Phòng Tranh Võ Ðình
tại Montréal

 

bản tin:

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm sinh hoạt văn học nghệ thuật của họa sĩ kiêm nhà văn Võ Ðình, giới cầm bút cùng cộng đồng Việt Nam tại Montréal, đã tổ chức triển lãm tranh Võ Ðình tại Les Jardins du Boisé, số 6150 Ave.Du Boisé Montréal. Phòng tranh mở cửa lúc 2 giờ trưa ngày 27 tháng 6 năm 1992.

Sau nghi thức chào cờ mặc niệm, nha sĩ Nguyễn văn Cường, thay mặt ban tổ chức chào mừng quan khách. Tiếp theo, ông Nguyễn tấn Khang giới thiệu sơ lược về họa sĩ Võ Ðình:

Là một sinh viên du học tại Pháp từ năm 17 tuổi, Ông Võ Ðình Mai tốt nghiệp hội họa. Trong 35 năm qua ông đã triển lãm ít nhất 34 lần, và từng đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế. Ông còn là tác gỉa nhiều tác phẩm phê bình hội họa, truyện ngắn, dịch thuật...


Nhà thơ Ðỗ Qúy Toàn giới thiệu họa phẩm của Võ Ðình qua đề tài :" Chim bay - Sen nở - Trăng tròn".  Vì có sự thay đổi ý kiến bất ngờ của vài ba nhân vật thuộc ban chấp hành cộng người Việt, nên phòng tranh không đạt được mong muốn của ban tổ chức.

Nguyệt Minh ghi


Bài đọc thêm :

1.Vài Nhận Xét Về Tranh Võ Ðình:

* Thượng tọa Thích Nhất Hạnh :

...." sự thành công của Võ Ðình trong công trình phổ quát cái đẹp, của chất liệu nghệ thuật anh sẽ chính minh được khả năng của sự dung hợp cá tính Việt trong nền văn hoá đại đồng của nhân loại..."

* Nhà văn Doãn Quốc Sỹ :

..."Võ Ðình vẽ tranh hay làm mộc bản cũng vẫn tinh thần ấy - tinh thần Võ Ðình - với những thao thức chất chứa , những đau khổ dằn vặt, những hy vọng lung linh, những ước vọng cỏi trời rộng mở. Nghệ thuật Võ Ðình là tiếng nói lớn của những thao thức, những dằn vặt, những hy  vọng, những kỳ vọng đó thể hiện thành màu sắc, đường nét, hình khối..."

2. Võ Ðình Nói Về Hội Họa

.......

...hội họa vốn là một nghệ thuật được thưởng thức, trước hết, với hai con mắt. Một họa phẩm là để mà nhìn, mà xem, không phải để mà nói...

...đến như văn, thơ, đã là nghệ thuật của ngôn ngữ, nhạc đã là nghệ thuật của âm thanh, vậy mà còn phải dùng ngôn từ để phân tích, lý giải. Ðến như chữ vô ngôn của nhà Phật , vốn đã "không lời" vậy mà vẫn còn được "nói" lên ! huống hồ hội họa, hay điêu khắc, hay kiến trúc.Những nghệ thuật của đường nét , hình khối, màu sắc. Cũng như trong các địa hạt tâm linh, tình cảm , và nghệ thuật khác,
nói chẳng qua là để vượt lên trên , đi quá cái nói, để đi đến cái ý, cái cảm. Nói về hội họa cũng là chỉ để vượt lên trên cái nói, để đi đến cái thấy. Dẫu cái thấy ở hội họa không phải không phải là cái thấy thông thường : cái thấy hội họa bao trùm kỹ thuật, hình tượng,tư tưởng, cảm xúc,vv... Dẫu dù nói về hội họa là một sự bất khả. Bất khả mà vẫn cứ phải nói. Cũng bởi vì đi quá ý niệm về hiện tượng hội họa.-  chúng ta có thể nói về hội họa như một thứ ngôn ngữ.

Chúng ta thường nói hội họa là một nghệ thuật của  nét, khối, và màu, tức là nói về hình ảnh của hội họa . Hay hội họa là nghệ thuật bố trí tung hoành trong một không gian hai hay ba chiều, tức là nói về bút pháp hội họa. Hay hội họa là nghệ thuật sử dụng những chất liệu như vải, giấy, sơn,mực, vv..tức là nói về kỹ thuật hội họa. Nói như thế vẫn chưa đủ.  Tất cả những yếu tố đó gộp lại mới chỉ làm nên hình trạng của hội họa. Chưa phải là chân chất, là thể tính của hội họa. Chúng ta cần có một định nghĩa khác, một định nghĩa bao quát mà thâu tóm, một định nghĩa mới cho hội họa.

Hôm nay, ở đây, một họa sĩ Việt nam suốt đời lăn lóc lao đao với hội họa, suốt đời tìm kiếm một con đường khai phóng cho "Hội-Họa-Gọi-Là-Việt-Nan", chúng tôi xin mạo muội đưa ra một định nghĩa : Hội họa là tất cả những gì đã nói trên.  Nhưng nói cho cùng, nói cho rốt ráo, hội họa thật ra là một ngôn ngữ, một ngôn ngữ của thân tâm.

Tiếng Hán có câu :" Ngôn Vi Tâm Thanh" nghĩa là: "tiếng nói lá cái tiếng của tâm"(1). Tâm ư ? đó là chuyện đã đành Cách đây 500 năm, thiên tài Ýđại lợi Leonardo da Vinci đã có  nói: " Hội Họa là một vận dụng của trí tuệ"(2). Năm thế kỷ trước đó , đại thi hào kiêm đại họa sĩ Tô Ðông Pha đời Tống cũng đã có nói:"Hội họa là để diễn tả cái tâm tình"(3). Ðông,Tây,Kim,Cổ đều xem hội họa như một thế giới của tâm. Xin qúi vị hiểu cho chữ tâm ở đây trong nghĩa tâm hồn, tâm linh, tâm tình, tâm tư,
tâm tưởng...vv không trong nghĩa Tâm của nhà Phật, vốn mang một ý nghĩa siêu quát và nhiệm mầu vô vàn.

Tâm ở đây không phải là chỉ lòng dạ, là cảm xúc, là ưu tư, Tâm ở đây còn có nghĩa là ý tưởng , ý chí, là ý niệm, ý thức.

Vương Duy hay vẽ núi, chẳng phải vì ông yêu thích cái cảnh mây trời bát ngát, mà còn vì, mà chính vì trong cõi thiên địa mông lung ông vẽ ra được con đường Chân Như. Tô Ðông Pha ưa vẽ tre không phải chỉ vì nhà ông dựng bên sườn núi có nhiều tre, nhiều trúc, cũng chẳng phải vì cây tre như trong câu "Tùng Cúc Trúc Mai" tượng trưng cho tiết tháo của ngưởi quân tử . Ông vẽ tre còn vì ông muốn đả phá lối vẽ tô điểm, lối vẽ kể chuyện, còn vì ông muốn đề cao đường lối người Trung Hoa thời trước gọi là "Văn Nhân Họa".

Nói một cách khái quát, hội họa vốn từ xa xưa đã được xem như một ngôn ngữ của tâm, như văn, như thơ, như nhạc. Chân chất của hội họa chính là một môi trường biểu hiện của con người trong vũ trụ. Không phải, như có người vẫn tưởng lầm, một thứ "nghệ thuật" hàng hai, có tính cách trang trí, tô điểm, có tính cách vuốt ve, mua vui, khêu gợi những tình cảm vụn vặt, vỗ về những ước mơ tầm
thường. Hội họa lại càng không phải, như có người nghĩ, một thứ "thế giới đóng kín" trong đó người nghệ sĩ có thể "sống biệt lập"(4).

Phương thức thực hiện và biểu hiện có khác nhau, tác dụng tâm linh tình cảm có khác nhau, nhưng hội họa, như văn, như thơ, chính là một "ngôn vi tâm thanh" . Ấy vậy mà hôm nay, trước qúi vị đồng hương, trong hoàn cảnh xa xứ , chúng tôi, một họa sĩ Việt nam xin thưa: Hội họa không chỉ là một ngôn ngữ của tâm, hội họa còn là một ngôn ngữ của thân nữa. Chúng ta xin nhại lại câu của người xưa mà nói rằng :"Họa Vi Thân Tâm Ảnh". Họa là hình ảnh, bóng dáng của thân tâm.

Thân đây thưa qúi vị , là không gì khác hơn chính là thân xác là thân thể, thân hình, với xương gân da thịt, với tâm can phế thận, với hệ thống thần kinh, tuần hoàn, tiêu hóa, với tấ cả những tế bào... Hội họa đã đành là ngôn ngữ, của cái tâm chúng ta nói đến trên, hội họa cũng là ngôn ngữ của cái thân chúng ta vừa nói đến bây giờ. Ðó là một sự kiện, một hiện tượng mà Tây phương của tiền bán thế kỷ
XX đã ý thức trong khi Ðông phương lại quên lãng đi.

Hậu quả là ngày xưa ở một góc Thái bình dương, bên kia địa  cầu, tại một cái nước gọi là "nhựơc tiểu", lại có một trường mỹ thuật Hà Nội , ở đó người Pháp "bảo hộ", ra công dạy dỗ cho đàn con em
"thuộc địa" những công thức của một nền hội họa vốn xem trọng "thực tại khách quan" như một chân lý. Trong khi ấy,ở tây phương, những nghệ sĩ tiến bộ nhất lại đã ý thức hội họa như một biểu tượng
sâu thật của xương tủy và não cân của chính người nghệ sĩ. Nghĩa là một ý thức đã có mặt ở đông phương từ đời Tống, đời Ðường, trên dưới 1000 năm về trước.

Ðề tài chính không còn là câu chuyện, là hiện tượng khách quan. Ðề tài chính là hình tượng của tác phẩm. Mà hình tượng trong lãnh vực hội họa, khác với thơ, văn hay nhạc, là một hiện tượng có  vị trí trong cả không gian và thời gian. Trong chiều hướng ấy, nghệ thuật Vũ (Vũ trong nghĩa vũ khúc cổ điển, ballet classique,  choreography, cũng trong nghĩa Vũ là võ thuật, như võ Thiếu lâm, võ Bình Ðịnh..vv..)gần gũi với nghệ thuật họa hơn. Vì Vũ cũng  thường đi với nhạc, vốn là một nghệ thuật của thời gian, nhưng bằng vào những động tác và tư thế đặc thù của mình. Vũ chiếm cứ không gian và lấy không gian làm môi trường biểu hiện.

Một tác phẩm hội họa xứng đáng với tên gọi của nó là một ngôn ngữ chúng ta phải đọc, đọc như đọc thơ, đọc văn, đọc nhạc. Mà đã nói đọc, tức là nói tiến trình, nói thời gian . Ðồng thời , tự  thân của tác phẩm hội họa cũng là một thực thể . Mà đã nói thực thể tức là nói không gian. Thời gian - không gian, đó chính là môi  trường hiện hữu của thể tính hội họa. Nói như thế không có nghĩa khẳng định một nghệ thuật thời gian như Thơ là một nghệ thuật thấp (hay cao) hơn. Ở đây không có việc đánh giá có tính cách võ đoán , nếu không nói là phi lý và ngu xuẩn ấy. Ở đây chúng ta chỉ nói đến hội họa như một nghệ thuật không những của tâm mà cũng của cả thân - trong mục đích nhận định và lĩnh hội.

Nhà thơ Vương Duy đời Ðưòng, thế kỷ VIII , thường được người đương thời xưng tụng là "Thi Phật", cũng là tổ sư của họa phái Nam tông, đã có nói : " ý niệm về hình tượng sinh động và uyển chuyển là động cơ thúc đẩy và dẫn dắt bút thế vậy' (5). Mười hai thế kỷ sau, học gỉa mỹ học Anh cát lợi, Sir Herbert Read cũng có viết:
"Những tác phẩm mỹ thuật là những công trình có thực thể và thực tại.Chúng có thể tiềm tàng những xúc cảm riêng tư, chúng có thể mang một bộ mặt hoặc thiện hoặc ác, hoạc bi hoặc hài, nhưng những
biểu hiện này không phải là cái nội dung chúng ta có thể đem ra mà kiểm xét. Cái mà chúng ta có thể kiểm xét được là những hình tương tự chúng đem lại cho ta một ý niệm của hiện hữu, một thực tại, đúng hơn, một 'mảnh' thực tại , được cấu tạo bởi bàn tay con người"(6)

Chúng ta phải cẩn thận đừng đồng nhất cái thực tại của một họa phẩm trong không gian (ví dụ sơn, vải, giấy, mực, kích tấc dọc ngang) với thực tại mà Vương Duy và Sir Herbert nói trên đây. Thực tại này là hình tượng (Pháp ngữ là forme, Anh ngữ là form) trong họa phẩm. Và hình tượng chỉ có thể biểu hiện trong không gian, như một biến thể của thân xác người nghệ sĩ.

Ðến ngang đây, chúng ta hãy lưu ý đến một khía cạnh khác của hình tượng "thân" này. Cũng vì có thân tâm nên mới có hình tượng, cho nên ngược lại, hình tượng có khả năng gợi cảm sâu xa đối với thân tâm. Cứ lấy một nét vẽ, một nét mà thôi , làm ví dụ. Tất cả những dạng thái của nét này như ngắn hay dài , thẳng hay cong , gãy gọn hay sắc bén, từ tốn hay hối hả...có mảnh lực khêu động ở chính thân tâm người đọc và xem tranh những xúc cảm tương đương. Nói là tương đương nhưng những xúc cảm đó lại độc lập với bối cảnh của nét vẽ đó, tức là đề tài.   Một nét vẽ đẹp mà còn như thế, huống hồ toàn bộ một bức họa - xin nhắc lại, một bức họa xứng đáng với tiêu chuẩn mỹ thuật - vốn là một
hệ thống thiên hình vạn trạng của bao nhiêu đường nét, bao nhiêu màu sắc , bao nhiêu hố sâu, bao nhiêu mặt phẳng...Cấu tạo hội họa, và lĩnh hội, đúng mức, là đi tới hội họa với tất cả con người vậy.

Cách đây mười mấy năm, chúng tôi có thực hiện một cuộc triển lãm ở đại lộ Madison ở Nửu Ước, và được một thiền sư Việt nam đến thăm phòng tranh. Sau đó , ông có viết ..."Tôi đi trong phòng triển lãm (...)mà chân không dám bước mạnh vì sợ làm đau những đường nét (của người họa sĩ), Tôi đi trong hồn anh và tự nhiên tôi trở thành thận trọng, bởi vì tôi thấy đường nét và mầu sắc chính là tim óc, thần kinh, và tế bào của người nghệ sĩ...(7). Trong mấy năm sau đó, mỗi lần nhớ tới đến mấy giòng chữ ấy của vị thiền sư , chúng tôi lại mỉm cười một mình. Lời văn của ông thật đẹp, nhưng có chút gì quá văn hoa, quá tượng trưng, nếu không nói là bay bướm ! Rồi cuộc đời đưa đẩy, chúng tôi được sống qua một vài kinh nghiệm đáng gọi là dị thường. Một vài kinh nghiệm có tác dụng lay chuyển tận gốc rễ một số nhận thức và ý niệm của chúng tôi. Chợt đến như một tình cờ đọc lại những giòng chữ trên của vị thiền sư, chúng tôi mới chưng hửng thấy rằng quả thật có như vậy.Ðường nét và mầu sắc , chính là tim óc thần kinh ! Trong một nghĩa thực tại , không hoa hoè hoa sói gì cả. Thế mà xưa nay chúng tôi cứ nghĩ rằng hội họa , vốn là cái nghiệp tay phải của chúng tôi, chỉ là một vận dụng của trí tuệ và tâm tình. Nghĩ như Leonardo da Vinci.Nghĩ như Tô Ðông Pha.

Có thể chúng tôi lầm, hay hiểu một cách hạn hẹp những lời nói của các ngài đại danh họa tiền bối, các họa thánh, họa tổ này. Có thể lắm.  Nhưng dẫu sao đi nữa, vấn đề được đưa ra hôm nay vẫn còn nguyên vẹn.  Nguyên vẹn vì chúng tôi ao ước rằng : nhận định hội họa như một ngôn ngữ của thân tâm, có thể đem lại một nguồn sinh khí cho nghệ thuật tạo hình Việt nam tự do. Một nguồn sinh khí vốn đã róc rách chảy sâu trong cái "Ðạo" của Ðông Phương cổ truyền.

Võ Ðình
Hội họa:Một Ngôn ngữ của Thân Tâm
(Sao Có Tiếng Sóng...Văn Nghệ/USA 1991)

  1. Ðào Duy Anh, Hán Việt Tự Ðiển, Trường Thi
  2. Người viết đọc thấy câu Pháp văn : "La peinture est une chose de l'esprit"  đã lâu lắm không nhớ xuất xứ.
  3. Lâm Ngữ Ðường (Lin Yutang) The Chinese Theory of Art, New York : Putnam 1967
  4. MaiThảo điểm sách Xứ Sấm Sét của Võ Ðình, Ðất Mới số 115, 5-10-80
  5. Lin Yutang, sđd
  6. Herbert Read, The Forms of Things Unknown, Meridian Book World Publishing Co 1963
  7. Nhất Hạnh - Doãn Quốc Sỹ , Recent Works by VoDinh, monogy.. Suzuki Graphics & Margo Feiden Galleries, New York 1972

 


Tin bên lề phòng tranh Võ Ðình
tại Montréal

Ðộng Ðất Ở Montréal ?
Hồ Sơ Khủng Bố Văn Nghệ Sĩ Tại Montréal
Thực Chất Của " Sự Cố Montréal"
Khủng Bố Trong Một Chuyến Ði
Cơn Bão Trong Tách Trà
Montréal: Lại" Bên Lở Bên Bồi"....

Trên đây là một số tựa đề trong nhiều bài viết, đã được các báo chí Việt ngữ đăng tải, sau ngày cuộc triển lãm của họa sĩ Võ Ðình, kết thúc không vui vẻ.

Cuộc sinh hoạt:

"Kỷ niệm, chúc mừng 35 năm :Vẽ, Viết, Ðọc, Nói... của Võ Ðình" rơi vào mùa làm tình của lá hoa chim sóc... Montréal . tháng 6.năm 1992. Phòng triển lãm của họa sĩ Võ Ðình được khởi xướng, tổ chức bởi anh chị Phạm Nhuận và một vài vị hành nghề Y sĩ. Ban chấp hành của cộng đồng người Việt vùng Montréal, cũng được mời vào ban tổ chức cho "Sinh Hoạt Võ Ðình". 

Diễn tiến trước ngày khai mạc : thuận lợi. 

Nhưng trước giờ mở cửa, không lâu, chuyện đáng tiếc có màu sắc chính trị xảy ra .

Tiếc cái gì ?

Xin lượm ra, (Ðại ý), một vài cái tiếc mà " Nhân vật chính của không khí Montréal ngày hôm đó" tâm tình qua " thư cho một hoạ sĩ trẻ ":

  1. Người yêu tranh không mua đươc tranh vì tranh đã "bị" mua hết
  2. Người muốn mua tranh chê mặt bằng của vải, của khung không đủ  kích thước thích hợp.
  3. Người mua tranh không dám tiết lộ danh tánh, dặn dò giữ kín, ngại bị đẩy sang hàng ngủ thân cộng, hoặc bị bôi nhọ, khủng bố tinh thần dưới nhiều hình thức tinh vi, chỉ hơi có phần không được sạch sẽ.
  4. Những bạn văn, bạn thơ chí tình , vì để cho sinh hoạt trôi chảy đã ngậm ngùi không đến dự, dù đã đang có mặt cận kề
  5. ....

Bên cạnh những cái tiếc dễ thương như vậy, còn có cái tiếc lớn hơn chút đỉnh, mời đọc câu trích dẫn sau đây của nhật báo Người Việt Hoa Kỳ: 
"....Do diễn tiến đáng tiếc nói trên, Cộng đồng người Việt tại Montréal đã bỏ mất cơ hội nghìn năm một thuở để trở thành "cộng đồng yêu chuộng văn hoá"

ghi chú: Rất may, sau chấn động này, số lượng người có lòng với văn chương,nghệ thuật hình như đã tăng thêm, có lẽ nhờ được đánh thức, nhờ được thấy ra những kẻ đố kỵ ,tị hiềm, lợi dụng chính trị, để làm yếu sinh hoạt của  người Việt tại Montréal, vốn được nhiều nơi thưởng thức.

Cuộc sinh hoạt dành cho Võ Ðình tại Montréal qui tụ được thành phần văn  giới, nghệ sĩ thận mật qua danh sách hiện diện:

Văn giới chủ nhà đón khách có:
   
Nguyễn Ðông Ngạc, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Song Thao, Ðỗ Qúi Toàn, Lê Tấn Lộc, Hồ Ðình Nghiêm, Lưu Nguyễn, Võ Kỳ Ðiền, Phạm Nhuận, Nguyễn Hữu Chung, Trần Nhã Nguyên, Lê Quang Xuân, Trang Châu,

Bạn văn từ California có :
   
Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Vũ Thùy Hạnh, Thân Trọng Mẫm, Phan Tấn Hải, Phạm Việt Cường, Khánh Trường, 

Bạn văn từ Washington D.C có:
   
Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Tường Giang, Ngô Vương Toại, Ô Bà Lê Văn, Ô Bà Phó Ngọc Văn, Ô Bà Trương Vũ,

Bạn văn từ New Jersey có:
   
Lê Văn Lân, Nguyễn Tường Giang,

Bạn văn từ Boston có:
   
Trần Thị Kim Lan, Chân Phương, Nguyễn Trọng Khôi,

Bạn văn từ Toronto có:
   
Phan Ni Tấn ND, Phạm Ðình Cường, Trân Sa, Nguyễn Khoa Diệu Phương, Tư Ðồ Tuệ, Hà Vũ Trọng, 

Từ Pháp: 
    Kiệt Tấn (đến từ trước)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Việt Nam) có mặt trong thời gian này, nhưng không tham dự.

Mặc dù với quyết định ban đầu "để tránh khó xử với hoạ sĩ kiêm nhà văn Võ Ðình , và để cho buổi sinh hoạt văn hoá này không bị ảnh hưởng" các bạn văn không ghé phòng triển lãm. Thật ra sau khai mạc nhiều giờ. lẻ tẻ từng nhóm đã có ghé qua phòng tranh. Và phải nhìn nhận rằng không khí rình rập, chực chờ để khủng bố đã thấy xẹp xuống vào những giờ cuối ngày. Riêng đêm Trầm Hương hầu hết không tham dự, bạn văn sống với cái vui lâu ngày gặp nhau : nhậu ! Ðương nhiên, một số ít từng có quen biết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ghé thăm anh tại nhà một nhạc sĩ khác.

Lê Bảo Hoàng

 

Vài họa phẩm mới của Võ Ðình:

 

 

tháng 3/2000

 

Chim và Ðá

 

họa sĩ Võ Ðình (áo đen) tại phòng tranh ÐinhCường

 

tiếp bạn phương xa tại một khách sạn
LNguyễn, HDNghiêm, LHoán, ÐinhCường, NgôVươngToại