Vài Kỷ Niệm 
Với Trường Phan Chu Trinh
Phạm Vũ Thịnh

 

 

1. "Thế Giới Nghệ Thuật" Cûa Chúng Tôi

Thi đậu vào đệ thất trường Phan Chu Trinh, trường trung học công lập duy nhất tại Ðà Nẵng thời bấy giờ, là niềm vui lẫn tự hào của Trần Việt Hùng, Nguyễn Văn Hưng và tôi.  Sự kiện này cũng đem lại niềm hãnh diện cho ngôi trường nhỏ bé Trần Quốc Toản, nơi ba chúng tôi vừa đi qua hết bậc tiểu học.

Lớp Đệ Thất 2 trường Phan Chu Trinh đã mở ra cho chúng tôi những chân trời mới lạ. Đặc biệt, hai môn học Vẽ và Nhạc đã là ngưỡng cửa đón chúng tôi vào thế giới nghệ thuật ! Bây giờ ngẫm nghĩ lại, tôi hiểu được rằng chúng tôi đã rất may mắn được học với hai bậc thầy của các ngành nghệ thuật đó.

Thầy Phạm Hữu Khánh dạy chúng tôi môn Vẽ.

Lần đầu tiên, tôi được tiếp xúc với các dụng cụ của họa sĩ như giấy croquis, bút than, bút màu, ... Hoàn toàn không biết gì về Hội Họa, tôi bắt đầu bằng các bài học về cách dùng bút chì, thước kẽ, tiến dần lên các bài học về trang trí, các kiểu đường viền trong kiến trúc gothic, Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa : chữ Vạn xuo^i, chữ Vạn ngược; các mẫu chữ trang trí, cách vẽ hình 2 chiều, 3 chiều, vẽ phối cảnh, ... Trong mắt chúng tôi ngày đó, Thầy có cái ngoại hình của một ông Tây, cao lớn, da dẻ trắng hồng hào, có lúc có thêm bộ râu quai nón nữa. Giống như hình ảnh của các họa sĩ Pháp mà chúng tôi thấy trong tranh ảnh, Thầy cũng hay đội mũ béret bằng dạ xám hay nâu. Tôi nghe nói rằng Thầy đã từng du học về Hội Họa ở Pháp. Hình dáng của Thầy rất ăn khớp vào khung cảnh sinh hoạt nghệ sĩ ở xóm Montmartre gì đó của Paris. Thầy Khánh rất hiền và thương học trò. Thầy đối xử với học trò gượng nhẹ bao dung như lối đối xử của một người cha, ông trong gia đình. Tôi chưa từng nghe, thấy Thầy la mắng ai bao giờ, mặc dù lớp chúng tôi cũng không hiếm những tay phá như quỷ. Giọng nói của Thầy trầm, ôn tồn, hòa nhã. Thầy Hiệu Trưởng, các thầy cô, thầy Giám Thị đều kính mến Thầy, một phần vì Thầy lớn tuổi, phần khác vì nể trọng sự lịch duyệt, tài năng và sự hòa nhã của Thầy. Học trò tụi tôi rất thoải mái trong giờ học với Thầy. Cũng có nghịch phá nhưng không có đứa nào đi quá trớn đến mức hỗn láo với Thầy, vì kính nể và thương mến Thầy. Tôi không nhớ có anh chị nào xuất sắc về môn Vẽ không, chỉ nhớ không có ai bị điểm dưới trung bình cả. 40 năm qua, chắc chẳng có ai trong chúng tôi thành họa sĩ, nhưng ai cũng biết yêu chuộng cái đẹp hòa bình của tranh ảnh.

Thầy Hoàng Bích Sơn dạy chúng tôi môn Nhạc.

Thầy là tác giả của bài Hiệu Đoàn Ca Trung Học Phan Chu Trinh tuyệt vời, được yêu mến và ghi nhớ qua bao nhiêu thế hệ học trò của trường. Tôi chưa được nghe một bài Hiệu Đoàn Ca nào đầy nhạc tính và ý nghĩa như bài Hiệu Đoàn Ca Trung Học Phan Chu Trinh, bi thiết mà hùng tráng, uyên áo như một bài học lịch sử mà phấn khích như một hồi kèn thúc quân. Thầy đi khỏi trường rất sớm nên lớp chúng tôi là một trong số rất ít lứa học trò có được vinh hạnh học Nhạc với tác giả của bài Hiệu Đoàn Ca. Thầy Sơn hơi gầy và khuôn mặt hơi nhọn. Thầy nghiêm nghị, ít cười, nhưng không khắt khe đối với học trò. Chúng tôi học về các khoá nhạc (tuy đến nay chỉ ôm mỗi cái khoá Sol cho chắc ăn !), các nốt nhạc, cung, nửa cung, các dấu lặng, các âm giai, nhịp 2, 3, 4, hoà âm Do trưởng và La thứ. Bài hát nhập môn Thầy dạy chúng tôi là bài Hồ Sen mà Thầy bắt phải đánh nhịp, xướng âm và hát :

Do mi sol mi fa sol la sol Do sol si si la sol fa mi
Mi re do re mi re do sol Re mi fa si do re si do

Đầu làng tôi là hồ sen ngát thơm Hoa lồng nước lá xanh chen nhụy vàng
Bướm khoe mình trên cánh hoa hồng thắm Thuyền thấp thoáng ngoài xa lúc chiều đưa

Tụi tôi học Nhạc rất thoải mái, dĩ nhiên không phải vì cả bọn đều có năng khiếu, nhưng có lẽ vì giờ Nhạc là giờ duy nhất mà đứa nào cũng có thể la hét mà không bị rầy ! Giờ Nhạc chúng tôi hát hò rất nhiệt tình, quá mức mong muốn của Thầy. Cho đến nay, tôi chưa nghe nói có ai trong chúng tôi trở thành nhạc sĩ cả, chỉ biết có nhiều người đang là ca sĩ ... Karaoke. Dù sao, tôi cũng tin rằng Thầy Sơn sẵn lòng tha thứ cho đám học trò, ngày xưa chỉ làm khổ thính giác của mỗi mình Thầy, ngày nay đang làm khổ lỗ tai rất nhiều người trong nước và ngoài nước.

2. Về Một người bạn: Anh Hùng Vô Danh

Lớp chúng tôi đã đóng góp cho cuộc chiến tranh khốc liệt Việt Nam nhiều người lính. 

Lê Hữu Đức đã như Kinh Kha một đi không trở lại. Anh đã tử trận ngay trong lúc bạn bè của anh còn mải mê sách đèn bài vở trong cuộc sống an lành ở thành phố. Ngày còn ở dưới mái trường, Đức hay rủ tụi tôi: Lê Hân, Nguyễn Đức Thống, Phạm Vũ Thịnh, và đôi khi Nguyễn Phùng Duyên nữa, đi thụt bi da và đánh bóng bàn, sau giờ học hay những giờ giáo sư nghỉ bất ngờ. 

Đức giỏi thể thao, thụt bi da điệu nghệ, và có những cú "tiêu" bóng bàn vũ bão. Đức lại hào phóng, có lẽ là người "giàu" nhất trong đám nên hay đứng ra chi tiền bàn cho cả bọn. Đức xứng đáng trong vai trò lãnh đạo tụi tôi còn vì anh to con nhất và tuổi đời lớn hơn các anh em khác vài tháng. Đức tập thể dục thẩm mỹ đều đặn nên thân thể nở nang, các bắp thịt ngực và cánh tay nổi phồng lên rất đẹp. Thật ra thì tụi tôi đứa nào cũng đã có lần tập thể dục thẩm mỹ, chỉ khác Đức ở chỗ tụi tôi tập không đúng cách và không đều nên chỉ nở thêm phần bụng, hay tóc!

Đức to con nhưng hiền hậu, không dùng sức mạnh để áp đảo ai bao giờ. Anh là người can ngăn bạn bè khi có những đôi co, tranh chấp. Anh xốc vác, hay đứng mũi chịu sào, sẵn lòng giúp đỡ bạn bè. Vui tính, cởi mở và nhiệt tình là bản tính cûa anh. Nụ cười thật tươi bao giờ cũng sẵn sàng nở ra, mặc dù hàng răng trên của anh không được ngay ngắn, vì vậy, giọng cười rạng rỡ cûa anh thường đựợc kín đáo gói trong bàn tay che. 

Đức trưởng thành sớm nhất trong bọn, là người đầu tiên để ý đến các cô, và từ đó, sửa soạn kỹ mái tóc, quần áo , nhân dáng của mình. Khác với vóc người vạm vỡ, chữ viết cûa Ðức rất nhỏ và nghiêng ngược lại với chiều nghiêng thông thường. Thay vì ngã chúi về phiá trước, chữ viết của anh nghiêng về phía sau lưng. 

Nhà Đức ở trong cư xá Hiến Binh trên đường ra bãi biển Thanh Bình. Tụi tôi hay đến rủ Đức đi chơi, đôi khi thấy Đức đang cử tạ, ngực trần nở nang sáng bóng trong ánh nắng, và nụ cười rạng rỡ. Đức có nhiều em, em nào cũng có khuôn mặt sáng sủa và miệng cười tươi tắn dễ thương. 

Tụi tôi không ai hiểu tại sao Đức lại đăng lính rất sớm.  Trong chiến tranh Việt Nam, Lê Hữu Đức đã trở thành một anh hùng vô danh. Trong tâm tưởng của bạn bè, anh là người bạn tốt, một hình ảnh ấm áp cûa một thời cắp sách, nở đầy hoa phượng đỏ, cùng những dòng chữ thơm trong lưu bút ngày xanh.

Phạm Vũ Thịnh
Trung Học Phan Chu Trinh 1958-1965