bản tin:

 

Buồn Xưa Bây Giờ

Thụy Khanh

 

Tập thơ của nhà thơ nữ Thụy Khanh , do Văn bút Việt Nam tại Québec, nhóm Việt Thường,tạp chí Nắng Mới, Gia Ðình Trưng Vương tại Montréal tổ chức ra mắt vào lúc 7 giờ tối ngày01 tháng 8 năm 1992 tại trung tâm sinh hoạt De La Peltrie. 

Trong phần giới thiệu tác gỉa, bà Nguyệt Minh, chủ tịch gia đình Trưng Vương tại Montréal, cho biết : tác gỉa vừa từ Paris đến. Chị là cựu học sinh Trưng Vương Sàigòn, đại học Ðà Lạt và là cựu tiếp viên phi hành cho hàng không VN cho đến 1974, sau đó theo học đại học luật khoa Saint Maur (Pháp).   Thi phẩm Buồn Xưa Bây Giờ là tập thơ đầu tay của tác gỉa, ấn hành tại Pháp năm 1990 vừa được tái bản. Ngỏ lời với khách tham dự, qua câu hỏi của ca sĩ Nguyên Ngọc " Lý do nào khiến Thụy Khanh lặn lội đến Montréal ra mắt tập thơ BXBG ?", Thụy Khanh nói:

"Tôi đi tìm một bóng dáng của hạnh phúc. Mà hạnh phúc xa vời quá, mông lung trong ảo tưởng, nên tôi chỉ dám ước mơ bóng dáng của hạnh phúc mà thôi. Hạnh phúc phải chăng là một vòng tay rộng mở, là yêu thương ân cần trao gửi, là những tấm lòng như tôi đã gặp ở Montréal"

Và để đáp lại những tấm lòng yêu văn chương chữ nghĩa, cũng như mến Thụy Khanh của quan khách, bạn văn, Thụy Khanh ngâm hai bài thơ trong tập BXBG.

Khách phương xa góp giọng hát trong buổi ra mắt có anh chị Giang phu nhân của họa sĩ Nghiêu Ðề, từ San Diego Hoa Kỳ. Phan Ni Tấn, từ Toronto Canada.

" Hỡi ơi một thoáng dư hương cũ
Bỗng chập chùng xô động tháng ngày..."

là hai câu thơ của Thụy Khanh, có lẽ đã nương theo giọng của chính tác giả theo về với một số quan khách đêm hôm đó.

Thanh Phương (ghi)

 

Buồn Xưa Bây Giờ, Thụy Khanh

Tuổi Trẻ Hải Ngoại, Một Thế Hệ Hoài Cổ
Ngọc Khôi

 

Người có băng mình trong gió sớm
Hồ cừu y có đẫm sương khuya
Ta về cúi mặt nghe xa xót
Dặm đường đâu mái lá ngăn che

Lần dở Buồn Xưa Bây Giờ, cái cảm tưởng đầu, đến rất nhanh về một Chinh Phụ Ngâm thời đại, về một điều gì đó rất đẹp, rất cổ, đầy nhớ nhung nuối tiếc, lại càng rõ rệt, được minh chứng thêm bằng những dòng thơ Ðường có vẻ đẹp của cổ thi :

So đàn tưởng khúc thiên thu hận
Cạn chén hoài âm vạn cổ sầu

hoặc những dòng thơ tám chữ, phảng phất vẻ đẹp tiền chiến :

em đến bên tôi bước nhỏ ngập ngừng
hồn dã thảo thơm thơm mùi vở mới

Vội đọc lại từ đầu, đọc hết, lại bàng hoàng về những dòng thơ khác, mang những nét đẹp rất 70

Ôi những ngón tay dài cho đời anh lận đận
mắt nai buồn rung nỗi nhớ trong tim

hoặc

Ta vẫn đợi cho dù người không hẹn
Primevères vẫn nở giữa đêm tàn

và mới:

Chúng nó trói chặt đôi tay anh
những đường máu tươi làm nhức buốt
thân mình
môi héo khô anh nhìn bức rào ngăn
sự sống cùng cõi chết
những chấn song
kéo dài thành bức tường ô nhục
anh lao mình vào cuộc thánh đố

Và như thế, xác nhận lại cái cảm tưởng đầu tiên : thơ Thụy Khanh cổ, nhưng không cổ kính. Cái hoài cổ đứng từ một vị thế hôm nay, của một người hôm nay. Ðọc gỉa trẻ cầm Buồn Xưa Bây Giờ không thấy có gì xa lạ. Mà gần gũi. Những dòng thơ phản ảnh lại được nhiều khía cạnh của một tâm hồn trẻ, trong đó có khía cạnh hoài cổ.
Như thế, thơThụy Khanh là một dòng thơ trẻ, và người trẻ có quyền chờ đợi ở Thụy Khanh nhiều điều mới mẻ hơn, lạ lùng hơn những vẻ đẹp đã biết, không còn là cái u hoài rưng rức cổ thi một thời

Ai chỉ trăng thề vung kiếm thép
Ta sầu kinh sử ngọn đèn khuya

Mà có thể là:

Bài Hành Ca sông núi
Khởi từ câu hát ru

Gấp lại Buồn Xưa Bây Giờ, tôi còn yêu nhất những dòng thơ đẹp rất Thụy Khanh của Thụy Khanh, và sẽ không bao giờ là một ai khác:

Ðâu rồi con phố hàng soan thắm
Trời ba bữa nắng bốn đêm mưa

Những dòng thơ sẽ:

Hỡi ơi một thoáng dư hương cũ
Bỗng chập chùng xô động tháng ngày

 Ngọc Khôi
(trích Nắng Mới số 4 tháng 1-1992)