Hoàng Mai Ðạt
bluebar.gif (870 bytes)
Thế Hệ Macarena

Giữ những lời hứa còn sót lại từ mùa hè vụt qua, đầu mùa thu này tôi lái xe vào một sáng thứ Bảy đưa vợ con đi Sea World, để xem thế giới của loài thú biển đóng khung trong những ao hồ và lồng kiếng. Cá mập, cá heo, hải cẩu, chim Nam Cực cho ba đứa con, mấy bức hình lưu niệm cho vợ và những luồng gió ấm nhè nhẹ của San Diego cho tôi. San Diego là nơi chúng tôi từng sống hơn một năm trong hạnh phúc và thiếu thốn. Trở lại San Diego như tìm lại được một chiếc áo ấm từng được mặc qua những ngày mưa gió lạnh căm.

Trong hơn mười năm sống tại California, chúng tôi trôi dạt qua nhiều nơi ngang dọc trên bản đồ, từ khu Bolsa đến Buena Park, phóng tuốt lên Marysville, Yuba City, lần mò vào Stockton, chạy tuột xuống San Diego, rồi lại bò lên Tustin và rồi giờ đây trở về Bolsa. Mỗi nơi một thời gian ngắn, nhiều kỷ niệm, và đầy nhớ nhung về những nơi đã qua. Giữ lời hứa với các con, tôi trở về San Diego để tìm lại chiếc áo ấm từng mặc qua những trận mưa dầm dề mùa đông.

Tuy dáng dấp còn trẻ, đôi khi tôi có cảm tưởng mình đã già trên sáu mươi tuổi. Có lẽ vì hầu hết những người tôi quen biết đều là mấy người bạn vong niên tóc bạc trắng. Cũng có lẽ vì cơ thể của tôi như một chiếc xe đã chạy trên một trăm ngàn dặm trong thời gian quá ngắn, bánh xe mòn láng và những món phụ tùng quan trọng sắp rơi rụng leng keng xuống đường. Giờ đây mỗi lần lái xe đi đâu tôi đều ngại đường xa. Trên đường xuống San Diego hôm ấy cũng thế, tôi lo sợ sẽ không cầm giữ lại được những món phụ tùng sắp rơi rớt xuống xa lộ 5 đông xe.

Thế nhưng cũng như mấy người già lù khù, tôi có thể bừng sống lại với những ý tưởng tình dục vui vui nào đó. Trên đoạn đường băng qua San Onofre rời Quận Cam, tôi ?hồi xuân? khi thấy hai lò nguyên tử ven bờ biển. Hai lò này tròn trĩnh và có núm nhọn cứng ở bên trên, y như những gì mà vợ tôi không cho tôi được ?nghiên cứu? bằng mắt. Tôi thò tay vặn máy nhạc, tìm một đài mới cho đoạn đường rời San Onofre.

Tôi dừng lại ở bản nhạc vui Macarena. Ðiệu múa Macarena đang lan tràn trong giới trẻ tại Hoa Kỳ. Xướng ngôn viên trong máy hò hét nhắc người nghe múa theo điệu nhạc Macarena. Thẳng hai tay ra, ngửa bàn tay lên, để tay lên vai, để tay lên mông, lắc lắc vài cái, xoay người, rồi lại thẳng hai tay ra, ngửa bàn tay lên,.... Người Mỹ đang vui Macarena. Phòng trà nào cũng Macarena. Người xem Thế Vận Hội Hè 1996 cũng Macarena. Tổng thống cũng Macarena luôn. Phải chi tôi cũng Macarena cho trẻ thêm vài tuổi, đỡ lo chuyện rớt đồ phụ tùng ngoài xa lộ.

Trở về San Diego, nơi chúng tôi dừng lại đầu tiên là một tiệm phở trên đường Linda Vista. Khu phố nơi đây vẫn yên tịnh và chậm rãi hơn Bolsa. Ánh nắng đượm vàng hơn, và gió mát dìu dịu, nhè nhẹ hơn. San Diego vẫn còn êm đềm như trong trí nhớ của chúng tôi. Những bãi biển ghềnh đá, công viên với vườn xương rồng, những nhà thờ hiền lành nhìn xuống vịnh, tất cả như chưa thay đổi sau ba năm xa cách. Giữ lời hứa với các con, tôi vội quên những kỷ niệm êm đẹp và phóng xe tìm Sea World, nơi mà mấy đứa bé đã ngóng đợi từ mùa hè vừa qua. Tôi và vợ từng chờ đợi ngày này hơn ba năm trước đây. Khi còn sống tại San Diego, chúng tôi chưa bao giờ có đủ tiền để nghĩ đến chuyện đi ăn tiệm, huống hồ chuyện đưa cả nhà đi xem những con cá biển đắt tiền và có giá hơn chúng tôi.

Vào đến bên trong, chúng tôi thán phục tài cỡi cá mập của các huấn luyện viên khỏe mạnh; chúng tôi cười rộn với tài đấu hót và vỗ tay của hải cẩu với nữ diễn viên; chúng tôi ghê sợ trước những con cá kỳ dị bơi lượn trên đầu của đám người đi trong đường hầm; và rồi chúng tôi mỏi chân, ngồi nhìn từng đàn cá màu trôi đảo không ngừng trong những hồ kiếng sáng đèn.

Trên đường trở về Bolsa đêm hôm đó, trong khi ba đứa trẻ nhắm mắt ngủ vùi sau một ngày vui thú, tôi nhắc vợ về những nơi mà chúng tôi đã sống qua. Có lẽ một ngày nào đó chúng tôi sẽ có dịp trở về Marysville, Grass Valley, Stockton, Bodega Bay về những nơi mà chúng tôi từng rải rắc nhiều kỷ niệm êm đềm nhất trong những ngày trôi dạt vô định.

Riêng tôi, ngày trở về miền bắc tiểu bang Pennsylvania, về Rilton, Irwin, West Homestead, trại tạm cư Indiantown Gap, chắc thú vị lắm, mà cũng có lẽ buồn lắm, vì những nơi ấy gợi cho tôi nhớ đến mấy năm tháng đầu mới xa quê hương Việt Nam. Và còn Việt Nam nữa. Ðến bao giờ tôi mới trở về nơi tôi đã rời bỏ lâu nhất và xa nhất?

Macarena. Macarena. ...ngửa bàn tay lên, để tay lên vai, để tay lên mông, lắc lắc vài cái, xoay người... xoay về nơi đâu?

Vài ngày trước đây, vợ tôi được tin cha của nàng đang lâm bệnh nặng. Ông cụ đã trên bảy mươi tuổi và đang đau gan. Trong những lần gọi điện thoại về Biên Hòa trước đây, mẹ vợ đã dấu không cho biết cha vợ tôi đang đau nặng. Ông cụ giờ đang nằm co ro trong một góc nhà, chờ đợi giây phút cuối cùng ở bên kia bờ biển Thái Bình Dương.

Tôi chưa bao giờ gặp mặt cha vợ, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ có dịp được gặp ông để nói, ?Chào ba. Ba có khỏe không?? Chúng tôi chỉ thấy nhau qua hình ảnh, những bức ảnh mà chúng tôi thường đứng nghiêm chỉnh, nở nụ cười xã giao, và không dám nói hết sự thật về cuộc sống không chắc tươi đẹp như bức hình. Cha vợ tôi có thể là những ông cụ tôi vẫn gặp trên đường Bolsa. Họ đi thầm lặng, bước đi bâng quơ về một nơi mà họ sẽ không bao giờ đến, đến một nơi mà họ không thể về. Quê hương của họ không phải là ở đây, không phải ở Bolsa, mà ở tuốt tận bên kia.

Quê hương tôi không ở bên kia, cũng không phải ở đây, mà ở đâu đó giữa hai nơi. Tôi rời Việt Nam quá sớm để có những kỷ niệm êm đềm với Việt Nam. Tôi không có những cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn, không có dấu chân trên cát trắng ở Nha Trang, và chắc chắn không có gì ở miền Bắc như cha mẹ tôi đã có. Tôi chỉ có không khí chiến tranh, có xóm chợ dơ bẩn, và có đôi chân trần dẵm lên đá trên đường tản cư.

Những kỷ niệm êm đềm nhất của tôi có lẽ là ở đây, ở Hoa Kỳ, nơi mà giờ đây tôi đã sống trên nửa đời người. Vậy mà quê hương của tôi cũng không chắc là ở nơi đây. Quê hương của tôi có lẽ chỉ có trong những kỷ niệm bên người thân, bên vợ, bên con, bên những người cũng không có một mảnh đất mà họ có thể bước chân lên và ứa nước mắt, như một đứa con lưu lạc lâu năm nay trở về lại gốc nguồn. Một người bạn vong niên của tôi đã trên bảy mươi tuổi. Ông đã rời miền Bắc Việt Nam lên tàu đến Pháp khi mới là một thanh niên chưa đầy hai mươi tuổi. Ông lấy vợ đầm, nói tiếng Việt vẫn nguyên giọng Bắc, và hầu hết những bài thơ, thư viết của ông cũng chỉ nhắc đến những kỷ niệm ở miền Bắc. Vậy mà hơn năm mươi năm qua ông vẫn chưa một lần về lại Việt Nam, dù tất cả những người bạn của ông đã về, đã xúc động khi thấy lại quê hương. Chắc cũng như tôi, quê hương của ông nằm đâu đó ở giữa hai nơi.

Tôi không có nơi để trở về. Tôi không có nhiều gốc rễ ở bên kia, tôi cũng không có gì ở bên đây. Những người bị rời xa quê hương quá sớm đều không có nơi để trở về. Họ là những người không có gì cả. Một thế hệ số không, thế hệ zero, thế hệ 0. Chúng tôi chỉ là những đám mây, bốc lên từ một vùng biển nhiệt đới nào đó, bay, bay mãi cho đến khi tan biến dần dần trên miền rừng núi xa lạ và hoàn toàn biến mất trên một vùng sa mạc gió cát. Nước trở về nguồn. Nước đó không phải là chúng tôi, mà có lẽ là những đứa con của chúng tôi.

Macarena. Macarena. ...để tay lên mông, lắc lắc vài cái, xoay người, rồi lại thẳng hai tay ra, ngửa bàn tay lên... Ngửa đón những giọt mưa, đón những lời hứa phải giữ, dù đường xa chưa đến.

Chiều nay tôi đến trường học của con, để nghe các giáo viên trình bày về chương trình học mới cho các em. Mấy thày giáo, cô giáo nói họ muốn tạo một lớp học thoải mái, để con chúng tôi có thể học hành và phát triển đầy đủ những khả năng của chúng. Họ đón nhận các em và hãnh diện được giáo dục và trau giồi kiến thức cho chúng thành người. Vậy là con của chúng tôi sẽ có gốc rễ ở đây. Chúng sẽ hòa nhập dễ dàng vào đời sống nơi đây, sẽ không thắc mắc quê hương chúng ở nơi đâu, và sẽ không tự vấn cho đến mệt nhoài giữa đêm khuya. Chắc vậy. Cũng hy vọng cho chúng được như vậy.

Trên đường về, tôi gặp một đám trẻ em gốc Việt đang đứng tụ tập ở bên ngoài trường học. Ða số là con gái khoảng mười một, mười hai tuổi. Chúng đang đùa giỡn và chỉ cho nhau điệu nhảy Macarena. Thấy vài đứa nhìn tôi lấm lét, tôi mỉm cười nhìn lại. Chúng đưa thẳng hai tay ra trước, ngửa bàn tay lên, để tay lên vai, để tay lên mông, lắc lắc, rồi xoay người. Chúng bỗng rú lên cười, rồi lại nhảy tiếp. Tôi cũng cười theo và bước đi rời xa đám nhỏ.

Macarena. Macarena. Tôi im lặng đi bộ về nhà. Trong bóng tối tôi cũng thử đưa hai tay ra, ngửa tay lên và để tay lên vai. Phải chi tôi có thể Macarena suốt quãng đường còn lại. Tôi bỗng nghe lành lạnh, không hiểu mình đã lắc theo điệu Macarena hay vừa rùng mình vì chưa thấy nhà ở khúc quanh đường.

Mùa Thu 1996
Hoàng Mai Ðạt


Tác Giả giữ bản quyền