Ðà
Nẵng Qua Cái Nhìn Ðịa Lý, Văn Hóa, Lịch Sử * |
|
Trần Quốc Vượng |
Ðà
Nẵng với sông Hàn - cửa Hàn - vịnh Hàn và bán đảo Sơn Trà,
là một cảnh thị rất tốt của miền Trung, của cả Việt
Nam. Cái tên Hàn, tôi thấy trong thơ Ðường :
" Cô tô thành ngoại Hàn sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền"
Lại cũng thấy bến đò Hàn ở Ninh Giang - Vĩnh Bảo, Hải Dương,
thoạt cứ ngỡ là tên chữ Hán tự, hóa ra Hàn-Hat-Hac (như "Hát
Môn" ở Sơn Tây - Hắc Hải ở Quảng Bình) là tiếng melaya cổ,
chỉ bến sông, cửa sông.
Ðà Nẵng vốn là một thành phần hữu cơ của xứ Quảng, của tỉnh
Quảng Nam. Tây thực dân tách Tourane - Ðà Nẵng- một cái tên gốc
Chàm- ra thành "nhượng địa" kiểu Tây. Chiến
tranh và Cách mạng lại gắn bó Quảng Ðà với nhau.
Nay do yêu cầu của
sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Ðà Nẵng lại tái lập
là thành phố trực thuộc trung ương, nhưng tất nhiên vẫn phải
liên lạc với Quảng Nam. Về mặt kinh tế cũng như về mặt văn hóa
xã hội vẫn phải đặt Ðà Nẵng trong bối cảnh xứ Quảng, nếu
như chúng ta muốc có một cái nhìn khoa học.
Ðà Nẵng nằm ở phía nam chân đèo Hải Vân, mà Sơn Trà - cũng cấu
tạo địa chất - là sự nối dài ra biển, một sự đâm ngang, của
dãi cuối Trường Sơn nam - có người gọi là Nam Sơn.
Từ Hải Vân trở vào nam của đồi rừng á xích đạo. Ðà Nẵng
- xứ Quảng không có mùa khô rõ rệt, do tác dụng bức chấn của
khối núi bắc Kontum nên trong mùa gió đông bắc lượng mưa còn đáng
kể. Hải Vân như một bức tường thành làm giới hạn cuối cùng
cho cái mùa đông gió bấc lạnh lùng của miền bắc nước ta.
Ðà Nẵng - xứ Quảng
không có mùa đông vì nhiệt độ trung bình các tháng đều trên 20
độ C, mấy tháng đầu năm, khí trời dịu mát, khô ráo; tháng 5
đến tháng 8, bầu trời ixanh ngắt, nắng hắt xuống cồn cát trắng
xóa, mặt biển thẩm lại, gần như chuyển sang màu tím. Mùa
nắng lại không phải là mùa mưa vì dãi Trường Sơn chắn gió
mùa tây nam từ vịnh Bengale thổi tới. Mưa lệch pha với hai miền
bắc bộ và nam bộ, bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 (mưa hội tụ
nội chí tuyến và tiếp theo là mưa địa hình) Gío bấc thổi mát
từ biển vào, đưa tới Ðà Nẵng- xứ Quảng những trận mưa kéo
dài nhiều ngày rả rích. Ðây là mùa thu của miền Trung và cũng là
mùa bão lũ. Mưa giảm dần về cuối năm và sang giêng thì kết
thúc.
Bờ biển Ðà Nẵng - xứ Quảng vốn khúc khuỷu nhưng đã được
san bằng qua phương thức cồn cát-đầm phá, các mõm núi nhô ra biển
được nối liền bởi các dải cồn, hải lưu chảy
nhanh hơn bùn sét do hệ sông Vu Gia - Thu Bồn mang ra đã ít, lại bị
cuốn đi xa nên ven biển gồm toàn cát trắng xám. Cũng vì thế mà
có nhiều bãi tắm đẹp, tốt như Tiên Sa, Non Nước, Mỹ Khê.
Sóng gío biển vun cát nên cồn trong khi sông tải phù sa ra biển.
Sông và biển phối hợp nhau tạo nên đất nước, và ảnh hưởng
vào văn hóa con người.
Lãnh thổ Ðà Nẵng trải dài tới vùng Non Nước - Ngũ Hành Sơn (Lạ
một điều, trên các bản đồ Mỹ và bản đồ du lịch, người
ta cứ ký hiệu vùng Non Nước- Ngũ Hành Sơn là China beach (bãi biển
Trung Hoa). Ðó là điều tối kỵ, mong sở du lịch Ðà Nẵng lưu tâm
sửa đổi).
Như thế, Ðà Nẵng nay bao gồm cả lưu vực sông Vĩnh Ðiện ( Câu
Nhí) ngã ba Ðiện Ngọc. Ta nhớ đến câu ca dao xưa ở thế kỷ
XIX :
"Từ ngày Tây lại cửa Hàn
Ðào sông Câu Nhí, đắp đàng Bông Miêu"
Câu này dễ gây hiểu lầm. Câu Nhí (xã đầu sông) vốn là một từ
gốc Chàm như Cổ Mân (xã cuối sông nơi hợp lưu với sông Cẩm Lệ).
Sông Câu Nhí Vĩnh Ðiện vốn là sông tự nhiên nối Thu Bồn và Cẩm
Lệ, để mở ra cửa Hàn theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (chép ở
quyển 7 tỉnh Quảng Nam) : "Sông ấy khuất khúc, lâu
ngày bị bồi đắp, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) ... khai nhân sông cũ
mà đào từ xã Cau Nhí đến xã Cẩm Sa (thôn Cu-Ðê)". Sông
này cũng như cảng Ðà Nẵng đã được khắc hình tượng vào Du
đỉnh đặt ở kinh thành Huế.
Ở châu thổ sông
Vu Gia- Thu Bồn có những sông con hay sông nhánh, với thời gian đắp
đổi, thường bị đổi dòng hay bị phù sa lấp cửa, lâu dần
thành loại sông "nửa kín nửa hở" hay thậm chí thành
"sông lấp" hay thành "sông chết". Dù nhu cầu thủy
lợi, giao thông ngày nươc quân chủ ngày trước và nhà nước dân
chủ sau này phải tổ chức đào lại và thường nắn dòng chảy
cho thẳng hơn, thậm chí đặt lại tên sông nữa, nên về sau, nếu
ta không nhìn nhận kỹ, cứ ngỡ là sông đào, kiểu "kênh
máng" Tôi đã đi điền dã ở lưu vực và trên dòng sông Vĩnh
Ðiện từ "cửa vào" gần sông Câu Lâu trên sông Thu Bồn
(địa phận thị trấn Vĩnh Ðiện) đến Cu Ðê- Cẩm Sa và tôi biết
chắc đây vốn có dòng chảy tự nhiên, đi thuyền được. Cũng vậy,
có một dòng sông chảy vòng vèo dọc bờ biển nối cửa Hàn và Hội
An, dân gian xứ Quảng đến nay vẫn gọi là sông Cổ Cò, nay bị lấp
nhiều chỉ còn từng đoạn mà trên từng đoạn ấy (nhất là
phía gần Hội An) vẫn có thể đi thuyền được. Hơn ai hết, nhà
khảo cổ cần phải biết về những dòng sông cũ đó vì từ thời
đại đá mới sơ kỳ kim khí trở về sau, các di chỉ văn hóa- tức
là những làng mạc cổ - thường phân bố trên các đồi - gò đất
cao (miền bắc đồi gò, miền trung cồn dãi cồn, miền nam giồng)
đó là những làng ven sông hợp với những làng ven đồi
và làng ven biển tạo nên mạng lưới làng quê Việt Nam với
phức thể kinh tế nông- công- thương-chài. Khảo cổ học Ðà Nẵng-
xứ Quảng sau giải phóng (30-4-1975) đã phát hiện được những di
chỉ Ðiện Ngọc (có rìu đá, rìu đồng, gốm thô pha cát...) Hỏa
sơn (sườn núi Hỏa trong hệ thống Ngũ Hành Sơn, chân núi là cồn
cát cổ) thuộc phức hệ văn hóa Sa Huỳnh, tuổi (qua xác định bằng
phương pháp phân tích cũ) từ 2000-2500 năm trở về trước mà chủ
là những cư dân nói tiếng melayu cổ - tiếng Chăm.
Trong một hang động thuộc Ngũ Hành Sơn nay đã hình thành chùa Việt,
gần chục năm về trước, nhà sư và giới khảo cổ đã phát hiện
được một số di tích kiến trúc - điêu khắc đá Chàm cổ niên
đại X - XI và muộn hơn, Hội An và Cù Lao Chàm cũng đã tìm thấy
phế tích tháp, giếng Chàm, tượng và điêu khắc Chàm niên đại
sớm muộn trước thế kỷ XV. Chính ở phía ngoài bến cá - chợ
cá Ðà Nẵng bên kia bán đảo Sơn Trà (sách cũ như Ðại Nam Nhất
Thống Chí chép là Trà Sơn- núi của người Trả = Chăm trước thế
kỷ XV cũng có làng Cu Ðê của người Chăm với sông Cu Ðê của
Cu Ðê. tấn biển (trấn hải) Cu Ðê cùng Tấn biển
Ðà Nẵng là chỗ hai dòng sông Cẩm Lệ và Vĩnh Ðiện chảy ra
biển.
Ðại Nam Nhất Thống Chí (q.VII- Quảng Nam (tỉnh) chép: "Vũng
Sơn Trà (tức vũng Thùng-TQV) ở phía bắc huyện Hòa Vang, lại có
tên là vũng Ðà Nẵng. Phía đông là núi Trà Sơn (Sơn Trà nay -
TQV), phía bắc là núi Hải Vân, phía tây là tấn Cu Ðê, dài rộng
ước 25 dặm linh (có lẻ), phía đông nam là vũng Trà Sơn (tức vịnh
Hàn-TQV) là vùng biển lớn, vừa rộng vừa sâu, có thể chứa được
hàng ngàn thuyền ghe, phía ngoài có núi che, không phải lo về sóng
gió; tàu thuyền đi lại gặp lúc chưa tiện gió, phần nhiều đổ
tại đây"
Sách Thiên Nam Dư Hạ Tập chép rằng : Vua Lê Thánh Tông đi đánh
Chiêm Thành (1471_TQV), đóng quân ở Hải Vân Quan, đêm khuya không
ngủ, vừa đứng ngắm núi biển, đèo, mây, nước, có câu thơ:
Tam canh dạ tĩnh Ðông Long Nguyệt
Ngã cố phong thanh Lộ Hạc thuyền
dịch:
Trăng Ðông Long ba canh đêm tĩnh
Thuyền Lộ Hạc năm trống (canh) gió thanh
Ðông Long là tên vùng biển nam Hải Vân; Lộ Hạc là tên nước
(Locac= bán đảo Mã Lai nay - TQV), người nước này hay đi thuyền
đến đây buôn bán.
Như vậy là rõ: Trước thế kỷ XV, Ðà Nẵng đã là Cảng Quốc
Tế. Trên đã nói sông Cổ Cò nối cửa Hàn Ðà Nẵng và cửa
Ðại Hội An. Ðà Nẵng - Hội An là một phức cảng thị quốc tế,
thuyền buôn quốc tế từ bắc xuống, qua cửa Hàn, theo sông Cổ
Cò qua Ngũ Hành Sơn vào vụng Trà Quế mà tới Hội An; từ phía
nam lên, theo sông Trường Giang (cũng chảy dọc ven biển từ Thăng
Bình tới Duy Xuyên nay) vào vụng Trà Nhiêu mà tới Hội An buôn
bán.
Cuối XVIII - XIX, sông Hội An với các vụng Trà Nhiêu, Trà Quế bị
lấp cạn dần, thuyền máy hơi nước tải trọng lớn ra vào Hội
An bất tiện (ghe bầu thì vẫn được nên dần dà Hội An phải nhường
bước cho Ðà Nẵng thành cảng thị quốc tế chính ở miền Trung.
Trần Quốc Vượng
(tạp chí Xưa ,Nay số 54B tháng 8-1998,VN)
* trân trọng xin phép và cảm ơn tạp chí Xưa & Nay, giáo sư Trần Quốc Vượng. Ðặc biệt cảm ơn nhà thơ Hà Nguyên Dũng đã chuyển bài.