Từ Cõi Mình Ðến Cõi Người
greenbar.gif (870 bytes)
Trang Châu

Nếu chúng ta lấy mấy câu thơ sau đây của Nguyễn Bính và Chế Lan Viên, để diễn tả phớt qua cuộc đời Luân Hoán qua thơ của anh, chắc nhiều người sẽ cho là thích hợp:

" bao nhiêu đau khổ trên trần gian
trời đã dành riêng để tặng chàng "

Nguyễn Bính

"với tôi tất cả đều vô nghĩa
tất cả không ngoài nghĩa khổ đau "

Chế Lan Viên

Tâm trạng u uất, cô đơn , buồn chán đôi khi yếm thế xuất hiện khá nhiều trong thơ Luân Hoán, nhất là trong tập Ngơ Ngác Cõi Người.

..."Ta thẹn làm người tự do viễn xứ
ngó lại đời mình trùng điệp số không "

" cánh chim nào chợt bay qua
hồn chao động giọt mưa xa xót buồn "

" thơ người tràn giòng ấm ức
mắt ta ráo hoảnh mà cay..."

" ta khuyên ta buổi sáng
ta dỗ ta buổi chiều
chớp mắt gặp ác mộng
đời cứ thế buồn thiu..."

" trời xanh xanh bát ngát
mà hẹp hơn đắng cay "

" ra đường mặt ngơ ngác
về nhà ngồi buồn xo
đắp mền nằm nghe nhạc
trong bụng đầy âu lo "

" ước chi có con muỗi
cho hút bớt máu buồn
ước chi ai gõ cửa
ta tặng đời ta luôn "

" không đâu em, chúng chính là đá trắng
đang xây dần phần mộ của riêng ta
hoa ngập nước lâu ngày đành phải rã
hồn ngấm sầu lâu quá phải phôi pha "

Tôi vừa trích dẫn mấy đoạn thơ tiêu biểu cho tâm trạng ưu phiền của Luân Hoán, vui sao được khi mà chiến tranh đã cướp mất một phần thân thể của mình vào thuở hoa niên, làm cho đoạn đời kế tiếp thêm phần lạc lõng :

" ba năm ăn mặn ngồi thiền
đi cà nhắc giữa truân chuyên cuộc đời "

" sáng đi như đuổi ma
chiều về như ma đuổi
người hai chân bôn ba
ta cẳng rưởi giong ruỗi "

Biết được thân thế Luân Hoán, người đọc hầu như đã được chuẩn bị để đi vào mùa đông, để nhìn khung trời xám, để quen với bóng đêm.

Thế nhưng, ta chớ vội an ủi Luân Hoán vì không chắc đâu, Luân Hoán ước muốn gì hơn làm thi sĩ, nghĩa là được buồn nhiều hơn vui, một lần nữa, nếu được làm lại cuộc đời. Cho nên xót xa cho cuộc sống thì vẫn xót xa, thay đổi vẫn không muốn thay đổi :

..." ví như ta được thành ta nữa
thơ thẩn một đời lại thẩn thơ
bài thơ mai mốt ra sao nhỉ
có đỡ xót xa hơn bây giờ ?"

Cũng vì nhìn thấy khía cạnh lạc quan trong hoàn cảnh đáng bi quan ấy, mà tôi đi tìm trong thơ Luân Hoán, hơi lửa ấm trong gío rét mùa đông, những áng mây hồng sau khung trời xám và những ánh đuốc rực sáng trong đêm. Và quả thực tôi đã tìm thấy.  Luân Hoán không quay lưng với thời cuộc hay thời cuộc đã bắt anh không được phép dửng dưng với tình trạng đất nước thì không biết. Nhưng tôi nghĩ, điều đó không quan trọng Luân Hoán đã phân định rõ ràng ranh giới.  Sống dưới một chế độ mà "thằng nào cũng bạc tóc râu, đứa nào cũng mộng ghe tàu trốn đi " Luân Hoán vẫn tự hào về tư cách của mình: "hồn vẫn sạch trong ao tù chủ nghĩa" Vẫn giữ niềm tin vào một ngày quật khởi: " còn đời còn có mùa xuân, còn tin yêu, còn tin yêu, còn có ngày vùng lên". Chia xẻ hoài mong chung của bao nhiêu người Việt đang sống dưới áp bức hay đang lưu vong xứ người, Luân Hoán hứa sẽ đóng góp tích cực phần mình trong vị thế của một người cầm bút :

" trăm câu thơ giấu trong lòng mắt
xin sẽ vì đời nở thiết tha "

Luân Hoán viết rất nhiều, nghĩ rất nhiều về bạn hữu. Ngoài những kỷ niệm dễ thương của thời cắp sách; đầy máu và nước mắt của thuở bị cải tạo tù đày. Anh còn nhắc nhủ bạn hữu anh hãy vững niềm tin vào tinh thần của anh, cõi người sẽ không bao giờ lung lạc được anh, tuổi đời sẽ không làm chùn ý chí phấn đấu của anh cho dù :

" đời lưu lạc mỗi ngày là một tuổi
dài vô cùng nhưng không đủ xót xa"

anh vẫn tin mình:

" hãy nhắc giùm tôi, lửa đấu tranh
vẫn hồng như thuở tuổi xuân xanh
tóc đôi ba sợi lăm le bạc
lòng vẫn cầm quân hô chiếm thành "

Với những bạn hữu còn kẹt ở quê nhà, đang công khai hay âm thầm tranh đấu Luân Hoán hứa sẽ chiến đấu bên cạnh họ bằng thứ vũ khí của riêng mình :

" không hứa hẹn chi, nhưng hãy tin
các anh không chiến đấu một mình
thơ văn vũ khí khiêm nhường ấy
như thuốc cầm hơi để hồi sinh "

Thi phẩm Ngơ Ngác Cõi Người là tập thơ thứ 13 của Luân Hoán. Anh đang dẫn đầu về số lượng thơ được ấn hành. Anh làm thơ dễ dàng. Ðôi lúc tôi tự hỏi bởi đâu ? Có người chỉ làm thơ được khi một cảnh ngộ gây chấn động mạnh tâm hồn họ. Luân Hoán cũng tìm được cảm hứng trong hoàn cảnh tương tự. Nhưng có những lúc khác, anh mang dưỡng khí chính từ hai buồng phổi của mình thổi vào những sự thể khô chết, cho chúng một cái hồn để sống dậy, để cho nhà thơ rung cảm, với những gì chính mình vừa ban cho sự sống Tôi nghĩ do đó, nhờ đó Luân Hoán lúc nào muốn làm thơ là có thể cầm bút viết được dễ dàng, không gượng ép.

Mặt nước có lúc do gió làm gợn sóng, cũng có lúc do hơi thở của nhà thơ làm xôn xao. Có người sẽ thích sóng do gió, nghĩa là thiên nhiên, hơn là do hơi thở, nghĩa là do nhân tạo. Nhưng vẫn có người khác, yêu những cái gì nhân tạo với điều kiện nó phải thật gần như thiên nhiên. Trong nhiều bài thơ, Luân Hoán đến được đầu cầu bên này, hoặc đầu cầu bên kia. Nhưng thi sĩ là người đã tỏ ra rất sành tâm lý. Anh biết anh không thể làm vừa lòng hết mọi người, cho nên trong bài thơ cuối của tập Ngơ Ngác Cõi Người, thi sĩ khiêm tốn mở lời

..."Cảm ơn người, cảm ơn đời
cảm ơn chữ nghĩa mỉm cười bao dung..."


Trang Châu