Cãi

Song Thao

Ông Luân Hoán là người, đôi khi, rất can đảm. Có lẽ càng có tuổi, ông nhà thơ hay ba láp này càng không biết sợ là chi. Ông dám mang chuyện cãi cọ ra mà…thơ. Một ngày cuối năm, khi ông ba mươi sắp hết nhiệm kỳ nhường sân khấu lại cho chú mèo hiền khô, sắp vắng bóng cọp nên chắc sư tử Hà Đông cũng de luôn, ông Luân Hoán giả mù sa mưa tung ra một bài thơ… cãi

đúng sai gì cũng cãi

một thói quen vợ tôi

cũng là một ưu điểm

để tăng thêm yêu đời

 

tôi cũng chuyên môn cãi

toàn những chuyện trời ơi

sai, không buồn xin lỗi

đúng, nói dai quá trời

 

Tôi bỗng thấy ông Luân Hoán như một phát ngôn viên cho đám cao niên chúng tôi nên hứng chí phát tán tùm lum trên net. Trong thâm tâm tôi nghĩ chuyện cãi cọ này được ra công khai chắc sẽ ồn ào dữ. Tôi vốn không có đức tính can đảm của ông bạn nhà thơ nên đã thòng theo một câu phòng hờ: “Mượn thơ ông Luân Hoán làm quà tặng cuối năm. Ai không có liên quan chi tới chuyện này thì xin vui lòng delete dùm”. Viết như vậy là nghĩ tới bạn bè nhiều lắm. Tôi biết các bạn tôi đều có tuổi, nhiều ông đã bị bệnh Parkinson. Vậy mà quả thật bệnh run tay run chân đã hoành hành dữ. Hộp thư điện tử của tôi im re, không thấy ông nào trả lời cả. Chắc các ông bạn vàng của tôi đã delete thiệt! Cuối cùng lòi ra được ông Nam Dao. Ông này cũng can đảm thuộc loại thượng thừa. Cứ nhìn tướng ông ấy khắc biết. Ông nhà văn kiêm kinh tế gia này rất kiệm lời. Cả bài thơ dài thoòng mà tôi chỉ trích ra tám câu của ông Luân Hoán như trên, ông Nam Dao chỉ nhớ có một chữ: chữ “dai”. Vậy là ông ấy thơ lại:

 

Chuyện đó cũng dễ thôi
Khi lên cơn, cứ tưởng
mình cũng là ông trời

Nghĩ đến Mao đến Mác
nghĩ luôn đến cả Bác
và những tay dở hơi

Nếu bạn tin rằng thế
như chân lý đời đời
thì bạn được  cứu rỗi

Xin trả một miếng xôi
cho thằng Bờm tiếng cười
chia xôi cho thằng Cuội

Và lên ngay,
trên giuờng
Dai như là ...Luân Hoán

 

Nhận được có mỗi phản hồi của ông Nam Dao mà ông ấy lại bẻ cong chữ “cãi” thành chữ “dai”, cuộc chơi coi như thất bại. Hải ngoại chúng ta ra ngõ không bao giờ gặp anh hùng. Tôi vốn cũng chẳng can đảm gì nhưng trót tung hứng cái can đảm của bạn nên lỡ phóng lao phải theo lao. Cũng… cãi !


Song Thao

 



Cãi hình như là cái bệnh của những anh chị già chúng ta. Ông bạn tôi phân tích. Con cái ra ở riêng hết, cái tổ ấm ngày nào nay bỗng trơ ra chỉ có hai thân già rảnh rỗi suốt ngày, không cãi thì biết làm chi? Mà đã cãi thì cãi nhau chứ chẳng lẽ cãi với cái cột nhà? Vậy thì cãi là… chính nghĩa. Đây là một màn cãi. Hàng xóm nghe hai vợ chồng đang cãi nhau kịch liệt. Tiếng ông chồng: “Sao con mẹ này hay cãi lại tôi nhỉ? Thế bà là vợ tôi hay là mẹ tôi vậy?” Tiếng bà vợ: “Chẳng biết! Thằng nào vẫn bú tôi thì thằng đó là con tôi!”. Im lặng, một lúc lâu sau mới nghe tiếng thằng con vừa về thăm nhà: “Mẹ nói đúng đấy bố ạ!”. Tiếng quát tháo của ông chồng: “Lại còn mày nữa! Tao là bố mày hay là em mày hả?”. Tiếng thằng con cãi lại: “Chẳng biết nữa! Ai cai sữa trước thì người đó là anh!”.

 

Nếu ngâm cứu chuyện trên thì có thể rút ra được hai điều. Thứ nhất là hai ông bà này già rồi mà còn tình gớm. Chúng ta nên lấy đó làm gương. Thứ hai là khi cãi nhau, vợ chồng hay nóng bất tử nên xưng hô không được tiêu chuẩn lắm. Dùng “thằng” hoặc “con” là điều không nên. Họ hàng với “thằng, con” là “mày, tao”. Những cách xưng hô phỉ báng, chối từ nhau này được phát ra trong lúc nóng giận là một thứ… khủng bố. Tình vợ chồng bị nổ tan tành. Một bà 25 tuổi, sau khi bị chồng tấn cho một trái bom “mày im đi”, liền chơi ngay vũ khí “tao không im”, kể lại: “Lần đầu tiên thì thấy ngượng mồm, cảm giác bẽ bàng lắm. Nhưng sau thành quen, giờ cứ hễ vợ chồng cãi nhau là cứ tự nhiên văng ra như thế. Cảm giác hai đứa chẳng còn chút tôn trọng nào với nhau nữa”. Như vậy là xuống cấp. Cả hai đã đẩy nhau xuống hố sâu của nhân cách. Nhưng mặt mũi một đống, tay chân run lên, mồm miệng tia liên thanh nhanh như chớp, làm sao mà “anh, em” được? Biết là các cụ dậy phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói nhưng đang phừng phừng trong người một núi lửa, ở đó mà uốn. Có mà đứt lưỡi! Hai cái núi lửa phun một lúc thì mù mịt khói lửa, khó uốn lắm, nhưng nếu người kia không chơi trò núi lửa mà bình tĩnh dội vào cái núi lửa một trận mưa thì khói lửa chi được. Một chị chưa mày tao, chỉ mới xưng “tôi” với chồng đã được ông chồng… dội: “Em này, em đừng xưng hô như thế với anh, nghe chướng lắm. Nếu anh cũng xưng hô như vậy, em có buồn không?”. Chị vợ bỗng tỉnh, ngượng, nhưng máu cãi vẫn còn nên chống chế: “Nhưng mà không xưng hô như thế thì cãi nhau thế nào được!”. Anh chồng chỉ chờ có thế, ghi ngay bàn thắng vào gôn vợ: “Vậy thì đừng cãi nữa!”.

 

Thế là huề. Phẩm giá của cả hai được cứu rỗi. Ông chồng này được việc nhưng ít máu… phiếm. Ông bạn tôi xuất sắc hơn nhiều. Hai vợ chồng cãi nhau. Tới lúc chị vợ “ông ông tôi tôi” một cách say sưa, anh xịu mặt: “Thôi, em thua chị rồi chị ơi. Chị đừng nóng nữa, em sợ lắm!”. Chị vợ phì cười. Vậy là cuộc cãi vã hết vẻ trầm trọng và kết thúc một cách bẽ bàng.

 

Nói chuyện cãi thì triền miên không dứt. Triết gia Descarte đã có một câu bất hủ: cogito ergo sum (tôi suy nghĩ , vậy tôi hiện hữu) nếu sống cảnh già với vợ chắc sẽ nói lại: tôi cãi, vậy tôi hiện hữu. Không cãi là không sống. Căn nhà im phăng phắc cứ như nhà… ma. Hình như việc nhìn mặt nhau trong một thời gian dài đã quá đủ, nhìn thêm thấy chướng mắt, chướng mắt thì phải diễn tả cho người kia thấy nguyên sự hiện diện của mình đã là một lầm lỗi. Phải làm một cái gì để cho đối phương biết sự lầm lỗi đó. Vậy là cãi! Muốn không cãi thì trốn. Căn nhà ngày xưa vợ chồng con cái ríu rít, nay đàn chim đủ lông đủ cánh đã bay đi hết, cái ríu rít cũng đi theo, trống huếch trống hoác, phòng ốc dư dả. Hai con chim già rụng lông rụng cánh, mỗi con ẩn mình trong một phòng, đừng nhìn nhau nữa em ơi, vậy là hết cãi. Nhưng đâu có hai mươi bốn tiếng biến mất trong mắt nhau hoàn toàn được, cũng phải có lúc lộ diện, mắt lại thấy chướng, vậy là mồm miệng có job ngay tức khắc.

 

Vì sao vợ chồng, nhất là vợ chồng già, hay cãi nhau? Nhà tâm lý học Keith Sanford của Đại Học Baylor cất công tìm hiểu. Có 3539 cặp vợ chồng tham gia trả lời một bảng câu hỏi. Phân tích kết quả, nhà tâm lý học tìm ra là các cuộc đấu khẩu bắt đầu từ hai yếu tố căn bản rất ít liên quan tới nội dung việc cãi nhau: đó là một trong hai người cảm thấy hoặc bị kiểm soát một cách quá lố hoặc bị thờ ơ. Hai vợ chồng già hay khẩu chiến chắc vì lý do thứ hai chứ lọm khọm cả hai thì kiểm soát chặt chẽ làm chi cho phí sức!

 

Dù cãi nhau vì lý do gì thì cũng nên cãi cho có… nghệ thuật. Lại có thứ nghệ thuật cãi nữa hay sao? Đâu có phải như mấy ông bạn thầy cãi của tôi đâu mà phải dùi mài luật lệ nơi trường Luật. Mấy ông đó cãi nhà nghề, khác. Họ lý lẽ lắm, lấy miệng đè người. Một bà ra làm nhân chứng trước tòa. Trước khi trả lời một câu hỏi của luật sư cãi cho bên bị, bà luôn bắt đầu “tôi nghĩ rằng”. Ông luật sư nạt nộ: “Tòa chỉ cần bà nói ra những gì bà thấy, bà nghe. Tòa không cần biết bà nghĩ gì!”. Bà nhân chứng cãi lại: “Tôi không phải là luật sư. Tôi phải nghĩ trước khi nói!”.

 

Vậy thì trước khi cãi, vợ chồng cũng cần phải nghĩ. Không phải cứ cãi tưới là hay. Nên nhớ là khi cãi nhau là cãi về “quan điểm” chứ không phải cãi về vấn đề “đúng sai”. Nguyên nhân cãi vã của hai vợ chồng thường là do hai người nghĩ rằng chỉ có một giải đáp duy nhất cho vấn đề. Cãi vã là để chứng tỏ mình đúng và đối phương sai. Thế là triền miên la lối. Không có lối ra. Người biết cãi nhau một cách có nghệ thuật là người cố gắng lãnh hội ý kiến thực sự của đối phương để so sánh sự khác biệt giữa hai người và nhìn thấy điểm chung. Người không biết nghệ thuật cãi nhau là người cứ cãi tưới, nhắm mắt mà cãi, không biết nghe đối phương, cốt cãi cho thấy là mình đúng, đối phương sai. Vậy là… phi nghệ thuật!

 

Thông thường cãi nhau là cãi lý, vậy nên chúng ta luôn tìm những sơ hở của đối phương để bắt bẻ. Hạ nhau như hạ kẻ thù. Cãi lý như vậy sẽ làm tổn thương tình cảm, khó hàn gắn khi cơn giận đã qua. Vậy nếu khôn ngoan thì vợ chồng cãi nhau nên nghĩ tới cái tình. Để cho nhau lối rút về sau chứ cứ nhắm mắt cãi cho đã miệng là bít kín đường về. Lý lẽ mà làm chi! Người biết nghệ thuật cãi nhau là người luôn biết chừa đường rút cho đối phương trong khi người thiếu nghệ thuật là người ép đối phương đến đường cùng.

 

Cãi cũng như đánh cờ người, đó là chuyện cấm ngoại thủy không ai được biết. Vậy nên có to tiếng thì cũng đóng cửa lại, vợ chồng cãi nhau rồi cũng vợ chồng hòa giải với nhau. Có sự hiện diện của người thứ ba, dù là ông bà cha mẹ hay con cái chăng nữa, chuyện hòa giải sẽ thêm ngượng ngùng khó khăn hơn. Hình như hòa giải kiểu cờ quạt của nữ sĩ họ Hồ sẽ mau chóng và hữu hiệu hơn. Đây là kinh nghiệm của… bạn tôi.

 

Không ai khơi khơi mang nhau ra cãi. Cãi bao giờ cũng có nguyên nhân. Nghệ thuật cãi là tập trung vào việc nói rõ vấn đề tranh cãi để đối phương rõ được tình hình và mong muốn của mình. Ngược lại, người không có nghệ thuật cãi thì lang bang bới chuyện nọ chuyện kia, đôi khi là những chuyện cũ xì đã cho vào bảo tàng viện từ năm nảo năm nao. Rồi để cho đã cơn tức lại làm mình làm mẩy để bày tỏ cơn tức khí của mình. Khi cái bụng đã tức thì thường cái miệng thổi bong bóng cho sự việc to phình hơn bằng những từ ngữ thậm xưng, quá trớn cốt để chọc giận đối phương.

 

Cãi nhau là việc chẳng đặng đừng, người chín chắn không bao giờ muốn làm cái việc mất thời giờ và năng lượng này. Nhưng vợ chồng khác nhau từ căn bản. Tính đàn ông và tính đàn bà không giống nhau nên chắc chắn sẽ có bất đồng. Người khôn biết chấp nhận sự bất đồng, coi như chuyện dĩ nhiên của trời đất. Người dại muốn làm khôn lanh mới ưa cãi. Bạn muốn mình ra sao?

 

Muốn ra sao thì chúng ta đều là những người mang xác phàm. Bắt làm thánh khó lắm! Vậy nên chuyện cãi vẫn là chuyện muôn đời.

 

Tuổi trẻ là tuổi hãnh tiến, luôn muốn cho mình là nhất. Hai cái nhất đụng nhau trong cái khóa hôn nhân, vậy là… phản kháng. Cô vợ tự khẳng định trước: “Nhà này mà thiếu em thì tan nát hết, chẳng còn cái chi!”. Anh chồng không cãi mà còn đế thêm vô: “Em nói đúng, người vợ trong gia đình cũng giống như cái ổ khóa của một căn phòng. Đồ đạc trong phòng được an toàn là nhờ cái ổ khóa tốt. Còn anh chồng chỉ như cái chìa khóa mà thôi, làm sao so được với cái ổ khóa!”. Cô vợ coi bộ tương đắc với sự ví von đầy thuận lợi cho mình: “Anh nói đúng lắm! Chưa bao giờ em thấy anh đánh giá vai trò của vợ chồng chính xác như  vậy. Hóa ra anh cũng không ngớ ngẩn lắm nhỉ?”. Hình như đã có khói tỏa ra trong câu nói của cô vợ. Anh chồng vẫn điềm đạm: “Để anh nói hết đã. Cái ổ khóa tốt là ổ khóa chỉ có một chìa mở được”. Cô vợ hùa theo liền: “Đúng vậy! Nếu chìa nào cũng mở được thì ổ khóa là loại vứt đi!”. Anh chồng thủng thẳng tiếp: “Còn chìa khoá tốt là chìa khóa mở được nhiều ổ khóa”. Cô vợ hấp tấp: “Đúng!”. Nghĩ lại, cô vội xấn xổ tiếp: “Á à! Anh muốn chơi tôi phải không? Thế cái chìa của anh mở được bao nhiêu ổ khóa rồi hả? Nói đi, nói đi! Sao im thin thít vậy? Nói cho mà biết, tôi thì tôi bẻ cong bẻ quẹo cái chìa láo lếu của ông cho biết tay tôi!”.

 

Đó là chuyện cãi của vợ chồng trẻ. Vợ chồng già không phải lo về độ cong của chiếc chìa khóa. Nó không thể cong được nữa vì đã… nhão! Cãi của tuổi cỡ ông Luân Hoán mềm mại hơn nhiều.

 

những lời qua tiếng lại

ôn hòa nhẹ nhàng thôi

cũng chỉ là tập thở

cho miệng lưỡi khỏi hôi

 

lâu ngày thành cái thú

 thư giãn thật tuyệt vời

đề nghị ngành thể dục

ghi thêm một môn chơi

 

Môn chơi này người ta chơi tới chết. Đây là một màn “thể dục” cuối đời. Chiếc xe loạng choạng đâm vào một gốc cây. Đó là những người trên đường nhìn thấy. Sự thực chuyện gì xảy ra trong chiếc xe bị nạn đó?

 

“Tại anh phóng xe cố mạng, gặp đường trơn phải thắng gấp nên mới ra nông nỗi này!”

 

“Anh phải đạp thắng vì em chụp vô tay lái!”

 

“Em phải chụp lấy tay lái vì xe lảo đảo quá nguy hiểm”.

 

“Xe chỉ lảo đảo sau khi em kéo thắng tay”.

 

“Em kéo thắng tay vì anh tru tréo la ‘trời ơi!’”

 

“Anh la lên vì em gạt chân anh ra khỏi chân ga”.

 

“Sở dĩ em phải gạt chân anh ra vì anh không nghe lời em”.

 

“Anh không thể nghe lời em khi em bảo anh nên về lái xe bò chứ đừng lái xe hơi!”

 

“Em phải nói thế vì anh phóng xe vùn vụt như muốn tự tử trong lúc trời đang mưa tầm tã”.

 

“Anh phải phóng nhanh vì em giơ ngón tay giữa lên chửi thằng lái chiếc xe vận tải lúc mình qua mặt nó khiến nó nổi điên lên rượt theo sát nút”.

 

“Em chửi nó vì nó lấy ngón tay gõ gõ vào đầu bảo rằng em điên”.

 

“Hắn bảo em điên vì em thò tay ra ngoài xe như là làm dấu quẹo mặt trong khi xe mình đi thẳng”.

 

“Em giơ tay ra là để chỉ cho anh thấy những gốc cây mà anh sẽ đâm vào nếu anh vẫn cứ lái xe ngu như thế”.

 

“Nhưng đằng nào thì mình cũng đã tông vào một gốc cây”.

 

“Đúng! Điều đó chứng tỏ rằng anh làm bất cứ chuyện gì cũng nhằm mục đích chọc tức em!”.

 

Câu chuyện càng lúc càng nhỏ dần. Hai nạn nhân hồn lìa khỏi xác, mặt còn nguyên vẻ nhăn nhó tức giận đi tìm lý lẽ để thắng cuộc cãi vã!

 

Song Thao

02/2011