So sánh hai tác phẩm: "Tự Điển Văn Học" ở trong nước và "Tác giả Việt Nam" ở hải ngoại

2006.02.05

Hoàng Khởi Phong, phóng viên đài RFA

Trong năm 2005 có hai cuốn sách tương đối quan trọng với những người quan tâm tới văn học Việt Nam, đó là cuốn "Tự Điển Văn Học" được nhà xuất bản Thế Kỷ ở trong nước phát hành, và cuốn "Tác Giả Việt Nam" của Lê Bảo Hoàng sưu tập, được Cơ Sở Xuất Bản Sóng Văn phát hành ở Mỹ.

Những nét khác biệt lớn

Với những người nghiên cứu văn học Việt Nam, mới nhìn lướt qua hai tác phẩm này có cùng một hướng đi, cung cấp cho người đọc những thông tin liên quan tới các tác giả và các tác phẩm, và đồng thời cũng có những nét khác biệt lớn: Cuốn Tự Điển Văn Học đề cập tới các nhà văn của toàn thế giới, riêng với văn học Việt Nam, thì cuốn này cung cấp cho người đọc từ các nhà nho khoa bảng đồng thời là những nhà văn, nhà thơ của văn chương Hán Nôm, từ buổi bình minh của văn học Việt Nam thời Lý Trần, cho tới những người xuất hiện trên văn đàn từ năm 1960 đổ về trước.

Trong khi đó cuốn Tác Giả Việt Nam của Lê Bảo Hoàng đề cập tới gần một ngàn năm trăm tác giả của tất cả các bộ môn sáng tác từ văn, thơ, nhạc , kịch, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, điện ảnh từ đầu thế kỷ 20, thời điểm khởi đầu của văn chương quốc ngữ cho tới hiện na? Để quý thính giả có một cái nhìn tổng quát về hai tác phẩmTừ Điển Văn Học và Tác Giả Việt Nam, chúng tôi xin đưa ra những chi tiết về bối cảnh hình thành cũng như nội dung của hai tác phẩm này

 

Về hình thức

Về hình thức thì cuốn Từ Điển Văn Học do nhà Thế Kỷ ở trong nước thực hiện là một cuốn sách đồ sộ dầy hơn 2300 trang khổ lớn, giấy tốt bìa cứng và có bọc trong khi đó cuốn Tác Giả Việt Nam do Cơ Sở Xuất Bản Sóng Văn ở Florida xuất bản, là một cuốn sách dầy gần tám trăm trang khổ thường, giấy trắng không có bọc.

Nhìn chung về hình thức khi đặt hai cuốn sách bên cạnh nhau, người ta có thể mường tượng ra cảnh quyết đấu của Golliath với David. Cuốn sách xuất bản ở trong nước trông thật là đồ sộ, kỹ thuật ấn loát cao, trình bày mỹ thuật.

Trong khi đó cuốn sách xuất bản ở hải ngoại khiêm tốn hơn nhiều. Sự khác biệt về hình thức có một lý do rất giản dị: Cuốn sách ở trong nước tuy đứng tên là xuất bản Thế Kỷ, song thực ra sách báo ở trong nước đều được nhà nước hậu thuẫn phía sau, với những phương tiện không giới hạn, và đặc biệt là những sách biên khảo không ít thì nhiều cũng được chế độ coi như là một hình thức tuyền truyền làm đẹp cho chế độ, do đó cuốn sách này được những ưu đãi đặc biệt của nhà nước.

Trong khi đó cuốn sách xuất bản ở hải ngoại chỉ là những cố gắng cá nhân, của một số người có tâm huyết với văn học, sợ rằng các thế hệ con em của người Việt hải ngoại sau này chỉ được đọc những thông tin không đầy đu, về những tác giả đã đóng góp vào dòng văn học Việt Nam cận đại và hiện đại.

Do đó nếu cuốn sách ở trong nước có dạng của một tác phẩm biên khảo bị giới hạn trong chính trị, thì cuốn sách ở hải ngoại không bị chính trị chi phối và do đó cuốn sách này là những tài liệu thuần túy nhiều hơn là biên khải.

 

Phần nội dung

Nếu như phần hình thức của hai cuốn sách này chỉ là cái vỏ bên ngoài, thì cái ruột tức là phần nội dung của hai cuốn sách mới là điều đáng chú ý. Để đi vào nội dung của hai cuốn sách này, thiết tưởng chúng ta cũng nên lược qua những người thực hiện, hay khác đi các người thực sự đóng góp bài vở cho hai tác phẩm nói trên.

Về cuốn sách ở trong nước, Từ Điển Văn Học bộ cũ được xuất bản lần đầu hai cuốn, cuốn một vào năm 1983, cuốn hai vào năm 1984. Trong lần xuất bản đầu, bộ sách dầy 1120 trang do ông Đỗ Đức Hiển đứng đầu một ban chủ biên gồm 9 người, mà trong đó phần các tác giả Việt Nam, xuất thân ở miền Nam chỉ có lèo tèo khoảng một chục người, mà những người này tuy sinh sống ở miền Nam nhưng cảm tình lại nghiêng về phía miền Bắc.

Trong lần tái bản thứ nhất vào năm 2005 vừa qua, ông Đỗ Đức Hiển đã qua đời, ba nhân vật chính của ban biên tập mới gồm các ông Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu và Trần Hữu Tá với thành phần chủ biên gồm mười người, có sự cộng tác của hàng trăm tác giả mà trong đó có tới 56 nhà khoa bảng ngữ văn đóng góp bài vở, và đã làm việc liên tục trong vòng mười năm, để cuốn sách tái bản có độ dầy 2300 trang, và lần này con số các nhà văn xuất thân ở miền Nam lên được ngót nghét năm chục người, trong số hàng ngàn tác giả của văn học Việt Nam nói chung chỉ trong thời cận đại và hiện đại tính cho tới năm 1960.

Cuốn sách xuất bản ở hải ngoại: Tác Giả Việt Nam là một công trình sưu tập chỉ có một tác giả duy nhất là Lê Bảo Hoàng. Nếu như các tác giả của Từ Điển Văn Học như Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá cùng hàng trăm biên tập viên mà trong đó có rất nhiều học vị tiến sĩ, là những người được đào tạo để trở thành các nhà biên khảo, đã hoàn tất hàng ngàn bài viết trong các tập san nghiên cứu, hàng trăm tác phẩm biên khảo thì Lê Bảo Hoàng chỉ là một người lính thi sĩ của QLVNCH.

Ông chính là nhà thơ Luân Hóa, mà tên thật là Lê Ngọc Châu Ông bị động viên vào học khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, và trong chiến tranh Nam Bắc, ông đã để lại chiến trường một phần thân thể của mình. Ông tới định cư tại Canada vào năm 1985, và từ đó tới nay đã hoàn thành thêm khoảng một chục tác phẩm, phần lớn là thơ trước khi bắt tay vào việc thực hiện cuốn Tác Giả Việt Nam này.

 

Những ưu và khuyết điểm

Nhìn chung cả hai tác phẩm này về nội dung cùng có những ưu và khuyết điểm, do những nguyên nhân khác nhau. Ưu điểm chính của cuốn Từ Điển Văn Học cho người đọc một cái nhìn khá chi tiết về nền văn chương Hán Nôm của văn học Việt Nam. Hầu như toàn bộ các nhà nho đại khoa của các thế kỷ trước, đều để lại cho con cháu những tập thơ chữ Hán, ngay cả nhiều vị chỉ để lại cho đời được một vài bài thơ không lấy gì làm xuất sắc, cũng được ghi lại, cho dù chỉ vắn tắt một đoạn trong tác phẩm này.

Khuyết điểm chính của Từ Điển Văn Học, khi đề cập đến văn học Việt Nam là các phần liên quan đến các tác giả trong giai đoạn văn chương quốc ngữ, từ cuối thế kỷ 19 cho tới hiện na? Nói một cách giản dị thì cuốn sách này do áp lực của chính trị, mà đã thiếu hàng trăm tác giả xuất thân từ miền Nam.

Mặc dù trong lời nói đầu của nhà xuất bản cho biết chỉ viết tới các nhà văn dã thành danh từ trước năm 1960, song trong lần xuất bản đầu tiên của bộ sách này, những nhà văn thực sự của miền Nam chỉ đếm được trên mười đầu ngón tay, và trong bộ tái bản con số này được nâng lên ngót nghét năm chục người.

Ở đây tôi cũng ghi nhận trong lần tái bản này, ban biên tập mới dường như đã được chế độ cho phép, hay là tình hình chính trị đã đến lúc không thể bưng kín miệng bình, áp lực của chính trị đối với văn nghệ đã có phần cởi mở, nên bên cạnh những tác giả vô thưởng vô phạt của miền Nam được nêu lên như Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, Ưng Bình Thúc Gia Thị người ta thấy hầu như toàn bộ những thành viên của Tự Lực Văn Đoàn, như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng bên cạnh những Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Nhật Tiến...

Cho dù có tiến bộ hơn, song người ta vẫn thấy còn nhiều tác giả đã thành danh từ trước năm 60, nhưng vẫn còn là những điều đại kỵ với chế độ trong nước, và đã vắng mặt trong tác phẩm này thí dụ như Võ Phiến, Mai Thảo, Nghiêm Xuân Hồng, Doãn Quốc Sỹ, Vũ Khắc Khoan.. Có thể nói các nhà biên khảo ở trong nước đã quay lưng lại với hàng trăm tác giả của miền Nam đã xuất hiện trên văn đàn trước năm 1960.

Để nói về ưu và khuyết điểm của cuốn Tác Giả Việt Nam, chúng tôi xin mời quý thính giả lắng nghe trực tiếp tiếng nói của tác giả Lê Bảo Hoàng tức nhà thơ Luân Hoán hiện đang cư ngụ ở Montréal và đang có mặt ở đầu giây điện thoại

(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Dẫu có những khuyết điểm đã nêu ở trên, Tác Giả Việt Nam cũng như Từ Điển Văn Học là hai cuốn sách nên có trong các tủ sách gia đình. Nếu để ý kỹ thì dường như hai cuốn sách này đã bổ sung những cái yếu cho nha? Nếu độc giả cần tìm tòi các tác giả của dòng văn học Hán Nôm của Việt Nam nhiều thế kỷ trước, thì Từ Điển Văn Học là một cuốn sách rất tốt, mà trong đó người đọc có thể thấy văn học Việt Nam hầu như bắt đầu cùng một lúc với nền tự chủ của nước nhà.

Nếu như độc giả cần tìm các tài liệu liên quan đến các tác giả xuất thân từ miền Nam, một nhánh lớn của văn học Việt Nam từ 1954 đến 1975 ở trong nước, và cho tới tận bây giờ là dòng văn chương của người Việt ở hải ngoại thì Tác Giả Việt Nam đã cung ứng cho quý vị những nét tiêu biểu nhất của các tác giả cũng như những tác phẩm chính của các tác giả này. Kính chào quý thính giả và xin hẹn quý thính giả vào chương trình tuần tới.