Tâm, Vóc Ðà Nẵng Của Tôi |
Ðà Nẵng, với diện tích 1.247 cây số vuông, nằm cách Sàigòn 964 cây số về hướng bắc; cách Hà Nội 764 cây số về hướng nam. Phía đông bắc là vũng Ðà Nẵng, có bán đảo Sơn Trà, và núi Sơn Chà cao 693 thước; Với hải cảng rộng, kín gío, với phi trường có diện tích lớn, với quốc lộ số 1,số 14 và liên lộ 4, Ðà Nẵng được nhìn nhận là một thành phố. Hơn thế nữa, là một thành phố có tầm vóc thứ 3 của Quốc Gia Việt Nam, vào thời điểm này.
Trước đây, vào thời
Tây Sơn, Ðà Nẵng được giới thiệu bởi nhà văn Nguyễn văn Xuân,(
một giáo sư, một học gỉa của Quảng Nam):
"...Nhà cửa thấp, hầu hết bằng tre, lợp lá hoặc rơm rạ,
ở lẫn lộn trong cây cối, ngoại trừ chung quanh khu vực chợ.
Những nhà cửa cao đẹp hơn thì xây dựng giữa vườn, trong vườn
trồng những cây cau hoặc các loại cây vừa làm cảnh vừa hữu dụng.
Phía sau thành phố có nhiều cụm trồng cam, chanh, chuối, cau. Nhiều
ngôi nhà còn nguyên vẹn với cây cao bóng mát. Một số nhà khác
ở tình trạng hoang phế, tiêu điều. Ở bờ sông bên kia (Hà
Thân) mở ra nhiều đám ruộng, gò với vườn tược bọc quanh,
trong đó trồng thuốc lá, mía. Còn
chợ của thànhphố thì đầy rẫy những sản phẩm nhiệt đới, kể
cả gia cầm mà nhiều nhất là gà vịt.Người ta cũng bán tại đây
rất nhiều chim "mổ mắt" (dardeur) bụng đen -loại chim
chim có tên gọi theo đặc điểm là hay dùng mỏ dài và nhọn mổ
vào mắt những vật nó thấy sáng lên, nhất là mắt của những kẻ
nhìn nó. Vì thế, khi mang bán ở chợ Ðà Nẵng, người ta đã cẩn
thận khâu mắt nó lại để nó khỏi nhìn thấy.
Tại ÐàNẵng không thấy có lò sát sinh, nơi giết súc vật để bán
thịt, song trong các bữa tiệc lớn vẫn dọn đầy thịt bò, thịt
heo. Trong những bữa tiệc đãi phái đoàn, người ta thấy cả
trăm chiếc đĩa đựng đồ ăn xếp ba hàng và chồng lên nhau. Ở
xứ này, nhiều người dân chuộng thịt trâu hơn thịt bò và chẳng
thấy ai uống bất kỳ loại sữa gì. Voi dùng trong việc chuyển vận
và nhất là trong chiến tranh, đây là một nơi trong số ít những
nơi trên thế giới mà người ta thích ăn thịt voi và cho đó là
loại thịt ngon..." (1)
Về sinh hoạt trong
cuộc sống qua các ngành Ngư, Công, Nông,Thương, xin được lượm
ra những nét vẽ từ bài viết của tác gỉa Bão Rừng :
..."Người dân Ðà Nẵng chuyên ngư nghiệp. Ghe thuyền đánh
cá đậu dọc bờ sông.Người đánh cá hoạt động trên biển cả...
.."Dân đánh cá rất mê tín, luôn luôn cúng bái những thần
linh tưởng tượng. Con cái họ mới lớn tí xíu đã dẫn nhau xuống
sông, bơi như lũ vịt con.
"Về
Nông nghiệp thì phong tục cũ còn nhiều. Nông dân có vẻ linh lợi,
thông minh. Ðàn bà đông hơn đàn ông , đều chăm chỉ công việc
đồng án. Nhà cửa sạch sẽ, thuận tiện cho một dân tộc ở
vùng khí hậu nóng hoạt động lâu dài ngoài trời...
...." Ngay tại Ðà Nẵng, người ta thấy trong thành phố có trồng
nhiều loại cây ăn quả. Bên Hà Thân có nhiều ruộng trồng thuốc
lá, mía. Còn trâu thì nuôi thành đàn dưới chân núi Hải Vân....
..."Trong công tác trồng tỉa và trong xí nghiệp rất ít ỏi, họ
(người dân,ghi chú thêm) tỏ ra không thua kém gì các quốc gia có
nền công nghệ phồn thịnh. Ðôi khi họ còn biết dùng những phương
thức thuận tiện và đạt hiệu quả hơn ở các nơi khác khi làm
cùng một công việc...
..."Ðà Nẵng cống hiến một vùng an toàn cho các tàu bè lớn
nhất suốt trong mùa mưa bão..."(1)
Ðà Nẵng năm 1951,
năm lên mười và cũng là năm khởi sự đậu lại bền lâu của
chúng tôi, tại một thành phố còn đông đảo người Pháp, đó
là một thành phố rất hấp dẫn.
Một thành phố có những xe chở các thùng phân người mỗi ngày,
có những đoàn xe chở thương binh, hoặc chở xác từ các mặt trận
đưa về. Con đường Triệu NữVương vừa được khai mở chưa tráng
nhựa, phơi phới những phụ nữ giàu màu mè của son phấn. Con
đường Hoàng Diệu chưa được thông suốt lưu chuyển, bởi một
trạm gác của lính lê dương,tiền thân của đồn cảnh sát Hoàng
Diệu về sau.
Trong thành phố có hai bãi phóng uế công cộng. Một, vạc dương
liễu tiếp giáp với bờ biển Thanh Bình. Nơi đây có một trại
nhỏ nuôi dê lấy sữa của người Chà Và. Một bãi khác là cồn
đất cao trước Kho đạn. Cồn đất này,về sau được san bằng
để lập một ngôi chợ, với tên gọi Chợ Cồn, ngày nay. Cùng với
chợ Cồn, một dãy nhà lợp tôn nằm bên trái con đường Khải Ðịnh,
theo hướng ra biển, được dựng lên, đó là chung cư của gia đình
Cảnh sát Việt nam. Gần đó không xa, có hai địa danh được gọi
bằng hình ảnh cụ thể: Giếng Bể và Dốc Cầu Vồng.
Giếng Bể có thành tròn cao xấp xỉ đến đầu gối một người
lớn. Thành giếng
bị sứt một một góc,lòng khô, có khá nhiều rác rến. Ðây
là một tụ điểm của những mẹt, rỗ bắp nướng, khô mực...
bàn đánh bầu, cua , cá, gà ...xúm xít với nhau về đêm.
DốcCầuVồng,nằm trên đường ThốngNhất. Không rõ con đường
khang trang này được kiến thiết qua một cồn đất sẵn có độ
cao , hoặc độ cao được vun đắp cho thuận tiện, dành cho đường
tàu hỏa chạy bên dưới ?
Ngoài hai cái tên thật
dễ thương trên, ÐàNẵng còn có những tên gọi rất khó quên : Bến
Mía, Xóm Chuối, Cống Mê Linh, Bầu Sen, Giếng Bộng...... Những
cái tên nói lên sự nghèo khó, cảnh chen chúc cùng sức sống mãnh
liệt.
Với lứa tuổi lên mười, chúng tôi, trong vài dịp tình cờ, cũng
thỉnh thoảng rũ nhau, nhấp nhõm nhìn vào các phòng dancing của người
Pháp, mà chúng tôi gọi là nơi "xích, xích". Tên gọi khởi
từ các động tác xích lui, xích tới, xích qua, xích lại của những
người ngoại quốc đang say trong tiếng nhạc.
Chúng tôi cũng không quên những chuyến xe Vàng khởi từ Bến Mía
đi về Ga Lớn hoặc một nơi nào đó, với các trạm dừng bên
đường. Ðây là một loại xe buýt mang nhãn hiệu Renault , được
sơn màu vàng.
Chúng tôi cũng không quên những trận bóng tròn ở sân Chi Lăng, với
những giờ phút hồi hộp chực chờ để nắm đại tay một người
nào đó, dễ tính đưa lọt qua cổng soát vé.
Những nắp ken, những sợi giây cao su tròn, đủ màu, những bao thuốc
lá, những tờ programme tại các rạp chiếu bóng cũng đã dẫn dắt,
đồng hành với ngày tháng của chúng tôi một thời.
Ðà Nẵng chợt
thay đổi nhiều trong năm 1954.
Những khu nhà ở được thiết lập với các tên gọi :Thanh Bình, Tam
Tòa, Thanh Bồ, Ðức Lợi...Thành phố bắt đầu chật ra. Chúng
tôi chạy theo xem những đám người lùng bắt chuột cống trên
các ngã đường.. quên cả việc đánh cờ gánh ở cột đài Diên
Hồng, quên lăn lộn với trái tennis trên bãi than trước Bảo Trợ
Nhi Ðồng.....Và chúng tôi thong dong lớn lên, dớn dát ngó mỗi khi
đi ngang bordel vừa đóng cửa trên đường Thống Nhất.
Tâm,Vóc Ðà Nẵng,
phía sau những tháng năm chinh chiến càng ngày càng thanh thản ,khởi
sắc. Nhà thơ Phan Xuân Sinh, một đứa con của Nại Hiên, một đôi
mắt săn, giữ những sắc hương một thời của trường trung học
Sao Mai, hồi niệm :
..." Vào khoảng thập niên 60, Ðà Nẵng có cái lệ là chiều
thứ bảy thiên hạ rần rần đổ ra đi "bát phố". Trai
thanh gái lịch đủ mặt, cũng chỉ đi lòng vòng mỗi một "blốc"
đường. Muốn tìm người quen hay bạn bè thì chiều thứ bảy đứng
phía trước mặt Chợ Hàn, thế nào cũng gặp. Còn nếu không, sợ
đứng lâu mỏi chân thì ngồi ở quán cà phê gần Thông Tin ở
đường Yên Báy, người mình muốn gặp phải đi ngang qua đó. Nói
vậy đủ biết Ðà Nẵng lúc đó dân số không đông lắm. Ðường
sá vẫn còn vắng vẻ chứ không như bây giờ. Dân chúng cũng thảnh
thơi, ung dung dạo phố. Cái ăn, cái mặc, nó không quấn bên đít
nên cũng còn hưởng được chút tao nhã của một thời thịnh trị.
Tụi tôi còn là học sinh, xe đạp khóa lại, đặt ở bờ tường
Thông Tin, rồi đi dạo phố. Ði cả buổi, lúc nào về, trở lại
chỗ cũ lấy xe. Xe vẫn còn nguyên vẹn chứ không bay mất. Như vậy
đủ biết, tình trạng trộm cắp trong thành phố chưa là mối lo
cho dân chúng..." (2)
Ðà Nẵng của thập
niên 70, không những đã chia tay cùng những đêm thứ bảy, những
chiều bát phố của Phan Xuân Sinh, mà chúng tôi còn phải chia tay với
nhiều buồn vui, dồn dập gối đầu lên nhau.Những ngày tháng dở
mưa dở nắng, thở trong hơi lựa đạn cay, đi dưới những giải
băng biểu ngữ rồi cũng qua. Những người bạn sát vai, đứng
Trước Ðầu Gió,Phạm Thế Mỹ, Vương Thanh, Hà Nguyên Thạch...cũng
đã rời thành phố. Ðà Nẵng không có cái huyên náo trường kỳ,
liên tục như cố đô Huế. Nhưng Ðà Nẵng có cái quyết liệt đến
cộc cằn. Bạo động, đổ máu sẵn sàng xảy ra. Chúng tôi đã từng
có đêm lim dim nằm trên lầu hai Tòa Thị Chính, để chợt giật mình,
sợ bè bạn lặng lẽ rút đi. Chúng tôi từng tức giận, bất lực
ném bỏ cái con dấu thuê khắc vội, dùng hổ trợ cho một việc
làm đầy lý tưởng của tuổi trẻ..Ðã qua hết, kể cả những
tháng năm chúng rời ÐàNẵng, để trực diện nói chuyện cùng những
người anh em bên kia Bến Hải, bằng ngôn ngữ súng đạn. Ở thập
niên 70, trong nhịp bước không đồng đều của đôi bàn chân, với
Ðà Nẵng,chúng tôi tưởng đã có một cuộc sống thanh thản giản
dị.Nhưng không, sân chùa Hải Châu, mìn bẩy trong vòng đai quân
đoàn, ép lấy của chúng tôi nhiều hạt mồ hôi mướt lạnh. Ngước
nhìn làn khói trắng của một chiếc B52 nào đó, bỏ dài giữa đám
mây, mà nghe ra lời chia tay ướt sũng với bầu trời...
Ðà Nẵng bước qua bốn năm đầu của thập niên 80. Ðêm theo đêm
học tập. Tuần qua tuần tập viết. Lý lịch đôi mươi dòng nhưng
không dễ lặp lại giống nhau. Có gian dối trong thành thật, có
thành thật trong gian dối. Và may thay, những con số, đã giúp
chúng tôi. Những Châu Văn Tùng, Những Trương Xếp, Phan Minh Khóa,
Lê Thị Hồng Lê, Ngô Thị Phước Hạnh, Hoàng Thị Xuân Dung, Ðỗ
Thị Hoa, Lê Thị Thư Nguyệt, Scotte Jeanne... của Ðà Nẵng, vẫn
Ðà Nẵng, vẫn đồng hành cùng chúng tôi.
Nhìn tổng quát về
một giai đoạn lịch sử, được gọi tên là thời kỳ Quốc Gia .
Mặc dù tình hình chính trị không mấy ổn định, đi kèm với những
tệ nạn tham nhũng, hối lộ, miền Nam Việt Nam nói chung, Ðà Nẵng
nói riêng, vẫn là một xã hội cực kỳ phát triển trong quyền thực
sự thụ hưởng tự do của người dân.
Tại Ðà Nẵng, những cao ốc, những cơ sở thương mại thi nhau xuất
hiện. hoạt động. Sự có mặt của các chi nhánh ngân hàng lớn
như Việt Nam Thương Tín, Việt Nam Công Thương, Tín Nghĩa ngân
hàng, Trung Việt ngân hàng, Kỷ Thương ngân hàng, Ngân hàng Phát
Triển Công Nghiệp, vv...đã nói lên được sự trưởng thành kinh
tế rất cụ thể. Gía trị đồng bạc của ngân hàng Quốc Gia Việt
Nam, (những người bạn đồng hành thân quen, chúng ta chợt nhìn lại
dưới đây), dù hối suất, có thể còn khiêm nhường so với các
quốc gia giàu mạnh, đồng bạc của Việt Nam thời bấy giờ, vẫn
có gía trị cao.
Cùng với sự ổn định, lớn mạnh của kinh tế, thương mại, các
ngành khác như giáo dục, nghệ thuật, y tế, quân sự, thể thao thể
dục, giải trí...cũng không ngừng tăng tiến. Ðời sống của thị
dân thật dễ chịu, thoải mái.
Ðà Nẵng ngày hôm nay, chúng tôi có theo chân, cùng thanh giọng của
cô tuyệt sắc, duyên dáng Võ Sông Hương, qua vài đoạn băng vidéo,
và nhìn thấy tầm thay da đổi thịt khá lớn lao. Nhưng đi kèm
cái hào nhoáng này, hình như mới thật sự lấp lánh một cụm từ
"phồn vinh gỉa tạo" , mà nghe chừng như quen lắm.
Lê Bảo Hoàng