Hơi Thở Việt Nam, Thơ Viết Hoa
bluebar.gif (870 bytes)
Nguyên Sa

Luân Hoán tên thật Lê Ngọc Châu, sinh ngày 10 tháng 1 năm 1941 ở Hội An Quảng Nam. Từ mấy năm nay anh đã đến bến bờ tự do. Tình cờ đã mang anh tới Gia Nã Ðại như tình cờ đã mang mỗi người chúng ta đến một chỗ khác biệt.

Tôi không nhớ báo chí đã cho tôi biết tin vui này hay thi sĩ Thái Tú Hạp đã thông báo cho tôi. Nhưng tôi nhớ rất rõ là hai anh em chúng tôi; Thái Tú Hạp và tôi nói chuyện với nhau nhiều lần. Thái Tú Hạp cho tôi biết về đời sống hiện tại của Luân Hoán, về những bài thơ mới nhất của Luân Hoán, về những dự định của bằng hữu làm mọi cách để in ra bằng được tác phẩm thi ca mới của Luân Hoán. Tôi kể cho Thái Tú Hạp nghe những ngày tôi theo học trường Bộ Binh Thủ Ðức, cùng với Luân Hoán, với Trịnh Cung, với Lưu Trung Khảo...tôi có biết Luân Hoán, tác giả Về Trời, sau khi tốt nghiệp Thủ Ðức đã về miền Trung , anh bị trúng mìn, trở thành phế binh, mất cả đôi chân (điểm này nhà thơ Nguyên Sa nhầm lẫn, - chú thích của VNH khi đánh máy). Thi sĩ Thái Tú Hạp bổ túc cho những hiểu biết mơ hồ của tôi. Một nhà văn sĩ quan cao cấp làm trong ban tham mưu của ông tướng quân đoàn, đã làm công điện gọi ba người viết văn về tâm lý chiến. Nhà thơ Luân Hoán được gọi về từ tác chiến, trên đường về nhận nhiệm vụ mới, anh đã trúng mìn Việt Cộng. Hai anh em chúng tôi nói chuyện với nhau thật nhiều về thơ Luân Hoán.

 

Tôi thật sự thích thơ Luân Hoán từ Thủ Ðức. Từ trước đó nữa. Lần nào chủ nhiệm Văn Học cũng nhắc nhỡ tôi : " có thơ Luân Hoán đó anh ".

Tôi vẫn có cảm tình riêng với những chàng trai Quảng Nam, Hội An. Vì sự thẳng thắn của họ. Vì lòng chân thành và khẳng khái của họ. Anh em Quảng Nam, anh em Ðà Nẵng, tôi có cái may gặp những người thật tài hoa, thật khẳng khái . (Hạ Quốc Huy, sao mà tôi mến cái anh chàng vẽ đẹp, thơ hay , võ giỏi có phong thái võ sĩ đạo thời Trung cổ lạc loài trong thế giới sắc thép hôm nay, muôn năm trên đường tìm tiểu muội). Những bạn bè miền Trung của tôi từ Quan Quantek, Hạ Quốc Huy, Thái Tú Hạp, Kiêm Thêm... tôi nhìn thấy họ một ngàn lần con trai Hà Nội và lần gặp gỡ nào họ cũng cho tôi thấy họ nhìn thấy tôi nồng nàn đam mê bọc kín trong khô cằn sỏi đá, tình yêu ngàn đời không biết nói ra.

Thái Tú Hạp vừa gởi cho tôi tập thơ. THƠ. Bạn biết ngay đó là Hơi Thở Việt Nam Sách dày trên trăm trang. Có tiểu sử thi sĩ. Có bản tường trình của Thái Tú Hạp. Và Thơ. Và Thơ.Và Thơ. Thơ còn buồn lắm. Còn u uất. Trùng điệp nghẹn ngào. Luân Hoán nhìn thơ. Thơ không bao giờ quên được với chia tay vĩnh viễn, với bạn bè gục ngã, với dân tộc bị xiềng xích, với dối trá, phản trắc, bạo động trở thành thói quen. Thơ không chấp nhận "trán mười năm cúi thấp", thơ không thích "nghe lén nhạc Phạm Duy". Thơ nổ tung với "mìn chiều tháng tư". Mở vào thơ với Trình Diện, với chúng tôi ngồi chồm hỗm trong sân chùa Hải Châu . Tôi muốn viết bài đọc thơ Luân Hoán. Khép cuốn lại với : "Tặng Người Viên Chức". Tôi muốn điện thoại cho Thái Tú Hạp. Tôi muốn nói với Thái Tú Hạp, tôi muốn nhờ thi sĩ mời sang đây cho tôi, cho chúng ta, Luân Hoán. Chúng ta sẽ ngồi cùng nhau, đọc cùng nhau, đọc cùng một lược với nhau, như tập đọc đồng đều thời tiểu học, như tín đồ đọc kinh cầu. Vì trong thơ Luân Hoán có cả tuổi trẻ sót sa đã mất mà vẫn còn, và kinh khổ đau của dân tộc, mỗi phút mỗi chồng chất chẳng thể phôi pha.


Nguyên Sa
1987