Nguyễn Tấn Hưng
Mang: "Một Nỗi Buồn Riêng"
đến Montréal

Một Nỗi Buồn Riêng, tập truyện ngắn mới của nhà văn Nguyễn Tấn Hưng đã được ra mắt giới yêu thích văn nghệ tại Montréal vào lúc 7 giờ tối, ngày thứ bảy 17 tháng 10 năm 1992 tại trung tâm Sinh hoạt De La Peltrie số 5829 Côte des Neiges, Montréal.

Buổi sinh hoạt do nhóm Việt Thường, tạp chí Nắng Mới và Trung Tâm Văn Bút Québec tổ chức. Có sự hiện diện của tác giả đến từ Hoa Kỳ.  Trong dịp này, ngoài phần giới thiệu tác gỉa với bạn đọc. Nhà văn Võ Kỳ Ðiền nói rõ Con Người Và Bút Pháp của nhà văn gốc Hải quân Việt Nam này qua tác phẩm mới nhất của ông, tập MNBR. 

Tham dự buổi sinh hoạt có đầy đủ những khuôn mặt trong văn giới Montréal. Một đêm ca nhạc cũng được giới nghệ sĩ trình diễn thực hiện để đón nhà văn Nguyễn Tấn Hưng, cùng quan khách

NM ghi

 

Bài nói chuyện của Võ Kỳ Ðiền

CON NGƯỜI VÀ BÚT PHÁP
CỦA NGUYỄN TẤN HƯNG
QUA "MỘT NỖI BUỒN RIÊNG"*

Chiều nay tôi lại được cái vinh hạnh lấn chiếm đài phát thanh, nói theo kiểu Kiệt Tấn, để giới thiệu nhà văn kiêm chủ nhân nhà xuất bản Miệt Vườn Nguyễn Tấn Hưng với quyển Một Nỗi Buồn Riêng mới ra lò còn thơm phức mùi giấy mực.

Tôi quen biết với Nguyễn Tấn Hưng qua thơ từ trao đổi cho nhau từ năm 1988, khi anh hoàn thành tập truyện đầu tay Một Ðời Ðể Học và gởi tặng. Tôi đọc xong và biết rằng Hưng sẽ là một cây viết có hạng, không những vì nghệ thuật viết lách, vì lối văn trôi chảy mà điểm nổi bật ở tác giả là cái sức sống phi thường, cái nghị lực phi thường hiếm hoi ở một nhà văn mới bắt đầu sáng tác. Cái ưu điểm nầy vẫn được thể hiện đều đặn ở các tác phẩm sau. Khi anh nhờ tôi viết bạt cho cuốn Một Cảnh Hai Quê (1989) tôi cũng hứa liều, nhưng trong bụng tin rằng anh không thế nào thực hiện nổi. Làm sao trong một năm mà viết được ba bốn cuốn liên tiếp. Một Ðời Ðể Học, Một Thuở Làm "Trùm", Một Chuyến Ra Khơi... Tôi vốn làm biếng lắm và không có thì giờ nhiều. Nhè đâu mới vừa hứa xong thì bản thảo được gởi ngay đến nằm chình ình trên bàn viết với bức thơ nhỏ kèm theo - "... biết anh bận lắm nhưng rán giúp dùm thằng em." Rồi sau đó năm, bảy cuốn nữa tác giả gởi tặng ào ào, đọc vừa hết cuốn nầy thì nhận tiếp theo cuốn kia, như vậy là tác giả Nguyễn Tấn Hưng ở góc trời Winston-Salem kia viết không kịp thở và bạn bè cùng độc giả, trong đó có tôi, đọc cũng không kịp thở. Vừa qua, tôi nhận được quyển ký sự Một Lần Xuống Núi rồi tiếp sau đó vài tuần là tập truyện Một Nỗi Buồn Riêng. Trong bao thơ gởi kèm tờ giấy nhỏ, ôi cái tờ giấy oan nghiệt có một câu viết khiến tôi xao xuyến - "... hổng chừng thằng em sẽ ra mắt sách ở Montréal..."

Quí vị cũng biết theo luật giang hồ của văn giới, một tác giả chỉ nhận xét phê bình hay viết tựa, viết bạt cho tác giả bạn chỉ một lần và duy nhất một lần thôi. Ðiều nầy không bắt buộc nhưng là một thông lệ, một qui ước. Tại sao vậy? Khi nhận định về một tác giả những nét chính yếu, ưu khuyết điểm phải được tìm ra, ghi nhận đầy đủ. Nếu viết thêm lần nữa, thì cũng lập lại những ý đó mà thôi. Tôi yên chí, đọc sách chùa của bạn gởi cho mà không sợ bị bắt làm công quả. Tôi đã viết cho Nguyễn Tấn Hưng bài bạt quyển Một Cảnh Hai Quê rồi, từ năm 1989 lận!

Nhè đâu, một hôm ông Chủ tịch Văn Bút Québec khều tôi cười cười:

- Nói cái nầy anh nghe, có ba tác giả "ngoại quốc" muốn qua Montréal mình ra mắt sách, vui lắm, toàn là anh em thân tình, tôi đã nhận lời hết rồi...

Tôi vừa nghe vừa run, chưa kịp hỏi gì hết thì được nghe tiếp:

- Tất cả có ba người: Thụy Khanh, Nguyễn văn Ba, Nguyễn Tấn Hung... thì mình cung cĩ ba người.

Tôi hỏi:

- Mình cũng có ba người, ai vậy?

Ông Chủ tịch Lưu Nguyễn cười và nói tỉnh rụi:

- Thì anh Trang Châu, anh Ðỗ Quý Toàn với anh nè...

Trời đất! Cái vụ Võ Ðình vừa mới xảy ra, rồi kéo dài thêm những vụ rắc rối bên lề, anh em Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại với Văn Bút Québec muốn khùng luôn hơi sức đâu còn viết lách với nói năng. Nhưng dầu sao thì bạn Lưu Nguyễn đã hứa rồi, mọi chuyện đâu vào đó như "ván đã đóng hòm" làm sao mà cạy cho ra. Tôi suy nghĩ thiệt khôn ngoan giành trước - Tôi chọn nói cho Thụy Khanh. Dầu sao thì Thụy Khanh cũng đẹp đẽ, duyên dáng hơn hai ông bạn "miệt vườn" của tôi. Một bên là dân Parisiense sang trọng quí phái, một bên là dân ở Nha Mân, Sa Ðéc với Quơn Long, Bình Phục Nhứt, Mỹ Tho, các bạn nghĩ coi mình phải chọn ai? Dễ quá mà!

Nhưng ở đời, mười chuyện mình muốn thì hết chín không như ý. Việc công việc tư dồn dập, thành ra trời xui đất khiến sao đó loay hoay anh Trang Châu đặt cọc cô Thụy Khanh, Ðỗ Quý Toàn xí phần Nguyễn văn Ba, và ông Trùm Nguyễn Tấn Hưng lọt vô vòng tay thầy giáo làng là tôi đây. Tôi đâm nghi ngờ có sự âm mưu sắp xếp của ông Chủ tịch Lưu Nguyễn với ông Tổng thơ ký Lê Tấn Lộc trong vụ nầy. Thôi không biết là duyên hay nợ, cũng đành rán mà ôm ông Trùm, chớ thiệt tình trong bụng, muốn ôm người khác! Thành ra hôm nay tôi nói hay hay dở ông Trùm rán mà gồng mình chịu trận. Một lần cho tởn tới già... Nhưng cuối cùng thì tôi thấy hình như mọi sự có bàn tay của định mệnh an bài. Hôm gặp Kiệt Tấn trong cơn say nhè, anh ta chỉ vào mặt tôi nói - Hồ Trường An, Nguyễn văn Ba, Nguyễn Tấn Hưng thuộc văn chương miệt vườn, còn Võ Kỳ Ðiền không phải, bạn thuộc văn chương miệt cù lao. Tôi ngớ ra, sau vài phút mới hiểu, mình được sanh đẻ ở cù lao Phú Quốc rồi lại viết về cù lao Bidong, hiện đang sinh sống ở cù lao Montréal. Văn chương cù lao đi chung với văn chương miệt vườn là xứng đào xứng kép. Thôi vậy cũng hay. Thành ra hôm nay là buổi nói chuyện của nhà văn cù lao Võ Kỳ Ðiền nói về con người và tác phẩm của nhà văn miệt vườn Nguyễn Tấn Hưng.

Trước khi đi vào câu chuyện, tôi xin phép được nêu lên đây vài thuật ngữ mà tôi sẽ phải dùng vì đó là những chữ riêng biệt của Nguyễn Tấn Hưng. Nói về Nguyễn Tấn Hưng mà không dùng những chữ của Nguyễn Tấn Hưng thì làm sao trình bày hết được con người Nguyễn Tấn Hưng!

Ðó là những chữ "đàn anh, đàn em." Nguyễn Tấn Hưng bắt đầu làm quen với văn giới lúc còn ở bên quê nhà, hồi còn đi học rồi đi lính. Theo như tôi biết, anh đã viết cho báo Văn của Mai Thảo và có đến tòa soạn để gặp nhà văn nầy. Bẵng đi một giai đoạn dài - đi lính, chạy giặc, tyỵ nạn, đi học lại - anh bắt đầu cầm bút lại và bài vở có đăng khắp trên các mặt báo hải ngoại. Và tôi cũng cẩn thận ghi chú là anh dùng chữ "đàn anh, đàn em" không có nghĩa là viết cao viết thấp, viết hay viết dở, cũng không phải là viết trước viết sau mà là căn cứ vào tuổi tác. Hễ lớn tuổi là anh mà nhỏ tuổi là em, nói theo kiểu nhà binh, trong quân trường, khóa đàn anh, đàn em. Tôi may mắn được sanh ra trước Hưng vài ba năm nên được làm anh, ngon lành. Còn ông bạn Nguyễn Hữu Chung tuy lớn tuổi hơn tôi nữa nhưng vì ở xa lại không quen biết nhau, có lẽ thế hệ của anh Chung là thế hệ "già" quá rồi nên Hưng không biết, tính tuổi lộn gần mười năm, kêu Chung bằng đàn em ngon ơ! Lần đầu tiên khi đọc ngang qua chỗ sai sót nầy, tôi khoái hết sức làm im thinh thích, không cho Hưng hay, trong bụng muốn để ông bạn già Nguyễn Hữu Chung làm đàn em của tôi luôn, lâu chừng nào hay chừng nấy, cầu trời khẩn Phật đừng có ai nhắc nhở để Nguyễn Tấn Hưng đính chánh, mấy thuở được làm đàn anh của một người nổi tiếng như Nguyễn Hữu Chung!

Danh từ thứ hai mà Nguyễn Tấn Hưng ưa nhắc đi nhắc lại là chữ "Văn chương miền Nam." Anh tha thiết chữ nầy cho đến nỗi hai lần anh lên Washington D .C. là hai lần anh nhắc đến nó trong những bài nói chuyện - Lần đầu trong buổi ra mắt sách Giai Thoại Hồng của Hồ Trường An, Hưng đã thuyết trình đề tài Ðôi Lời Về Văn Chương Miệt Vườn (tại trường Ðại Học George Mason, thủ đô Washington vào ngày 25-6-1989).

Lần thứ hai, buổi ra mắt hai quyển Tuyển Tập Những Cây Viết Miền Nam và Một Chuyến Ra Khơi, Nguyễn Tấn Hưng đã nhắc lại vấn đề nầy trong bài Tính Chất Chung Quyết Trong Văn Chương Miệt Vườn. Trong các nhà văn có văn phong miền Nam, Nguyễn Tấn Hưng là người dan díu, mê man mấy chữ "Miền Nam" lẫn "Miệt Vườn" nhứt. Nguyễn văn Ba cũng có niềm say nầy nhưng xét ra thua cái đam mê của Nguyễn Tấn Hưng xa lắm. Do đó mà sau loạt bài nói chuyện về đề tài nầy, ông Trùm bị một độc giả là ông Nguyễn Hoàng làm một bài thơ dũa một mách te tua, đại ý cho là kỳ thị Nam Bắc. Thực ra theo chỗ tôi thấy, Hưng không bao giờ có ý xấu nầy, anh kính trọng Mai Thảo chơi với Nguyễn Mộng Giác, Hà Huyền Chi, Duy Lam... nghĩa là ai anh cũng quí trọng như nhau, đâu có phân biệt nhưng vì anh thích viết theo lối văn phong địa phương quá sức, thành ra ưa nhắc đi nhắc lại mà thôi. Vì anh thường dùng lẫn lộn chữ "văn chương miền Nam" với "văn phong miền Nam" nên mới có sự hiểu lầm đó. Văn phong miền Nam là một khuynh hướng nhỏ, một cách viết với giọng văn của miền Nam, nằm trong một nền văn học miền Nam. Văn chương miền Nam, là một nền văn chương gồm tất cả các cây viết Nam Trung Bắc... tất cả cùng đóng góp công sức tài năng nghệ thuật của mình cho quê hương, đất nước. Những nhà văn nầy sống bên bờ sông Gianh như Ðào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào thời Trịnh Nguyễn hoặc bên nầy vĩ tuyến 17, sau năm 1954 như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam...

Ðể trả lời cho sự hiểu lầm nầy, ông Trùm đặt tên luôn cho nhà xuất bản của mình là nhà xuất bản Miệt Vườn. Nguyễn Tấn Hưng cũng không tha thứ cho bất cứ ai đụng chạm tới anh em cầm bút của nhóm nầy như trường hợp Trần Vũ nhận định trong bài Những Vòng Tường Ghetto đăng trên Hợp Lưu số 2 và ông Trùm đã đập lại thẳng tay như sau - "... mới có một hai tác phẩm trình làng mà dám viết một bài như vậy thì còn chữ nào đúng hơn hai chữ lộng ngôn để dùng, phải không quí vị!"

Danh từ thứ ba của Nguyễn Tấn Hưng là danh từ ông Trùm. Ðây là tên mà tác giả tự đặt cho mình qua nhan đề của tác phẩm Một Thuở Làm "Trùm". Quyển nầy gây xao động trong dư luận văn giới, cũng có kẻ chê, cũng lắm người khen. Dầu khen hay chê, tác phẩm nầy là một tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi của Nguyễn Tấn Hưng. Danh hiệu ông Trùm nổi bật, bạn bè gọi mãi thành tên. Nguyễn Tấn Hưng biến thành ông Trùm. Trùm đây là trùm tình báo, Trưởng Phòng Nhì Vùng 4 Duyên Hải, Ðặc Khu Phú Quốc. Chữ "trùm" được đóng trong ngoặc kép vừa có ý nói lên sự thật mình là cấp trên của một số đàn em thân tính vừa có ý mỉa mai, giễu cợt cái chức vụ an ninh tình báo...

Ðại khái Nguyễn Tấn Hưng có thói quen dùng những chữ thoạt mới nhìn qua thì có vẻ ngang tàng nhưng xét kỹ thì thấy nét dễ thương của nó. Nét dễ thương của một người còn mang trong mình dòng máu ruộng vườn miền Nam. Nhưng những người nông dân miền Nam cũng có chung gốc gác là nông dân đất Bắc, vì nghèo khổ (làm ruộng, đi lính, bị đày...) nên phải mạo hiểm làm cuộc Nam tiến theo chính sách đồn điền của chúa Nguyễn, tìm đất mới khai phá để sống còn. Họ vừa chiến đấu vừa cày cấy. Tính tình do đó mà nẩy nở phát sinh theo hai chiều hướng đối nghịch. Khi thiệt hiện tánh chất phác, khi thiệt ngang tàng, dữ dội, càng ngày càng khác biệt với nếp sống nếp suy nghĩ của người giàu có, người trí thức còn lại ở đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Bởi vì những người nông dân miền Nam đó vừa làm dân, vừa phải làm hết. Nguyễn Tấn Hưng thừa hưởng trọn vẹn hai đặc tánh nầy của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh hơn các bạn văn của anh. Chúng ta hãy nghe anh Võ Ðình nhận xét - "Nhưng Nguyễn Tấn Hưng có những đặc biệt khác với những người kia là Nguyễn Tấn Hưng đã lớn lên, đã trưởng thành trong quân đội... là cái điểm rất đặc biệt mà những người kia, những Võ Kỳ Ðiền, Kiệt Tấn, Nguyễn văn Sâm, Nguyễn văn Ba... không có. Hồ Trường An cũng từng ở trong quân đội nhưng Hồ Trường An chỉ là sĩ quan văn phòng, từng thú nhận là tôi chỉ ngồi chơi lai rai vậy thôi. Chứ còn ông Nguyễn Tấn Hưng nầy thì phải lên tàu, trôi dạt khắp đó đây ."

Cái dòng máu lính thú của tổ tiên thời Trịnh Nguyễn được tăng cường bổ xung bằng những năm gia nhập binh chủng hải quân rồi thêm những năm theo ngành khoa học, ngành điện tử ở Ðại Học đã khiến cho Nguyễn Tấn Hưng xông xáo, lăn xả, bất chấp mọi trở ngại. Con người lý trí vượt trội con người tình cảm. Nguyễn Hưng Quốc có lần đã nói - Có nhà văn thiên về tâm, có nhà văn thiên về trí. Theo tôi, Nguyễn Tấn Hưng là một nghệ sĩ đa tài - anh viết văn, làm thơ, viết biên khảo, đặt nhạc - nhưng dù bộ môn nào lý trí anh cũng vượt trội hơn tình cảm. Chúng ta thử nghe đôi lời than thở, chỉ hơi buồn mà không có nước mắt rưng rưng:

Chàng còn đâu nội ngoại để về. Ðể viếng thăm trong những khi rỗi rảnh hay để tá túc trong những khi hoạn nạn. Nội ngoại của chàng giờ ở xa lắm, mút tận bên kia bờ đại dương. Cái cơn bão ngoài đời dẫu có chợt đến rồi cũng chợt đi, nhưng những cơn bão trong lòng Quốc thì hình như mãi mãi không bao giờ tắt lịm. Ngày nào còn Cộng sản ngự trị trên miền đất nước thân yêu thì ngày về lại cố hương, tìm gặp những người thân thương của Quốc như mãi mãi còn xa (truyện ngắn Một Nỗi Buồn Riêng trang 33).

hoặc:

Thình lình, mắt Gia bỗng hoa lên với cảnh vó câu. Rập rình chiến mã, gươm đao. Bất giác, chàng không còn nhớ gì nữa, lắp bắp hát luôn câu kết, như cố tình muốn đưa cái dĩ vãng không mấy vàng son của thời đại mình, thật nhanh chóng, vào lãng quên (truyện ngắn Ðưa Dĩ Vãng Vào Lãng Quên trang 47).

Có những giây phút rảnh rỗi, Nguyễn Tấn Hưng nhớ về Việt Nam thân yêu, nhớ mảnh vườn nhỏ ở quê nội, quê ngoại, nhớ lu nước mát sau hè, nhớ cây cau già trước ngõ, nhớ chiếc võng cho thằng Sơn Nhái, nhớ thương đời sống binh ngũ hải hồ. Cứ coi cách anh miêu tả, anh thương mến nó biết bao nhiêu vậy mà khi kết luận anh viết tỉnh queo theo như trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư:

Chàng ngửa mặt thì thầm trong bóng đêm:

- Ôi, không có cảnh biệt ly nhưng sao mà buồn vậy !

Hoặc đã nương theo câu vọng cổ:

Rồi đành cam thọ tử vì mắc kế của Lữ Mông...

Cái tình cảm dào dạt phong phú của người nông dân ruộng vườn bị cái lý trí của người khoa học, người quân nhân chận đứng. Nguyễn Tấn Hưng đã kìm hãm được sự xúc động. Lúc nào cũng vậy, đời anh là một chuỗi ngày phấn đấu vui sống vươn lên trên nỗi khổ đau. Do đó mà có lần tôi đã viết cho Hưng: "Cái lý trí lấn áp tình cảm trong tập truyện là một khuyết điểm đồng thời cũng là một ưu điểm. Từ lâu trong tiểu thuyết của ta chứa đựng nhiều nước mắt quá, mỗi lần đọc xong một tác phẩm, cả người như muốn bịnh. Tôi muốn thấy nụ cười thay cho nước mắt... thấy được niềm vui sống, dù đang ở trên xứ người. Chỉ cần bao nhiêu đó nhà văn Nguyễn Tấn Hưng cũng đủ được mọi người trân trọng quý mến ."

Nhưng có phải cái lý trí, cái sức mạnh tinh thần đó làm nên nhà văn Nguyễn Tấn Hưng? Không phải. Nguyễn Tấn Hưng sở dĩ được nổi tiếng mau lẹ nhờ ở bút pháp đặc biệt. Ngòi bút của Nguyễn Tấn Hưng khỏe mạnh, tung hoành, trôi chảy. Võ Ðình đã ghi nhận cách viết của anh như sau: "lúc nào cũng viết một cách rầm rộ, vui vẻ và thoải mái như vậy, khơi khơi như vậy." Ðể thấy rõ nét cái bút pháp đặt biệt Nguyễn Tấn Hưng, chúng ta thử làm cuộc so sánh nho nhỏ với vài tác giả cùng nhóm thuộc văn phong miền Nam.

Theo tôi thì không ai có đủ thẩm quyền nói về điều nầy hơn Hồ Trường An hết. Có lần trong cuộc phỏng vấn, Hồ Trường An đã nhận định về văn mình... Văn tôi hơi giống văn của Kiệt Tấn, của Nguyễn Ðức Lập và của Nguyễn Tấn Hưng ở vài chỗ. Có lẽ bởi vì Kiệt Tấn, Nguyễn Tấn Hưng và tôi đều ở trên phần đất Tiền Giang (tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Vĩnh Long) nên có cùng một ngôn ngữ chăng?

Tôi đồng ý điểm ghi nhận nầy ở câu "... giống một vài chỗ." Bạn Hồ Trường An đã kỹ lưỡng khi viết chỉ có bấy nhiêu vì Kiệt Tấn, Hồ Trường An và Nguyễn Tấn Hưng, xét về bút pháp khác xa nhau nhiều lắm. Nguyễn Tấn Hưng nghĩ sao viết vậy, câu văn khỏe mạnh, trôi chảy, tự nhiên không trau chuốt. Xét theo tính cách giáo khoa thì văn Nguyễn Tấn Hưng rất gọn gàng, gồm có chủ từ, động từ, túc từ... minh bạch. Trong khi đó văn của Kiệt Tấn rất nhiều trạng từ, tĩnh từ (Nguyễn Hưng Quốc đã viết "Ông không mừng, ông mừng húm. Ông không khoái, ông khoái chí tử, ông không quên, ông quên tuốt luốt, ông không hôn, ông hôn chùn chụt)...

Riêng văn của Hồ Trường An vì mê Hồ Biểu Chánh nên trong văn có hơi hám của lối biền ngẫu, tứ lục thời quốc ngữ phôi thai đầu thế kỷ. Hồ Trường An viết "tim bảy lỗ héo khô, gan bảy lá héo hắt" hoặc "chưa chi mà chị đổ hô con hai Túy Hoa nầy hỗn dữ, bửa đầu mãnh hỗ, bóp cổ Thiên Lôi, xé đôi gấu ngựa, vật ngửa Chằng Tinh ."

Không cường điệu đầy xúc cảm như Kiệt Tấn, không dài dòng đối chọi mỹ miều như Hồ Trường An, Nguyễn Tấn Hưng không viết thì thôi mà hễ viết thì như "lên xe sang số và đạp hết ga, chạy thẳng một mạch không quanh qua quẹo lại, không biểu diễn uốn éo gì ráo. Nếu gặp chướng ngại vật, như có ai láng cháng chê tới chê lui, là tài xế phóng xe lên cán luôn, chết bỏ rán chịu." Vậy mà lại hay, mới lạ chớ! Chúng ta thử đọc một đoạn anh tả cảnh bão tố:

Bất thình lình, trên trời như có một đoàn chim sắt đang bay tới, rất đông: h... ùm, ùm ùm... Dưới đất cũng vậy, một đoàn tàu đang chạy ngang qua: h... ùm, ùm ùm... Mang theo những tiếng sét đồng loạt nổ long trời, và những lằn chớp xanh ma trơi bủa vây tứ phía. Có lẽ trời đang sập thiệt. Quốc thấy mình như đang lạc vào chốn địa đàng của loài khủng long, với những tiếng gào thét thất thanh trước khi lâm chiến, tử nạn. Chàng chạy lại khung cửa kéo, slide door, rọi đèn pin ra ngoài. Nhờ bóng tối bên trong mà chàng thấy rõ hết. Trời đất, những hạt mưa nằm ngang dầy đặc, vùn vụt bay không ngớt dưới sức mạnh của cuồng phong. Những thân cây to lớn ở bìa rừng phía sau nhà cong vòng như những cây sào của các lực sĩ điền kinh. Ngọn nhịp lên nhịp xuống như ngọn cần câu cắm đang bị cá ăn. Những con đom đóm bay đêm đã bị đánh rạt xuống lớp cỏ, đang nằm im một chỗ thoi thóp chớp... (truyện ngắn Một Nỗi Buồn Riêng trang 21) .

Có thể xem đây là một đoạn văn tiêu biểu cho bút pháp Nguyễn Tấn Hưng, lối viết đơn giản như nói chuyện "có lẽ trời đất đang sập thiệt" thể hiện được cái tánh tình vừa chơn chất vừa dễ thương. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp nét ruộng vườn bị lai giống với óc khoa học phối họp với tinh thần xông xáo. Sự quan sát bén nhạy, trí nhớ sáng suốt Nguyễn Tấn Hưng đã hấp thụ và đồng hóa cuộc sống ở Mỹ rất nhanh, khác hẳn với các bạn văn khác cuộc sống ở xứ người khó khăn, lợn cợn như nước với dầu. Việc nầy chúng ta thấy rõ anh dùng nhiều từ ngữ địa phương một cách tự nhiên, không cố ý. Tuy nhiên do ảnh hưởng nếp sống mới, một hiện tượng lạ là anh lại ít dùng ca dao, câu hò, câu hát như phần đông cây viết miền Nam, bạn anh. Tôi nói anh dùng nhiều từ ngữ địa phương có hai ý. Từ ngữ địa phương cũ là nơi anh đã sống nửa đoạn đời đầu ở Bình Phục Nhứt, ở Mỹ Tho... và từ ngữ địa phương mới, là vùng đất anh định cư ở Mỹ, Winston-Salem. Anh nói tiếng địa phương miệt vườn Hậu giang, Tiền giang khơi khơi, đồng thời anh nói tiếng Mỹ, chửi thề tiếng Mỹ... cũng khơi khơi.

Ta đọc thử một đoạn:

... duy nhất chỉ có sự dẫn nhiệt từ từ, heat transfer, từ điểm nóng đến điểm lạnh tựa hồ như những phân tử không khí đã đặc lại thành chất cứng. Máy lạnh. Rõ ràng chàng cần gấp một cái máy lạnh. Chàng đề máy, máy nổ ngọt ngào. Gạt cần điều chỉnh air-conditional từ vị trí normal qua gạch maximum, chàng mở quạt ở tốc độ thiệt lớn, high. Hơi nóng phả vào mặt thiếu điều muốn cháy râu, phỏng trán.

- Damn it!

(truyện ngắn Một Nỗi Buồn Riêng trang 12) .

Trong một đoạn ngắn 9, 10 dòng, Nguyễn Tấn Hưng đã dùng tới 6 tiếng Mỹ anh nói tiếng trơn tru như chúng ta nói... tiếng Việt. Ðây là một hiện tượng mới phát xuất ở trong các tác phẩm hải ngoại. Tôi cũng tìm gặp nhiều tác giả khác ở Mỹ thì viết xen trộn tiếng Mỹ (Anh), tiếng Pháp ở bên Tây, tiếng Hòa Lan ở xứ đất thấp và tiếng Ðức ở xứ sở của Hít Le... Tôi không có ý kiến về việc pha trộn nầy. Tuy nhiên vì tôi là thầy giáo, ngày xưa có dạy học, tôi không thể tưởng tượng được nếu các nhà giáo Việt Nam mình bây giờ, gặp phải một bài văn mà đầy tiếng Mỹ, tiếng Tây, tiếng Ðức, tiếng Na Uy... thì các vị đó là sao đọc, làm sao hiểu và làm sao giảng dạy cho học trò?

Ðiều nhận xét cuối cùng, chúng ta cùng nhau bàn về tánh cách thành thực của Nguyễn Tấn Hưng. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã viết "Tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá tư tưởng một triết gia là tính chất độc sáng. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá tư tưởng một nhà văn là sự chân thành." Và ông đã đánh giá và tin tưởng nhà văn Kiệt Tấn là thành thật nhứt. Ông cũng tỏ ý hoài nghi về sự thành thật của các nhà văn khác. Riêng tôi, tôi cũng tin là nhà văn Kiệt Tấn trong tác phẩm chứa đầy sự thành thật nhưng nếu so sánh kỹ với ông Trùm thì e rằng chúng ta phải cùng nhau xét lại. Nói chung các nhà văn miền Nam ít hay nhiều đều bộc lộ nét mộc mạc, thành thật. Hình như tất cả đều có nhu cầu bộc bạch tâm sự, kể lể chuyện đời riêng tư của mình khác hẳn đa số các nhà văn gốc Trung, gốc Bắc. Vì lẽ đó, ta đọc trong truyện của họ, nhân vật chánh xưng "tôi" dễ dàng tự nhiên. Trong tác phẩm, Kiệt Tấn đã viết về gia đình mình, cha mẹ, anh chị, cùng các người yêu rất rõ, rất kỹ. Nhưng anh đã viết về những cảnh sống nghèo khổ ở nơi thâm sơn cùng cốc, cha mẹ anh gốc nông dân thật quê mùa không miếng đất cắm dùi, người chú thứ chín thì câm, người anh tuy học giỏi nhưng nghèo phải bỏ học đi làm thợ mộc, còn các người yêu của anh là Tuyết bán quán ở bắc Mỹ Thuận, Hoa bến đò Rạch Miễu, mấy em Hồng, Tuyết ở Ngã Năm, Ngã ba... cho đến khi du học thì người yêu của Kiệt Tấn cũng là những em đầm Diane, Danielle và một đám yêu nữ tóc vàng, mắc xanh gặp trên tàu, ở quán rượu... Nhưng thực tế thì bạn Kiệt Tấn đã giấu đi phân nửa tài sản mà ông có. Kiệt Tấn đã bỏ qua giai đoạn thành công, giàu sang của gia đình anh. Như tiệm bán đồ gỗ của ba má anh lớn nhứt nhì ở Vĩnh Long, người anh vào quân đội làm quận trưởng một quận lớn, anh Lê Tấn Lộc và Kiệt Tấn đều học giỏi và đi du học ở Paris và khi về nước thì giữ các địa vị trọng yếu trong chánh quyền, và hầu như trong tất cả truyện ngắn, truyện dài của Kiệt Tấn hình ảnh người vợ chỉ xuất hiện để canh chừng ông chồng hoang đàng, rượu chè be bét... Anh giấu đi mất biệt bà Kiệt Tấn, một thời là hoa khôi của tỉnh Vĩnh Long, bà Kiệt Tấn đẹp cho đến nỗi dầu anh đi năm sông bảy suối, cuối cùng cũng phải quay trở về cầu Cái Cá tình nguyện đặt dưới quyền sai khiến, cằn nhằn của bà. Như vậy Kiệt Tấn chỉ thành khẩn khai báo với độc giả có phân nửa. Trong khi đó thì ông Trùm tuy làm nghề tình báo nhưng cuộc đời có bao nhiêu đều khai ra tuốt luốt hết. Anh cũng nói về cái quê mùa nghèo khổ của gia đình (cha mẹ ở thôn quê, làm nghề buôn gỗ, lúc nhỏ đi trọ học ở Mỹ Tho vất vả... rồi cuộc đời tyỵ nạn đầy mồ hôi, nước mắt). Anh viết luôn những tánh xấu như khi làm Trùm ăn hối lộ, tham nhũng... Nhưng Nguyễn Tấn Hưng thành thật hơn các bạn khác khi anh can đảm viết về những cái tốt, cái hay của mình, cùng vợ và con.

Người Việt Nam ta, mấy ngàn năm ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên sống khép kín. Ðiều gì thuộc về mình, vợ và con cùng nhà cửa phải giấu thiệt kỹ và nếu cần phải nói thì nên bỏ bớt đi, hạ thấp xuống. Nhà thì tệ xá, vợ thì tiện nội, còn mình thì kẻ hèn nầy, bỉ nhân, tại hạ... Thoạt nhìn thì như vậy là khiêm tốn nhưng xét ra cho cùng là giả dối, thiếu sự thành thật. Con mình đẹp, vợ mình đẹp tại sao lại phải giấu biệt đi, tại sao lại nói xấu? Nhà mình lớn, sang trọng, tại sao lại nói nhỏ hẹp, mình học giỏi, bằng cấp lớn tại sao phải nói ngược lại? Tôi đồng ý với Nguyễn Tấn Hưng hoàn toàn khi anh trình bày rất chính xác tài năng học hành anh đang có, cái nhan sắc tươi mỡn đẹp như rau non mới hái ngoài vườn của vợ anh và đứa con gái lớn xinh xắn, đẹp đẽ mà vợ chồng anh sung sướng dẫn con đi dự giải tuyển lựa hoa hậu của tiểu bang (truyện ngắn Hoa Hậu Xứ Dương Ðào trang 147) .

Như vậy rõ ràng Nguyễn Tấn Hưng là nhà văn thành thực nhất trong số những người thành thực. Anh đã vượt lên trên sự khiêm tốn giả vờ của một quan niệm già nua, cũ kỹ đồng thời điều nầy cũng xác nhận được tính cách hội nhập mau chóng vào xã hội thực tế của đất Bắc Mỹ của anh. Và cũng nhờ cái đặc tánh nầy, nền văn học Việt Nam ở hải ngoại có được thêm một ngòi bút đặc biệt... khi chơn chất, lúc bạt mạng, nói theo kiểu phê bình của Trần Vũ!

Riêng tôi, tôi yêu quí và trân trọng ngòi bút "khi chơn chất, lúc bạt mạng" của ông Trùm Nguyễn Tấn Hưng biết bao nhiêu!

VÕ KỲ ÐIỀN

* Bài nói chuyện ra mắt sách Một Nỗi Buồn Riêng của Nguyễn Tấn Hưng tại Montréal ngày 17-10-1992.

 

 

MONTRÉAL, XỨ LẠNH TÌNH NỒNG

NGUYỄN TẤN HƯNG

Montréal, xứ lạnh tình nồng! Tôi chẳng biết câu nói bất hủ này xuất phát từ đâu, nhưng, có lẽ sau lần triển lãm tranh thành công vượt bực của anh Ðinh Cường, các văn nghệ sĩ phương xa mới thấy cộng đồng "xứ lạnh tình nồng" này là cộng đồng bao gồm rất nhiều người văn hóa, văn học đầy mình. Ðang dần dần thay thế vị trí hàng đầu từ bấy lâu nay dành cho cộng đồng Hoa Thịnh Ðốn với Văn bút miền Ðông.

Anh em bằng hữu... nộp đơn xin về đây ra mắt sách, triển lãm tranh nườm nượp, cứ rà theo các bản tin văn nghệ của tờ Nắng Mới thì rõ. Trong thời gian gần đây, theo thứ tự thời gian: Thơ Hoa Sen của Nguyễn Hữu Nhật, Chân Dung Thơ Luân Hoán của nhiều tác giả, Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy của Hoàng Phong Linh (Võ Ðại Tôn), sau triển lãm Võ Ðình thì đến Thành Ðô Gió Bụi của Nguyễn văn Ba, Buồn Xưa Bây Giờ của Thụy Khanh, Một Nỗi Buồn Riêng của Nguyễn Tấn Hưng, và nghe đâu đã rục rịch đến phiên một tác phẩm mới của anh Phạm Thăng. Thật là đất lành chim đậu có khác.

Chương trình, ngày giờ và địa điểm, đều do ban tổ chức "khổ chủ" sắp xếp, lẽ dĩ nhiên. Nhưng, cái số của tôi chắc hợp với mùa thu nên hai lần ra mắt sách riêng rẽ một mình, Một Thuở Làm "Trùm" trước đây và lần này Một Nỗi Buồn Riêng đều được tổ chức vào trung tuần tháng mười. Nếu đừng tính chuyện... lỗ lã thì mọi sự cũng đẹp đẽ tuy có chút man mác buồn như lá vàng đong đưa trên cành! Vả lại, nếu trời có lạnh lạnh thì bà con cô bác đồng hương ta mới tra thêm áo ấm, khăn len rực rỡ sắc màu phù hợp với cõi đất trời đang trở mình với muôn hồng nghìn tía! Chớ còn cái quan niệm của anh Võ Thắng Tiết, giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ, cho rằng tháng mười là... tháng bàng dân thiên hạ ăn xài sang, tiện cho việc bán sách, thì hình như không có một chứng minh cụ thể nào hết.

Mọi việc tiến hành trôi chảy, thuận lợi như bạn bè đã bắn tin. Thiệp hồng và bích chương cũng đã phân phối đi khắp mọi nơi, cho nên bổn phận của bọn tôi là phải chăm lo một vài việc cần thiết trước khi lên đường. Như xe cộ cho đường xa xứ lạ và chỗ ở làm nơi tá túc qua ngày. Xe cộ thì may quá, bà xã tôi vừa mua xe mới, Toyota Corolla. Còn nơi tá túc thì bằng hữu cũng đã cho biết phải... tự lo lấy như trước đây Thụy Khanh, Nguyễn văn Ba, Võ Ðình và phái đoàn của anh đã làm. Well, để khỏi làm phiền bạn văn ta đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi sau hồi "hậu Võ Ðình" với thơ rơi và cãi chính, tôi tìm đến bạn lính... tàu, vợ chồng Phan Thế Hậu, bạn cùng Khóa 17 Sĩ quan Hải quân Nha Trang của tôi. Nói nào ngay bạn hiền ta không phải mới tiếp đón văn ngh? si l?n d?u, vì trong k? du hành sang Mỹ quốc vừa qua, chị Nguyễn thị Vinh và cũng đã từng được gửi gấm, ăn nhờ ở đậu tại đây. Rồi, như m?t thơng l?, bà xã tơi mang theo quà cáp l?nh k?nh và tôi, cũng theo một thông lệ khi vượt biên giới phía Bắc, xách theo cặp cognac. Lần này không có cô em của bà xã đi theo vì đã bận đi Tây trong kỳ hè, xài hết vacation rồi. Thôi thì, kể như hai vợ chồng son đi hưởng tuần trăng mật vậy. Lộ trình kỳ này xem ra cũng dễ dàng hơn nhiều nếu đem so với lộ trình do Phan Ni Tấn chỉ vẽ kỳ trước, lúc đi phó hội làng văn ở Toronto. Nhìn chung, tất cả đều như xuôi chèo, mát mái...

Làm y chang như kỳ đi phó hội, bọn tôi ghé lại nhà anh chị đồng hương Phan văn Quang. Tuy nhiên, lần này chỉ có vợ chồng Thúy Minh và Trần Long Hồ đến nhập tiệc thôi, không thấy bóng dáng chị Nguyễn thị Hoàng Bắc mặc dù đã được gia chủ cẩn thận mời (chắc đang ưu tư, phiền muộn vì nỗi thơ rơi !). Lại cá nướng, cá trào biển (sea trout) chớ không phải cá chẻm (whiting fish) như lần trước, cuốn bánh tráng rau sống để nhậu lai rai. Có điều đáng nói là lần này không cuốn bằng bánh tráng miền Nam mà lại dùng bán tráng miền Trung, bánh tráng của ông Võ Phiến đó, do Thúy Minh (dân múa roi đi quyền) mang lại. Theo tôi, bánh tráng này dầy gấp bốn gấp năm lần bánh tráng miền Nam, nếu nhúng nước sơ sơ thì ăn vừa giòn vừa dẻo, còn nếu nhúng kỹ quá thì nó dính ngoẹo, gỡ không ra. Cơm canh, cá chưng, thịt kho vẫn là món ăn dằn bụng sau cùng.

Bỗng có người đề nghị đến nhà Trần Long Hồ uống trà, tiện thể xem cái villa mới cất. "Ừa, có lý đó," đi sớm về sớm đặng... ngủ sớm lấy sức cho 10, 12 tiếng lái xe đường trường ngày mai. Cũng không xa lắm, mới quanh quanh quẹo quẹo độ năm mười phút thì đã đến nơi rồi. Bên ngoài nhìn vào, ngôi nhà to lớn quá, tôi cứ tưởng như đó là một building của một trường đại học. Bước vào bên trong lại càng thấy to lớn, đồ sộ hơn với những cầu thang vòng quanh như trong điện Versailles, điện Cẩm Linh. À, hãy làm một màn "tham quan" lâu đài tình ái vậy. Từng trệt, từng trên, từng dưới basement, chỗ nào cũng rộng rãi, khang trang, ngăn nắp như để trưng bày làm cảnh chớ không phải để ở. Bước ra vườn sau lại nguy nga tráng lệ hơn với một cái patio rộng lớn, nối liền với một hành lang dài dẫn ra ngôi nhà hóng mát, ngắm trăng hình bát giác giống giống như lầu ngoạn cảnh... trong phim Thái Bình Công Chúa. Ðêm đêm ra nơi này ngồi viết văn làm thơ thì có lẽ ý, từ tuôn ra lai láng. Phải chi có "bà già trầu" Hồ Trường An ở đây để bả ngoáy bút ngọc, vọc bút vàng thêm vài cuốn tiểu thuyết đồng quê nữa!

Phòng uống trà là một phòng trang trí theo lối Nhật. Nghĩa là trống lổng trống trơn, ngoại trừ một bàn trà cẩn xa cừ đặt ngay chính giữa và nhiều gối vuông màu trơn, xanh đỏ đen trắng, để kê đít ngồi xếp bằng xuống mặt sàn nhà. Như những kẻ tọa thiền. Thiết quan âm kỳ chưởng là tuần trà đầu tiên. Vị đậm, bùi nhưng thơm gắt. Trà xanh là tuần trà kế mà cũng là tuần trà chót. Vị ngọt, thanh và thoang thoảng hoa lài. Hình như cách pha càng cầu kỳ thì trà càng ngon, theo ý tôi. Nhưng tôi không đồng ý với Trần Long Hồ là những loại trà... mắc tiền kia, bốn năm trăm đồng một cân, không làm người uống mất ngủ. Với tôi, bất cứ trà nào cũng có mang chút chút chất vị "Thái Ðức" ở trong đó, nếu không mất ngủ vì chất càféin thì cũng mất ngủ vì bận đi tới đi lui xả bầu tâm sự.

Bởi vậy sáng hôm sau, sau một đêm mơ mơ màng màng, vừa lái xe ra khỏi vòng đai thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, thẳng một mạch tới thành phố Baltimore, chun qua khỏi đường hầm vài ba dặm, Bay Tunnel, là tôi bắt đầu... ngủ gục. May phước là đoạn đường I-95 từ Baltimore lên Wilmington, Philadelphia dễ chạy, vắng xe nên tôi để bà xã lái thay. Chỉ cần một hai tiếng thôi là tôi sẽ tỉnh lại ngay. Ðặng lãnh phần dò đường vào New Jersey Turnpike và bắt qua Garden State Parkway để khỏi phải băng qua khu Newark, New York đông người và rắc rối. Mà lạ quá, vận tốc tối đa của những tiểu bang văn minh tân tiến nhứt nhì nước Mỹ, tiểu bang New Jersey và New York, mà vẫn còn ghi 55 dặm chậm như rùa bò. Kẹt quá! Nhưng chẳng sao, cứ núp bóng tử thần, ai chạy tới đâu thì mình chạy theo tới đó. Mà thử hỏi, có ai chạy dưới 70 dặm một giờ đâu? Ngay cả những đoạn ghi vận tốc tối đa là 45 dặm trên Garden State Parkway cũng vậy! À, mà dưới hai số 45 đó còn có ghi thêm hai chữ "Conditions Permitted" thì nghĩa là sao đây? Chưa từng thấy ở các tiểu bang khác? Ối, hơi sức đâu thắc mắc, cứ phải nối đuôi xe trước như vịt theo bầy, chớ chạy đúng theo vận tốc ghi trên bảng thì xe sau sẽ tông vào... lái của mình mất!

Lúc lên đèo, bắt qua I-87 thì coi như đi được nửa đường, tìm chỗ nghỉ xả hơi ăn cơm tay cầm. Tội nghiệp chị Quang đã làm sẵn một mâm cơm canh bảo phải mang theo (không phải mâm son thếp vàng gì đâu mà chỉ là một mâm nhựa, plastic tray) và nhứt là mấy cái bánh tráng mè nướng gấp trong microwave giờ đây mới... "quí lắm" như chị nói. Ðoạn này xe cộ cũng thưa thớt, vắng vẻ và chỉ thẳng một lèo, không quanh quanh quẹo quẹo nên tôi lại để bà xã lái thay một đỗi khá xa lên gần đến tận thành phố Albany. Bả có cái tật lớn hễ mỗi khi cầm vô-lăng thì mở băng nhạc Việt Nam, nghe rầu thúi ruột. Nhứt là trời đang mưa rỉ rả bên ngoài, tôi than thầm trong bụng cho buổi ra mắt sách ngày mai. À, mà người Việt mình sao lại ưa chuộng và thích hát nhạc buồn ghê hả? Nhứt là những bản nhạc tình dang dở, lao đao lận đận! Lũ con tôi hình như chưa cảm nổi với nhạc Việt Nam cũng bởi cái đặc điểm hơi đau thương đó và cũng vì hằng ngày, những bản nhạc top ten của Mỹ mà chúng thường nghe, có bao giờ kết hợp bằng những nốt u trầm, réo rắt như vậy đâu. Toàn rock and roll với métallic... Âu cũng là một điều khác biệt rất lớn giữa hai nền văn hóa và giữa hai thế hệ trẻ già. Cho đến bây giờ, mỗi sáng đi làm, tôi vẫn không đủ can đảm để nghe những băng nhạc Việt Nam, những băng nhạc rên rỉ hình như chỉ thích hợp với cảnh về chiều.

Khi tôi vượt qua biên giới thì trời đổ mưa tầm tã, nhân viên kiểm soát hỏi qua loa: đi đâu, làm gì, có chở thuốc lá và rượu Mỹ trên xe không... Thằng Tây con cười ngặt ngoẽo khi tôi phát âm tiếng Longueuil, tên thành phố sẽ đến, theo giọng North Carolina chớ không phải giọng "Québec... còi" của nó và khoát tay cho đi lẹ lẹ để khỏi cản đường phi lộ cho những chiếc xe đang tới tấp, ùn ùn chạy đến phía sau. Rồi, lại phải tàng tàng nối đuôi theo dân Canadien, trên 100 cây số giờ hiển nhiên, đến vùng nam Montréal dọc theo sông St. Laurent. Theo lời chỉ dẫn của bạn hiền Phan Thế Hậu:

Cứ lấy đường 123 hướng về Québec, lấy sortie (exit của Mỹ) 15 vào Longueuil, và liền theo đó, lấy sortie đại lộ Lafayette, nhà tao gần đó...

Làm đúng y bon như lời dặn, không trật một ngõ quẹo nào mặc dù đã vào đêm, 8 giờ tối, gõ cửa nhà đứng đợi. Và phút giây huynh đệ chi binh, hội ngộ trùng phùng của sau 24 năm, gần một phần tư thế kỷ, chợt đến:

- Ô, mầy đó hả Hậu, sao tóc mầy bạc phơ hết vậy mậy?

- Bây giờ tao mới nhận ra mầy! Mấy tấm hình in trên bìa sách trông mầy lạ hoắc! Ðồ đạc nhiều không, để tao ra xách phụ! Vô đi, vô nhà đi chị...

Và hai bà xã gặp nhau, tay bắt mặt mừng, vì cũng là đồng hương, đồng khởi... chạy loạn, kẻ ở An Hóa người ở Ba Tri cùng thuộc tỉnh Bến Tre.

- Nãy giờ thằng nào gọi tao tao cũng biểu tụi nó cúp hết, tao sợ mầy gọi tới bất tử! Ê, giang sơn của hai vợ chồng mầy bây giờ là nguyên căn gác xép đó!

- Ngon lành ha, xong ngay!

Tôi chưa kịp tắm rửa nghỉ ngơi thì độ mười, mười lăm phút sau thì bạn bè kéo tới, anh tám Lê Quang Xuân (nhìn bà con với bà xã tôi từ hồi phó hội làng văn ở Toronto), anh Lưu Nguyễn, chị Nguyên Ngọc và anh Nguyễn Ðông Ngạc, anh Vũ Ngọc Hiến... Bàn chuyện ngày mai, trong khi lai rai ba sợi với nem chua, chim cút quay, và món thịt khìa do các bạn mang tới. Rồi đến bún bò Huế. Một tô cho khách phương xa (thôi tội quá, hãy xem như người nhà) trước, còn ai muốn ăn thì phải lăn vào bếp... Vậy mà, chẳng mấy chốc đã đến nửa đêm, phải tan hàng. Thời gian qua mau tại vì mọi thứ đều quá thân tình, vui vẻ, ấm cúng.

Sáng ngày sau, rõ ràng hoàng thiên đãi ngộ kẻ khù khờ, sau cơn mưa trời lại nắng. Một ngày đẹp trời, lạ quá! Tất cả bèn hẹn nhau ra Phở Hòa ăn điểm tâm. Gồm có anh tám Lê Quang Xuân, anh chị Luân Hoán, anh Lưu Nguyễn, anh Hồ Ðình Nghiêm tặng cho Tờ Mộng Rách Rồi chưa kịp vá, chị Khiếm và Phan Ni Tấn cùng với cu Lân, vợ chồng bạn hiền Phan Thế Hậu, chị Duyên và anh Võ Kỳ Ðiền... Chỉ có người viết trẻ (nhỏ hơn tôi tròn một con giáp) ít khi cười Hồ Ðình Nghiêm và chị Duyên mảnh mai hòa nhã đang nổi tiếng hơn cả hai anh Ðiền, Võ Bá Ðiền và Võ Kỳ Ðiền, là hai người bọn tôi mới gặp lần đầu tiên. Lại chào hỏi, vui vẻ chuyện trò.

Xong xuôi đâu đó, nguyên phái đoàn kéo nhau qua tiệm sách Trung Việt của anh Trần Nhã Nguyên (Nguyễn thị Sông Hương). Ðược dịp thâu tiền, mấy quyển Một Dòng Ca Dao Câu Hò Câu Ðố Miền Nam đã gửi bán trước đây. Hết sạch! Cũng như hết sạch các tựa sách khác của Nguyễn Tấn Hưng, mà vẫn không chịu order thêm. Tội thiệt, định ém tài người viết mới... nổi hay sao đây? Anh tám Lê Quang Xuân gỡ tấm ảnh lớn treo trên tường tặng ngay tại chỗ, hình chụp dòng Tiền Giang từ Cầu Tàu ngó qua cồn Thới Sơn. Thỉnh liền, trước khi khổ chủ đổi ý!

Rồi tất cả cùng vòng lên núi thăm nhà thờ có tiếng là linh thiêng, nhà thờ St. Joseph. Nếu đi ngã trước thì... mỗi bước mỗi quỳ và cầu nguyện cho đúng nguyên tắc, còn vô ngã hậu liêu như phái đoàn ta đang làm thì cứ theo một hành lang thiệt dài, sâu hun hút với dẫy đầy những kệ tam cấp nho nhỏ chứa hàng ngàn ngọn đèn cầy lung linh trong những lọ ve chai bông hoa màu đỏ... Tuy không linh thiêng đến nỗi "ước gì có nấy," nhưng, qua kinh nghiệm của nhiều người trong đó có cả anh tám Lê Quang Xuân, nếu như mình có lòng thành nguyện cầu thì trước sau gì cũng được toại nguyện. Tôi thắp ngọn nến của mình và thành tâm cầu nguyện nhiều điều, cho đất nước quê hương, cho gia đình thân tộc, và cho riêng tôi: buổi ra mắt sách kỳ này được thành công. Vợ tôi cũng làm tương tự như vậy nhưng tôi không biết là đang cầu nguyện những gì. Giờ, phải lên từng trên để đến xem trái tim không rữa, màu hồng nhạt, lồng trong khối thủy tinh vuông vức. Một trái tim bồ tát! Có khác gì với trái tim bồ tát Thích Quảng Ðức của Việt Nam? Tôi chưa thấy nên không biết! Lại lên từng trên, từng trên nữa bằng những đoạn thang máy, để ra bao lơn phía trước ngắm nhìn thành phố Montréal trong nắng mai lành lạnh chớm thu! Nên thơ? Và xa kia, cái building hình vỏ sò khép kín, một thời là trung tâm của Thế vận hội, đang rực rỡ khoe mình! Ðẹp đẽ? Rồi dòng St. Laurent lừ đừ trôi dưới những chiếc cầu bắc ngang đây đó! Tình tứ? Nào có ai hiểu được lòng mình!

Chia tay nhau tại đây và trên đường về vợ chồng tôi ghé qua cư xá anh tám Lê Quang Xuân. Bước vô nhà của người ảnh thì đâu đâu cũng thấy... ảnh nghệ thuật. Trên tường, mặt bàn, và kệ sách. Rồi cây kiểng, bông hoa, quả trái dùng làm... mẫu. Gặp chị Tám lần đầu. Không nhởn nhơ phè phỡn như anh Tám, chị đang bận túi bụi: xỏ xâu mấy cái hột bẹt. Tánh chị xuề xòa, rộng rãi và có lẽ... sang hơn anh Tám mấy bực. Vì vừa mới gặp nhau mà chị không ngần ngại tặng luôn cô em là bà xã tôi một xâu chuỗi hột bẹt nước, thứ thiệt dĩ nhiên, đeo vào mát lạnh cả cổ.

Chiều xuống, tất cả dồn về trung tâm De la Peltrie để chuẩn bị cho một đêm hợp mặt. Những người trong ban tổ chức chắc phải đến sớm hơn để căng biểu ngữ, xếp bàn ghế. Dụng cụ âm thanh, loa, đờn guitar, đờn violin, đờn kìm, đờn gáo, keyboard thì do nhân viên các ban nhạc lo. Ai cũng có nhiệm vụ nấy. Riêng gia tài của Nguyễn Tấn Hưng, hai thùng sách, thì hai vợ chồng tôi cụ bị tới... Sắp đến giờ khai mạc, tôi mừng thầm vì bạn bè và thân hữu đến chung vui có mặt đông đủ, như anh chị Bắc Phong, chị Ðỗ Quyên (Chân Huyền) và anh Ðỗ Quí Toàn, bác sĩ Nguyễn Minh Ðức (quay phim video), anh chị Hoàng Xuân Sơn, anh Hồ Ðình Nghiêm, anh tám Lê Quang Xuân, chị Phước và anh Lê Tấn Lộc, anh chị Luân Hoán, anh Lưu Nguyễn, anh chị Nguyễn Ðông Ngạc và cụ bà thân mẫu của anh, anh Nguyễn Hữu Chung, chị Anh Thơ đi riêng một mình vì anh Phạm Nhuận còn kẹt công việc ở bên Tây, chị Khiếm và anh Phan Ni Tấn, vợ chồng bạn hiền Phan Thế Hậu, chị Hoàng Kim Uyên và anh Trang Châu, cô dượng Trần Ðình Thám đến từ thành phố Ottawa, anh Trương Bảo Sơn, anh Song Thao, chị Duyên và anh Võ Kỳ Ðiền, anh Vũ Ngọc Hiến... Ðược biết thêm người vẽ và điêu khắc Phạm Thế Trung ở Toronto cũng định đến chơi nhưng sáng ngày đi thì bị trộm viếng gian phòng trưng bày, Art Master's studio, nên đình lại. Chị Hương ở Hamilton, chủ quán phở Ngy (người yêu viết tắt ?) bên Bến Tre, em của anh tám Lê Quang Xuân, từng dự đám cưới hai đứa tôi hồi ở Việt Nam vừa mới liên lạc được, cũng hoãn lại vì tình hình không cho phép. Ðến bạn cùng khóa hải quân 17, Mạc Công Hiếu, cũng kẹt làm bù ngày thứ bảy... Tuy nhiên, điều đáng nêu là có lẽ nhờ ông Thánh Joseph phù hộ, cho nên đồng bào lần hồi đến khá đông, hết chỗ ngồi phải đứng dựa vào vách...

Ðàn anh Lê Tấn Lộc là người điều khiển chương trình đêm nay, anh lần lượt mời Lưu Nguyễn nói đôi lời chào mừng quan khách và tác giả và Võ Kỳ Ðiền nói về tác phẩm. Trong phần nói về tác giả anh Lưu Nguyễn nhắc đến bà xã tôi bằng những từ ưu ái, "nhà văn nữ Hồng Lan," mặc dù mới viết được chỉ năm bảy truyện ngắn, làm bả ngại ngùng bấm tay tôi đau điếng. Trong phần nói về tác phẩm, với chủ đề Con người và Bút pháp của Nguyễn Tấn Hưng qua "Một Nỗi Buồn Riêng", anh Võ Kỳ Ðiền nói hay lắm, nêu lên nhiều điểm mới lạ mà chính tôi cũng không ngờ tới. Một vài chỗ anh nói hăng quá, trung thực quá với những gì anh nghĩ đâm ra ... lạc đề (dò lại không thấy trong bài đã soạn sẵn), như: "... ông Trùm nói ông Trùm ăn hối lộ, ông Trùm đem tiền về cất đi phân nửa còn phân nửa đưa chỉ huy trưởng." "Báo hại," sau mấy lời cảm tạ của tôi và chuyển sang phần giải lao bán sách, mười cuốn Một Thuở Làm "Trùm" đi đong trong nháy mắt, nhiều người đến sau hỏi không có! Hóa ra anh Võ Thắng Tiết, giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ, không có hoa tay... quảng cáo, cần phải liên lạc và nhờ anh Võ Kỳ Ðiền chỉ vẽ cho! Và riêng tôi cứ tưởng là sau đôi ba năm ròng rã, mọi người chắc đã biết ít nhiều về tác phẩm này, chắc đâu còn ai ngó ngàng nữa mà phải đem theo đôi ba chục! Ai dè, trật con "tán" hụt mối bán được "con trâu !"

Ðã vậy, anh Võ Kỳ Ðiền còn đề cập đến vấn đề "Nguyễn Tấn Hưng, trong tác phẩm, nói tiếng Mỹ trơn tru như nói tiếng Việt" nữa chớ! Chết cha, cái điệu này kẹt dữ! Tại vì, tự bản thân tôi tôi biết, mình hay nói chớ không phải nói hay. Nói trật dài dài, bạn bè lâu lâu cứ nhắc nhở hoài hoài đó chớ. Vừa rồi, hai anh Thông Biện Tiên Sinh và Nguyễn Tăng Chương có nhắc những chữ sai chính tả feeling thay vì fealing và recommended thay vì recomended trong bài tựa của Dr. Clifford (quyển One Time As An Intelligence Officer), và mới đây, anh Anh Vân cũng bảo tornado thay vì tonado và gạt cần... air-conditioner chớ không phải gạt cần... air-conditioning trong truyện Một Nỗi Buồn Riêng. Trời đất, đã quên chạy các chương trình document work bench, kiểm soát đánh vần và cú pháp, của AT&T rồi. Ðó, nói nhỏ bà con nghe chơi chớ đừng nói lớn quá rủi có ai đó xấu mồm, ưa vạch lá tìm sâu, lại đưa Nguyễn Tấn Hưng lên bàn mỗ nữa thì thêm phiền. Chờ khi nào tái bản, chắc phải đến bão lụt năm Thìn lần thứ hai, thì tôi sẽ sửa lại vậy! Và, ở đây, không quên cám ơn các bằng hữu đã chỉ cho những điểm sai hơi trật trờ ấy!

Mà thôi, hãy bỏ qua những chuyện trật trúng đó đi, bàn qua chuyện văn nghệ văn gừng coi bộ sướng hơn. Mở đầu chương trình tạp lục chị Tiểu Thu mới xuất hiện lần đầu ở Montréal do trưởng ban nhạc Trương văn Tuyên lăng-xê ca hai bản được khán giả vỗ tay quá xá! Kế đến, chị Nguyên Ngọc, vợ của anh Nguyễn Ðông Ngạc chớ không bà con gì gì với nhà văn bên kia chiến tuyến hết, trình bày bản Nắng Hạ và Thu Về Trong Mắt Em. Anh Ðào Trọng Quyền, sau ca khúc chính, cũng đã hát tặng Nguyễn Tấn Hưng bài Thủy Thủ Và Biển Cả. Rồi đến phiên tôi đáp lễ, "tự biên tự diễn" bài Hè Nhớ viết theo điệu Boston. Chuyển qua phần cổ nhạc, anh Ba Trực ca một bài Xàng Xê có tựa đề là Ngũ Vân Thiệu Bị Vây (không phải Nguyễn văn Thiêu như anh muốn nói rõ hơn) và một bài Hoài Tình để tặng Nguyễn Tấn Hưng có nhan đề là Một Nỗi Buồn Riêng... Của Tôi. Ý cha, anh ba lại muốn chơi trội hơn đàn em nữa rồi! Bởi, sau màn "tự biên tự diễn" của tôi thì anh chạy theo... kết liền:

- Chú em ca tân nhạc được thì phải ca cổ nhạc được (miệt vườn biện chứng có khác !). Một lát nữa lên ca nghen, bài gì cũng được, hổng lên tui giận à!

Kẹt dữ ha! Ảnh lại lên dây thiều cho tôi bằng cách đổ dầu... với nửa lon bia Labatt, bia Canada. Ừa, lên thì lên, không thiện nghệ thì cũng cứ... cương ẩu vậy. Tôi bèn lấy sáu câu nhịp tám Sáu Lầu có nhan đề Quan Vân Trường Thọ Nạn viết trong truyện ngắn Ðưa Dĩ Vãng Vào Lãng Quên của tập Một Nỗi Buồn Riêng đem ra ca luôn! Tôi mới bắt giọng với bác trưởng ban nhạc, người đạp xông-lang hiển nhiên, một câu đầu (Khi ba nước tranh... cường) thì ổng nhận ra ngay: À, cái bài Năm Nghĩa ca đó mà! Nhưng tôi giao điều kiện trước, "nhạc phải chơi theo lời" ... ca mới được! Xong, chẳng biết có hay ho gì không mà nhiều người vỗ tay ủng hộ quá chừng. Làm cổ nhạc như đang được mùa, một người lính tàu ngày xưa, anh Ngọc Ẩn mới từ Ottawa xuống, lại tiếp tục đưa làn hơi ấm tặng Nguyễn Tấn Hưng (sao mà tặng nhiều thế !) bài Xuân Tình có tựa đề rất quen thuộc là Lương Sơn Bá, Chúc Anh Ðài và làm luôn sáu câu Thầy Tử Lộ Ðội Gạo... Trở lại phần tân nhạc, chị Hoàng Kim Uyên, vợ của anh Trang Châu, trình bày hai bản Mắt Biếc và Bài Không Tên Cuối Cùng. Tiếp theo, bạn thơ Hoàng Xuân Sơn nhà mình vừa đờn vừa hát bản ruột. Rồi sau đó là anh Nguyễn Hữu Phúc trình diễn để kết thúc chương trình.

Mọi người ra về với vẻ lưu luyến vì những tưởng chương trình văn nghệ sẽ còn kéo dài hơn nữa, nhưng phe ta đã phải cho ngưng sớm, để còn cùng nhau kéo về quán La Vietnamiene của anh Trang, anh của anh Trang Châu, ăn tiệc hợp bạn. Bây giờ chỉ còn lại những người nặng lòng với (hoặc có bổn phận... ngó chừng) các ly cognac, gồm có anh Hồ Ðình Nghiêm, anh chị Lê Tấn Lộc, anh tám Lê Quang Xuân, anh Lưu Nguyễn, anh Nguyễn Hữu Chung, anh Nguyễn Ðông Ngạc, anh Ngô văn Nhàn mới nhìn đồng hương với bà xã (dân Tân Thạch, Cầu Cống số 3), anh chị Võ Hoàng Hiển (cũng là dân AT&T, nhưng bây giờ có hãng riêng), chị Anh Thơ thay mạng cho người thơ Phạm Nhuận, anh chị Khiếm và Phan Ni Tấn kể cả cu Lân, vợ chồng bạn hiền Phan Thế Hậu, anh Song Thao, anh chị Hoàng Kim Uyên và Trang Châu, anh chị Duyên và Võ Kỳ Ðiền... Món ăn lai rai gồm có soup cua, gỏi chua, chim cút quay, tôm hùm xào chua ngọt, cơm, canh chua, cá doré chiên... Bạn ta đấu láo chuyện làng văn, làng... võ đến gần ba giờ sáng, ngất ngư con tàu đi mới chịu về. Nhìn chung, đêm ra mắt sách lần này thành công, cám ơn ông Thánh Joseph đã hỗ trợ, đáp ứng lời nguyện cầu của tôi.

Qua ngày sau, chúa nhật, có quyền ngủ dậy trễ. Vì đã "còm-măng" trước, cho nên đến trưa Phan Thế Hậu đưa vợ chồng tôi tới thăm anh chị Võ Kỳ Ðiền. Nhà anh chị cất theo lối split foyer, phân nửa basement chìm sâu dưới mặt đất, trông rất khang trang, bề thế nằm trong khu vực yên tĩnh có vẻ... nhà giàu. Nhất là cái phông vườn sau ngó ra cái sân vận động mênh mông, cỏ xanh mượt mà cắt sát mặt đất trông như trải thảm, mát mắt làm sao! Chiều chiều, bạn bè dăm ba người ra đó uống trà, ngắm trăng, làm thơ thì hết sẩy. Trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, kỹ lưỡng (nhất là khu... thư viện dưới basement) đúng theo điệu... ông Ðồ. Ðặc biệt đâu đâu cũng có những chậu kiểng, hoa lá cành. Bà xã tôi bắt mắt với những cánh hoa dáng như tim... chưa vỡ, mới rỉ máu thôi, bên Mỹ này gọi là bleeding heart . Thực ra, loại hoa này màu mè và rực rỡ hơn bleeding heart vì cao lớn và có bông kép xếp hàng ngang từ lớn tới nhỏ trên một ngọn, trong khi bleeding heart nhỏ như cây bông móng tay và ra bông chiếc. Chị Duyên cắt cho ba xã tôi mấy nhánh bảo ngâm nước cho ra rễ rồi đem trồng. Dễ lắm, như chị đã có kinh nghiệm lúc xin một nhánh từ nhà anh Nguyễn Hữu Chung. Sau khi chụp vài pô hình kỷ niệm, anh chị Ðiền dẫn ra nhà hàng tàu Tong Por đãi ăn trưa. Bà xã tôi phụ với chị Duyên "đi chợ" một bữa sao mà ngon miệng quá xá cỡ. Cũng chẳng cao lương mỹ vị gì ngoài soup cua, tôm hùm ram, cá doré (hay dô-rát mà Hồ Trường An thường gọi ?) chiên xối nước sauce chua ngọt, cua lăn bột chiên, tàu hũ chiên dồn thịt, mồng tơi con (cọng nhỏ như giá alfalfa) xào dầu hào...

Lúc trở về nhà thì lại có tin mừng. Thằng bạn nối khố thời trung học, Nguyễn Xuân Ðiệp, rời Mỹ Tho vào cuối năm đệ tam 1962 để lên Sài Gòn, vừa mới từ Houston qua Montréal thăm gia đình bên vợ, thấy bích chương quảng cáo ra mắt sách có đề tên Nguyễn Tấn Hưng, đoán chắc là tôi không còn ai khác nữa! Nhất là có phụ đề... cựu sĩ quan Hải quân khóa 17 Nha Trang. Bèn hỏi thăm người nhà, em vợ, lại không ai xa lạ mà chính là chủ bút tạp chí Nắng Mới Vũ Ngọc Hiến! Kể cũng hi hữu đó chớ! Ôi, 30 năm qua, giờ mầy tao gặp lại, biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương trở về, thời thất lục ngũ tứ...

- Tao đọc Duyên Tình Ðêm Trăng Tỏ đoạn mầy tả chùa Vĩnh Tràng bỗng rơi nước mắt, không đọc được nữa... Tao biết thế nào mầy cũng viết về tụi mình! Tao sẽ chạy lại đằng đó gặp mầy ngay!

Viết về tụi mình, thiệt vậy à? Ðừng có tiết lộ bí mật nhiều quá! Ðoạn nào có mầy, đoạn nào có tao? Sao không nghĩ đó chỉ là hư cấu? Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra ở chùa Vĩnh Tràng, bến Tắm Ngựa, chợ Cũ, cầu Quay... Hoặc ở các lớp trung học của trường Nguyễn Ðình Chiểu vào cuối thời Ðệ nhứt Cộng hòa, với những bạn đồng môn cùng trang lứa. Trong số những đứa tài hoa, đã từng được học bỗng du học ngoại quốc sau khi đậu Tú Tài phần hai như Lâm Trí Minh, Nguyễn Thành Châu, còn có một... Quách Tinh Văn mà tôi đã nhắc trong truyện ngắn Vào Lính, tập truyện Một Ðời Ðể Học, nghe đâu bây giờ thuộc thành phần thân Cộng, đã từng bị... bề hội đồng ngay ở chốn "xứ lạnh tình... chẳng nồng với bọn Việt gian nằm vùng" là Montréal đây. Cho đến non nước này mà vẫn chưa sáng mắt ra sao, bạn?

Chiều đến, lại lai rai và văn nghệ bỏ túi tại nhà Phan Thế Hậu với Lê Quang Xuân, Lưu Nguyễn, anh chị Nguyên Ngọc và Nguyễn Ðông Ngạc, và Ngô văn Nhàn. Ðổi món, tả-pín-lù cuốn rau sống bánh tráng. Và thêm món mới, "lòng bò(tàng ong) xào... theo kiểu Tàu" mà bà xã tôi học của ai đó ở Winston-Salem giờ đem ra truyền lại (lần này bả lại học được cách làm nem chua của chị Hậu). Nhưng không thiếu món chim cúc quay, hình như đã được quay... cả rổ để dành ăn dần hay sao không biết nữa... Và lần đầu tiên nghe một giọng ca nữ tài danh, giọng ca Nguyên Ngọc, thích và hát nhạc của Nguyễn Tấn Hưng, bài Tiễn Anh Về Biên Khu làm lỗ mũi tôi nở bự như trái mận hồng đào!

Ngày mai, nào ai biết được ngày mai? Nhưng bạn hiền đã nhắn nhủ:

- Tụi mình còn nhiều chuyện để nói! Mai tao xin nghỉ một ngày, mầy phải ở lại chơi! Tao sẽ dẫn mầy đi viếng chợ Tàu...

Phố Tàu ở đây tuy nhỏ nhưng cũng có một hai cái cổng đình, mái ngói sơn son thếp vàng... giả, một vài ngõ ngách lát gạch đỏ thay vì tráng nhựa. Ngoài ngôn ngữ chính là tiếng Pháp, phần lớn các thương chủ người Tàu đều biết nói tiếng Việt, tiếng Mỹ nên cũng đỡ. Trong lúc chị Hậu và bà xã tôi đi rửa hình đêm ra mắt sách và mua sắm lặt vặt, thì Hậu và tôi lang thang trên hè phố. Bỗng có tiếng chào:

- Anh Hậu!

- Ủa, em làm ở đây à?

- Dạ, chỉ mới mấy tháng thôi!

- Ðây là ông Trùm Nguyễn Tấn Hưng...

- Ồ, ông Trùm hả, vậy vào đây chơi, em mời, để em chạy đi lấy cà phê trước nghen!

- Rồi, cái thằng mới gặp ông Trùm thì đã quên hết anh em! Mầy làm tao quê xệ mậy! Mà chắc cái số của mầy chưa được ăn "tỉm sấm" Hưng ơi, thôi thì cứ vô đây ăn phở, ăn bún, ăn cái gì thì ăn...

Hóa ra, trên cõi đời mênh mông này, tôi còn có một số độc giả rất thân tình... ái mộ! Thắng, Bùi Ngọc Thắng ở tiệm La Saigon Crystale, tôi biết được tên em khi ký những dòng lưu niệm trong sách. Nghĩ cũng nên mừng thầm và lấy đó làm niềm vui, niềm an ủi lớn lao cho người cầm bút nói chung mới đúng, khi đặt bút viết những gì mình muốn gửi theo cánh nhạn bốn phương...

Sáng ngày, bạn hiền Phan Thế Hậu đã đi làm từ sớm, hãng máy bay Canadair. Bọn tôi lặng lẽ thu dọn hành trang rời căn gác xép lên đường về cố quốc. Chị Hậu không quên gửi theo một mớ bánh mì... Ba Lẹ mới nướng giòn rụm để ăn trên xe dọc đường. Trước khi vẫy tay giả từ, tôi nhìn lại căn nhà của bạn lần chót và nhủ thầm: "Ngôi nhà kia tuy hơi cũ, nhưng bên trong có chứa lắm Phật vàng ."

Cuối ngày, cuối đường ở phía bên này nước Mỹ, bạn văn người đẹp Nguyễn thị Thanh Bình và Hoàng cũng đang chờ đợi, đón tiếp bọn tôi. Bước vào nhà thì cũng lại... nhập tiệc ngay với món cháo thập cẩm (không thua gì cháo thập cẩm nổi tiếng ở chợ Thái Bình đâu nghen !) lấy sức cái đã, rồi mới lai rai với tôm thịt bò nướng vĩ tại bàn (không thua gì trong tiệm ăn Nhựt, Kobé, của Nguyễn Tấn Ðời !). Chà, chuyến này lại tính... làm sang đây chắc...

Có lẽ không riêng gì những người trong cuộc trong chuyến đi này, mà luôn cả các bạn ở những phương trời xa khác, như Lê Bảo Trân, Lê văn Lân, Hoàng Du Thụy, Hồ Trường An (để không còn... mường tượng đến một thành phố nào nữa, bằng cách rời Troyes cất bước ra đi), Hứa Hoành, Phạm Bội Ðiệp, Phạm Thăng, Trần Quán Niệm, Sĩ Liêm, Xuân Vũ... có nhã ý muốn tôi viết lại một vài kỷ niệm để đọc chơi! Thì đây, hẵng đọc chơi cho vui vậy! Và những mong không ai trách phiền nếu đã bị Nguyễn Tấn Hưng "đụng chạm !" Mà nếu lỡ có ai đó hờn giận vì một điều gì thì làm ơn xin bỏ qua giùm cho, cám ơn lắm lắm...

NGUYỄN TẤN HƯNG