Lâm Hảo Dũng,

như một cụm Mây Viễn Xứ

 

Nguyên Nghĩa

 

 

Cái duyên đưa đẩy tôi đến với thơ Lâm Hảo Dũng và cá nhân anh bắt đầu từ những năm 60, thời tôi còn học Trung học.

Nhà tôi ở Sài-gòn nên hầu hết những nhà thơ trong nhóm Hồn Trẻ 20 đã mượn địa chỉ tôi để hẹn gặp nhau hoặc để nhận thư từ, sách báo. Nhóm Hồn Trẻ 20 chúng tôi lúc đó gồm các bạn thơ: Vũ Ngọc Đức (bút hiệu khác: Phan Bảo Quân), Trầm Mặc Nghệ Thế (nay ký tên thật Lý Thừa Nghiệp, ở Úc), Phù Sa Lộc (bút hiệu khác: DNS Thủy Thảo), Lệ Lệ, Triều Phượng Dung, Trần Tử Lan (nay ký tên thật Lâm Hảo Khôi, ở Úc), Thương Tử Tâm (nay ký tên thật Đặng Phước Đức, ở Mỹ), Khánh Xuyên, Trần Kiêu Bạt (xin nói rõ thêm: Trần Kiêu Bạc là một người khác), Hồng Diễm (ở Mỹ), Song Thương, và tôi. Đa số họ lớn lên ở Sóc Trăng (tức là tỉnh Ba Xuyên trước 1975).

Tôi gặp anh Lâm Hảo Dũng lần đầu tiên khi anh ghé nhà tôi để hỏi địa chỉ anh Lệ Lệ bên quận 6, là nơi anh Lâm Hảo Khôi – em ruột anh Lâm Hảo Dũng – đang tá túc. Tôi còn nhớ rõ, lúc đó anh Lâm Hảo Dũng mặc quân phục. Trong khi tiếp chuyện, tôi cứ phải ngẩng cổ lên vì anh thì cao lớn còn tôi nhỏ con (cho đến 18 tuổi tôi vẫn chưa “nhổ giò”). Nét mặt anh nghiêm quá, không thấy cười, khiến tôi… tự nhiên nhát…

Tôi được biết, thời đó anh Lâm Hảo Dũng trong nhóm Cung Thương Miền Nam, cùng với các nhà thơ Trần Phù Thế, Lưu Vân, Triệu Ngọc, Nguyễn Lệ Tuân, Trần Biên Thùy… Thời đó anh ký bút hiệu Mây Viễn Xứ, có lẽ do cảm xúc từ cuộc sống tha phương của chính anh.

Ta lữ khách bỏ nhà đi rất sớm

Thuở đôi mươi chân dẫm nhẹ trường đời

(LHD – Hương đồng cỏ nội)

Tôi rất thích cái bút hiệu Mây Viễn Xứ của anh. Nghe thi vị và khiến hình dung ra cuộc sống phiêu bồng cùng với lòng hoài niệm cố hương.

Lúc đầu tôi không rõ anh thuộc binh chủng nào đơn vị nào. Sau này tôi mới biết anh phục vụ trong binh chủng Pháo Binh, đóng ở Pleiku, thuộc quân đoàn 2. Tôi hoàn toàn không ngờ là về sau, tôi cũng vào quân đội và cũng phục vụ trong binh chủng Pháo Binh. Sau khi rời trường Bộ Binh Thủ Đức và trường Pháo Binh Dục Mỹ, tôi ra đơn vị là tiểu đoàn 212 pháo binh thuộc sư đoàn 21. Bộ Tư Lệnh tiền phương sư đoàn đóng ở Vị Thanh, tỉnh Chương Thiện.

Hậu cứ tiểu đoàn 212 ở Sóc Trăng, sát bên phi trường, gần quân y viện Trương Bá Hân.

Sóc Trăng là sinh quán của anh Lâm Hảo Dũng, anh Lâm Hảo Khôi và nhiều bạn thơ khác trong nhóm Hồn Trẻ 20.

Có lẽ do sự trùng hợp ngẫu nhiên đó khiến tôi nhạy cảm với thơ Lâm Hảo Dũng, nhất là những bài ít nhiều liên quan đến cuộc đời trận mạc, đến những địa danh miền tây cũng đã trở thành quen thuộc với tôi thời lửa đạn. Chẳng hạn một số bài tiêu biểu:

Ta biết anh hùng xưa uẩn thác
Lăng Mai xuân Thưởng khói chưa tàn
Chiến tranh mang những người đi trước
Hồn lại đầu thai lộn xuống trần
Bỗng chốc say đời đi đánh trận
Bần nông một thuở Bắc Bình Vương
Ô hay tráng sĩ trên yên ngựa
Cũng chết mơ hồ bởi Ngọc Hân.

(LHD – Cảm khái khi v
ề núi)

 

Ai có về ngang vùng Bốn xưa
Xuống phà quá bộ đến Cần Thơ
Qua cầu Cái Khế về bên trái
Có thấy tim đau nhớ ngọn cờ.
(LHD – Bài ca của đất)

 

Thèm bát canh rau em nấu hộ

Đời ta mơ vẽ chuyện thanh bình

Khi đến Gò Quao sầu Thát Lát

Đâu ngày đếm vắt miệt U Minh?

(LHD Người em gái Đầm Dơi)

 

Nhà em cuối con kinh đào “Mút Xác”
Mai tôi về sông cái chợ Ô Môn
Vẫn thấy yêu bát cơm nghèo gạo đỏ
Con cá rô hay chuột trên đồng.

(LHD – Trên dòng kinh “Mút Xác”)

 

Ấy dòng sông Trẹm xưa nay
Còn thương cây mắm rễ cài trên không
Lênh đênh em một chiếc xuồng
Đời tôi lính trận cỏ bồng chân mây.

(LHD – Ấy dòng sông Trẹm tôi quen)

 

Khi qua Nam Hải thề trên sóng
Cắm lại cờ xưa ở cổ thành
Tối ba mươi Tết Sài đô sáng
Em đứng chờ ta dưới Vị Thanh.

(LHD – Lời tri ân gửi một người)

 

Thập niên 80, khi còn ở Tây Đức, tôi đọc được một số bài thơ Lâm Hảo Dũng trên các báo Việt ngữ và được biết anh vừa cho in tập thơ Ngày Đi Thương Sợi Khói Bên Nhà, do Nhân Văn xuất bản tại Hoa Kỳ. Tôi đã nhờ người bạn mua giúp tập thơ này gửi sang Đức. Tôi coi đó là lần gặp lại (thơ) Lâm Hảo Dũng sau hơn 10 năm gặp lần đầu. 

       Tôi yêu thơ Lâm Hảo Dũng và yêu bằng sự cảm nhận riêng tôi chứ chưa bao giờ bạo gan phân tích những bài thơ đó theo bất cứ khuôn thước nào. 

Đối với tôi, thơ Lâm Hảo Dũng dễ cảm, dễ thuộc. Cái hồn chan chứa trong thơ anh tạo nên rung cảm dễ dàng. Dòng thơ êm đềm bình dị của anh khiến đọc một hai lần, người ta nhớ được một phần. Đọc thêm một vài lần, người ta sẽ thuộc. Đặc điểm dễ thuộc này, tôi nghĩ là nhờ sự xuôi chảy tự nhiên của từng chữ, trong từng câu, để cho vần rơi xuống một cách nhẹ nhàng, không có vẻ gì là ép vận cho nó khít khao.

Cái thằng trời đánh thánh đâm

Cái thằng dịch vật ôn hoàng đi đâu

Để tao đứng dựa bên rào

Nhìn theo chỉ thấy một màu buồn thiu.

(LHD – rất tiếc đã quên tựa)

 

Sau cơn gió bão thời luân lạc

Ta ngủ dật dờ em có hay

Lòng ta nhuốm bệnh mơ hồ quá

Như nắng không về với cỏ cây.

(LHD – Tâm bệnh)

 

Nghe vẫn còn thương đằm thắm quá
Một dòng Hương thủy nhớ Hương giang
Một em nghiêng nón khoe màu má
Tôi biết lòng tôi rực nắng vàng.

(LHD – Nghe vẫn còn thương)

 

Hỏi tôi ngày ở Tam Quan
Có ăn mè xửng em làm hay chưa?

Súng ai bắn nát ngọn dừa
Thương cây thánh giá nhà thờ gãy đôi
Em dệt chiếu dưới đồi mười
Mà buồn cháy đỏ hai mươi năm rồi
Về Bà Gi chỉ mình tôi
Bỗng yêu chết được ma Hời tháp Chiêm.

(LHD – Đêm rời đất Tây Sơn)

 

Gần cuối thập niên 80, khi đã rời Đức sang Canada rồi, tôi có cơ hội thuận tiện hơn để liên lạc với anh Lâm Hảo Dũng ở Winnipeg tỉnh bang Manitoba và nhờ đó, nối lại được nhịp cầu với anh Lâm Hảo Khôi và anh Lý Thừa Nghiệp ở Úc, là hai bạn thơ chung nhóm Hồn Trẻ 20 với tôi ngày xưa. (Gần đây tôi liên lạc được thêm 2 bạn thơ Hồn Trẻ 20 nữa là anh Đặng Phước Đức và chị Hồng Diễm ở Mỹ).

Năm 1989, anh Lâm Hảo Dũng từ Winnipeg có về Toronto để ra mắt hai thi phẩm thứ nhì và thứ ba cùng một lượt: Tóc Em Dài Em Cài Bông Hoa Lý Đi Giữa Thời Tan Nát. Không thể tả cái mừng gặp lại, mười mấy năm ai biết ai còn (*). Thời gian đó tôi đang làm báo part time. Chẳng rõ cơ trời run rủi thế nào đó mà về sau, tôi làm báo Tự Do ở Toronto và ở Montreal và anh Lâm Hảo Dũng cũng lập ra tờ báo Tự Do ở Vancouver. Tờ báo của anh vẫn được phát hành đều đặn hai tuần một lần, từ cuối năm 1997 cho đến nay.

Trong hầu hết những bài thơ Lâm Hảo Dũng mà tôi biết, chứa đựng rất nhiều hình ảnh làng quê: con cá rô, con cá trèn, con tép bạc, con chuột đồng, cây so đũa, cây tràm, cây dừa nước, cây bần, bông điên điển, bông hoa lý, mận, ổi, xoài… và nhiều con kinh, dòng sông trải dài suốt trong thơ anh; như thể những con kinh, dòng sông ấy cùng chảy về một hướng chung, hướng ký ức. Trong thơ Lâm Hảo Dũng in đậm nét quê nhà nơi anh đã lớn lên và đã xa rời từ rất sớm, cũng như những vùng đất nơi anh đã đặt chân đến trong thời lửa đạn:

Con cá trèn con tép bạc trên sông
Nghe xao xuyến rau sam cùng diệu trắng
Ta vẫn thích có một lần rau đắng
Khóc khi xa rau muống mọc trên đồng.

(LHD – Hương đồng cỏ nội)

 

Tôi vẫn biết em buồn bên mái lá
Hỏi giòng sông đưa nước đến bao giờ?

Sông xa nguồn chắc sông sầu muốn khóc
Nhớ đầu doi cuối vịnh mái chèo khua.

(LHD – Tôi vẫn biết em buồn bên mái lá)

 

Theo những dòng kinh dừa nước mọc
Quê em nhà lá mái xiêu xiêu
Cỏ mọc bùn trơ từng gốc mắm
Chiều mưa tu hú mỏi mòn kêu.

Hoa bần năm ngoái trôi theo nước
Ta lại rời xa đất ấy rồi
Chỉ biết rừng sâu con vượn hú
Mà hồn đi lạc ở Đầm Dơi.

(LHD – Người em gái Đầm Dơi)

 

Con cũng muốn về thăm lại má
Thăm dòng sông Hậu nắng lưa thưa
Có cây dừa lão thân gầy quá
Đứng khóc theo mùa con nước đưa

……

Con gởi buồn theo mấy gốc bần
Mấy giàn mướp khía mới đơm bông
Mấy dây bình bát dây me đất
Và đám ô rô lũ mái dầm.

(LHD – Về với Má)

 

Em khóc dòng sông đó phải không
Đêm mơ về thấy chín con rồng
Vẫy đuôi trên nóc Tây An Tự
Đón hội Long Hoa một tối rằm.

(LHD – Bài gợi nhớ về Châu Đốc)

 

Thèm quá nồi canh chua cá lóc
Chút bông so đũa cọng rau om
Ai lên phố thị mà không nhớ?
Mùi vị dưa nồng điên điển thơm.

(LHD – Nhà tôi)

 

Xin giữ cho tôi một chỗ nằm

Dưới tàn so đũa dậy thì bông

Để khi nào đó mùa thu tới

Tôi sẽ cùng em giỡn tắm trăng.

(LHD – Một nơi chỉ có mưa và nắng)

 

Về đây con nước sông đầy
Sóng xô mấy ngọn buồn lây mạn đò

Chim kêu cái giọng ơ hờ
Chừng như mưa rét không ngờ sẽ lên.

(LHD – Buồn châu thổ)

 

Em giữ cho tôi đằm thắm nhé!
Kẻo hồn mất nước lạc lêu bêu
Tôi thương những tối nằm thao thức
Nghe tiếng mưa buồn nhớ hắt hiu.

(LHD – Giữ hộ hồn tôi)

 

Từ đó trời ơi hết một đời
Thời thanh xuân gió cuốn đâu rồi
Ta nghe ta chết trong từng bước
Giữa nhịp buồn vây đất nước người.

(LHD – Thời tuổi dại)

 

Em cứ chờ tôi dù 20 năm

Con tép trấu bỗng nhiên thành tép bạc

Con khô sặt nhớ hương xoài bát ngát

(Mùa hạn rồi em gặt lúa phải không?)

(LHD – Lời tình hẹn hư không)

 

Thôi hẹn nghìn sau sẽ trở về

Người còn uống rượu ngắm trăng khuya

Hỡi ơi! đi giữa thời tan nát

Ta khóc không nhà em có nghe.

(LHD – Tâm bệnh)

 

Mười mấy năm rồi đi biệt xứ
Nhà tôi còn đó mẹ tôi không?

Nghe thương những cánh chim tu hú
Mãi gọi bên sông điệp khúc buồn.

(LHD – Nhà tôi)

 

Tôi nghĩ, bấy nhiêu câu thơ Lâm Hảo Dũng đã nói lên đầy đủ. Như vậy tôi tâm đắc với cái bút hiệu trước đây của anh Lâm Hảo Dũng đâu phải là không có lý do. Anh xa gia đình từ rất trẻ, rồi vào đời lính trận không biết nơi đâu là nhà, khiến anh đã ví mình như một cụm Mây Viễn Xứ.

Lâm Hảo Dũng biệt xứ đã hơn 3 thập niên qua, chưa trở về. Tôi cũng ở vào trường hợp giống như anh “thôi hẹn nghìn sau sẽ trở về” vậy.

Hiện tôi vẫn liên lạc thường xuyên với anh Lâm Hảo Dũng và biết anh vẫn còn phong độ và vẫn có dịp gần gũi với chữ nghĩa thi phú mỗi ngày...

 

NGUYÊN NGHĨA

(Toronto, 18 tháng 10 năm 2010)

 

Ghi chú: (*) thơ Lê Thị Mai