Ðà Nẵng, Một Lần Ghé Vội
Song Vinh

 

Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thủ đô một thời, đưa Việt Nam lớn mạnh và người dân trưởng thành trong ý thức tự do. Những năm tháng được ăn ở với Sài Gòn, tôi là một học sinh, một sinh viên chưa kịp đi xong đường học vấn đã phải rời bỏ quê hương. Một quê hương, vì tình trạng chiến tranh, tôi chỉ biết nhiều qua sách vở hơn là được trực tiếp viếng thăm.

Những chuyến đi Ðà Lạt, Bình Tuy, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long và hầu hết những hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn, đã bồi đắp thêm một tình cảm hình như vốn có sẵn trong lòng. Tôi không dám gọi tình cảm đó là tình yêu quê hương, yêu đất nước, nhưng mỗi lần có dịp nghĩ lại từng con đường, từng hàng cây, từng dáng đi của đồng bào tôi, trong lòng lại dâng lên một nhớ nhung nao nao.

Vì lý do học vấn, thời trẻ tuổi của tôi cũng chưa kịp cầm súng để đóng góp một chút tình thiết thực với tổ quốc. Ðiều này có lẽ là điều may và cũng có lẽ là điều không may, tùy theo quan điểm của mỗi người. Bây giờ mọi sự đã đi qua, bày tỏ tình cảm của mình dễ rơi vào những hồ nghi, kịch tính.

Nhưng nỗi nhớ nhung và sự ao ước được trở về thăm lại đất nước mình là điều, tôi chắc rằng ai trong chúng ta, những người đang ở xa tổ quốc đều nghĩ tới. Riêng tôi, sau 21 năm xa quê hương và đã tạm đi đủ con đường sách vở, tôi cùng gia đình thực hiện chuyến về thăm Việt Nam vào năm 1996.

Cái duyên của tôi với xứ Quảng, với Ðà Nẵng, khởi từ đứa con đầu lòng của mình. Thằng bé có quê ngoại tại Hội An. Và như vậy, sau Sài gòn, sau Hội An, gia đình chúng tôi không bỏ dịp may, ghé thăm Ðà Nẵng, một thành phố, tôi từng ước mơ đến thăm từ thời còn ở quê nhà.

Ðà Nẵng vốn được xếp thứ 3 trong các thành phố Việt Nam. Nhưng với tôi, một người ham vui, đã dạo chơi khá nhiều trên đất nước Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại ... dĩ nhiên không khỏi giật mình khi gặp mặt Ðà Nẵng. Những sinh hoạt xô bồ, những giao thông vô trật tự đã nói lên cái chậm tiến của một thành phố có tầm vóc đất đai đáng kể này. Tôi không rõ Ðà Nẵng của thời trước 1975 như thế nào, nhưng qua một đoạn viết đã in thành sách của tài tử Nguyễn Long, nhận xét Ðà Nẵng vào năm 1995 như sau :

"Nếu thành phố Huế chỉ thay đổi một chút thì thị xã Ðà Nẵng đã thay đổi thật nhiều tất cả mọi thứ đều thêm lên 50% so với thời kỳ trước 75..."

Tôi hy vọng và tin tưởng nhận xét của Ông Nguyễn Long đã có được qua một cơn xúc động, nên thiếu đi nhiều tính chất thực tế, bởi vì từ trước đến nay, chưa có ai đặt Ðà Nẵng trong tầm Thị Xã cả.

Nói về xây cất nhà cửa, hình như sau chính sách "cởi mở" bước vào kinh tế thị trường của giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam, thì hầu như ở vùng đất nào trên đất nước đang ngưng tiếng súng này, đều có điều kiện căn bản là An Toàn, và đều có nhu cầu xây cất, do đó không riêng gì Ðà Nẵng rộ lên phong trào xây cất cao ốc, mở rộng đường phố. Không khuyến khích, nới rộng những đề án này giới hữu trách thành phố sẽ phải làm những điều gì cho đơn vị mình quản trị trở nên lớn mạnh ?

Khi đến Ðà Nẵng, chúng tôi tạm trú tạm khách sạn Sông Hàn, nằm trên đường Bạch Ðằng. Một con đường chạy dọc theo một dòng sông rộng lớn, đầy ắp gió biển từ Vịnh Ðà Nẵng ghé vào. Từ 5 giờ sáng, qua cửa sổ của khách sạn, tôi đã nhìn thấy vài đám trẻ em, chia nhau từng cụm, đá bóng nhựa ngay trên lòng đường Bạch Ðằng. Tiếng gọi nhau, tiếng cười nói hồn nhiên pha lẫn những câu chưởi thề quen miệng vang dậy một góc phố. Nhưng chẳng bao lâu, theo cùng ánh mặt trời, những khoảnh mặt bằng này được trả lại cho xe cộ, cho bộ hành, cho quang gánh, cho một ngày bắt đầu của thị dân Ðà Nẵng.

Và tôi bắt gặp những mảnh đời khá rách nát lặng lẽ sinh hoạt trong ánh nắng dịu dàng của sớm mai. Những thúng xôi, những rỗ khoai sắn, những bao vải đựng bánh mì ổ và nhiều thứ khác, lần lượt thay chân nhau trong sinh kế của một số người dân có mức sống thấp nhất.

Ðà Nẵng, đa số dân chúng hãy còn nghèo, còn quá nghèo ... tôi thấy, hoặc ít ra là cảm biết như vậy.

Vì được khuyến cáo, tình trạng an ninh không khả quan, đi đâu chúng tôi cũng phải ngồi trên một xe du lịch, có cả tài xế, nên đa số cảnh sắc Ðà Nẵng chỉ xuất hiện qua ô cửa xe như qua một màn ảnh tivi. Dĩ nhiên sinh động và dồi dào hơn.

Với một thời gian hạn hẹp, tôi cùng gia đình chỉ đến được với nhà bảo quản, trưng bày những cổ vật điêu khắc của người Chàm, một giống dân vốn là chủ nhân của vùng đất nước này. Những điêu khắc của người Chàm đã nói lên trình độ nghệ thuật tuyệt vời của một dân tộc, mà tôi tin rất lãng mạn, lạc quan và yêu đời. Những đường nét thanh tú, hài hòa trên từng khuôn mặt, từng dáng người cho thấy và biết được một cuộc sống khá thảnh thơi từng có mặt ở đây trong nhiều thế kỷ trước. Tiếc rằng khả năng thưởng ngoạn nghệ thuật của tôi chưa đến đâu, nên không dám ba hoa nhiều hơn.  Nhưng thật là thiếu sót và rất đáng tiếc cho những du khách đến viếng Việt Nam mà không ghé được Ðà Nẵng, không ghé được nơi đọng lại hơi thở của cả một dân tộc đã thiếu may mắn trong sinh tồn.

Ngoài Cổ Viện Chàm, chúng tôi còn được viếng Ngũ Hành Sơn. Một thắng cảnh đã có quá nhiều sách vở, báo chí phim ảnh của nhiều quốc gia đề cập tới dưới nhiều hình thức biên khảo, sáng tác thơ văn, hay qua những thước phim đầy thi vị nghệ thuật. Riêng với tôi, chân núi Ngũ Hành Sơn, một bãi cát với làng điêu khắc đá đã chiếm của tôi nhiều giờ say mê nhất. Những người thợ điêu khắc đá ở đây là những nghệ nhân khá trẻ tuổi. Họ thiếu vắng nét vui tính, có lẽ vì bận suy tư ngay trong từng nét đóng, nét đục của mình, nhưng họ hoàn toàn không thiếu sự cởi mở, và chân thành khi được nói về công việc của họ.

Làng điêu khắc đá dưới chân năm cụm Ngũ Hành quá nhỏ bé, sơ sài. Cái nắng, cái gió ở đây như rộng hơn ra. Và chính điều này đã gởi đến cho du klhách những khoáng đạt thoải mái, dù mỗi bước chân đi như lún xuống, như bị giữ lại trong luyến tiếc không đành chia xa.

Ðà Nẵng, Tôi chợt nhớ ra, một thành phố sản sinh nhiều tay văn thơ mượt mà. Bây giờ họ ở đâu? họ về đâu? Nhất thời, tôi không nhớ những tên tuổi nổi bậc, nhưng qua họ, tôi đã có thêm sự ngưỡng mộ cùng tình mến thích thành phố này.

Sơn Trà nằm bên kia sông, tôi nhìn thấy núi xanh mây trắng, nhưng chưa đến được để nhìn thật gần những dấu lịch sử, mở đầu trong vết buồn một trăm năm bị giặc tây đô hộ.

Mỹ Khê nằm bên kia sông, tôi nhìn quanh, không thấy đâu ngoài những ngọn cây xanh. Sóng, Gió của Mỹ Khê hẳn cũng từng len lỏi đến chỗ tôi đang đứng này, xin lỗi biển nhé, cho tôi hẹn một dịp khác với rộng rãi thời gian hơn.

Khi ngồi trên máy bay, tôi lặng lẽ nhìn xuống Ðà Nẵng một lần chót. Miền đất này là một phần quan yếu , thắm thiết của da thịt tổ quốc tôi. Dù hết sức cố gắng, tôi cũng chợt nghe ra từ sâu thẳm trong lòng mình, trong trái tim, những tiếng nấc rất khẽ: Tôi đang chia tay quê hương. Những tiếng nấc thầm lặng đầy chân tình, nay đã trở thành những câu viết dưới đây, tôi xin chép lại, gởi về Ðà Nẵng như một thâm tạ từ nghìn trùng xa khuất

tôi vẫn thấy trên quê tôi
những con mắt lạc loài mồ côi
những bàn tay với tìm sữa cạn
những nụ cười chưa nỡ đủ vành môi

tôi vẫn thấy quanh đây
những nhân công thầy thợ
cực lực suốt năm
vẫn chưa ấm thân no miệng
với lời nhà nước chi viện :
- nào hãy gắng thêm

tôi còn thấy quanh tôi
một đám ăn chơi đầy tóc râu
giữa thành phố còn nhiều hốc hác
ngất ngưỡng dành nhau chút công hầu

tôi vẫn thấy trên đường đi qua
những bắp thịt thay cơ giới dựng xây
cột quanh bụng xâu cơm, xâu nước
vuốt mồ hôi
có bớt tối mặt mày ?

tôi thấy dưới ánh trăng
những con người đứng đón
cơn gió thơm
hay nhân ảnh nào chăng ?
với những bàn tay xòe ra
đầy hương tuổi trẻ

tôi thấy ở dòng sông
những ghe thuyền
những con người
và sóng
và gió
gối lên nhau
sức sống gắng vươn lên...

Song Vinh