Lang thang theo mưa

Hà Khánh Quân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Năm ngoái cũng như nhiều năm trước, những cơn mưa mùa hạ ở Montréal thường dịu dàng. Những giọt mưa dùng phần lớn thời lượng, để thong dong lả lướt. Sự khoan thai tạo nên một vẻ đẹp rất kỳ diệu, đủ giúp tôi hoa hòe hoa sói trong câu chữ, thuần chất thi ca riêng cõi Việt Nam:

 

mưa hạ ở Montréal

mượt mà như những nhánh cành ca dao

hương từ những búp mây cao

vải thơ ra buộc tình vào với nhau

 

em đi tay mở che đầu

mưa ngấm làm bóng thêm màu móng tay

bước chân ngỗ nghịch trình bày

đồi hoa cỏ mượt chân mày săm soi

 

em đi phơi phới gió lùa

váy cao lạc ngọn mưa vừa trổ thơ

hình như cũng thật bất ngờ

có tôi trong hạt mưa chờ hiển linh

(Mưa hạ Montreal – SNCNTNT)

 

Nhưng năm nay, hình dáng yểu điệu của những dòng mưa cũ ấy chợt mất đi. Giữa đất trời, sau những tia chớp, tiếng sấm, lượng nước từ mây cao đổ xuống vội vã, dồn dập và kéo dài. Mưa đang thực hiện điệp khúc chung chung ở mọi nơi, mọi miền. Tác phong này tôi đã gặp rất thường trên con đất miền trung quê nhà. Hơn thế nữa, gần nửa tháng nay, Montréal có nhiêu trận mưa với cường độ bắt đầu bay thật hùng vĩ, không cho tôi kịp có thời gian:

 

ngồi chăm chú đếm hạt mưa

một – hai – ba - bốn...lưa thưa xuống đường

mười ba - mười bảy... dễ thương

hai mươi – hăm mốt...buồn buồn vẩn vơ

hăm lăm... đã rối như tơ

thôi không đếm nữa, làm thơ để dành...

(Nghe mưa – Trôi Sông)

 

Vâng, trong cái bao la của màn nước giăng mờ không gian, tôi bắt gặp thơ dễ dàng. Mưa trở thành một điểm tựa đẩy cái lãng mạn uyển chuyển:

 

làm thơ từ thuở chòng chành

hai con mắt nhúng vào vành môi ai

làm thơ từ thuở chân dài

thòng ra vấp cái trâm cài tóc thơm

làm thơ từ thuở cà lăm

câu chào, tiếng hỏi cong cong hương tình

làm thơ từ thuở rùng mình

nửa đêm ẩm ướt thình lình nhớ ai

(Nghe mưa – Trôi Sông)

 

Với cuộc ngao du qua bốn mùa, trong chiều dài trên bảy mươi ba năm, tôi đã đội trên đầu cả triệu hạt mưa. Lần hạnh ngộ đầu tiên, có thể đã xảy ra giữa đất trời Hội An, nơi tôi được ra đời. Tiếc rằng những giao tiếp nếu có ấy, ngày nay tôi không còn lưu giữ hình ảnh nào. Ký ức của tôi tràn đầy những cơn mưa rừng ở Tiên Châu, Tiên Phước, nơi tôi cư trú liền trong bốn năm thời tản cư. Những cơn mưa núi thời ấy, rất thường đến thăm mái lá chúng tôi vào xế trưa, sau những tiếng thị uy dõng mãnh, rung rinh cây xanh đá tảng. Nhiều hình ảnh linh tinh lấp lánh cùng những trận mưa ấy, nhưng tôi không nhớ hết. Kỷ niệm đậm đà nhất vẫn là những lần tắm mưa, Không gian và hoạt cảnh tiêu biểu, tôi có thể nhìn lại rõ ràng từng nét một:

 

mưa rừng đạp ngã bóng chiều

sấm chạy theo chớp xiêu xiêu mái trời

nước không kịp nhịp nhàng rơi

đổ ập cả khối, khắp nơi mịt mù

 

vang rền điệp khúc u... u...

đất trời co cụm hình như dính liền

đàn gà đứng lặng trong hiên

chân co mặt cúi thành hiền triết ngay

 

cho dù tôi rất lẹ tay

hạ cây chống cửa, nước đầy cả lưng

sẵn đà tôi tuột luôn quần

xông ra sân đất thư hùng với mưa

 

mưa đầy bản lĩnh, chẳng vừa

quất khắp mình mẩy chẳng chừa chỗ mô

tôi đây có ngán chi nào

bụm chim co cẳng chạy ào ra luôn

 

chim lạnh, teo như con truồng

nước miên man phủ suối nguồn thịt da

hết nơi chạy, tôi la cà

bên đường tre dẫn nước qua lu sành

 

(cha tôi buộc bẹ chuối xanh

quanh thân cau để làm thành vòi cong

nước từ tàu cau xuôi dòng

xuống thân rồi đổ vào lòng máng tre)

 

tôi ngồi táy máy vuốt ve

dòng nước đang chảy như nghe tiếng rừng

trời mưa một chặp rồi ngừng

tôi vào mặc áo còn quần chưa khô

(Tắm mưa rừng – Thơ Thơm Từ Gốc Rễ Tình)

 

Những hình ảnh đàn gà trú mưa, cây chống cửa, cách và đường hứng nước, dẫn nước, có thể xa lạ với một số bạn, nhưng việc tắm mưa của tuổi thơ, hầu như những người trong chúng ta đều đã được hưởng qua. Văn thơ phung phí cho nét đẹp này cũng đã lắm. Gần đây, tôi được đọc một đoạn viết của ca sĩ Lệ Thu, ghi lại nét ngây thơ tắm mưa của chị. Được gặp lại sự thân mật đời thường, tôi có cớ để cảm ơn giọng ca tôi từng thưởng thức:

 

một thời em thích tắm mưa

không hay núm vú đã vừa nhón chân

tư triển lãm thân trần

ông trời hay giọt mưa bần thần run ?

 

xóm giềng nhóm lửa yêu thương

hay chong mơ mộng khác thường tùy nghi ?

từ trong nguồn cội xuân thì

lẽ ra đời đã thêm thi sĩ rồi

 

một người nghe kể như tôi

cũng rung động bút chọn lời ngợi ca

thưởng hoa không cần ngắm hoa

tưởng tượng phong phú mới là thần tiên

 

mình không phải thánh hiền

trải lòng nâng giọt bút nghiên theo tình

vu vơ ngàn vụn thủy tinh

kết thành đại đoá hoa linh hiển này

 

không tặng người tắm mưa bay

cảm ơn mỹ nữ thơ ngây tuyệt vời

thay ông hàng xóm xưa lười

viết đôi câu dỏm cầu trời lại mưa

(Tặng người tắm mưa – Linh Tinh Thơ Tình)

 

 

Như đã nói, mưa theo tôi qua nhiều đoạn đời. Ấu thơ tôi không dừng chân mãi ở Tiên Phước, chúng lang thang về quê nội Hòa Đa Hòa Vang Quảng Nam. Với hai năm cùng nông thôn, tôi tắm mưa thường xuyên hơn, Nhà có sân gạch rộng với hai cổng vào lát gạch, qui tụ gần như tất cả đầu chỏm trong xóm dồn về. Lúc này tôi không còn thả rông con chim. Và hơn thế nữa, đã biết lưu ý quan sát bè bạn chung quanh. Những hình ảnh quen quen chợt lạ, chúng trở thành ngộ ngộ thế nào, đủ để bộ nhớ ghi lại những nét dễ thương, tạo bâng khuâng cho nhiều năm sau:

 

nhớ xưa hồi mới lên mười
chiều chiều mưa tạt thềm, mời tắm mưa
chạy ra ngõ rợp tàu dừa
vuốt đầu, vuốt mặt, thì vừa gặp em
tóc tơ đã ướt chềm nhềm
hai bàn tay bụm cái thềm tinh hoa
em lên sáu, bảy thôi mà
sao hai con mắt tôi đà xốn xang ?
mười năm sau, trở về làng
mưa, chiều, tôi núp dưới hàng keo xanh
em không tắm nữa, đã đành
cõi xưa, nhìn trộm, để dành cho ai ?

(Hỏi – Cỏ Hoa Gối Đầu)

 

Khi đã sống cùng không gian thành phố, những giọt mưa đã mau lẹ theo chân tuổi tôi mà lớn lên. Bởi không thể khi em “vào chiều mặc jupe-serrée / mang giày gót nhọn lượn xe, vói người...”, tôi có thể ngồi yên. Dù tự nhận ra “anh ngu như thể con bò” cũng phải “lên yên xe đạp lò dò theo em” . Và như thế là: “phố dài gót đỏ lênh đênh /thương con bóng vỡ hoài trên mặt đường...”. Sở thích tắm mưa vì vậy mất dần lý thú, nhường đất cho những chập chững trưởng thành. “Mưa về thành phố”, “Đêm mưa về Hội An”, “Thơ ngoài trời mưa”, “Đêm mưa uống rượu”... Khó nhớ hết.

Hư cấu ít, chân thật nhiều, thậm chí có cả “thút tha thút thít mưa hoài” của lần tập ngủ đò trên sông Hương. Bóng dáng con gái đã có mặt đậm đà cùng mưa trong thơ. Hình ảnh có thể sờ nắm được sự nóng hổi của kỷ niệm:

 

tan buổi học về ngang qua Lê Lợi

mưa dông như cầm chỉnh đổ xuống đưòng

ghé rất vội vào hàng hiên đóng cửa

đứng vuốt đầu bắt gặp một mùi hương

 

hình như có tiếng chân sau lưng cửa

không tò mò cũng liếc mắt vu vơ

một mái tóc trải thơm vai áo lụa

đang lắng nghe tiếng động đáng nghi ngờ

 

mưa càng lúc càng gia tăng hối hả

ngọn gió cuồng xô xe đạp ngã lăn

quay lưng chắn ngàn sợi mưa ướt vở

mặt vô tình va vào cửa chưa quen

 

chưa kịp thấy đau bất thần cửa hé

đôi mắt nhìn quan ngại lẫn bao dung

ngượng ngập lách mình vào lòng trắc ẩn

chợt thấy lâng lâng thanh thản vô cùng

 

từ bữa đó mỗi lần qua Lê Lợi

trời không mưa mà cũng ghé mắt vô

cho đến bữa hẹn nhau cùng đến lớp

tay trong tay cũng đã đến bất ngờ

 

em mười bốn mới vừa lên đệ tứ

tôi hơn hai học đệ nhị đàng hoàng

tưởng đã lớn hóa ra còn con nít

tình tinh khôi chợt lặng lẽ chia tan

 

rồi một bữa bất ngờ qua Lê Lợi

trời mưa dông, sao không ghé vào hiên

sao cứ mãi đạp xe qua xe lại

căn nhà xưa vẫn lặng lẽ, điềm nhiên

 

tình gió thoảng nào phải đâu hời hợt

mưa hay em thành kim chích vào tim

vuốt mặt mưa vẫn trào đáy mắt

tôi được thành vết sướt tim em

(Trốn mưa –Thanh Thi)

 

Và thú vị thay, mưa vẫn lẽo đẽo theo tôi, ngay trong ngày thật sự trưởng thành trong nhiệm vụ con trai:

 

C.130 đổ xuống Tân Sơn Nhất
Sài Gòn dàn chào một cơn mưa
may mắn cho những thằng đang khóc
vừa đi vừa tự nhiên vuốt mặt
một áo, một quần, một tờ lá cải   
lội bộ theo tôi ra Lăng Cha Cả
nhá nhem đèn đêm đợi xe GMC
đốt điếu thuốc
môi nhạt thèm một nụ hôn
đảo mắt vòng vòng trên những đỉnh vú
tự nhiên thấy tiếc vu vơ
xe chạy, gió dằn xóc
thùng xe, lưng chống lưng
tay, tay xòe chống mưa
có đứa cười
có đứa tiếp tục khóc...

(Bài học vỡ lòng ở trường BB Thủ Đức – Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)

 

Từ đó mưa theo vào doanh trại, bãi tập, sân bắn. Mưa trong giờ tùy quyền. Mưa lúc chùi súng. Mưa lúc đọc thư nhà... Mưa bò dần ra mặt trận miền trung Quảng Ngãi. Vui với chi đoàn trưởng Thiết giáp Lê Văn Nghĩa dùng thiết xa lội lụt ra Ngã Năm. Buồn với đêm ba mươi chờ hưu chiến trên đồi Lâm Lộc”:

 

ai biết bây giờ chúng ta đang ở đây

mặt trời ngủ một mình

cơn mưa thì đui mù

gió

gió nhức nhối rung chúng ta

những nhớ nhung thèm khát...” (VĐCNYD)

 

Vui buồn cứ thế theo nhau trong nghiệp lính chiến ngắn ngủi, nhưng đậm đà hương máu của tôi. Mừng với những Mưa hát trên poncho. Mưa lội qua Xuân Phổ. Mưa cùng ngủ trong chuồng trâu, với những thao thức lo toan:

 

rấm rứt mưa vây quanh chỗ nằm

đêm giam trời đất tối câm câm

loay hoay tù túng trong lòng võng

chẳng mộng mơ nào ghé tới thăm

 

ngai ngái mùi rơm cỏ lẫn phân

chuồng không, trâu vắng đã bao năm ?

muỗi ruồi cũng bỏ đi đâu hết

làng đuổi xua luôn những hạt mầm !

 

nằm giữa cơn mưa giữa chuồng trâu

hình xưa dáng cũ đến trong đầu

nhớ cha nhớ vợ hiền chưa cưới

nhớ cả người dưng mới thấy nhau

 

dễ gì quên những bụi bờ

đàn em đang trùm kín poncho

ngủ ngồi có ngáy to không biết

địch đánh hơi ra, sợ, bỏ lơ ?

(Ngủ trong chuồng trâu – Ngao du cùng vũ khí)

 

Thế nhưng mưa trong ngày 29 tháng ba, tại Đà Nẵng mới thật sự buồn. Cường độ mưa hình như không bình thường, dù vẫn là một cơn mưa dông quen thuộc. Có cái gì đó như uất ức, nghẹn ngào. Những giọt nước trong ngân dài nhịp hơn, quắn quíu cuống cuồng một cách kỳ lạ. Ngồi nhìn mưa rồi nhìn lại mình, hoàn toàn mất phương hướng. Bất lực chờ đợi một sự ghê gớm sẽ xảy đến. Thơ khó lòng hiện diện.  Tâm sự càng rối bời, thơ càng lẩn tránh. Dễ chừng gần ba tháng sau ngày đảo điên đất trời, một người làm thơ ngày một như tôi phải bó tay. Không thơ mưa đành phải dứt, hay chính tôi không còn lưu ý đến mưa ?

Mãi đến khi chính thức là người thất thế, định cư trong khu Côte des Neiges, Montréal, tôi mới gặp lại mưa, sau nhiều tháng kết thân với tuyết. Mưa Montréal vẫn là mưa mùa hè mới đúng dạng của mưa. Một hôm buồn chân theo mưa bay, qua tôi, thơ hội ngộ với nước từ trời:

 

mưa từ Plamondon

mưa qua Van Horne, mưa vòng La Voie

mưa theo chân bước tà tà

mưa bình yên nối tiếp ta với trời

giọt trên mắt, giọt trên môi

giọt trên ngọn tóc lả lơi gió đùa

giọt thỏ thẻ, giọt phân bua

giọt trăn trở giữa đời lừa dối luôn

ta theo mưa dạo giải buồn

mưa theo ta học tình thương yêu người

không gian mưa với ta thôi

trăm năm chưa nói hết lời yêu em

(Mưa bay – Ngơ ngác cõi người)

 

Tôi tuổi Canh thìn, nhưng nằm ở khúc đuôi xương xẩu của con rồng, gặp mưa không hẳn  dễ bừng lên. Nhưng thật sự, nhờ mưa, tôi trôi về ký ức:

 

qua cầu Bạch Hổ gặp mưa

hết đường chạy núp đành đưa đầu dầu

nón em nghiêng ngã về đâu

sao không che giúp lòng nhau với nào

ước chi triệu hạt mưa rào

dắt dìu hồn sít rịt vào với nhau

(Cho ta một chút gì thưa Huế - Cảm Ơn Đất Đá Trổ Thơ...)

 

Dĩ vãng là kho kỷ niệm mê ngủ, dần dà theo cái hứng trở mình. Những hình ảnh cũ trong các mùa mưa xót xa thức dậy. Những người chị thân yêu của tôi vẫn đang thắp những đôi mắt chờ đợi. Tôi níu kéo sợi mưa ở xứ người, tha thiết hòa chung nước mắt: (nghe giọng Thúy Vinh, Việt Nam)

 

http://luanhoan.net/audio/mp3/muavanmu.mp3

 

Mưa suốt ngày đêm suốt mùa đông
chị đang đúc bánh xèo phải không?
chảo đen bột trắng bàn tay nhỏ
đổ hết lòng trên ngọn lửa hồng

 

nhớ gởi kèm theo một chén tương

ớt xiêm chanh lụa ấm hơi vườn

gởi thêm búp chuối chị đang xắt

lỡ đứt tay đừng bịt vết thương !

 

em vẫn đang nhai lại tuổi thơ

bút cùn hành hạ tả tơi thơ

ngại rằng nước mắt chao hình ảnh

em vẫn van em đừng bao giờ

 

mưa suốt ngày đêm suốt mùa đông

nhà mình có giọt chỗ nào không ?

hứng lưng gáo nước phun lên giấy

cho loảng bớt mùi lệ nhớ mong

 

ôi thấy rõ ràng những ngón tay

chị từng kỳ rửa cặp chân này

giũ mền trải chiếu ru em ngủ

thơ dậy theo ca dao mớm mỗi ngày

 

nghe thoảng qua hồn tiếng thở ra

mỗi lần chị nói bị em la

đã quen ăn hiếp chị từ bé

có hiểu em thương chị nhất nhà ?

 

mưa suốt ngày đêm suốt mùa đông

mưa xuyên đầu núi lún mặt sông

mưa từ Đà Nẵng qua bắc Mỹ

mưa phất phới bay mưa lưu vong


chị buồn còn hơn những hạt mưa
sầu hơn cổ nhạc tự ngàn xưa
nhớ thương em trốn vào thi khúc
sao chút lòng em vẫn cứ thừa

 

chị khóc hay là em khóc đây

mày râu nam tử hèn vậy thay

mưa phùn mưa bụi mưa tầm tã

chẳng có mưa nào hơn lệ chia tay
(Xin gởi cho em vài hạt mưa - Cảm ơn đất đá trổ thơ...)

 

Và trong mỗi góc cuộc sống, khi có dịp kề cận với mưa, là mỗi dịp ôn lại dĩ vãng. Ngày qua đã qua bầm dập sinh nhai, nhưng chưa chết những kỷ niệm vô cùng thân thương. Khi ngồi không dù trong không gian nào, tôi cũng nhìn thấy:

 

lai rai trời trải thủy tinh

mặt đường nhựa rộng lung linh bóng chiều

ngắm mưa vớ vẩn đăm chiêu

thời lên năm, sáu hắt hiu trở về

 

gặp thằng giấu mũ bê rê

thà chịu tóc ướt dầm dề còn hơn

phai mùi nỉ mới thơm thơm

mùi bờm xờm của ổ rơm trên đầu

 

ấu thơ không rách không nhàu

dù hơi se sắt bạt màu thời gian

 

mười hai mười ba chàng ràng

vừa run vừ bụm thỏi vàng ớt xiêm

gọi chim mà chẳng là chim

còn chưa mở mắt lim dim cả ngày

nhiều lần vô cớ hay hay

đứng ngang như một chồi cây gió lồng

đang qua bãi biển bờ sông

đành lấy mũ úp những dòng thơ ngông

 

thời niên thiếu nặng triũ bông

ngày đêm hồn tắm trăng rằm, bình minh

 

chẳng dễ chi được thình lình

núp mưa trong chái hiên xinh xắn cười

nụ vui không ở trên môi

nở trong đôi mắt tức thời liếc qua

 

chưa kịp trẻ hồn đã già

chùm thơ con cóc tà tà mọc chân

 

rời thư sinh đụng phong trần

sớm thành một gã già gân như chừ

lạ kỳ đời mãi hình như

đứng trước chuẩn bị phiêu du bất ngờ

 

làm thơ rồi lại làm thơ

nằm trong chữ viết vẫn thao thức tình

 

trời đang mưa, hạt thủy tinh

kính xe gạt đẩy ảnh hình xưa xa

đi đâu, thôi chạy về nhà

hôn em, tỉnh lại, vẫn là thanh xuân

 

(chiều mưa trên đường St.Léonard Montréal, 01-5-2014)

 

Cũng như nhiều sắc diện, chân tâm khác, mưa một phần nào đã là nhân tình của thơ tôi. Và điều tuyệt diệu riêng với tôi, mưa chính là ông tơ bà nguyệt, cho tôi đến được cuộc tình trăm năm. Cuộc tình lớn này, tôi đã ghi lại trung trực bằng những dòng hồi ký thơ với tên Chiều Mưa:

 

....

một buổi sáng trời mưa buồn chi lạ

bâng khuâng nhìn em vọc nước ngoài hiên

gió mùa thu đùa trong tóc nghiêng nghiêng

bay lên má... nhận ra em đã lớn

trong khoảnh khắc lòng dịu dàng mơn trớn

buồn vu vơ theo thương nhớ miên man

mắt em xanh cũng bối rối hoang mang

le lói thắp nỗi tình ta ngơ ngác

từ bữa đó hồn ta đầy âm nhạc...

...

mười sáu năm qua đời dừng trong ga nhỏ

chiều hôm nay ngồi vơ vẩn trông mưa

em ngoài hiên lại vọc nước như xưa

ta bỗng thấy em vẫn là con gái

em có biết em vẫn còn trẻ mãi

bởi vì ta còn mãi mãi yêu em

nối tay nhau đan từng sợi võng mền

ta kính cẩn mời em yêu ngã xuống

chiều bát ngát mưa ngoài hiên phiêu lãng...

(Chiều mưa – Đưa nhau về đến đâu)

 

toàn bài thơ khá dài:

http://luanhoan.net/trichtho/trichtho.htm

 

Không phải là hình như mà chắc chắn còn nhiều chùm mưa khác cư trú đâu đó trong thơ tôi. Hôm nay trời rỉ rả mưa, tôi nhìn, tôi nhớ và tôi thấy một chút gì đó của tôi đang bay bay ngoài trời, muốn làm thơ quá chừng, nhưng lại thôi. Sách không dùng kê chân giường, nhưng một số nằm quanh ba chiều giường cao. Nhiều tập thơ tôi trong số này. Thòng tay vớ nhằn cuốn  Cảm ơn Đất Đá Trổ Thơ..., và vẫn áp dụng lối bói Kiều, mở ra bằng mấy câu:

 

mờ sáng quân vào hết mục tiêu

tầm tã mưa vây đời hắt hiu

đứng nhìn đồng đội bung lục soát

mưa tạt lạnh lòng mắt đăm chiêu...

 

Đâu ngờ mấy câu này đã vội cù rũ tôi lang thang theo mưa. Đọc thơ người đã thú, đọc thơ mình càng thú hơn, không phải theo tinh thần “văn mình vợ người” mà khoái mình hiểu cặn kẽ, gốc ngọn của bài thơ, hình dung lại được khi viết. Chữ dùng bất ngờ hay cố ý ra sao. Người tình, người vợ, dù chung đụng thân mật đến đâu, cũng khó biết hết những ưu khuyết trên thân thể mình ôm ấp. Nàng thơ thì lại khác. Tôi có khuyết điểm, không thuộc thơ bao giờ, kể cả của mình. Một vài câu thì có, cả bài đành chịu. Chính điều này cũng có cái hay, tôi nghĩ vậy. Thế nhưng cơ duyên để thành hình một bài thơ thì không mấy khi quên. Đọc thơ mình khỏi phải bình. Thú một điều nữa là có thể sửa ngay nếu muốn. Bạn thơ Thành Tôn cho rằng không nên sửa đổi những bài thơ đã phổ biến. Anh thường không ưng ý anh Tường Linh qua một số thay đổi. Tôi đồng ý với anh, không nên tùy giai đoạn chính trị, mà thay đi những câu chữ đã rất đẹp khi đang viết. Nhưng chỉnh sửa cách dùng từ không phản lại nội dung, thì vẫn nên. Trong Trôi Sông in lại, tôi đã nhuận sắc theo tinh thần này.

Với thú vị vừa nêu, chắc tôi còn đọc thơ tôi dài dài, có thể qua từng thi phẩm. Thật là một trò chơi tuyệt vời. Không khen chê. Không ba hoa về kỹ thuật, thì lo chi chuyện mèo khen mèo dài đuôi.

 

không tự biết thơ mình hay

cho chúng nằm dưới dao phay cho rồi

không nhận ra thơ mình tồi

thì nên chấm dứt cuộc đời làm thơ

 

Hà Khánh Quân

chào ngày đầu tháng 8-2014

ghi chú: những bài viết trên facebook thường vội, sẽ được chọn, sửa và lưu tại Web Vuông Chiếu