Trên giòng oan khổ quê hương
Phan Nhật Nam


Người đã sống đời dài theo giòng sông. Người hiểu ra nghĩa thương tâm trên mặt nước. Người nghe sóng vỗ về đêm khua. Người thăm thẳm thấm đau như bóng tối sẫm màu đe doạ hăng hắc mùi thuốc súng chưa kịp loãng tan trên khói sóng.  Sông nuôi sống người- nước hằng cuốn giữ, luân lưu bao ngọn nguồn ác độc.  
Không ai tắm hai lần trong giòng sông - nỗi khổ của người cũng hiện mới như nước luôn chuyễn dịch.  
Cuối cùng, 
Không có lần chết nào giống lần chết nào.  Và không ai được sai hẹn với cái Chết sẵn chờ chực đâu đây. 

MỘT - 1946, NỖI SỢ GIỮA BÓNG TỐI

Ðứa bé lắng nghe tiếng nước róc rách dọc theo mạn thuyền đang vút nhanh giữa vũng bóng tối. Nước như có ánh sáng loang loáng quấy lên theo nhịp chèo hoà cùng hơi thở hừøng hực của hai người nơi đầu và cuối con thuyền. Thuyền bỗng chậm lại. Những thân người ngồi sát lục đục đụng vào nhau. Tiếng nhỏ 
xì xào... Chi rứa...cái chi rứa? Không biết, chắc là lá. Một người đằng mũi trả lời. Ðể tôi đẩy nó ra. Mái chèo chạm lùng bùng vào một thứ bao bị căng phồng nặng chĩu.  Không phải một mà cả chùm, bà con nì..Người đàn bà lái thuyền rền rĩ oán than. ... Tội chưa, đàn ông hay đàn bà...Ðàn ông hay đàn bà? Làm 
răng biết được, trời đen thui như ri
... Cùng những người đang ngồi trong khoang thuyền, bà nội xuýt xoa, đồng thời ôm đứa bé chặt hơn như muốn che cháu trước một tai họa vô hình... Cái chi hả mệ, mệ nói cái chi ?  Bé hỏi nhỏ bởi cũng cảm thấy sợ hãi về một điều đe doạ đang rình chờ. Ðừng hỏi, ôm mệ lại, mạ thằng Rô mô rồi? Giọng đàn bà trẻ tuổi... Con đây mệ. Bà nội thầm thì như đang ghìm van khóc.  Mi ngồi gần tau với em, có chi thì cũng có nhau. Dẫu thân hình người mẹ đã dính sát gần hơn, nhưng đứa bé vẫn còn trong cơn sợ, hàm răng đánh vào nhau gây âm động lạ... Mạ ơi... mệ ơi, con sợ... Bé không nói được hết câu. Từ sâu trong bụng có nỗi lạnh lẽo làm nó run khan. Hai người lớn xì xào... Ðừng khóc, đừng khóc. Con không được khóc. Bé im bặt bởi hiểu ra điều kinh sợ đang có thật. Sợ!! Bé biết được "cái gọi là sợ đó" với cảm giác nặng nặng đang trũng xuống giữa ngực.
- Ai!! Ðứng lại... đò ở mô về? Tiếng hét xé bóng tối, đâu từ mé bờ vang ra sông.
Thuyền chững lại. Những tiếng âu lo xoắn xuýt, hỏi dò. Ðứng lại không, có vô cho họ xét không? Người đàn bà đầu mũi thuyền vùng la lớn...Ðò từ dưới làng Chuồn về, toàn đàn bà con nít thôi mấy ôn ơi!! Giọng chị the thé than van.
-Ðàn bà, con nít chi không biết, không vô là chết cả lũ bây chừ!
Mái chèo hình như chuyển động chậm lại, kín đáo, nhẹ nhàng hơn để tránh gây tiếng động. Từ bờ, tiếng hét thêm khắc nghiệt... Ðứng lại, chèo vô, không được cãi. Tao hô thêm lần nữa đừng trách tao ác!!
- Răng, răng đây... Bà con muốn răng? Những tiếng người xôn xao dò dẫm... Hay mình vô cho người ta khám đi, mình không có chi mà phải sợ. Không được, tui đã chèo tới đây thì có chi mình cũng phải về thấu nhà. Người đầu lái quyết định. Mái chèo đập xuống mặt nước mạnh và rõ.
Ðạn rít đi từng đường nghe và thấy những vạch đỏ giữa vũng bóng tối. Những lằn đỏ vun vút, tắt...cù... chiu chít. Chiếc thuyền đột nhiên quay vòng, từ đầu lái vang tiếng kêu cứu. Tui bị rồi bà con ơi!! Một thân hình rớt xuống nước. Im lặng trở lại cùng bóng tối. Chết rồi, o Nuôi bị rồi... Ai giữ giùm cho tui cái lái. Ai biết chèo, chèo cho một tay, để tui coi o rớt ở mô.
- Ðược rồi, được rồi, để tui. Người mẹ dứt tay đứa bé đứng lên. Bé không đủ sức níu lại.  Sợ hãi đã làm nó tê liệt. Cũng không còn hơi để bật nên tiếng khóc. 

...Ðám lá...Vật cản trôi bồng bềnh trên nước. Giòng sông đen. Bóng tối. Lằn đạn đỏ và người kêu cứu. Ðứa bé nhận ra cảm ứng đầu tiên về đời sống - SỢ - Ðiều xa xót thăm thẳm đè xuống trũng ngực gây nên cảm giác đau đau. Nó biết sẽ sống cùng nỗi sợ - sống như là sợ hãi của đêm đen trên giòng sông chảy 
chậm những thây người. 




HAI-1989, ÐỨA BÉ CHẾT ÐÊM GIÁNG SINH

Anh lặng thấm xuống theo ánh nắng thoi thóp tàn dần gây gây lạnh Miền Nam dịp cuối năm. Xóm Ðạo, xứ Phước Hải, vắng hoe không ánh nến, không lồng đèn, cờ Giáo Hội đơn lẽ dưới tàng cây, cất dấu, chịu đựng. Những khoảng đường đất cát vòng vèo không bóng người, khu Xóm Ðạo nặng chìm u uất như đang Ðêm Thánh Nạn chứ không phải lần Giáng Lâm hân hoan. Toán chuẫn bị vượt biên ngồi kín trong căn nhà tranh cuối xóm; người nhìn nhau nín thở, nói thầm. Không ai biết số phận mình nơi giờ sau, phút sắp tới.  Trời sập tối nhanh, ánh sáng leo lét ngoài sân không soi rõ mặt, ngọn đèn dầu chùm chụp đặt dưới đất, dọi lên mâm cơm. Chiếc rá tre lỗng chổng mấy chén đất, đũa tre, nồi cơm đen, chén nước mắm dầm quả trứng và rỗ rau lang. Quả trứng trơ trọi rờn rợn như trứng gối đầu bàn thờ người chết. Bữa cơm có dáng vẻ, không khí của lần ăn chạy giặc, những ngày trước 1954 ở vùng Nam-Ngãi, QuảngTrị, Thừa-Thiên. 
Chính xác hơn, cảnh tượng sau 1975, cơm ăn cầu no trước lần xuống đồàng, vào rừng theo lệnh của tổ, đội sản xuất. Ăn ở sân thóc hợp tác xã, vừa ăn vừa nghe "trực ban" phân công. Sau mười lăm năm "giải phóng", Miền Nam được học tập "sinh hoạt văn minh tiên tiến xã hội chủ nghĩa-Sản phẩm ròngtừ Miền 
Bắc
". Phước Hải, Bà Riạ, xứ Ðạo trù phú của tỉnh giàu có hàng đầu Miền Nam, nơi có những triệu phú làm muối, nghề rừng, đi biển. Năm 1966, đơn vị anh, tiểu đoàn 9 Dù thực tập hành quân ở đây, đêm ấy xóm Ðạo bừng bừng Ðức Tin và ánh đèn néon từ máy điện chạy xăng của mỗi nhà. Cũng ở đây, 1965, dân đã đi báo cho tiểu khu biết về điều độäng của trung đoàn Việt cộng bôn tập từ mật khu hắc Dịch Hắc xuống. Tiểu đoàn 52 Biệt Ðộng đã lập nên kỳ tích - Một tiểu đoàn đánh bại một trung đoàn ở vị trí phục kích. Hai mươi bốn năm sau, đòn giáng trả hận thù còn nguyên độ sắc. Ðêm Thiên Chúa xuống trần, xóm Ðạo tắt lửa mù căm. Chuông gọi lễ buồn hiu khắc khoải.

Bữa cơm được dẹp đi mau chóng, không ai cạn lưng chén kể cả bé gái khoảng bảy, tám tuổi ngồi cạnh người cậu, anh thanh niên chưa đầy hai mươi. Bé nhìn mọi người với mắt ráo hoảnh, hai lúm đồng tiền nổi cao trên gò má giật giật. Bé dấu cơn kích động dưới nét mặt săng cứng tỉnh lạnh.

Giờ Chúa giáng sinh cũøng là lúc xuất phát. Anh mở chiếc xắc tay, rút bao thuốc lá mua buổi trưa nay, lúc lên xe từ Sàigòn. Anh hút lại điếu thuốc đã bỏ từ rất lâu. Tay anh chạm cuốn Kinh Thánh, sức lực cứu nạn đã đưa anh qua được mười bốn năm tù, phần lớn nơi hầm tối...Chẳng lẽ lại bị thêm một lần 
nữa, Chúa tôi ơi?!

Ðoàn người chia làm hai toán. Anh đi theo hai cậu cháu người trẻ tuổi, hai đơn vị vô hại, đơn giản nhất trong đám vượt biên... Năm "bảy-lăm" chắc anh ta khoảng ba, bốn tuổi, bằng thằng út của mình.  Ðứa nhỏ cỡ Ty, My, như thế năm ấy chưa sinh được?!! Anh nghĩ lãng đãng khi đi theo hai chiếc bóng loáng thoáng. Thương thân thì ít, tội nghiệp nhiều hơn cho con trẻ... Con mình cũng có những đêm tối như thế nầy. Những đứa nhỏ miền Nam mất cha mẹ, bị lạc lõng, vất bỏ giữa rừng, trên biển lớn. Anh không nghĩ nhiều hơn. Quả thật, anh không có lòng cứng cỏi để tính thêm về những điều nguy khốn. Anh thật sự yếu ớt, đau đau, bất lực. Những đêm xưa, buổi tuổi trẻ, anh có cây súng và những người lính chung quanh. Bóng tối gây bất lợi hoặc che chở cho cả hai bên lâm chiến. Ðêm nay chỉ một mình anh.  Ðứa bé kia còn khốn đốn hơn. Không mẹ cha và vây bũa vũng đen. Anh đã sống cùng những đứa bé như thế nầy đêm di tản Pleiku, 15 tháng Ba, 1975. Anh đã thấy những đứa bé thất thần, nháo nhác, không hơi sức khóc giữa đường đèo Củng Sơn Tuy Hoà; dưới chân Hải Vân, trên cầu sắt Nam Ô, bên nầy địa giới Quảng Nam-Ðà Nẵng. Người lớn nhận khổ đau dù sao cũng có phần chọn lựa và quyết định... Con trẻ... Tại sao... Từ đâu hở trời?! Trước ngày về Hà Nội cướp chính quyền, ông Hồ họp Quốc Dân Ðại Hội ở làng Tân Trào, tháng Tám, 1945. Trụ sở họp dưới cây đa. Giữa giờ nghỉ, ông bế lên một em nhỏ và nói với các đại biểu:"Ðời tôi chỉ có một ham muốn. Ham muốn tột bậc, là mong cho các cháu thiếu nhi như 
cháu bé nầy được ăn no, mặc ấm, ai ai cũng được học hành
". Tất cả đại biểu đều cảm động. Có người phát khóc. Anh coi như ông ta đã "nói thật". Nhưng đồng thời có "một sự thật khác - Sáu thế hệ trẻ nhỏ Việt Nam, không thể tính số lượng tổng quát, đã chịu những hoàn cảnh vô cùng khốc liệt, đau đớn cực 
độ, tai biến gớm ghê, những cái chết năm lần bảy lượt không toàn thây, kể từ khi ông ta cùng những người thừa kế nhất định thực hiện lời nói "chí nhân" kia bằng lối bạo lực - Bạo lực cách mạng!!
". Nửa thế kỷ sau, hôm nay, lời nói ấy cũng vẫn chỉ là một "giả thiết" càng ngày càng tồi tệ, không hề có khả năng thực hiện - "Sự nghiệp" kia vẫn "đang tiếp tục" do những người cầm quyền tại Hà Nội- Có tiếp sức tích cực, bền bĩ, hiệu quả của một giai cấp mới - Trí thức xã hội chủ nghĩa. Lẽ tất nhiên trong đám nầy, những người làm "công tác giáo dục, văn hoá văn nghệ" đóng vai trò giềng mối - Những thi sĩ, nhà văn, nghệ sĩ - Người xử dụng chữ nghĩa, nghệ thuật, với mục đích chính trị qua nại cớ tương lai, sự thật, tính thiện. Từ sự việc kia, có một điều rất dễ nhận ra nhưng không ai nói lên, viết đến: "Chính người cộng sản đã phá vỡ đời sống giản dị bình an của trẻ thơ, vất bỏ khả năng thực hiện nhân đạo ngay tại trái tim ung thối bởi tham lam quyền lực, bạo lực chính trị của họ". Anh cũng là một trong sáu thế hệ trẻ nhỏ cùng khốn nầy. Anh và con trẻ hôm nay cùng chịu một lần. Chỉ khác, kẻ sinh trước chịu lần đau trước, lâu hơn. Thế thôi. 

Ðêm tối khuya, sao sáng bằng bặt, đất căm lạnh và lòng người trắng nhợt. Sau đoạn đường dài nguy khốn, sống-chết từ 1975, đêm nay, anh được "tự do" chọn lựa tình cảnh nầy. Quà tặng Ðêm Giáng Sinh giành riêng cho anh - Lạy Chúa xin cho rõ ý, giúp sức mạnh và bền vững Ðức Tin. Ðứa bé trước mặt bước thoăn thoắt, anh vô tình có so sánh:"... Năm xưa, mình chạy bộ từ Ninh Hoà về Dục Mỹ, mười bốn cây số với súng cầm tay không quá một giờ; đi tù những năm đầu tiên, bè hơn hai trăm cây nứa hộ cho hai ông bạn già Võ, Lê lội sông Hồng mùa nước lũ bền như con cá kình. Thế mà bây giờ theo đứa cháu nhỏ không kịp... Mình già đến thế sao? Tuổi nầy bị tù nữa là khốn nạn!!". Anh chuyển bước đi gần như chạy khi qua Quốc Lộ 15, bất chợt liếc qua phía trái, hướng Bà Rịa... Bà Rịa, Suối Nghệ, Bình Giả... Sao đời anh cứ dính líu một cách khắc nghiệt với nơi chốn nầy. Từ đây anh đã ra đi, buổi sáng Thứ Hai, Hai mươi hai tháng Sáu, mười lăm năm trước.

Ðường đi dần khó khăn, đoạn bằng phẵng đất cát đã thay thế bởi vùng đất phèn vừa được khai hoá, những ổ ruộng sụp lút chân trâu, bóng đứa bé ẩn hiện sùi sụp. Ðám người đến một bờ kinh. Ðêm qua  sáng, sao Hiệp Sĩ chống gươm đứng giữa trời canh giữ. Trời nguyên vẹn hằng có, dáng sao uy nghi, chỉ con người mong manh đi mãi tìm nơi ngủ đỗ, lại đang ở buổi cuối đời. Ngày xưa, những đêm sao mùa Ðông, kỳ trại Hướng Ðạo trên dãy đồi hoa dũ dẽ vùng Phong Lệ, Miếu Bông, Quảng Nam-Ðà Nẵng, đoàn thiếu niên nhìn dáng sao liên tưởng niềm cao cả tự tầng trời và mong được lần hiện thực điều ước 
mơ kia nơi trần thế. Và dẫu giữa chiến trận rạn rày, đêm cuối năm 1964, nơi đồn điền Ông Thịnh, bên sông Thị Tính, Bình Dương, giữa hai đợt đạn pháo kích, anh nhìn lên sắc sao xanh lòng vẫn cảm khích bởi mối thân thuộc giữa người và những chấm ánh sáng vô cùng trên cao. Anh cũng đã cùng ánh sao dài 
cơn ngục tù không đứt đoạn với từng đêm trên đồi trại Thanh Cẩm, mặt dán vào khung song sắt, lắng nghe Sông Mã trầm trầm âm sóng nơi xa... Nhìn lên cao, khoảng rộng hai gang tay mở ra cho anh chốn nghìn trùng ngờm ngợp để luôn có cảm xúc... Tự nơi thăm thẳm kia có lời kêu gọi, an ủi, giữ gìn. Bền 
lòng chung thuỷ như trăng. Ðêm nay, sao có canh giữ bình an cho ngườ
i? Ðám vượt biên dần tập trung chờ ghe đến "tắc-xi" ra cá lớn. Ðứa bé đã bám chắc vào lưng người cậu, buộc chặt bởi đoạn vải lớn rộng. Ghe đuôi tôm đến. Những tiếng thở dồn nén gầm ghìm. Bóng người lúp xúp, chen chúc bước xuống 
dòng tối sẫm loáng chấm sao. Anh nói nhỏ với người thanh niên...Em đưa chiếc túi anh đeo hộ, rảnh tay giữ cháu. Ðồng thời bước sát gần lại, che đứa bé từ sau lưng. Cả ba đồng lần ngâm mình vào nước. Gió lạnh se sắc rờn rợn.

Ðường đạn vạch đỏ chói từ đầu sông, đồng hướng chiếc ghe đang tiến tới. Tiếng nổ vương vải vũng tối.  Anh khua tay trước mặt... Khối lưng người thanh niên cõng đứa bé không còn. Những vệt đèn pin ngang dọc loang loáng săn đuổi. Âm động thân người rơi rớt, lụp chụp... Mi...mi, con đâu...Người thanh niên cuống quýt, vùng vẫy, giọng tắt nghẹn bởi ngộp nước. Hình như anh ta cố ngoi lên...Mi...mi...Ðứa bé đáp tỉnh... Con trên nầy. Anh ta kêu lên đâu đó... không được, Mi nhảy xuống, con...Tiếng cứng cỏi, tự tin... Không! Tất cả lặng thinh. Súng vang sắc nhọn và lời hô... Xung phong...xung phong...!! Ghe nổ máy lớn, xô đẩy sóng, vút đi xuyên vào bóng tối. Thân người rơi rụng xôn xao, lẫn lộn âm trẻ con cơn cơn kinh khiếp hấp hối...Cậu...cậu...cậu ơi!!. Anh cho tay xuống chân rút đôi giày ba-ta, theo chiều nước chảy, lội xuôi về phía Nam. Khi ra đến xóm Ðạo Chu Hải, nhìn lên trời, sao Hiệp Sĩ đã xuống sâu về phiá Tây. Anh chỉ nghĩ được loáng thoáng... Gần sáng rồi, may quá không bị bắt... Quả thật anh như người kiệt sức.

Hai ngày sau, Báo Sài Gòn Giải Phóng có bản tin ngắn: "Bọn phản động xã Phứớc Hải, huyện Bà Rịa, tỉnh Ðồng Nai ngụy trang dịp lễ tôn giáo để tổ chức đưa người ra nước ngoài.  Bọn "phản bội tổ quốc" đã bị trừng trị đích đáng".

Những đứa bé của câu chuyện vừa kể bị vất ra khỏi mục tiêu "một trăm năm trồng người của đảng cộng sản". Càng thảm thiết hơn với tình cảnh của những đứa bé ở trại tỵ nạn Hồng Kông chỉ thấy được mặt trăng lần đầu trong đời, đêm "cưỡng bức hồi hương về một chốn gọi là việt nam". Nơi em chưa hề biết.



BA - 1993, CHẶNG CUỐI CỦA GIÒNG ÐAU

Anh đứng giữa bóng tối phủ dầy, đêm Giao Thừa trên cầu sắt Lái Thiêu cuối đường Bình Dương, Gia Ðịnh. Phiá Bình Dương, sông dâng mù lớp lớp, ánh lửa đỏ từ những lò gốm hai bờ leo lét, chìm chìm, thắt thỏm hờn oan. Nhìn về hướng Bình Triệu nơi khúc quanh, sông lặng lờ thăm thẳm, thành phố nơi xa 
hắt ánh sáng điêu tàn như lần mất tên cùng đành tức tưởi. Anh lại nhìn xuống giòng sông đen như muốn tìm ra từ chốn luân lưu thay đổi kia điều xưa cũ thiết thân giữa đêm khua gờn gợn mối đơn lẽ xót xa nầy...Quả tình chỉ có MỐI ÐAU hằng hiện mới như sóng nước đã sống với anh từ một thuở vô cùng...

Khi thấm khổ người về cùng giòng sông
Nơi biền biệt tiếp vĩnh hằng mong đợi
Rồi phiền muộn trôi theo triều sóng dậy
Nước vô hồi âm động tiếng hư không 

Vô tình, bất ngờ, anh nghĩ về một điều xưa cũ... Anh luôn có cảm giác, cảm ứng rất thật - anh vẫn là một đứa nhỏ - đứa nhỏ sống-cùng-với-mẹ cho dẫu đã ba mươi, bốn mươi năm, hoặc lâu hơn...Dẫu rằng mẹ đã không còn. Nhưng quả thật... Tường Như Mẹ vẫn còn đây. Mẹ luôn ở với con. Ý nghĩ bỗng nhiên 
thúc dục anh bồi hồi thiết tha về ý nguyện đã tàn lụi hơn ba mươi năm... Phải trở về. Phải trở về... Về Ðà Nẵng. Về với sông... 

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG 
Ở LÁI THIÊU,
VỚI LÊ VĨNH THỌ
Giao Thừa 1993-1994