Hơi Thở Việt Nam,
Chứng Nhân Của Cơn Hồng Thủy

greenbar.gif (870 bytes)
Nguyễn Mạnh Trinh

Thơ là tiếng nói tinh khôi đãi lọc của nhân loại, một ngôn ngữ cơ động xao xuyến nhất của nội tâm con người. Từ tâm thức vùng vỡ vì nghịch cảnh lịch sử, từ tình cảm đời sống mãi dồn nén trói buộc ở Việt Nam, thơ được tôi luyện và tham dự vào đời sống văn chương. Thi sĩ có trái tim dễ rung động, dễ " khóc cười theo vận nước nổi trôi" cho nên những vần điệu chỉ là ngôn ngữ nói lên hình ảnh và biểu tượng của một thời tan vỡ và đau xót.

Ðối với thi sĩ, biểu tượng là cái áo khoác lên ý tưởng muốn diễn tả. Và dĩ nhiên cái áo khoác đó có những màu sắc khác nhau, loè loẹt rực rỡ hay đơn giản chất phác. Có người quan niệm vũ trụ của thi sĩ là vũ trụ của phóng thể, một bầu trời của riêng hắn mà trong đó hắn ngự trị, là Chúa Tể, là Thượng Ðế. Hắn sáng tạo tất cả với ý hướng biểu hiện những ước mơ chưa thực hiện. Nhưng ngược lại ở trường hợp khác, đời sống có thực đã hiện diện trong tác phẩm. Thi sĩ khai quật những chiếc quặng sự thực của đời sống, lấy trên điểm tụ những góc cạnh bắt gặp trong giây phút của đời người và như thế cũng đầy đủ để tạo ra những hình ảnh cần thiết diễn tả những biểu tượng muốn nhắc đến. Ðời sống Việt Nam có quá nhiều chi tiết độc đáo, ở thân phận dãy đầy khổ ải truân chuyên, ở cơm áo đã đưa con người trở về thời kỳ ăn lông ở lổ.

Phẩn nộ đắng cay là một thứ gia vị của đời sống đã có và hiện diện dãy đầy nhiều khi đã thành bình thường, có lúc nhàm chán. Ngôn ngữ đã thừa cho việc diễn tả bởi ai cũng thấy và ai cũng nói. Ở Việt Nam, chuyện đi tù là chuyện bình thường, còn chuyện yên ổn mới là việc lạ. Ðau thương ở khắp nơi, ai cũng có, và ai cũng cảm, văn chương truyền khẩu đã thành những mũi tên bắn mạnh vào thành trì bạo quyền. Ở thơ Luân Hoán, từ đắng cay có thực, từ phẩn nộ thường xuyên dồn nén, bi phẩn kéo dài suốt đời sống văn chương một thứ rượu cất qúy giá hảo hạng.

Hơi Thở Việt Nam, 39 bài thơ như những bản cáo trạng của một nhà thơ chứng nhân ghi chép lại tình trạng một xã hội đang chìm trong cơn hồng thủy. Tan nát hoàn toàn và nghịch vỡ toàn diện. Trên dòng chữ , thấp thoáng những giọt máu và mồ hôi. Ở vần điệu đâu đó xuất hiện những tiếng thở dài bất tận, những hụt hẩng hun hút trầm buồn. Thế kỷ hôm nay đã thật nhiều bi kịch, hàng triệu diễn viên trong vai trò bất đắc dĩ đã đóng trong tuồng tận thế. Luân Hoán đã sống ở đó và trong giây tơ của rung động, anh đã nói bằng ngôn ngữ bình thường của mình như một chứng nhân, anh không thêm bớt, không cường điệu. Và như thế, đâu đó trong đời sống chúng ta có lúc những hình ảnh, những biểu hiện của thơ Luân Hoán bỗng gần gũi lạ thường, như một đồ vật còn đang trong bàn tay nắm dù đó chỉ là những ý nghĩ, những tư duy không rõ ràng hiện thực.

Ðối với tôi, Luân Hoán không phải là một nhà thơ xa lạ. Trong cuộc chiến trước năm 1975, tôi đã được đọc rất nhiều thơ của anh. Trong đó, tôi nhớ thấp thoáng một bài thơ, ghi lại cảnh dừng xe trên đèo Bình Ðê. Bài thơ đó tạo cho tôi một xúc động mà tới bây giờ tôi còn mường tượng và cảm thấy. Ðiệu thơ trầm buồn, nhưng đầy hào sãng, ngôn ngữ của chiến sĩ được tận dụng để thành cây cầu bắt qua giòng sông cảm xúc. 

Với một đời sống sôi động, rất gần tử sinh, những người lính có một lăng kính thật tốt, để ghi lại những nét chấm phá trên bức tranh vĩ đại của quê hương. Họ đã tạo thành những bài thơ xuất thần, ghi lại một thời điểm tai ương của lịch sử, với đầy dãy thống khổ và của uất nghẹn , máu xương tan tành đổ vỡ. Những Tô Thùy Yên, Nguyễn Bắc Sơn, Luân Hoán, Vũ Hữu Ðịnh...đã khắc đậm nét văn chương lên thời thế và những dòng thơ đã chạy như nhịp máu trong tim.

Tôi vẫn nghĩ rằng công việc chú giải thơ là một thất bại ngay từ khởi điểm và bao hàm một ngụy tín, một thái độ hàm hồ. Bởi thơ hàm chứa nhiều nhất, đồng thời thơ lại là mê hồn trận, nơi ta dễ dàng lạc lối nhất. Thành ra công việc kiếm tìm những đoạn thơ tiêu biểu của Luân Hoán để giới thiệu với độc gỉa là một công việc khó khăn. Trong tập thơ có quá nhiều đặc sắc, phải để ý, phải rung cảm. Bằng một thứ ngôn ngữ thường dùng hàng ngày, với những đề tài linh động, thấm nhuần một sự tích sống thật. Cảm xúc đã trùng trùng kéo tới, những đoạn phim tiếp nối của xã hội tan rã đến tận cùng, đã hiện ra thật hấp dẫn và thôi thúc, mời gọi sự chú tâm để ý. Rất nhiều đắng cay, rất nhiều chua xót, những giọt lệ vẫn chưa chảy được, nó len lén lên bờ mi, nó cắn răng trong chịu đựng bất hạnh, nhưng sao đôi mắt vẫn rực sáng, dù hằn vết, nhiều dấu tích: gảy, đổ, vỡ, tang thương Có cuộc đời nào tàn nhẫn hơn đã xảy ra ở Việt Nam. Ông thầy giáo bỏ nghề dạy học trò, trở về trường cũ bán bánh kẹo cho những học trò nhỏ của mình, để làm kế mưu sinh. 
Mời bạn đọc xem bài thơ : "Trước Cổng Trường Hồng Ðức" (trang 53, 54 và 55). Hình như nụ cười chua chát đã có. Hình như một bi thảm kịch của giọt lệ đã rớt cho cả ông thầy và đám học trò nhỏ bé ngây thơ nhưng bất hạnh. Chúng ta hoang mang giữa cái cười và cái khóc, khóc ngập ngừng, nhưng cười nửa miệng:

" còn thầy đây như các em đã thấy
thân xác này và những bánh bột khoai
cái kính trắng chút hương thừa trí thức
râu tóc dài như bóng tối tương lai
ngày mấy bận thầy lang thang trước cổng
bán bánh xoài bánh ít ngọt quê hương
lòng vẫn tưởng đang đứng trên bục giảng
tim vẫn nghe từng hơi thở sân trường.."

Những người đã sống với cộng sản sau ngày mất nước, chắc không lạ với những đổi đời này, nhưng những người chưa từng sống chung với qủy dữ, chắc sẽ nghi ngờ cho là người thơ bịa đặt và cường điệu sự thật. Bởi nó là điều thật phi lý đã xảy ra. Không phải là tình cờ, mà do cố ý chủ trương, chính sách của những kẻ cầm quyền. Tri, phú, địa, hào đào tận gốc, bốc tận rễ. Anh thầy giáo ốm yếu, chỉ có trái tim nhỏ bé và viên phấn trắng bảng đen vũ trang, bỗng trở thành mục tiêu diệt trừ của chế độ. Như thế được bán bánh qua ngày, cũng đã là một may mắn lắm rồi.

Dù khổ cực, nhưng người thầy giáo vẫn yêu nghề, vẫn nghĩ đến đứa học trò tội nghiệp Buồn man mác của thầy lẫn trò, những đổi đời quá sâu, quá đau, làm thành vết thương nhức nhối. Cáo trạng đã được viết, dù chỉ vỏn vẹn vài câu thơ. Sự thực được nhìn ngắm rồi trở thành những lát dao phóng về phía những tên cộng sản. Dù thế nào, ông thầy vẫn nghĩ lạc quan :

" Mua đi chứ thầy không hề xấu hổ
ái ngại chi chút tình nghĩa thầy trò
thầy không bán cho các em cay đắng
nhưng tặng thêm vài hơi thở tự do "

Nhiều khi hình ảnh không còn là thực tại. Nó bao hàm một ý hướng và thể hiện một dự phóng. Ý tưởng biểu hiện trong hình ảnh, thật rõ nét nhưng khoác áo ngoài bình dị.

Màu đỏ, dù chỉ là màu sắc của trái cà chua xinh xinh mọng nước, vẫn là màu của ghê sợ của đè nén. áp bức. Vồng khoai, luống cải dù tươi tốt xanh rờn, nhưng vắng đàn bươm bướm luôn bởi không khí rình rập nghi ngờ. Những bâng quơ như thế ở trường hợp khác có thể trở thành lẩn thẩn, nhưng đối với Việt Nam, không có lời buộc tội nào xác đáng và rõ nét hơn những biểu tượng đó:

" xin báo cùng anh cây cà chua nhỏ
cũng đậu được vài trái đỏ xinh xinh
(màu đỏ đẹp ơi vì sao ta sợ
có lúc nhìn em ta chợt giật mình)
xin báo cùng anh vồng khoai luống cải
nhờ bón phân người lá cũng rất xanh
anh nhìn thấy không con bươm bướm trắng
lãng mạn nghi ngờ rình rập bay quanh
xin báo cùng anh sáng nay đầu ngõ
có con cu cườm đậu tuốt ngọn tre
nó đứng rỉa lông mà không buồn gáy
có phải nó còn sợ ná ai đe ?


Ở Luân Hoán, không thể tách rời con người với tác phẩm. Những bài thơ vẽ rõ một đời sống. Thiếu thốn nghèo nàn, những của cải vật chất tầm thường lúc nào cũng ám ảnh dù cả trong những vần thơ. Chiếc xe đạp, một tài sản trong thời cộng sản được nhắc đến nhiều lần. Chúng ta xem:

" rô líp xe em răng mòn có lẽ 
em đạp khoan thai nhưng trật sên hoài..."


hoặc:

"còi lại rít tứ tung trên đường phố
xe tôi về run cầm cập trật sên"


hay:

..."Mời anh qua Mỹ Thị
mời chị lên Hòa Cường
xe tôi vừa thay lốp
đảm bảo đi đường trường "


Một xã hội nghèo nàn đến thãm bại. Chiếc xe lúc nào cũng tật bệnh đã được để ý để khoác lên đó một biểu tượng của đời sống hư hao, của những lo lắng nhỏ nhoi, nhưng lại thành quan trọng trong cuộc sống. 

Nhưng thế nào,người thơ vẫn vượt lên cao qua khỏi những tầm thường nghịch cảnh. Tôi vừa bắt gặp những vần lục bát hào sảng:

" Núi rừng xanh thật là xanh
đốn cây mà ngắm loanh quanh đất trời
giây nào trói được óc tôi
cùm nào xích được hồn rời trại giam ? "


Thơ Luân Hoán gần gụi với đời sống. Ðề tài không cao xa, nó đứng gần thực tại một với tay. Tất cả có mặt trong dòng sống chất nghèo đói, thiếu thốn, bất công dãy đầy, nhưng tràn đầy mơ ước. Trong tiếng than van vẫn ẩn chứa cao ngạo. Trong cam chịu vẫn cố ý vượt lên. Con người Việt Nam, nhất là con người miền Trung, sống ở đất khô cằn, "cày lên sỏi đá" có một sức chịu đựng bền bỉ, phi thường. Dày vò trù ẻo của bạo quyền như một nén để chờ ngày bùng nổ. Cáo trạng đã được viết như một bài thơ khắc trên đá. Sắt thép hứa hẹn một ngày phục hận. Hơi Thở Việt Nam, Thơ của một chiến sĩ, viết bằng tâm cảm rung động bén nhạy của thi sĩ. có lúc trở thành thôi thúc lên đường. Bỗng lúc nó trở thành những lời lẫm liệt buộc tội. Nhưng dù thế nào, chất đôn hậu nhân bản vẫn tràn đầy. 

Cáo trạng mọi người lưu vong đều biết nhưng phải nói ra. Luân Hoán mới rời quê hương hơm một năm, đã thở chung với quê hương một nhịp tim trầm thống nghẹn ngào. 
Nếu quan niệm văn chương là những ngọn giáo phóng mạnh về phía bạo quyền, thì thơ Luân Hoán là những mũi tên lao vào tấn kích. Cáo trạng của một chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể trong cuộc chiến không là trò chơi. Không phải là tiếng hô hào xuông của những người mập mờ chơi trò gá bạc. Tiếng thơ phải có tiếng sắt thép lên đường. Chất xúc tác của hờn căm bùng vỡ đã có trong tơ. Ba mươi chín bài thơ với nhiều hình ảnh, cảnh ngộ, tôi trở về Việt Nam với một chuyến viễn du trong tâm tưởng. Và người thơ Luân Hoán chắc đã có sẵn sàng chất liệu để tiếp tục nói cho Việt Nam mai sau...

Nguyễn Mạnh Trinh
27-8-1986

Theo Chân
Cảm Ơn Ðất Ðá Trổ Thơ
Lòng Ta Hạt Bụi Vu Vơ Bám Hoài

greenbar.gif (870 bytes)
Nguyễn Mạnh Trinh

Ðã hơn mười năm nay rời xa quê hương , thế mà bây giờ tôi vẫn nhớ như in những ngày xưa cũ. Những buổi sáng phố xá xôn xao tiếng guốc với tóc thề xỏa vai và đôi má đỏ hồng. Những buổi trưa giọt nắng lung linh trên tảng lá me và buổi chiều mưa bay bùi ngùi phơi phới. Những ấn tượng ấy càng ngày càng đậm nét trong tâm hồn tôi như những sợi đàn căng, chỉ cần đụng đến, là tạo thành những rung động, làm bàng hoàng cả óc não. Ðọc tập thơ Cảm Ơn Ðất Ðá Trổ Thơ, Lòng Ta Hạt Bụi Vu Vơ Bám Hoài, tâm tư vang lên biết bao nhiêu âm thanh cọng hưởng và hình như ở một thoáng liên tưởng nào, đã chia xẻ được với thi sĩ Luân Hoán, những tấm lòng chất ngất gửi về quê hương.

Những nơi chốn,những không gian, thời gian như những cuốn phum của dĩ vãng dần dần trở lại. Tôi thấy mình trở về với những ngày tháng ở quê hương, lúc mơ mộng với ước mơ tuổi trẻ, hay lang thang phiêu bồng theo cuộc chiến. Thơ, như một bàn tay vẫy gọi như lôi kéo tìm về. Những bài năm chữ, bảy chữ, lục bát, như đẫm mùi hương của một thuở nào, lẫn lộn giữa mùi bụi rác, cọng cỏ, nhưng gây được xôn xao lắng đọng biết biết bao.

Thơ "Cảm Ơn Ðất Ðá Trổ Thơ..." của Luân Hoán, gồm 53 bài thơ mà tác gỉa đã gửi lòng mình đi theo từng địa danh đất nước. Với cảnh với người, thơ sinh động một đời sống riêng, ướp nồng nàn bằng những ngôn ngữ của kỷ niệm, của những tháng ngày rất xa, nhưng bao giờ cũng thân gần, như đời sống của hiển hiện da thịt trong tiềm thức.

Ðà Nẵng , nơi chôn nhau cắt rún của thi sĩ, với những địa danh đáng yêu biết bao và cũng chân chất mộc mạc biết bao: Cầu Ðỏ, Chùa Bà Quảng, Giếng Bộng, Chợ Mới, Ga Lớn, Xóm Chuối...và những nhân vật lãng mạn văn chương của nhan sắc một thời nổi danh đất Quảng : Qúi Phẩm, Như Thoa, Phước Khánh, Bích Quân...hay những khuôn mặt bạn bè : Tường Linh, Phạm Thế Mỹ, Lê Vĩnh Thọ...thơ Luân Hoán tha thiết tâm sự gửi về, của người đang lầm lũi trong mưa tuyết, mà nhớ đến ray rức ánh nắng quê hương Những nỗi buồn ấy, hình như không phai nỗi niềm tuyệt vọng, mà còn le lói hy vọng như thông điệp, trao gởi đàn con, để chờ mong một ngày về giữa đất trời tươi sáng của quê hương, những ngày không còn chế độ bạo ngược "hà chánh như mảnh hổ"

" Hỡi những cành me cành phượng vĩ
hỡi con kiến lửa lạc bâng quơ
hỡi con chim sẻ trên vồng ngói
tôi tưởng tôi về, đâu biết mơ !

trông ra cửa kính trời mưa tuyết
ngó lại đời mình ngồi bó ta
quê hương nhắm mắt như sờ được
sao vẫn buồn xo đến thế này

bạn nói giùm đi còn hy vọng
hay là toàn ảo tưởng khơi khơi
bàn tay lâu quá không cầm súng
ngón bóp cò như cứng lại rồi

tôi đã hết thời ? vâng, đúng vậy
nhưng tôi còn có một bầy con
xin chuyền giọt lửa qua tim chúng
chắc chắn sẽ về với núi sông"


Hội An với Cẩm Phô, Chùa Cầu, Chùa Ông, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Cẩm Sa...của những cây vông đồng, của tượng khỉ ngồi bên Chùa Cầu, của tiếng mỏ chùa, của sông nước mênh mang và tiếng ru em buồn. Thơ lục bát về Hội An, của những tấm lòng bi thiết theo cảnh tượng một đời:

...lâu năm trở lại Hội An
chân hôn lòng phố ngổn ngang ổ gà
mắt theo lòng, tột nóc nhà
ngói âm dương nở cỏ hoa ngóng trời
hình như ai mới gọi tôi
cả thành phố biết có người về thăm...


Huế của "Cho ta giữ một chút gì thưa Huế..." Cầu Bạch Hổ, cầu Tràng Tiền, Chợ
Ðông Ba, hẻm Cầu Kho, hồ Tịnh Tâm, kiosque Lạc Sơn, quán cơm Âm Phủ...những nơi chốn đã hằn dấu biết bao nhiêu kỷ niệm của một đời người. Ở đó, đậm nét tình yêu. Ở đó, đời sống có vẻ lãng mạn dễ thương, thơ của Huế cũng có vẻ tinh nghịch của nụ cười hóm hỉnh:

" nhíu mày dòm trán đến chân
em ngoay ngoảy háy phủi quần bỏ đi
coi tề, tôi có lỗi chi
lỗi tại hột nút xuân thì sút ra "


hoặc :

"dụi hoài mắt nhận không ra
xanh cây xanh nước xanh tà áo bay
ánh lên trong cõi xanh này
lòng con mắt Huế sắp đầy đọa tôi "


ngủ đò Huế, một đặc sắc của chốn thần kinh mà du khách nơi xa, khi ghé thăm Huế bao giờ cũng nao nức. Luân Hoán đã diễn tả cái nên thơ trong cái tục tằn, do đó chất sống lại đậm đà hơn. Những câu lục bát diễn tả một cảnh đêm mưa trên sông, khiến ta có cảm giác đọc một bài thơ nào đó của cổ thi xa xưa của Bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách thuở nào:

" thút tha thút thít mưa hoài
lắc leo đèn úa sông dài bóng tôi
buông màn nghe cái tôi trôi
cùng vuông chiếu ố mồ hôi em nồng
em từ Ðại Lược Kim Long
thả đời theo những nhánh sông qua ngày?
thôi thì nằm với nhau đây
kệ sông nước chảy mưa đầy bóng đêm
bùn rong thở xót xa em
đời bao nhiêu bận lênh đênh thế này ?
thì thôi nằm dỗ nhau say
cần chi nhìn rõ mặt mày hở em ? "

*

" Mặt trận Quảng Ngải ngày xưa, bóng ta phơ phất hạt mưa nhạt nhòa" nơi chốn mà thi sĩ đã gửi lại một phần xương thịt của mình cho tổ quốc. Núi Ngang, Trà Khúc, Sơn Tịnh, Ðức Hải, An Mô, Nghĩa Hành, Thu Xà...những chiến trường lửa khói, những đứt ruột quê hương trong ngày tháng miệt mài hành quân:

" hai mươi tháng chạp đi lùng giặc
Mộ Ðức, Nghĩa Hành lội nhởn nhơ
súng lận lưng quần cho có chuyện
mắt đầy cỏ lá hồn đầy thơ

ba ngày thong thả theo mưa gió
lên núi băng rừng hát nghêu ngao
xuân hồng uyển chuyển vươn mình tới
lòng chuyển theo rừng lá xôn xao

chiều ngày thứ tư ngồi dựa ngửa
bên con đường sắt ở nghĩa Hưng
trùng trùng lửa đạn từ âm phủ
ta chợt hết hồn chợt nổi xung..."

khi người lính bỏ đi xa, rồi nghĩ trở về ngày xưa cũ ấy, lúc máu mình loãng trên đất và để lại một phần xương thịt, thì tiếng kêu thảng thốt vẫn là của cảm xúc của kẻ yêu tổ quốc nồng nàn:

" bây giờ Thi Phổ ơi Thi Phổ
ta đã ngã rồi, ngã quá lâu
trước khi xuất cảnh tìm đất sống
nhìn cõi hận xưa thương lẫn đau

bây giờ Thi Phổ ơi Thi Phổ
mười bốn năm dài biệt cách nhau
máu ta ngấm đất, tan trong đất
nên cảm được rằng em cũng đau "

*

" Sài gòn thủ thỉ gọi ta, nhiều khi ta nhớ xót xa Sài gòn" những kỷ niệm hiện về:  ngồi quán, đi phố, gác tối. Trên đường Lý Trần Quán, duyệt binh...những chùm lục bát có tác dụng của ngón tay rung động dây đàn, để vang lên khúc ca hoàn lương réo rắt. và mới xa nhau một bữa, dài như mấy năm:

" khi ta vào tới Lăng Cha Cả
trời tối bụi mưa bén góc chân
mở báo che đầu tìm thuốc lá
nốc cốc cà phê nghẹn mấy lần

phố lạ trông vời những bước mưa
đèn soi mưa rụng mỏng như là
tóc em lưu luyến dài ra mãi
chạm buốt lòng ta tiếng thở ra..."

Luân Hoán đôi lúc cũng tinh ranh qủi quái như lúc "bắt cái nước" ở xóm Hòa Hưng, nghe tiếng pháo ròn rã, tự nhiên bỗng dừng nửa chừng:

"gặp em ở xóm Hòa Hưng
đang "đi" ta bỗng lừng khừng muốn thôi
sợ em lây cái bụi đời ?
đang lên cao độ tuyệt vời bỗng ngưng
thì ra thơ viết dở chừng
trở về phá trận tưng bừng pháo xuân"


Và rồi "ta may mắn được làm thi sĩ, nhờ đã phải lòng gái Bến Tre" Rạch Miễu, Bình Ðại, Giòng Trôm...những Bậu và Qua, những phơi phới xuân tình trải lòng theo những địa danh của một thời kỷ niệm:

" bậu ơi trời dẫu rộng
nhưng đâu bằng nhớ nhung
sông rạch như gân máu
man man nỗi mặn nồng
.....
ngậm nghe trời đất nhớ
cá bống kèn kho tiêu
hồn mênh mang khép mở
mùi ráng nắng lên chiều "


khi thảm thương thân phận, người bại trận, người thi sĩ trở về dùng đoạn tre non làm đòn, gánh hai thúng rách đi bán ve chai kiếm ăn, thì "nhạt nhòa bóng gánh ve chai, nắng Bình Dương úa hai vai đổi đời":

...."tôi đi nhễ nhại mồ hôi chảy
đường nắng khan dần những tiếng rao
Bình Nhâm đẹp quá nhưng buồn quá
chằng chịt rạch sông chảy dạt dào

muốn ngẩng đầu lên ngắm lá xanh
óc đần độn thẹn ngẩng không lên
cúi luồn quanh quẩn trong đường cụt
nghĩa khí lênh đên khóm lục bình

hỡi những linh hồn men gốm thơm
cho ta được phép ghé môi hôn
để nghe đất dưới chân ta thở
lòng Lái Thiêu nuôi vạn tấm lòng..."

Thơ tình tự dân tộc, ca ngợi quê hương ở bất cứ thời kỳ nào trong Văn Học Sử
Việt Nam, cũng có phương vị riêng. Trong Văn Học Sử Việt Nam dưới chế độ Cộng sản cũng có, và nhiều nữa là khác, nhưng sao trong cách diễn tả, cũng như nội dung chuyển đạt, đều có một cái gì giống nhau, của sản xuất đồng loạt; từ đất nước, quê hương, thi nhân sống dưới chế độ cộng sản, đều lồng khẩu hiệu như chống Mỹ, như ca tụng lãnh tụ và thỉnh thoảng mới có được vài bài thơ có phong vị như thơ Luân Hoán. Nghĩa là có hồn thật và rung động thật. Luân Hoán khuôn mặt thi ca khá nổi tiếng trong văn học Việt Nam hải ngoại, hầu hết các tạp chí văn chương hải ngoại đều có thơ ông góp mặt. Trong vòng mấy năm qua, ông đã xuất bản 4 tập thơ:
        Hơi Thở Việt Nam,
        Ðưa Nhau Về Ðến Ðâu,
        Ngơ Ngác Cõi Người, và
        Cảm Ơn Ðất Ðá Trổ Thơ, Lòng Ta Hạt Bụi Vu Vơ Bám Hoài.

Ðặt tên tập thơ của mình bằng một câu thơ lục bát không biết có phải đó là một phong cách làm mới, hay là một điều nhấn mạnh về tính chất của ca dao, của những bài thơ mộc mạc, dễ thương như của Nguyễn Bính ngày xưa.

Âm nhạc Việt Nam đã có " Con Ðường Cái Quan", trong đó nhạc sĩ Phạm Duy đã là người lữ hành đi từ Bắc xuống Nam, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, và từng địa danh đã được đánh bằng những nốt nhạc, lời ca âm hưởng ngũ cung độc đáo. Bây giờ với tập thơ này, Luân Hoán đã làm nổi bậc lên lòng yêu quê hương đất nước của mình. Cảm Ơn Ðất Ðá Trổ Thơ để có lục bát, bảy chữ, ngũ ngôn...Luân Hoán.


Và chúng ta, những đọc giả, cũng cảm ơn thi sĩ với những rung động phổ vào vần điệu, vào ngôn ngữ để những câu thơ mộc mạc âm hưởng ca dao này, đi vào lòng người Việt Nam, nhất là những người đang lưu vong, lúc nào cũng như người khó tính:

- "Uống nước mưa ở Mỹ đắng cả mồm" *(1)




Nguyễn Mạnh Trinh
8-1991

*(1): Nguyễn Bá Trạc