Nguyễn Sao Mai
bluebar.gif (870 bytes)

Xin cảm ơn,
cái chết hạnh phúc

Ðêm bắt đầu loãng ra, nhão ướt ở những hình thù không rõ rệt về phía đông, trơn tuột dần. Trên con đường lờ mờ như một vết cọ sũng nước trên nền sơn âm ỉ đoàn xe nhà binh mười mấy chiếc nối đuôi, đèn lù mù, máy nổ hậm hực giục giã bóng tối. Con đường bắt đầu thấy cong dộp những mô đất nổi và đá tảng. Và cánh đồng, như con bài tẩy được nặn lên từ từ, lờ đờ hiện ra khuôn mặt thê thảm cũ mỗi ngày, đen nứt, trống hốc, khu rừng bên kia trăn trở, sắp sửa phơi trần những đe dọa ghê rợn và bí mật mỗi đêm, rậm rịt, bưng bít, đầy dấu hiệu của những sợi giây mìn bẫy chạy dài cho đến chân núi thấp im sững sương mù.

Chiếc xe xích lô xóc đảo, hối hả luồn lách qua những ổ trũng rồi dừng lại. Người đàn bà già nua, tay xách giỏ, tay vịn chặt lên vè bánh xe lập cập bước xuống, móc trong túi áo bà ba tờ giấy bạc đưa cho người phu xe rất trẻ vẫn ngồi trên yên.

- Ðây, tiền đây. Khỏi thối. Bác phải đi tìm thằng con bác. Xe sắp chạy rồi kìa!

Người phu xe nhăn mặt, chưa kịp nói gì thì người đàn bà đã lệt bệt như chạy về phía đoàn xe.

- Này bác ơi ! Chừng này thôi à ?

Gã kêu vói, nhìn theo. Nhưng khi mắt chạm phải đám thanh niên ngồi chen chúc lố nhố trên xe, gã chợt nhận ra một điều khác, quan trọng hơn. Gã đã may mắn không bị lùng bắt, xua từng bầy, di chuyển về vùng đánh nhau nào đó không ai biết. Gã vội vã quày xe, nói một mình :

- Thôi được. Nếu có lần sau cũng không lấy tiền bác đâu.

Người đàn bà đã đến sát bên chiếc xe cuối cùng, níu tay trên tấm bửng cửa đóng cứng, chồm người lên :

- Quang ơi, Quang ! Có con ở đây không ?

Im lặng. Người con trai ngồi phía ngoài, lỏng lẻo trong chiếc áo lính dày cộm nhăn nhúm, ái ngại nhìn mái tóc bạc búi thõng, rối mù. Anh dịch người một chút về bên trong, tránh những ngón tay xương mềm bấu cứng trên thanh thép xám.

- Quang ơi, Quang !

- Có ai tên Quang ở đây không ? Có ai không ?

Ai đó trong xe hỏi lớn. Không có ai. Người đàn bà vội vàng buông tay, đi về chiếc xe phía trước. Cũng bấu víu ở chỗ bửng cửa. Cũng chồm người lên. Cũng chỉ một câu hỏi lập đi lập lại. Nhưng càng lúc càng gấp rút hơn, sợ hãi lo lắng hơn, dồn dập theo tiếng máy nổ. Ðôi mắt mờ đục như lá mỏng dập nước càng lúc càng ràn rụa nước mắt. Còn mấy bước đến chiếc xe đầu hàng, người đàn bà mệt đuối té ngồi xuống đất. Nhưng chỉ một giây, bà lồm cồm xách giỏ đứng dậy. Quang ơi, Quang. Chưa tới được cửa xe, bà té quỵ lần nữa. Ðám thanh niên ngồi trên xe đã nghe, đã nhìn thấy. Nhưng im lặng. Thình lình, một người nhảy ra khỏi xe, chạy về phía người đàn bà. Tức thì, những tiếng quát tháo nổi lên. Ðám quân cảnh và lính hộ tống lố nhố xông đến, không biết từ phía nào. Ðạn lên nòng lách cách.

- Ðứng lại ! Chạy bắn chết ngay !

Người thanh niên đứng lại, thở dài :

- Ðâu có xếp. Em thấy bà già té hai lần, tội quá, xuống đỡ thôi.

Người sĩ quan già, áo giáp không gài xề xề như hai cái cánh mới nhú của con dế non, chậm rãi bước đến. Ông im lặng một lúc, sau đó, vỗ vỗ bàn tay xương lên vai người thanh niên trẻ:

- Lên xe đi ! Ðừng có dại dột, hiểu không ? Anh chạy về nhà, sau đó, chạy đi đâu nữa ? Cái gì phải làm, hãy làm cho xong đi ! - và ông quay sang người đàn bà- Bà có sao không ? Bà tìm ai, tên gì ? Ðể tôi giúp bà.

- Tên Quang. Tôi tìm thằng Quang. Tôi là bà Tư. Bà Tư Hạnh. - Người đàn bà ì ạch đứng lên - Xe sắp chạy chưa ?

- Sắp! -Viên sĩ quan cười hiền- Ðể tôi tìm giùm bà.- Và nói với người đứng bên - Anh đưa tôi bản danh sách.

Người thanh niên vừa định trèo lên xe, bỗng đứng lại, tần ngần. Những người lính đang bận rộn bên người đàn bà. Gương mặt héo quắt và đôi mắt dập nước bỗng dội anh ướt sũng giữa mớ hình ảnh quen thuộc, những con gà què quặt lụm cụm, những ngọn rau khô khát mệt lả trong vườn, và mẹ anh, như sợi tơ tóc trắng vướng víu trong đó sắp sửa căng đứt. Không được. Anh quay phắt lại. Ðám người vẫn đứng lớ ngớ. Viên đại úy đang dí mũi vào tờ danh sách. Người thanh niên rùng mình, nghĩ đến cái tên anh vừa hiện ra dưới mắt viên sĩ quan già, y như con người xương thịt của anh đang co rúm lại trên tờ giấy mỏng. Không có. Bà nên về đi. Ðến một chỗ nào đó rồi anh ấy sẽ gửi thư. Không có việc gì đâu. Viên đại úy nói. Quang ơi, Quang. Người đàn bà cất tiếng gọi. Tiếng gọi đánh thức ngày. Tiếng máy nổ của đoàn xe gấp rút hơn. Từ phương đông, ánh sáng xoải cánh tay nhão nhợt bám trèo lên những đọt cây cao, sắp sửa leo xuống. Chỉ một phút nữa thôi, ánh sáng sẽ tràn tới, sẽ đóng khung và định hình mọi thứ, gói ghém mọi thứ trong từng số phận riêng chung. Và hết. Phải nhanh lên. Phải gấp rút. Một điều gì đó chợt thôi thúc mãnh liệt. Người thanh niên nhìn quanh. Khu rừng phía sau đang uống từng ngụm bóng tối còn sót trên triền dốc nghiêng. Con đường tênh hênh, thẳng tuột. Phải gấp rút. Nhưng anh không biết phải gấp rút về điều gì. Ðầu óc rối mù. Tim đập thảng thốt. Ðúng vào lúc bàn tay anh vừa chạm lên khung thép của cửa xe để leo lên, y như có ai đó vừa nhổ anh lên khỏi mặt đất, dúi về phía trước. Chạy. Tia chớp lóe lên trong mớ ý thức đen đặc. Anh vụt lao mình đi. Như một mũi tên.

- Ðứng lại ! Ðứng lại ngay !

Viên sĩ quan la lớn. Ðám lính rối loạn một giây, rồi ùa nhau, hăm hở đuổi theo, dọc theo đoàn xe, như đám trẻ chận bắt một con chuột con đang lủi trốn.

- Bắt nó lại ! Chận nó lại !

Nhưng họ không thể nhanh hơn người thanh niên. Thoáng chốc, anh đã biến mất phía sau đoàn xe. Trước mặt anh, con đường sáng hẩng, mở banh ra, thẳng tắp. Sau lưng anh, những tiếng chân chạy dồn dập, y như không phải của người, ma quỷ như cái chết lấn tràn tới, tranh nhau với ánh sáng. Lưng anh vừa chạm vào tấm bửng cửa xe cuối cùng, một bàn tay đẩy mạnh vai anh, nhiều câu nói bật lên cùng một lúc :

- Chạy nhanh đi !

Cùng với sức đẩy, anh lao vụt tới, với tất cả sức lực, lướt trên con đường mấp mô đất và đá, hướng về phía thị trấn.

Bọn lính cũng vừa chạy đến nơi. Những phát súng bật lên, chát chúa. Người thanh niên cảm thấy y như những viên đạn vừa xuyên ngang thân thể anh nhẹ hẫng. Nhưng mớ ý thức còn vương sót trấn an : "Cứ chạy. Họ không dám bắn đâu." Thình lình, anh vấp một tảng đá lớn, lăn nhào xuống trũng cạn, choáng ngợp trong mùi cỏ úng cay hắc. Ánh sáng chưa kịp tràn tới vụt tắt câm.

Những tiếng nổ làm người đàn bà hoảng hốt : Sao vậy ? Sao lại bắn người ta ? Bà lệt bệt chạy dọc theo đoàn xe, đến chỗ những người lính lúc này đã ngưng bắn, đứng lại thở dốc. Một lúc sau, bà chồm vịn hai tay lên vai người lính trước mặt, lắc mạnh :

- Sao lại bắn ? Anh muốn giết nó thật à ?

- Không có đâu ! - Người lính trả lời - Nó chạy mất rồi !

Người sĩ quan cũng vừa đến, ném cái nhìn rỗng suốt đoạn đường trống hốc :

- Thằng nào bắn đó ? Tụi bay Việt cộng à ?

- Ðâu có Ðại úy ! Bắn chỉ thiên thôi.

Cái nhìn của người sĩ quan già bỗng âm trầm suốt đoạn đường quá khứ quen thuộc ông nôn nao chợt muốn trở về. Lòng ông chùng xuống. Nhưng tiếng nói đã bật lên, lạnh và cứng :

- Tất cả về chỗ cũ. Sửa soạn lên đường !

Những người lính vội vàng đi về phía trước đoàn xe. Viên đại úy tần ngần một lúc, muốn nói điều gì đó với người đàn bà nhưng lại thôi. Ông quay lưng bỏ đi, gấp rút như chạy. Thoáng chốc, những bóng người biến mất. Ðoàn xe gầm thét hung hãn hơn. Chiếc đầu đàn hục hặc tràn tới. Chiếc kế tiếp.Và kế tiếp. Như một con sâu lớn, đoàn xe chậm chạp, nhấp nhô, bò qua khúc quanh mờ hơi sương đặc, những tấm vải mui tranh thở phập phồng. Chớp mắt, con đường trống không, bốn phía rỗng rang. Những móng tay ánh sáng chồm lên, cào cấu, xé toạc bầu trời mù. Trời sáng hẳn.

Ngày bóc trần người đàn bà già nua đứng lớ ngớ trên con đường đất hẹp giữa hai bờ cỏ thấp. Mái tóc trắng lòa xòa khuôn mặt nhăn nát, nhão bệu. Áo nâu cũ, quần đen mốc, người đàn bà không khác gì màu sắc những khúc cây ẩm mục, những phiến đá mòn nát vất vưởng trên con đường đất long lở. Khu rừng tràm xơ xác bóng chim, sương âm ẩm giăng dài đến những chùm cây cao nghệu dưới chân núi. Phía bên trái là cánh đồng khô nứt, trần trụi, cũng như con đường trần trụi thỉnh thoảng mới có một cây còi cọc nhô lên. Người đàn bà thở dài. Bây giờ bà mới nhận ra đoạn đường về quá xa, phải cần một chiếc xe, không như lúc đi bà nói với người xa phu :" Anh không đợi cũng được. Bác đi bộ về. Không sao đâu."

Không sao đâu. Thong thả rồi mẹ sẽ về tới nhà. Nhưng còn con, bao giờ thì con có thể trở về nhà được nữa ? Bây giờ thì con đang ở chỗ nào, trên chiếc xe nào, ra vùng giới tuyến để tức khắc đánh nhau, hay đến trại tập trung để chịu hình phạt. Nhưng cầm súng, con có biết làm sao không ?

Người đàn bà ứa nước mắt, cảm thấy sợ hãi còn lại một mình giữa trời đất hoang vu, trên con đường y như bốn bề bít nghẹn, trong thế giới ma quái câm sững mọi người đã chết. Bà đứng nhìn cái giỏ thức ăn bới xách cho người con trai nằm chơ vơ trên đoạn đường xa lắc, tần ngần một lúc rồi quay lưng, tất tả đi về phía thị trấn. Mái tóc bạc búi củ hành xổ tung, phất phơ trong gió mỏng.

Người con trai của bà bị bắt mấy tuần lễ trước, sau một năm dài trốn tránh không chịu trình diện nhập ngũ. Bà cất dấu người con hai mươi tuổi như người ta cất dấu một chút tiền còn sót lại trong căn nhà rách. Chồng chết sớm. Trần, đứa con lớn đã hơn mười năm lưu lạc. Căn nhà chỉ có cái chõng tre, cái ghế bố cũ, vài cuốn sách vở bụi mốc trên cái bàn nhỏ long chân, tấm bản đồ nhăn nhúm bong lở trên vách nứa mục, dấu tích của hai người con thời còn đi học. Mỗi lần nhớ con, bà đến đứng tần ngần sờ sẫm mấy cuốn vở dày bụi, nhìn những hàng chữ chi chít trên tờ giấy dòn vàng, không tưởng tượng được con bà hiện đang trôi giạt ở cái xó xỉnh nào trên tấm bản đồ cũ nát. Mỗi đêm,bà không ngủ trước ba giờ sáng, lắng nghe tiếng bước chân, tiếng chó sủa , dấu hiệu của những cuộc truy lùng. Y như một người lính trận chờ địch không biết sẽ xuất hiện từ phía nào, trong đêm vừa căng cứng âm thanh vừa chập chờn ảo giác. Cứ mỗi lần có tiếng lao xao trong xóm là bà chạy đến ghế bố đánh thức con dậy, soát lại miếng ván đậy kín cái lỗ hổng của tấm phên tre bể nứt dẫn ra cái khe luồn giữa hai vách nhà sát sịt phía sau. Hai mẹ con nhìn nhau. Người con trai như đứa trẻ mới lớn, ngồi ghé bên mép ghế bố, khom khụp, so vai. Nỗi sợ hãi đè anh bẹp xuống, nhỏ lại. Nhưng anh không thể nhỏ hơn để khoanh người trong vòng tay che chở đã bất lực của mẹ. Cuối cùng, như đồng bạc cắc nghèo khó trong túi áo bà ba rách bị đánh rơi, người con trai bị bắt. Tấm phên lủng được cột lại, nhưng người đàn bà vẫn không thể ngủ trước ba giờ sáng, vẫn lắng nghe tiếng chó sủa, tiếng xao động của những bước chân đi, nhưng lần này, ghê rợn hơn, với sự sợ hãi làm bà co cúm người nghĩ đến những bước chân đang hoảng hốt mang tin bất hạnh. Bà thao thức ban đêm, đi tìm kiếm ban ngày, dò dẫm suốt ba tuần lễ mới biết được có đoàn xe chở đám thanh niên lên đường sáng nay tập trung phía ngoài thị trấn.

Con đường mỗi lúc một dài thêm ra. Người đàn bà mệt nhọc. Những bước chân bấp bênh. — đám lùm bụi trước mặt, bóng nắng nghiêng tuột chỗ bờ cỏ, y như động đậy, cố ngoi mình lên. Bóng nắng trăn trở lạ kỳ. Người đàn bà dụi mắt, đứng lại một giây, rồi tất tả chạy đến. Bà vừa nhìn thấy một bàn tay chới với bấu víu những ngọn cỏ khô.

— chỗ mép đường đổ nghiêng không đầy một sải tay, một người thanh niên nằm úp sóng sượt, mặt vùi trong cỏ cứng, cố trườn người lên. Người đàn bà ngồi thụp xuống, nắm một tay gã, kéo lên :

- Ráng lên con. Ráng lên. Sao thế này?

Cùng với sức kéo, gã trườn mạnh, hai chân chõi chống, một tay quờ quạng, vượt lên bờ dốc vật mình nằm ngửa trên vạt cỏ. Trước ngực, máu bê bết chiếc áo lính nhão rộng. Người đàn bà kêu lên thất thanh :

- Trời ơi, tụi nó bắn thật à ? Sao nói bắn chỉ thiên thôi ? Làm sao bây giờ ? Này con, ráng lên đi. Nằm đây, để bác chạy lẹ về xóm.

Người thanh niên vẫn nằm bất động, đôi mắt mờ đục nhìn người đàn bà. Anh muốn nói điều gì đó. Nhưng hai cái môi tái chỉ hơi máy giựt. Thình lình, người anh cong người, cổ rướn lên, miệng hé khô khát : "nước".

Nước ? Người đàn bà lính quýnh: Ừ, ừ, nước. Nhưng nước đâu bây giờ ? Cánh đồng nẻ nứt không bóng dáng một cộng rơm khô. Khu rừng tràm bên kia đất sình nhớp nháp như dầu đen đặc. Người thanh niên rên rỉ : nước. Tiếng kêu xa tít tắp đoạn đường mù. Người đàn bà hoảng sợ, bối rối. Y như nếu không có một giọt nước thấm vào cái cuống họng sần nhám kia thì hơi thở gã lập tức căng đứt. Bà ngồi bệt xuống , vén áo, định nhét đầu vú vào miệng người thanh niên. Nhưng bà chợt nhớ ra, làm gì có giọt sữa nào trong cái vú già nua teo tóp như một trái mướp khô. Bà buông vạt áo:

- Con ráng chút nghe. Ráng lên. Ðể bác chạy...

Bà không nói hết câu, sửng sốt cúi nhìn. Người thanh niên vừa cong người, hai tay chới với, đầu hơi nhỏm lên rồi ngả bật xuống.

- Con sao rồi ? Này, tỉnh lại đi.

Người đàn bà hoảng hốt, đỡ khuôn mặt lay gọi. Một tay bà vỗ vỗ trên má người thanh niên, tay kia luồn dưới cỏ sửa cái đầu ngay ngắn lại. Nhưng khi bà buông tay, đầu người con trai lại ngả vẹo sang một bên như cũ. Chiếc cổ y như không còn xương, những sợi gân đã giãn đứt. Những cộng cỏ cứng xỉa xói nửa khuôn mặt nghiêng. Người đàn bà để ngón tay trỏ trước hai lỗ mũi nhờn ướt. Một cảm giác trống không, mất dấu. Ánh nắng rọi xuống. Nhưng ngày đã bỏ đi, xa lắc lơ.

- Chết rồi sao ? Sao lại chết ở đây ?

Người đàn bà đứng dậy, lẩm bẩm, nhìn về phía thị trấn ước lượng quãng đường xa. " Biết vậy, lúc sáng năn nỉ cậu nhỏ xích lô đợi một lát, bây giờ tiện biết bao." Ý nghĩ vừa thoáng qua, bà chợt rùng mình. Sao lại đợi để đưa xác chết của những người đang sống ? Bà nhìn gương mặt đang bắt đầu đổi sang màu xám. Con cái nhà ai như vầy ? Sao lại chết ở đây ? Câu hỏi trăn trở rồi chìm tan trong trí người đàn bà câm sững.

Bà quay quắt, không biết làm gì, hết nhìn con đường lại nhìn xác chết. Khi nhìn rừng tràm và đám cây đen đặc phía chân núi thấp, bà rùng mình.

- Ðược rồi, để bác đưa con về xóm.

Bà cúi xuống, loay hoay đưa hai tay người thanh niên duỗi dài về phía trên đầu, nắm hai cổ tay, lom khom đi giật lùi, kéo lê xác chết trên bờ cỏ. Ðược mươi bước, bà dừng lại, rồi lại lom khom, tiếp tục kéo. Cái thi thể ốm nhỏ, nhưng nặng trịch. Người đàn bà thở gấp rút hơn. Ðâu đó trên những lùm bụi còn lây lất sương mù, nhưng bà bắt đầu cảm thấy nóng rát, mồ hôi nhớp nháp khuôn mặt, ướt sũng những nếp gấp của da. Bà dừng lại, ngoái nhìn về phía thị trấn. Vẫn những chấm mù mờ của những nóc ngói, ở phía sau nét ngang xám xanh của hàng cây thấp. Thực ra, bà chưa đi quá hai mươi bước. "Tiếp tục, lần này phải đi được một đoạn đường dài hơn." Bà nghĩ như vậy. "Nhẹ bớt chút đi con." Nhưng xác chết hình như nặng thêm ra, trì trệ kéo lại. Ðến một lúc, người đàn bà già nua dù lom khom, ì ạch, vẫn không thể xê dịch thêm phân ly nào nữa, buông tay, đứng thở dốc. Mặt trời lúc này đã lên quá những ngọn cây cao, lưng lửng ở chân trời bắt đầu bớt nhão ướt và trong ra từng vũng xanh lơ. Con đường đang phơi rõ bộ mặt nghèo nàn khô khốc của nó, gập ghềnh những mô đá và hố trũng. Ðó là con đường dẫn đến khu quân sự khoảng năm mươi dặm phía Bắc, xe hàng không bao giờ chạy ngang qua. Người đàn bà cũng biết điều đó. Xác chết bỏ lại đây cho đến nhiều ngày cũng không chắc có ai phát giác ra được, lũ chuột rừng sẽ bò ra moi mắt, xé môi, rúc rỉa từng miếng thịt trên cái cỗ đầu người. và hết, không còn ai có thể biết người chết là ai được nữa. Không đâu. Ta nhất định không để con chết như vậy đâu.

 

- Bà đang làm gì vậy ?

Người đàn bà giật mình, nhìn sững xác chết.

- Chết rồi à ?

Tiếng nói từ phía sau lưng. Bà lập cập quay lại. Một gã trung niên trong bộ đồ bà ba đen đứng khoanh tay, mắt nặng trịch, như bóng ma hiện đến giữa ngày.

- Cậu là ai đây ? Làm bà già hồn vía lên mây.

Người đàn ông cúi nhìn xác chết, lắc đầu :

- Chết thật rồi à ?

- Chứ còn sống được sao ? Ðạn xuyên từ sau lưng ra trước ngực.

- Bây giờ thì bác biết rồi phải không? Người này do ai giết vậy ? Và lâu nay ai đã giết ai vậy ?

Người đàn bà nhìn người lạ từ đầu xuống chân. Hai ống quần gã ướt nhẹp đến đầu gối. Hẳn nhiên gã mới lội ra từ trong khu rừng kia.

- Ai bắn ai đâu. Tui nó bắn chỉ thiên, rủi lạc đạn.

- Bắn chỉ thiên mà đạn lại cắm vô tim người sao bác? Cái bọn này, trời ở đâu, đất ở đâu cũng không biết. Nếu biết, viên đạn đáng lẽ đi lên sao lại đâm ngang như vậy ?

- Cậu lải nhải cái gì vậy ? Cậu giúp tôi kéo thằng nhỏ này về thị trấn. Ðể ở đây không được, tội lắm !

- Bác điên sao ? Tôi mà vào gần tới đó thì cũng chết không khác gì thằng nhỏ này đâu. Nhưng cái thứ này à, có sống cũng chỉ làm công cụ cho giặc thôi.

- — đây không có ai là giặc, cũng không có ai là không giặc cả. Nhưng tôi hơi sức đâu mà cãi với cậu. Cậu có chịu giúp nó không ?

- Chịu thôi.

Người trung niên nhún vai. Chợt nhìn thấy cái đồng hồ trên tay xác chết, gã hất hàm :

- Tôi lấy cái đồng hồ, được không ?

Người đàn bà nhìn xuống :

- Thảo nào!

Bà vừa nhận ra, trong lúc kéo lôi xác chết có cái gì đó cấn cái làm một tay bà đau điếng. Người đàn ông cúi xuống, bà gạt ra :

- Không được!

Gã vung tay :

- Tôi ở trong rừng cần đồng hồ. Nó chết rồi, đeo đồng hồ làm gì nữa ?

- Cậu ở trong rừng, nhưng có còn là người không ? Ðồ đạc của người chết là vật thiêng liêng, cậu có biết hay không ?

- Tôi không biết. Tôi không cần biết. Trong đời tôi, tôi chỉ thích độc nhất có mỗi một thứ, đó là chiếc đồng hồ đeo tay. Bác đừng cản tôi!

- Không được! - Người đàn bà đẩy gã thanh nhiên nhích ra - Nhất định không được! Nó đã chết rồi.

- Này bác à, bác có biết bao nhiêu người đã chết rồi không? Nếu bác còn khỏe để đi theo tụi này, bác sẽ thấy mỗi ngày con cái của bác vài chục đứa chết khi chúng nó ném bom.

Thình lình, có tiếng máy bay ì ầm. Người đàn ông nhớn nhác. Gã lôi trong túi áo ra một phong thư, dúi vào tay người đàn bà :

- Thôi được, tôi nghe lời bác. Nhưng tôi có cái này, nhờ bác đưa cho người này trong thị trấn.

Người đàn bà dẫy nẫy :

- Cái gì ? Ðưa cho ai ? Phố lớn như vậy biết đâu mà tìm?

Bà toan nói nữa nhưng người áo đen đã vụt chạy, lao qua đường, lủi mất vào rừng tràm. Chiếc máy bay đến gần, lượn đảo một lúc, rồi bay về phía dãy núi phía Bắc.

- Phiền phức quá. Thôi kệ, biết thì đưa, không thì thôi. Nhưng lạ, đàn ông con trai người nào cũng thích đồng hồ đeo tay như vậy sao?

Người đàn bà suy nghĩ một lúc, nhét phong thư vào túi áo, cúi xuống nắm tay xác chết, lom khom đi giật lùi, cố sức kéo. Khi cảm thấy hai cổ tay trong hai tay trơn tuột mồ hôi của mình bắt đầu cứng lại, bà rùng mình, biết người thanh niên lúc này đã thực sự là một xác chết. Chỉ có sình thối rữa mòn chứ không thể tuơi ấm lại được nữa. Bà nhận ra không còn gì để phải vội vàng gấp rút. Ðưa xác chết về thị trấn ngay bây giờ hay truớc khi mặt trời lặn cũng vậy thôi. Sau lưng bà, một thân cây chắn ngang lề cỏ. Phía sau đó là lùm bụi. Bãi cỏ khô khốc đến đó bị cắt đứt một đoạn dài đủ thứ cây cành vướng víu. Dĩ nhiên không thể lôi xác chết trên con đường gồ ghề đất và đá. Hừ, người chẳng ra gì! Không biết nếu để nó lấy cái đồng hồ nó có chịu giúp mình đem cái xác này về xóm hay không ? Bà buông tay, ngồi xuống thân cây, định đưa tay vuốt mặt, nhưng dừng lại, nhìn bàn tay,cảm thấy ghê sợ bàn tay mình vừa dính dấp tới những điều tai họa. Bà vén áo lau mồ hôi mặt.

- Thôi, để bác chạy về xóm tìm người đưa con về. Bây giờ bác không thể nào giúp con được nữa. Nằm đây đi. Một mình bác sẽ đi nhanh hơn. Bác sẽ đưa con về xóm trước khi trời tối.

Người đàn bà nói như vậy và đứng lên, nhìn xác chết một lần nữa, rồi tất tả, bước thồi thụp trên con đường lồi lõm, đi về phía thị trấn.

 

 

Những ngày thui thủi một mình trong căn nhà trống bà Tư Hạnh bắt đầu cảm thấy đầu óc rỗng rang dần, đến nỗi, đôi lúc không còn nhớ một việc vừa mới xảy ra hơn tiếng đồng hồ. Mặc dù xác chết của người thanh niên đã được người ta mang về khu phố thông báo cho gia đình chôn cất, nhưng bà vẫn cứ bị ám ảnh bởi một thây người nằm phơi ngoài đồng trống, chuột bọ ray rỉa khuôn mặt rách bê bết máu bầm tanh tưởi. Xác chết ám ảnh từng giấc ngủ của bà. Những người con bà chờn vờn trôi nổi. Người đàn ông áo đen chợt đến và chợt biến mất. Sáng dậy, cái bóng dáng lẩn khuất của hắn đâu đó vẫn còn y như nhắc nhở bà một điều gì, khi chiếc máy bay quần đảo và hắn vụt chạy đi. Hắn đã nói điều gì đó. Ðiều mà cho đến bây giờ bà vẫn không thể hiểu ra. Hắn muốn gì vậy. Thình lình, bà nhớ đến phong thư. Ðúng rồi, phong thư ! Phong thư vướng víu trí nhớ bà mù mờ thình lình chợt hiện. Bà lật đật đi tìm cái áo đã thay mấy ngày hôm trước chưa kịp giặt bỏ đâu đó. Nhưng hai túi trống không. Phong thư không còn nữa. Biến mất, như nguời đàn ông áo đen với hai ống quần sũng nước hoảng hốt lao mình vào khu rừng cây thấp, bỏ lại chiếc đồng hồ đeo tay gã muốn dành giựt với xác chết. Quang ơi, Quang. Bà lại vừa lẫn lộn con bà và người thanh niên bị bắn chết trên con đường ngoài thị trấn. Nhưng sau đó, chợt nhớ ra bà đến đó không phải để lôi kéo xác người, mà để đi tìm Quang trong đám thanh niên ngồi chen chúc trên những chiếc xe nhà binh máy nổ hậm hực buổi sáng sương mù. à, nó đã chết đâu ! Kể từ lúc đó, bà bình tĩnh lại đôi chút so với những ngày truớc, nhưng lại nung nấu bồn chồn với cái ý định đi tìm con, thức ngủ với mớ ký ức chờn vờn những hình ảnh lẫn lộn giữa con đường trong xóm, hẹp túm, đi ngang qua khu chợ nhỏ hỗn tạp ồn ào cắt đứt cái lụp xụp xiêu vẹo của dãy nhà lộn xộn mái kẽm và lá, và con đường tương tự không rộng hơn mười bước ngắn trong một xóm khác, cũng chen chúc, xập xệ với hai hàng nhà gạch bẩn thỉu ngó nhau. Trần và Quang lẫn lộn giữa hai con đuờng, hai khu xóm và cuối cùng chỉ còn có Quang, hình ảnh tuy đã trôi tuột nhưng một chút gì đó vương sót thể hình dung được. Trần thì đã bỏ nhà đi muời năm về trước sau trận đòn ghê rợn của chồng bà đêm đó. Thằng bé mười sáu tuổi, ốm đến nỗi bộ xương trở nên y như dòn tan dễ gãy vì thiếu thịt, quằn quại dưới đất, đái vãi ra quần, trước những cái đá bình bịch của cha nó vốn là một cầu thủ đá bóng. Mắt nó trợn ngược, bọt mép nhẫy nhụa. Nó kêu khóc đến căng trướng những sợi gân ở cổ. Thái dương lồi hẳn lên, mạch nhảy phập phồng. Tiếng khóc càng lúc càng khô khản, đứt hơi. Bà Tư cuống quít ôm cứng cánh tay chồng, hãi hùng :

- Ông định giết nó à ?

- Ðể làm gì thứ này. Mới nứt mắt đã cờ bạc. Ông Tư ngừng chân tay đánh đá, ngồi phịch xuống chiếc ghế gần đó. Bà Tư lao tới, ngồi thụp xuống lay gọi. Trần quằn quại một lúc rồi nằm im. Lâu lắm, nó nhỏm dậy, chập choạng đứng lên, mặt xây xát, mắt đỏ ngầu, nhìn ông Tư căm hờn:

- Công lao nuôi dưỡng của ba đêm nay tôi trả xong rồi đó! Tôi không ăn cắp. Tôi chỉ mượn chiếc đồng hồ đeo chơi. Bọn du côn chận đánh tôi và lấy mất. Tôi không ăn cắp !

Ðêm đó, Trần bỏ nhà đi và không bao giờ trở về nữa. Một năm sau thì ông Tư Hạnh chết. Rồi sau đó ? Bà Tư Hạnh lẩm bẩm, cố chạy đuổi mớ ký ức tàn tật. Nhưng lần này, vì cố ý, bà không hình dung được gì ngoài một khuôn mặt lạ hoắc, đen đúa và sưng bầm. Còn lại chỉ có Quang và con đường hẹp túm tụp trong xóm lá ở Hàng Xanh hiện nay, trong cùng là cái ao cá tra hơn trăm thước vuông chỏng chơ mấy cái nhà cầu đu đưa trên những cột gỗ cao. Cứ nhìn mặt nước sôi sục quậy đảo chỗ chân cột cũng biết ngay là trong nhà cầu có người. Ðàn cá đói đang đớp nuốt ừng ực từng mảng phân đặc lỏng đang lõm bõm rơi xuống. Bà Tư Hạnh chiều nào cũng đi suốt con đường đó ra đến lộ lớn, nhìn quanh quất, dò kiếm từng dấu hiệu khả nghi của một cuộc lùng xét có thể xảy ra vào buổi tối . Một chiếc xe nhà binh đậu đâu đó cũng làm tim bà đuối nhịp. Ði ngang nhà ông trưởng ấp bà đứng lại nếu thấy ông thấp thoáng ở gian trước :

- Tối nay có ruồng bố hả anh ?

Và lúc nào cũng chỉ có một câu trả lời :

- Xét à ? Họ đến thình lình lắm, không báo trước làm sao biết được ?

Câu trả lời làm bà Tư Hạnh thức suốt đêm, hết ngồi nhìn Quang ngủ co quắp trên ghế bố lại đi đến đẩy tấm ván ở vách sau thò đầu nhìn ra cái khe tối nghìn nghịt.

Và trong mớ ký ức lẫn lộn đó, cái thân thể ốm tong co quắp trên ghế bố vải bỗng trở thành cái thi thể bê bết máu sóng sượt trên bờ cỏ nghiêng, người con trai biệt tích bỗng trở thành người thanh niên quần áo vải đen lù lù xuất hiện từ khu rừng tràm cây thấp, đứng sừng sững trong trí tuởng của người đàn bà già nua. Và bởi vì bà không thể nhớ lại được đường nét nào của khuôn mặt, người đàn ông trở thành một gã đen đúa, không đầu.

 

 

Một người đàn bà áo quần dày cứng cáu bẩn, mặt lem luốc đến trước bà Tư Hạnh đưa tay xin tiền. Bà ta vén bụng. Một mảng thịt đỏ thâm, vun lòi như một vết mổ bung chỉ, làm độc và sưng vếu. Bà Tư nhìn sững người đàn bà. Lâu lắm rồi, ai đó đã nói, hình ảnh bi đát này không phải thật, chỉ là khúc ruột heo ruột bò gì đó nhuộm phẩm đỏ người đàn bà gắn lên bụng mình để xin ăn khắp chợ Phú Nhuận. Nhưng sao vẫn không thể nhìn thấy có cái gì không phải y như thật? Bà thở dài. Không có cách gì khác sao ? Phải gắn lên ruột người một khúc ruột heo lượm đâu đó trong xô bồ mua bán của những người có tiền, đời sống mới thật thê thảm đến vậy sao ? Năn nỉ van xin chưa đủ sao ? Bà đưa đồng bạc, ứa nước mắt :

- Không có cách gì khác sao con ?

- Ngoài ăn xin còn cách gì nữa đâu, bác !

- Không phải, bác muốn nói ... Nhưng thôi.

Bà quay lưng, chen lấn, xô đẩy đi ra khỏi chợ.

Ðường Võ di Nguy người và nguời xuôi ngược trên hè phố, ra vào các cửa hiệu buôn. — chỗ rạp chiếu bóng, một người ăn xin cụt chân lết ngồi trên một mảnh vỏ bánh xe hơi cột dính vào mông, dây nhợ lòi thòi quanh bụng. Bà Tư nghĩ rằng đó là một phế binh, không phải vì chiếc áo trận và tấm huy chương lòng thòng, nhưng vì một điều gì đó lấn cấn trong trí không rõ ràng lắm : ngoài mìn bẫy của chiến tranh, đâu còn có tai nạn nào cắt chân người đến háng như vậy. Người đàn ông chõi tay chèo chống trên nền xi măng nhớp nháp, đến trước chân người đàn bà già khọm đang đứng nhìn anh đằm đằm :

- Bác ơi, cho con chút đỉnh đi !

Khuôn mặt ngước lên, bà Tư Hạnh giật mình. Sao giống Quang vậy. Mớ ký ức của bà lại bắt đầu mù mờ đảo lộn.

- Này con, vợ con đâu hết rồi ?

- Bác cho chút đỉnh đi. Hỏi nhiều làm gì?

Bà cho tay vào túi, lắc đầu :

- Bác hết tiền rồi. Từ sáng đến giờ gặp nhiều người như con, bác cho hết rồi. Tội nghiệp . Bác cũng đang đi tìm thằng con của bác. Thằng con của bác...

Nhưng người hành khất không để ý đến lời nói của người đàn bà. Gã lại chõi tay, lết vào tường phố, ngồi dựa lưng, nhắm mắt.

Bà Tư rùng mình. Quang ơi, có phải trong một góc phố nào đó con bây giờ cũng như người đàn ông trẻ tuổi này không, mỗi ngày lê lết xin ăn giữa chợ ? Ðôi chân không còn, cánh tay đã gãy, làm sao con có thể lê lết ngàn dặm về nhà. Ý nghĩ đó làm bà cuống cuồng, chạy đến ngồi thụp xuống trước mặt gã hành khất :

- Này, mở mắt ra bác hỏi chút. Làm sao con về được thành phố.

Người thanh niên vụt mở mắt :

- Gì đây bác ?

- Bác muốn hỏi, bị thương ngoài mặt trận như vầy, làm sao con về được thành phố ?

- Có vậy mà bác cũng phải hỏi à ? Thì người ta cũng phải khiêng về, cho vào nhà thương, cưa cắt giò. Sau đó mới bò đi xin ăn được chớ bác ? Nhưng sao bác biết tôi là phế binh. Không phải thì sao ?

- Sao lại không phải ? - Bà Tư cau mày - à, vậy chớ chính phủ ...

- Tôi không biết chính phủ tà phủ gì hết. Tôi đang đói lắm đây!

Người đàn bà năn nỉ :

- Ngày mai bác sẽ có tiền. Bác sẽ đến đây. Ngày nào bác cũng đi tìm thằng con của bác.

Gã đàn ông thở dài. Dựa đầu vào tường, gã nhắm mắt, ngồi bất động trên miếng vỏ bánh xe, mẩu thịt đỏ lói chìa ra chỗ ống quần cụt rách. Bà Tư đứng tần ngần một lúc rồi bỏ đi, dọc theo lề đường đám người trôi trên những đôi chân xuôi ngược, nghĩ đến đôi chân của người lính, ở một góc rừng nào đó dòi bọ nhoi nhúc. Bây giờ thì có quá nhiều hình ảnh làm mù mờ thêm mớ ký ức cằn cỗi của bà. Người thanh niên trẻ ngực bê bết máu, gã áo đen cụt đầu, người đàn bà bụng căng ong ỏng với vết thương lở lói, người đàn ông cụt chân với chiếc huy chương, khuôn mặt nào cũng nhòe nhoẹt, lẫn lộn khuôn mặt của Quang. Mới có mấy tuần lễ xa con mà bà Tư tưởng như đã bao nhiêu năm dài bằn bặt, thời gian đã quá đủ cho một người ngã xuống ngoài mặt trận được đưa về nhà thương thành phố điều trị, chịu cưa chân tay và sau đó lê lết xin ăn.

 

 

Chiếc xe buýt dừng lại, bên chiếc ghế dài gỗ mục trên lề đường, sát bên nhà tiêu công cọng nhỏ xíu và hẹp túm. Cánh cửa mở ra, y như cái nắp đậy vừa được tháo ra và đám người bị nén cứng trong cái hộp sắt lúc nhúc trào ra ngoài. Bà Tư Hạnh bị xô qua lấn lại, cuối cùng cũng được đẩy trôi ra với đám người, đứng lớ ngớ trên vỉa hè. — dưới những tàng cây thấp, nền xi măng lề đường âm ẩm nước một khoảng rộng, y như nước tiểu và phân người từ nhà cầu thấm ướt, lan ra. Một thanh niên cụt chân khập khiễng trên chiếc nạng bước đến. Anh khom người gác chiếc nạng lên băng ghế gỗ và ngồi xuống, nhìn ra đường, mặt đờ đẫn. Bà Tư lật đật tháo chiếc kim băng gài trên túi áo bà ba, lôi xấp giấy bạc, lấy ra một tờ, rồi lật bật, hối hả đến bên cạnh:

- Ðây này con, bác có chút tiền, cầm đi.

Anh ta nhìn lên, mặt đỏ bừng :

- Gì đây ? Tôi có xin tiền bác đâu ? à phải rồi, tôi giống ăn xin lắm phải không ?

- Không phải à ? Bác cứ tưởng!

Người đàn ông cười gầm gừ :

- Ai tàn tật cũng đều là xin ăn cả sao bác ?

Bà Tư bỏ tiền vào túi :

- Bác cứ tưởng... thấy tội nghiệp quá, nhiều người quá.

- Nhiều người thế nào bác ?

- Thì nhiều người chết, nhiều người bị thương tật. Bắt đầy hàng chục xe, chưa đi đến đâu thì đã có đứa chết rồi !

- Phải, rất nhiều người hy sinh.

- Nhiều lắm. Ðầy dẫy ở ngoài chợ.

Người thanh niên cau mày :

- Sao lại ở ngoài chợ ?

- Thì mấy người lính đi xin ăn đó mà!

- Nói bậy! Ðứa nào nói với bác bậy bạ như vậy ? Binh lính nào lại phải ăn xin ? Thực là hồ đồ! Chỉ là mấy người ăn xin tự xưng là lính phế mà thôi!

- Thật vậy à ?

- Sao lại không thật !

- Vậy thì may lắm. Bác chỉ lo thằng con của bác...

Người đàn ông bực mình quơ chiếc nạng đứng lên, nghiêng lắc bỏ đi, dọc theo lề đường.

Tội nghiệp cháu. Bà Tư Hạnh nhìn theo. Thì ra ai cũng vậy cả sao ? Nhưng cháu nói... à, điều này thì bác không tin đâu. Nếu không phải đánh nhau, không phải súng đạn, cái gì đã làm cho nhiều người bị cưa cắt chân tay như vậy ?

Người thanh niên đã đi đến chỗ ngã tư. Anh đứng lại một lúc rồi băng qua đường, lúng túng giữa bầy xe đạp chen chúc. Một chiếc xe hơi lù lù quẹo nghiêng, suýt đâm vào anh. Bánh xe thắng nát mặt nhựa. Tiếng chửi thề tục tằn. Một vài chiếc xe đạp luống cuống. Người thanh niên khựng lại, rồi tiếp tục đi. Phút chốc, anh đã sang lề đường phía bên kia, chìm tan trong rừng người nhoi nhúc dưới chân những dãy nhà cao. Cũng chính lúc đó, bà Tư nhận ra điều ghê rợn nhất : con người quả thật quá mỏng manh giữa lằn vạch của sống chết. Nếu chiếc xe không thắng lại kịp lúc, nếu người thanh niên đi sớm hơn một bước, hoặc nếu bà nói ít đi một câu, thì lúc này anh ta đã nằm sóng soài vấy máu trên đường nhựa. Bây giờ thì hắn đang trôi nổi phía bên kia bờ, và chắc cũng không nhận ra hắn vừa lách mình qua cõi chết bằng một khe hở mỏng mảnh như tơ. Và tiếp tục sống, vì hắn vừa khỏi phải chết. Thật quá giản dị. Rõ ràng đã không có một dấu hiệu nghiêm trọng về một người đang sống phải chết đi. Tất cả diễn ra chỉ trong vòng một giây đồng hồ. Ðiều nhận biết đó làm bà Tư bồn chồn hơn, tin rằng Quang đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm, được sống hay phải chết thật như hai mặt của bốn đồng tiền sấp ngửa mà ngay cả bàn tay nhà cái lành nghề cũng không thể kiểm soát nổi. Cuối cùng, sống chết cận kề như một. Chỉ là một. Có lúc, bà cảm thấy cái chết nhẹ nhàng hơn sự sống. Sẽ không còn có chỗ nào để đem thân đến bẫy mìn và bom đạn, sẽ không còn phải lê lết như người con trai cụt đứt hai chân, sẽ không phải gắn khúc ruột heo tanh tưởi lên cái bụng tròn ong ỏng, sẽ không còn như người phế binh mang huy chương đi khập khiễng trước đe dọa bị xe cán chết mỗi ngày. Như vậy mới thật là hết. Mới thật là thanh bình và yên nghỉ. Cuộc sống còn gì để phải đắn đo mà chưa chịu buông tay nằm xuống ? Phải rồi, giá như con đừng sinh ra, hoặc không bao giờ lớn lên, thì làm gì phải chịu trốn chui trốn nhủi, ngủ phập phồng mỗi đêm co quắp trên ghế bố vải rách, chờ lao mình lủi chạy vào hẻm hóc như những con chuột hôi hám. Cho dù con không bị người ta bắt mang đi, con sống như vậy cho đến hết cuộc đời được sao ? Một đời sống như vậy mà có thể gọi là đời sống được sao ? Những con chuột. Bà Tư vừa nghĩ đến những con chuột mỗi đêm chạy loáng thoáng. Nhiều đến nỗi ông Tư phải đặt bẫy khắp nhà. Sáng nào cũng có một hai con bị bẫy đập bể đầu, gãy xương, ứa máu dính đầy mẩu thức ăn bé xíu còn ngậm nơi miệng. Sáng nào bà Tư cũng rùng mình, đứng sững: "Tội nghiệp, sao không tìm chỗ khác mà đi đi. Ăn uống gì mà phải chết thảm như vậy." Nhìn cái xác bị kẹp gãy gập dưới cộng sắt cứng, bà Tư cảm thấy xương sọ xương sống mình cũng y như bể nát, gãy lặt lìa. Không có cách gì làm cho chúng chết êm thắm hơn sao? Bà suy nghĩ, cuối cùng mua thuốc độc về rắc lên những mẩu vụn thịt cá còn thừa đem đặt kế bên những chiếc bẫy đập. Bà cho rằng đó là cách tốt nhất để giúp cho những con chuột tránh khỏi chết tan xương nát thịt trong những chiếc bẫy hung hiểm. Và mỗi buổi sáng, bà vui vẻ thấy những con chuột trúng độc nằm chết, vui vẻ thấy những chiếc bẫy của ông Tư Hạnh trống không.

Ừ, tại sao không như vậy? Quang mỗi đêm mỗi ngày đều phải lủi trốn mà hầm bẫy thì bốn phía bao vây làm sao thoát được? Ông Tư Hạnh cao lớn như những đám mây đen, đang mang những chiếc bẫy khổng lồ đặt ở chân núi nầy, cánh đồng nọ, trong đầm sâu, dưới suối cạn, và nơi nào, chỗ nào, cũng có bóng dáng Quang cuống cuồng lẩn trốn.

Ừ, tại sao không ? Ý nghĩ bật lên thành tiếng nói. Bà Tư lẩm bẩm : Phải đi mua một ít thuốc độc. Phải như bà mẹ vừa được lon gạo lần vay mượn cuối cùng, bỏ thuốc độc vào nồi cháo buổi chiều cho gia đình mười một người ăn ở hồ tắm Chi lăng. Một người nào đó kể chuyện. Ðúng rồi. Nhưng mua thuốc độc ở đâu ? Chính lúc đó, bà nhận ra Quang không còn ở bên cạnh bà nữa, đã y như vĩnh viễn bỏ đi, không bao giờ trở lại.

 

Trở về nhà, bà Tư mệt đuối, đờ đẫn bắt ghế ngồi ở cửa. Suốt ngày bà đã đi lang thang khắp chợ. Những người bị thương tật càng lúc càng nhiều. Có một lúc, bà nhào đến người ăn xin cụt tay giống hệt như Quang, bật khóc :

- Con ! Mẹ đi tìm con khắp nơi!

Người ăn xin ngồi lom khom trên vỉa hè, bàn tay còn lại đang xoa đếm mớ bạc cắc trên nền xi măng. Tiếng kêu khóc của người đàn bà không làm anh ta nhìn lên. Bà Tư ôm vai anh lay gọi :

- Quang! Không nhận ra mẹ à ?

- Bác lầm rồi ! Cháu không phải !

Người thanh niên vừa nhặt hết mớ bạc cắc, gom trong lòng bàn tay bỏ trút vào túi áo vải bố, ngước nhìn bà Tư :

- Cháu không phải đâu.

Vết sẹo cắt ngang gò má xương cứng. Ðôi mắt lạ lùng bà chưa nhìn thấy một lần. Ừ, không phải. Bà Tư đứng lên :

- Nhưng thật giống quá. Giống quá!

Giống đến nỗi bà Tư y như đã nhìn thấy, thật rõ ràng, Quang đâu đó trong thị trấn. Và bà phải thật gấp rút, thật hối hả. Chậm một giây, trì hoãn một giờ là Quang lại chèo chống bằng chiếc nạng gỗ, lê lết bằng hai tay, bỏ bà để trôi giạt đến những thành phố khác, không biết ở đâu. Bà lên xe, xuống xe, đi vòng vòng phố chợ, những con đường đông người, công viên của những kẻ không nhà. Cuối cùng, mệt ngất, tuởng như chính bà cũng không thể lê lết về nhà được nữa..

Buổi chiều nắng hừng hực. Bà Tư càng lúc càng cảm thấy chung quanh không còn ai. Những người qua lại trong con hẻm trước mặt bà chao động, câm sững . Có một lúc, bà hấp tấp đứng lên, định đi nữa. Nhưng cơn mệt ngất trí đẩy bà ngồi bật xuống ghế. Cảm thấy tuyệt vọng, bà khóc :

- Quang ơi, con ở đâu vậy ? Con...

Thình lình, một tiếng nổ vang lên đâu đó trong xóm. Bà cuống cuồng :

- Ðừng bắn. Ðừng !

Hình ảnh người thanh niên nằm chết trên lề cỏ khô khốc lại hiện ra. Bà cố sức kéo, từng phân một về phía thị trấn, cái xác ngực bê bết máu. Rồi thì người áo đen với chiếc đồng hồ. Người con trai quằn quại trên đất, sau đó, đứng sững với đôi mắt trắng căng phồng những tia máu đỏ : " Tôi không ăn cắp. Tôi chỉ mượn chiếc đồng hồ đeo chơi thôi." Câu nói vang động từng hồi búa đập. Bà Tư thảng thốt : "Ai vậy?" Trong trí nhớ mù mây, hình ảnh người áo đen và người con trai lẫn lộn. Nhưng bà vẫn không thể hình dung nổi khuôn mặt. Vì vậy, cũng như những lần trước, Trần của bà trở nên một gã đen đúa, không đầu.

Một tiếng nổ khác lại vang đến. Bà Tư đã mệt ngất không đứng dậy nổi. Ước gì có ai đó dìu bà đứng lên. Bà nhìn sững con hẻm trước mặt, thấy đoàn xe bỏ đi lù mù về phía chân núi thấp, Quang chạy trốn dọc theo những lùm bụi, biến mất vào bóng tối.

- Ðừng! Ðừng bắn !

Bà nói lớn. Người lính trẻ toan bước vào giật mình đứng lại. Anh ta vận quần áo trận thẳng nếp, nón vải cầm tay. Trên tay kia, một tờ giấy cuốn tròn.

- Thưa bác. Ðây là nhà anh Quang phải không ạ ?

Quang. Cái tên lôi bà đứng bật lên khỏi ghế.

- Quang! Trời ơi, nó làm sao rồi ?

Người lính bước đến, bối rối :

- Thưa bác, cháu tìm bà Hạnh. Là bác phải không?

- Ðúng rồi. Bác là mẹ thằng Quang. Nó ở đâu ? Nó bị thương rồi phải không ? Nó đâu ?

- Cháu mang đến tin buồn. Anh Quang đã hy sinh rồi.

- Hy sinh ? Chết rồi ?

Bà Tư sửng sờ một giây. Nhưng cũng chính lúc đó, lòng bà đang chùng xuống bỗng rỗng rang, nhẹ hẫng. Lưỡi gươm chưa kịp đâm tới đã xuyên suốt hư không.

- Cháu nói... - Bà thở phào - Chết, phải không ? Thật không? Không phải bị thương, không phải gãy mất tay chân, đúng không ? Vậy mà bác cứ tưởng...

Bà Tư cảm thấy nhẹ nhỏm. Những con đường trong thành phố, những khu chợ đông người, những đống rác âm u bỗng nhiên sáng sủa. Sẽ không bao giờ còn có Quang ở đó nữa. Những người tàn tật vụt hiện, lần này thật sạch sẽ, rồi biến mất.

- Thưa bác...

- Bác hiểu rồi. Cảm ơn, xin cảm ơn.

Tiếng súng bật lên chát chúa. Người lính giật mình, đánh rơi tờ giấy bay vụt theo ngọn gió vừa thốc tới, vướng nghẹn dưới chân hàng rào tre. Bà Tư cười :

- Cháu đừng sợ. Không có gì đâu! Họ bắn chỉ thiên thôi!

Người lính đỏ mặt. Anh đi đến hàng rào, cúi xuống. Bên cạnh tờ giấy của anh vừa bay tạt, một phong thư nằm ngửa:

" Nhờ trao lại cho bà Tư, mẹ của Trần".

Anh toan nhặt lên. Nhưng sau lưng, người đàn bà đã nói lớn:

- Không cần! Không cần nữa! Mấy cái thư từ giấy má đó bác không cần đâu!

Anh đứng thẳng người quay lại, bước đến, trịnh trọng trao cho bà Tư tấm giấy báo của quân trấn :

- Thưa bác...

Bà Tư xua tay :

- Bác đã nói không cần mấy cái thư từ giấy má đó. Ðược rồi, không sao đâu, bác sẽ đi kéo nó về !

- Kéo về ? Thưa bác, người ta đã mang anh ấy về đây rồi.

- Thật à ? Họ tử tế quá, phải không cháu ?

Người lính nhìn sững người đàn bà truớc mặt. Anh không tìm thấy vẻ gì điên loạn trên khuôn mặt già nhão, teo tóp. Chỉ có đôi mắt. Ðôi mắt hun hút một cõi nào đó âm trầm, thê thiết, giữa cái lơ lửng không màu sắc mà anh thường thấy trong những giấc chiêm bao.

Nguyễn Sao Mai


Tác Giả giữ bản quyền