Trịnh Công Sơn Vẽ Tranh
tại Montréal

Trịnh Công Sơn - par Nguyễn Trung

Năm 1992, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Việt Nam qua thăm thành phố Montréal. Trong hơn sáu tháng cư trú tại nhà những người em, Trịnh công Sơn đã đi loanh quanh thăm viếng từng đường gân thành phố, từng đọt cây bén xuân,từng cánh hoa mở hạ và từng búp tuyết khai đông. Một số thời gian còn lại, Trịnh Công Sơn vừa dành cho bè bạn vừa dành cho việc sáng tác. Khác với thường lệ, Trịnh công Sơn không viết một ca khúc nào trong suốt thời gian, anh hít thở không khí an hòa của Montréal. Màu sắc của cây cỏ, âm thanh của chim và người, đã rũ rê anh, bỏ hàng giờ ngồi trước gía vẽ. Một vài ngụm remi martin, ấm áp, một vài cú điện thoại thân tình, cùng với sơn cọ đã dẫn dắt anh lang thang cùng những hình ảnh, những suy tưởng chợt vung vãi, chợt cô đọng sống động trên mặt vải. 

Ngoài âm nhạc, Trịnh công Sơn đã đến với hội họa khác lâu. Có thể đây là kết quả sau những năm dài chơi thân cùng với những họa sĩ tài hoa Ðinh Cường, Trịnh Cung... Sự nghiệp mới này của Trịnh Công Sơn được gầy dựng sau năm 1975. Hiện nay, tại quốc nội, Trịnh Công Sơn đã hiển nhiên thành một họa sĩ bên cạnh nhiều tay cầm cọ khác.  Nhiều cuộc triển lãm của anh đã mở cửa để chào đón khách thưởng ngoạn. Và điều căn bản, là hình như tranh của anh đã được khá đông giới mộ điệu đón nhận. Trong một phòng tranh tại Tự Do Art Gallery,Sàigòn, hồi tháng 8 vừa qua,tranh của Trịnh Công Sơn đứng bên cạnh với những họa phẩm của Ðinh Cường, Bửu Chỉ. Nhận xét về tranh anh, Cô Long Nghi (cháu nhà văn Nhã Ca) viết trên báo Lao Ðộng:
" Mơ mộng và hư ảo, thế giới tranh của Trịnh Công Sơn là cuộc hội ngộ lý thú của màu sắc và âm thanh ngọt ngào, đầy huyễn tượng. Dư âm của nhạc pop trữ tình, giàu chất triết lý, cùng ký ức và tâm sự của đời sống nhạc sĩ lảng vảng trong không gian bán trừu tượng của Kiều Ca Kỹ, Cha Con Hát Xẩm, Bóng Thơ và kể cả bức tranh trừu tượng Thế Giới Ảo"
Trả lời một câu hỏi của nhà báo Phạm Thị Ngọc Liên:
- Ngoài sáng tác âm nhạc anh còn vẽ, vẽ rất nhiều. Phải chăng hội họa là một cõi trú khác của anh ngoài cõi trú âm nhạc?
Trịnh Công Sơn trả lời:
-Ðúng !Hội họa là Cõi Trú Thứ Hai của tôi, bên cạnh Cõi Trú Âm Nhạc. Khi ngôn ngữ và âm thanh bất lực thì màu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi.

Chúng tôi là những người thưởng ngoạn họa phẩm, gần như thuần túy bằng xúc cảm. Không quen xem tranh bằng đôi mắt giải thích, trước những công trình tạo hình của Trịnh Công Sơn, chúng tôi nhận ra đó là những bài thơ, hơn là những ca khúc.  Những bài thơ giàu đường nét, sắc màu và vô cùng bao la. Ngôn ngữ dưới nét cọ của Trịnh công Sơn rõ ràng có âm điệu hài hòa, điều này làm giảm được khoảng cách giữa họa sĩ với người thưởng ngoạn, ngay cả những họa phẩm trừu tượng của anh.

Giới thiệu sự việc Trịnh Công Sơn vẽ tranh tại Montréal, không có mục đích mời xem những tác phẩm hội họa của Trịnh Công Sơn, mà chỉ nói đến cái duyên của một tên tuổi trong giới sáng tạo Việt Nam có lưu lại một chút kỷ niệm với một thành phố lớn trên thế giới. Cái duyên này không phải chỉ dành riêng cho Trịnh Công Sơn, mà cái duyên văn nghệ còn dành cho thành phố Montréal của xứ sở Canada nữa.

Lê Bảo Hoàng

 

Xem Tranh Trịnh Công Sơn
từ Nguyễn Trung

 

Trịnh Công Sơn - Chân Dung

..."Trịnh Công Sơn đồng tuổi với Ðinh Cường, là người viết ca khúc lừng danh, khỏi phải nói. Hôm nay, chúng ta nói về Trịnh Công Sơn họa sĩ. Michel Ragon, nhà lý thuyết, người bênh vực nghệ thuật mới, nghệ thuật trừu tượng, có viết rằng trong thời đại chúng ta không còn những họa sĩ vẽ chơi (peintre du dimanche) nữa. Rất đúng với Trịnh Công Sơn. Anh mới vẽ một vài năm nay và đã trở thành họa sĩ thực thụ. Cung cách của Sơn khác hẳn của Ðỗ Quang Em. Ðỗ Quang Em có một cái gì vằng vặc không nguôi, còn Sơn thì lướt nhanh, trong sáng. Em là một khách lữ hành gánh nặng khổ đau. Còn Sơn là một kẻ hài nhi thơ thới nhẹ nhàng.
Hoặc nếu so với Ðinh Cường thì cũng là hai cung cách khác hẳn.  Ðinh  Cường là chất lãng mạn thâm trầm hồi tưởng, Sơn là chất lãng mạn hồn nhiên hiện tại. Cường là chất mơ mộng đầy tưởng tượng. Sơn là chất mơ mộng của tạo hình cụ thể : Bốn chân dung Michiko, hai chân dung của Trịnh Công Sơn và nhất là bức chân dung ngậm pip của Trịnh Công Sơn. Ánh sáng, chất sơn của Sơn là chất kim loại là ánh thép, ánh bạc. Của Ðỗ Quang Em là chất đất. Còn Cường là chất thảo mộc. 

Có thể nói triển lãm này là điểm hội tụ của ba hành: Kim, Thổ, Mộc 

Nguyễn Trung
(Phòng Tranh Ðinh Cường, Ðỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn:
Sự Phối Hợp Thú Vị Của Ba Tính Chất Khác Nhau)

  


 

Trịnh Công Sơn - Nhật Nguyệt

 

Trịnh Công Sơn - Tĩnh Vật

 

Trịnh Công Sơn - Bohemian

 

Trịnh Công Sơn - ngày ở Montréal