Những Nghĩa Trũng Ở Ðà Nẵng |
Hồ Trung Tú |
Cuộc chiến đấu
của quân và dân ta trên mảnh đất Ðà Nẵng kéo dài 19 tháng kể
từ lúc hạm đôi Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo
Sơn Trà đêm 30, ngày 1-9-1858 cho đến khi quân đội xâm lược phải
rút khỏi mảnh đất này là một chiến công oanh liệt nhưng cũng
là những hy sinh to lớn.
Trong khi quân xâm lược rút đi để lại trên lưng Sơn Trà những
khu mộ đến nay vẫn còn dấu tích, thì hài cốt những chiến sĩ
dũng cảm của chúng ta cũng được triều đình Việt Nam quan tâm
quy tập thành những "nghĩa trũng" (1) tức là những nghĩa
trang tử sĩ đầu tiên.
Việc quy tập này theo những tư liệu để lại cũng kéo dài tới
hai chục năm. Và nghĩa trang trước đây chúng ta được biết đến
ở Phước Ninh bên tả ngạn sông Hàn. Theo văn bia ghi lại thì tại
đây có tới 3.000 hài cốt đã được quy tập lại. Văn bia ghi lại
những lời lẽ sau đây :
" Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng chỉ vì nghĩa
hay vì lợi. Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc
lòng vào việc thiện. Dù việc thiện nhỏ thế nào cũng không bỏ
qua. Nói ngày xưa là thành xiêu lũy đổ chất chồng, người ta đã
vùi dập đó đây những nắm xương của những người vì nghĩa cả
mà hy sinh "
cho thấy công việc quy tập đã được thực hiện bằng sự vận
động các tầng lớp nhân dân tham gia làm việc thiện.
Ðiều đáng tiếc " Nghĩa Trang Phước Ninh" dù đã được
công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc Gia, thì vào thập niên
80 vừa qua ,nó bị san bằng để xây nhà thi đấu Nguyễn Tri
Phương, ở trung tâm thành phố Ðà Nẵng. Dấu vết chung của ba
ngàn hài cốt ấy chỉ còn là một tấm bia ghi dấu.
Nhưng, cũng thật bất ngờ, mới đây, nhân chuyến đi công tác ở
phường Khuê Trung, chúng tôi được dân địa phương giới thiệu
một khu nghĩa trang mà ở đó còn tấm bia bằng sa thạch với bốn
đại tự : "Hoà Vang Nghĩa Trũng" và dòng lạc khoản ghi
rõ năm dựng bia là "Tự Ðức Thập Cử Niên", tức là năm
1866, chỉ 6 năm sau ngày kết thúc trận đánh. Hơn 1.000 ngôi mộ
được xây vuông vắn, xếp hàng lối thẳng tắp, lại bằng xi măng
khiến ta băn khoăn về niên đại của khu mộ. Giải thích nỗi băn
khoăn này, cụ Hương Mưu, năm nay 93 tuổi kể lại rằng : Nghĩa
Trũng vốn ở làng Nghi An, thường gọi là Trũng Bà Nghi An, nay nằm
trung khuôn viên sân bay quốc tế Ðà Nẵng. Khoảng năm 1920, khi cụ
Hương Mưu 15 tuổi, thực dân Pháp mở sân bay nên khu mộ này phải
dời về phía vườn Bá Khuê Trung. Năm 1962, quân Mỹ lại mở sân
bay về phía nam, nên dân làng Khuê Trung lại phải dời Nghĩa trũng
một lần nữa đến địa điểm hiện tại, do đó việc xây cất
các phần mộ có vẻ hiện đại, bằng chất liệu xi măng như ta
thấy.
Tại đây ngoài những ngôi mộ được xây mới đồng loạt, còn
đôi trụ đá dựng hai bên tấm bia đại tự :" Hòa Vang Nghĩa
Trũng". Trên hai trụ đá ấy có đôi câu đối khắc chạm :
"Ân Triêm Khô Cốt Di Truyền Cổ.
Trạch Cập Tàn Hồn Tái Kiếm Kim"
(Dịch tạm : Ơn Ðức nhà vua thấm đến những bộ xương khô từ xưa còn lại, những hạt mưa móc ban cho những linh hồn vất vưởng được thấy lại hôm nay).
Sau tấm bia và hai cột
đá là một đài xây cao chừng 3m bằng xi măng có khắc ba chữ :
"Chiến Sĩ Ðài" , hai bên có hai câu đối :
" Tổ Quốc hữu linh giá ban chí sĩ anh hùng tương dữ dẫu
hồng tiền dực hồ hậu;
Tiền dân dĩ viễn kim nhật sùng đài phong ngẫu do năng luận kỳ
thế tư kỳ nhân"
(tạm dịch:Tổ quốc thiêng liêng với những chí sĩ anh hùng noi dấu
đời trước rồi chắp cánh đời sau; người xưa xa rồi nay dựng
tượng đài mà vẫn còn bàn đến đời của họ và nghĩ đến
người thuở ấy)
Ở Nghĩa Trũng còn có một ngôi mộ lớn cũng xây bằng xi măng với những họa tiết trang trí đẹp, mang dòng chữ " Tiền triều đại tướng công qúy mộ" Theo lời cụ Hương Mưu thì đây chính là ngôi mộ của vị đại tướng dưới quyền ông Nguyễn Tri Phương, tên là Nguyễn Trọng Ân giữ đồn Tuyên Hóa, nay thuộc Hòa Cường. Trong cuốn " Nguyễn Tri Phương đánh Pháp" của tác giả Nguyễn Khắc Ðạm có nói tới một vị tướng tên là Nguyễn Ân. Theo cụ Hường Mưu vì khi chuyển dời phần mộ của vị tướng này, người ta còn thấy cả chiếc mão võ tướng và năm cái cúc áo đều bằng đồng đã rỉ.
Phía sau ngôi mộ
này là một cái am thờ , mà năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 16/3
âm lịch là dân làng lại tổ chức cúng tế vong linh các nghĩa sĩ
rất trân trọng.
Mong sao, không như với Nghĩa Trũng Phước Ninh, Nghĩa Trũng Hòa Vang
sẽ được tôn tạo thành một di tích , minh chứng cho niềm tự
hào về truyền thống đi đầu đánh giặc ngoại xâm của Ðà Nẵng,
cũng là di tích về một nghĩa trang liệt sĩ xưa nhất mà chúng ta
còn giữ được.
Hồ Trung Tú
(Việt Nam)
(1) chữ Trũng theo tự điển Hán Việt của Ðào Duy Anh ngoài nghĩa là cái mộ lớn xây cao còn có nghĩa là chính, lớn "Nghĩa Trũng" là nơi chôn cất những người làm việc nghĩa, nghĩa sĩ.