hnga.jpg (2814 bytes)
  
Hoàng Nga
bluebar.gif (870 bytes)
Tiễn Biệt

Tôi nói với chị, tôi muốn đi thăm bà Schaeffler. Thời tiết vào mùa này bắt đầu đã trở nên thất thường. Có những hôm trời trong vắt, nắng vàng lụa là, ấm mượt cả mắt, vậy mà khi ra đường phải khăn quàng, áo dạ lỉnh kỉnh. Rồi ngược lại cũng có những hôm trời mây âm u, buồn rầu nhưng khí hậu ấm áp vô cùng. Sáng sáng, đứng trong bếp chờ những giọt cà phê nhẩn nha rơi xuống đầy bình, tôi vẫn hay thả mắt trên những hàng cây trước mặt nhà. Nơi những đám lá phong đã không còn đỏ rực mà chuyển sang vàng, những giậu tử đăng hoa đã úa màu nhợt nhạt, và đám me keo rụng rơi đầy trên mặt đất. Con suối nhỏ phía bên kia cánh rừng tôi vẫn tập chạy mỗi sáng, chỉ còn là một giòng nước chảy yếu đuối như một con lạch, trơ vơ những cụm rêu, xanh xao nằm ven bờ. Cuối thu, cái lãng mạn, thơ mộng chỉ rớt rơi lại trong những bài ca, bài thơ nào đó mà tôi hay nhớ tới hoặc nghêu ngao hát. Ở đây, lòng tôi bạc xám, u buồn. Ở đây, lòng tôi như một đóa phù dung cuối ngày tàn tạ.

Chờ mãi vẫn không nghe chị trả lời, tôi nhắc lại một lần nữa chuyện tôi muốn đi thăm bà Schaeffler. Bấy giờ chị mới quay đầu, bảo, đài truyền hình cho biết sẽ có bão vào cuối tuần.

- Chắc sẽ có gió và mưa nhiều.

Chị nói. Giọng cố bình thản, nhưng nghe như có chút gì ngập ngừng, bồi hồi. Nhất là khi câu nói đã chấm dứt. Trong phòng chỉ còn vang lên tiếng đàn dương cầm phát ra từ chiếc máy thu thanh, nhạc của Johann Sebastian Bach, với những âm hưởng như nhạc nhà thờ. Tôi đứng im, không quay lại, nhưng trong trí hiện lên rõ rệt khuôn mặt hiền lành, pha một chút buồn buồn của chị. Ðôi con mắt sâu đen sau làn kính, tia nhìn u sầu có lẽ đang thả trên bờ vai gầy của tôi. Không biết chị có đang tự hỏi, tại sao tôi lại đòi hỏi chị làm một chuyện khó khăn đến vậy hay chăng.

Chị im lặng như thế rất lâu. Cả lúc tôi hỏi đường đi có trơn trợt và nguy hiểm lắm không, chị cũng vẫn không nói gì. Tuy nhiên có lẽ chờ mãi mà không thấy tôi đổi cái ý định lúc ban đầu, chị thở dài, hạ thấp giọng:

- Ðể chị sắp xếp xem thế nào.

Tôi làm thinh. Chị hứa đưa tôi đi thăm bà Schaeffler ngay từ khi tôi mới đặt chân đến nơi này, nhưng rồi cái chuyến đi, dần dà, bỗng trở thành một lời hẹn hò mờ nhạt, giữa chị với tôi. Không phải chị không muốn thực hiện, hay thất hứa, nhưng tôi đoán, có lẽ chị sợ. Sợ những cơn bão thật trên đường đi, và những cơn bão trong lòng chị. Có một vài lần nào đó, chị nói bóng gió tới điều ấy. Vậy mà tôi, thì dường như không làm sao cưỡng lại được cái ý muốn sẽ được đến đấy một lần, cùng với chị. Nhất là khi tôi có ý định sẽ tạ từ cái đất nước này. Tôi không biết nó có sẽ là nơi ghi dấu, ở lại trong lòng tôi, hay rồi cũng sẽ bị lãng quên đi như những thành phố tôi đã tới, đã qua đi chốn này. Ngày mỗi ngày, nỗi háo hức, cái ý muốn được nhìn thấy nơi chị đã sống, đã có những kỷ niệm không thể quên ấy, cừ bừng lên trong lòng tôi từng chặp một. Lạ lùng.

Tôi quay nhìn chị, nhắc lại câu hỏi, đường đi có khó khăn lắm hay không, và nên chọn phương tiện nào. Chị khẽ liếc ra ngoài khung cửa kính, không trả lời chính vào câu hỏi của tôi, mà lại nói, thật nhỏ, giọng bùi ngùi:

- Chắc thế nào rồi cũng phải đi một chuyến...

*

Nhà bà Schaeffler nằm trên một con dốc xoai xoãi, hai bên đường đi là những ngôi nhà xưa cổ, với những bức tường đầy bìm bìm và dây leo phủ kín. Mùa này trời đã trở lạnh, nên có vài chỗ chỉ còn trơ lại những nhánh cây màu nâu sẫm, bám chặt lấy bờ tường, trông như những chiếc xương lá. Dưng không cái trơ gầy của đám dây leo uốn éo ấy, làm tôi chợt nhớ lại ngày còn nhỏ, vẫn thường đi nhặt lá bồ đề về ngâm trong nước vo gạo, để lấy xương lá đem đi nhuộm mực tím, mực đỏ, rồi ép chung với những cánh bướm khô xác, với những đóa hoa dại hái bên đường. Tôi kể cho chị nghe. Chị chớp mắt. Giây sau chị bảo tôi, vào những tháng năm hoa bướm hồn nhiên ấy của tôi, thì chị đang mệt nhoài, khốn khổ đánh nhau với mớ Ðức ngữ, với ống nghiệm, hóa chất, và những bài giảng trong trường đại học ở nơi này. Tôi ngồi im. Ðầu óc như phân đôi. Nửa lẩn quẩn nhớ đến cái thuở, ngoài những cái trò chơi con gái tôi tẩn mẩn một mình ấy, đã có rất nhiều lần tôi ước ao đến muốn khóc, một người chị lớn ở bên cạnh để dẫn mình đi phố, hay góp ý kiến cho một kiểu áo, một nhánh tóc để dài hoặc cắt ngắn, như những đứa bạn tôi đã thường may mắn có. Và nửa còn lại, lơ mơ không biết làm sao chị có thể sống được ở một nơi hoàn toàn xa lạ, giữa những con người xa lạ, giữa cái đất nước có truyền thống văn hóa mạnh mẽ, và một thứ ngôn ngữ khó học đến như vậy.

Chạy hết con dốc, chị ngừng xe trước một căn nhà màu vàng nhạt, với những khung cửa kính nhỏ sơn nâu sẫm, phía bên trong buông rèm mỏng mảnh, trắng trong. Bão đã về đây hôm qua, nên bên hông nhà có những nhánh lá cây gãy chưa được dọn kịp, nằm sóng soài trên mặt đất ẩm ướt. Vài chiếc lá vàng, chen lẫn những chiếc lá xanh nhầu nát, rơi trên lối đi. Cuối chân tường, vươn lên một bụi cúc vàng rực rỡ với những cánh hoa mỏng mảnh, dịu dàng nhưng không hề lộ vẻ yếu đuối. Tôi nghĩ ngay tới chị. So sánh với cái tâm tư đầy bão tố của chị và sự bình tĩnh, vững chãi thể hiện hàng ngày trên hành động, trên ứng xứ, và cả trên gương mặt chị. Nhiều lần tôi và chị nói với nhau về một cái hạnh phúc nghiệt ngã mà cả tôi lẫn chị từng cưu mang như cưu mang một nghiệp chướng trong đời. Có lần nào đó tôi đùa với chị, bằng cách đảo ngược chữ của một câu hát, có biết đâu thiên tai đang nằm trong niềm vui. Lúc ấy chị đã cười với tôi. Nhưng trong ánh mắt chị, trong tiếng cười của chị, hiện ra nỗi đau đớn, chua xót đến não lòng.

*

Schaeffler đón chị bằng một vòng tay ôm và nụ hôn âu yếm của người mẹ chờ đứa con đi xa mới về. Chị là người sinh viên Việt Nam thứ hai mà bà đã lên tận trường đón về trong thời gian chị học Ðức ngữ ở đây. Bà chào tôi, gọi tôi bằng "Sie" mà không bằng "du" thân mật như gọi chị. Chị cười, sửa lại. Bà cũng cười. Nụ cười quý phái của một người đàn bà vẫn còn hết sức minh mẫn dầu đang mấp mí ở tuổi chín mươi. Bà nắm lấy bàn tay tôi, bảo:

- Thoạt nhìn, có thể lầm hai chị em với nhau.

Tôi gật đầu:

- Nhiều người đã lầm như vậy. Nhưng chị ấy cao, và trắng hơn.

Bà Schaeffler đưa chị em chúng tôi lên phòng cất đồ đạc. Căn phòng gọn gàng, mát mắt, như ở trong một khách sạn. Chị bảo lần nào có khách, bà Schaeffler cũng cẩn thận thay từng tấm ra giường, trải lại từng chiếc khăn bàn, và có khi thay cả màn cửa sổ, nên chị luôn luôn cảm thấy áy náy khi về thăm bà. Chị tần ngần nắm lấy tay người đàn bà:

- Mama để mặc tụi con.

Bà Schaeffler ừ, nhưng rồi vẫn cứ lăng xăng cạnh chị để giúp chị cất hành lý vào tủ, treo hộ cái áo lên móc. Tự dưng bà khiến tôi nhớ mẹ tôi lạ lùng. Mới năm ngoái năm kia, lúc mẹ sang thăm, tôi mới biết mình vẫn còn nhỏ dại, khờ khạo vô cùng trong mắt mẹ. Tôi đã không tưởng tượng nổi mình có thể trút hết với mẹ những điều ngỡ sẽ mãi mãi cất giữ kín trong lòng, không tin nổi vẫn còn có thể nói hết được với mẹ cái tâm tư héo hon, sầu úa của mình. Lúc mẹ lên máy bay về xứ, tôi đã đứng khóc ngất như một đứa trẻ con giữa phi trường đông người qua lại.

Chúng tôi theo bà Schaeffler xuống phòng ăn, nơi bà đã bày sẵn bánh ngọt và cà phê trên bàn. Tôi tặng bà hai cuốn sách, theo sự giúp ý của chị. Bà Schaeffler có vẻ xúc động. Bà hỏi tôi về cuộc sống ở bên này. Hỏi tôi có vui không. Tôi cười, không biết trả lời sao với bà. Bởi không lẽ bảo tôi muốn đi thăm bà, chỉ vì tôi sắp về từ giã nơi này, chỉ vì có thể rồi tôi sẽ không bao giờ đặt chân trở lại lần nữa! Ngần ngừ một lát, cuối cùng tôi chọn một câu đùa mà tôi vẫn đùa với vài người bản xứ quen với chúng tôi, rằng cái ngôn ngữ rắc rối của dân tộc bà làm tôi sắp sửa bị điên. Bà Schaeffler bật cười, hân hoan nhắc lại thời chị tôi mới về ở trọ tại nhà bà. Cái câu chuyện, tôi đã từng nghe chị kể nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng lần này, tôi bỗng xúc động vô cùng. Tôi không biết có phải vì đang được nhìn tận mắt, từng cảnh nhà, từng món đồ đạc ở nơi đây, để có thể hình dung ra được hình ảnh chị ngồi đan áo ở chiếc ghế bành bên cạnh cái lò sưởi trong phòng khách, hay loay hoay với bà Schaeffler ở góc bếp, cuối vườn; hay vì cái giọng nói của người đàn bà đầy chân tình, âu yếm khi nhắc đến đoạn đời mà chính bà cũng cảm thấy êm đềm, dễ thương ấy.

Bà Schaeffler xoay sang hỏi thăm về gia đình chị, rồi lại hỏi chuyện học hành của con tôi. Dạo mới sang đây, chúng tôi đã định gửi con tôi về ở với bà vài tháng để học thêm tiếng Ðức, nhưng sau đó lại thôi. Ðiều trắc trở, như có lần chị nói với tôi, không phải bởi sự khách sáo, xa lạ thường thấy, mà lại nằm ngay trong cái tình thân quý hiếm của chị và bà. Tôi cười đáp lời bà:

- Nó đã đọc được cả Goethe, và đã có bạn trai.

Bà Schaeffler rạng rỡ cười, chúc mừng tôi. Tôi nhớ đến những hôm nghe con tranh luận với bạn bè về những tư tưởng triết học mà thầm cười một mình, bởi cố tìm mãi mà vẫn không thấy bóng dáng của chính mình vào tuổi ấy, qua con. Bà Schaeffler bảo, bà luôn ước ao sẽ có dịp xuống thăm chúng tôi vào dịp lễ Giáng Sinh hoặc Phục Sinh năm tới. Nhưng nhìn gương mặt bà, nhìn ánh mắt đằm thắm dịu dàng của bà ánh lên nét xa xót, tôi biết bà chỉ ước ao vậy, mà cái chuyến đi ấy sẽ chẳng bao giờ được thực hiện.

*

Buổi chiều cơm nước xong, bà Schaeffler rủ chúng tôi đi dạo, như cái thói quen thường thấy của người Ðức. Chúng tôi đi ngược lên con dốc, về phía cánh rừng thưa. Ðường đi ẩm nước, nhưng không trơn trợt vì mặt đất đã được trải một lớp đá nhỏ li ti. Hai bên đường, ngoài những cây rừng thiên nhiên đang bắt đầu trơ trụi lá, có thêm những nhánh dương và thông được trồng thêm, vẫn xanh một màu xanh bàng bạc. Gió thổi xào xạc trên bước chúng tôi đi. Một vài con chim rừng chấp cánh, kêu ríu rít. Tôi bỗng nhớ hai câu thơ quen thuộc. Người chia ngựa, kẻ lên bào. Rừng thu phong đã nhuốm màu quan san. Tôi nghĩ đến những ngày tháng ở trước mặt mình và nghĩ đến hai chữ tiễn biệt u buồn. Những cảm nghĩ băn khoăn day dứt, về hay ở bỗng trở lại trong tôi. Tôi thấy mình như một con ngựa già ỳ ạch, mỏi mệt kéo lê những bước của mình trên đường mòn, không muốn đi, cũng không muốn ở, và cũng không biết phải định đoạt số phận của mình như thế nào.

Bà Schaeffler chỉ cho tôi và chị thấy phiến đá chị và bà vẫn hay ngồi nghỉ chân trong những lần đi dạo, sau mỗi bữa cơm chiều ngày xưa. Giọng bà chứa chan, bồi hồi, như bà đang đi lùi lại, xa thật xa, trong ký ức. Tôi ngước mắt lên nhìn gương mặt già nua, thấp thoáng vẻ hạnh phúc, và bàn tay có nhiều nếp nhăn ấy đang đặt trên thân cây sồi to lớn bên vệ đường, mà có cảm tưởng chừng như mình còn già hơn cả con người này.

Tháng trước, đi dự một cái đám cưới người bạn của chị, đứng trong góc phòng, nghe người ca sĩ lao xao một bài hát đã cũ, nơi em về, ngày vui không em; nơi em về trời xanh không em... tôi đã muốn bật òa lên khóc khi quay lại nhìn chị, chạm tia mắt sâu đen của chị. Trước đó, tình cờ ngồi giữa chúng tôi, những người quen của chị hỏi nhau về một đôi vợ chồng, và có một người bảo hình như họ đang đi nghỉ mát ở Hawaii. Một câu chuyện thật hết sức bình thường, bình thường như chị thỉnh thoảng vẫn đi với người đàn ông của chị, đến một nơi nào đó, Paris, Rome, Athens..., bình thường như chị vẫn đang sống; nhưng cái mẫu tin, câu chuyện, bỗng giống một đầu kim nhọn, một mũi dao bén ngót lướt trên lồng ngực, rồi cắm sâu vào trái tim của người nghe, đau đớn, tàn khốc. Ở đâu đó, người ta có thể tin được, có thể hiểu được rằng hạnh phúc của người này là nỗi xót xa của người kia, nhưng ở đây, thì gần như đã chẳng có ai biết như vậy.

Chẳng có ai hay bão tố trong lòng một con người, có thể đến chỉ vì một câu hát, vì một nhắc nhở tình cờ. Chẳng có ai biết, ngoại trừ tôi. Nên buổi tối đứng chôn chân nơi góc phòng, tôi đã phải quay mặt đi bùi ngùi và nắm hai tay mình thật chặt lại với nhau, như để có thêm chút can đảm mà không bật khóc òa giữa đám đông. Tôi không dám nhìn chị thêm lần nữa, dầu vẫn lo sợ thầm không biết chị đã phải làm như thế nào mới không để lộ những cảm xúc đau đớn đang dâng tràn trong lòng chị.

Lúc ra ngoài lấy xe, chị vịn bàn tay lên vai tôi, nói nhỏ:

- Cái bài hát, nghe buồn quá, phải không?

Ðứng trong bóng tối, nhưng tôi vẫn có thể thấy được đôi mắt chị long lanh ướt sau làn kính. Cái bài hát, những năm chị mới rời nhà sang đây, là bài hát thịnh hành. Tôi vào tuổi mới lớn cũng nghe đi nghe lại bài hát ấy nhiều lần. Nghe đến quen tai từng tiết tấu, đến thuộc từng chữ, từng chỗ ngắt câu. Và vì nghe mãi, nên cái âm điệu của bài hát, dần dà chỉ còn gây được chút xúc động hoài niệm. Nhưng với chị, chẳng phải chỉ là như thế. Mà cơn chấn động dữ dội hơn, đớn đau hơn.

Tôi đã đứng ngộp trong bóng tối. Cổ ngước cao nhưng có cảm tưởng mình không thở được. Bàn tay chị trên vai tôi ấm nóng. Cuối cùng, chẳng biết nói với chị điều gì, tôi lặng lẽ đặt bàn tay mình lên tay chị, nghe tiếng chị thở dài giữa những tiếng lào rào xe cộ chạy ngoài đường. Có lần chị nói với tôi, tôi đi rồi, sẽ chẳng còn ai để chia xẻ những buồn vui, suy nghĩ...

*

Bà Schaeffler buông bàn tay ra khỏi thân cây sồi, bước lên phía trước. Chúng tôi đi theo bà. Chị kể cho bà nghe về chuyện viết lách của tôi. Giọng chị dịu nhẹ, lẫn trong tiếng gió xạc xào trên những nhánh lá cây ở hai bên đường mòn, như vọng lại từ một cõi nào đó xa lăng lắc. Tự dưng tôi bỗng không tránh khỏi cái ý muốn, ngoài bà Schaeffler, sẽ còn được gặp một người nữa trước khi chia tay với chị. Một người, mà hình như đã có ai đó, nói với tôi, tính tình cũng dịu dàng, như chị. Dầu tôi chẳng biết gặp mặt người ấy để làm gì. Như đã khăng khăng muốn lên đây, muốn gặp bà Schaeffler...

Tôi cố nén tiếng thở dài. Bà Schaeffler quay lại:

- Cô thấy cảnh trí ở đây như thế nào?

Tôi cười, đáp, đẹp. Người đàn bà cười tươi:

- Về nhà, chắc thể nào cô cũng viết được bài thơ hay đoản văn nào đó, phải không?

Tôi gật đầu. Tôi hy vọng thế. Bà Schaeffler lại bảo nếu tôi thích, hôm nào đó, tôi nên lên lại đây một mình, nghỉ ngơi vài ngày để yên tĩnh viết. Tôi đùa:

- Tôi quen viết trong không khí ồn ào. Yên quá, chắc viết không được.

Người đàn bà bật cười. Cho đến phút ấy, bà vẫn không biết tôi muốn đi thăm bà chỉ lần này mà thôi. Bà nói đùa thêm đôi câu. Và chị, chen vào một câu gì đó. Giọng nửa vui. Nửa như muốn nhắn nhủ tôi, ở lại. Bất giác tôi chùn bước lại, thụt lùi về phía sau vài bước. Và rồi cứ đi mãi ở phía sau hai người như thế cho đến lúc đặt chân thềm nhà bà Schaeffler. Chị vịn lấy cánh tay tôi:

- Chưa già như Oma, mà lên con dốc thế này đã thấm mệt.

Tôi đáp:

- Mai về nhà, em sẽ nhổ tóc sâu cho chị.

Hai chị em cười. Tiếng cười chị loang loáng bên vai tôi. Có nhiều người bảo rất khó có thể phân biệt giữa giọng chị và giọng tôi trong điện thoại. Lâu lâu chính mẹ tôi, qua đường dây viễn liên, mà còn phải hỏi đứa nào đang nói chuyện với bà. Cả giọng hát của chúng tôi cũng vậy. Nghe như chỉ chính một người. Nhớ lần đầu tiên khám ra như thế, tôi và chị đã bật cười, rồi ngạc nhiên hỏi nhau, không hiểu tại sao chúng tôi không hề có thời gian gần gũi cả từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, mà lại có thể "ảnh hưởng" đến nhau như vậy.

Trời rớt mưa lâm râm khi chúng tôi đã vào hẳn trong phòng khách. Bà Schaeffler pha một bình trà nóng và mang lên một khay bánh ngọt, rồi mở một đĩa nhạc giao hưởng mà bảo rằng chồng và một người thân của bà ngày xưa rất thích nghe. Tôi giật mình nhớ đến đĩa nhạc của Bach chị vẫn thường mở ở nhà. Dưng không tôi mường tượng đến cuộc sống của chính chị và tôi lúc về già, cũng một mình trong một căn phòng vắng lặng nào đó như thế này, nhưng có lẽ còn buồn hơn cả bà Schaeffler. Bà Schaeffler, dầu sao đi nữa, cũng vẫn còn mang được bên mình những kỷ niệm, những điều đã cưu mang và có thể nhắc lại bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Còn tôi với chị, hành trang cho mình những ngày không còn thanh xuân, nếu không là những khốn khó, đa đoan, thì có gì ngoài sự trống trơn, lạnh lẽo của cuộc đời.

Mưa mỗi lúc một to bên ngoài. Tôi lắng nghe tiếng gió u u lẫn trong tiếng mưa rơi, để cái thanh âm là lạ của nó át tiếng nhạc đang vang lên trong phòng. Nhớ ngày còn nhỏ, vào những tối trời mưa, tôi cứ nằm ngẩn ngơ nhìn những hình người khiêu vũ trên băng được in trên tấm chăn của mình, mà tưởng tượng đó là những đôi thiên thần đang chắp cánh tới những vùng trời xa xôi, sáng loáng, cho đến lúc chìm vào những giấc mơ dịu dàng, thấy chính mình cũng đang được lướt tới, lướt tới như thế. Ðể rồi sáng hôm sau, khi nói lại với những đứa em bà con, thì bị chúng cười nghiêng ngả. Ba tôi nói con nít hay mơ ước. Nhưng tôi nhớ những mơ ước của đám em họ tôi hoàn toàn chẳng giống mình chút nào. Cả những gắn bó của tôi với mớ đồ chơi trong nhà cũng khác thường hơn so với những đứa em tôi. Tôi ít khi thích những món đồ mới, cũng không muốn chơi với những con búp bê vừa được lấy từ trong hộp ra, hay vừa được mang từ tiệm về. Và lúc lên trung học rồi, có nhiều hôm tôi về trường cũ một mình, đứng tựa ở cổng thật lâu, lòng buồn man mác, không hiểu nổi tại sao mình lại bị mất mát một lúc nhiều thứ đến thế. Từ thầy cô, cho đến những đứa bạn ngồi chung bàn...

Lúc tôi quay lại, nghe giọng chị òa vỡ ra tiếng thở dài:

- Mama, lần trước con lên trời cũng mưa như thế này.

Trời cũng mưa những cơn mưa oan nghiệt, và đổ những cơn bão lớn tội tình. Lớn đến nỗi xế chiều hôm đó làm bà Schaeffler phải lo ngại, phải gọi điện thoại xuống ngăn không cho chị đi. Ðể cái bi kịch, có dịp được bắt đầu...

Bà Schaeffler, sau này kề với chị, chừng như cái cơn bão đã không chỉ ở gần bà, đâu đó ngoài vườn, ngoài phố, mà ở phía bên kia, đường dây điện thoại. Bà Schaeffler nói, bà không hiểu nổi tại sao cái gì xảy ra cho chị cũng có vẻ quá muộn màng và rủi ro đến vậy. Từ cuộc hội ngộ đầu tiên, cho đến lần chia tay cuối cùng của chị với một người mà bà thương như con, thương như thương chị. Bà bảo bà không tin số phần, nhưng hình như lại thấy cuộc đời của chị có vẻ gắn liền với những định đoạt đã có từ trước.

Cô ấy đã đi từ sáng sớm. Bà Schaeffler nghe như vậy. Và đã gọi điện thoại về nhà báo là đến nơi bình an. Cô ấy không ở chỗ bà, vậy thì cô ấy ở đâu?

*

Chị ở đâu? Bà Schaeffler cứ hối tiếc phải chi bà bớt nóng lòng đi tí chút, thì đã nghe được cú điện thoại của chị sau đó không lâu. Bà Schaeffler buồn thật buồn. Ðiều bà ao ước được đến với chị, đã đến. Cái hạnh phúc bà muốn chị có, chị đã với được trong tay. Nhưng vô tình, mà cả bà lẫn chị đều không còn gì...

Chị ở đâu? Tôi biết chị không ở trong những loay hoay nhàm chán hằng ngày. Không ở trong những cơn mưa, cơn bão của thiên nhiên, lẫn trong những cơn mưa, cơn bão của đời sống này. Buổi tối ngủ lại ở nhà bà Schaeffler, tôi nằm mơ thấy chị và tôi chạy vật vờ dưới những hạt nước trời đang rơi mịt mù trong không. Bàn chân tôi dẫm lên những bong bóng, nổ lốp đốp như tiếng pháo bông ngày hội. Tôi đã rán hết sức nhưng không thể nào lướt tới được phía trước, giống như những đôi nam nữ in hình trong tấm chăn thời còn bé của tôi. Rồi tôi nhìn thấy chị, với đôi cánh thiên thần, với bàn chân mang hài sắt lướt trên băng, chị lao về phía trước. Tôi thấy những đóa hoa nở dịu dàng. Và tôi thấy cả nụ cười của người tôi chưa hề biết mặt, mà có lẽ sẽ không biết mặt bao giờ.

Khi tôi tỉnh dậy, chị đang ngồi bên lò sưởi, đan tiếp chiếc áo bà Schaeffler làm dở dang. Tiếng than củi nổ tí tách hồn nhiên. Chị mỉm cười với tôi. Dịu dàng.

*

Một ngày rưỡi ở nhà bà Schaeffler qua đi rất vội vàng, nhưng tôi có cảm tưởng mình ở đó rất lâu. Lâu đến hàng chục năm. Lâu đến hàng thế kỷ. Buổi sáng tiễn chúng tôi về, bà Schaeffler ra đứng trên hàng hiên, ôm chào chúng tôi rồi quay vội vã vào nhà. Mới hôm qua, bà hứa sẽ xuống thăm chúng tôi, mời tôi lên lại nhà bà, và cả hai, chị lẫn tôi cũng đều mới hứa sẽ về thăm bà lần nữa, nhưng có lẽ chính bà đã biết rằng khó mà còn cơ hội cho bà và chúng tôi gặp nhau lần nữa. Tự dưng tôi bỗng lại muốn òa lên khóc khi nghĩ đến hai chữ tiễn biệt. Tôi quay nhìn ra ngoài cửa xe, ngó lên những ngôi nhà đầy dây leo và lá bìm bìm, mường tượng ra lần chia tay của bà Schaeffler với hai người sinh viên bà yêu thương như con ruột. Lòng tôi tối xám lại. Tôi không dám đưa mắt ngó lại phía sau lưng, sợ nhìn thấy chị, rồi sẽ lưỡng lự trước quyết định của chính mình...

Hoàng Nga


Tác Giả giữ bản quyền