Sót Trong Trí Nhớ 60
T.Châu Văn

 



Qua điện thoại viễn liên, một thằng bạn chí thân ngày xa xưa, yêu cầu gởi cho hắn vài nhành kỷ niệm về thời cắp sách. Hắn viện dẫn nhiều lý do, chung qui chỉ để lấp bớt cái nỗi buồn xa xứ của hắn. Ðừng trước một yêu cầu vừa lãng mạn vừa dễ thương như vậy, tôi cầm lòng không đậu, đã lỡ hứa chắc với hắn một lời.  Dĩ nhiên trong lúc hứa, tôi đã tưởng chỉ cần, đặt bút lên giấy, nhắm mắt lại đôi ba phút, là tôi đã có thể trải ra hàng trăm nhành kỷ niệm đối với khoảng đời học sinh, chứ nói chi một nhành mỏng mảnh. Nhưng bây giờ, trang giấy đã mở sẵn, và tôi đã nhắm mắt, mở mắt liên tục, nhiều lần, lần nào cũng lưng lửng một hơi thuốc, nhưng chẳng thấy các đầu mối của những nhành kỷ niệm nơi đâu.

Thế này nghĩa là sao ? Chẳng lẽ lớp thời gian trong lòng quá dày, bưng bít hết cả không lọt nỗi một hơi thở của kỷ niệm ? Hay chỉ tại lòng mình vốn đã nghèo những hình ảnh thân thương từ lâu ? Tôi loay hoay, hút thuốc và hút thuốc.

Cách đây mươi năm, ngồi cặm cụi viết lý lịch, tôi cũng đã gặp không ít lúng túng, nhưng xem chừng nỗi khó khăn còn ít hơn bây giờ. Sao vậy kìa ? Một tiếng cười đã đủ để làm nên một kỷ niệm kia mà. Tôi dỗ tôi, tôi "động viên" tôi, tôi giận lẫy tôi.  Và ngay trong cái phút giây, định đứng phắt dậy, dẹp những cái "vớ vấn, nhức đầu" qua một bên, thì sợi khói thuốc, đã nhẹ nhàng dìu tôi trở lại, Và tôi tìm thấy, nhìn thấy những con bọ kiều diễm ấy ngay trước mặt.

Nhìn đi bạn hiền, nhìn đi bạn hiền...

1.Những Nốt Nhạc Của Thầy Hoàng Bích Sơn

Ðối với hầu hết các bạn học của tôi, thằng nào cũng rất lấy làm hứng thú khi đến giờ nhạc của thầy Sơn. Một nhạc sĩ, theo tôi thiếu vắng rất nhiều chất nghệ sĩ. Thầy ốm yếu, khắc khổ đến là tội nghiệp. Sự hiền lành của thầy rõ ràng là quá dư thừa. Cái quyền tự do của đám học trò trong giờ nhạc gần như để bù trừ với một số giờ học khô khan khác. Nhưng rất là lạ lùng, trong lúc đám bạn tôi, thằng nào cũng tỏ ra thoải mái, vui vẻ, thì tôi lại vô cùng lo lắng ở trong giờ chơi nhiều hơn học này. Dễ hiểu thôi. Tôi sợ giờ nhạc.
Là một người có hai nguồn gốc địa phương. Cha Quảng, mẹ Huế, âm giọng của tôi phát không khó nghe lắm, nhưng hát ca thì tôi gần như hoàn toàn vô khả năng.

Trong giờ nhạc, của thầy Sơn, thường có cái màn bắt làm ca sĩ bất tử. Dù anh chị ca sĩ ở đây, chỉ phải trình bày lặp lại một vài câu của một ca khúc nào đó thầy Sơn đang trích giảng, có khi chỉ thuần túy là những nốt do re mi fa sol...

Thầy Sơn khi thì đi giữa hai dãy bàn, khi thì đi lối bên trong một dãy bàn, trái hoặc phải. Thầy vừa đi vừa hát, vừa khuya cây thước ngắn đánh nhịp. Giọng thầy thoáng vẻ  mệt mỏi và cây thước thầy nhịp cũng không lấy gì làm hào hứng, nhưng cái vỏ thiếu tích cực ấy, chợt biến mất, khi thầy bất ngờ chỉ định một người đứng lên hát lặp lại câu thầy vừa hát. Dĩ nhiên, tôi là người lo lắng bị thấy chỉ trúng nhất. Ðể tránh cái nạn phải đứng cao lên ngượng ngịu ê a, tôi thường khéo léo ẩn núp một bên vai hai người bạn ngồi
bên cạnh, hoặc hơi cúi đầu thấp xuống, tránh tầm nhìn của thầy Sơn. Khổ nỗi chiến thuật này của tôi, có lẽ đã đánh động cái quyết định của thầy Sơn nhiều hơn, nên tôi càng có vẽ che dấu mình, thầy càng chỉ định y bon cái chàng dốt nhạc. Liên tiếp bị nhiều lần như vậy, tôi đổi chiến thuật. Mỗi lần thầy Sơn rề rề đi tìm mồi, tôi vờ thản nhiên, nhìn thầy Sơn một cách tự nhiên, ra cái chiều, ta đây đã sẵn sàng đứng lên trả bài một cách ăn chắc. Thầy Sơn hiền lành biết bao, nhưng thầy cũng sành tâm lý đám học trò của thầy quá kỹ. Chiến thuật của tôi liên tục bị thầy bẽ gãy, và tôi , tính lại có lẽ là đứa học trò bị thầy tận tình luyện giọng nhiều nhất.

2. Cái "Ðáng Ghét" Của Thầy Duận-De Gaulle

Vào thời kỳ chúng tôi đến lớp, ngày thứ hai đầu tuần , lễ chào quốc kỳ được cử hành rất trang trọng. Liền sau giờ chào cờ thường hay có lời huấn thị của thầy hiệu trưởng, hoặc thầy tổng giám thị. Toàn thể nam học sinh trong sắc phục, quần trắng áo trắng với cravate chỉnh tề. Tôi quả thật vốn con nhà "quan" ngon lành. Ông bố từng làm ông đầu tỉnh; đang làm ông chef lớn cả vùng thuộc những gì của thực dân để lại, nhưng tôi lại hết sức nhà quê. Cái cravate của thời học sinh đã ám ảnh tôi rất nhiều. Tôi chưa khi nào mang cái của nợ này trên lộ trình từ nhà đến trường và ngược lại. Thường tôi nhét đại nó vào túi, khi sắp sữa vào cổng chính tôi mới mau lẹ tròng vào, Và nhiều khi lúng túng trễ giờ tôi phải trốn cả chào cờ. Một ngày nọ, khi tôi đã lặp lại cái trò trốn chào cờ xong., đang chui qua rào, phía đường Duy Tân như nhiều
lần trước để vào trường. Không hiểu sao, tôi đã đảo mắt nhiều lần, khoản nhìn an toàn thật  đảm bảo, thế mà khi lồn nhồm đứng lên, tôi đụng ngay đôi mắt ông De Gaulle. Chuyện gì sẽ xảy ra chắc các bạn đã biết. Nhưng tôi bảo đảm tất cả các bạn sẽ lầm vì cái kết luận kỳ diệu sau cùng. 
Khi đã theo thầy Duận vào văn phòng, tôi cầm chắc những giờ bị phạt trong tay. Thầy Duận kéo ghế ngồi, thầy Duận hớp một ngụm nước. Thầy Duận ngó lơ đãng ra sân, Và thầy Duận nhỏ nhẹ :
- Thôi, về lớp đi , trò liệu đó, nếu còn lần sau...

3, Những Ðêm Quốc Khánh 26 Tháng 10

Thời đệ nhất cọng hòa, lễ quốc khánh của Việt Nam được cử hành trong ngày 26 tháng 10 mỗi năm. Vào trước những ngày này ít hôm , không khí trong trường tưng bừng hẳn lên. Bich báo, thể thao, thể dục xem ra co cơ hội khoe khoang một cách có lý do. Tôi, một học sinh nằm ngoài những bộ môn ngon lành trên, ngoại trừ tham gia trong việc vác lồng đèn đi diễn hành. Việc làm lồng đèn vào lúc bấy giờ cũng được chấm điểm, thi đua hẳn hoi. Nếu lồng đèn của các bạn tôi, luôn luôn thay đổi từng năm bằng nhiều 
hình dạng : ngôi sao 5 cạnh, tám cạnh... lồng đèn con cá, con bồ câu ... thậm chí có thằng chơi luôn cả hình dạng con trâu "cần lao nhân vị" thì tôi luôn luôn giữ vững cái "bánh ú" đơn giản của tôi ở mỗi mùa diễn hành. Dĩ nhiên chẳng năm nào có ai vượt xuống thấp hơn số điểm tôi thu hoạch được trong cái vụ thi đua này. Ấy vậy mà có một lần tôi vô cùng sung sướng một cách chân thành.
Lần đó khi đang trong hàng diễn hành ngang qua đường Ðồng Khánh. Người xem hai bên đường khá đông. Những đợt vỗ tay dồn dập khi lớp chúng tôi đi qua. Cao hứng tôi vung tít tròn cái lồng đèn bánh ú trong tay. Có lẽ nhờ ở hình dáng nhỏ bé và tôi quay thật đều tay, nên cái lồng đèn xoay tròn thành những vòng khá đẹp mà không bị ngọn lửa bắt cháy, cũng không tắt. Những tiếng hoan hô, không hẳn dành cho tôi, nhưng tôi như được cổ động và trong lòng dâng lên một niềm vui kỳ lạ. Lần đó là lần đích thực tôi tham dự hết lòng một cuộc rước đèn quốc khánh...


Bạn hiền ơi, kỷ niệm hình như vốn vô dạng, vô hương, tôi vừa nhặt ra khỏi lòng tôi được chừng đó, bạn cầm đỡ đi, để mà nhớ nhau. Tôi tin bạn sẽ thấy được nhiều hơn nữa, qua những cụm chữ, tôi đã cố gắng lắm mới viết lại được. Tôi không nói là tôi nhớ. Tôi không chắc rằng tôi thương. Nhưng từ lòng bạn, tôi tin bạn sẽ đọc thấy  được tất cả, trường chúng ta, phố chúng ta, ngày tháng, và cả chúng ta nữa, ở đó, vẫn
bên nhau ...

T-Châu-Văn
(viết không đọc lại)