Trình Làng Cái Tôi
 

 Tôi không là một nhà văn hóa lỗi lạc. Không là một chính trị gia, hay một nhà quân sự có cấp bậc cùng chức vụ cao. Tôi cũng không là một ai khác. Tôi chỉ là một người ham chơi thơ, làm thơ trong suốt cuộc chơi tự nguyện. Theo tôi, bất cứ ai đã ra đời, đã làm người, đều có thể ghi lại những năm tháng sống của mình, nếu cảm thấy thích thú. Ông vua Bảo Đại, Ông thương gia Nguyễn Tấn Đời, các ông tướng Trần Văn Đôn, Nguyễn Cao Kỳ, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mậu...ông nhạc sĩ Phạm Duy, ông họa sĩ Bùi Xuân Phái...vân vân và vân vân, đã viết hồi ký. Đó là chuyện bình thường, chẳng phải là một phong trào. Tất cả các hồi ký đã được viết, được ấn hành đều nghiêm túc và chuyên chở nhiều mục đích của người viết.

QUÁ KHỨ TRƯỚC MẶT, cũng không thiếu nghiêm chỉnh, dù mục đích, đương nhiên nhỏ nhoi hơn, chỉ bao gồm trong các điểm:
Một là, để trắc nghiệm trí nhớ của mình, khi số tuổi đời đã đủ xếp vào loại già. Đây cũng là một phương pháp tập thể dục trí não tốt, chắc chắn mang lại nhiều kết quả khả quan.
Hai là, làm một món quà, kỷ niệm ngày chính phủ quốc gia Canada, gởi lần đầu tiên khoản tiền, nuôi suốt những năm tháng sống còn lại, cho một người đã sống trên đất nước họ 20 năm và đã mang quốc tịch, làm công dân của quốc gia họ 17 năm +.
Ba là, một cách tiêu thì giờ được nhận thêm của cuộc sống một cách không lãng xẹt.
Bốn là, đánh dấu cụ thể sự hiện diện của mình trong cuộc đời, để kiếp sau trở lại, tìm đến, sống tiếp, làm tiếp những gì mình chưa thực hiện được.
Ngoài bốn mục đích chính trên, có thể còn có một số lẻ tẻ nữa, ví dụ để làm giàu thêm danh sách những gì mình đã viết, để khoe khoang một chút gì đó vv...
Điểm đặc biệt trong QUÁ KHỨ TRƯỚC MẶT là thiếu mạch lạc, diễn tiến không mấy ăn khớp với đường đi thường tình của tháng năm cùng những nguyên tắc nên có của một cuốn hồi ký. Vì thế, tôi gọi đây là hồi ký rời, với từng đoạn tùy hứng.

QUÁ KHỨ TRƯỚC MẶT cũng không có văn phong văn học. Câu văn có giản dị và cũng có màu mè, làm dáng, lây nhiễm từ cái bệnh làm thơ đã lâu năm. Nói gọn: đây như là một cuộc kể chuyện với rất nhiều vụng về. Đang thuật lại chuyện “đời xưa” có thể chen ngay vào đó những cảm nghĩ, cảnh sắc đang có trong khi viết. Hoặc lợi dụng trích dẫn những bài thơ, một số hình ảnh (quá nhiều như một album) nhằm mục đích nhấn mạnh những chuyện, những nơi mình rất tâm đắc và vẫn còn nhiều quan tâm, mà chính những dòng hồi ký vẫn chưa thấy là đủ.

Cuối cùng, nói dông dài như trên, thật ra chẳng để làm gì, ngoài việc thực hiện cái thường thường hay có của một cuốn sách là lời vào tập, lời nói đầu vv...như một cách làm duyên
Xin cảm ơn các nhân vật, các cảnh vật, các động vật...có mặt trong những những hồn chữ tôi, bởi qua tất cả những nguồn hình ảnh, tôi thấy lại chính mình. Đây chính là một xảo thuật để sống lại thời đã qua, bằng cặp mắt, bàn tay của một người già, nhìn lại cảnh cũ, người xưa với tâm hồn, và nghĩ suy trẻ thơ.

thân tình, 


Luân Hoán