NHNG  HI  C BUN

 

                    

Đến bây giờ tôi vẫn không bỏ được cái ý nghĩ không giống ai, rằng sinh nhật của một người giống như những trụ cây số trên đường thiên lý. Tôi đã đếm được bảy mươi trụ và Lữ Quỳnh cũng đã sáu mươi tám. Kể cũng đã khá nhiều. Nhớ lại những cột mốc đã qua, ai cũng thấy buồn nhiều hơn vui. Bỡi vì con đường chúng ta đã đi, nói như Lữ kiều là con đường do lịch sử chọn chứ không phải chúng ta, những người lỡ sinh ra những năm bốn mươi, năm mươi..Cho dù có thắp lên những ngọn nến hồng thì vẫn buồn, nhất là thắp lên trong một đêm cuối đông ở xứ người mênh mông tuyết trắng.

 

                     Những ngọn nến thắp

                     Là hồi ức buồn.

                   

Buồn vì lúc mở mắt chào đời/ quê hương bừng khói lửa. tuổi trẻ không mùa xuân/ chúng tôi nghèo đủ thứ. Vì bây giờ trên chiến trường/ cũng đám người rất trẻ / vội vàng đem máu xương/ để giành từng thước đất. Và họ đã ngã xuống tay còn thơm mùi giấy mới học trò.

 

                   May mắn sống sót được thì:

                   Tuổi già mất bạn cũng mồ côi.

                   Một ly mình. Và một ly không

                   Quán hoa giấy chiều nay lãng đãng

                   Uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không.

                  

Thơ anh là vậy đó. Nhẹ nhàng, giản dị, nhưng buồn.

Buồn lẻ loi, buồn cô độc. Buồn như những cột cây số trên đường đi của số phận. Bỡi vậy, xin đừng tìm ở thơ anh những câu óng mượt điệu đà như của Nguyên Sa, hay mong manh nũng nịu như em tan trường về của Phạm Thiên Thư, mặc dù hai phần ba tập thơ là viết về người nữ.

 

 

Viết về người nữ tưởng là nhiều, thực ra chỉ có hai người. Người thứ nhất khi chưa có anh ra đời, là Mẹ.

Mẹ ơi con tắt đèn đi ngủ

Trời đã về khuya lạnh lắm rồi

Mưa gió ngoài hiên xào xạc mãi

Con nằm nhớ mẹ khóc không thôi.

 

Mẹ đã đi rồi con mất hẳn

Biết đến bao giờ trả khúc nôi

Mẹ ơi nhớ quá làm sao được

Con khóc thâu canh khóc cả đời

 

Nhớ mẹ, khóc. Ấy là lúc lên năm. Nhưng tuổi 16 sao lại khóc không thôi? Tuổi 16 theo tôi được biết là khóc gió thương mây hay khóc cho mối tình đầu. Ở tuổi đó, người con trai như tôi chẳng hạn, đã rất “hiên ngang” lên đường xa mẹ. Có người còn “tàn nhẫn” hơn mẹ thà coi như là hạt bụi. Nếu không biết được một chút riêng tư, rằng anh mồ côi cha lúc một tuổi và mẹ anh đã bước thêm bước nữa, thì ta dễ có cảm giác bài Nước mắt mùa đông hơi sáo rỗng. Biết rồi, ta bàng hoàng thấy mình hạnh phúc hơn anh nhiều quá đỗi. Ta hung hăng lao vào đời như Don Quichote đánh nhau với cối xay gió, rồi ta thét gào chẳng thiếu chi nhiều chỉ thiếu tình yêu trong khi ta có cả một kho tàng đầy ắp tình yêu của mẹ. Ta tưởng rằng đầu đội trời, chân đạp đất là không cần tựa vào ai nữa cả. Thực ra, dù có sống đến một ngàn tuổi, bất cứ người đàn ông nào cũng cần có mẹ. Mất mẹ, hay có mẹ đâu đó trong cuộc đời nhưng không được ấp ủ chở che, là một mất mát thiếu sót không gì bù đắp nổi. Bài thơ hiền hậu của anh gieo vào lòng tôi những giọt lệ ăn năn. Những giọt lệ hoá thạch lăn vào lòng nghe rổn rảng, nhức buốt. Bây giờ, biết quý mẹ, thương mẹ, cần mẹ thì mẹ đã không còn nữa ở trên đời!

 

Người nữ thứ hai là người sau khi anh đã sinh ra đời, người vẫn mặc áo len vàng tung tăng cánh đồng ký ức, người nay vẫn đẹp dịu dàng cao thượng mặc dù từ nay em đã là thiếu phụ. Tôi xin chép trọn bài thơ mà tôi cho là đẹp nhất, một bài tụng ca tình nghĩa phu thê còn đằm thắm lung linh hơn cả bài Tình Quê của Hàn Mặc Tử.

 

Em vẫn đi về

Dòng sông ký ức

Vầng trăng đại vực

In bóng thuyền tôi

 

Tóc em mây trôi

Trên sông áo lụa

Thuyền tôi hạt lúa

Vàng lung linh vàng

 

Một chuyến đò ngang

Sông xưa mất ngủ

Từ em thiếu phụ

Lúa vàng thôi trôi

 

Từ em thiếu phụ

Tóc rối vành nôi

Hồn xanh bóng phủ

U uẩn lời ru

 

Sông em sóng nổi

Hạt lúa thuyền tôi

Vàng không bến đậu

sa bãi bồi.

 

Người ta khen Trần Tế Xương đã làm bài thơ tặng vợ rất nghĩa tình và cho rằng nhờ những câu thơ quanh năm buôn bán ở mom sông/ nuôi đủ năm con với một chồng, mà bà Tú Xương được người đời biết đến như một người đàn bà giàu đức tính hy sinh. Tôi lại cho rằng bài thơ ấy rặc mùi phong kiến, chồng chúa vợ tôi, gia trưởng, một bài thơ hạ thấp nhân phẩm của người đàn bà vì sao lại có thể hy sinh để cho một ông chồng cao lâu thường ăn quỵt/ thổ đĩ lại chơi lường.

 

Với Lữ Quỳnh, người nữ lúc thiếu thời đẹp như dòng sông áo lụa. Và người nam như một con thuyền mang dáng hình hạt lúa, được sông nâng niu nên thuyền lúa cũng lung linh vàng. Rồi một thời con thuyền phải làm chuyến đò ngang ( chiến tranh) khiến con sông mất ngủ vì lo lắng và lúa vàng như chết lặng thôi trôi. Khi những đứa con ra đời là lúc tóc rối vành nôi, phủ hồn xanh mát bằng những lời ru u uẩn. Rồi bao ghềnh thác khiến sông nổi sóng nhưng vẫn đưa hạt lúa đến bãi bồi bình yên.

 

Bắt đầu những ngày bình yên

Ngắm mùa đông

Ấm áp trong tóc em

Trong ánh mắt reo vui

Bữa cơm chiều.

 

Một hạnh phúc đơn sơ, nhưng là hạnh phúc đề huề bình đẳng ngập tràn lòng thương quý lẫn nhau.

 

Năm khổ thơ, mỗi khổ 16 chữ, không thừa không thiếu chữ nào, cô đọng và đẹp như năm bài Haiku. Tiếc là bài thơ này đã không được Trịnh Công Sơn bạn anh, phổ nhạc, có lẽ vì anh kín đáo quá. Nhưng cần gì, cứ đọc lên ngân nga, ta cũng có cảm giác như đang hát thánh ca trong giáo đường lồng lộng của tình yêu.

 

Thơ là chỉ để cảm chứ không phải để bóc tách cho dù là để tìm ra cái Đẹp. Chính vì vậy mà tôi không nói tới cách dùng chữ, cách sử dụng hình ảnh, đó là những con dao giải phẩu mù loà. Tôi chỉ muốn nói điều sau cùng, rằng, thi sĩ mà không viết về người nữ thì không phải là thi sĩ. Nhưng viết về người nữ với tất cả tung hứng ồn ào là xúc phạm họ. Viết lặng lẽ, kín đáo với tất cả thâm trầm tinh tế như Lữ Quỳnh, cho dù là chỉ để riêng cho một người, quả thực anh đã là thi sĩ dù cả một đời dài, chỉ một đôi khi quá xúc động, quá đớn đau và quá tuyệt vọng mới làm thơ.

 

Khuất Đẩu