Thơ Hoa Sen 
của Nguyễn Hữu Nhật

tại Na Uy

Ra Mắt Ở Montréal

 

bản tin:

Lúc 19 giờ ngày thứ bảy 08-02-1992 tại trụ sở Cộng đồng người Việt Quốc gia vùng Montréal. Tạp chí Nắng Mới và thân hữu đã tổ chúc ra mắt tập thơ Hoa Sen của Nguyễn Hữu Nhật, một tác gỉa thành danh trước năm 1975, hiện sinh sống tại Na Uy.

Tập Thơ Hoa Sen đến Montréal, cùng lúc với nhà văn Nguyễn Thị Vinh, người thay mặt tác giả hiện diện trong buổi sinh hoạt. Anh Vũ Ngọc Hiến đã đại diện tạp chí Nắng Mới, giới thiệu tiểu sử cũng như quan điểm của nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật. Nhà văn Trang Châu trình bày đề tài :

Khía Cạnh Tôn Giáo Và Tính Chất Ðấu Tranh trong Thơ Hoa Sen.

Buổi ra mắt sách có văn nghệ phụ diễn, kết thúc lúc 23 giờ cùng ngày.

(theo Nắng Mới)


Trang Châu
Khía Cạnh Tôn Giáo & Tính Chất Ðấu Tranh Trong
Thơ HOA SEN

Thi phẩm thứ hai, Thơ Hoa Sen, của nhà thơ kiêm họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật mà tôi được hân hạnh giới thiệu hôm nay là một tập thơ hầu hết làm theo thể lục bát. Giở tập thơ ra, người đọc nhận ngay hai đặc điểm :

Ðó là những bài lục bát không đề và mỗi bài chỉ có 4 câu.

Chọn thơ không đề là một thử thách người đọc. Nhà thơ muốn người đọc tìm lấy tựa đề cho mỗi bài thơ. Và ngược lại chọn cách viết cô đọng mỗi bài 4 câu, nhà thơ cũng chấp nhận người đọc thử thách mình. Vì người đọc sẽ đòi hỏi nhà thơ khi muốn cô đọng ý lời sự cô đọng đó có đạt được mức "tới" của thơ hay không ? Nguyễn Hữu Nhật hẳn là một người tự tin khi làm hai công việc đó.

Như cái tựa đã hàm ý, trong tập Thơ Hoa Sen, tư tưởng Phật giáo bàng bạc. Thú thật, khả năng hiểu biết đạo lý nhà Phật của tôi rất hạn hẹp cho nên tôi chỉ xin được cảm hơn là giải nghĩa những dòng thơ đượm màu tôn giáo này. Ta nghe nói về: Tham, Sân, Si. Người không tu hành thường đòi hỏi người tu hành không được vướn vào những khuyết điểm nêu trên. Nhưng người tu  hành cũng là con người. Con người ấy, đôi khi cũng phải phấn đấu cam go với yếu đuối, cám dỗ và dục vọng của mình.

nhà sư lo việc nhang đèn
sau khi phủi bụi toà sen xong rồi
nghe lòng ao ước lên ngồi
giật mình sợ toát mồ hôi ướt đầm

Tôi đọc báo bắt gặp nhiều bài thơ nói về thiền Tôi không hiểu nhiều về thiền. Tôi chưa bao giờ đi thiền Nhưng tôi đã bị lôi cuốn suy ngẫm về cái ý và cái dụng của thiền qua bốn câu thơ của Nguyễn Hữu Nhật :

Ý thiền con hỏi là chi
thầy bung gậy, chẳng nói gì, đứng tên
và đâu là dụng của thiền
bước đi thầy nhặt gậy lên mỉm cười

Lòng nhân là một đức tính nhiên hiện của người tu hành Quên mình giúp người. Cho mà không nhớ, cho mà quên mình đã cho, mới thật là cho :

Nhà sư ngủ trong am mây
ngoài thềm xuân rụng lấp đầy cánh hoa
dậy tìm dép mãi không ra
đi chân không, nhớ, người ta xin rồi

Không làm gì lâng lâng lòng người, làm thanh thoát tâm hồn bằng nghe tụng kinh trong đêm. Người nghe quên bẳng đi cả thời gian

Lời kinh cứ nhẹ như thơ
ngàn bông sen trắng, một tờ hoa nghiêm
nhìn ra gà gáy bên thềm
ngoài song ai kéo màn đêm sáng dần

Người đọc còn thấy trong thơ Nguyễn Hữu Nhật nhiều đoạn thơ mang ít nhiều triết lý về con người, về mộng và thực, về cuộc sống.  Ta hãy nghe :

trả lời câu hỏi bấy lâu
đi về đâu đến từ đâu hỡi người
nhà sư chỉ mỉm miệng cười
nhìn mây lớn, nhỏ cuối trời hợp tan

nằm chiêm bao thấy mình mơ
dậy tung giấc mộng thẫn thờ nhớ ra
chưa tĩnh hẳn vẫn ngầy ngà
thức lần nữa mới biết là ngủ mê

từ vô lượng kiếp tới nay
xả thân tằm cuộn kén đầy lụa tơ
người sống trọn đời phất phơ
vẫn ngày hằng có, vẫn giờ hằn không

người đọc rất thú vị trước những lập luận của nhà thơ về sự ngăn cách đôi bờ , về chân trời, về bóng tối và ánh sáng, ta hãy nghe:

mỗi người đứng một bên bờ
nhìn sang nhau gọi là bờ bên kia
cách sông lòng chẳng rời chia
bờ bên đây, bờ bên kia : một bờ

dù đi hết cả cuộc đời
cũng không đến được chân trời vốn xa
tới đâu cũng thấy hiện ra
chân trời trước mặt mà ta tưởng gần

mãi chơi quên việc rót dầu
để phòng thầy ở trên lầu tối đen
ai ngờ chú tiểu được khen
sáng trăng biết tắt hết đèn ngắm hoa

Sau 1975, Nguyễn Hữu Nhật cũng cùng chung số phận với những người miền Nam ở lại: Tù cài tạo. Chúng ta không rõ nhà thơ ở tù bao lâu, nhưng tác giả đã cho chúng ta biết rằng ông đã sáng tác một cách đặc biệt trong thời gian này ! Viết với những "mảnh giấy bao thuốc lá Sông Cầu, Sông Mã, Sông Hồng lượm được với mẩu bút chì đen, đổi một phần sắn trắng. Viết mò trong đêm được dong nào gấp mép giấy đánh dấu. Sáng ra vào nhà cầu ôn lại xong vứt đi. Rồi cả ngày hôm đó lên núi hay xuống rừng đọc thầm thơ như tụng kinh. Không nơi nào chắc hắn bằng đầu óc, và không đầu óc nào tốt bằng tình bạn yêu thơ giữ dùm."  Có phải vì sáng tác trong hoàn cảnh khó khăn đó mà nhà thơ đã chọn thể lục bát và từng đoạn bốn câu cho có chỗ để viết, cho mình dễ nhớ và cho bạn bè dễ thuộc chăng ?

Dưới chế độ Cộng Sản, tòa án nhân dân không chừa một ai, kể cả với người chỉ có một tội duy nhất là tu hành :

Ðứng trước tòa án nhân dân
hai quầng mắt đỏ, một thân áo nhầu
người ôm kinh Phật bạc đầu
cười không nhận tội bấy lâu hoang đường

Và người cầm bút cũng vậy. Nhà thơ đã phải vào ẩn trong rừng mong yên thân kết bạn với thiên nhiên :

Vào rừng ở ẩn cùng hoa
sim non tím nhạt mai già trắng tươi
Mỗi bông hoa một nụ cười
người không sống được với người thật sao

Không sống chung được, nhưng cộng sản cũng không để nhà thơ sống riêng:

bị cấm viết cũng chẳng cần
bỏ vào núi sống ẩn thân qua ngày
chưa kịp thấy mây trắng bay
người không hộ khẩu hai tay bị còng

Và đây là một nhận diện bi hài trong trại tù cải tạo:

gặp người tù ngỡ lần đầu
gầy đâu mà đến sợi râu cũng gầy
nhờ nốt ruồi son trên tay
hỏi ra mới nhớ là thầy học xưa

Trại cải tạo là tù trong, xã hội dưới chế độ cộng sản là tù ngoài. Nhưng cuộc sống ở tù ngoài cũng không kém phần bấp bênh, bất trắc:

Ðược tin thầy mới ra tù
nửa đêm con đội sương mù đến thăm
đụng tờ lệnh tráo truy tầm
bắt người chưa ấm chỗ nằm lại đi

Và hẳn nhiên cuộc sống của người vừa từ tù trong ra tù ngoài thập phần cay đắng. Tôi xúc động khi đọc đoạn thơ sau :

Chiều ăn nhờ ở chùa nghèo
chan canh đổ nước mắt theo vào lòng
chuông ràng rụa tiếng ngân trong
người đi tù, lúc ra không chốn về...

Lục bát là một thể thơ dễ làm mà khó hay. Dễ vì niêm luật đơn giản:
" Bình hai, sáu,tám, trắc tư

phải lo giữ trọn kỳ dư mặc lòng"
Làm thơ lục bát không khéo thì thành vè. Mặt khác người làm thơ thường hay tránh thể lục bát, ít nhiều bị mặc cảm với lục bát Nguyễn Du, lục bát Huy Cận. Du Tử Lê biết điều đó.  Luân Hoán biết điều đó. Cho nên cũng như Du Tử Lê và Luân Hoán, Nguyễn Hữu Nhật chủ ý cách tân lụcbát của ông bằng hai cách : phá thể và thay đổi vị trí bằng trắc như ở chữ thứ hai bằng thanh trắc và ở chữ thứ tư trắc thành băng. Ðiển hình là mấy đoạn thơ sau :

bị cấm viết cũng chẳng cần
bỏ vào núi sống ẩn thân qua ngày
chưa kịp thấy mây trắng bay
người không hộ khẩu hai tay bị còng

em để con khóc tự nhiên
anh không thích lối bình yên giả vờ
đánh mất nụ cười ngây thơ
mà bao người lớn bây giờ khốn thân

cả ngàn ngọn khói lên trời
biết khói nào khói của người mình yêu

Trong thơ lục bát Nguyễn Du va Huy Cận, cách ngắt câu thường 2/2/2 ở câu sáu và 4/4 ở câu tám. Thí dụ trong thơ Nguyễn Du :
Cỏ non/xanh rợn/chân trời
Cành kê trắng điểm/một vài bông hoa
hay trong thơ Huy Cận:
"Sầu thu/lên vút/song song
với cây hiu quạnh/với lòng quạnh hiu"
Nguyễn Hữu Nhật không chịu để con đường lục bát bằng phẳng, trơn tru. Trong nhiều bài thơ ông đã cắt ngắt với chủ tâm làm nổi bậc ý thơ :

Ý Thiền con hỏi là chi
Thầy buông gậy/ chẳng nói gì/ đứng yên

Nhịp ngắt ở câu tám là 3/3/2

Chuông ràng rụa/tiếng ngân trong
Người đi tù/lúc ra/ không chốn về

Nhịp ngắt là 3/3 ở câu sáu và 3/2/3 ở câu tám

Nhà sư chỉ mỉm miệng cười
Nhìn mây lớn/nhỏ/cuối trời hợp tan
Dậy tìm dép mãi không ra
Ði chân không/nhớ/người ta xin rồi

Nhịp ngắt ở câu tám là 3/1/4

Sài gòn giờ cách trở ra
nhớ hoa mai/lại cũng là cố nhân

Nhịp ngắt ở câu tám là 3/5

Ðụng tờ lệnh/báo truy tầm
Bắt người/chưa ấm chỗ nằm/lại đi

Nhịp ngắt là 3/3 ở câu sáu và 2/4/2 ở câu tám.

 

Có người hỏi tôi nghề bác sĩ của tôi có ảnh hưởng đến cách làm thơ của tôi không ? có ẩn hiện chỗ nào trong thơ của tôi không ? Tôi xin dành câu trả lời cho độc gỉa nào muốn nhận xét về thơ tôi. Hôm nay tôi xin làm công việc đó với nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật là một họa sĩ. Tôi muốn tìm xem chất họa có đi vào chất thơ không ? Tôi nghĩ là có trong tập thơ này, nói đến họa là nói màu sắc. Chúng ta hãy nghe những đoạn :

Ðêm xuân vườn cỏ nhú lên
Ánh trăng chiếu xuống ngôi đền đứng im
Vàng pha với lục biếc chìm
Dậm thêm nỗi nhớ tiếng chim gọi bầy

Núi Xanh, nhuộm bóng chiều hồng
Ra màu
Tím Huế khi không cũng buồn

Màu sắc hiện rõ hơn nữa, tương phản nhau trong mấy đoạn thơ bảy chữ sau đây :

dòng sông chữ tuôn vào biển lửa
rát mặt cây
xanh héo ngọn chào
lưỡi
vàng liếm đen lòng giấy trắng

tả rách hồn ai rụng lả tả
nhuốm bệnh
vàng da kinh nước đen
óc nhàu trắng xóa cầu sông cạn
dứt ruột buông nhau những người quen

Người nghệ sĩ nào cũng muốn đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật. Như Xuân Diệu từng khao khát trong yêu đương : "Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích" Nguyễn Hữu Nhật cũng muốn ghi lại vẻ mền mại của cành tre bị gió lay:

Họa sĩ đứng dậy thở phào
Cành tre cong gió đập vào đập ra
Mang hình ảnh đẹp vô nhà
Phất tay trên giấy chẳng ra nét mềm

Nguyễn Hữu Nhật họa sĩ, không toại nguyện về nét vẽ của mình Nguyễn Hữu Nhật thi sĩ cũng không toại nguyện về thơ của mình.   Ông viết :"Làm thơ như gọt thủy tiên, tôi từng khổ sở vì hoa nở ra không vừa ý". Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, người nghệ sĩ nào bất mãn với chính mình nhất, khắc khe với chính mình nhất, tác phẩm của họ lại tiến lên gần với đỉnh cao của nghệ thuật nhất.

Giải thích tại sao mình làm thơ, ước muốn của mình khi làm thơ, và làm thơ xong mình muốn gởi tới ai, điều đó tác gỉa biết rõ hơn ai hết. Và Nguyễn Hữu Nhật không ngần ngại nói lên cảm nghĩ của mình. Do đó, để kết thúc, tôi xin trích đọc một đoạn văn viết ở đoạn cuối của tập thơ, coi như tác gỉa mượn giọng của tôi để trần tình cùng qúi vị có mặt hôm nay :

" Ðọc thơ và làm thơ, thưa các bạn, sao không sớm trở thành cái đạo. Ðạo của Thơ. Thơ Ðạo.
...Tôi làm thơ như tôi thở rất tự nhiên như nói về mình, kẻ hết lòng biết ơn những người đã làm và làm được những gì tôi chỉ ước mơ.

Ba trăm bài thơ, ba trăm bông sen một bó gắn liền Hà Nội-Huế-Sàigòn, hái bởi lòng tôn kính mọi người, Tôi xin dâng cùng các vị Phật trong trái tim mỗi người, vốn tình lượng cả "

Trang Châu
(Nắng Mới số 7 tháng 4-1992)