MH. HOÀI LINH PHƯƠNG:

GIỌT NƯỚC MÀI TRÊN ĐÁ

PHƯƠNG TRIU

    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cô thơ 13 tuổi

 

MH. Hoài Linh Phương.

     Trong báo giới, cô là đồng nghiệp của tôi, trước 1975 cũng như bây giờ. Ngoài phạm vi đó, cô bé là cháu tôi. Đã bốn mươi năm. Nếu tính từ 1963 đến nay, cô đã có hơn bốn mươi năm làm thơ, viết văn, trong đó có mấy năm làm báo.

 Cô nữ sinh viên từ những ngày đầu ở ngưỡng cửa Đại Học, đã chọn con đường hướng về tương lai, bước vào ngõ báo chí, khởi đầu là phóng viên cho một số nhựt báo tại Sàigòn.

     Tôi gặp cô bé lần đầu, vào một buổi trưa năm 1964 tại tòa soạn nhựt báo Nghị Luận (Chủ nhiệm: Việt Sơn Nguyễn Gia Luyến).

Cô bé bé tí xíu, mảnh khảnh, mặc bộ đầm trắng trường soeur, ôm chiếc cặp học trò nặng trĩu rụt rè bước vào tòa báo.

     Tôi hỏi, “Cháu tìm ai?”.

Cô bé mở to đôi mắt nhìn tôi. Cô bé ước chừng hơn mười tuổi nhưng có đôi mắt đầy tự tin của người lớn. ( Sau 1975, khi nghe tin về những phong ba bão táp đã vùi dập gia đình cô, tôi lại nhớ đôi mắt đó và tôi nhủ thầm, “Con bé đầy nghị lực, thế nào cũng chống đỡ được!”.)

“Cháu muốn gặp ông Phương Triều để nhận thư độc giả gởi cho MH. Hoài Linh Phương, theo lời nhắn tin trên báo.”. Giọng cô bé hơi thấp nhưng rõ.

Tôi thoáng một giây ngạc nhiên, nhìn cô bé kỹ hơn. Cô bé đứng trước bàn viết của tôi, chỉ ló lên khỏi mặt bàn cái cổ và cái đầu. Có phải vì cái bàn viết của tôi hơi cao hay vì cô bé còn bé quá?

Tôi lại hỏi, “Cháu là gì của MH. Hoài Linh Phương?”.

Cô bé lễ phép, “Chính cháu là MH. Hoài Linh Phương.”.

Anh bạn đồng nghiệp ngồi bên cạnh theo dõi chúng tôi nãy giờ, buột miệng, “Thiệt hông đó? MH. Hoài Linh Phương gì mà có chút híu vậy!”.

Cô chớp chớp mắt có vẻ bực mình.

Tôi nhìn cô bé lâu thêm chút nữa. Thứ nhứt, tôi không dè MH. Hoài Linh Phương là con gái. Thứ hai, tôi không dè MH. Hoài Linh Phương lại là cô bé mới hơn mười tuổi.

MH. Hoài Linh Phương có thơ đăng hàng ngày trên nhựt báo Nghị Luận. Tôi chú ý tới tên tác giả MH. Hoài Linh Phương vì người làm thơ này thật đều tay, không có bài thơ nào bị loại bỏ trong khi có nhiều tác giả khác gởi tới tòa soạn mấy chục bài, cố lắm thì chọn được một hai bài. Tôi là người chọn bài nên đã quen tuồng chữ của tác giả MH. Hoài Linh Phương. Tuồng chữ khoẻ và bay bướm của con trai. Những nét sổ xuống và đá lên đầy tự tin. Vậy mà bây giờ MH. Hoài Linh Phương đứng trước mặt tôi lại là con gái!

Đầu thập niên 60, có một số nhà thơ nữ đang nổi tiếng như Hoàng Hương Trang, Cao Mỵ Nhân (Thơ Mỵ), Hà Phương (Dòng Thơ Sang Mùa)... Kế đó là Lệ Khánh, TN Hoài Huyền Hương, Hoài Huyền Trang, MH. Hoài Linh Phương...

MH. Hoài Linh Phương từ 1964 đã là một tên tuổi quen thuộc rất được mến mộ. Vậy mà bây giờ MH. Hoài Linh Phương đứng trước mặt tôi lại là một cô bé mới hơn mười tuổi!

Không dừng được, tôi hỏi, “Năm nay cháu bao nhiêu tuổi rồi?”

“Dạ, mười ba.”

Mười ba tuổi mà tướng tá bé xíu như vậy, kể ra cũng hơi đẹt. Chắc thơ văn làm hao tổn sức lực khiến cô bé chậm lớn.

Tôi mở tủ lấy xấp thư độc giả trao cho MH. Hoài Linh Phương. Cô cám ơn, chào tôi và anh bạn đồng nghiệp rồi lầm lũi bước ra ngoài.

Trong thời gian tôi phụ trách trang thơ của nhựt báo Nghị Luận, MH. Hoài Linh Phương là người duy nhứt nhận được thư của độc giả ái mộ.

Thỉnh thoảng vẫn có một vài cộng tác viên của trang thơ tới tòa báo nói chuyện líu lo. Nhưng, MH. Hoài Linh Phương thì hầu như chỉ trả lời những câu hỏi, không nói thêm điều gì khác. Tôi có cảm tưởng cô bé như một con ốc hương, ít khi chịu mở miệng. Sau này tôi mới được biết cô là một người rất hoạt bát, thích hợp với ngành Luật và Báo chí.

 

Con gái Mê Linh

 

       Xuất thân từ một gia đình khoa bảng trí thức, ( Thân phụ M.H.Hoài Linh Phương là Đại Tá Huỳnh Hữu Ban – Trưởng Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - người có học vị cao nhất trong Quân Đội thời bấy giờ - Tiến Sĩ Công Pháp Luật Khoa Saigon), nên Phương có một tuổi nhỏ được huấn luyện trong kỷ luật như một người lính ở ngôi trường Saint Esprit – Dòng Mến Thánh Giá của các Soeur. Học hành, ăn ngủ, đoc kinh theo môt giờ giấc quy định. Ý chí tự lập, sự mạnh mẽ, vững chải cũng vươn lên từ đó. Tình cảm mà không bi lụy. Rất mơ mộng, mà cũng vô cùng thưc tế…, nên thơ văn phải song hành với công danh, sự nghiệp để cô bé con nhà quan đươc trang bị vững chắc khi tiến bước vào đời.

     Trong một tùy bút, MH. Hoài Linh Phương đã viết về người cha thân yêu như sau:

     ... Đêm Minnesota hừng hực như một lò than hồng. Mẹ không ngủ được, kể cho chúng tôi nghe đủ thứ chuyện của một Sàigòn xưa, những ngày Ban Mê Thuột cũ, thuở Ba Mẹ tản cư từ Nha Trang lên xứ Buồn Muôn Thuở, ở gần Buôn Thượng, vợ chồng trẻ vừa mới cưới nhau, chưa con cái, Ba làm Kế toán trưởng ở hãng thuốc lá Mic, Mẹ ở nhà quán xuyến công việc trước sau, trong khi chờ đợi được bổ nhiệm dạy học ở một trường Tiểu học tỉnh lẻ. Chạy giặc Việt Minh - Chạy cả giặc Pháp - Đoạn trường gian khổ - Thuở ấy, chưa có chúng tôi. Thuở ấy... , bây giờ nghe như chuyện cổ tích Tấm Cám, hay Kim Vân Kiều...

Và... đất nước chia đôi, Ba tôi vào quân đội, mãi miết ở những thành phố xa - Chúng tôi lần lượt ra đời. Những câu thơ của Ba tôi làm, Mẹ tôi thêu bằng nét chỉ hồng, mềm như nhung trên gối:

"Ấm áp trong lòng Mẹ.

U sầu vắng bóng Cha... "

Cho chúng tôi nhớ Ba tôi trong từng giấc ngủ, từng lá thư bắt đầu bằng "Ba yêu dấu" kèm theo thư của Mẹ tôi để gửi đến những đơn vị có bước chân của Ba tôi in dấu.

( Như Biển Thái Bình.)

Minneapolis, Minnesota tháng 9/ 1996

    

       M.H.Hoài Linh Phương vẫn thầm cám ơn Ba Mẹ đã rèn luyện, hun  đúc cho mình một ý chí sắt đá, để vượt qua bao cảnh đời gai lửa.

      Đại tá Huỳnh Hữu Ban đã qua đời trong trại cải tạo ở Hoàng Liên Sơn ( Bắc Việt). Về việc bị tù đày và cái chết của thân phụ, MH. Hoài Linh Phương viết:

     Sau khi Sàigòn bị nhuộm đỏ, bị đổi họ, thay tên, Ba tôi lúc ấy, không được đi theo lịch trình cải tạo tập trung như các sĩ quan cấp Tá khác, vì Ba tôi là Trưởng Trại Cư Xá Sĩ Quan Hòa Bình, cấp bậc và chức vụ cao nhất trong cư xá. Công an và Ủy Ban Quân Quản ghi dấu chấm đỏ, đặc biệt theo dõi gia đình tôi. Bộ đội và Công an với đầy đủ vũ khí đến bắt Ba tôi đi trước khi mọi người trình diện "đi học một tháng, hoặc mười ngày " với lý do đầy "nhân đạo". "Chúng tôi đưa anh đi là để bảo vệ anh, anh vay nợ máu của nhân dân nhiều quá, ngày nay ta thắng rồi, nhân dân sẽ không để anh yên. Anh nhớ mang theo đầy đủ hình ảnh gia đình. Sau khi học tập tốt, anh lại sẽ được trở về..."

     Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Ba tôi. Nhờ cái "ân sủng" đó, mà hai năm sau Ba tôi đã nằm xuống mãi mãi, không mộ phần ở Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt.

     Nhìn Ba tôi bị còng tay đưa đi, linh tính cho tôi biết sẽ không bao giờ còn gặp Ba tôi thêm một lần nào nữa cả. Tôi - con gái Mê Linh, mang tâm hồn Trưng, Triệu xuất thân trong một gia đình Quân Đội, chỉ chiến đấu duy nhất cho một màu cờ, sao bây giờ, phút này, chỉ biết ứa nước mắt thương thân.

     ( Nhìn Lại Một Chặng Đời Trong Tù Ngục Đỏ.)

       Minneapolis, Minnesota 1997

 

     Năm 1989, chị em MH. Hoài Linh Phương đã ra tận Yên Bái, Hoàng Liên Sơn để bốc mộ người cha thân yêu cũng là một tử sĩ đã bỏ mình trong tù ngục đỏ.

     MH. Hoài Linh Phương đã nghẹn ngào:

     Nhưng thật rồi... Ba mãi mãi đi xa

Và bây giờ... đã mười bốn năm qua

Ba trở lại ngôi nhà ngày xưa đó...

Hồn tử sĩ có về theo tiếng gió

Hài cốt này xin ở cạnh chúng con

Ngày đoàn viên Ba sẽ hết cô đơn

Lau dùm mẹ giọt lệ mừng hội ngộ.

     (Viết cho Ba nhân ngày đi bốc mộ)

       Saigon – Việt Nam 1989

 

     Tại hải ngoại, bài thơ được đọc lần đầu trong ngày lễ Hiệp Kỵ do Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tại Minnesota tổ chức năm 1996, đã khiến nhiều người cúi đầu rưng lệ.

 

·

 

Đại tá Huỳnh Hữu Ban đã ra người thiên cổ. MH.Hoài Linh Phương, cô con gái rượu của ông bây giờ là cháu rượu của tôi.

     Tôi gọi cháu rượu với đúng nghĩa của nó, vì ở Minnesota thỉnh thoảng cô vẫn mang rượu tới đãi tôi.

     Trong dịp tôi về thăm Nam Cali, bạn bè hỏi thăm cô thi sĩ MH. Hoài Linh Phương đang định cư tại xứ Vạn Hồ, tôi nói, “Con nhỏ vẫn thường mang rượu tới nhậu với tôi và ở chơi với vợ chồng tôi suốt ngày.”.

     Mấy ông bạn già của tôi thuật cho nhau nghe về tin tức MH. Hoài Linh Phương và câu nói của tôi đã được mấy ông tóm gọn như sau, “MH. Hoài Linh Phương nhậu suốt ngày.”.

     Cô bé ức lắm, cằn nhằn với bà xã tôi, “Thím coi, ổng về Cali rêu rao là cháu nhậu suốt ngày!”.

     Bà xã tôi cười, “Vậy thì đừng mua rượu cho ổng uống nữa!”.

     Cô bé gật, “Chắc vậy!”.

     Nói vậy, nhưng cô bé vẫn tiếp tục mang rượu tới. Thường là Champagne. Cô bé chỉ uống một ly nhỏ, còn bao nhiêu thì tôi chở hết. Cái loại rượu Champagne hiệu... con cọp uống ngon hơn loại rượu tự mình bỏ tiền ra mua. Do vậy mỗi lần thấy cô bé tới nhà, trên tay có xách theo chai rượu và mấy món nhắm thì mắt tôi bỗng sáng hơn thường lệ!

     Năm 1995, tái ngộ MH. Hoài Linh Phương tại Minnesota, tôi gọi cô bé là “đứa cháu thất lạc” của tôi. Bà xã tôi rất quý mến MH. Hoài Linh Phương, thường mời cô bé tới nhà chơi. Hai thím cháu ngày càng tương đắc. Nếu không gặp mặt thì gọi điện thoại cho nhau và cuộc điện đàm nào cũng kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ.

     Có lần cô bé nói với bà xã tôi, “Tánh thím như vậy mà chịu đựng được ông chú ba phải của cháu mấy chục năm, giỏi thiệt!”.

     Cô bé sở trường về thơ và tùy bút, mấy năm gần đây chuyển qua viết phiếm luận, lại tỏ ra là một cây bút cự phách.

     Mấy chục năm quen biết, hơn nữa lại đối xử với nhau như một liên hệ huyết thống, nhưng thật sự tôi không hiểu hết về cô đồng nghiệp này.

     13 tuổi, MH. Hoài Linh Phương nổi tiếng về thơ, mấy năm sau nổi tiếng về tùy bút. Những bài thơ, những bài tùy bút của cô đầy chất trữ tình. Đọc tác phẩm của cô, đoán già đoán non, ta cho rằng cô là người con gái giàu cảm lụy, một tiểu thư khuê các nhiều mộng mơ, một nữ sinh viên còn ngẩn ngơ qua mỗi mùa hoa phượng. Và, lòng mãi bồi hồi nhớ nhung những kỷ niệm ấu thơ ngày Tết, khung trời trung học rồi giảng đường đại học, ở quán cà-phê Tùng, những chăm sóc, ánh mắt ban đầu và nỗi buồn sau đó...

    

       Ta yêu nhau một ngày

     Rồi xa nhau trọn kiếp

     Tình cao hơn núi đầy

     Nên tình sầu thê thiết

     ...

     Anh còn gì cho em?

     Ngoài muộn màng, lở dở

     Những mặn nồng chưa quên

     Sao tình đau mấy thuở?

     ( Như Gió Mùa Đông )

       Saigon – Việt Nam 1980

    

Nhưng khi đọc những bài văn thơ của cô sau này, tôi thấy cô lại là một người khác. Cô là hậu duệ của các đức Trưng, Triệu. Cô là một cây bút rạt rào tình cảm nhưng lại mang khí phách của một nữ lưu hào kiệt. Bốn tiếng “nữ lưu hào kiệt” có vẻ hơi xưa, nhưng tôi chưa tìm được tiếng nào mới mẻ tương xứng để gọi cô bé cháu này!

     Tôi đã từng chứng kiến cảnh cô bé xuất thần diễn ngâm bài “ Đôi Bờ “  của Quang Dũng hôm trước thì mấy hôm sau lại chứng kiến cảnh cô bé vỗ bàn mắng một ông khách ăn nói trái tai trong bàn tiệc!

      Tôi nghĩ rằng đây là một mẩu người đặc biệt. Cô quyết chiến với quân thù nhưng đồng thời cũng không tha những kẻ nham nhở trơ tráo lộn sòng, những kẻ trở mặt tiêu lòn...

Tôi mường tượng hình ảnh một anh thư mang gươm gia bảo trọn đời hành hiệp. Thanh gươm của cô sả vào kẻ địch và sẵn sàng sả vào mặt những kẻ nội thù!

 

Hương Django

    

        Nếu không thăm hỏi tin tức về MH. Hoài Linh Phương và nếu không tái ngộ, tôi sẽ không thể nào ngờ một “con nhỏ” bé tí xíu - tôi từng gọi cô là một Minou Drouet Việt Nam - rụt rè bước vào tòa soạn nhựt báo Nghị Luận năm 1964 lại có hỗn danh là Hương Django.

     Cô là một thiếu nữ, lại mang vóc dáng sừng sững của tùng bách, mang tâm hồn Trưng Triệu, mặc kệ mưa sa bão táp, bất chấp đòn thù, ngạo nghễ đưa vai chống đỡ dập vùi, quyết liệt kình chống cường quyền.

     Ta thử so sánh hai đoạn văn sau đây của MH. Hoài Linh Phương:

     Tôi sinh ra ở một thành phố biển. Cát vàng nắng ấm và những rặng thùy dương đã ấp ủ tuổi thơ tôi. Đường đi học về ngang những hàng me rợp lá. Mùa Tết đến, trái me rụng đầy, vừa đi vừa nhặt những trái me chua chua, ngọt ngọt ngậm cho tê môi, và hái lá thuộc bài ép đầy trang vở. Thuở đó, tôi yêu tiếng còi tàu quen thân, gần gũi khi đi và đến ở sân ga. Những ngày nghỉ học tôi thường thơ thẩn nhìn những đường sắt nằm im và đoàn người xuôi ngược. Nhất là những chuyến tàu cuối của từng năm. Những bóng người vội vã thấp thoáng lẫn trong ánh đèn vàng. Nhiều khi hành khách không còn ai, tôi ngơ ngẩn buồn, không muốn về nhà. Cuối năm, cả nhà tưởng tôi đi lạc. Tìm mãi, mới thấy tôi đứng lặng một góc sân ga. Tôi bị quỳ gối đến giao thừa. Tôi cắn răng không khóc. Tôi cứ nghĩ như tôi đang quỳ ở một góc nào đó trong giáo đường những lần đi lễ. Và tôi nằm vật xuống, ngủ thiếp đi. Sáng mùng một Tết trở dậy, với áo mới và những đồng tiền mừng tuổi. Quên hết chuyện ngày hôm qua, rủ một ít bạn bè bé con đi ăn nem nướng và xuống Tân Tiến xem Tề Thiên Đại Thánh ăn trộm đào tiên. Gió cát Nha Trang và mùi tanh nồng cá biển vẫn theo đuổi và gợi nhớ về tuổi thơ tôi cho đến ngày khôn lớn...

Mười tuổi, tôi lìa bỏ Nha Trang, và lại làm hành khách của những chuyến tàu kia. Và từ đó... là mùa Xuân Saigon, những mùa Xuân thiếu nữ...

Mười ba tuổi, tôi bắt đầu làm thơ đăng báo. Thơ, truyện học trò và những giai phẩm Xuân mang sang trường khác với một bầy con gái tung tăng....

( Những Mùa Xuân Ký Ức )

Minneapolis, Minnesota 1995

 

và đây, Hương Django:

     Cái bóng lầm lũi của tôi hiu quạnh đến trường chơ vơ theo từng mùa mưa nắng. Hai năm rồi cũng qua đi. Chúng tôi - những sinh viên khóa 2 Đại học Sư Phạm sau 75, chia tay nhau mỗi người đi một ngã. Tôi vẫn mang theo tiếng gà gáy ò ó o nghịch ngợm của "Hùng Gà Mái" những buổi làm thủy lợi ở Thanh Đa, mặt mũi lấm lem bùn đất, gió sương cả bọn chia nhau từng miếng bánh mì khô, từng ca nước nhỏ. Tôi hồn mềm như con gái, nhưng cái dáng vẻ bất cần, ngỗ ngáo, lì lợm giống hệt con trai nên bạn bè vẫn gọi tôi là "Hương Django" để phân biệt với "Hương Xóm Gà", "Hương Ký Điệu", "Hương Tôn Nữ"...

     Phòng tổ chức gọi tôi xuống một lần nữa để "làm việc" về cái "lý lịch tiểu tư sản" của tôi trước khi tôi ra trường nhận nhiệm sở. Người nữ cán bộ trưởng phòng thuyết giảng tôi:

     "Các anh chị là con cái của những người có nợ máu với nhân dân, nhưng đường lối của Đảng ta luôn luôn khoan hồng để xây dựng một xã hội mới... trật tự, không còn cảnh người bóc lột người. Nếu không, các anh chị không nghề nghiệp sẽ ra buôn bán chợ trời, chợ đất. Mà buôn bán cá thể nghĩa là... gian lận. Đảng ta không cho phép làm điều đó. Chúng tôi có tìm hiểu, chị còn có biệt danh là "Hương Django" nghĩa là... "Cao bồi Mỹ", mà chúng ta "chống Mỹ, cứu nước". Chúng tôi vẫn luôn luôn hướng theo bước đi của chị để theo dõi chị có "học tập tốt, lao động tốt", "ở đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên" hay không? Chúng tôi cần chị "chuyển biến tư tưởng", "tiếp thu mau chóng" để một ngày nào chị không còn là "Hương Django - Cao bồi Mỹ", mà sẽ là "Hương Cách Mạng", để làm giảm bớt những tệ trạng do tàn dư "Mỹ Ngụy" để lại.

Tôi cười thầm một mình, vì những lời nói năng của Vẹm. Cũng như chúng tôi - đám sinh viên cũ vẫn vỗ tay lốp bốp và cười khúc khích với nhau khi nghe báo cáo viên trong giờ Chính Trị ngợi ca “ Bác và Đảng “:

“ Đảng ta ưu việt, tối cao, cực  kỳ sáng tạo, và đầy ấn tượng. Tại thủ đô Hà Nội, cứ 5 phút là ta sản xuất một chiếc xe hơi.”B.T– con trai của nhạc sĩ M.K- tên bạn có nhiều tâm huyết của tôi, bị đuổi ra khỏi trường lúc ấy, vì can tội cười to nhất lớp và luôn đặt những câu hỏi đầy “ phản động” trong giờ thảo luận.

     Và cuối cùng, thì Hương Django cũng ra trường, để nhận nhiệm sở ở Tiền Giang - vì con cái "ngụy quân, ngụy quyền" không được ở lại Sàigòn, phải đi xa để "thử thách".

( Nhìn lại một chặng đời trong tù ngục đỏ.)

Minneapolis, Minnesota 1997

 

Một tài năng đa dạng

 

     Nếu tôi chấm dứt bài viết ở đây, sau này khi nhắc tới MH. Hoài Linh Phương, quý vị sẽ mường tượng ngay hình ảnh một Hương Django ngỗ ngáo, hay một cô thi sĩ cao bồi giang hồ phiêu bạt, hay một nữ hiệp cưỡi ngựa vung gươm...

     Và, nếu khiến quý vị mường tượng về MH. Hoài Linh Phương một cách đơn giản như vậy thì đó là lỗi của người viết bài này, lỗi của một người chú lâu nay vẫn phục tài cháu mình mà không biết viết cách nào.

     Tánh cháu tôi vốn tự lập, lại thẳng thắn, bộc trực, không sợ làm mích lòng người khác, cũng... không huỡn mà bỏ thì giờ tiền bạc tìm kiếm hư danh.

     MH. Hoài Linh Phương đã làm thơ, viết văn đăng báo, đã in tập thơ. Nhưng quả thật không có sự háo danh. MH. Hoài Linh Phương chỉ cộng tác với một hai tờ báo hợp ý. Nhiều tờ báo khác mời mọc nhưng cô từ chối. Tánh khí này kể ra cũng hiếm trong thị trường chữ nghĩa trước và sau 1975.

 

     Trở lại chuyện Hương Django. Cháu tôi có trở thành Hương Django chẳng qua chỉ là một phản ứng tự phát của một tâm hồn bất khuất, trong một giai đoạn nhiễu nhương đen tối của lịch sử.

     Thời thiếu nữ, MH. Hoài Linh Phương là một người đa cảm. Một cô gái như vầy đây:

     Sau Tết, thường là lễ gắn alpha của trường Võ Bị Đà Lạt. Và chúng tôi được về nhìn lại Đà Lạt với hoa đào nở đầy con dốc. Đà Lạt mùa Xuân nhưng cũng lạnh vô cùng. Đêm gắn alpha, đèn rực sáng vũ đình trường. Gặp lại người thân trong sương lạnh, và gió đêm, nhưng bỗng dưng lòng mình ấm lại. Khuya, khi chúng tôi quay về, sương đêm giăng mờ cửa kính xe, và chiếc manteau như là quá mỏng. Tiếng nhạc như vẫn còn theo vòng xe lăn bánh, và đường vòng Lâm Viên với thông reo rì rào trong gió, đã bỏ lại đằng sau...

Tôi mang hoa hồng Dalat về cho đẹp mùa Xuân Saigon. Quân hỏi: "Hoa hồng màu Brigitte của anh đâu?" Tôi chỉ một lọ hoa đang khoe sắc: "Nhiều lắm, nhưng nở hết rồi!" Quân cốc đầu tôi một cái: "Ai lại tặng hoa mãn khai bao giờ?"

Với Quân, tôi chỉ là một đứa bé con. Quân lăn lộn, từng trải trong Quân đội, lại là một phóng viên chiến tranh ở khắp các chiến trường, các mặt trận, đời sống, và nỗi chết cận kề trong đường tơ, kẻ tóc. Và tôi, chỉ là một cô bé học trò quanh quẩn với sách vở và những công tác xã hội, những bài thơ viết cho lính từng đêm.

Tờ vé số đầu năm Quân lì xì cho tôi trúng năm ngàn đồng. Tôi may ngay một áo manteau tại Dalat, và những tờ đồng tiền mừng tuổi mới tinh, Quân ký tên tôi và tên Quân vào đó, tôi giữ mãi cho đến một ngày sau 75, tôi bị trộm lục lọi mất tại Saigon.

( Những Mùa Xuân Ký Ức )

Minneapolis, Minnesota 1995

 

·

 

     Tám năm rồi tôi vẫn bận bịu với những suy nghĩ cho bài viết về MH. Hoài Linh Phương. Bây giờ thì tôi đã viết, nhưng khi viết tới đây thì thấy cho dầu viết thêm năm mười trang nữa thì tôi cũng vẫn chưa viết được mấy về người cầm bút này.

     MH. Hoài Linh Phương từ Cali dọn tới Minnesota năm 1994 để có điều kiện cùng các em học hành, làm việc. Những bài thơ, những tùy bút đặc sắc được sáng tác trong thời gian này. Thân mẫu MH. Hoài Linh Phương vẫn thường bay tới Minnesota thăm các con. MH. Hoài Linh Phương có vacation lại bay về Cali thăm mẹ già. Cả hai người bay qua bay lại bất chấp thời tiết.

     Bây giờ, MH. Hoài Linh Phương dành hết tình thương cho mẹ. Bà là một mẩu người điển hình của bà mẹ Việt Nam. MH. Hoài Linh Phương viết:

     Tôi một mình lang thang trên những con đường vắng im trong sương sớm - Thành phố vừa trở dậy đầu ngày. Trong cái yên tĩnh, bình yên thật mượt mà của cỏ cây buổi sáng, tôi muốn lắc đầu xua xa quên hết những bộn bề của công việc, những đảo điên của đời sống, những ngộ nhận của tình yêu, những khó khăn chực chờ vây bủa - Một phút giây nào đó, mong ước được trở về trong thinh lặng, như một khách nhàn du - Nhưng mà có được không? Làm sao cho tôi đừng nhớ nữa? Tôi đã hứa với Mẹ tôi - Tôi sẽ xa Di vĩnh viễn, tôi sẽ không bao giờ gặp lại Di nữa. Tôi thấy trong đôi mắt Mẹ sự an lòng. Tôi muốn khóc. Con đâu còn nhỏ nữa, đâu còn là cô bé con của năm tháng học trò xưa, sao Mẹ còn ưu tư, còn bận tâm, bận trí về những cuộc tình của con. Có phải trong tay Mẹ, con vẫn chưa thể nào là một người lớn, dù hôm nay, bạn bè con đã yên ấm chồng con ở một góc nào...

Cứ mỗi độ hè qua, từ California, Mẹ tôi lại sang miền Đông Bắc này để thăm chúng tôi - mấy chị em quây quần chờ đón Mẹ - Mỗi năm thêm, tóc Mẹ bạc nhiều hơn. Một điều thật bi thảm, thay vì chúng tôi về Cali thăm Mẹ, thì ngược lại Mẹ phải lặn lội qua Minnesota. Công ăn, việc làm, chuyện học hành, thi cử giữ chặt chúng tôi - Tôi chưa thể làm được những điều mình mong muốn dù nhỏ nhất.

...

Suốt một tuổi thơ, cho đến ngày khôn lớn, Mẹ tôi luôn có mặt khi đưa tôi đến trường thi - Những mảnh bằng của tôi, cho dẫu hôm nay chỉ còn là những tờ giấy lộn, không còn một giá trị gì ở đất Mỹ này, nhưng tất cả là công lao vun xới ngày đêm của Mẹ tôi - Mẹ đừng buồn, khi ngày nay con không còn sử dụng được nó, mà Mẹ hãy hãnh diện, nhờ nó con đã thành người, con đã đạt được ý nguyện của Mẹ Cha. Tôi nhoài người trong lòng Mẹ tôi, như thuở tôi còn bé. Tôi lay cánh tay Mẹ tôi. Mẹ qua Minnesota mùa này, không phải để nghỉ hè, mà là để nghỉ... nóng phải không? Khí hậu Cali ấm áp, hiền hòa bao nhiêu thì Minnesota khắc nghiệt bấy nhiêu. Mùa đông cắt da, nhưng mùa hạ qua thì cũng phải cắn răng trong cái oi nồng khủng khiếp. Đó là lý do chính tuổi già, sức khỏe của Mẹ không thể nào ở cạnh đàn con. Làm sao có thể tưởng tượng ra xứ người thật văn minh và tự do nhưng rồi gia đình nào cũng ly tán - Mẹ đã già rồi, Mẹ cũng đâu còn cạnh chúng tôi hoài bao năm nữa, tôi hiểu điều đó, nên nhiều lúc thở dài, ứa nước mắt - Nhưng biết đến bao giờ, cho tôi sắp xếp được mọi việc để về sống mãi cạnh Bà. Cho nên đêm ngủ chập chờn - Giấc mơ về lại Cali luôn luôn ám ảnh thần trí. Bởi tôi chỉ còn một mối quan hệ tình thân ruột rà duy nhất là Mẹ tôi. Anh em lớn lên, mai kia rồi mỗi người mỗi ngã, mỗi đoạn đời riêng lẻ, còn lại gì đâu?

Từ ngày Ba tôi chết đi trong ngục tù u uất, vì can tội là một người cầm súng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Mẹ tôi đã vươn vai mà đứng, làm trọn vai trò của Mẹ lẫn Cha. Và chúng tôi hãnh diện ngẩng cao đầu, dù đời sống đã qua bao thăng trầm, dâu bể.  Ba tôi quan niệm không để lại gia tài cho con cái, mà chỉ cho con chữ nghĩa để học làm người. Chúng tôi đã đi đúng con đường đó, dù Ba tôi tù tội với cái chết oan khiên, không còn cận kề để dạy dỗ chúng tôi..

...

Nhiều người vẫn nói Ba ngày xưa thành danh vì nhờ sự khôn ngoan, khéo léo của Mẹ - Với tôi, cái gì Mẹ cũng hay và giỏi - từ chuyện trong nhà đến ra ngoài ngõ. Tôi là đứa con gái đoảng nhất ở trong nhà, vì có việc gì Mẹ cũng lo liệu cho tôi, từ cái áo, cái quần đến cây son, hộp phấn - Khi nào Mẹ mắng tôi hư, tôi thường nói với Mẹ: "Nếu con giỏi, và mọi người đàn bà đều giỏi như Mẹ, thì Thiết Lập ế dài, có ai đến đó để may vá, và Thiên Hương, Bảo Hiên Rồng Vàng bán được bánh mứt cho ai?"

Mẹ ghé lại Minnesota kỳ này khoảng sáu tuần. Mẹ nói mỗi tuần, Mẹ sẽ làm hai món bánh hoặc hai món ăn đặc biệt cho chị em tôi. Như là nem chả Ninh Hòa (món ăn đặc sản nổi tiếng miền quê Ngoại), bánh ít nhân mặn thơm phức mùi tôm thịt, hay là món bún cá thu, bình dị, đơn giản của người dân miền biển các tỉnh Trung phần, cho tôi nhớ mãi cội nguồn, những món ăn quốc hồn, quốc túy đầy hương vị.

 

... Chiều nay, không hiểu nghĩ gì Mẹ lại hỏi tôi về Di, về người đàn ông mà tôi không còn ngôn từ nào để diễn tả - Mẹ hãy quên đi Mẹ - Những bông hồng đã tàn. Những môi cười đã tắt - Họ vẫn là họ, và con vẫn là con - Con đã không còn nhớ đâu, những chuyến xe đưa con về South East.Con đường bờ hồ với ngôi nhà trắng cổ kính, qua một vườn hoa tulip, cánh cửa đóng kín như một nhà mồ với vó ngựa, và thanh gươm - Chân con đã theo người đến đó. Tưởng như mình sẽ có một đời hạnh phúc, nhưng đoạn kết cay đắng không ngờ. Sự phản bội và lừa dối nơi người đã phủ chụp xuống cho con - Con bỗng dưng trở thành một người phạm tội, vì con đã ngu dại tin người. Mẹ nuôi con, chắc Mẹ hiểu tính con - Có bao giờ con không sống thật với mình, và gian dối được ai. Vậy mà như một quan tòa hài tội nạn nhân, Di đã nghĩ ra lắm điều quái ác và đem con ra xét xử ... Di thô bạo và tàn ác trên cả ý nghĩ của con. Vì thế, Tôi xa Di vì cái tôi của Di lớn quá, và cái tôi của tôi thì lại nhỏ quá - Biết phải làm sao để không lầm lẫn, và nhìn thật đúng về một người?

Mẹ thân yêu,

Lòng Mẹ mênh mông như một đại dương. Như một câu hát quen con thường nghêu ngao ngày còn bé - nhưng ý nghĩa thì không có thời gian, vĩnh hằng, miên viễn... Con hứa với Mẹ con sẽ quên người. Mẹ yên tâm. Cho con ngã vào lòng Mẹ mà khóc thút thít, tức tưởi như một tháng năm nào - Mất một người tình này, con sẽ có một người tình khác, nhưng Mẹ ạ, có phải không, thực sự mọi người trên đời chỉ có một người Mẹ sinh thành ra ta thôi. Và con mãi mãi yêu thương ngóng về đại dương đó - Thái Bình ơi!

 

(Như Biển Thái Bình.)

Minneapolis, Minnesota 09/1996

 

     Hai năm nay, MH. Hoài Linh Phương bỗng trở lại làm Hương Django. MH. Hoài Linh Phương viết phiếm. Những bài phiếm nẩy lửa khiến nhiều người điếng hồn.

     Tôi can, “Sự nghiệp văn chương của cháu là thơ và tùy bút, sao cháu không tiếp tục? Chú vẫn mong cháu in ít ra là một tập thơ tại hải ngoại. Cháu viết phiếm hoài sẽ làm loãng ý thơ văn...”

     MH. Hoài Linh Phương mím môi giây lâu, “Thơ cháu có dịp sẽ in, nhưng chưa in lúc này. Vì lúc này cháu đang nổi nóng. Cháu không chịu được những chuyện trái tai gai mắt. Chú đừng can cháu!”.

     Hương học trò. Hương tiểu thư. Hương thi sĩ. Hương phóng viên. Hương cô giáo. Hương Django.

     Bây giờ là Phương Django. (Tôi gọi là Phương Django, không gọi Hương Django).

 

·

 

     MH. Hoài Linh Phương,

     Cháu đã viết hàng ngàn bài thơ, hàng trăm tùy bút. Tâm hồn cháu khoáng đạt. Lương tâm cháu trong sáng. Cháu có đủ điều kiện căn bản của người cầm bút chân chính.

     Trong tình cảm chú cháu, chú có nên dè dặt không khi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một người cầm bút như cháu?

 

PHƯƠNG TRIỀU

Texas, 1 tháng 3 – 2004

 

3 BÀI THƠ CỦA MH. HOÀI LINH PHƯƠNG:

 

       Viết Cho Ba Nhân Ngày Đi Bốc Mộ

 

Một nén nhang cho chúng con quỳ xuống

Được đưa Ba về bên cạnh chúng con

Mười ba năm nằm giữa Hoàng Liên Sơn

Hồn Ba hẳn vời trông về phố cũ?

Ba nhắm mắt, không một lời nhắn nhủ

Nơi ngục tù xiềng xích, núi rừng xa...

Không người thân, mà đất lạnh là nhà

Một phần mộ không chân người lui tới

Vận nước đen, trời quê hương bão nổi

Thân phận người lính chiến cũng điêu linh

Nhớ ngày xưa... Ba bước giữa hàng quân

Mắt kiêu hãnh với niềm tin rực sáng

Và Ba chết... trong ngục tù hờn oán

Tim chúng con mang uất hận, hờn căm

Làm sao quên ngày tháng bảy mươi lăm?

Đời đổi hướng như thuyền không bến đổ

Cửa tập trung đã bao nhiêu lần mở

Nhưng thật rồi... Ba mãi mãi đi xa

Và bây giờ... đã mười bốn năm qua

Ba trở lại ngôi nhà ngày xưa đó...

Hồn tử sĩ có về theo tiếng gió

Hài cốt này xin ở cạnh chúng con

Ngày đoàn viên Ba sẽ hết cô đơn

Lau dùm Mẹ giọt lệ mừng hội ngộ.

 

Rồi sẽ hết... những năm dài giông tố

Trời Việt Nam rồi sẽ thấy bình minh

Xương máu hồng của lớp... lớp hy sinh

Sẽ đập nát một cơ đồ tham vọng!.

      

M.H. Hoài Linh Phương

Saigon – Việt Nam 1989

 

 

 

Con gái "Ngụy Quân"

 

* Tôi có một Tổ quốc để phụng sự

   Một dân tộc để yêu thương

   Một lý tưởng để theo đuổi

   Và một tình yêu để vọng tưởng suốt đời.

 

 

Bởi tôi là con gái "Ngụy Quân"

Nên đã khác anh một màu cờ Tổ quốc

Nên không thể cùng anh bước theo chân...” Bác “

Cờ đỏ, sao vàng - làm những tên đồ tể gian hùng, sắt máu, phi nhân

Đem đồng bào ta vào cõi trầm luân

Ngu dốt, đói nghèo, tối tăm, lạc hậu

 

Bởi tôi là con gái “ Ngụy Quân”...

Nên mãi mãi còn yêu người lính chiến Cộng Hòa

                                                suốt đời tranh đấu

Gian khổ trên chiến trường

Và trở thành tội đồ trong tù ngục đỏ khi nước mất, nhà tan

Họ kiêu hùng cho đất Mẹ bình an

Họ anh dũng, ngang tàng trước đòn thù vây bủa

      

Bởi tôi là con gái “Ngụy Quân”...

Không thể nào dẫm lên mồ cha, ông và bao hồn oan tử sĩ

(U uất, căm hờn khi trả nợ máu xương)

Khẳng khái lời thề không bao giờ phản bội quê hương

Để ước hẹn cùng anh - người đã nói tiếng yêu tôi -

                                              ở bờ bên kia chiến tuyến

 

Bởi tôi là con gái “Ngụy Quân.”..

Nên một đời dâng hiến

Tuổi tên mình và mộng ước tương lai

Cho cuộc đấu tranh toàn thắng ở ngày mai

Tôi kiêu hãnh làm con gái “ Ngụy quân”

phất cao lá cờ vàng Quốc Gia tung bay rạng rỡ!

 

M.H.Hoài Linh Phương

Mineapolis, MN 2000

 

 

 

 

 

Những ngày sống giữa cơn lốc

 

 

 

 

Có những buổi chiều, ngồi một mình cạnh con sông đào, nước đục

Nhớ về Saigon như nhớ quá khứ thân thương

Tôi tưởng mình đang là kẻ lưu đày

Đã lạc lối, đã cùng đường

Dù Gò Công-Saigon chỉ cách hai giờ đồng hồ những vòng xe xuôi ngược

Tôi sống ở nơi này.

Giữa một đám người quen mặt

Thấy nhau mỗi ngày, ăn uống, chào hỏi, nói cười

Nhưng tình vẫn xa lạ, lạnh không

Lòng thật dững dưng

Và... rất an nhiên

Nghịch ngợm, đùa vui - tôi đã buông ngã trái tim mình

Mê mãi, hân hoan, ngông cuồng tham dự cuộc rong chơi với một hồn sương sớm

Xuống đường đi lơ ngơ trong đêm

Theo những gọi mời

Theo bước chân reo ca của người tìm đến

Tay trong tay ân cần

Ngoan ngủ trong mắt ấm tình say...

Họ bảo nhau tôi hạnh phúc tràn đầy

Tôi bỗng phá lên cười vang vang, nhớ... chàng quắt quay đau xót...

Cuộc vui nào rồi cũng chỉ là phút chốc

Sau chuyến viễn du khùng điên

Tôi muốn bỏ hết, thèm trở về úp mặt khóc

 trên hai tay chàng vàng nồng mùi khói thuốc thân quen

Soi trong mắt chàng yêu dấu chẳng thể nào quên

Chúng tôi sống lại một thời nào xa xăm, lăn lắc...

(Chàng thân vai tượng đồng

Tôi trẻ dại tình xanh

Yêu nhau hiền hòa

Như mùa xuân cây cỏ)

 

 

Những bông hoa mùa đông mịt mù trong trí nhớ

Nên trong cơn lốc đời, tôi hát một bài tình ca đã chết giữa chiều nay....

Tôi không còn tưởng như mình đang là kẻ lưu đày

(Mà thực sự tuổi thiếu nữ đã bị vùi chôn trong một ngục tù kiên cố nhất.)

 

Thôi, vẫy tay chào

Chúng ta có còn gì để mất?

 

M.H. Hoài Linh Phương

       Saigon – Việt Nam 1979

 

 

Gửi M.H. Hoài Linh Phương

 

Tài hoa bút nở hoa đời

Mười ba tuổi thắm nụ cười với thơ

Một đời rõ mặt anh thư

Bút văn trọn nghĩa, bút thơ trọn tình.

 

PHƯƠNG TRIỀU

( Austin – Texas )