Triều Hoa Ðại |
Phạm Thị Tiến |
Triều Hoa Ðại tên thật Ðỗ Xuân Nho người Nam Ðịnh di cư vào
sống ở Ðà Nẵng khi còn nhỏ. Tại thành phố này, ông theo học
trường Phan Châu Trinh từ lớp đệ thất đến hết năm đệ nhất,
sau đó ông theo gia đình vào sống ở Sài gòn.
Trong
thời gian sống tại Ðà Nẵng, Triều Hoa Ðại đã bắt đầu làm
thơ gởi đăng trên các tuần báo, nguyệt san của thủ đô miền
Nam. Sau khi vào Sài gòn, ông nghiêng về viết nhật báo nhiều hơn,
và từng là ủy viên kiểm soát Nghiệp Ðoàn Kỳ Gỉa Việt Nam,
trong thời kỳ này, ngoài bút hiệu Triều Hoa Ðại, ông còn ký :
Thợ Húc, Lão Nho, Phạm Ðỗ.
Năm
1997, một tập san văn học nghệ thuật tại Hoa kỳ, tờ Sóng Văn
có tổ chức phỏng vấn liên tục trong mấy kỳ những người bạn
đời của một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ...Việt Nam, Bà
Triều Hoa Ðại có mặt trong những người chịu khó này. Ðể tìm
hiểu thêm về nhà thơ Triều Hoa Ðại, chúng tôi xin trích đăng
dưới đây những câu trả lời của phu nhân nhà thơ dành cho tạp
chí Sóng Văn. Tưởng cũng nên biết, Bà Triều Hoa Ðại tên thật
là Phạm Thị Tiến là giáo viên thâm niên của trường Nam Tiểu học
Ðà Nẵng trước đây. Và gia đình ông bà hiện cư ngụ tại
Middleburg Florida, USA.
Triều Hoa Ðại
Qua bà Phạm Thị Tiến
1 - Trong cơ duyên nào bà đã đến với người bạn đời của mình ? Và trong chiều dài thăng trầm của cuộc sống, bà có thể giới thiệu một kỷ niệm buồn hoặc vui ?
- Tôi nghĩ, có lẽ trên cõi đời này những cặp vợ chồng ăn ở với nhau cho đến mãn chiều xế bóng không gì hơn là bởi tình yêu. Vâng, chúng tôi đã đến với nhau cũng bởi cái tình yêu ấy. Mấy mươi năm ăn ở với nhau đã giúp chúng tôi "sáng tác" được ba tác phẩm để đời mà chúng tôi yêu quý là : Ðỗ Phạm Tra, Ðỗ Phạm Ivan, và sau cùng là cháu Ðỗ Nila. Còn đến với nhà tôi như thế nào thì đó là một chuyện đường dài cũng giống như chuyện dài "Nhân Dân Tự Vệ" chắc không tiện viết vào đây sợ làm phiền người đọc. Những vui buồn của đời sống vợ chồng thì thiếu gì, nhưng xin thưa quý vị đấy là chuyện riêng tư viết lên giấy trắng mực đen cảm thấy nó làm sao ấy. Thôi thì đành thôi vậy !
2 - Nhiều người thường quan niệm rằng các ông bà tác giả, dù sinh hoạt ở bộ môn nghệ thuật nào, cũng thường có tính lơ là đối với công việc gia đình. Theo bà, nhận xét này đúng bao nhiêu phần trăm ? Và riêng ông nhà thì sao ?
- Ðọc thơ văn người xưa thấy người đàn bà "Quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ đàn con với một chồng" rồi mới đây thôi đọc hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy tôi thấy mà cảm phục những tấm lòng của người phụ nữ VN. Còn riêng với nhà tôi ư ? chuyện này mưa nắng bất thường, chẳng hạn khi "người" đang chăm chú viết một cái gì thì đố mà "bẫy" được ra khỏi cái ghế, trời có long, đất có lở thì cũng thế thôi. nhưng, những lúc khác thì chuyện gì cũng xong, từ chuyện trả bài trả vở cũng rất ư là đều đặn, ( lắm khi cung nhiều hơn cầu ) là đằng khác, cho đến chuyện rửa chén, quét nhà ông ấy đều làm "good job". Nhà tôi vẫn thường đùa rằng :" Ðàn ông rửa chén quét nhà, vợ gọi thì dạ bẩm bà con đây." Ðược người chồng dễ "dạy" như vậy cho nên tôi chẳng có chi phải phàn nàn cả. còn chuyện bếp núc nhiều lúc "thi sĩ" cũng có phụ vào, nhưng những gì mà nhà tôi đã "lỡ" nhúng tay thì không ai trong gia đình dám đụng đũa vì rằng là : Không mặn thì cũng đắng, không nhão thì cũng khê.
3- Ngoài bộ môn sở trường, ông nhà còn thích sinh hoạt, giải trí với những bộ môn nào khác ?
- Những năm đầu khi mới tới thành phố mà chúng tôi hiện đang ở, nhà tôi cũng thường tham gia vào những công việc của cộng đồng, chẳng hạn như giúp tổ chức văn nghệ cuối năm, vân động thành lập hội đoàn để tương trợ lẫn nhau v..v. Nhưng rồi càng về sau nhà tôi càng bận rộn chuyện gia đình, những "tiên đồng, ngọc nữ" cứ thay nhau "giáng trần" thành ra nhà tôi không còn thì giờ nào nữa ngoài công việc chạy gạo nuôi con, thảng hoặc, đôi lúc rỗi rảnh nhà tôi thích chơi quần vợt với các cháu, thích xem fơtball và bóng rổ hoặc ngồi nghe các cháu chơi dương cầm.
4 - Xin cho biết một ít thói quen của ông nhà trong lúc sáng tác ?
- Hoàn toàn im lặng do đó nhà tôi thường "trù trì" ở các thư viện, tôi có cảm tưởng ông ấy đã "spent more time" ở đấy hơn là ở nhà, hoặc sau giờ làm việc thường ở lại sở, chuyện trò với cái máy Computer và " hành hạ một ngón tay" cho mãi tối mịt mới về.
- Bà đã từng có những đóng góp vào việc sáng tác của ông nhà ?
- Có chứ, tôi nghĩ đã làm vợ của mấy ông viết lách, vẽ vời không ít thì nhiều ai cũng đóng góp vào "sự nghiệp" của chồng. Riêng tôi thì làm cái công việc khiêm tốn là ngồi sửa lại bản thảo cho chồng. Nhiều lúc cũng muốn hụt hơi, vì ông ấy đánh máy sai be, sai bét, ( tôi nói nhỏ chuyện này xin đừng cho ông ấy biết ). Nhà tôi rất khác người ở chỗ "người" không "thèm" đánh máy bằng mười ngón tay như những người bình thường khác, mà "người" chỉ dùng độc nhất một ngón để mổ cò, nên tôi vẫn gọi đùa là "Nhà thơ nhất dương chỉ".
6 - Bà có những nhận xét tổng quát nào về toàn bộ tác phẩm của ông nhà đã được giói thiệu rộng rãi trong quần chúng?
- Chuyện viết lách của nhà tôi có khác nào như "con chuồn chuồn khi vui nó đậu, khi buồn nó bay" cũng giống như con chim lúc "ngứa cổ" thì hót vậy thôi chứ có chi là to lớn (chủ quan của tôi thôi). Chính vì vậy mà tôi chẳng dám lạm bàn, với lại, việc nhận xét là công việc của các nhà phê bình như Nguyễn Hưng Quốc, Trần Văn Tích, Thụy Khuê, Nguyễn Thị Chân Quỳnh v...v.. tôi không đủ tài năng và sự sâu sắc để làm công việc ấy.
- Xuyên qua việc phát hành, phổ biến các tác phẩm nghệ thuật của ông nhà, bà có những nhận định gì về tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay ở hải ngoại ?
- Mới đây thôi, hình như tôi có đọc được ở đâu đó một bản thống kê về việc in ấn, vẫn theo bản thống kê này thì : con số trên dưới một ngàn (1000) cuốn sách được in ra cho khắp năm châu bốn biển cùng đọc thì e rằng "nản" quá. Tôi tự hỏi : Người đọc bây giờ ngươi ở nơi mô ? Cứ tưởng tượng không bao lâu nữa lớp tuổi trung niên như chúng tôi rồi cũng theo luật đào thải mà đi, vậy thì ngày đó sách vở của chúng ta nó sẽ thảm hại đến bực nào ? Còn "nhận định về văn học nghệ thuật hiện nay ở hải ngoại" thì như quý vị cũng thấy đấy (qua các báo) tuần nào mà chẳng có năm ba vụ ra mắt sách, đấy là kể về lượng thôi còn phẩm thì cái đó cũng nên xét lại, chúng tôi vì bận rộn nên ít có dịp tiếp xúc với đám đông, nhưng một đôi khi vì là chỗ bạn bè vẫn phải chường mặt ra. Vì, không đến không được. Tôi nhớ, có một buổi ra mắt sách nọ vừa quan khách vừa ban tổ chức đếm được vào khoảng trên dưới một trăm người (100) nhưng khi giới thiệu thành phần tham dự hình như có vào khoảng vài ba chục nhà thơ, nhà văn, họa sĩ v..v.. tôi đâm ra hoảng, tự nghĩ : không biết quý ông bà thi, văn, họa sĩ ở đâu mà lòi ra đông quá vậy ?
8 - Cá nhân bà đã và đang sinh hoạt ở lãnh vực nào ? Những sinh hoạt của bà bây giờ có gây trở ngại hoặc hổ tương trong việc sáng tác của ông nhà ?
Ngoài việc tám tiếng ở sở làm rồi về nhà nấu nướng cho chồng, cho con tôi nghĩ là tôi chỉ có thể hổ trợ chứ cản trở thì chắc chắn là không rồi. Nếu quý vị không tin xin cứ hỏi đương sự thì biết.
9 - Nếu có thể xin bà cho biết tiểu sử của ông, những tác phẩm của ông ấy, và đôi giòng về cá nhân bà, đại khái như quê quán, hoài bảo.
- Về tiểu sử của nhà tôi thì tôi chỉ biết ông ấy sinh năm con ngựa, như mọi người bình thường khác thuở nhỏ đi học (cố đoạt lấy mảnh bằng), lớn lên đi làm việc, lập gia đình và cầy cuốc tối ngày để nuôi vợ, nuôi con. Thơ văn của nhà tôi thì hình như có vài ba cuốn gì đó, chẳng hạn như các cuốn : Buồn Lên Ðôi Vai (in chung với bạn hữu năm 62), Con Phố Ðiêu Tàn năm 65, Những Bài Âu Ca ( gồm thơ và nhạc viết chung với nhiều người năm 67 ) và, năm 92 nhà tôi cho xuất bản cuốn Dấu Huệ Hồng do nhà Sông Thu của anh chị Thái Tú Hạp ở California in. Về sách viết chung những lúc gần đây tôi thấy có các cuốn : Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam do nhà Ðại Nam ấn hành, Việt Nam Quê Hương Tôi, Thơ Văn Phật Giáo Hải Ngoại, Ðặc San Quảng Ðà v..v..
Về phần tôi thuộc loại "vô sản" nên nghĩ là không có gì để nói, nhưng SóngVăn đã "khảo" thì cũng đành phải khai : Tôi sinh quán tại làng Bích Ðào thuộc tỉnh Ninh Bình mãi tận ngoài Bắc nhưng trưởng thành thì lại ở miền Trung (tôi cùng với gia đình di cư vào Ðà Nẵng năm 1954). Thuở nhỏ học ở nơi đây, rồi sau đó sư phạm Huế ra trường hành nghề gõ đầu trẻ ngay tại "quê nhà" là Ðà Nẵng cho đến ngày rời bỏ quê hương. Chạy sang Mỹ đi làm như mọi người, công việc thường nhật : quanh quẩn với sách vở ở Thư viện cho đến giờ tan sở.