Phòng Tranh Mùa Thu
Ðinh Cường
tại Montréal Canada

bản tin:

 

Ðinh Cường - Tự Họa

Phòng tranh mùa thu của họa sĩ Ðinh Cường đã khai mạc và mở cữa liên tiếp trong 3 ngày: 
28, 29 và 30 tháng 9 năm 1991 tại Les Jardins du Boisé Montréal. 

Với 52 họa phẩm sơn dầu, nhiều cở, đã được giới sinh hoạt văn học nghệ thuật đón nhận với nhiều cảm tình. Hơn 70% số tranh đã được khách ham mộ mua ngay trong hai ngày đầu. Một tỉ lệ khá cao so với các cuộc triển lãm khác,kể cả các họa sĩ của các quốc gia khác. 

Hầu hết các anh em văn nghệ và đại diện hội đoàn, báo chí địa phương tham dự đông đủ. Khách từ phương xa, từ California, Washington DC, Boston, Toronto, Ottawa...về dự khá đông. Ðây là cuộc triển lãm hội họa qui mô và thành công nhất của người Việt tại Montréal từ trước tới nay.

Nắng Mới

 

 

Ðinh Cường
và phòng tranh Mùa Thu

Hồ Ðình Nghiêm

Còn nhớ, cách đây đúng một năm, nhóm Việt Thường ở Montréal có tổ chức một buổi ra mắt sách nhằm giới thiệu tập thơ mới nhất của thi sĩ Bùi Giáng kèm theo phần văn nghệ thi nhạc giao duyên chủ đề mùa Thu. Khách phương xa về khá đông, mà phái đoàn Washington DC là một biểu dương lực lượng hùng hậu nhất, thân tình nhất. Và còn nhớ, đó cũng là hôm bằng hữu anh em sinh hoạt văn học nghệ thuật ở vùng đất tuyết này lấy làm xúc động khi được gặp lại họa sĩ Ðinh Cường, người vừa mới rời bỏ quê hương sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình.

"Mùa thu hoa nở bằng lá thắm", văn hào Albert Camus đã viết như vậy trong những trang ghi chép của ông. Họa sĩ Ðinh Cường thì nói một câu khác :"mùa thu là mùa của những mối duyên..."Khi gặp lại anh em cũ lần này ở nhà thi sĩ Phạm Nhuận có cái "cầu thang dốc ngược lên trời, đi lạng quạng té vỡ mặt như chơi" (lối miêu tả của nhà văn Kiệt Tấn).Chúng tôi ngồi nhìn nhau, nhìn những bức tranh dựng la liệt đến chóng mặt, váng vất như sơn dầu như chưa kịp khô và phát hiện rõ đúng là Montréal chào đón Ðinh Cường hai lần ở vào hai mùa thu khác biệt. Thu năm trước là một phát biểu cảm tưởng, kể lại những kỷ niệm có được cùng thi sĩ Bùi Giáng ở cố quận đìu hiu. Thu năm nay là một kết thúc của việc làm triền miên trong cả năm trời cửa đóng để có cho được năm mươi hai (52) tấm tranh sơn dầu lớn nhỏ mang sang Montréal trưng bày vào ba ngày cuối tháng 9 ở Le Jardin du Boisé, một địa điểm đẹp và rất "ăn" với những họa phẩm.

Những ngày cuối tháng chín, không gian của Thu nơi này chưa nhanh chân đi gần với câu văn Camus, Lá còn xanh và lá giữ sức sống để reo lên cho mỗi một đợt hàn khí từ phương Bắc sớm thổi về lồng lộng. Nhà văn Mai Kim Ngọc từ Cali sang ra mắt sách "Thuyền Nhân" trước đây có nói đôi điều:  "Lạnh thật đấy !Nhưng nó chẳng là gì cả khi ta được kề cận với ngọn lửa mà những người đồng hương ở chốn này luôn giữ sáng" Ngọn lửa. Tôi không cho đó là một câu nói văn hoa bóng bẩy , không cho đó là hình ảnh đầy tính trừu tượng và chủ quan của tác giả "Một Chút Riêng Tư". Bởi lẽ thiếu ngọn lửa ấy, ngày hôm nay tôi sẽ không chứng kiến được những tá áo dài rất mong manh mặc đẹp lên người các chị trong ban tổ chức, của các cô trong ban tiếp tân đi tha thướt ngoài hành lang chờ đúng giờ cắt băng khai mạc. Ðó là hành lang lộng gió. Ðó là nơi tề tựu những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười. Và đó cũng là nơi tập họp những chuyện trò có kèm theo hơi khói bay ra từ miệng. Lạnh ở thịt da, nhưng thấy ấm ở cõi lòng. Mà giả sử có lạnh khắp châu thân thì cũng không ai "có quyền" ngã bệnh cả. Bác sĩ hiện diện ở đây còn đông hơn số những chàng thi sĩ ốm o ưa mang bệnh tương tư mùa Thu...  Bác sĩ Phó Ngọc Văn, bác sĩ Ðường Minh Hoàng, bác sĩ Tôn Nữ Liên Chi, bác sĩ Thân Trọng An, bác sĩ Lê Thành Ý, bác sĩ Thành Quang Lân, bác sĩ Dương Ðình Tuân...Nhiều lắm, kể cả một vài vị khác mà chúng ta chưa được may mắn biết tên. Chúng ta hãy an tâm mà đứng giữa trời nghe nha sĩ Nguyễn văn Cường, chủ tịch cộng đồng người Việt vuwng Montréal đọc lời chào mừng. Hãy so vai lại một chút nhìn chị Vũ Phượng Liên nói qua đôi dòng tiểu sử Ðinh Cưòng. Hãy vòng tay giữ nhiệt trước ngực nghe họa sĩ Võ Ðình, vừa là nhà văn , lên bục nhận xét về thế giới hội họa của Ðinh Cường : "...Ðó là nơi chuyên chở những giấn mơ. Của thơ mộng và những hoài niệm luôn là nỗi ám ảnh trong tranh Ðinh Cường..." Hãy đứng sát bên nhau ngó chị Lê Thu Hà, chủ tịch hội phụ nữ đang cầm kéo cắt băng khai mạc, chúng ta nối gót vào theo và phòng tranh thực sự bừng lên sinh khí lúc 14 giờ 30 chiều ngày thứ bảy 26 tháng 9 năm 1991.

Một người hỏi Ðinh Cường : Anh thấy thế nào ? Câu hỏi ngắn, không rõ ý. Nó chỉ súc tích và dễ hiểu khi ta vào ngồi trong phòng mạch thoát y ra để đôi bàn tay thật "mát" nào đó mày mò lên mỗi vuông da rợn ốc. Nhưng không hề gì. Ðã có ngay câu trả lời. " Thích quá...cảm động quá...Dễ thương quá..."Vẫn là câu nói mà tôi từng nghe qua. Chẳng có gì thay đổi. Y như nhận xét của nhà văn Nguyễn Ðông Ngạc: "Tính thằng chả hiền lành và ít nói quá" Ðó là hôm cùng có mặt nhà thơ Luân Hoán, nhà thơ Lưu Nguyễn , năm người ngồi uống bia ở một quán vắng mà cơn mưa buổi chiều đổ xuống bất ngờ làm ủ bóng tối lên những khuôn mặt đó. Vô tình chúng tôi ôn lại những ngày nhọc nhằn cũ, những tháng năm 1978 ở trường cao đẳng mỹ thuật Huế mà giờ này ngồi đây vẫn chưa quên. Những lần mang dụng cụ vẽ đi "thực tế" miền núi, vùng biển, nông trường...mà chuyện thâm nhập vào nhà máy vôi Long Thọ luôn là một nực cười nhất, quái đản nhất. Công nhân ở đó rất cực khổ vì thường trực lao động trong một môi trường thật hà khắc. Họ như một thứ Ninja thảm hại còn sống sót. Thân thể họ phải bó kín và che hết da thịt để ngăn ngừa chất vôi "độc ác" Họ đội mũ, trùm khăn chỉ chừa độc có đôi mắt luôn sưng đỏ... Cuối cùng thì loạt tranh bột màu của thầy trò "hồ hỡi" mang về trường triển lãm sau một tháng ăn dầm ở dề tại nhà máy được mang ra đánh giá"trình độ" từng bức một bởi ông hiệu phó giáo viên chính trị nói giọng "đàng ngoài" : Cũng có thành quả đấy, nhưng nhìn chung thì các anh thể hiện nét đẹp người công nhân vào trong tranh trông cứ ngứa mắt như phải chịu nhìn hình ảnh bọn phản động CIA nguy hiểm...Chúng tôi ngậm ngùi chia nhau những tủi cực. Chia sẻ cùng nhau những tiếng thở dài được nén sâu xuống lồng ngực. Ðó là thời khắc của những gì gọi là mỹ thuật đã đi tới tận cùng ngõ cụt và dẫy chết. Ðó là lúc màu đỏ trở nên khan hiếm bởi dùng tham lam cho những tấm tranh cổ động, trong khi lý ra màu xám là màu mà người ta phải sử dụng nhiều hơn hết...

Tất cả rồi cũng qua đi. Hôm nay được ngồi cụng ly trên xứ người, tôi hiểu rằng những khốn khó trên từng chặng đời kia có thể đã để lại, gieo vào lòng Ðinh Cường sự điềm đạm, ít ăn, ít nói. Cái "vô ngôn" của Ðinh Cường lại có dịp chứng minh hôm ở nhà anh chị Ðường Minh Hoàng-Tôn Nữ Liên Chi, dùng cơm ba miền có cái gâteau tráng miệng bê vệ như tổ chức một sinh nhật đầy lòng ưu ái. Sự cảm động ùa tới bất ngờ làm Ðinh Cường biến thành một người mẫu ngồi cứng đờ trên ghế. Chúng tôi chỉ còn biết nói chuyện với chị Lê Văn (người bỏ công sức giúp chàng họa sĩ ít nói vượt biên qua xứ tuyết bình an trên chiếc xe Van chất đầy tranh dong duỗi giữa một canh khuya dài tới 13 tiếng)

Lần này thì Ðinh Cường dài dòng hơn chút đỉnh: " Tôi yêu thành phố này lắm, nó có chút thong dong mà đời sống bên Mỹ không thể đuổi kịp. Và con người, tôi qúy những anh chị em trong ban tổ chức luôn luôn có lòng với những sinh hoạt văn học nghệ thuật" Xong câu đó thì Ðinh Cường bị cuốn đi bởi những người thân khác. Những Ðỗ Qúy Toàn, Phạm Nhuận, Võ Kỳ Ðiền,Hoàng xuân Sơn, Luân Hoán, Nguyễn Ðông Ngạc, Lê Quang Xuân, Lưu Nguyễn, Trang Châu, Nguyễn Hữu Chung, Vivi, Nguyễn Tài, Hồ đắc Vũ...xem như một thứ "chủ lực quân" . Phía D.C có nhà khoa học Trương Hồng Sơn, anh chi Lê Văn ở đài Voa, hoạ sĩ Võ Ðình, và một người anh hào sãng khác : Nguyễn văn Phán, trung tá tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Thủy Quân lục Chiến, ngưòi hùng của Huế năm 68 và người mang tới sự thành công khi tái chiếm cổ thành Quảng Trị năm 1972. Ở Toronto lên có "lực lượng đặc biệt" (ngâm thơ nghe ray rức truyền cảm) Phạm Ðình Cường, nhà thơ đang nổi tiếng Trân Sa và chị Nguyễn thị Khoa Phương. "Nhảy dù" gồm có hai ba vị dược sĩ đến từ Ottawa, có vị ở mãi tận bên Cali mà tên gọi rất dễ nhớ Bily Trung (chơi tây ban cầm rất ngọt). Sỡ dĩ phải mượn đến những binh chủng nổi tiếng kia để tạm gọi cho mỗi nhóm người, vì rằng ngày hôm nay là một buổi "Hoa Sơn luận kiếm" quy tụ rất đông quần hào. Trong cuốn sổ tay lưu niệm của Ðinh Cường đặt trên bàn kê ở lối cửa đi vào đã có lắm tài tử viết văn làm thơ ghi lại cảm tưởng của từng người, dầt đặc chữ. Nhiều người viết . Nhiều như cái nơ đỏ có chữ "dành riêng" đã lần hồi gắn đầy dưới mỗi bức tranh. Chúng ta hãy cùng đọc một đoạn in trong catalogue mà người viết cũng là một hoạ sĩ nổi tiếng cùng thời với Ðinh Cường. Trịnh Cung giải thích : "Hội hoạ là một địa đàng xuất hiện sớm nhất. Một thế giới không hề có tuờng cao cửa đóng, không hề có bắt đầu và kết thúc. Một thế giới phi thời gian. Mỗi người ở đó là một chân tu nhưng không hề có giáo luật. Nếu người ta có bày ra điều này, cách kia thì những thứ đó không nhất thiết sẽ hữu ích cho những ai trong lòng chứa sẵn sàng một palette đầy khát khao sáng tạo.  Hoạ sĩ cũng như người yêu tranh đều cần có, chỉ khác nhau là một kẻ nói ra lòng mình bằng một thứ ngôn ngữ ngày càng lạ thường và một bên lắng nghe bằng những cảm thông riêng biệt. Họa sĩ ném lên mặt vải những tảng màu, những đường nét như nhà tu hành gởi vào cõi hư vô tràng mõ, tiếng chuông. Âm điệu tụng niệm hay một tình khúc có đến được cõi vô tận và đem lại điều gì cho nhân gian ? Ðiều quan trọng nhất đối với họ và cũng đối với Ðinh Cường là không phải đem lại được điều gì cho ai mà chính sự hiến tặng trái tim mình để đánh đổi những khoảnh khắc vĩnh hằng khi ngồi trước giá vẽ"

Ở trang giấy khác màu mực chưa khô có hàng chữ viết nét cứng cỏi, thẳng thớm của một em ký tên Ðường Mai Chi, 11 tuổi, học Việt ngữ chùa Quan Âm : "Phòng tranh...đẹp lắm" (trước chữ đẹp là chữ khá bị gạch bỏ). Chúc ông hoạ sĩ vẽ nhiều và vui vẻ".

Xin đưọc hưởng lây niềm vui cùng họa sĩ Ðinh Cường, và xin mượn hàng chữ của Ðường Mai Chi để đóng lại những giòng ghi vội về phòng tranh mùa thu, nơi có những hoạ phẩm "nở hoa" bằng nhiều màu sắc rực sáng.

Hồ Ðình Nghiêm
(Nắng Mới số 2 bộ mới/11-1991)

 

Những Bài Ðọc Thêm

1. (từ Ðinh Cường):

Xin đừng bắt tôi giải nghĩa tranh. Nó hiện ra đó và tôi đã hụt hơi, mệt mỏi. Thế giới xa lạ được dựng lên từ một hồi ức hay một bắt gặp vụt đến, rồi loang dần trên mỗi khoảng không đen. Khoảng không mà tôi đã đối diện trong những ngày tháng sống chìm lĩm câm nín, mõi mòn, xô dạt tôi về gần với hư vô, tiếng vọng bi thảm của một hồi chuông lạ . Xin ghi nhớ một góc hành lang, nơi tôi đã đặt giá vẽ, đêm nào mưa bão thổi qua hay cơn nóng của một mùa hạ sắp tàn. Nơi đó tôi đã mài nhẵn ý thức, ném từng vô vọng, đổ từng hơi thở xuống những khung vải vốn hiền từ. Mỗi bức tranh là một hơi thở. Và nó thành hình tức là tôi đã chết.Tôi trở lại cùng người làm kẻ thưởng ngoạn .Nhìn sự mới lạ như lần đầu tiên mới đến. Xin hãy cảm nhớ đừng bao giờ tìm hiểu.

Ðinh Cưòng

 

2.(từ Doãn Quốc Sỹ):

Tôi có thói quen hễ ra khỏi thành phố gặp vòm trời trăng sao là tìm chòm sao Ðại Hùng Tinh rồi tự đấy tìm ra ngôi sao Bắc Ðẩu, ánh sáng trầm buồn như ánh mắt mẹ hiền đợi con. Từ sao Bắc Ðẩu, tôi thường tìm sang chòm Thập Tự Nam như tìm một lối thoát. Tôi đặc biệt yêu chòm sao này - Thập Tự Nam - với vẻ sáng ngời đơn giản của nó. Riêng chiều nay, tới thành nội, vào đại nội, thăm anh bạn trẻ Ðinh Cưòng, ngẩng nhìn khoảng xế vòm trời đông, tôi còn thấy thêm vành trăng thượng tuần mùng bốn - mùng bốn trốn mẹ đi chơi.

Tôi tạm gửi vừng trăng mùng bốn và vòm trời sao bên ngoài, bước vào nhà xem tranh Ðinh Cường, những bức tranh sẽ được trưng bày tại Huế rồi Nha Trang vào tháng tới.

Tôi mến nếp sống đó lạ lùng, nếp sống Ðinh Cường, nếp sống trầm lặng hiền hòa ấp ủ một niềm cô đơn rộng lượng. Có thể ngay từ thuở ấu thời rong chơi miền Bến Cát, Bình Dương , quê nhà , chú bé Ðinh Cường đã bị ám ảnh bởi khúc sông vắng lặng, quãng đường heo hút, tiếng chim kêu bơ vơ giữa cái ngút ngàn của rừng cao su hoang tịch. Tất cả những cái đó có thể chỉ còn là những kỷ niệm hiu hắt, nhưng vẫn bủa vây lấy thế giới nội tâm của Ðinh Cường, khi chàng thể hiện thành tác phẩm, những tác phẩm. Không khí cô đơn nhưng bao dung rộng lượng tôi thấy bàng bạc trong hầu hết các bức họa của Ðinh Cường; hình ảnh thường bắt gặp là một con chim bơ vơ, hay một tháp giáo đường cô tịch.

Tôi đã đi một vòng, ngắm kỷ từng bức, nghe ÐinhCường nói một chút, nghe chính mình tự nhủ nhiều hơn. Rồi tôi ra sân ngồi bên chiếc bàn đá nâng ly trà với người bạn họa sĩ trẻ. Cả hai cùng không nói, và tôi ôn lại những gì tôi nhớ.

Tôi nhớ vùng không gian bủa tung ra thành một nét sầu dằng dặc -"sầu dài dằng dặc bao giờ cho nguôi"(Nguyễn Du).  Ðó là vùng không gian đặc biệt bát ngát của hai bức có đề tài Quảng Trị và Hà Tiên. Ðặc biệt bức Quảng Trị với dáng một thiếu nữ cô đơn,tóc xỏa tung trong màu gió cuốn; có cồn cát đìu hiu, có nấm mồ cô độc, có dáng cầu Thạch Hãn gãy đỗ, có hố bom, nhưng cũng có một dáng cây xanh vừa mọc thật dễ thương, thật hiền dịu, như một niềm hi vọng hiu hắt nhưng bất tuyệt; như dáng sao Bắc Ðẩu hiu hắc xa mờ nhưng khẳng định.

Trong bức "Nghiêng Xuống Mặt Hồ" thiếu nữ cô đơn muốn tìm an ủi nơi bóng mình bên dưới. Trong bức "Ði Lễ Chùa Từ Hiếu" tuy có hai bóng thiếu nữ, nhưng không khí cô đơn nào có kém gì những bức "Thi Sĩ Với Lăng Tẫm", "Thiếu Nữ Rước Ðèn Một Mình" và "Vừng Trăng Thắm Thiết". Nói chi tới những bức "Ngọn Hải Ðăng Bên Vùng Biển Cũ", "Giáo Ðường Bỏ Hoang" và " Chim Lạ Trên Bờ Thành Cũ"- như một cô đơn chợt bàng hoàng thức giấc.

Tôi đặc biệt suy nghĩ về hai bức. Trước tiên là bức "Bên Suối Rừng Hiu Quạnh" có con chim đậu bên hốc suối cũ, hốc suối sâu lắm, tất nhiên phải thế rồi, và heo hút, heo hút hơn cả vùng phông rừng phía sau trong bức "Tĩnh Vật"(bình hoa). Ký ức dĩ vãng thuở chú bé Ðinh Cường sống trong vùng hoang tịch Bến Cát, với hiện tại chàng họa sĩ trẻ Ðinh Cường sống dưới vòm trời u tịch của Ðại Nội nhiều cỏ cây hoa lá, cả dĩ vãng và hiện tại đó bủa vây lấy Ðinh Cường thể hiện thành bức " Bên Suối Rừng Hiu Quạnh" này chăng ? Sau hết là bức "Trinh Nữ". Ôi chao, cái màu vàng cadmium này sao nó ám ảnh tôi dữ ? Bức họa tỏa ra một tình cảm bâng khuâng như ánh đèn chài nhòa đi trong cái mênh mông của biển đêm.

Gió đêm đã đượm hơi sương lạnh khi tôi từ biệt Ðinh Cường. Vừng trăng thượng tuần - mùng bốn trốn mẹ đi chơi - đã về khuất nhà trời từ lâu. Nhưng điểm sao Bắc Ðẩu heo hút và vẻ ngời sáng đơn sơ của chòm Thập Tự Nam thì còn. Như niềm cô đơn bao dung của Ðinh Cường trong những bức họa mới của anh.

Doãn Quốc Sỹ

 

3.(từ Trịnh Công Sơn):

Ðã hơn mười năm, kể từ những ngày còn lang bạt cùng bằng hữu , những chuyến xe đó thoăn thơắt đi về , nối liền tiếng chim cao nguyên với loài hải âu vùng bể. Rồi lời sóng chưa kịp tan đã vội vàng nghe ra điệu suối. Kỳ thú như một cơn gió lăng loàn.

Nhưng hôm nay gió phần nào đã đuối sức. Những hoa tươi lá nõn, giờ đây, đã hết trong tôi những ngày phồn thịnh j'ai cueilli ce brin de bruyère - L'Automne est morte,souvien- t'en.  Sự tàn úa kia một phần vì cảnh đời bức bách, phần khác bởi chưng tôi đã khéo chìu chuộng thời gian.

Có một kẻ lì lợm đam mê kỷ niệm. Nơi tâm hồn hắn, tôi sững sờ bắt gặp đứa bạn trẻ trung ngày xưa. Trên mảnh đất riêng tư, âm vang hơn mười năm kia vẫn còn tươi tắn. Nếu biết khóc, hãy yếu lòng vào những phút này, nơi mà lòng ngưỡng vọng còn nguyên vẹn về một đóa qùy, một loài chim lạ, một con đường hiu hắt sương mù...

Ðinh Cường chính là kẻ không chịu lãng quên đó.  Cường vừa ra đi vừa ở lại. Uống chén rượu hôm nay mà nhớ chén rượu ngày xưa:" Nhớ không Sơn rượu chiều Ðơn Dương bạn cùng ta uống cạn..."Biết trở về cũng là cách tri ân những hội ngộ trong đời.

Có người họa sĩ quá cố nói rằng : Trước khung vải tôi mãi mãi là một đứa bé. Trong Ðinh Cưòng cũng có một thứ hoàng tử bé suốt đời song hành với hắn. Khi tôi cầm đàn hát cho Cường nghe về cái cội nguồn kia của bể :"...Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe.."- thì lúc bấy giờ tôi biết rằng chú hoàng tử bé trong Cường cũng đang sửa soạn trở về rong chơi trên những núi đồi , phố thị của quá khứ.

Rong chơi là một thứ kinh vương giả trong tâm hồn Ðinh Cường. Cứ lên đường, dù cao nguyên dù biển, là đã nghe thấy trong Cường vang lên một tiếng reo vui mãn nguyện. Ði không chỉ là sứ mệnh của đôi chân, mà đi, với Cường, là lòng ngưởng vọng linh thiêng về một tiếng gọi. Tiếng gọi của một thế giới tự mình tìm thấy từ những ngày còn trẻ trung. Tìm thấy và nhớ mãi. Nỗi nhớ ấy như một dòng suối ám ảnh, bức bách , chỉ chờ một cơn bão để biến thành sông, thành biển, là đôi chân tù túng lại lơ đãng thong dong lên đường. Ði để nhận ra một cách buồn bã những gì thiên nhiên đã đánh mất mà mình vẫn còn lưu giữ lại trong tranh.

Tôi là ngưòi khách vãng lai thường trực của atelier Ðinh Cường. Ðêm cũng như ngày. Thế giới tranh của Cường đối với tôi không có gì xa lạ, bởi vì chúng tôi đã cùng sống trong thế giới ấy từ những ngày lòng chưa hề vướng bận về một tiếng thở dài. 

Trên những phím đàn dương cầm yên tĩnh trong atelier của Cường, tôi vẫn nghe ra mỗi ngày những âm thanh xưa cũ bay la đà trên những núi đồi hoa lá, tháp chuông, trong những màu sắc nóng lạnh của những bức tranh tuy hôm nay mà cũng là của những ngày xưa nữa.

11.1988
Trịnh Công Sơn
(Thế Giới Thơ Mộng Trong Tranh ÐC/ Báo Thanh Niên)

 

4.(từ Bùi Giáng):

tặng Ðinh Cường
Il s'en va comme le Poisson d'eau douce
sa Peinture rêveuse s'en va comme le Démeurer du Deméurant
qui déploire son ordre et se refuse
sur le mode de la Double Réserve

Je n'ai rien à lui dire sinon peut-être
que le Poème de la Peinture
s'entend à merveille avec la Peinture du Poème
comme la Reine des Almées
s'appelle aussi bien l'Almée des Reines
que le Retour de la Convalescente qui chante sa joie
a réjoui immensément l'Enfant des Riveraines
au bort de l'Abime des Abimes
vous n'avez rien à lui dire sinon peut-être
que l'Éclaircie de l'Être lui est favrable
comme l'Éraflure du Temps lui est favorisante
lorsque la Terre advient à l'émergence
tandis qu'un Monde s'ouvre
nous n'avons rien à lui dire sinon peut-être
qu'à la veille de la plus âpre transformation du site terrestre
qu'à la veille d'une Nuit pour un nouveau Matin
l'Aurore d'un tout autre âge du monde
lui a fait signe exclusivement peut-être
piusqu'il est le Peintre des Peintres
et puisque dans le Jardin du Crépuscule nihiliste
noun sommes quant à nous
les plus tardifs des fruits tardifs

Il s'en va comme le poisson d'eau douce
sa peinture s'en va comme le rêve des rêves
il s'en va disparaissant comme les oiseaux tardifs
qui, pressentant un nouveau Temps de Mars
quittent cette rive pour une autre rive

Bùi Giáng
(Le Poème De La Peinture / Saigon 72,Octobre)

 

ghi chú:
Ðinh Cường là một họa sĩ đã có nhiều cuộc triển lãm nhất trước và sau năm 1975, tại trong nước và tại nhiều thành phố lớn trên thế giới. Cuộc triển lãm đầu tiên của Ðinh Cường được khai mạc tại Information Hall, Hue Vietnam 1965 và tại French Cultural Center Danang,Vietnam 1965.
Cuộc triển lãm mới nhất được khai mạc tại phòng tranh Tự Do Art Gallery (Sàigòn), cùng với họa sĩ Bửu Chỉ Và Trịnh Công Sơn (nhạc sĩ kiêm họa sĩ),  Nhận xét về tranh Ðinh Cường, của một số bạn làm văn học nghệ thuật tại quốc nội :

Nguyễn Quân:

Ðinh Cường từ Mỹ trở về . Tranh ông như rắn rỏi hơn, sâu đằm hơn mà không hẳn mất đi cái chất " tóc gió thôi bay ". Những mảng màu đầy chất hội họa và kỷ thuật tinh khéo. Ðặc biệt là những bố cục, phong cảnh đô thị có kết cấu vừa đồ sộ vừa chông chênh, vừa tự tin vừa lo lắng. Nửa Sân Tuyết hay Ðất Cũ, Vong Thân hay Về Trên Phố Xưa chỉ là tên hai đầu của một sự kết nối, và vẫn chỉ là một thực thể là tâm hồn ông. Ở đây hay ở kia vẫn là một Ðinh Cường của Huế, thơ và thực hòa nhau, dù lúc này đây thực có nặng cân hơn và vì thế tranh ông thuyết phục hơn.

(Tuổi Trẻ Chủ nhật, ngày 27-8-200)

Long Nghi:

Vừa từ Mỹ trở về để tham dự cuộc triển lãm, họa sĩ Ðinh Cường trưng bày những bức tranh phong cảnh tịch liêu, trầm mặc, thể hiện kỷ thuật sơn dầu chín chắn , đầy tự tin của tác giả. Thế giới trừu tượng của ông là cuộc chơi ý nhị, tinh xảo giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những mảng màu sần sùi và nét vạch khô cứng với những khoảng không gian trơn nhẵn, phẳng lặng, trong hành trình trở về với cội nguồn thẳm sâu của tâm khảm.

(báo Lao Ðộng, ngày 30-8-2000)

 

Cuộc triễn lãm sắp tới của Ðinh Cường sẽ được thực hiện tại thành phố Toronto Canada vào đầu năm 2001.

 

Lê Bảo Hoàng
(sưu tập)

 

Vài họa phẩm của Ðinh Cường:

bóng mây

trong bóng mùa thu

 

rêu phong

 

nỗi nhớ

 

nỗi nhớ 2

 

Hoàng X Sơn, LH, Lý, TrânSa, Phương, ÐinhCưòng, LưuNguyễn