Minh Mạng Và Thành Phố Ðà Nẵng * | |
Nguyễn Văn Xuân |
Ngày
trước ít khi nghe ai gọi hai địa danh Hội An và Ðà Nẵng. Nhân
dân địa phương Quảng Nam gọi là Phố (Hội An) và Hàn (Ðà Nẵng).
"ra Hàn, xuống Phố" luôn luôn được nhắc nhở ở cửa
miệng mọi người. Ðà Nẵng là cửa biển, còn Hàn là con sông chảy
qua vùng Ðà Nẵng. Ta đọc đoạn này trong sử sẽ thấy rõ về
ngày quan trọng của vua Minh Mạng năm 1825.
" Ngài ngự thuyền qua dinh Quảng Nam, ngày Ất Vị từ kinh sư
ra đi. Ngày Ðinh Dậu qua núi Hải Vân rồi đi biển đến cửa Ðà
Nẵng. Bây giờ có tàu buôn Thái Tây nghe thuyền ngài đến, phát
21 tiếng súng mừng, là theo quốc tục lễ mừng vua. Ngài khiến
đem trầu và
rượu ra cho. Ngày Mậu Tuất thuyền ngài đến bến Hòa Quế, ngự
lên núi Ngũ Hành. Ngày
Canh Tỵ đến dinh Quảng Nam, tha thuế thân toàn hạt ấy 10 phần
cho 3 phần. Ngày Qúi Mão trở về" (Quốc Triều Chánh Biên,
tr129).
Lần theo các chi tiết trên ta thấy lịch trình cuộc tuần thú của
vua Minh Mạng: từ kinh sư mất ba ngày mới qua núi Hải Vân bằng
đường núi và đường biển mới đến cửa Ðà Nẵng. Cửa này
còn có tên là Vũng Thùng, Ðông Long Loan hoặc cửa Hàn. Ở tại
Ðà Nẵng một ngày có đi thăm nhà Công Quận nơi tiếp các phái bộ
ngoại quốc, tại Hải Châu chính xã còn lưu lại một quả chuông
đúc vào thời này như một kỷ niệm trọng thể. Hôm sau, ngày Mậu
Tuất đến bến Hóa Khê còn lưu lại tên bến Ngự. Nhà vua ngự
trên núi Non Nước mà ông đã đặt tên là Ngũ Hành Sơn bao hàm
các ngọn cũ có tên núi Tam Thai với các tên mới Kim, Mộc,Thủy,
Hỏa, Thổ. Nhà vua ở luôn tại đó hai ngày và tổ chức việc
phát triển chùa chiền, hang động, vv...với những tên còn gọi đến
ngày nay. Nhà vua muốn truyền bá Phật Giáo một cách có qui mô cực
lớn ở khu vục mà ông cho "Ðịa Linh Nhân Kiệt". Ông đã
làm mới hoàn toàn cảnh sắc chùa Non Nước và núi Tam Thai cũ.
Ngũ Hành Sơn ngoài nơi thờ phụng Phật Giáo còn là khu vực du lịch
tiếng tăm khắp nước. Tỉnh Quảng Nam bấy giờ những nơi được
gọi là danh lam thắng cảnh kết hợp với nhau thành Hành Sơn -Sài
Thị hoặc Hành Lãnh Sài Giang. Trong giới học thức nhiều khi người
ta cũng gọi nhà nho Quảng Nam là người Ngũ Hành Sơn.
Hai ngày sau vua Minh Mạng đến dinh Quảng Nam. Tại đây ông nhận
thấy Hội An đã xuống cấp sau chiến tranh với Tây Sơn chuẩn bị
hủy bỏ dinh trấn ở Thành Chiêm lập tại đó trường học với
quy mô một trường đại học và lập cơ sở Khổng Miếu đồ sộ.
Chắc vua đã nghỉ ngơi suốt bốn ngày tại hành cung tọa lạc giữa
làng (nơi nhà ông Miên). Việc ông quan tâm nhất là lập thành mới
theo kiểu thành Vauban tại làng La Qua. Chúng ta sở dĩ biết những
dự định này do ông đề ra vì ngoài những kinh nghiệm chiến
tranh với Tây Sơn ông còn đặc biệt lưu ý tới việc xuất khẩu
hàng hóa địa phương sang các nước nay gọi ASEAN. Do đó, sông
Câu Nhí được đào để nối tiếp sông Chợ Củi (tức là sông
Thu Bồn ra thành phố Hàn). Nói cách khác, nhà vua muốn giành lại
quyền xuất khẩu trong tay người Hoa kiều tại Hội An cực kỳ phồn
thịnh ngày xưa, và ngày nay đã có phần xuống cấp trên thương
trường đối ngoại, đồng thời sông này sẽ giúp cho việc dẫn
thủy nhập điền trên một vùng rộng lớn dài khoảng dưới 30 cây
số. Sông bắt nguồn từ vùng Câu Nhí và rút nước từ sông Chợ
Củi (Thu Bồn). Tại dinh trấn Thanh Chiêm cũ cách đấy 3 cây số về
hướng nam vẫn còn lưu lại một cái chợ khá phồn thịnh tên là
Chợ Củi chuyên bán củi và nước ngọt cho các thương thuyền
trong và ngoài nước.Trên kia chúng ta đã gặp các địa danh Sài Thị,
Sài Giang là chỉ chợ này với sông này.
Sông Chợ Củi có lẽ là con sông sâu và rộng vào loại bậc nhất
của miền Trung. Nó chảy qua những vùng trù phú, có lâm thổ sản
nhiều và qúy vẫn thường được người địa phương tấp nập
chở trên các loại thuyền lớn nhỏ cho Hoa thương ở Hội An phồn
thịnh, phần lớn là nhờ sự cống hiến của con sông nổi tiếng
này.
Minh Mạng là ông
vua rất biết gía trị của các dòng sông mà nổi bật là sông Vĩnh
Tế trong nam mà cùng lúc này đang còn đào đoạn cuối là 1.700 trượng
dưới quyền lãnh đạo của Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu với
sự đóng góp tích cực của vua Chân Lạp cũng như hiện nay đang
đào sông Vĩnh Ðịnh ở Quảng Trị . Sông Câu Nhí hay sông Vĩnh
Ðiện ngoài việc tưới nước và giao thông còn có mục đích
khác hơn bất cứ triều đại nào là mở công cuộc xuất khẩu như
ta đã biết. Nhà vua xem thấy đường sông hẹp nên khiến đào cho
rộng và sâu. Cũng như trên Ngũ Hành Sơn , ông tự tay đo đạt và
ghi chép cẩn thận. Ông
cũng không ngần ngại cách chức các võ quan cao cấp nhất lãnh đạo
dân phu đào sông mà ông đã từng ra lệnh thực hiện từ các năm
trước. Thật ra, từ thời Gia Long đã có lệnh đào sông này nhưng
không thành. Còn lưu lại câu ca dao:
Biết bao giờ trả cho hết nợ Cao Hoàng
Ðào sông Câu Nhí đắp đàng Bông Miêu
Minh Mạng đã chuẩn bị chu đáo cho việc xuất khẩu và quản trị
như năm 1822, cấp tiền công ứng trước cho dân nấu đường ở
Quảng Nam, Quảng Nghĩa, từng bước lập các kho tại Ðà Nẵng để
chứa đường với nội qui chặt chẽ, luật lệ phân minh. Ðể bảo
vệ Ðà Nẵng, ngoài việc đưa tỉnh thành mới thay cho tỉnh thành
Thanh chiêm cũ, ông lập vào năm 1833, một kinh thành theo kiểu
Vauban tại làng La Qua. Nơi này có những đội quân thường trực
để ứng trực đối phó với mọi biến cố xảy ra ở cửa Ðà Nẵng.
Ông đã trùng tu và sử dụng các cơ sở chiến đấu phòng thủ
Ðà Nẵng với quy mô rộng lớn là củng cố thành Ðiện Hải và
đài An Hải. Pháo đài của hai cơ sở quân sự này sẽ bắn chéo
để chận đường âm mưu xâm nhập lãnh thổ trên cửa Ðà Nẵng
và ra lệnh trực tiếp cho công cuộc phòng thủ như cuối năm 1830,
biết tin người Pháp tự tiện lên núi Tam Thai (hòn Thủy của núi
Ngũ Hành Sơn) ông lập tức cách chức các quan thành thủ và thủy
ngử ở đất An Hải, Ðiện Hải. Ta cũng cần nhớ Ðà Nẵng bây
giờ đã là tiền cảng quân sự bảo vệ kinh thành Huế. Vì những
nước Âu châu muốn đánh vào kinh thành này đều phải chiếm được
Ðà Nẵng rồi tùy nghi đưa quân bộ qua đường Hải Vân hoặc thủy
quân với tàu nhẹ xâm nhập vào cửa biển khác của Thừa Thiên.
Ðồng thời nhà vua cũng cho thành lập các xưởng để hiện đại
hóa việc đóng tàu thủy chạy bằng hơi nước. Khi công việc tiến
triển tốt đẹp ông mở đầu công cuộc xuất khẩu sang các xứ
Ðông Nam Á suốt đoạn cuối cuộc đời ông cho đến hết hết đời
Thiệu Trị. Có nhiều hàng hóa bao gồm nhiều mặt nhưng chủ yếu
vẫn là đường và quế. Ðường của ta bây giờ được thế giới
cực kỳ ưa chuộng. Công việc buôn bán mỗi ngày một phát triển.
Thành phố Hàn tên chính thức được gọi ít nhất là từ đầu
thế kỷ XVII và theo một sĩ quan Bồ Ðào Nha là người Âu châu đến
xứ Ðàng Trong sớm nhất ( có in lại trong La geste Francaise en
Indochine, tập 1) thì cửa biển này có tên Hàn với người đứng
đầu là chức Thủy Ngử nên có tên thủy Hàn. Ðọc theo âm Bồ
Ðào Nha là Toron và đọc theo tiếng Pháp là Tourane = Tour Thủ, ane
tức là Hàn. Theo Quốc Triều Chính Biên đời Ðồng Khánh năm 1888
cũng ghi rõ:
Tháng 8 đem xứ Hàn (Tourane) làm đất nhượng địa Ðại Pháp vốn là quân cảng thời Chúa Nguyễn và là tiền cảng thương mại của Hội An, năm 1825, đời Minh Mạng trở thành quân - thương cảng và cơ sở của một đô thị tự lập tập trung trước trường Thọ Nhơn cũ, gọi là Hải Phòng nha đến năm 1898 thì hủy bỏ.
Nguyễn Văn Xuân
(tạp chí Xưa & Nay)
* Trân trọng xin phép cùng cảm ơn Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Tạp Chí Xưa & Nay, Việt Nam / cùng nhà thơ Hà Nguyên Dũng (VN) đã chuyển bài. Kính.