Bản Tin Ra Mắt Thi Phẩm:
Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi

    Ðó là tựa đề tác phẩm thứ 28 và cũng là tập thơ mới nhất của Du Tử Lê, vừa được nhóm thân hữu Du Tử Lê tổ chức ra mắt tại Centre D'Essai, đại học Montréal số 2332 Edouard Montpetit vào tối 14.5.94 vừa qua.  
   
Buổi sinh hoạt mang chủ đề Ðêm Du Tử Lê đã qui tụ khá đông giới yêu thích văn học nghệ thuật tại thành phố Montréal.
    Sau phần nghi thức chào cờ và một phút mặc niệm,đại diện ban tổ chức đã ngỏ lời chào mừng quan khách và qúi vị khán thính giả.
   
Nhà thơ Ðỗ Qúy Toàn đã nói về thơ Du Tử Lê trước và sau năm 1975, ông cũng đã thực hiện một cuộc phỏng vần ngắn gọn về quan niệm và hướng sáng tác của Du Tử Lê, người được giới sinh hoạt văn học nghệ thuật mệnh danh là nhà thơ của tình yêu và bằng hữu.  Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Bắc Việt, đã xuất bản 27 tác phẩm gồm thơ, truyện, ... Giải nhất giải Văn học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973. Hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ.  Kế tiếp là một chương trình văn nghệ phong phú với sự góp mặt đặc biệt của nhạc sĩ Trần Duy Ðức đến từ Cali, Hoa Kỳ và các thân hữu Diệu Trang, Ðoàn Chính, Ðường Minh Hoàng, Hải Phong, Hoàng Xuân Sơn, Kiều Nga, Lê Khanh Tước, Lê Văn Thành, Minh Châu, Nguyên Ngọc, Thiên Nga, Tôn Nữ Hương Bình, Võ Anh Tuấn, ...
    Giới sinh hoạt văn học nghệ thuật tại Montréal hiện diện đông đảo: Nguyễn Ðông Ngạc, Luân Hoán, Trang Châu, Nguyễn Hữu Chung, Lưu Nguyễn, Hồ Ðình Nghiêm,Song Thao, Hoàng Chiều Nhân, ...
    Cũng trong dịp này, ban tổ chức đã giới thiệu băng nhạc và CD "Em Hiểu Vì Ðâu Chim Gọi Nhau" do nhạc sĩ Trần Duy Ðức thực hiện. Buổi sinh hoạt khá thành công và đã để lại trong lòng người tham dự những cảm tình đầm ấm khó quên...

 

bài nói chuyện nhà thơ Ðỗ Qúy Toàn

Trường Hợp Du Tử Lê
Một Hiện Tượng Hiếm Thấy


        Với một bài thơ tầm thường, chúng ta có thể sẵn sàng mang ra để bình luận hay giải thích.  Nhưng nếu là bài thơ hay thì, không có cách gì chúng ta có thể bình luận được. Bởi vì những bài thơ hay là những bài thơ vượt ra ngoài ngôn ngữ thông thường. Nếu chúng ta dùng ngôn ngữ thông thường để nói , tức thị chúng ta làm hỏng bài thơ đó. Cũng tương tự như khi chúng ta coi một bức tranh, hoặc ta thấy nó đẹp, hoặc không Ta không thể nhờ một người nào đó chỉ hộ ta nó đẹp chỗ nào!
Tôi đã thấy có vị coi tranh hỏi cái tranh này là cái gì ? Và người hướng dẫn trả lời rằng : chỗ này là người đàn bà, đây là mái tóc dưới là cái mũi, dưới nữa là cái miệng...Tôi nghĩ, người hoạ sĩ thấy người khác bình luận tranh của mình như vậy chắc chắn là không vui chút nào cả. Thi sĩ cũng vậy. Hôm nay có mặt Du Tử Lê ở đây, tốt nhất là tôi không bình luận gì về thơ Du Tử Lê. Vậy tôi chỉ xin nói kinh nghiệm của tôi trước đây độ mười, hai mươi năm, tôi không thích Du Tử Lê cho lắm. Cho đến những năm 1975 76, một bài thơ của Du Tử Lê bài"Khi Tôi Chết Hãy Ðưa Tôi Ra Biển" bài đó đã được rất nhiều người thích, và chính tôi cũng đã mang ra trong một cuộc hội thảo tại Boston để giảng cho một số văn sĩ, thi sĩ người Mỹ, hầu cho họ dịch sang tiếng Anh, xem họ có thích hay không. Ðó là bài thơ rất tiêu biểu cho người Việt tỵ nạn từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và nói rằng bao giờ tôi chết đi thì hãy đưa tôi ra biển để sóng đẩy tôi qua Thái Bình Dương, trở về Việt Nam. Ðấy là một bài thơ mà tôi rất cảm động. Ý thơ rất đẹp Lập trường tốt nữa. Nhưng nếu bảo đó là bài thơ tuyệt diệu hay  không thì tôi thành thật mà nói rằng nó cũng không có gì tuyệt diệu lắm. Ðó là một bài thơ bình thường, ai cũng có thể làm được

        Tôi nghĩ cái đó không khó.  Trong thời gian năm ba năm gần đây, chúng tôi mới thấy
là trong thơ Du Tử Lê có nhiều cái lạ.

        Du Tử Lê là người đã thoát ra được thời kỳ làm thơ đầu của mình, để bước sang một thứ ngôn ngữ mới. Ðó là một hiện tượng khá hiếm thấy. Bởi vì, theo kinh nghiệm , thường thì các thi sĩ càng
gìa càng cùn đi, càng thui đi. Một thi sĩ ở tuổi 15, 16 bắt đầu làm thơ, ai cũng có thể làm được cả. Ðến tuổi 40 mà làm thơ thường khó lắm Lý do, ở tuổi đó, mình chỉ làm được thơ bằng cách chép lại những
bài thơ cũ của mình mà mình không biết.Tôi xin nói lại : tôi thấy rất nhiều thi sĩ ở tuổi 40, 50, những thi sĩ nổi tiếng, viết một bài thơ ra lúc mình đọc, mình phải tự hỏi : - Quái, cái bài thơ này hình như ông ấy đã viết từ hồi xưa rồi ! Nghĩa là ông ấy cũng viết về một đề tài mới. Ông ấy còn đề cả ngày tháng làm bài thơ đó nữa. Thế nhưng khi đọc , mình vẫn thấy rõ ràng rằng ông thi sĩ kia đã viết lại thơ của mình. Nó cũng giống như họa sĩ, nhạc sĩ vẽ hay viết lại bản nhạc của mình vậy.

        Nhưng Du Tử Lê là một hiện tượng đặc biệt. Ngoài tuổi 40 50, Du Tử Lê vẫn luôn luôn khám phá và làm mới chính thơ của mình Tôi xin thưa lại rằng, trước kia tôi không thích thơ Du Tử Lê. Nếu hỏi tôi thấy thơ đó như thế nào, thì tôi xin trả lời, tôi thấy nó cũng hay hay đại khái cũng như thơ của... tôi vậy. Không khá lắm.

        Bây giờ, lúc gần đây, tôi đọc những bài thơ rải rác, hay trong những tập thơ, như "Em Hiểu Vì Ðâu Chim Gọi Nhau ?" hay " Chấm Dứt Luân Hồi, Em Bước Ra" hay " Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu" tôi khám phá ra rằng Du Tử Lê đã tự làm một thay đổi trong chính ngôn ngữ thi ca của anh. Tôi xin nói lại, đó là một hiện tượng rất hiếm thấy trong thơ.

        Chúng ta đang sống giữa mùa xuân , Chúng ta thấy hoa nở,  Chúng ta thấy nắng lên. Chúng ta nghe chim hót. Vậy mà, tại sao ông thi sĩ lại hỏi : " Em Hiểu Vì Ðâu Chim Gọi Nhau ", Tôi xin qúy vị ở đây, có vị nào hiểu vì sao chim gọi nhau không ?. Phần tôi, tôi đã đi hỏi mấy người trong hội ngắm chim, tiếng Anh gọi là : Birds Watching" thì họ trả lời rằng muốn biết vì sao chim gọi nhau thì cứ giở cuốn Bách Khoa Tự Ðiển trang số mấy đó...Sách cho biết, con chim mái cất tiếng khi gọi tình nhân. Nó nói: "Anh ơi. em đây này" Và con chim đực khi cất tiếng hót thì nói rằng:" cái cây này, cái chỗ này là của tôi, đừng có ai bén mảng tới"...Thế nhưng là con người,nghe chim hót, chúng ta thấy khác. Ông thi sĩ Tô Thùy Yên cũng là một thi sĩ lớn của chúng ta, cách đây độ 30 năm, có viết một câu :" Cây im nghe chim kể chuyện tình duyên" Ông thi sĩ ấy muốn nói rằng khi chim hót là lúc nó đang kể  chuyện tình với nhau. Nó kể Kim Trọng Thúy Kiều hay Ronéo-Juliette gì đó của loài chim . Nhưng Du Tử Lê lại viết là " Em hiểu Vì Ðâu Chim Gọi Nhau"

        Nếu qúy vị dịch câu đó ra tiếng Anh hay tiếng Pháp, thì qúy vị sẽ dịch như thế nào ? Tôi chắc qúy vị sẽ dịch mỗi người một cách khác nhau.  Có người sẽ dịch câu đó ở thể xác định, tức là : "Phải rồi, em biết rồi, em hiểu vì sao chim gọi nhau rồi!:, Có người sẽ dịch câu đó như một câu hỏi là: Em ơi, em có hiểu vì đâu chim gọi nhau không ?"

        Nhưng mà, thực sự khi thi sĩ viết "Em hiểu Vì Ðâu Chim Gọi Nhau" thì thi sĩ định nói cái gì ? Chúng ta có thể phân tích, giải thích câu thơ kia, theo suy nghĩ của chúng ta...và thường thì sai hết. Bởi vì câu người thi sĩ định nói chỉ là : "Em hiểu vì đâu chim gọi nhau" mà thôi. Chúng ta đọc câu
thơ đó, và chúng ta để câu thơ đó vào tâm hồn mình. Nó gợi lên những nỗi xao xuyến hay những xúc động bồi hồi, hoang mang ...thì đó là thơ.  Thơ không phải là lời giảng giải giống như khi ta dịch một câu thơ sang tiếng Anh hay tiếng Pháp. Thơ là cả một câu như vậy. Nó dội vào tâm hồn chúng ta và, nó mang lại những xúc động mới mẻ. Muốn làm được như vậy, người thi sĩ phải luôn luôn làm mới ngôn ngữ của mình.

        Tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể làm thơ lục bát chẳng hạn, rất dễ ! chẳng hạn như " con chim, con thỏ con gà/con trâu con lợn, ba ba ,thuồng luồng" thí dụ như vậy. Và ai cũng có thể làm đưọc hết. Những thi sĩ viết loại thơ như vậy, chúng ta có vô khối. Thế nhưng làm thế nào để cũng tiếng nói
Việt Nam đó mà làm cho nó luôn luôn mới mẻ, thì đó là một thi sĩ có khả năng. Xét trên tiêu chuẩn này, thì gần đây, tôi thấy Du Tử Lê đã trở nên một thi sĩ rất lớn. Một thi sĩ kỳ tài. Có nghĩa là những người không có khả năng như vậy, dù cố gắng lắm cũng không đạt đến như vậy được. Cùng lắm họ chỉ có thể viết được những bài thơ như những bài thơ xưa kia của Du Tử Lê mà tôi đã nhắc tới. Bài "Khi Tôi Chết Hãy Ðưa Tôi Ra Biển", một bài thơ rất cảm động, tuy nhiên ai cũng có thể làm được.

        Còn Du Tử Lê gần đây phải nói là lạ, phải nói là mới, phải nói là những người khác không thể làm được. Nếu có khổ công dùi mài, cũng chỉ có giống giống, mà không có cái thần khí độc đáo.

        Thần khí độc đáo đó, chỉ có ở những ngưòi sống chết với thơ như Du Tử Lê, mới có thể làm đươc mà thôi.

        Chiều nay khi nói chuyện với tôi, Du Tử Lê có hỏi tôi, tại sao phần lớn thi sĩ chúng ta, của thế giới, đến một tuổi nào đó họ bị cùn đi, họ không viết được nữa ?Chúng ta chưa có một cuộc nghiên cứu khoa học nào để trả lời câu hỏi đó. Nhưng theo tôi đoán thì, càng lớn tuổi, người ta thường sống
theo qui ước nhiều quá. Chúng ta phải chịu đủ thứ áp lực của xã hội, luân lý môi trường quanh ta. Chúng ta càng ngày càng sống theo những qui ước  chung. Chúng ta nói năng theo cách chung. Nói một cách long trọng. Ai cũng nghe được ! Ðâm ra chúng ta bỏ mất khả năng sáng tạo ngôn ngữ của chúng ta. Tôi thấy rất mừng là Du Tử Lê ở cái tuổi đó mà vẫn biết giữ lấy cho mình cái tự do, tự buông thả mình, để bước vào thế giới ngôn ngữ hết sức sáng tạo.  Ðó là điều tôi chắc khi qúi vị đọc thơ Du Tử Lê, qúi vị sẽ tìm thấy.

Ðỗ Qúy Toàn
(Bài phát biểu trong đêm DTL tại đại học Montréal 14.5.1994
Trần Duy Ðức ghi lại, đăng trên Nắng Mới số 34 tháng 7-1994)