn trách hay là...)

" tóc đôi ba sợi
lăm le bạc
lòng vẫn cầm quân hô chiếm thành"
(gởi quà)

" bùi ngùi thoảng tiếng Tường Linh thở
lúc thúc quanh chân cụm Ngũ Hành"
(quê hương nhắm mắt như sờ được)

2. Hình Ảnh :

Những hình ảnh rất tầm thường quen thuộc đã trở nên rất thơ trong thơ Luân Hoán Ngược lại, cũng chính nhờ những hình ảnh này đã làm cho thơ Luân Hoán trở nên bình dị, dịu dàng, gợi được sự cảm thông của người đọc. Mặt khác, Luân Hoán đã nhân cách hóa một số hình ảnh để làm cho thơ trở nên sống động hòa nhập với thiên nhiên và cuộc sống hàng ngày :

" tưởng như có triệu vi trùng
ngo ngoe đòi được nhớ nhung với mình "

(triệu chứng)

" em gởi qua cho một cuộn băng cassette
đã rình thâu tiếng hót chích choè
ôi tiếng hót dở từng trang thơ ấu
thơ đầy hồn nhạc gió mát lũy tre"

(nghe tiếng chim xưa)

" con ve than trên cành nhớ đong đưa
hoa vẫn đỏ trong nắng vàng lộng lẫy
ta chợt thấy hình như em ngồi đấy..."

(trong sân trường bữa ấy)

3. Màu Sắc :

Nhiều hình ảnh dĩ nhiên phải có nhiều màu sắc. Luân Hoán rất nhạy cảm trước thiên nhiên, vì thế cảnh vật trong thơ ông như là một cái nền để trải ra những rung cảm thẩm mỹ :

" ngoài kia màu nắng vàng muôn thuở
đang vuốt ve từng ngọn sứ xanh "

(cổ viện chàm)

" tà áo trắng xòe như đôi cánh lượn
trải dịu dàng trên cỏ mượt mà xanh "

(trong sân trường bữa ấy)

" tay em trắng nõn cơm dừa
nhát gan không dám cắn bừa nên chi..."

(hội an, hội an...)

Một điều cũng rất đáng ngạc nhiên là màu sắc của Luân Hoán đã dùng thường để điểm trang cho nhân vật hơn là cảnh vật, một không gian rất rộng trong thơ ông.

4. Nhạc Ðiệu :

Cũng như Nguyễn Bính, thơ Luân Hoán mang âm hưởng ngọt ngào của ca dao, tắm đẫm tình tự dân ca, tự nó đã gắn liền với nhạc điệu :

" một đôi lần em khóc
ngồi chùi vệt máu tươi
rắc lên chút đất bột
thế mà vui cứ vui "

(khiêng nước)

" em về giữa phố mưa bay
nghiêng vai lã ngọn tóc lay lắt buồn"

(mưa xuân)

Ðây chỉ là một vài đặc điểm về kỷ thuật trong thơ Luân Hoán, dưới cái nhìn rất hạn hẹp của một người yêu thích văn nghệ, đặc biệt là yêu thơ, như một phần của đời sống, như một nơi nương tựa của tâm hồn.

Từ căn bản đó, tôi đã đọc thơ Luân Hoán trong nỗi thông cảm sâu xa, từ những bài thơ tình nồng nàn lãng mạn của tuổi học trò thơ ngây trong trắng, đến tình nghĩa vợ chồng đậm đà giấy mực, Luân Hoán lúc nào cũng tha thiết, cuồng nhiệt như tuổi vừa biết yêu. Có thể nói dưới mắt của Luân Hoán, cuộc đời là một bài thơ bất tận. Thơ trải dài theo từng chặng đường đất nước, mang nỗi ray rức thương nhớ khôn nguôi qua cuộc bể dâu của vận nước nổi trôi, âm vang như tiếng thở dài trong đêm vắng của một kiếp người lầm than lưu lạc bên trời lận đận :

" cảm ơn người cảm ơn đời
cảm ơn chũ nghĩa mỉm cười bao dung"


Hạnh phúc chỉ dành cho những người biết nắm bắt và biết gìn giữ hạnh phúc. Với tôi, một trong những điều hạnh phúc là được đọc những bài thơ hay, dĩ nhiên trong đó có thơ Luân Hoán.


Lưu Nguyễn