THÁCH  ĐU

Phan Ni Tn

 

 

Năm 1960, giữa niên khóa lớp đệ nhị trường trung học Pleiku tôi bắt đầu học võ Bình Định. Tôi không học trường lớp võ nghệ nào ngoài ông thầy võ bất đắc dĩ của tôi là anh Bốn. Vậy thôi. Mà cũng tại cái giọng Bình Định nghe "nẫu nẹt" lạ tai nên người ta gọi anh là Bốn Nẫu. Anh là lính trơn, từ tiểu khu Bình Định chuyển về phố bụi Pleiku ở trọ cạnh nhà cô Tư tôi trên đường Tăng Bạt Hổ thuộc khu chợ mới.  

Hằng ngày Bốn Nẫu thấy tôi hay tập tạ có vẻ có "căn cơ con nhà võ" nên chiều chiều ở đơn vị về anh hay lôi tôi ra sau hè dạy võ. Nẫu nẹt vậy nhưng võ nghệ rất cao cường và là đệ tử của Lưu Linh, cái thùng rượu không đáy.

Lúc đầu tôi tưởng học võ cho vui, cho thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn thơ thới chớ không nghĩ đến gì khác. Nhưng càng học tôi càng phấn chấn vì thấy rõ nét ưu việt của loại võ cổ truyền Bình Định này. Biết tôi có chí cầu tiến, Bốn Nẫu ra sức truyền thụ các thế võ đi liền với khẩu quyết. Sau gần một năm thấy tôi chăm chỉ luyện sức, luyện công, làu thông các bài thiệu, Bốn Nẫu hài lòng ra mặt. Để giúp tôi quen với quyền cước, rút kinh nghiệm khi lâm trận, hai thầy trò thường xuyên tỉ thí không nhân nhượng. Mỗi lần thấy tôi nhanh nhẹn tránh đòn hoặc hóa giải những chiêu thức phức tạp Bốn Nẫu luôn buột miệng khen. "Thân pháp nhanh nhẹn, bình tĩnh ứng phó mọi tình huống là thế thượng phong trước đối thủ", anh nói vậy. Có lần tôi tò mò hỏi Bốn Nẫu về vũ khí Bình Định, anh lắc đầu giải thích: "Đây không phải là trường lớp nên roi, côn, kiếm không nhất thiết dụng tới, nhất là các loại độc khí, ám khí là món gia bảo chỉ đươc lưu truyền trong nội tộc mà không được quyền truyền bá ra bên ngoài".   

Ở Pleiku vào thời kỳ này, thỉnh thoảng các võ sư vẫn âm thầm tổ chức có giới hạn các buổi thi đấu giao hữu giữa những lò võ cho các đệ tử của mình. Tôi là một võ sinh coi như mới nhập môn liệt vào thành phần "trừ bị" nên chỉ được ngồi coi để rút kinh nghiệm thượng đài sau này. 

Một hôm, sau khi ôn lại bốn thế võ căn bản: cường thân, tự vệ, tỉ thí và chiến đấu, đột nhiên Bốn Nẫu vỗ vai tôi vừa cười vừa nói có người thách đấu, tháng tới sẽ dắt tôi xuống chợ cũ so tài. Đây là lần đầu tiên tôi "thượng đài" nên Bốn Nẫu bắt tôi ra sức luyện tập ngày đêm bất kể nắng mưa.

Địa điểm đấu võ là một căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm khúc khuỷu, quanh co, chằng chịt, tum húm ở cuối xóm lao động. Căn nhà lợp tranh, vách ván  ọp ẹp như cái kho. Ánh đèn dầu leo lét vừa đủ hắt ra chung quanh, tỏa xuống nền đất một thứ ánh sáng tù mù, im ỉm, trông thật buồn thảm. Giường chõng, bàn ghế trước đó đã dồn hết vô một góc bếp nhường chỗ cho nền đất thâm đen tương đối phẳng làm sàn đấu. Anh Bốn kéo tôi tới chào chú Mười Đẹt, chủ nhân căn nhà, bạn đồng môn ngày xưa với anh rồi giới thiệu  Công Chột, học trò đắc ý của chú Mười,  đối thủ của tôi.  

Tôi hơi ngạc nhiên: đó là một thanh niên trạc tuổi tôi, hơi thấp, trông nặng nề, cục mịch. Từ lúc thầy trò tôi bước chân vô nhà anh ta chỉ khẽ cúi đầu chào thầy Bốn mà chẳng thèm liếc mắt dòm tôi một cái. Lạnh lùng, ù lì, ụt lịt, im ỉm như tượng. Đặc biệt anh ta chột mắt trái nên có hỗn danh Công Chột. Anh Bốn cho biết Công Chột nổi tiếng về đòn "hầu quyền", cảnh giác tôi nên đề phòng.

Để hâm nóng trận đấu, thầy võ Mười Đẹt mời Bốn Nẫu ra sân trao đổi những đường quyền Bình Định trông thật uyển chuyển, đẹp mắt mà chắc nịch. Ở cái tuổi mấp mé "nghi bất hoặc", cả hai bậc võ sư lúc ra chiêu tuy mềm mại nhưng hết sức linh hoạt, xoay chuyển một cách biến ảo, mau lẹ và mãnh liệt như hổ báo. Ánh mắt của họ sáng quắc như xuyên thấu tâm can đối thủ. Những đòn Tảo địa cước, Ngọa hổ phục lâm, Ngọc trản quyền, Lão mai quyền, Hùng kê quyền... được đôi bên thi triển triệt để.

Võ sư Mười Đẹt tên thật Võ Đợt vốn hấp thụ võ gia truyền nên từ nhỏ đã sớm vang danh. Học hành ba chữ cho có, chí cốt Đợt chỉ thích học võ, đánh côn, đi quyền. Võ Đợt giỏi nhất là môn múa roi, trong đó có lần anh được dân làng biểu dương vì dùng roi đánh tan tác tám tên cướp biển dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Võ Đợt là con thứ mười trong gia đình, khổ người lẹt đẹt nên - thay vì gọi là Đợt - người nhà gọi trại ra thành "Đẹt" riết rồi chết danh Mười Đẹt. Tuy nhỏ con, người đen thùi đen thũi, nhưng nhờ tập tạ và thường xuyên luyện võ nên bắp thịt trên thân hình Võ Đợt nổi lên cuồn cuộn.

Bốn Nẫu, ngược lại, cao lớn dềnh dàng, tay dài như vượn, tóc tai bù xù, da thịt rắn chắc như gỗ lim. Thuở nhỏ, sống với cha mẹ ở Hoài Ân, Bốn đã nổi tiếng nghịch ngợm, phá phách. Lại thích kết bè kết đảng với bọn chơi bời, lêu lỏng, sớm bỏ nhà đi hoang. Không biết học võ hồi nào mà một lần thượng đài gặp Mười Đẹt, kẻ tám cân, người nửa lạng, không ai thắng ai. Từ đó họ nảy sinh tình bạn, giang hồ tứ chiến, cuối cùng lại gặp nhau ở phố bụi Pleiku.

Sau khi hai võ sư lui về an vị trên ghế đẩu, Công Chột và tôi ra sân. Sau vài hiệp giao hữu để dò xét thực lực đối phương, chúng tôi trở nên dè dặt từng bước chân, chéo qua, rụt lại, ập tới ăn miếng trả miếng. Ngay từ lúc nhập trận Công Chột đã tỏ ra nôn nóng muốn sớm kết thúc trận đấu nên anh ta ra đòn rất hiểm, liên tục tung những đòn tầm thấp chí mạng. Những cú đấm, cú móc, cú vồ, cú quét là những đòn ác liệt của Công Chột buộc tôi phải áp dụng thân pháp nhanh lẹ và biến hóa để tránh né. Nhưng Công Chột là một địch thủ đáng gườm có lúc lừa miếng đã thúc vào ngực, quét vào lưng tôi mấy cái đau điếng. Có điều khi tấn công, đối thủ thường để hở sườn hở bụng; lợi dụng cơ hội này tôi chớp nhoáng thọc mạnh vào bụng trả miếng khiến Công Chột loạng choạng thối lui. Lúc ra sân anh ta có vẻ khinh địch nhưng dấn dứ hoài vẫn không tạo được thượng phong, ngược lại lắm lúc bị tôi phản đòn Công Chột đâm ra nổi quạu.

Cuối cùng - như Bốn Nẫu từng cảnh giác - vừa thấy đối thủ của tôi bắt đầu dùng độc chiêu tối hậu, tôi vội lùi lại hai bước, đảo mắt tìm điểm tựa rồi nhanh nhẹn lắc mình ra đòn thủ thế. Lúc đó trước mắt tôi, vóc dáng, tướng mạo Công Chột đột nhiên hiện lên hình thù của một tên trùm phỉ hiếu chiến, dầy dạn chiến trận. Cái gương mặt gẫy gập ở sóng mũi như cố tình đẩy chiếc cằm bạnh ra hẳn phía trước, phần còn lại của gương mặt đều lọt thõm vào đám râu tóc rậm rịt, bù xù, trông bậm trợn như một thứ hung thần bạo liệt.  

Nhứ một đòn hư chiêu buộc tôi phải thối lui xuống tấn thủ thế, Công Chột vội chấm chân xuống đất bật nhảy lùi ba bước liền gần sát vách.  Đứng thẳng người anh ta hít vào một hơi thật sâu, cổ bành ra, đầu ngẩng cao, mắt trợn trừng quan sát đối thủ trong một thoáng xong khòm người xuống như con hầu tinh, hai bàn tay sàng qua sàng lại vỗ bành bạch trên nền đất tới lần thứ tư anh ta mới đứng bật dậy. Bằng tất cả sức mạnh mãnh thú cực kỳ hung hãn, Công Chột gầm lên một tiếng, hầm hập lao tới như cơn cuồng phong quyết tâm hạ độc thủ,

"Rầm!" Toàn thân tôi dội ngược vào vách nhà, nghe thật nặng. Dù đau điếng vì cú húc trời giáng tôi vẫn nhanh nhẹn áp sát vách nhà gượng người bước tới xuống tấn, hai tay cung lại thủ thế nghe tim đập loạn. Trong khi đó Công Chột bị cú phản đòn của tôi giơ cao giò đá thẳng vào mặt "bốp" một tiếng nổ đóm đóm khiến anh ta xiểng niểng mất quân bình ngã huỵch xuống nền đất, nhưng nhanh như cắt khỉ độc đã đứng phắt dậy, lảo đảo dựt lùi vào góc nhà, tay bưng mặt, gườm gườm nhìn tôi, đứng thở dốc. 

Sau trận đấu sanh tử lửa kẻ nửa cân người tám lạng tôi không còn có dịp trở lại căn nhà kho đó lần nào. Bốn Nẫu cho biết thầy trò Mười Đẹt đã qui hồi cố hương Bình Định, nghe đâu họ mở trường dạy võ ở các huyện Phù Cát, An Lão, Hoài Nhơn đào tạo nhiều võ sinh đạt được nhiều thành tích đáng kể.

Phần tôi vừa xong tú tài toàn phần tôi cũng rời Pleiku về Sài Gòn ghi danh vào trường Đại học Khoa Học. Từ đó thầy trò chúng tôi không còn gặp lại nhau. Nghe nói về sau Bốn Nẫu theo đơn vị ra vùng tác chiến biệt tăm biệt tích.

Phan Ni Tấn