htbt.jpg (4887 bytes)
  
Hoàng Thị Bích Ti
bluebar.gif (870 bytes)
Chùm hoa mận

Cư xá nằm ngay trong thành phố Sài-gòn, ngăn cách con đường lớn bằng những bờ rào, những hàng điệp tây đầy hoa. Những chùm trái điệp đen xám, treo tòn ten , khua rộn ràng như tiếng khánh mỗi lần bị gió lay. Cuối con dốc là những dãy nhà gọn gàng bao quanh sân cỏ rộng lớn lốm đốm từng chỗ cháy khô, chỗ mướt rượt, loang lổ như con chó lác. Ngôi trường tiểu học với vỏn vẹn năm lớp học nằm bên trái cạnh mấy gốc trâm. Ðó là nơi mà tôi không được phép bén mảng tới nhặt những trái trâm mọng nước, tím lịm bỏ đầy túi áo dơ tèm lem. Và sợ nhất là gốc cây keo cao ngất ngưởng đầy những trái khoanh tròn, ngộ nghĩnh, với lũ rắn roi màu xanh lục lúc nào cũng rình rập trong đám lá, sẵn sàng bay xuống "quất vào mông" đám con nít phá phách. Bệnh xá kế bên, đối diện với cái công viên nhỏ nhắn được ông giám thị cắt xén gọn gàng. Niệm Phật đường nằm phía bên trái. Xa xa đằng kia là nhà cầu công cọng, hàng rào dâm bụt cao nghều nghệu bao quanh, lúc nào cũng đỏ rực hoa. Anh Bé Tuất nói ngày xưa cư xá là một bãi tha ma chôn lính Tây được ủi làm nhà. Những chàng Tây không về được quê, bỏ xác nơi xứ người trở thành những con ma không nhà lang thang thất thểu. Cho nên dạo đó lúc dân cư còn thưa thớt, thỉnh thoảng người ta vẫn nghe tiếng những đoàn lính ma này duyệt binh rền vang trên sân cỏ lớn của cư xá. Những lần mưa là những lần vất vả nhất. Nước tràn xuống con dốc, đổ vào cư xá cuồn cuộn. Nhà nào cũng ngập nước. Hai chị tôi phải tát nước, lau chùi mệt nghỉ. Lâu ngày, nước rút không kịp, khoảng sân banh thấp nhất ứ đọng thành cái ao khá lớn cho đủ loại chuồn chuồn cùng với bầy ễnh ương nương náu. Và để bọn trẻ chúng tôi tha hồ xúc từng bầy cá bé tí teo, hay bắt những con nòng nọc lớn nhất đem về chờ coi đuôi nó rụng.

Nhà tôi mang số 24. Nên như những gia đình khác, ba tôi chỉ là một con số như ông 18 hay bà 25. Tôi lớn lên trong căn nhà màu xanh có dăm ba bụi hồng, cây hoa sói thơm ngát, và hai bà chị lớn hơn tôi năm, mười tuổi. Chị Gấm có hai hàng răng ngọc và nụ cười thật hiền lúc nào cũng nở trên môi, ngay cả những khi buồn giận, hay lo sợ . Và chị Tâm, nghiêm trang như bà giáo so với mớ tuổi học trò của chị. Ba bao giờ cũng lu bu cơm áo. Còn năm người anh thì mịt mù rong ruổi trên khắp các chiến trường. Bé quá, bọn con nít như tôi làm sao hình dung được chiến trường là gì ? Chúng tôi lại càng mù tịt về hai chữ chiến tranh. Không hình dung được, chỉ lờ mờ hiểu chiến tranh là cái gì ma quái như những đoàn lính ma, như lời nguyền của bà phù thủy trong truyện thần thoại. Với tôi, chiến tranh để lại một nỗi buồn man mác khi chợt nhớ đến những người anh vắng nhà hết năm này sang năm khác. Chúng tôi tranh nhau lớn lên như nòng nọc. Lớn lên trên sân cỏ với những buổi chiều đua nhau thả diều, những trò chơi trẻ con, nhảy dây, đánh đũa. Có một dạo, không thèm trò chơi con nít nữa, tôi trốn lên gác, rón rén trèo lên mái nhà nằm dài trên mái tôn đọc truyện, hay say mê ngắm những cụm mây tụ lại thành những hình thù, những nhân vật tưởng tượng kỳ dị. Chán, tôi bước lần mò trên những mái tôn qua nhà 22, nơi có cây mận um tùm, sai oằn từng chùm trái tròn trịa, xanh mởn. Cành lá xum xuê tỏa rộng. Tôi chỉ việc ngồi núp trong nhánh lá, bẻ từng chùm mận, nhâm nhi, trong bụng khoái chí như đã trả được mối thù nào đó với bốn anh em thằng Danh. Ngày này qua ngày khác, tôi lặng lẽ như mèo ăn vụng mà bà 22 chẳng bao giờ biết.

Bà 22 là một người đàn bà kỳ lạ, dữ dằn. Mỗi ngày, khi đến giờ cơm, cái bóng gầy khô của bà xuôi ngược khắp cư xá kêu réo anh em thằng Danh. Tiếng kêu của bà the thé, hung dữ. Khi kiếm được con, bà lẹ làng lượn đến bên chúng như con quạ, túm cổ lôi về. Thân hình dẹt như cá khô của bà vậy mà mạnh kinh khủng. Bốn anh em thằng Danh riu ríu, chịu trận dưới hai bàn tay tong teo, cứng như gọng kềm của mẹ chúng. Trái ngược bản chất phong lưu trác táng của chồng, ông Quận, bà 22 lúc nào cũng lam lũ như tôi mọi. Chưa ai thấy bà mặc một chiếc áo dài bao giờ, ngay cả trong những ngày Tết. Lúc nào cũng cái quần đen mốc thếch xắn lên khỏi mắt cá. Chiếc áo bà ba trắng ngả vàng. Tóc tai lúc nào cũng bối cẩu thả ra phía sau. Những nhánh tóc phía trước rũ rượi phủ xuống gương mặt cằn cổi trơ đôi mắt trắng dã,cá chết. Bà không giao du với bất cứ ai trong xóm, sống vất vưởng như một oan hồn, chăm chăm từng chút cho chồng con. Thằng Hoằng, thằng Danh hơn tôi vài ba tuổi. Hai anh em nghịch như quỉ, chuyên môn đi bắt thằn lằn để ngắt đuôi. Chúng khoái những cái đuôi thằn lằn mới ngắt còn dẫy tê tê, gớm ghiếc vô cùng, để dọa dẫm bọn con gái. Có khi chúng ném vào chúng tôi nên đứa con gái nào thấy anh em chúng là sợ xanh mặt. Nhưng chúng tôi sợ bà Quận, ghét anh em thằng Danh bao nhiêu

thì càng khoái anh Bé Tuất, em trai ông Quận bấy nhiêu. Ðâu phải bé Tuất nhỏ nhít gì cho cam. Anh to lớn dềnh dàng như voi mà bị mọi người, ngay cả bọn con nít chúng tôi kêu bằng Bé mới đau.

Khi trời bắt đầu chạng vạng nhà nhà đã lên đèn, tiếng ễnh ương bắt đầu rền vang, tiếng mõ tiếng tụng kinh ê a từ Niệm Phật Ðường, cả bọn không ai bảo ai, cùng túa ra đi kiếm Bé Tuất bắt anh kể chuyện ma. Cả đám con nít chín mười đứa ngồi khoanh tròn trên sân cỏ, đứa nào đứa nấy co rúm, chờ đợi trong sự sợ hãi thích thú. Những con mắt lúc nhắm, lúc mở thao láo, náo nức chờ nghe anh kể chuyện. Chuyện nào anh kể cũng hay, cũng mới, dù đã kể đi kể lại nhiều lần. Thỉnh thoảng tới đoạn rùng rợn, cả bọn đang nín thở im phăng phắc thì bỗng nhiên bầy ễnh uơng lại ré lên, hoặc anh em thằng Danh đang trốn đâu đó nhảy xổ ra làm cả bọn la chói lói, hè nhau mắng mỏ, sỉ vả anh em nó không tiếc lời.

Tôi ít khi gặp ông Quận. Thỉnh thoảng, khi la cà với lũ bạn nhỏ trước sân, tôi vẫn thấy ông đi đi,về về. Mỗi lần ông lái

chiếc xe jeep đến gần là thiên hạ đã nghe tiếng còi xe hách dịch, inh ỏi. Ông bấm còi bọn con nít đã đành, nhiều lúc ông đỏ mặt tía tai, phùng mang trợn mắt, bấm liên tu bất tận khi có cô nàng vịt xiêm nào đó đang ngang nhiên, chễm chệ bước từng bước nặng trịch trước đầu xe. Hôm nào may mắn không nghe tiếng còi xóc óc của ông thì lũ con nít chúng tôi cũng có đứa hoảng vía khi chiếc xe jeep của ông bay qua vũng nước mưa gần đó, bắn tung tóe cả sình lên bọn nhỏ. Hình như ông chả thèm nể nang ai nhưng đối với ba tôi bao giờ ông cũng dạ thưa rối rít. Mấy lúc gần đây, tôi vẫn thấy ông hay đưa đón cô Hường, con gái bà 25 mỗi ngày. Chiều chập choạng tối, ông ngồi cả giờ trên xe jeep chờ cô. Khi thấy bóng cô Hường thấp thoáng bên mái hiên, ông vôi vàng phóng xuống xe đi vòng qua phía bên kia, rút khăn tay phủi vội phủi vàng lên mặt ghế. Không biết cô Hường làm gì, nhưng chiều chiều khi mọi người đã về nhà dùng xong bữa cơm chiều thì cô mới bắt đầu đi làm. Cô không có chồng, sống với bà mẹ trẻ măng và hai đứa con gái học trường đầm. Ðứa nhỏ, trạc bằng tuổi tôi. Trưa trưa, khi ba đón mấy chị em đi học về, tôi thường thấy cô nằm ỏng ẹo trên cái võng treo trước mái hiên. Cô hay mặc áo sát nách. Mỗi lần nằm dài trên võng, cô đưa cả hai tay lên đầu khoe hai nách tua tủa lông đen ngòm ngòm. Những lần như thế chị Tâm đều cau mặt, ném sang bên kia hàng rào cái nhìn sắc lịm của cô bé mới tập làm người lớn. Còn chị Gấm và tôi thì len lén nhìn gương mặt đỏ gấc vì say nắng của ba.

Cũng với thái độ nghiêm trang, ông kiên nhẫn đứng giữ cửa xe, mặt đờ đẫn theo dõi từng bước đi, từng cái dáng xoay nửa người khi cô cài then lên cánh cửa sau lưng. Và khi cài xong cánh cửa, cô làm như rất tình cờ, rất hoan hỉ khi nhìn thấy ông.

- Ủa ! Sao đúng lúc quá vậy ?

Ánh mắt cô reo vui và giọng nói dịu dàng không thể tưởng. Lần nào cô cũng đưa bàn tay ra cho ông đỡ lên xe. Mặt mày ông lúc đó sướng rân. Chờ cho cô Hường ngồi xuống, ông vội vàng ba chân bốn cẳng chạy vòng qua bên này. Leo lên xe, hất mái tóc trét đầy vaseline cứng ngắt ra phía sau rồi anh dũng nhấn ga vọt qua mấy ổ gà với nét mặt nghiêm chỉnh của một ông tướng sắp ra trận, không thèm đếm xỉa gì đến đôi mắt uất hận

của vợ nhìn theo sau bức màn sáo.

Tôi không biết bà Quận bị trói dưới gốc mận từ bao giờ. Buổi chiều, đang rướn người nhất định hái cho được chùm mận với những trái to xanh mơn mởn chót vót trên cao thì tôi thấy bà Quận bên duới. Hai cánh tay bà bị treo ngược trên cành mận. Cả thân hình trần trụi, không một mảnh áo gần như hỏng khỏi mặt đất. Hai gót chân khô nứt rướn lên. Mái tóc bà xổ tung, rũ rượi. Cặp vú dài thòng, đong đưa hai miếng da, khô ngắt. Tấm lưng gầy đếm được từng đợt xương của bà dọc ngang những vết roi. Hai anh em thằng Danh đứng trong góc, rưng rức khóc. Ông Quận ngồi trên cái ghế đẩu gần đó. Áo sơ mi trắng tinh còn bỏ trong quần, ngực áo không gài, cà vạt vất ngược ra phía sau cổ, tay áo xắn lên, một tay cầm cây roi mây dài da bị tủa ra trên ngọn. Ông đưa tay quẹt những giọt mồ hôi trên trán, rồi lừ lừ, điêu luyện như một tên đao phủ thủ, vung ngọn roi lên vụt túi bụi vô người vợ. Hình ảnh đó không khác nào bức tranh ngoài niệm Phật đường vẽ cảnh ngài Mục Kiền Liên xuống hỏa ngục tìm mẹ và phải chứng kiến cảnh mẹ bị ngạ quỷ hành hình. Lạ một điều, cũng như bức tranh kia, những người bên dưới chỉ âm thầm khóc. Không một tiếng khóc lớn. Không một tiếng rên la. Mọi việc đều diễn tiến âm thầm, dấu kín. Tôi chỉ nghe tiếng roi lướt đi trong gió, xào xạc như cành mận đang lay. Tiếng người đàn ông đều đều, nhẹ nhàng như đang nói chuyện :

- Con quỷ ! Sao cứ theo ám tao hoài vậy ?

- ...

- Mầy nói gì với người ta ? Nói mau !

- ...

- Coi cái tướng ngạ quỷ của mày kìa ! Vậy mà cũng bày đặt ghen tương này nọ.

- ...

- Mày biểu tao ăn nói với người ta làm sao đây ? Bây giờ mặt mũi nào tao dám nhìn người ta được cơ chứ ?

Mỗi lần câu nói chưa dứt thì ngọn roi đã quấn chặt lấy người đàn bà như con rắn đói. Hai đứa con trai cúi gầm mặt xuống không dám nhìn bố mẹ, nước mắt nhỏ từng giọt. Ngay lúc đó, bé Tuất bỗng hiện ra. Cánh tay to lớn của anh vươn ra chụp lấy ngọn roi. Giọng anh nhỏ nhẹ :

- Ðủ rồi, anh Hai !

- Tránh ra ! Không được xía vô chuyện của tao !

- Tha cho chỉ đi !

- Buông ! Cút đi ! Mầy không buông ra, cả cái mạng mầy cũng sẽ không còn !

Bé Tuất khựng kại. Cánh tay nắm ngọn roi buông thỏng. Anh xoay lưng chán nản, bỏ đi. Giọng người đàn ông giật ngược, lạnh lùng :

- Khoan đã, ngồi xuống đó.

- ...

- Mở mắt ra coi tao dạy chị Hai mày !

- ...

- Trong nhà này,đứa nào cãi lời tao thì đừng hòng sống !

Bé Tuất lẳng lặng ngồi xuống. Mặt cúi gầm. Năm phút rồi mười phút trôi qua. Người đàn bà vẫn cong rướn người lên như con giun, hứng trọn từng lằn roi. Mỗi lần cánh tay người đàn ông vung lên, ngọn roi trườn tới táp từng miếng thịt của người đàn bà đến bật máu. Từng tiếng rên bật ra sau hai hàm răng nghiến chặt.

Sau cái hôm làm nhân chứng tình cờ trên mái nhà tôi bị sốt liên tiếp mấy ngày. Hình ảnh người đàn bà trần truồng bị treo ngược trên cành cây trong buổi chiều tím ngắt dưới những chùm hoa mận vẫn còn in trong trí tôi. Từ lúc xảy ra chuyện tôi cũng ít khi gặp anh Bé Tuất. Thỉnh thoảng, những buổi trưa tan trường về không có Ba đón, tôi vẫn thấy anh lặng lẽ đi theo sau lưng ba chị em chúng tôi. Những hôm đó, tôi kéo tay chị Gấm :

- Anh Bé Tuất kìa ! Cho anh đi chung được không ?

Lập tức, chị Tâm liền cau mày. Còn chị Gấm thì sa sầm nét mặt, vùng vằng :

- Kệ "nó" ! Ði mau lên !

Len lén nhìn anh Bé Tuất một mình lầm lũi phía sau, đôi mắt vẫn theo sát mấy chị em, tôi bỗng đâm ra "bất nhẫn" ngang xương, nên rán kì kèo :

- Cho ảnh đi cho vui mà ! Ảnh kể chuyện hay lắm !

Chị Tâm gắt lên :

- Con nít con nôi mà nhiều chuyện ! Có đi nhanh lên không thì bảo.

Tôi phụng phịu làm thinh, thỉnh thoảng vẫn liếc chừng phía sau. Chị Tâm lâu lâu lại dò chừng :

- Bé quay lại coi "nó' đâu rồi ?

Tôi láu táu :

- "Nó" sắp tới sát bên rồi !

Chị Tâm quay sang tôi trừng mắt :

- Nó" ! "Nó" cái gì ? Ðừng có hỗn !

Tôi ngơ ngác, nhăn mặt. Chị nói như thánh phán :

- Bé còn nhỏ, không được gọi "nó" là "nó". Biết chưa ?

Tôi làm thinh chẳng hiểu mô tê gì. Thật ra anh Bé Tuất lớn hơn hai chị của tôi chứ bộ ! Chị Gấm lo sợ, nhìn chị Tâm cầu cứu :

- Bây giờ làm sao ? Ba biết được thì chết !

Chị Tâm hất hàm bảo chị Gấm :

- Chị lấy thước ra đi ! Nếu "nó" mà tới thì mình "cảnh cáo " nó trước.

Chị Gấm nhăn mặt :

- Cảnh cáo làm sao ?

- Thì chị nói : " Mày theo tao hoài, tao méc ba tao, lúc đó đừng có trách. "

- Nếu nó giở trò chọc ghẹo thì sao ?

- "Nó" mà lộn xộn thì lấy thước đập liền !

Chị Gấm gật đầu, lật đật mở cặp táp da, lôi cây thước kẻ ra. Hai bà chị lăm lăm hai cây thước kẻ trong tay, sẵn sàng trong thế tử thủ. Tôi hồi hộp, riu ríu theo hai chị, trong lòng chỉ mong sao cho anh Bé Tuất đừng đuổi theo kịp.

Khuya, bọn con nít chúng tôi chia tay anh Bé Tuất ngoài sân cỏ. Ðang túa nhau về thì anh ấy giữ tôi lại. Anh nhét vào tay tôi lá thư xếp nhỏ, giọng ngập ngừng :

- Bé đưa cái này cho chị Gấm giúp anh được không ?

Tôi cầm lấy, ngơ ngác, nhưng vẫn gật đầu :

- Ðược.

Anh có vẻ lo âu :

- Ðừng cho ai biết nghe không !

- Em biết rồi !

Tôi xoay người chưa kịp chạy đã bị anh níu lại :

- Nói chị Gấm ... phải trả lời anh nghe !

Tôi dạ lẹ làng, đâm đầu chạy về nhà. Lúc đó, chị Gấm đang ngồi chải mái tóc dài, ướt đẫm, thơm ngai ngái mùi chanh và bồ kết. Chị Tâm thì chúi mũi vào đống bài vở trên bàn. Tôi vất miếng giấy vô lòng chị, sà xuống kế bên, nói nhỏ :

- Anh Bé Tuất biểu em đưa chị.

Chị Gấm dẫy nẫy :

- Ðưa chị làm chi ?

Chị Tâm ngửng mặt lên khỏi quyển vở, đôi mày nhíu lại. Thấy lá thư, chị phóng tới như chớp.

- Gì vậy ?

- Anh Bé Tuất biểu em đưa chị Gấm cái đó.

Chị Tâm cầm lá thư lên cười, không quên ký đầu con em một cái, kèm theo lời hăm dọa :

- Ðã bảo không được nhiều chuyện. Ai biểu gì cũng làm. Tao méc Ba bây giờ !

Nghe tới Ba, tôi lủi liền tay. Bỏ mặc hai chị chụm đầu vào nhau to nhỏ, rúc rích cười cả đêm.

Tôi chưa bao giờ thấy Ba giận dữ như vậy. Hôm đó chị Gấm bước vô tới mái hiên, quăng cái chìa khóa nhà cầu xuống bàn. Mặt mày chị nhợt nhạt, nước mắt chảy vòng quanh, hậm hực :

- Cái thằng ... cái thằng quỉ sứ ấy !

- Chuyện gì vậy ?

Gương mặt chị Gấm đổi từ xanh qua đỏ, từ đỏ qua xanh như con cắc kè. Giọng chị tức tửi :

- Cái thằng Bé Tuất ấy ! Nó chận tao ngoài ... cầu tiêu !

- "Nó" muốn gì ?

- Ai biết gì "nó". "Nó" nói sắp đi xa gì đó... rồi "nó" còn nói "nó" thương tao nữa !

Chị Tâm ôm bụng cười rũ rượi :

- Trời ơi ! Sao cái thằng cù lần thế ! Nhè cái lúc người ta đi ... ị mà tỏ tình thì đúng là hắn "bí" lắm rồi ! Xui cho hắn gặp ngay lúc nàng cũng đang "táo bón" nữa mới chết người cơ chứ !

Bị chọc quê, chị Gấm vùng vằng bỏ đi. Buổi chiều vẫn chưa hết cơn hậm hực, Ba đi làm về chị méc liền tay. Thế là Ba nổi trận lôi đình, xốc qua nhà ông Quận mắng vốn một mách. Nhớ đến hình ảnh bà Quận dưới gốc mận, tôi lo sợ cho anh ghê gớm. Anh Bé Tuất bị ông Quận đuổi đi từ hôm đó. Không có anh, bọn con nít trong xóm nghĩ ra trò chơi khác thay thế. Còn tôi, có một cái gì đó khiến tôi cảm thấy anh Bé Tuất sẽ không bao giờ trở lại nữa. Anh cũng như những người con trai khác lớn lên, rời bỏ cư xá. Nếu có trở về, anh sẽ không còn là anh Bé Tuất của tôi, là "thằng Bé Tuất " của hai chị tôi và những người lớn trong cư xá nữa.

Mấy năm sau ngày anh Bé Tuất đi, người ta thi nhau mà chết. Cư xá vốn đã hoang dại, ma quái lại càng hoang dại ma quái hơn. Hơi hướm chiến tranh lan tràn trên từng ngọn cây, lá cỏ. Cõi sống và cõi chết lẫn lộn, thật gần như bàn tay sấp ngửa. Người sống và người chết bám víu lấy nhau để biết mình vẫn còn hiện hữu. Những oan hồn lang thang giữa trần gian cố níu kéo một kiếp người ngắn ngủi, trầm luân chưa thật sự sống cho chính bản thân mình ngày nào. Những người sống là những thây người biết đi, ngơ ngáo, trôi nổi trong tai ương, sống vội sống vàng. Những buổi tan trường về tôi vẫn bắt gặp thường xuyên những đoàn công-voa bám đầy bụi đường, rã rời, tiếp nối thành hàng kéo nhau về thành phố. Người lính ngồi sau tay lái mệt mỏi như một chàng kỵ mã bại trận trở về, không thèm để ý đến những thây ma không nguyên vẹn đang trân người chịu đựng những dằn lên xóc xuống cuối cùng trong những chiếc áo quan phủ lá quốc kỳ. Thân phận con người sao quá tầm thường, nhỏ nhoi như một món đồ chơi rẻ tiền bọc giấy hoa vàng đỏ. Trong cư xá, hết nhà 18 có tang rồi đến nhà số 7. Ông 16 có tám đứa con trai nheo nhóc. Ðứa lớn là Cu Nhớn, đứa kế là Cu Nhỏ. Cu Tèo, Cu Tí, rồi tiếp tiếp theo đó là Cu Trắng, Cu Ðen v..v.... Anh Cu Nhớn đi lính năm tròn 18 tuổi, chưa kịp về thăm mẹ lần nào thì chết. Cu Nhỏ thì bị đứt lìa đôi chân khi mồ anh chưa xanh cỏ. Bà 19 lưng còng tóc bạc chỉ có hai người con trai. Anh Lớn mới cưới vợ thì đã đi, năm khi mười họa mới về. Còn anh Nhỏ, người con út cũng vừa mới mất. Và nhà tôi, cái tang thứ nhất của tôi là tang anh Phúc. Năm anh tôi mất, tôi đã được mười ba. Buổi chiều hôm đó khi tôi đang ngồi bắt những con rắn chiếu trên cây hoa Sói thì tin dữ đến. Anh lính mặt mày non choẹt, xoay tròn cái nón trong tay, giọng nói lơ lớ như anh chệt :

- Cái lày... có phải dà ông đại úy hôn ?

Tôi gật đầu :

- Dạ, anh tôi không có nhà.

- Tui... tui không muốn kiếm ổng. Tui muốn kiếm gia đình của ông đó mà !

- Anh kiếm đúng nhà rồi.

Người lính gãi tai, mặt mày khổ sở :

- Ông Thầy... Ông Thầy ổng ... chết rồi !

Tôi mở tròn xoe mắt :

- Ông thầy nào ? Tại sao chết ?

Người lính bối rối :

- Ổng ... ổng bị đạn... ổng chết.

Tôi điếng người, chợt hiểu. Vẫn lối hành xử của con nít, tôi hoảng hốt kêu cả nhà ra. Ba tôi đứng chết lặng. Mấy chị òa lên khóc. Còn tôi, cảm giác của tôi lúc đó thật lạ kỳ. Người lính đem gieo cái hung tin ấy xuống gia đình chúng tôi đang sờ đầu gãi tai, ấp a ấp úng như ngọng. Giọng nói lơ lớ như mán trên rừng và nụ cười khờ khạo của hắn khiến tôi bỗng muốn nhảy xổ đến xán cho mấy bạt tai và đuổi cổ hắn ra khỏi nhà tức thì. Tôi hận những người chỉ huy của anh ta đã quá lơ là, sai phái một người không ra gì làm cho cái chết của anh tôi bỗng nhiên trở nên tầm thường vô nghĩa.

Người ta đưa xác anh tôi về trong quan tài phủ quốc kỳ. Ngày đầu tiên chưa đóng nắp áo quan. Máu anh vẫn trào ra khóe miệng. Ðỏ tươi. Uất hận. Tôi đứng bên quan tài, cầm miếng vải sô lau từng giọt máu cho anh và bỗng nhiên thấy mình không còn bé nữa. Cuối năm ấy khi hai cụm hoa giấy nơi mồ anh Ba bắt đầu nở hoa thì người ta lại đưa anh Tư tôi về trong quan tài. Cũng phủ lá cờ ba sọc đỏ. Ngày được tin anh mất cũng là ngày đầu tiên trong đời tôi nghe Ba khóc. Ðêm hôm đó tôi nằm mở căng đôi mắt. Từng thớ thịt như tê đi khi nghe tiếng khóc của Ba òa vỡ, tức tối. Một người đàn ông đã ngoài năm mươi khóc cho người con trai chết trận và những đứa con trai khác mịt mù xa tít. Tiếng khóc ấy tuôn trào ra như nỗi uất ức không nói được thành lời của một đứa con nít. Tiếng khóc trôi vào ký ức tôi, hòa tan trong xương máu, nhận chìm một phần linh hồn tôi, bất di bất dịch.

Không biêt có phải chiến tranh là tai ương của đất nước và con gái là mối họa của gia đình không mà cứ vài ngày bọn Nhân Dân Tự Vệ trong xóm lại đập cửa nhà tôi, đòi xét sổ gia đình, bắt lính. Những đêm như thế, Ba bực lắm.

- Nhà tôi có bao nhiêu người mấy cậu biết rồi. Năm đứa con đi lính, chết hai còn ba. Mấy cậu xét cái gì mà đêm nào cũng đòi xét ?

Gã con trai lớn nhất trong bọn xếp tờ sổ gia đình đưa cho Ba, liếc nhanh về phía hai chị tôi :

- Bác thông cảm !

Mấy tên loắt choắt phía sau thì thào :

- Nhà có con gái mới xét chứ lị !

Ba quay phắt lại, đôi mắt tóe lửa. Cả bọn tảng lờ, giả vờ tìm kiếm sục sạo một chập nữa mới chịu kéo nhau đi.

Sau khi chị Gấm thi đậu Tú Tài 1 thì có người đến xin cưới. Ba bằng lòng ngay. Trưa hôm ấy tôi ngồi với chị nơi mái hiên. Mái tóc chị đổ dài, đen nhanh nhánh, đong đưa theo nhịp võng, Tiếng xe Honda đỗ xịch trước sân. cả hai chị em cùng nhìn ra. Cơn nắng gay gắt buổi trưa làm gương mặt người con trai trên xe đỏ rực. Tôi reo lên :

- -, anh Bé Tuất !

Anh Bé Tuất ngồi trên xe, chống một chân xuống đất, cười lớn tiếng :

- Bé đó hả ? Trời ơi, vậy mà anh tưởng cô nào. Suýt nữa là nhận không ra.

Tôi cười lặng thinh. Anh nheo mắt :

- Còn sợ ma không ?

Con bé nguýt dài, chu mỏ, nói cộc lốc :

- Hết rồi !

Chị Gấm cười chen vào :

- Nó mà sợ ma ? Ma sợ nó thì có !

Anh Bé Tuất cười ròn rã. Chị Gấm ngồi trên võng, hỏi vọng ra :

- Mày về hồi nào vậy ?

Anh Bé Tuất nhăn mặt, giọng năn nỉ :

- Thôi mà Gấm ! Lớn hết rồi, đừng "mày tao" nữa. Ðâu còn nhỏ nhít gì !

Chị tôi sượng sùng, khựng lại một giây, cười thật hiền :

- Ừ, không mày tao nữa ! Vào nhà chơi đi !

Anh Bé Tuất ngập ngừng :

- Gấm còn giận tôi không ?

Chị tôi ngơ ngác :

- Giận chuyện gì ?

- Chuyện... chuyện tôi theo Gấm lúc trước !

- Không ! Chỉ thấy bực vì... kỳ cục !

Anh Bé Tuất không nói. Gương mặt anh trầm ngâm, đôi lông mày rậm hơi nhíu lại :

- Nghe nói Gấm sắp lấy chồng hả ?

- Ừ !

- Lấy ai ?

- Không quân !

- Tôi về để uống rượu mừng đây ! Có cho không ?

- Uống líp ! Vào nhà đi, nắng lắm !

- Không sao ...

- Dựng xe lại, vào chơi tí cho mát !

- Tôi đi ngay mà ...

- Thì vào tí đã ! Ngồi đây nhìn ra, nắng chói mắt lắm !

- Gấm ra đây sẽ không bị chói. Tôi không vào đâu !

- Vậy thôi ! Ngồi đây được rồi.

- Ra đây đi ! Tôi muốn Gấm coi cái này.

Nhìn đôi mắt buồn muốn khóc của Bé Tuất, chị tôi xiêu lòng đứng dậy, bước ra sân :

- Chừng nào đi ?

- Không đi nữa !

- Sao vậy ? Tính trốn hả ?

- Ðâu cần trốn !

- Ðổi về đây hả ?

Anh Bé Tuất cười méo mó :

- Không... Gấm đi vòng sang bên này thì biết !

Chị mở tròn xoe đôi mắt, miệng vẫn cười . Anh Bé Tuất gịuc giã :

- Qua phía bên này đi !

Chị tôi nhẹ cau mày nhưng vẫn ngoan ngoản đi vòng qua bên kia xe. Từ trong nhà tôi nghe tiếng chị lạc đi :

- Trời ơi ! Bị từ bao giờ ?

- Lâu rồi ! Có sao đâu Gấm, không chết là may rồi !

- ...

- Mất bàn chân nhằm nhò gì. Còn lái xe được mà !

Chị tôi đứng lặng ngưòi không nói. Bóng chị chao đi, lung linh dưói cơn nắng. Giọng anh Bé Tuất chùng xuống :

- Phải chi chúng mình vẫn như ngày nào, đừng bao giờ lớn Gấm hả ! Như thế, Gấm sẽ không bao giờ lấy chồng, và tôi sẽ... Mà thôi, tất cả đều là số mạng ! Ðâu có ai mà tránh khỏi ! Tôi về lần này chỉ để nói với Gấm rằng, tôi mong Gấm sẽ được nhiều hạnh phúc !

Ðêm hôm đó không biết có phải vì sắp về làm dâu người ta hay không mà chị Gấm cứ trằn trọc mãi. Buổi sáng khách đến đầy nhà. Ðám cưới chị linh đình với nhiều hoa và pháo. Chị Tâm và tôi buồn lắm. Ba thì thỉnh thoảng ngẩn người nhìn chị như muốn nuốt trọn hình bóng con gái. Ba người anh của tôi không về được mừng em gái lấy chồng.

Ðến giờ rước dâu, nhìn dáng chị quay đi, chân giẫm trên những xác pháo hồng tơi tả, tôi bỗng nhiên nhớ đến anh Bé Tuất và những chùm hoa mận rụng trắng sân gạch đỏ ngày xưa. Và ngay lúc đó, tôi mơ hồ thấy bầu trời bỗng ngả sang một mầu tím ngăn ngắt. Tôi nghe tiếng gió lướt vùn vụt trên cành lá mận, trườn quanh lớp vỏ cây sần sùi, khô cứng. Gió liếm từng giọt nhựa rỉ rỉ, nâu nâu như màu máu bầm, đặc quánh. Tôi thấy những chùm hoa mận trắng toát run lên bên màu lá xanh biếc, rồi lảo đảo trong gió. Và tôi bỗng ước gì tất cả những đứa con nít trên đất nước này sẽ không bao giờ trưởng thành, và chị của tôi đừng bao giờ lấy chồng...

 

Hoàng Thị Bích Ti

(tạp chí Sóng Văn , USA)


Tác Giả giữ bản quyền