Nhạc Sĩ Sáng Tác:

 

Những nhạc sĩ sáng tác đã và đang hiện có mặt tại Montréal trước nhất phải kể những người viết nhạc thành danh từ trước năm 1975 :

* Lê Dinh,

người Gò Công, sinh ngày 8-9-1934, một vợ +3 con Cựu công chức Việt Nam Cộng Hòa, tòng sự tại đài phát thanh Sàigòn. Hiện cư ngụ tại Montréal. Nhạc khí chuyên sử dụng : tây ban cầm. Khởi sự sáng tác năm 1956 với nhạc bản "Làng Anh Làng Em". Thường viết theo cảm hứng . Và nguồn cảm hứng thường đến lúc đi đường hoặc ban đêm. Khi viết, nếu là vào ban đêm, ông thường dùng một ly trà sữa nóng.

Lê Dinh là nhạc sĩ không có khuynh hướng sáng tác rõ rệt. Ðôi khi ông tùy vào chất giọng của ca sĩ để sáng tác. Nhạc của Lê Dinh có nội dung tình lứa đôi, hoặc tình yêu quê hương lồng vào trong tình yêu nam nữ. Ngoài âm nhạc, hiện nay, Lê Dinh còn làm báo và cùng điều hành một chương trình phát thanh, mỗi tuần một lần vào buổi chiều chủ nhật. Người cùng chủ trương với ông  trong chương trình này là ông Lê Thái.

* Phạm Mạnh Cường,

người Huế, sinh ngày 30 tháng 7 năm 1933 Cựu giáo sư Triết tại Sàigòn, trước 1975. Một vợ + 4 con. Hiện cư ngụ tại Montréal, từ 1980. Nhạc khí chuyên sử dụng : Dương cầm, Tây ban cầm và thổi saxo. Phạm Mạnh Cường khởi nghiệp bằng ca khúc Mái Trường Xưa, viết năm 1951.

Phạm Mạnh Cương sáng tác theo nguồn cảm hứng. Và nguồn hứng cảm này thường bắt nguồn từ một tình yêu, một kỷ niệm. Thói quen của ông là soạn nhạc trước viết lời sau. Nhạc của Phạm Mạnh Cường, đa số nội dung mang đậm nét tình yêu lứa đôi.

Ngoài việc sáng tác, Phạm Mạnh Cương còn làm báo (tập chí Thẫm Mỹ) và làm nhạc trưởng ban nhạc Phạm Mạnh Cương.

Bên cạnh 2 cây viết nhạc kỳ cựu trên, Montréal có một vài nhạc sĩ viết nhạc đáng lưu ý sau:

* Lê Văn Thành:

sinh năm 1944 tại Huế hiện định cư tại Montréal. Ðược dìu dắt về âm nhạc bởi các Cha tại Sàigòn và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Qua Montréal ông tiếp tục theo học các lớp sáng tác với các Cha, người bản xứ. Nhạc khí chuyên sử dụng: tây ban cầm. Sáng tác của Lê Văn Thành thường mang nội dung ưu tư về cuộc sống, bên cạnh những tình khúc tình yêu mà ông phổ thơ của một số nhà thơ quen thuộc như Du Tử Lê, Hoàng xuân Sơn..Những tình khúc của ông sẽ được gởi đến giới thưởng ngoạn vào thượng tuần năm 2001.

* Văn Ðắc Nguyên:

Trước đây dùng bút hiệu Huy Phương. Ông là một ca sĩ có chất giọng tốt đã từng được các nhạc sĩ tin tưởng và đánh giá cao, như nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Trần Công Anh.Phạm Mạnh Cương, Ông cũng từng được phát ngôn viên đài VOA, ông Lê Văn phóng vấn và giới thiệu tiếng hát đến với thính giả . Nhạc của Văn Ðắc Nguyên đã được một vài trung tâm sản xuất nhạc có tầm vóc qui mô, chọn lựa để giới thiệu

* Mai Nguyễn:

tên thật Nguyễn văn Sang, sinh năm 1963 tại Sài gòn. Rời Việt Nam đến Montréal năm 1982. Một vợ +3con Ðã theo học nhạc từ nhạc sĩ Trúc Giang và tự học qua sách vở. Nhạc khí chuyên sử dụng : tây ban cầm, dương cầm và keyboard.

Nhạc phẩm đầu tiên mang tên Cuộc Tình Lỡ, viết năm 1986. Ðã phát hành một CD mang tên Những Cuộc Tình (Tình ca Mai Nguyễn 1) gồm 10 ca khúc, được thực hiện với các giọng ca trẻ.  Nội dung nhạc Mai Nguyễn hoàn toàn dành cho tình yêu lứa đôi.

ghi chú : hiện nay Mai Nguyễn đã di chuyển qua California.

*Trần Viết Tân:

sinh năm 1972, tại Ðà Lạt Ðịnh cư tại Montréal năm 1984. Tốt nghiệp Y khoa tại Ðại học Mc Gill Montréal năm 1996. Ðã theo học dương cầm với nữ giáo sư Nguyễn Khắc Cung. Khởi sự sáng tác năm 17 tuổi , nhưng không hài lòng với ca khúc đầu tay. Ðã thực hiện 3 băng nhạc:

Nội dung nhạc Trần Viết Tân mang đề tài tình yêu và có âm hưởng dân ca, nét nhạc có chút phảng phất Trịnh Công Sơn.

* Bảo Trâm

sinh ngày 23 tháng 10 năm 1965 tại Phú Nhuận.  Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Ðến Pháp cùng ông bà ngoại năm 1976 .Theo học đại học Paris III , ngành kinh tế xã hội hành chánh và Paris IX, ngành Ngoại thương, đồng thời theo học tại Học Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Ðông Phương .  qua định cư tại Montréal năm 1998

khởi sự sáng tác năm 1983. Ðã thực hiện 2 CD ca nhạc:

(có nhạc góp mặt trong CD Vực Sâu Hạnh Phúc, một CD giới thiệu một số nhạc sĩ trẻ Việt nam định cư tại nhiều nơi trên thế giới, nhạc của Bảo Trâm trong CD này mang tên: Tiếng Dương Cầm của Nhã, do Don Ho trình bày)

Ngoài tân nhạc, Bảo Trâm còn sáng tác một ít cổ nhạc.

Nội dung của sáng tác Bảo Trâm nghiêng về nỗi nhớ nhung và suy ngẫm về thân phận con người.

* Trường Kỳ:

Ông không phải là nhạc sĩ sáng tác, cũng không phải là ca sĩ trình diễn. Trước năm 1975, tại Sàigòn, Trường Kỳ là một khuôn mặt lớn của nhạc Trẻ Việt Nam. Thời bấy giờ, tuy ông đều đặn xuất hiện trên những sân khấu rộng lớn, cũng ca hát, cũng nhãy múa, nhưng giới thưởng ngoạn vẫn dành cho ông một chỗ ngồi khác : Một nhà tổ chức đa dạng, một ký giả kịch nghệ có tài. Hiện nay, tại hải ngoại, ông là một cái cầu nối quan trọng giữa nhạc sĩ , ca sĩ đến với mọi tầng lớp người thưởng thức âm nhạc. Trong những năm gần đây, tuy gia đình,( một vợ và một con gái ) định cư tại Montréal, nhưng ông thường xuyên chu du khắp thế giới, để gặp mặt, tìm hiểu cặn kẽ về cuộc sống, đời sinh hoạt của những người đã tha thiết với âm nhạc.

Bộ sách "Tuyển Tập Nghệ Sĩ " mỗi năm được xuất bản một cuốn, là một sưu tập qúi và cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu về tình hình sinh hoạt của giới âm nhạc.Chúng ta có thể tìm thấy ở đấy những giọng ca hàng đầu của Việt Nam như Khánh Ly, Ý Lan, Khánh Hà, Vũ Khanh...đến những giọng ca mới đầy triển vọng, đang cư ngụ ở bất cứ quốc gia nào. Ở" Tuyển tập Nghệ Sĩ", chúng ta cũng có dịp hiểu rõ hơn về đời sáng tác cũng như đời sống thường nhật của các nhạc sĩ Việt Nam. Trường Kỳ thực hiện tuyển tập của ông với đầy đủ hình ảnh, cùng những bài viết giới thiệu, bài phỏng vấn, dưới một giọng văn bình dị, trong sáng. Ngoài ra, ông còn đưa ra những nhận xét, phát biểu một cách trung trực . Xin đọc tiêu biểu :

"...Có một quan niệm rất sai lầm cần phải gạt bỏ là " ca sĩ địa phương" hoặc "ban nhạc địa phương" luôn luôn không hay bằng ca sĩ hoặc ban nhạc ở tại Hoa Kỳ. Quan niệm đó hoàn toàn không thể chấp nhận được nếu nó mang tính cách tuyệt đối. Dĩ nhiên đại đa số có thực tài và nổi tiếng đều tụ tập tại Hoa Kỳ, nhưng không phải bất cứ ca sĩ nào cư ngụ tại Hoa Kỳ cũng đều hơn những "ca sĩ địa phương" về tài nghệ và khả năng.Sở dĩ họ chưa được biết đến là tại địa phương họ không được sự tập hợp đầy đủ những phương tiện cần thiết cho ngành "show business". Chúng tôi muốn nói đến những trung tâm băng nhạc hoặc vidéo, những tay khám phá tài năng, đài phát thanh, truyền hình, báo chí...vvv. Sự kiện này không ít thì nhiều đã gây ra một thứ "mặc cảm địa phương" đối với nghệ sĩ, và tình trạng "bụt nhà không thiêng" nơi khán giả. Chúng ta phải công tâm xét lại tình trạng này. Ngược lại những nghệ sĩ cư ngụ tại Hoa Kỳ, với nhãn hiệu: "Nghệ sĩ đến từ Hoa Kỳ" đã không khỏi không có "mặc cảm tự tôn" đối với những "nghệ sĩ địa phương", mặc dù hình thức xã giao bên ngoài có phần nào che dấu được, nhưng thực tế đó là điều ai cũng nhận thấy. Một số "ca sĩ địa phương" nếu được khám phá và có được những phương tiện như những đồng nghiệp tại Mỹ, chắc chắn họ cũng sẽ tạo được tiếng tăm. TTNS với khả năng nhỏ bé và hạn hẹp của mình sẽ tình nguyện làm công việc khám phá đó..."
(TTNS 1/ 1995 Trường Kỳ)

Ngoài công việc sưu tầm, biên soạn bộ Tuyển Tập Nghệ Sĩ (đã xuất bản 4 cuốn), Trương Kỳ còn phụ trách chương trình về nghệ thuật trên một số đài phát thanh, như đài VOẠ..Tác phẩm " Một Thời Nhạc Trẻ" của ông, với một giọng văn dí dỏm, sống động, đang được ông cho đăng tải trên Thời Báo ở Toronto, trước khi ấn hành. Ông cũng đang cùng một nhóm bạn chuyên về kỷ thuật, để hình thành một CDRom dưới tên : "Nghệ Sĩ Việt Nam Toàn Tập". Ðược biết CDRom này là một tuyển lựa kỷ lưỡng những tài liệu đã công bố, đồng thời trích đoạn nhiều băng vidéo, cũng như nghe trực tiếp những đoạn phỏng vấn. CDRom của Trường Kỳ sẽ được tung ra thị trường vào năm 2001.

Sự hiện diện của Trường Kỳ, theo chúng tôi, rất cần thiết cho nền âm nhạc Việt Nam, và vì tính cách độc nhất, do đó chúng tôi xin giới thiệu Trường Kỳ đến với bạn đọc trong cùng mục "Nhạc Sĩ Sáng Tác"

Lê Hoàng Bảo