Lục Bát Ca

lời giới thiệu

lục bát ca ra đời như một thí nghiệm - nếu không muốn nói như một mở đường - trở về với tiếng hát quê hương khởi từ những bài lục bát, một thể thơ thuần túy dân tộc. Sự dụng ý thơ hay ý và lời một bài thơ để soạn thành ca khúc không phải làm một ý kiến hay một việc làm mới lạ. Người ta đã khai thác khá nhiều các thể thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát và cả thể thơ tự do. Riêng về thể thơ lục bát, việc phổ nhạc không phải là dễ dàng vì nhịp điệu lục bát thường đều đặn trầm buồn và dễ rơi vào vết mòn nhàm chán. Nhạc sĩ Vĩnh điện (người Huế) đã liều lĩnh trong một cố gắng vượt bực một thử thách khó khăn khi anh thực hiện liên tục va ø trong một thời gian rất ngắn, 12 ca khúc theo sát khuôn khổ những bài thơ lục bát. Anh đã triệt để tận dụng thể thơ này, nhưng sự tuyệt đối tôn trọng nguyên tác có thể là một gò bó nguy hiểm cho nguồn cảm hứng của người viết nhạc. Anh đã cố vượt thoát bằng những nhịp điệu, những âm giai thường trực thay đổi đồng thời vẫn giữ được nguyên vẹn- không thêm bớt, sữa đổi- hình thức và lời thơ. Anh đã cố gắng tránh khỏi sự dẫm chân, sự trùng hợp. Anh muốn làm mới, làm khác và sự thành công đầu tiên của anh- cần phải ghi nhận- là 12 ca khúc đều khác nhau và không ảnh hưởng lẫn nhau. Mỗi ca khúc là một đổi thay, một hướng tới.

Từ những nhận định sơ khởi trên bắt nguồn từ một thí nghiệm khai phá, các bạn yêu nhạc, chắc cũng không đến nỗi quá khe khắc và đòi hỏi ở anh Vĩnh điện nhiều hơn nữa. ý hướng và thiện chí chung là điều đáng kể hơn cả.

Trở về với tiếng hát quê hương không phải là một lùi bước, một quay lưng với thực tại, một hồi tưởng hay hoài cổ. Quê hương càng tan nát đau thương, chúng ta cần cất cao tiếng hát. Tiếng bom đạn không thể lấn át, làm im bặt tiếng hát. Tiếng hát, ở đây, không phải là một niềm an ủi, vỗ về, ru ngủ. Tiếng hát, ở đây, không phải là một từ chối thực tại bi thảm, một ngoảnh mặt, một trốn tránh hay ẩn thoát. Tiếng hát, ở đây, như một khoảnh khắc lãng quên, một tạm thời an nghỉ, một giai đoạn dừng chân. Tiếng hát như một thèm khát tiếc nuối, như một ước mơ và hướng tới. Tiếng hát như một khích lệ và nuôi dưỡng niền tin.

Hãy nghe Vĩnh điện hát- hay nói một cách khác- hãy nghe Vĩnh điện ‘ngâm’ những bài thơ lục bát của Luân Hoán và Lê Vĩnh Thọ theo một thể cách đặc biệt của anh.

Chúng ta có thể cảm thông hay không ?

Nhà xuất bản Thơ
tháng 7-1969