bản tin:

Thành Ðô Gió Bụi
cùng Nguyễn Văn Ba
thăm Montréal

    Cùng với tác phẩm Thành Ðô Gío Bụi, nhà văn Nguyễn văn Ba từ Sakatoon thuộc tỉnh bang Saskatchwan, Canada chính thức trình diện giới yêu văn chương chữ nghĩa Việt Nam tại Montréal vào đêm 11 tháng 7 năm 1992. Ðiểm gặp mặt nằm trên đường Côte des Neiges, số 5829; mang tên: trung tâm sinh hoạt De La Peltrie.

        Ðể giới thiệu khách qúi với hơn 100 khán giả,anh Vũ Ngọc Hiến đã tiết lộ : Nguyễn Văn Ba tên thật là Thái Minh Kiệt sinh năm 1947 tại Sa Ðéc. Cựu giáo sư đại học Cần Thơ từ 1970 đến 1978. Vượt biển thành công vào cuối năm 1978. hiện anh là công chức ngành canh nông của Sakatoon. Khởi nghiệp cầm bút tại hải ngoại với tác phẩm, gây được nhiều tiếng vang: Làm Mai, Lãnh Nợ, Gác Cu, Cầm Chầu.

        Nhà văn Nguyễn Ðông Ngạc nối tiếp anh Vũ Ngọc Hiến trong công việc nhận diện tác phẩm Thành Ðô Gío Bụi,  một quyển sách qui tụ 12 truyện ngắn mang đậm đà sắc thái miền Nam. Nhà văn Kiệt Tấn, tác gỉa Nụ Cười Tre Trúc, vừa từ Paris đến, cũng lên khán đài kể lại những câu chuyện bên lề với Nguyễn văn Ba và trích dẫn những đoạn văn mà Kiệt Tấn cho là độc đáo.

        Trong giây phút trình diện trước khán giả, Nguyễn văn Ba đã kể lại vài mẫu chuyện vui trong đời sống hằng ngày của ông trước khi cảm ơn ban tổ chức cũng như tất cả quan khách Phần văn nghệ phụ diễn được chia làm 2:

Ðiều khiển chương trình tổng quát: Ông Lê Tấn Lộc.

        Buổi ra mắt kết thúc lúc 22 giờ để bước vào buổi dạ tiệc thân mật tại Chez Dung nằm trên đường Van Horne. Nhà văn Nguyễn văn Ba từ giã Montréal vào chiều thứ hai ngày 13-7-1992,  Và vĩnh biệt cuộc đời vào năm 1998.

Nguyễn Minh Dũng

***

bài giới thiệu tác phẩm 
Thành Ðô Gío Bụi
của Nguyễn Văn Ba

*Nguyễn Ðông Ngạc

Xin kính chào toàn thể qúi vị, qúi bạn

        Thế kỷ 20 là một thế kỷ gây nhiều sóng gió nhất cho đất nước chúng ta. Cuộc di cư vĩ đại năm 1954. Cuộc di tản kinh hoàng năm 1975 đã làm cho cả đất nước  xáo trộn, tan nát không phải trong từng gia đình mà tan nát trong từng mỗi con người. Không kể hàng bao triệu người đã chết trong chiến tranh, trên đường đi tìm tự do những người còn trong nước, cũng đang không được sống dù
chỉ một "đời sống bình thường như ý". Riêng Chúng ta đã phải trả một giá rất đắc cho "độclập""thống nhất" và "tự do".  Bù lại chúng ta cũng đã gặt hái, thâu lượm được từ trong nỗi bất hạnh chẳng ai muốn này là sự bừng tỉnh của cả dân tộc về thân phận chậm tiến của quê hương mình trong cộng đồng nhân loại. Chúng ta cũng đã đầu tư được một thế hệ con cháu đông đảo học hỏi được đầy đủ
những tinh hoa của cả thế giới. Một vốn vô cùng qúi cho tương lai xứ sở.

        Trong cái bối cảnh đất nước như thế, chưa bao giờ văn học nghệ thuật của chúng ta lại phong phú đa dạng như thế kỳ 20.  

        Hai dòng văn học lớn: dòng văn học trong nước, và dòng văn học ngoài nước. Những dòng văn học chi nhánh như dòng văn học nữ giới, dòng văn học nam giới

        Gần đây thêm dòng văn học "miệt vườn", tạm gọi như thế.

        Dù chia ra như thế nào hoặc gọi bằng danh xưng nào, văn học miền nam, văn học miền bắc, văn học gì đi nữa, trên thực tế tất cả các dòng văn học đều phải có khả năng sống còn và nhập làm một vào dòng văn học dân tộc.

        Trong cái dòng văn học chung duy nhất này, tác phẩm (đứa con tinh thần của tác gỉa) tự nó có một đời sống riêng sẽ phải tự khẳng định cho mình một chỗ đứng. Nó sẽ tồn tại hoặc sẽ bị lãng quên tùy thuộc vào chính sức sống của nó. Cái mà ta vẫn thưòng gọi là tác phẩm có gía trị, tác phâm hay, tác phẩm được người đọc đón nhận qua thời gian và không gian.

        Hôm nay tôi được hân hạnh giới thiệu, rất sơ lược, tác phẩm " Thành Ðô Gió Bụi" của nhà văn 
Nguyễn văn Ba, trong dòng văn học "miệt vườn".  Hai chữ "Miệt Vườn" đã tốn ít nhiều giấy mực
cho những bàn cãi, có lẽ nó sẽ còn tốn thêm nhiều giấy mực nữa.

        Theo tôi, điều này không phải là điều quan trọng.  Ðiều quan trọng vẫn là giá trị nội tại của những tác phẩm của các nhà văn miệt vườn. Cái công việc phân định này vượt ra ngoài phạm vi buổi sinh hoạt, tôi chỉ xin được nói ít lời về Thành Ðô Gió Bụi của Nguyễn văn Ba mà thôi.

"Thành Ðô Gío Bụi" là một tuyển tập gồm 12 truyện do Bình Minh xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1992,
bìa của nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân.

        Nói tới Nguyễn văn Ba chúng ta không thể quên tác phâm đầu tay"Làm Mai. Lãnh Nợ, Gác Cu, Cầm Chầu" là tác phẩm tạo ngay được cho anh một tiếng tăm đối với độc gỉa hải ngoại. Qua tác phẩm trên và nhất là qua tác phẩm TÐGB , tôi nhìn thấy ở Nguyễn văn Ba hai điều:

Thứ nhất là: Cái tâm của người có đầu óc khoa học, anh đã nhìn sự vật bằng một con mắt tìm tòi đâu
ra đấy không phải chỉ để phân tích không thôi mà từ đó anh đã phủ lên sự vật cái tâm của một nhà nghệ sĩ đẩy sự vật lên dần tới đích của chân thiện mỹ. Do đó đọc truyện của anh ta thấy rõ tính khoa học trong văn chương của một Nguyễn văn Ba chuyên viên canh nông ở Canada, giảng viên đại học Cần Thơ chuyên ngành khoáng sản và thực vật.

        Tính khoa học đã bị nghệ thuật lấn lướt nên những bài viết của Nguyễn văn Ba đã không còn là những bài viết về cảnh, về vật, về người một cách khô khan, nặng tính chất khảo cứu. Những bài viết của anh là những áng văn chương trong sáng, dí dỏm, truyền cảm, hấp dẫn khiến người đọc lãnh hội được ngay không thấy chán.

        Cái đặc biệt thứ hai tôi nhìn thấy ở anh: là bối cảnh nhân vật của Nguyễn văn Ba chủ yếu là xã hội miền Nam. Ðọc văn anh biết ngay anh là một nhà văn miền nam. 

        Truyện của anh làm cho chúng ta khi đọc thấy khoan khoái vô cùng thích thú, thoải mái được sống lại những quãng đời, những địa danh, những hương vị của hoa trái, những kỷ niệm của quê hương hai mùa mưa nắng. Ðiều tôi nghĩ một nhà văn miền Trung hay ở miền Bắc khó có thể viết hay, viết đạt như anh và các bạn văn của anh trong "miệt vườn"

        Nói chung, đọc Nguyễn văn Ba tôi rất cảm động. Tôi tuy là người sinh ở miền Bắc nhưng lại ăn quá nhiều gạo cá  của miền Nam, nên đọc văn của "miệt vườn" nói chung, của Nguyễn văn Ba nói riêng, tôi có dịp sống lại những nơi chốn những địa danh, nhớ lại những con người, những sinh hoạt
của miền nam. Những điều Nguyễn văn Ba viết ra đều là những điều liên quan tới cuộc sống thực tế bình thường, theo một lối kể chuyện nhẹ nhàng ít đặt vấn đề khó làm ta phải động óc, như trong TÐGB , truyện Mua Mai-cô-wây Cho Vợ truyện Cưới Vợ, truyện sinh sống , truyện về bè bạn, những
điều rất khó viết nhưng Nguyễn Văn Ba đã thành công, vì đã tạo cho câu truyện những ''hương'' làm cho người đọc say mê thích thú. Nguyễn văn Ba viết thật quá, thật đến nỗi bắt ta phải thấm thía. Cái thật của văn chương đạt được nghệ thuật chứ không phải cái thật quá đến nỗi thành quê mùa. Anh đã tạo chính anh một văn phong miền nam riêng.

        Tâm hồn nghệ sĩ của anh, tính nghệ thuật trong văn anh bàng bạt trên tất cả chữ nghĩa của anh. Tính khoa học trong văn anh, ta có thể thấy riêng trong TÐGB khi anh kể truyện Dưới Tàn Cây Ô Môi, về mối tình của thầy giáo Ðiệp và cô hai Lan.  Trong đoạn anh nói về cây ô môi, rõ ra cách nói của một người hiểu rõ về thực vật chứ không phải chỉ quan sát một cách khách quan màu sắc bằng thị giác, âm thanh bằng thính giác và hương vị bằng khướu giác không thôi.  Anh còn cho biết cả cái ngon của chè ô môi như thế nào. Cây ô môi và trái ô môi cũng là những hình tượng nói về tình yêu nữa. Ðoạn nói về tìm kiếm, dò tìm quặng Uranium ở Saskatchewan (trong truyện Một Ðoạn Ðời Tị
Nạn) anh đã lồng vào những tình tiết khá ly kỳ: tình bạn, tình nghĩa vợ chồng, mẹ con của loài khỉ ; tính độc ác và thù giai của loài gấu, anh còn cho ta biết cả một thống kê về một số loài thú gây nguy hiểm ở Phi châu. Rải rác trong các truyện của anh, anh đã cho ta thấy rất rõ những hiểu biết khoa học của anh về một số lãnh vực chuyên môn.

Các nhà văn "miệt vườn" , các nhà văn gốc miền Nam 100%, miền nam rặt, trong dó có Nguyễn văn Ba (tôi cũng xin được giới thiệu ngoài lề với qúi vị ở Montréal ta, hiện có nhà văn gốc miền nam Võ Kỳ Ðiền cũng tạo được tiếng tăm nhất định với tác phẩm đầu tay " Kẻ Ðưa Ðường", từ Pháp đến có nhà văn cũng gốc miền nam Kiệt Tấn, hiện là một trong số ít những người viết truyện ngắn hay, lạ ở hải ngoại)

Nói chung các nhà văn"miệt vườn" mỗi người một vẻ, đã tạo được một cái ''miệt vườn'' riêng để đóng góp vào cái chung của đất nước làm giàu đẹp thêm vườn hoa văn học muôn sắc, cho kho tàng văn học Việt Nam.

Kính thưa qúi vị,

        Nguyễn văn Ba đã tạo cho anh được một chỗ đứng riêng trong dòng văn học ''miệt vườn'' cũng như trong nền văn học hiện đại. Chính tác phẩm của anh sẽ giữ cho tên tuổi anh tiếp tục chói sáng nhiều hay ít, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào tài năng của anh được thể hiện qua tác phẩm. Qúi vị và toàn thể người đọc sẽ là nhà phê bình sáng suốt . Nhà văn Nguyễn văn Ba hiện còn đang cầm bút tôi xin thân ái chúc anh sẽ tạo được cho anh một chỗ  ngồi như anh mong muốn.

        Kính thưa qúi vị, Tôi nghĩ tốt nhất qúi vị hãy trực tiếp cảm nhận tác phẩm, đối thoại với tác gỉa qua tác phẩm, nên tôi xin trân trọng giới thiệu tập truyện Thành Ðô Gío Bụi của Nguyễn văn Ba đến cùng qúi vị

Xin chân thành cảm ơn qúi vị.

Nguyễn Ðông Ngạc
(trích Nắng Mới số 11 tháng 8-1992)