Trường  Phan Châu Trinh,
và bước đầu bậc trung học tôi
Vô Tình

 

Vô Tình, tên thật Võ Tình
sinh tại Ðà Nẵng
cựu học sinh PCT, Quốc Học, Huế
tốt nghiệp khóa 17 Võ Bị Ðà Lạt
hiện cư ngụ tại  Houston USA
liên lạc: (218)876.1439
email:  tinhvo2000@yahoo.com

       

        Sau năm 1950, tấm biển École Franco-Vietnamiene de Tourane được thay thế tấm biển mới, với chữ Việt Nam là Trường Nam Tiểu học. Niên khóa năm 1952-1953, học sinh tại lớp Nhứt tại thành phố Đànẵng,theo tôi dự đoán, ít nhất có đến từ 4 đến 6 lớp, mỗi lớp trung bình gồm 50 học sinh  Như vậy tỷ số học sinh lớp Nhứt, bậc Tiểu Học lúc đó có khoảng 300 học sinh. Tỷ số đậu bằng Tiểu Học xong, tôi đoán ít nhất cũng có khoảng hơn 200 học sinh. Tôi là một trong 200 học sinh đó, để dự thi vào một lớp duy nhất năm đầu tiên - gọi là lớp Đệ thất - (chỉ chọn 60 học sinh) của Trường Phan Châu Trinh Đànẵng lúc bấy giờ.

       Lớp Đệ Thất nầy nằm ké trong khu Trường Nam Tiểu Học Đànẵng, ở dãy lớp phía bên phải của nhà trường. Qua niên khóa 1953-1954, Trường Phan Châu Trinh tuyển thêm một lớp Đệ Thất mới, còn lớp Đệ Thất năm ngoái, niên khóa nầy lên Đệ Lục. Như vậy, Trường Phan Châu Trinh chỉ có 2 lớp (một Đệ Thất và một Đệ Lục), và hai lớp nầy, vẫn còn nằm tạm trong Trường Nam Tiểu Học đà. Nẵng. Tôi còn nhớ, hai lớp nầy nằm sát vách nhà Đèn của thành phố Đà Nẵng .Tiếng máy nhà Đèn chạy ồn ào, đã gây bực mình cho các giáo sư giảng dạy lúc bấy giờ cũng không ít. Các giáo sư tôi còn nhớ như thầy Nguyễn Hữu Thứ Trần Ngọc Quế, thầy Tri, thầy Lê Trọng Nguyễn, cô Giáng Châu, cô Liệu cô Hường..vv.. 

   Qua niên khóa 1954-1955, Trường Trung Học Phan Châu Trinh mới dời qua địa điểm mới, được xây trên khu đất trống, mở thêm nhiều lớp hơn... nằm đối diện với bệnh viện, sau trở thành Trường Nam Tiểu Học, nằm trên đường Phan Châu Trinh.  Cũng dọc theo con đường nầy, chạy dài xuống phía dưới là các  trường lớn như Trường T.H Bán Công, Trường T.H Phan Thanh Giản.  Và, trong thời gian nầy, tại Đànẵng, các trường Trung Học khác cũng mọc lên theo nhu cầu học vấn của học sinh, như các trường Tây Hồ, Sao Mai..vv...

       Trường T.H Phan Châu Trinh, cũng vì nhu cầu học vấn nầy, nên mỗi năm đều phải mở tăng thêm lớp học, cải tiến phòng ốc, và bổ nhiệm thêm các giáo sư cần thiết khác.

        Hồi đó, theo tôi nghĩù, hễ cô cậu nào mà trúng tuyển vào Trường T.H Phan Châu Trinh, hoặc từ các Trường Công khác chuyển đến, có nghĩa được học trường nầy...là điều hãnh diện.  

       Sau năm Đệ Tứ, niên khóa 1955-1956 các cô cậu học sinh Trường Phan Châu Trinh Đànẵng, phải vô tận Hội An để thi bằng Trung Học. Thi Trung Học thời bấy giờ, mỗi năm được tổ chức làm 2 kỳ, cách nhau vài tháng, ở cuối mỗi niên khoá. Kết quả lần đầu tiên, thí sinh của Đànẵng rớt hơi nhiều, trong có tôi.

       Sau kết quả kỳ nhì, các cô cậu đậu Trung Học - nếu gia đình có khả năng cho tiếp tục học thêm - thì phải vào Saigon hoặc ra Huế để học  tiếp các lớp Đệ Tam, rồi lên Đệ Nhị và Đệ Nhất, vì lúc bấy giờ, Đànẵng chưa có các lớp nầy. Trong đám ‘du học’ này, may mắn có tôi.

       Và như thế, tôi đã khăn gói ra Huế vào trường Quốc Học để học lớp đệ tam . 

       Trong cuộc đời cắp sách đến trường, cũng như rất nhiều người khác, tôi  học tập dưới nhiều mái trường với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng có lẽ trường trung học Phan Châu Trinh đà Nẵng đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn kỷ niệm nhất. Ngoài chặng đầu của bậc trung học, với trường Phan châu Trinh tôi còn mở lòng ra để ghi vào thế giới bè bạn của mình những khuôn mặt, những vóc dáng mà thời gian khó phai nhòa. Những Trương duy Hy, Lê văn Cử, Trần thượng Thiện, Vương văn Mau, Nguyễn văn Tú, Nguyễn Ngọc Bang, Nguyễn hữu Xếp, Lý thị Hạnh, Trần thị Ngọc Trai, Nguyễn thị Trai, Nguyễn thị Lệ Tuyết...vv...dù bây giờ có lạc về đâu trong cõi sống, nhưng tôi thỉnh thoảng vẫn mường tượng gặp, và lòng mình chợt xanh lại những kỷ niệm cũ . 

       Trong suốt thời gian họïc tại T.H Phan Châu Trinh Đànẵng, tôi còn có một hãnh diện khác. đó là : tôi , một cầu thủ  đội bóng tròn  của nhà trường.

       Đội bóng tròn trường Châu Trinh Đànẵng đã gây được nhiều tiếng vang với chiến thắng nhiều lần. Chỉ có một lần thua đội bóng đá Quốc Học tại Huế. Lúc đó, tôi đá cả hai chân .Thường, thì tôi đứng trung đạo. Nếu thiếu góc trái thì tôi đứng bên trái nếu cần.

       Những đồng đội  khó quên nhất :

       - Trần thượng Thiện, chuyên môn tết (dùng đầu đánh gạt banh vào goal, đôi khi ăn gian, dùng tay kê sát đầu, rồi hất banh vào goal). Bây giờ Thiện trở thành Mục sư.

       - Lê văn Cử đã chết trong tù Cải Tạo. 

       - Và có vài  bạn  đã đi theo phía bên kia trong cuộc chiến .

       Ôi Vietnam War  đã chia bạn bè cùng trường với nhau, thành hai phía, đánh nhau. Thằng nào thắng và thằng nào thua đây ?

       Tôi nghĩ : - cả hai  đều thua cả. 

Vô Tình